Sunday, September 24, 2017

Đọc sách: NHẬN ĐỊNH và những câu hỏi về MỸ THUẬT của TRỊNH CUNG


Trong cộng đồng người Việt tị nạn hải ngoại từ gần nửa thế kỷ nay vẫn có đủ loại sinh hoạt về văn hóa và văn học nghệ thuật của người Việt Nam. Chúng ta vẫn ăn Tết, vẫn mừng trăng mùa Thu với các em nhỏ, vẫn đi chùa lễ Vu Lan để nhớ ơn ông bà cha mẹ; chúng ta làm báo, xuất bản sách và ra mắt sách tiếng Việt; các họa sĩ vẫn vẽ tranh và triển lãm; các nhạc sĩ ca sĩ vẫn sáng tác và trình diễn, sản xuất đĩa ca nhạc ảnh hưởng không những đồng bào hải ngoại mà còn cả giới thưởng ngoạn trong nước...

Nhìn chung các sinh hoạt vừa kể, mảng hội họa tuy có mặt đều đặn nhưng không ồn ào năng động như các sinh hoạt khác. Xem tranh vốn là một công việc lặng lẽ, đứng trước một tác phẩm tạo hình, người xem cố nắm bắt vẻ đẹp cùng ngôn ngữ hội họa của họa sĩ tạo ra, khó chia sẻ cùng ai. Khai mạc một phòng hội họa khác với một buổi ra mắt sách. Với một tác phẩm văn chương hay khảo luận, ban tổ chức ra mắt sách có thể mời một số các bậc thức giả đứng ra giới thiệu tác phẩm, trình bày bằng lời nói những cái hay cái đẹp, cái cần thiết của nó. Với các tác phẩm hội họa, rất khó làm việc ấy, vì cái đẹp rất khó giảng giải, nó đến với một người qua sự cảm nhận nghệ thuật của người ấy, các lời lẽ của lý trí khó xen vào.

Cũng vì thế sách lý luận phê bình về văn chương học thuật thì nhiều, nhưng sách giảng giải về hội họa, và nói chung mỹ thuật, thì hiếm hoi. Cuốn sách Nhận định và những câu hỏi về Mỹ Thuật của Trịnh Cung mới xuất bản mùa hè 2017 thuộc vào loại hiếm hoi này.

Như nhan đề của nó, sách được chia làm hai phần: chương I là Nhận Định và chương II, Những câu hỏi về Mỹ Thuật.

Phần Nhận Định gồm những bài mang tính chất có thể là khảo luận, tùy bút, hồi ức, ký sự... nhưng nội dung đều nhằm trình bày những cái nhìn liên quan đến hội họa. Chúng tôi xin đề cập đến bài đầu tiên của phần này, có tựa đề khá dài “Sự phát triển của Văn Học và Nghệ Thuật khi thiếu tương hợp sẽ ra sao?”

Tác giả đã nêu ra một vấn đề khá thú vị, là sự tương quan giữa Văn Học và Nghệ Thuật (ở đây hiểu là nghệ thuật tạo hình), và chứng minh rằng văn và họa là hai môn khá mật thiết, cái này nâng đỡ cái kia để trở thành hay hơn, đẹp hơn. Quan sát sự phát triển của Tự Lực Văn Đoàn và các tờ báo của văn đoàn này là Phong Hóa và Ngày Nay trong thập niên 1930, tác giả đã tìm thấy một ví dụ rất thuyết phục cho nhận xét trên của mình :

“... Nhất Linh và nhóm TLVĐ không chỉ nhìn thấy khả năng làm đẹp của họa sĩ cho tạp chí Ngày Nay mà còn nhìn thấy mỹ thuật là một thế lực có thể làm thay đổi bộ mặt xã hội về văn hóa và văn minh nếu biết khai thác tiềm năng của nó. Tạp chí Ngày Nay trở thành bệ phóng tuyệt vời cho mỹ thuật Việt Nam khi tập hợp được gần như hầu hết các họa sĩ xuất sắc nhất thời ấy như Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Lê Phổ, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Cát Tường, Nguyễn Đỗ Cung... để cùng với các nhà văn, nhà thơ, kịch tác gia, nhạc sĩ... của TLVĐ làm cho cuộc cách mạng văn hóa bùng nổ và thành công vang dội.”

Nhiều người đã nhìn thấy giá trị mỹ thuật có tính cách mới mẻ và nổi bật trong cách làm báo của nhóm TLVĐ, nhưng hình như chưa có ai nêu lên sự tương tác lẫn nhau giữa văn chương và mỹ thuật đã tạo nên cảm hứng và nâng cao phẩm chất của mỗi bên như Trịnh Cung đã nhận thấy rất đúng trong trường hợp TLVĐ.

Cũng trong dòng cảm nhận ấy, tác giả Trịnh Cung đề cao vai trò của của tạp chí Sáng Tạo trong việc hướng dẫn việc tìm kiếm cái mới cho giới văn nghệ tại miền Nam sau 1954. Trịnh Cung và cả một thế hệ họa sĩ trẻ đã sống trong bầu không khí văn học nghệ thuật đầy sáng tạo ấy, và đã tạo lập nên sự nghiệp hội họa của mình.

Nhưng từ sau 1975 thì sự tương tác văn-họa ấy đã sụp đổ. Tác giả viết :

“Mọi tư duy văn học và mọi cảm hứng nghệ thuật đều nhất mực phải đi trên một đường ray do Đảng cầm quyền thiết lập chạy suốt từ Bắc đến Nam. Nền giáo dục xã hội chủ nghĩa kết liễu hoàn toàn nền giáo dục dân chủ, loại bỏ triệt để văn học và nghệ thuật tự do, đa nguyên.”




Một trang sách về Mai Trung Thứ

Tác giả cũng nêu ra tình trạng đáng lo ở phương Tây khi nền “tư bản thực dụng” đã lùa sinh hoạt hội họa vào trong một cái rọ, làm thui chột sức sáng tạo của người nghệ sĩ, dùng quảng cáo và khống chế mua chuộc giới phê bình để thao túng thị trường tranh.

“Cho đến khi những nhà trí thức Phương Tây từ triết gia cho tới nhà văn làm nổi bật sự vô giá của tác phẩm mỹ thuật bằng quyền lực của ngôn ngữ thuyết giảng, những doanh nhân mới đưa mỹ thuật vào tầm ngắm của họ. Vũ khí của họ là công nghệ quảng cáo và thế lực tài chánh. (...) Họa sĩ trở thành con bò tơ bị lùa vào thị trường mà giá cả luôn bị định đoạt bởi những nhà kinh doanh nghệ thuật với sự trợ giúp của ngành quảng cáo thượng thừa bùa phép.”

Đa số quần chúng không ở trong ngành hội họa có thể không hiểu hoạt động của dạng mafia này thực tế ảnh hưởng đến giới nghệ sĩ phương Tây đến mức độ nào, có điều kiện hóa, nô lệ hóa họ đến độ họ sáng tác hầu như dưới một hình thức đơn đặt hàng như dưới một chế độ độc tài :
“Riêng ngày nay, hay đúng hơn là từ cuối thế kỷ 20, khi Chủ Nghĩa Tư Bản Thực Dụng bành trướng ở phương Tây và Chủ Nghĩa Cộng Sản thống trị một số nước Phương Đông thì có một điểm khá giống nhau về lý do làm nên tình trạng hủy diệt sự tự do sáng tạo và tự do liên kết trí thức và nghệ sĩ.”

Chưa biết trong thực tế giới họa sĩ các nước phương Tây bị các thế lực này o ép đến mức độ nào, nhưng về phía người Việt Nam tị nạn, hy vọng các họa sĩ người Việt vẫn vẽ và triển lãm trong cộng đồng chúng ta sẽ không cảm thấy bị áp lực của cái lưới trời lồng lộng này.

Trong phần Nhận Định còn những bài viết về một số nhân vật thuộc giới nghệ thuật như Kiều Chinh, các họa sĩ Duy Thanh, Mai Trung Thứ, Thái Tuấn, các vấn đề như họa sĩ người Mỹ gốc Việt và “Dòng Chính Hoa Kỳ”, phê bình văn học và nghệ thuật của người Việt Nam. Các chân dung nhân vật được tác giả khắc họa linh động và gần gũi, nhất là khi đề cập khía cạnh nghệ thuật của họ tác giả đã có cái nhìn sắc sảo, cộng với rất nhiều hình ảnh về đời sống và tác phẩm của họ, khiến cho bài viết trở thành một mảng tài liệu rất quý cho lớp người nghiên cứu về sau.

Một trang về Nguyễn Gia Trí

Mở đầu chương II là một bài phỏng vấn họa sĩ Trịnh Cung, người đặt câu hỏi là Lê Đình Nhất Lang. Phải nói đây là một bài rất hay có tên gọi “Không Có Nền Nghệ Thuật Nào Bay Lên Chỉ Với Một Cánh”, mang lại cho người đọc nhiều hiểu biết thú vị lẫn thấm thía. Câu chuyện thời sự vào năm 2013, tỷ phú Leonard A. Lauder tặng bảo tàng Metropolitan Museum of Art một bộ sưu tập hội họa và điêu khắc trị giá 1 tỷ mỹ kim, đã khiến nhà báo Lê Đình Nhất Lang nảy ra ý thực hiện cuộc phỏng vấn về vấn đề thưởng ngoạn hội họa với họa sĩ Trịnh Cung.



 

Những trang viết về Paul Cézanne

Từ việc nhà tỷ phú tặng các tranh thuộc thời kỳ Lập Thể mà khi chúng mới ra đời quần chúng chưa hiểu và chưa mấy thích, người phỏng vấn đã nêu ra những câu hỏi như đứng trước một tác phẩm người xem có cần phải quan tâm đến yếu tố lịch đại để hiểu được, cảm được tác phẩm hay không, họa sĩ Trịnh Cung cho biết đó là điều cần thiết, vì “thời điểm ra đời của tác phẩm sẽ cho người xem biết nên dùng hệ quy chiếu nào để ‘đọc’ được nó. (...) Nghệ thuật mới sử dụng ngôn ngữ ẩn dụ và ngữ pháp khác thường nên không biết cách đọc thì chắc chắn người xem tranh sẽ thốt lên: Chẳng ra cái gì cả! Hoặc: Vẽ cái gì thế này?...” Đó là lời khuyên thiết thực chuẩn bị cho người xem tranh một số kiến thức tối thiểu, hoặc trang bị một thái độ sẵn sàng để hiểu được, cảm được tranh của một trường phái còn mới mẻ. Cuộc phỏng vấn kéo dài với nhiều vấn đề, và những câu trả lời đều chứng tỏ người được phỏng vấn có một kiến thức chuyên môn rất vững chắc. Câu chuyện dần dần dẫn tới tình hình quần chúng Việt Nam hiện tại không ham thích hội họa mấy, mà lý do theo họa sĩ Trịnh Cung là bắt nguồn từ nền giáo dục, khiến trong xã hội người vẽ tranh thì có mà người mua tranh thì vắng vẻ.

“Ý tôi muốn nói là một nền nghệ thuật phát triển phải có đôi cánh đều tốt. Hiện nay, nó chỉ có cánh sáng tác, đã đào tạo ra cả ngàn họa sĩ, nhưng cái cánh người xem thì ngày càng teo tóp, vậy lấy ai tiêu thụ những sản phẩm do phía họa sĩ làm ra? Người xem và mua tranh là một lực cân bằng và tác động rất lớn, có tính quyết định cho sự cất cánh của một nền mỹ thuật.

Đã không có người xem thì vở diễn phải dẹp và tất nhiên rạp hát phải đóng cửa, đó là thực trạng của thị trường mỹ thuật Việt Nam. Đây là chỗ phải giải của bài toán, và cách giải không có sự lựa chọn nào khác hơn là phải nhanh chóng thay đổi phương pháp giáo dục mỹ thuật cả từ các trường chuyên nghiệp lẫn từ bậc mẫu giáo đến trung học.”

Đó là những nhận định của một họa sĩ đã gần như suốt một đời sống và vẽ trên đất nước của mình, không những biết rõ mọi sinh hoạt nghệ thuật của xã hội Việt Nam mà còn là một người nặng ưu tư về nền nghệ thuật của xứ sở trong tương lai.

Các bài khác của chương II đều là những câu hỏi đi sát những vấn đề cơ bản của hội họa, và cách trả lời sinh động, sắc sảo, mở ra cho người đọc những khung trời độc đáo của mỹ thuật, mà một người bình thường không mấy khi có dịp biết tới. Chẳng hạn “Hình như bên nghệ thuật tạo hình, lý thuyết bao giờ cũng đến sau thực hành của các nhà nghệ sĩ. Lý thuyết dẫn dắt cuộc sống hay cuộc sống là nguồn cội của lý thuyết? (...) Riêng về nghệ thuật, lý thuyết luôn đi sau sáng tạo.”

Hoặc: “Chính trị nào thì sẽ sản sinh ra nghệ thuật ấy, do đó, hội họa cổ điển của các thế kỷ từ 14 đến 19 phần lớn bị phủ bóng của nền chính trị phong kiến-Thiên Chúa giáo, trái lại nghệ thuật hiện đại là sản phẩm của nền chính trị-dân chủ-tự do được khai sinh từ sau cuộc cách mạng Pháp năm 1789.”

Một điểm nổi bật của cuốn sách này là phương diện hình thức. Rất đẹp. Hẳn độc giả sẽ nói, sách của một họa sĩ viết về mỹ thuật thì dĩ nhiên phải đẹp rồi. Có thể là như vậy, nhưng không phải luôn luôn như vậy. Riêng cái đẹp ở quyển sách này không chỉ bắt nguồn từ sự trình bày chăm chút của bàn tay nghệ sĩ -- tôi nghĩ chính cuốn sách đã là một tác phẩm nghệ thuật rồi -- mà chính yếu là kho tư liệu mỹ thuật cổ kim mà tác giả sưu tầm rất dồi dào và in với màu sắc tuyệt hảo, đầy đủ theo từng bài để minh họa cho những giảng giải, lý luận của mình. Đây là một điều hiếm có trong sách vở của người Việt Nam, trong đó kiến thức, trí tuệ, tài liệu, kỹ thuật, mỹ thuật đều nảy nở đồng bộ, nâng quyển sách thành một tác phẩm có giá trị về mọi mặt.

Nội dung và hình thức của cuốn Nhận Định Và Những Câu Hỏi Về Mỹ Thuật của họa sĩ Trịnh Cung là đúc kết những hiểu biết sâu rộng về nghệ thuật tạo hình, những ưu tư về tình hình sinh hoạt mỹ thuật trên thế giới và Việt Nam, giúp người đọc cảm thấy gần gũi hơn với một lãnh vực rất cần thiết trong cuộc sống tinh thần và tình cảm của mình là thẩm mỹ, nhưng phần đông ít ai để ý tìm hiểu. Một quyển sách đáp ứng khá đầy đủ về mặt kiến thức mỹ thuật lẫn phương diện thẩm mỹ cho những ai đọc nó và thưởng thức nó. Và dĩ nhiên cần có nó trên kệ sách của mình như một hiện thân của cái ĐẸP.

22 tháng 9, 2017

Phạm Xuân Đài