Saturday, January 20, 2018

Về một bài trường ca của Trần Văn Nam


Đến Mỹ vào cuối năm 1992, tôi vào làm việc với làng báo ngay, và dần dần làm quen với những khuôn mặt văn nghệ đang ở thủ đô tị nạn. Nhưng mãi hơn mười năm sau tôi mới “quen” với Trần Văn Nam. Tôi biết tên của anh qua một bài thơ anh gửi tới báo Thế Kỷ 21 mà tôi phụ trách. Một tác giả lạ, nhưng tôi bị bài thơ chinh phục ngay, đó là bài Ngược Dòng Vạn Dặm Trường Giang. Bài thơ mở đầu bằng câu

Dòng sông không phải bắt nguồn từ không gian

khiến tôi chưng hửng. Không phải bắt nguồn từ một nơi chốn nào đó trên mặt đất này thì từ đâu? Hay là tác giả muốn bắt chước sông của nước Tàu, “Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai”?

Nhưng chỉ cách mấy câu, tác giả đã giải thích :

Dòng sông bắt nguồn từ thời gian
Do tình thương quá khứ
Do muôn trùng kỷ niệm miên man
...
Và mạch thơ cứ thế tuôn trào liên tiếp thành một bài trường ca có thể nói là hùng vĩ, lạ lùng về con sông Mekong. Từ bài thơ này tôi thật sự quen biết Trần Văn Nam.

Rồi Trần Văn Nam, Thành Tôn, Trần Yên Hòa, Đạm Thạch và tôi thường hẹn nhau cùng đi uống cà phê, cứ hai tuần một lần tại Café Factory. Riết rồi thành thói quen, năm này tiếp nối năm kia, mười mấy năm trôi qua lúc nào không hay. Một sự kết hợp cũng tình cờ thôi. Tôi làm báo, và các bạn tôi là những người làm thơ, viết văn, thỉnh thoảng đóng góp bài vở và tài liệu cho báo của tôi.
Trần Văn Nam một người rất ít nói, càng không tranh luận với ai. Chỉ cười cười, xuề xòa. Như để bù vào sự ít lời ấy, anh viết rất chăm chỉ, hình như năng lực của anh thu vào nội tâm để rồi trào ra ngọn bút. Có vẻ ngôn ngữ chính của anh là ngôn ngữ viết. Hai cuốn sách “Trong Dòng Cảm Thức Văn Học Miền Nam - Phân Định Thi Ca Hải Ngoại” (554 trang, xuất bản 2006) và “Tiếp Nối Dòng Cảm Thức Văn Học Sau Năm 1975” (543 trang, xuất bản 2016) là hai cuốn sách nặng ký, tác giả đầu tư nhiều suy ngẫm văn học và triết học để viết nên.
Và anh làm thơ. Cuốn thơ “Một Đêm Cho Thơ, Tình Và Âm Nhạc” xuất bản năm 1991 với những vần thơ bảy chữ, tám chữ và lục bát, cảm hứng từ những buồn vui trong đời thường của cuộc sống quê hương hoặc trên đất nước tị nạn. Nhưng cũng từ đây, chúng ta thỉnh thoảng đã bắt gặp những tư tưởng lạ bắt nguồn từ triết học và khoa học, những đặc tính mà sau này tác giả thể hiện rất rõ trong thể loại trường ca, mà chúng tôi cho là một điểm độc đáo của Trần Văn Nam.

Trở lại bài thơ được nhắc đến ở đầu bài “Ngược Dòng Vạn Dặm Trường Giang” gồm 111 câu thơ theo thể điệu tự do, đi một hơi rất hào sảng từ đầu tới cuối, phải đọc độ mươi câu đầu mới biết “vạn dặm trường giang” mà tác giả nói đến ở đây chính là con sông Mekong mà người Việt gọi là sông Cửu Long. Độc giả có thể thắc mắc : chỉ có một con sông mà sao phải làm đến trên một trăm câu thơ ? Bài thơ gọi là Tràng Giang của Huy Cận (Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp...) chỉ 16 câu mà chứa biết bao là ý là tình. Rồi thơ và nhạc về các con sông Lô, sông Hồng, sông Đuống, sông Hương, sông Cửu Long... chỉ có chiều dài vừa phải, ngay cả bài hát Trường Ca Sông Lô của Văn Cao cũng không dài lắm, gồm năm tiểu đoạn kể cả đoạn nhập đề và câu kết thúc rất ngắn. Vâng, tình, ý ở đâu mà Trần Văn Nam viết 111 câu cho con sông Mekong ?
Câu trả lời là : Trần Văn Nam có một cách nhìn khác về con sông này.

Tất cả sẽ được kể từ dĩ vãng
Câu chuyện một dòng sông sẽ không đi về cửa biển
Chín Con Rồng sẽ bơi ngược tạm biệt trùng dương...

Câu chuyện kể bắt đầu từ “miệt dưới” là đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam

Dẫn khởi từ quê tôi có hàng dừa xanh trường cửu
Những đồng bằng cũng rợp bóng cò bay
Một đám dân hiền lành, có khi quả cảm
An phận đời nghe nước chảy đêm ngày...

Tác giả đã theo dòng sông đi ngược lên phía bắc, bắt đầu cuộc hành trình quốc tế của mình để diễn tả tính chất quốc tế của dòng sông. Đây là một công việc chưa có một nghệ sĩ Việt Nam nào làm, vượt khỏi những tình tự của hai con sông Tiền sông Hậu trên đất Việt Nam để đi “thám hiểm” phần còn lại của con sông Mekong chảy qua những nước nào, và qua đó, thấy một nối kết tinh thần rộng lớn của cả một vùng, mà tác giả gọi là Xuyên Á. Trạm đầu tiên là Cao Miên, đất nước áp chót mà con sông chảy qua trước khi ra biển.

Nước chảy mênh mông nước lên Biển Hồ
Đường chia đất đai, đường chia dân tộc
Những cuộc tranh hùng là xương trắng khăn sô

Nhưng nhà thơ khi lật qua các trang sử tranh hùng giữa hai nước Việt - Miên đã ao ước :

Hỡi bí mật Đế Thiên, hỡi linh thiêng Đồng Tháp
Nước của tình thương xuyên bao nhiêu thế kỷ ?
Vượt lên bao nhiêu cơ đồ ?
Hai dân tộc mong tìm đường thân thiện
Nhạc của đại hòa trên sóng nước mấp mô...

Rồi tiếp tục điệp khúc Xuyên Á, Xuyên Á, Trần Văn Nam ghé xứ Lào :

Triết lý cuộc đời sống thác bao năm
Dòng nước êm ru qua miền đất Phật
Mái chùa cong huyền ảo đêm rằm

Và Thái Lan, mà tác giả đánh giá là một “vương quốc hòa bình” :

Xuyên Á, Xuyên Á
Bên kia bờ là xanh xanh trùng điệp
Là vương quốc hòa bình phương Đông
Sông nước ngược xuôi kinh thành Vọng Các
Thành quách Hoàng gia trăng sáng mênh mông

Tác giả không quên nước Miến Điện với tình nghĩa Mekong dù dòng sông chỉ có khoảng vài trăm cây số phân chia ranh giới với Trung Hoa

Dòng nước chảy vào quốc gia Phật giáo Á Châu
Đi ngang qua khoảnh khắc
Mà lưu luyến tiếng kinh cầu

Tiếp tục điệp khúc Xuyên Á, Xuyên Á, tác giả đã đi đến quốc gia cuối cùng cực bắc có sông Mekong chảy qua. Đây là quốc gia lớn nhất, hùng mạnh nhất và cũng tham lam nhất trong các nước chia sẻ dòng Mekong. Sau khi ca tụng lịch sử nền văn minh Trung Hoa, Trần Văn Nam kết luận :

Nước ngược về đây tìm đường kết hợp
Nối với trời mây Đại Đông Á muôn trùng
Bởi vì đâu mà tranh chấp
Sao chẳng hòa đồng hát bản tình chung.

Cảm hứng từ một con sông xuyên đa quốc gia, Trần Văn Nam xây dựng một ý tưởng rất lớn. Khi viết câu Nước của tình thương xuyên bao nhiêu thế kỷ  Nam đã muốn dựa vào con sông đã nuôi sống bao nhiêu triệu dân suốt ngàn xưa cho tới nay để kêu gọi một liên kết văn hóa - kinh tế -chính trị cho cả một vùng châu Á mà con sông đã chảy qua. Dù là ý tưởng có phần lãng mạn của một thi sĩ, bài trường ca của Trần Văn Nam vẫn là một cái nhìn đẹp và tích cực về một dòng nước của tình thương. Những câu kết của bài thơ như một âu ca của cả một vùng châu Á trong vòng ôm của con sông mẹ tự bao đời :

Việt Nam là duyên hải
Ai Lao, Cam Bốt thành miền Trung
Miến Điện, Thái Lan sườn Tây vững chắc
Gió không nhà trên rừng lá cây rung

Dòng Mekong thông nguồn đi suốt tận
Trường giang ca trên sóng nước chập chùng...

Giờ đây Trần Văn Nam đã rời xa chúng ta để phiêu diêu trên sóng nước dòng sông yêu dấu, đem theo giấc mơ lớn của mình từ đầu nguồn đến cuối bãi, mơ rằng Cửu Long Giang sẽ kết nối được các dân tộc châu Á trong một cuộc sống Hòa Bình và Thương Yêu...

Ngày 18 tháng 1, 2018
Phạm Xuân Đài


Đến thăm Trần Văn Nam ngày 7 tháng 1, 2018,
từ trái : Trần Yên Hòa, Thành Tôn, Bs. Hoàng Xuân Trường,
Phạm Phú Minh, Nguyễn Mạnh Trinh.

   Các trao đổi cuối cùng giữa Trần Văn Nam (trên giường bệnh)
và Phạm Phú Minh ngày 7 tháng 1, 2018.
Ba ngày sau Nam qua đời, vào ngày 10-1-2018.