Sunday, November 5, 2023

Phạm Xuân Đài: Theo Chân Phạm Duy Một Đoạn Đường Từ 1945 tới 1951 (Quãng đường Kháng Chiến Ca)


Trong chuyến đi Mỹ mùa hè năm 1970, tôi có tặng cho các bạn quốc tế một số cuốn Dân Ca-Folk Songs của Phạm Duy, trong đó các lời ca được dịch sang tiếng Anh. Mấy hôm sau một cô bạn Thụy Điển nói với tôi: "Lời các bản nhạc trong cuốn sách hay quá!" Tôi không ngạc nhiên vì lời khen ấy, vì tôi đã biết lời trong đó rất hay, tôi chỉ mừng có người chịu khó đọc và hiểu được cái hay đó.

Tôi nhớ cô bạn đã chỉ tôi coi bài Xuân Ca :

Xuân trong tôi đã khơi trong một đêm vui
Một đêm một đêm gối chăn phòng the đón cha mẹ về
Xuân âm u lắt leo trong nguồn suối mơ
Bừng reo rồi theo nắng lên từ cha chói chan lòng mẹ

Rồi nói với tôi: "Tôi chưa thấy ai nói về mùa xuân của đời mình như thế này. Mùa xuân bắt đầu từ khi mầm sống đầu tiên của tôi được tạo nên, được tả trong động tác ái tình của cha và mẹ. Thật tuyệt vời."


Thú thật lúc bấy giờ tôi ngỡ ngàng. Tôi đã hát Xuân Ca nhiều lần, và không lưu ý để hiểu hết ý nghĩa của ngay đoạn mở đầu như cô gái Thụy Điển đã nhìn thấy trong bản dịch tiếng Anh. Thường bài hát nào cũng thế, thoạt tiên người ta rung cảm vì âm hưởng của lời lẽ ngân lên hơn là chính ý nghĩa của lời lẽ đó, nhất là loại ý nghĩa thâm trầm. Nhưng sau khi nói chuyện với cô bạn, tôi bỗng "ngộ" toàn bộ nội dung mấy câu trên, và có cảm giác như mình ý thức được tình trạng của mình từ khi mới chỉ là một tế bào, một con tinh trùng giữa cõi âm u của "nguồn suối mơ" trong cha tôi, để vào đêm gối chăn phòng the đầu tiên ấy, theo cơn "nắng lên từ cha" mà được phóng vào làm chói chan lòng mẹ. Đó mới là nguồn cội của cái gọi là xuân của một đời người. Ca tụng mùa xuân thì phải bắt đầu từ tình trạng ấy, chỗ thâm sâu, chỗ uyên nguyên của tất cả những biểu hiện về sau mà người ta vẫn ca tụng về mùa xuân.

Sự nghiệp sáng tác của Phạm Duy rất phong phú, như một trái núi quá lớn, muốn leo lên thoạt tiên không biết bắt đầu từ đâu. Nhưng nếu muốn tìm một chủ đề chính của toàn bộ tác phẩm của ông thì lại không khó, vì nó nổi bật lên như một ngọn tháp giữa một khu rừng cây, đó là chủ đề về dân tộc và đất nước. Có thể đề tài tình yêu cũng rất giàu có và quan trọng, và lại được biết đến nhiều qua trình diễn, nhưng dân tộc và đất nước luôn luôn là cảm hứng căn bản, chủ đạo trong sáng tác của ông, và trải dài suốt đời ông. Thử đi cùng ông một đoạn ngắn thôi, đoạn mở đầu, từ 1945 đến 1951.

Không phải chủ đề về quê hương dân tộc chỉ mới bắt đầu từ 1953 với bài Tình Ca, mà sớm hơn nhiều, từ những ngày vận nước biến chuyển từ giữa thập niên 40 để chuẩn bị vào cuộc kháng chiến chống Pháp. Bài Tình Ca chỉ là một sắp xếp rất lý trí những nội dung chính yếu của tình yêu đất nước và dân tộc; tôi yêu tiếng nước tôi vì những lý do này, tôi yêu biết bao người vì các yếu tố kia... dù cách trình bày rất là nên thơ thì bài hát vẫn nặng tính cách tuyên ngôn, giảng giải. Tình yêu thật sự không biểu lộ khi người ta nói "tôi yêu" mà ở trăm ngàn cách thế khác, đi thẳng vào từng hơi thở, từng nhịp đập của mạch máu người nghe, chứ không phải qua cái đầu.

Tình yêu ấy bừng nở nơi chàng thanh niên Phạm Duy năm 1945 khi Việt Nam đương ở ngưỡng cửa của độc lập mà phải đối đầu ngay với ý đồ trở lại của thực dân Pháp, chàng thét lên trong cái thế nhất hô bá ứng của dân tộc vào thời điểm ấy: Bờ cõi vang lừng câu quyết chiến! Chàng sống đúng trạng thái tinh thần của cả nước Việt Nam lúc đó, và ghi lại trung thực hào khí của khoảnh khắc lịch sử ấy trong khúc Xuất Quân, rồi chính khúc xuất quân đó đã ảnh hưởng ngược lại hâm nóng biết bao bầu máu người trẻ lẫn người già từ Nam ra Bắc. Bây giờ nhìn lại thời điểm chớm mở màn cuộc kháng chiến chống Pháp thì chỉ thấy duy nhất có bài Xuất Quân là tiếng kèn xung trận dõng dạc và thôi thúc nhất vang lên trong cả nước, đi trước, đi trên và đi thẳng vào lòng người hơn tất cả mọi hiệu triệu chính trị của thời ấy.


Tình yêu nước nơi Phạm Duy được khơi dậy bởi tình cảm chống ngoại xâm. Đó là tình cảm chung của mọi người Việt Nam khi vừa thoát được ách nô lệ mà thấy nguy cơ lại sắp bị xâm chiếm lần nữa, và từ khởi điểm ấy, mỗi người thể hiện tình yêu nước mỗi cách, nông sâu dài ngắn hoặc biến thể ra rất khác nhau. Riêng với Phạm Duy, xuất quân đánh Pháp chỉ là điểm khởi đầu của một hành trình vĩ đại về sau để đi sâu, đi dài vào dân tộc và đất nước Việt Nam. Giữa thời đại mà tình yêu nước được thể hiện với những tác phẩm còn xa lạ với quần chúng, chính những ca khúc kháng chiến của Phạm Duy sẽ có nhiệm vụ cứu chuộc niềm tin và tình tự chính thống của con người Việt Nam, giữ vững một nối kết giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.

Ông vừa viết xong bài Xuất Quân lẫm liệt Ngày bao hùng binh tiến lên  thì đã nghĩ ngay đến hình ảnh ma quái của những Chiến Sĩ Vô Danh :

Mờ trong bóng chiều
Một đoàn quân thấp thoáng

Quân này là quân ma, họ đã ra đi chiến đấu và đã ra người thiên cổ, ông dùng ngay hình ảnh ấy để lay động lòng người đang đứng trước cuộc chiến giữ nước.

Ra biên khu trong một chiều sương âm u
Âm thầm chen khói mù
Bao oan khiên đang về đây hú với gió
Là hồn người Nam nhớ thù.

Một thanh niên đang ở độ tuổi ngoài hai mươi, mang bầu máu nóng phụng sự cho đất nước mà đã sớm nhìn ra những hình ảnh của "cõi bên kia" như thế thì cũng là chuyện lạ. Bài Nợ Máu Xương lại càng lạ hơn nữa, vừa hiện thực vừa siêu thực, tả toàn cảnh chết chóc vì chém giết :

Ai nghe không sa trường lên tiếng hú?
Tiếng lầm than, những tiếng người đời quên.
Đi lang thang tiếng cười vang tiếng hú
Xác không đầu nào kia?

Nghe phảng phất như Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du ! Phải chăng linh cảm mẫn nhuệ của một nghệ sĩ lớn đã khiến Phạm Duy nhìn thấy trước cảnh chiến tranh tàn phá kinh hoàng trên đất nước Việt Nam suốt ba mươi năm sắp tới, dù thời điểm viết Nợ Xương Máu là vào năm 1946, trước khi toàn quốc kháng chiến với Pháp. Ông đã dùng những hình ảnh cổ điển của thi ca thời đó để vẽ nên sự chết chóc, nhưng bản chất của tấn thảm kịch chiến tranh thì thời nào cũng thế :

Lá rụng tơi bời
Đoàn quân tiến qua làng.
Từng thanh kiếm đứt ngang,
Từng lớp áo rách mướp,
Từng cánh tay rụng rời!
Qua làn mây trắng
Đoàn quân tiến về trời
Ầm rung tiếng sa trường...

Tiếng ầm rung chết chóc đó còn vang mãi trong lòng người không biết bao nhiêu thế hệ nữa khi họ có dịp ôn lại những trang sử xưa, không phải những trang chính sử ghi lại một cách vô cảm các biến cố, mà là những trang sử như của Phạm Duy viết khi đoàn quân tiến qua làng với những chiếc áo rách mướp, những thanh kiếm gãy ngang, những cánh tay không còn nguyên vẹn... và nói rõ họ đang tiến về trời.  Lịch sử một dân tộc không thể không ghi những trang như thế, cũng như mấy năm về sau khi sáng tác ông đã đóng vai một ký giả chiến tranh tả thực cái cảnh dã man rùng rợn quân thù đã bắt được con đem ra giữa chợ cắt đầu  từ một thảm cảnh của làng Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Hoặc một cách gián tiếp, chỉ dùng một số hình ảnh ước lệ, nhưng hiệu quả gợi cảm thương về sự chết chóc vẫn lớn:

Người đi không về
Chắc rằng có người nhớ
Hương khói chiêu hồn
Hiu hắt những chiều trận vong…
(Đường Ra Biên Ải)

Nhưng trong kháng chiến ca của Phạm Duy, theo tôi, bài quan trọng nhất của ông là bài Đường Về Quê. Nếu Xuất Quân là tiếng kèn báo hiệu thời điểm vùng dậy đánh quân thù thì Đường Về Quê là bản lộ trình của cuộc kháng chiến. Từ xưa, nước ta là nước nông nghiệp, nông thôn là căn bản của cuộc sống kinh tế và đạo lý. Năm 1946, cuộc chiến nổ ra ở thành thị, và cũng như bao lần đã xảy ra trong lịch sử, muốn lãnh đạo cuộc kháng chiến thì phải bỏ thành thị đi về vùng thôn quê và rừng núi. Bước đường về quê của người thành thị là bước đường muôn thủa của các trận chiến giữ nước của Việt Nam, đoàn người về quê cuối năm 1946 như dẫm vào con đường cũ mà bao triều đại trước đã đi, với tâm trạng vừa bỡ ngỡ vừa say sưa để làm lại cái sứ mạng lâu dài và gian nan. Bài hành khúc đơn sơ Đường Về Quê vào thời điểm đó đóng vai trò như một đại cáo, một mặt ẩn dụ về con đường đi của dân tộc, một đoàn người đi miên man trên đường gian nan, luôn luôn phải lấy nông thôn làm gốc; mặt khác là bức tranh tả thực đoàn người vừa phá hết phố phường biệt ly đời gấm hoa ra đi để thực hiện lý tưởng của mình đối với đất nước. Khác với thành thị của họ, đồng ruộng trong sạch quá, thơm tho quá. Bỏ lại sau lưng đời sống ngựa xe giày dép áo quần của thành thị, họ đang dấn mình vào thôn quê -- cũng là vào quê hương đích thực -- với cả một tâm trạng ngỡ ngàng mới mẻ:

Kìa đoàn người đi say sưa qua đồng mênh mông
Người bàng hoàng đưa câu ca theo nhịp chân không

Rồi người sẽ hết bàng hoàng, rồi chân không giày dép sẽ trở nên chai cứng, rồi người sẽ hóa thân nhập vào cảnh nương chiều lúc chiều về rợp những nương khoai, trâu bò về giục mõ xa xôi  hoặc sẽ không xa lạ nữa với cảnh bóng người thấp thoáng cuối đường thanh vắng, bước đều mà quang gánh nặng vai. Người thành thị sẽ trưởng thành với nếp sống nông thôn theo với cuộc kháng chiến trưởng thành, nhưng tất cả phải được mở đầu với Đường Về Quê.

Từ đó, Phạm Duy tiếp tục con đường về quê, đi sâu, đi cao vào nhiều ngõ khác nhau. Nhưng với phương tiện nào? Dĩ nhiên bằng tân nhạc, nhưng ông đã dựa vào những truyền thống về nhạc điệu, tiết điệu, lời ca của dân ca cổ, căn bản là dùng hệ thống âm giai ngũ cung nhưng phát triển cho phong phú hơn. Chưa kể tác động của lời hát rất tài tình của ông, chỉ riêng nhạc điệu đã cho người ta cảm giác gần gũi ấm áp như làm vang động lại nhiều âm hưởng vẫn nằm sâu tự đời não đời nào trong tâm thức người Việt Nam. Và như thế, ông gửi cho chúng ta tâm tình về người thương binh, về mùa đông chiến sĩ, về nỗi nhớ người ra đi của bà mẹ, của người vợ, người con, về chiến thắng sông Lô, về cảnh nương chiều, hay cả khi đi về miền Trung... tất cả như một dòng chảy đậm đà dịu ngọt thấm vào lòng người nghe, người hát. Tân nhạc dựa trên căn bản dân ca là một nhãn hiệu trình tòa của nhạc Phạm Duy ngay giai đoạn đầu kháng chiến, làm thành bản sắc của ông suốt thời gian này và mãi mãi về sau. Trong một bài viết của mình trên báo trong nước trong thời kỳ đổi mới (từ cuối thập niên 80), nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý (tác giả Dư Âm) đã hết lời ca ngợi Phạm Duy về cách ứng dụng dân ca vào tân nhạc này và nói rằng thời đầu kháng chiến ấy ông đã học hỏi phương cách này rất nhiều. Phạm Duy nhìn cuộc kháng chiến một cách toàn diện, không chỉ nhấn mạnh khía cạnh chiến đấu. Mà hình như ông không để tâm nhiều về những chiến công, về tinh thần bắn giết. Ông thường nghiêng về những số phận trong cuộc chiến, như người thương binh, bà mẹ có con bị giặc giết, hay là cảnh hoang tàn không bóng trâu cày trên đồng, vắng tiếng heo gà trên sân, hoặc tinh tế hơn khi quan sát làng mạc vùng bị Tây chiếm:

Nửa đêm thanh vắng không một bóng trai
Có tiếng o nghèo thở dài
Vỗ về trẻ thơ bùi ngùi.

    Dân tộc và đất nước đối với ông không còn là những khái niệm trừu tượng, viết về cuộc chiến không phải là hô những khẩu hiệu "tiến công" chung chung, mà là những mảng đời cụ thể, có thể đau thương, có thể hùng tráng và nhiều khi cũng rất là thơ mộng. Không nhạc sĩ nào trong cuộc kháng chiến Pháp đã ghi lại nhiều bức tranh cực tả từng nỗi niềm trong lòng đời sống thời đó như ông.

Nhờ Phạm Duy mà đã có những tiếng hát nói lên được một cách vừa thâm sâu vừa thăng hoa niềm tự hào, sự đau thương, tính bền bỉ gan dạ và lòng yêu nước của dân tộc trong một giai đoạn lịch sử toàn dân vươn mình chấm dứt chế độ thực dân trên đất nước.

Về thành từ năm 1951, ông đóng lại một giai đoạn sáng tác và mở ra một giai đoạn mới: trước đây trong cuộc chiến ông đã nói lên vinh quang và khổ đau của dân tộc, bây giờ ông đi vào tình tự quê hương. Nhưng dù là giai đoạn nào, chất liệu cơ bản bất biến của ông vẫn là tình yêu dân tộc và đất nước. Tình Hoài Hương, Tình Ca, rồi trường ca Con Đường Cái Quan, trường ca Mẹ Việt Nam và vô số các bản nhạc khác của ông đã đưa "tình tự dân tộc" thành một vùng lớn rộng như biển, cao như núi và sâu thăm thẳm như mấy ngàn năm lịch sử của đất nước Việt Nam. Leo vừa hết một ngọn núi lại thấy hiện ra một đỉnh khác, thôi xin hẹn để qua cơn choáng ngợp sẽ lại tìm đường lần hồi đi thám hiểm nữa. Chỉ mong gối chưa chồn, như Phạm Duy đã hát ngày xưa: đường mịt mùng, bàn chân còn rong ruổi ruổi rong...


Phạm Xuân Đài

 

Friday, November 3, 2023

Nguyễn Tường Thiết: Một chút tri kỷ muộn màng

“Truyện của Nguyễn Tường Thiết rất gần gũi với tôi. Khi đọc chúng tôi thấy cảm động một cách tin cậy và có nhiều mối đồng cảm với tác giả. Có thể chúng tôi có nhiều mẫu số chung với nhau trong thời trẻ tuổi của chúng tôi, mặc dù anh Thiết và tôi mãi đến... tuổi già mới quen nhau ở Hoa Kỳ. Một trong các mẫu số chung đó có thể là Tự Lực Văn Đoàn và nhà văn Nhất Linh, có thể là tình hình chính trị tại Việt Nam khi chúng tôi vừa bước vào tuổi thanh niên. Đó là những chuyện đã xa lắm rồi. Bây giờ chúng tôi bắt đầu bước vào tuổi già, anh Thiết lại bắt đầu viết hăng, tôi chỉ biết gửi gắm đôi nét của lòng mình vào tác phẩm của anh, gọi là đánh dấu một chút tri kỷ muộn màng...”

Trên đây là đoạn kết Bài Tựa của Phạm Phú Minh viết cho tập truyện Mùa Hạ Năm Ấy của tôi xuất bản năm 2008.

 *

 Anh Phạm Phú  Minh ơi, câu kết của anh “đánh dấu một chút tri kỷ muộn màng” cũng là nội dung bài viết tôi dành riêng cho anh hôm nay đây.

 Như anh Minh nói chúng tôi quen biết nhau khá muộn khi cả hai chúng tôi đều đã bước qua tuổi 60. Do duyên văn nghệ chúng tôi quen nhau đúng 20 năm trước. Năm 2002, anh Minh lúc ấy là chủ bút tờ Thế Kỷ 21 thực hiện ở Nam California một số báo Tưởng Niệm Nhất Linh nhân ngày 7 tháng 7. Cùng thời gian ấy ở Seattle tôi đánh máy sửa soạn tái bản tác phẩm Xóm Cầu Mới của thân phụ tôi. Để lần tái bản này thêm trang trọng tôi gửi bản sao một số trang bản thảo của ông Cụ tôi cho nhà văn Võ Phiến để nhờ anh viết Lời Bạt cho cuốn sách này. Anh Võ Phiến gửi tôi bài viết “Đọc bản thảo của Nhất Linh”. Cùng lúc ấy anh Phạm Phú Minh cũng xin anh Võ Phiến một bài để đi trong số Tưởng Niệm. Anh Võ Phiến cho anh Minh hay anh vừa viết xong một bài mới về Nhất Linh nhưng đã gửi bài ấy cho tôi rồi, nay nếu anh Minh muốn đăng bài ấy trên Thế Kỷ 21 thì anh nên “thương lượng với anh Thiết”. Thế là do môi giới của nhà văn Võ Phiến anh Minh và tôi quen nhau từ đó.

Sau này xem lại một tấm ảnh cũ tôi tình cờ khám phá ra rằng anh Minh và tôi đã gặp nhau từ năm 1999 nghĩa là từ ba năm trước đó nhưng cả hai  đều không biết là đã gặp nhau. Năm đó như mọi năm tôi xuống Nam California ăn Tết Kỷ Mão. Người anh họ tôi Nguyễn Tường Quý dẫn tôi đến trụ sở đài phát thanh VNCR ở Garden Grove và nói với tôi là nhà báo Lê Đình Điểu đang lâm trọng bệnh, mọi người đến trụ sở này vào cái Tết Kỷ Mão ấy - cái Tết sau cùng của thế kỷ 20 - đều ngầm ý đến để gặp anh Điểu lần cuối. Sau khi vào trong thăm anh Điểu mọi người ra đứng trò chuyện ăn uống trên vỉa hè bên ngoài trụ sở. Trong một bức ảnh sáu người do anh Quý chụp tôi đứng giữa anh Phạm Phú Minh và anh Nguyễn Mộng Giác nhưng  lúc ấy vì không được giới thiệu tôi không biết người đứng bên trái tôi là ai. Mặc dù vậy cái dáng cao ráo và vẻ mặt điềm tĩnh trí thức của người không quen ấy đã gây ngay trong tôi ấn tượng đầy thiện cảm về người mà sau này trở thành bạn tri kỷ của tôi.

 
 

Từ phải: Phạm Phú Minh, Nguyễn Tường Thiết, Nguyễn Mộng Giác, Lê Văn Ba, Ngô Mạnh Thu, Phạm Quốc Bảo (Garden Grove, Tết Kỷ Mão 1999)

 Nếu tin vào những chuyện linh thiêng là có thật ở trên đời thì có thể nghĩ rằng mối tri kỷ ngày nay giữa hai chúng tôi là tiếp nối từ một tình bạn đã nẩy nở từ một thủa rất xa xưa, non 150 năm trước, tận thời vua Tự Đức.

Số báo Tưởng Niệm Nhất Linh ngày 7-7-2002 có đăng bài “Nắm cỏ đưa về tấc đất xưa” của Phạm Phú Minh trong đó anh tiết lộ một chi tiết lý thú: họ Phạm Phú và họ Nguyễn Tường đã có một thời giao du mật thiết với nhau. Ông cố của anh Minh là Phạm Phú Thứ cùng làm quan triều Tự Đức với ông cố của tôi (tức ông nội của Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam) là Nguyễn Tường Tiếp. Anh Minh kể: “Ngày nhỏ, mỗi lần về thăm nhà thờ họ của tôi - họ Phạm Phú ở làng Đông Bàn, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam - tôi thường được các bậc chú bác đọc và dịch cho nghe những câu liễn, câu đối, hoành phi trong nhà thờ. Tôi nhớ có một đôi liễn rất dài, bằng gỗ màu nâu chữ mạ vàng, nói là của ông Nguyễn Tường Tiếp tặng ông Phạm Phú Thứ ... Sự giao du của các vị tiền bối khiến cho tôi cảm thấy như có một sự liên hệ tinh thần với họ Nguyễn Tường, mặc dù cho đến gần đây tôi chẳng mấy khi có dịp giao du thân thiết”.

Anh Minh ơi, tôi tin rằng chính cái “liên hệ tinh thần” anh nêu ra là nền móng sâu xa làm nên mối đồng cảm và tri kỷ giữa anh và tôi, như anh viết: “Thời tôi còn trẻ tuổi, ngoài việc đọc hết những tác phẩm của Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, tôi còn được biết một liên hệ trong gia tộc khiến tôi thấy những tác gỉa tài hoa của họ Nguyễn Tường một phần nào gần gũi với mình về phương diện quê hương bản quán.”

Vào năm 2002 một người quen trong họ tôi anh Chu Xuân Viên đến Seattle chơi. Nhân dịp này tôi kể cho anh Viên nghe là trong chuyến đi về Việt Nam của tôi năm trước tôi có ghé thăm nhà thơ Huy Cận ở Hà Nội và thuật lại với anh cuộc nói chuyện lý thú giữa tôi với nhà thơ. Anh Viên thích quá khuyên tôi nên viết thành một bài về cuộc gặp gỡ này vì theo anh đây là một tư liệu văn học quan trọng. Tôi nói tôi rất ngại viết về cuộc gặp này và nếu có viết chắc gì báo chí sẽ đăng. Tôi nói thế vì hồi đó vấn đề Việt Nam còn đang rất nhậy cảm đối với khá nhiều người ở hải ngoại. Nội chuyện về nước không thôi đã gây tranh cãi, huống hồ tìm gặp một người đã từng là Thứ trưởng bộ Văn hoá của chế độ Cộng sản thì chắc chắn là “có vấn đề”. Anh Viên khuyên tôi: “Đừng ngại. Anh cứ viết đi. Viết xong gửi cho tập san Thế Kỷ 21. Chắc chắn họ sẽ đăng. Tôi theo dõi tập san này từ nhiều năm nay tôi biết, một tạp chí văn học rất đứng đắn”.

Thế là tôi viết. Để giảm bớt tầm quan trọng cuộc gặp gỡ Huy Cận tôi không viết cuộc gặp này như trọng tâm của bài viết mà chỉ đề cập đến nó như một trong những hoạt động của tôi trong chuyến hồi hương trở về Việt Nam đầu tiên kể từ ngày xa quê năm 1975 của tôi. Bài viết mang tên Cây bàng lá đỏ được đăng tải trên Thế Kỷ 21 số báo Xuân Quý Mùi 2003. Ngay khi nhận được bài viết chủ bút Phạm Phú Minh đã gọi liền cho tôi. Với giọng phấn khởi anh khen bài viết của tôi. “Lối viết lạ”. Anh nói.

“Cây bàng lá đỏ” xuất hiện trên Thế Kỷ 21 năm 2003 gây tiếng vang trong giới cầm bút khiến tôi nhớ đến “Niềm vui chết yểu” bài viết đầu tiên của tôi xuất hiện trên báo Văn Học ở Sài Gòn năm 1964 cũng gây nên tiếng vang tương tự. Bốn mươi năm trước tôi còn trẻ, mặc dù được rất nhiều khuyến khích tôi không chọn đi vào con đường văn vì nhiều lý do cá nhân. Bốn mươi năm sau thì khác, tôi đã bước qua cái tuổi xấp xỉ về hưu, cái nợ cơm áo đã trả gần xong, nên sau “Cây bàng lá đỏ” tôi viết thường xuyên  đều đặn.

Anh Minh là người đã đi song hành với tôi trong suốt 10 năm trời sau đó. Thời gian này tôi là người sáng tác, còn anh là người phổ biến những bài viết của tôi trên tạp chí Thế Kỷ 21. Những bài viết ấy sau này tôi tập họp lại xuất bản thành ba cuốn sách “Nhất Linh Cha Tôi”, “Mùa Hạ Năm Ấy” và “Căn Nhà An Đông của Mẹ Tôi”. Với ba tác phẩm xuất bản ấy tôi được thiên hạ khoác lên vai hai chữ “nhà văn”.

Phải nói một cách thành thật là nếu không có anh Minh và báo Thế kỷ 21 thì chưa chắc tôi đã là nhà văn. Bản tính của tôi vốn lười lại thiếu chất đam mê viết lách mà theo tôi là yếu tố thiết yếu cho một nhà văn. Viết với tôi lại là một công việc khá nhọc nhằn đòi hỏi một sự cố gắng nó dị ứng với cái tính lười cố hữu của tôi. Có anh Minh luôn luôn ở bên cạnh khích lệ như một người bạn tin cậy và đồng cảm khiến tôi vững tin ở mình và giúp tôi vượt những khó khăn. Cho nên bắt chước câu nói của người xưa: “Không có Nhất Linh thì đã không có Tú Mỡ”, tôi thường nói với bạn bè một cách thật lòng: “Không có anh Minh thì đã không có tôi nhà văn”.

Như đã nêu ở phần đầu bài viết này trong Lời Tựa cho cuốn sách Mùa Hạ Năm Ấy anh Phạm Phú Minh nhắc đến những “mẫu số chung” trong thời trẻ của chúng tôi, chủ yếu là về nhà văn Nhất Linh và tình hình chính trị ở Việt Nam khi chúng tôi vừa bước vào tuổi thanh niên. 

Mặc dù hoàn toàn không quen biết nhau trong thời gian ở Việt Nam, nhưng sau này thân nhau, kể cho nhau nghe vể những mảnh đời cũ thời trẻ của mình, chúng tôi đều không khỏi ngạc nhiên khi thấy chúng tôi rất “gần” nhau đến độ như có thể “va” vào nhau mà không biết.

Chẳng hạn như có lần anh Minh nói thời trẻ anh đã từng gặp ông Cụ tôi trong một buổi họp tại một căn nhà của người chị dâu của anh ở gần Ngã Bẩy số 652 đường Phan Thanh Giản Sài Gòn. Anh Minh kể: “Tôi có người anh rể tên là Trần Hoàng ở Quảng Ngãi, hoạt động theo hệ phái Nguyễn Tường Tam, thỉnh thoảng anh đi Sài Gòn có lẽ về việc đảng thì ghé căn nhà đó. Một ngày vào năm 1959 hay 60 tôi đang ngồi học trên gác thì thấy một nhóm gồm năm bẩy người do anh Hoàng đưa lên gác, trong số đó tôi nhận ra ngay ông Cụ, mặc dù từ trước tôi chưa gặp lần nào. Tôi mang sách vở ra ngoài hiên, nhường phòng cho quí vị họp, độ nửa giờ sau, quí vị khách ra về.” Anh Minh đâu có ngờ rằng cũng chính tại căn nhà đó, căn gác đó, năm 1964, tức một năm sau ngày ông cụ tôi mất, anh họ tôi là  LS Nguyễn Tường Bá đã dẫn tôi đến đó để gặp anh Trần Hoàng. Ít lâu sau anh Bá còn cử tôi đi ra Trung liên lạc với các đảng viên VNQDĐ, tôi đã ở nhà anh Trần Hoàng trong mấy ngày lưu lại Quảng Ngãi.

Cùng với cả ngàn sinh viên thời đó ngưỡng mộ nhà văn Nhất Linh anh Phạm Phú Minh cũng đi dự đám tang thân phụ tôi vào này 13 tháng 7 năm 1963. Năm ngoái trong lúc khoe anh Minh một số ảnh cũ do nhiếp ảnh gia Trần Cao Lĩnh chụp lúc hạ huyệt ở nghĩa trang Hạnh Thông Tây Gò Vấp anh Minh chỉ một người nhỏ xíu trong ảnh - người ấy đứng ở phía khá xa sau lưng nhà văn Nhật Tiến đang đọc điếu văn -  và nói người đó chính là anh.

 Nhưng cảm động nhất cho tôi là khi anh Minh kể câu chuyện trong thời gian 13 năm tù cải tạo anh đã để tâm suy nghĩ rất nhiều về con người và cuộc đời của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam và anh tự nguyện nếu trời cho mình sống đến ngày ra khỏi tù thì mình sẽ “phải làm một cái gì” cho nhân vật ấy.

Như một cái duyên thiêng liêng, lúc về già chúng tôi gặp nhau trở nên tri kỷ để cùng nhau thực hiện giấc mơ chung “làm một cái gì” cho nhân vật Nhất Linh nói riêng và cho Tự Lực Văn Đoàn nói chung để nhân đó khôi phục giá trị một nền văn hoá tinh hoa của dân tộc đã bị chế độ Cộng Sản phủ nhận suốt 70 năm qua.

Anh Phạm Phú Minh là một người rất nặng lòng với nền văn hoá của nước Việt Nam. Theo tôi anh là một trong số rất ít người có công lớn nhất trong việc bảo tồn và phát huy nền văn hoá ấy ở hải ngoại. Anh lại là người đa tài, những hoạt động của anh bao trùm nhiều lãnh vực khác nhau và xem ra lãnh vực nào có anh nhúng tay vào đều rất thành công. Chả thế mà một người bạn ở cùng thành phố với tôi, nhà văn Lê Hữu, có lần ngỏ ý thắc mắc không biết gọi Minh là gì... anh là nhà văn, nhà báo, nhà tổ chức, nhà văn hoá, nhà điểm sách, nhà xuất bản... hay là “nhà” gì nữa...

Gần đây, trong một bức thư gửi cho một số người thân, cũng là gián tiếp trả lời thắc mắc của anh Lê Hữu, anh Minh viết: “Nhìn lại đời mình tôi thấy nghề chính của tôi là nghề làm báo, dù tôi đã học và tốt nghiệp Đại học Sư phạm tôi chẳng dậy học được bao nhiêu, những năng lực của tôi dồn hết vào nghề làm báo”.

 Tôi đã nhìn thấy rất rõ “năng lực của anh dồn hết vào nghề làm báo”  qua những số báo Thế Kỷ 21 mà anh đã thực hiện trong suốt 11 năm anh làm Chủ bút tờ báo này kể từ năm 1996 đến năm 2007. Theo tôi đây là thành tựu lớn nhất trong sự nghiệp của anh.

 Nhà văn Trần Doãn Nho dường như cũng đồng ý với tôi về điểm này khi anh viết trong bài “Trò chuyện với nhà văn Phạm Phú Minh” đăng trên báo mạng Diễn Đàn Thế Kỷ ngày Chủ Nhật 16 tháng 10, 2016: [Trong dịp tìm lại báo cũ để nói chuyện với anh tôi tò mò đọc lại nhiều số Thế Kỷ 21 và với con mắt tương đối khách quan tôi đã gặp những số báo rất hay. Càng về sau hình như càng hay. Tôi bỗng nhớ đến lời Đỗ Quý Toàn nói hôm tôi tới thăm tháng 7/2016 vừa rồi: “Công lớn của ông Minh là thời gian làm báo Thế Kỷ 21 cho đến số cuối cùng”. Theo tôi đó là một cái nhìn sâu sắc và toàn diện]. (*)

 Thân phụ tôi, nhà văn Nhất Linh, từ năm 1932 đến năm 1940 là người chủ trương báo Phong Hoá & Ngày Nay. Tôi tự hỏi có sự tương đồng nào để giải thích sự thành công của báo Phong Hoá & Ngày Nay và Thế Kỷ 21, hai tờ báo được thực hiện ở hai nơi cách xa nhau cả một đại dương về không gian và cách nhau cả gần một thế kỷ về thời gian.

 Theo tôi sự tương đồng làm nên thành công của hai tờ báo tạo nên bởi cá tính của hai người chủ trương mà tôi là người may mắn ở vị trí được trông thấy rõ cả hai. Trước hết tôi nhìn thấy ở bạn tôi những tính nết của ông cụ tôi,  khiêm tốn, điềm tĩnh, hoà nhã... khiến người đối diện có cảm tình ngay với anh trong buổi đầu gặp gỡ; ngoài ra cũng như cha tôi anh có lối nói chuyện nhỏ nhẹ, từ tốn, anh thường lắng nghe hơn nói, và khi anh phát biểu, tiếng nói của anh rất có trọng lượng vì bao giờ cũng đi thẳng vào vấn đề và có chiều sâu.

Những đức tính đó khiến chủ bút báo Thế Kỷ 21 thu phục được cả một mạng lưới hùng hậu những người cộng tác ở khắp nơi trên thế giới, từ những nhà văn, những học giả tiếng tăm, cho đến rất nhiều những cây viết mới chưa thành danh, trong số đó có tôi. Đây là yếu tố hàng đầu khiến Thế Kỷ 21 là tờ báo giá trị bậc nhất ở hải ngoại, theo ý kiến tôi.

Cũng trong bài viết “Trò chuyện với nhà văn Phạm Phú Minh” của Trần Doãn Nho anh Minh kể lại: “Trong một chuyến đi du thuyền với bạn bè trên biển Baltic, tôi lên bến Oslo (Na Uy) được hai vợ chồng nhà văn Tâm Thanh- Khánh Hà đón ở bến tàu để đưa đi chơi. Buổi trưa về nhà anh chị thì được gặp các bạn văn cư ngụ ở Oslo Nguyễn Văn Thực, Trương Kim Anh, Song Chi cùng nhau ăn uống. Trong bữa ăn Nguyễn Văn Thực nói với mọi người một câu khiến tôi sửng sốt: “Không có anh Phạm Phú Minh thì không có Nguyễn Văn Thực. Thực giải thích ngay: “Anh Minh đã đăng các sáng tác của tôi trên báo Thế Kỷ 21, nhà xuất bản Thế Kỷ của anh đã ấn hành hai cuốn sách của tôi”. Lúc đó tôi mới hiểu ảnh hưởng sự phổ biến bài vở của một tác giả trẻ trên Thế Kỷ 21 có tầm quan trọng như thế nào. Tối hôm đó trở lại tàu tôi kể lại với các bạn cùng đi câu nói của Nguyễn Văn Thực, thì anh Nguyễn Tường Thiết lại làm tôi sửng sốt hơn nữa khi thốt ra: “Tôi cũng thế, không có anh thì cũng không có tôi”. Các câu nói đó chỉ để khẳng định một điều: tờ báo Thế Kỷ 21 quả có ảnh hưởng khá quan trọng đối với uy tín của các cây bút cộng tác.” (*)

Anh Minh ơi, anh nhắc đến chuyến du ngoạn Baltic khiến tôi nhớ tới ba chuyến đi cruise với anh. Chính do những chuyến đi du thuyền này mà tình bạn giữa anh và tôi trở thành khắng khít hơn. Phần lớn câu chuyện anh Minh kể tôi nêu trong bài viết này đều do anh tâm sự trên du thuyền trong những chuyến đi như thế. Hồi ấy khoảng hơn mười năm trước ba cặp chúng tôi gồm anh chị Minh, anh chị Đạt (anh Đạt là con trai họa sĩ Lemur Nguyễn Cát Tường) và vợ chồng tôi đáp du thuyền Princess đi hai chuyến Âu châu và một chuyến Nam Mỹ. Một bữa chúng tôi chụp chung một bức ảnh trước du thuyền của hãng Princess, anh Minh chỉ vào cái Logo của hãng in trên đuôi du thuyền với hàng chữ lớn ESCAPE COMPLETELY và nói: “Cái khẩu hiệu này của hãng Princess đánh đúng thị hiếu của khách hàng. Chỉ trên những chuyến đi như thế này thì đầu óc tôi mới thoát ly hoàn toàn khỏi những công việc tôi đang làm”.

Tháng trước trong lúc vợ chồng tôi xem lại cái album hình kỷ niệm ba chuyến đi cruise có một bức hình khiến tôi chú ý. Đó là bức ảnh anh Minh đang say tôi chụp khi anh đang uống thử rượu trong một vườn nho ở bên Ý. Khi say cái nhìn của anh Minh rất là… say đắm. Tôi chuyển bức hình này cho bạn bè miền Tây Bắc xem, anh Lê Hữu viết: “Đúng như anh Thiết nói, tôi chưa thấy ánh mắt nào đắm đuối, nồng nàn đến thế. Ánh mắt này mà chiếu tướng người đẹp nào thì chỉ có... mềm như cọng bún”.

Tôi gửi kèm đây bức ảnh “chân dung nhà văn Phạm Xuân Đài khi say” để tặng anh Minh.

 


Chân dung nhà văn Phạm Xuân Đài khi say.

 *

  Để kết thúc bài viết ghi dấu 20 năm quen biết với anh Phạm Phú Minh tôi tính dành những hàng chữ sau cùng để mô tả con người sâu bên trong cái  “dáng dấp cao ráo và vẻ mặt trầm tĩnh trí thức” đã gây ấn tượng nơi tôi trong buổi đầu gặp gỡ. Đang loay hoay tìm chữ để mô tả tôi khám phá ra là đã có người thay tôi nói ra những điều tôi đang suy nghĩ. Người đó là cố giáo sư khả kính Nguyễn Khắc Hoạch, nguyên Khoa trưởng Đại học Văn Khoa Sài Gòn.

Trong phần đầu mở đầu Bài Tựa cho cuốn sách Hà Nội Trong Mắt Tôi của tác giả Phạm Xuân Đài, bút hiệu của anh Minh, vị giáo sư ấy, dưới bút hiệu Trần Hồng Châu, nhà thơ, đã viết những hàng sau đây:

“Phạm Xuân Đài là một con người trầm lặng, khiêm cung, ăn nói nhỏ nhẹ. Hình như toàn sức sống của ông đều dồn vào nội tâm. Trầm lặng của một mẫu người hoạt động, không phải chỉ có cái vỏ ngoài hoạt động, mà là để thể hiện thực sự. Khiêm cung của con người ý thức được ranh giới giữa biết và không biết, giữa có thể và không có thể. Dấu ấn của một kinh nghiệm trí thức, một nếp sống văn hoá vững vàng...”

Anh Minh ơi, trong khi đánh máy những dòng chữ trên tôi chợt ý thức là mình đã khởi đầu bài viết này của tôi bằng một đoạn bài Tựa cho tác phẩm Mùa Hạ Năm Ấy, và kết thúc bài viết này cũng bằng một đoạn bài Tựa cho  cuốn sách Hà Nội Trong Mắt Tôi. Hai bài Tựa viết cho hai tác phẩm của anh và tôi đã khép lại ở đây “một chút tri kỷ muộn màng”.

 Bây giờ là đang giữa mùa Thu của miền Tây Bắc. Khi tôi rời mắt khỏi máy vi tính nhìn ra ngoài cửa sổ thì cơn mưa đầu mùa làm ướt sũng những cánh lá phong ở sau vườn nhà đang chuyển sang màu vàng đỏ. Bất giác tôi nghĩ đến Đôi Bạn:

–Trời muốn trở rét...

 

NGUYỄN TƯỜNG THIẾT           

 

(*) Trần Doãn Nho : “Trò chuyện với nhà văn Phạm Phú Minh”

https://www.diendantheky.net/2016/10/tran-doan-nho-tro-chuyen-voi-nha-van.html

(Chú thích của Tòa soạn DĐTK)