Monday, October 30, 2023

Phạm Phú Minh: Người Mở Đường Cho Văn Chương Quốc Ngữ

(Đã được tác giả trình bày trong cuộc Hội thảo về Trương Vĩnh Ký

ngày 8 tháng 12, 2018 tại Little Saigon)

 

 Diễn giả Phạm Phú Minh


Cụ Trương Vĩnh Ký được coi như là người viết văn xuôi đầu tiên bằng chữ quốc ngữ. Đáng kể nhất, có thể coi là tiêu biểu, là hai quyển Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi và Chuyện Đời Xưa.

Cuốn Chuyến đi Bắc kỳ là một du ký, ghi chép mọi chuyện trong chuyến đi, với một lối văn khá bình thường, không quá địa phương khiến người vùng khác hoặc người đời sau phải có chỗ khó hiểu. Có thể nói với du ký này, Trương Vĩnh Ký đã đạt đến lối viết tiêu chuẩn của tiếng Việt, không mấy khác với cách viết của thời nay.

Nhưng cuốn Chuyện Đời Xưa thì khác hẳn. Cụ viết theo lối kể chuyện và tạo nên một văn phong riêng, với cách dùng từ ngữ riêng. Giáo sư Phạm Thế Ngũ đã nhận xét về cuốn này : “Về hình thức có thể coi đây là bước đầu lối truyện ngắn, nhất là bước đầu của văn xuôi quốc ngữ. Ý tác giả muốn viết như người ta nói (...) ông muốn viết câu nói annam ròng, diễn câu nói trơn tuột ở cửa miệng bình dân.” Điều này đúng, chuyện đời xưa là để kể, và lời kể dù viết xuống thành chữ cũng nên giữ phong cách kể chuyện và dùng những từ ngữ rất bình dân rất phổ biến của địa phương mình. Và TVK đã giữ được điều đó. Gs Phạm Thế Ngũ nhận xét đó là “lối văn lủng củng, khi cộc lốc nhát gừng, khi lôi thôi lòng thòng”, nhưng đối với riêng tôi TVK đã thể hiện đúng cách nói của người kể chuyện theo giọng Nam Kỳ. TVK đã đem vào văn viết kỹ thuật của người kể chuyện bằng lời, với một số người ngồi quanh lắng nghe. Qua lối viết này, tôi có cảm tưởng TVK là người có tài kể chuyện, biết ngắt câu để tạo sự hồi hộp, biết cách viết câu kết ngắn gọn rất duyên dáng để tạo một cảm giác kết thúc thấm thía nơi người nghe.

 Và cũng từ các cố gắng của Trương Vĩnh Ký cùng với nhóm những người cộng tác với cụ, mà đã phát sinh một nền văn xuôi bằng quốc ngữ đầu tiên tại miền Nam, làm tiền đề cho cả nền văn học mới của toàn cõi Việt Nam trong thế kỷ 20. Muốn hiểu hiện tượng này, ta phải hình dung tình hình Việt Nam thời ấy.

  Từ đầu thế kỷ 17 (1600), cuộc phân tranh Bắc Nam giữa chúa Trịnh (miền Bắc) và chúa Nguyễn (miền Nam) chính thức nổ ra, miền Nam coi như độc lập với miền Bắc. Một chính quyền mới do chúa Nguyễn lập nên để cai quản từ sông Gianh trở vào Nam, gọi là Đàng Trong. Các chúa Nguyễn một mặt kháng cự với chúa Trịnh, và về sau với cả nhà Tây Sơn nữa, một mặt liên tục mở mang bờ cõi vào phía Nam. Sau suốt hai thế kỷ 17 và 18 nội chiến liên miên, ở phía Nam dân Việt Nam đã chiếm hết Thủy Chân Lạp của nước Cao Miên lập nên vùng Lục Tỉnh trên châu thổ của hai con sông Tiền và sông Hậu là hai nhánh của sông Mekong. Từ nhiều thế hệ, công việc của đám dân tiên phong này là luôn luôn phải lo chiếm đất, canh tác, kiếm sống để tạo nên một đời sống vật chất ổn định trên đất mới, có thể là êm đềm với sông nước và đồng ruộng mênh mông nhưng cũng đầy bất trắc hiểm nguy “hùm tha sấu bắt”. Cuộc sống trên đất mới là một cuộc phấn đấu không ngừng, phải vận dụng cả sức mạnh của tâm trí lẫn của bản năng để tồn tại và ổn định. Và cuối cùng Gia Long đã thống nhất đất nước và lên ngôi năm 1802, mở ra triều đại nhà Nguyễn cho đến năm 1945.

Như vậy, sau hai thế kỷ chia rẽ bởi phân tranh và nội chiến, chúng ta có thể thấy với đám lưu dân định cư tại miền Nam, ảnh hưởng về mặt văn hóa từ miền Bắc hầu như không có gì, vì đã bị cắt đứt từ lâu. Ký ức về gốc gác của họ có khi trở nên rất mù mờ, đến nỗi trong dân gian miền Nam vào giữa thế kỷ 20 vẫn còn nghe câu nói này : “Người ngoài Huế không giống như người mình.” Người mình đây là dân Nam Kỳ, mới chỉ Huế mà họ đã coi là một nước khác rất xa xôi, nói gì đến Thăng Long, Hà Nội ! Lịch sử nội chiến đã biến những lưu dân miền Nam thành một tập thể độc lập, từ đó họ có tập quán riêng, nếp sống riêng, và nhất là ngôn ngữ riêng dù vẫn nói tiếng Việt. Và chính từ thứ tiếng Việt riêng của dân Nam Kỳ mà đã thành hình các câu văn xuôi đầu tiên bằng chữ quốc ngữ, họ viết ra một cách tự nhiên như họ nói, chưa có và cũng không biết đến cái gọi là văn chương văn vẻ. Nhưng người miền Nam chính là những người Việt Nam đầu tiên sáng tác văn học bằng văn xuôi, hoàn toàn không bị ảnh hưởng của ngôn ngữ miền Bắc hay miền Trung, các cuốn tiểu thuyết đầu tiên đó có dấu ấn duy nhất là ngôn ngữ miền Nam, từ cuối thế kỷ 19 đến ngày nay dấu ấn ấy vẫn không phai mờ.

 Chúng ta hãy đọc một đoạn văn của Hồ Biểu Chánh trong truyện Con Nhà Nghèo, để thấy cái đặc trưng trong ngôn ngữ miền Nam :

 “Xóm Đập Ông Canh nằm dựa bên Gò Công qua Mỹ Tho, ngang qua ngã ba tẻ vô Ụ Giữa, bây giờ nhà chen rất đông đảo, cây đua mọc sum suê. Cái nhà việc cũ sùm sụp của làng hồi trước đã đổ bao giờ mà cất lại một toà nhà mới, nền cao khoảng khoát, nóc phơi đỏ lòm. Vài cái nhà lá tum hùm, cửa xịt xạc, vách tả tơi, hồi trước ở rải rác chung quanh đó cũng điêu tàn bao giờ mà nhường chỗ lại cho hơn chục cái nhà khác, tuy cũng lợp bằng lá dừa, song cột kê táng, vách đóng be, coi rất đẹp đẽ thơ thới”.

(Người viết bài này nhấn mạnh bằng chữ đậm) 

 Chúng ta có thể đi ngược thời gian tìm lại Trương Vĩnh Ký để thấy sự độc lập về ngôn ngữ ấy đã bắt đầu như thế nào. Tờ Thông Loại Khóa Trình là tờ báo đầu tiên do một người Việt Nam là Trương Vĩnh Ký lập nên và trách nhiệm về bài vở, ta sẽ ngạc nhiên khám phá nhiều từ ngữ rất lạ so với báo chí ngày nay.

 Ở số 1, xuất bản tháng Năm 1888, trang đầu tiên là bài có nhan đề BẢO, chỉ một chữ đó thôi. Đọc nội dung thì đó là lời ngỏ, nói về mục đích mà tờ báo nhắm tới. Một chữ “Bảo” ngắn gọn, mà về sau này người ta dùng “Lời phi lộ” hoặc “Thư tòa soạn” để nhắn gửi cùng mục đích. Mà “bảo” là gì ? Là lời của người này nói với người kia, như câu : “Tôi bảo cho mà biết”. Nhưng ông chủ báo rất kiệm lời, dùng chỉ một chữ Bảo mà thôi. Đến số 6 thì dùng chữ “Cho hay” để đưa ra một thông báo của Tòa soạn tới độc giả. Đến số 11 thì có dài dòng hơn : “Cho ai nấy đặng hay”.

Thông Loại Khóa Trình số 1                       

Bài mở đầu : BẢO

  Sau đây là mấy dòng mở đầu của bài BẢO :

 “Coi sách dạy lắm, nó cũng nhàm; nên phải có cái chi vui pha vào một hai khi, nó mới thú. Vậy ta tính làm ra một tháng đôi ba kỳ, một tập mỏng mỏng nói chuyện sang đàng, chuyện tam hoàng cuốc chí, pha phách lộn lạo xào bần để cho học trò coi chơi cho vui. Mà chẳng phải là chơi không vô ích đâu : cũng là những chuyện con người ta ở đời nên biết cả”…

 Lời giới thiệu của một tờ tạp chí về văn học, văn hóa Việt Nam, mà xem ra chỉ là những câu nói rất bình thường của người dân Nam Kỳ chưa có vẻ gì là văn chương cả. Nhưng tất cả đường lối của tờ Thông Loại Khóa Trình lại nằm cả trong câu nói giống như một câu vui đùa :chuyện sang đàng, chuyện tam hoàng cuốc chí, pha phách lộn lạo xào bần. Đó là lời tuyên bố cho một lối làm báo đa dạng, đề tài phong phú mà sau này chúng ta gọi là tạp chí vậy.

 Trong báo Thông Loại Khóa Trình số 8, tháng 12 năm 1888 có đăng bài Hịch Con Muỗi, không ghi tên tác giả, với những câu mở đầu như sau :

 Tượng mắng :

Thật loài rất mọn

Quả giống nhỏ nhoi

Ngày thì ở bụi ở bờ

Tối lại dạo làng dạo xóm…

  Đa số chúng ta bây giờ không hiểu hai chữ “tượng mắng” là gì. Xem lại bài hịch Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi do Bùi Kỷ dịch khoảng thập niên 20 của thế kỷ trước thì thấy mở đầu bằng hai chữ Tượng Mảng có nghĩa là Từng Nghe. Sau khi tìm hiểu thêm, chúng tôi mới biết chữ Mắng là một tiếng thường dùng của dân Nam Kỳ thời ấy, cũng có nghĩa là Nghe, ngoài nghĩa cố hữu là la rầy. Thì ra đó là một tiếng khá phổ thông của Nam Kỳ vào thế kỷ 19, một số tác giả miền Nam thời ấy đã dùng :

 Tượng mắng non sông tác chẳng tà

Cớ sao Gành Móm lại do ra ?

………….

(Huỳnh Mẫn Đạt – Gành Móm)

 Tượng mắng lẽ trời sanh

Vật ấy nhiều loài;

Nhớ câu thuận tánh làm lành

Thấy chữ nghịch thường mà sợ

………………..

(Nguyễn Đình Chiểu – Hịch Chuột. Đã đăng trên tạp chí Bách Khoa số 73 xuất bản tại Sài Gòn ngày 15/01/1960).

 Ngoài ra, từ số 3, tháng 7 năm 1888, mở tờ Thông Loại Khóa Trình ra chúng ta gặp ngay hai chữ Mục Lục rồi bên dưới liệt kê các bài trong số báo ấy. Mục Lục là một chữ Hán đã được dùng trong một trang liệt kê bài vở trong sách xưa của Tàu cũng như ta, và chắc chắn Trương Vĩnh Ký là người đầu tiên dùng cho báo chí quốc ngữ mà cho đến ngày nay sách và báo tiếng Việt vẫn tiếp tục dùng.

  Cụ Trương Vĩnh Ký là dân Nam Kỳ, dù là một bậc học vấn uyên thâm và biết nhiều ngoại ngữ, cụ vẫn nói và viết theo ngôn ngữ của đồng bào quanh mình. Với tư cách là người làm báo đầu tiên và viết văn xuôi đầu tiên bằng chữ quốc ngữ, ảnh hưởng của cụ trên đồng bào Nam Kỳ bấy giờ, nhất là trong giới có học thức và viết lách hẳn là rộng lớn và sâu đậm cho đến những thập niên tiền bán thế kỷ 20.

  Bức thư của ông Nguyễn Háo Vĩnh, một người Nam, gửi cho báo Nam Phong, và được ông Phạm Quỳnh đăng trên báo này là một ví dụ. Nội  dung chính của bức thư, trước hết là kịch liệt phản đối việc báo Nam Phong dùng quá nhiều từ ngữ Hán Việt, và thứ hai là khuyến cáo dùng tiếng thuần Việt, nếu thiếu chữ thì chế ra mà dùng chứ không nên mượn từ chữ Hán. Ông Nguyễn Háo Vĩnh viết :

 “... Các bài quốc ngữ, chủ bút Nam Phong và các người phụ bút dùng nhiều chữ Hán quá, nên coi khó hiểu lắm --có chỗ chẳng hiểu các ngài nói cái chi chi ! Coi mà chẳng hiểu thì ích lợi gì đâu --lần lần người ta ngã lòng trông cậy, chẳng còn muốn coi nữa !”

 Một đoạn khác ông viết :

 “Khi nhà nước Langsa qua giao thông với nước ta thì trong cõi Nam Kỳ nổi lên một người là ông Trương Vĩnh Ký mượn cái xác Latin mà dựng cái hồn của tiếng Annam còn sót lại. Cái xác Latin ấy là chữ quốc ngữ bây chừ.”

 Dù ông Phạm Quỳnh chủ bút Nam Phong có ý chế nhạo bức thư của ông Nguyễn Háo Vĩnh, nhưng sự việc ông đăng nguyên văn bức thư ấy lên Nam Phong đã chứng tỏ trong lòng ông cũng có chỗ phục sự hữu lý của tác giả bức thư. Và Nam Phong cũng tiếp tục đăng một số bức thư khác thảo luận về ý kiến của ông Nguyễn Háo Vĩnh, với lời lẽ khen lẫn chê, tờ Nam Phong có lẽ là tờ báo đầu tiên của Việt Nam tạo nên một diễn đàn công bằng để độc giả tham gia bàn luận về các vấn đề văn hóa của nước nhà.

  Và kết quả là gì ? Là chúng ta thấy, người Nam Kỳ cho mãi đến ngày nay, quả ít dùng chữ Hán Việt, và có sáng tạo ra chữ mới mà dùng, theo nguyên tắc đơn giản đặt tên cho sự vật theo quan sát trực tiếp của mình. Ví dụ cái thứ mà người Bắc gọi là “mì chính”, người Trung gọi là “vị tinh” thì người Nam gọi là “bột ngọt”. Cái vật dụng mà người Bắc và người Trung gọi là “phi-ji-đe / frigidaire” thì người Nam gọi là cái “tủ lạnh”. Cách đặt tên này hoàn toàn dựa trên sự quan sát trực tiếp sự vật, cái thứ bột bỏ vào nồi canh thì canh trở nên ngọt nước, thì cứ đơn giản gọi là “bột ngọt”; cái tủ sản xuất ra hơi lạnh thì cứ gọi “tủ lạnh”, việc gì phải “mì chính” hay “phi-ji-đe” cho rắc rối ?

  Ta hãy quan sát chiếc xe đạp, một loại xe do người Pháp du nhập vào nước ta được bắt đầu dùng rộng rãi khắp nước Việt Nam từ nửa đầu thế kỷ 20, xem mỗi vùng trên nước ta gọi các bộ phận của nó ra sao. Ta sẽ thấy miền Bắc và miền Trung phiên âm hầu như tất cả tên tiếng Pháp từng bộ phận của xe đạp, trong khi dân miền Nam lại đặt cho chúng những tên mới, hoàn toàn bằng tiếng Việt. Cái mà người Bắc và Trung gọi là “ghi đông” (guidon) thì người Nam nói là cái “tay cầm”; dây “sên” (chaine) thì Nam Kỳ gọi là “dây xích”; cái “phanh” (freine) thì người Nam gọi là “cái thắng”; cái gạc-đờ-bu (garde boue) thì là “cái chắn bùn”; rayons thì gọi là “căm”; moyeux là cái “đùm”; roue libre là “con cóc”; cái jante là “cái vành”; pédale là “bàn đạp”... Khi tôi từ Quảng Nam vào học ở trường Petrus Ký vào năm 1957 tôi vẫn đem theo một mớ tên gọi tiếng Pháp các bộ phận của chiếc xe đạp, nhưng các ông thợ sửa xe ven đường của thành phố Sài Gòn đã dần dần dạy cho tôi các bộ phận ấy đã được Việt hóa như thế nào. Tôi rất khâm phục sự sáng tạo ngôn ngữ của người dân ở đây, càng ngày càng thấy khả năng sáng tạo đó là vô bờ. Thứ nước giải khát đóng chai mình vẫn quen gọi là limonade thì dân ở đây gọi đơn giản là “nước ngọt”; rạp xi-nê thì người Nam gọi là “rạp hát bóng”; đi xem ciné thì nói “đi coi hát bóng” (đi coi hát mà thật sự chỉ coi cái bóng chiếu lên màn ảnh, từ đó đặt được chữ “hát bóng” thì quả là thấy sao nói vậy một cách chính xác); chiếc xe chở xăng mà người Bắc gọi là xe xi-téc, người Trung gọi là xe xi-tẹt từ chữ Pháp citerne thì người Nam gọi là “xe bồn”, tài tình một cách đáng kinh ngạc.

 Từ nếp sống và tiếng nói hồn hậu của mình không ngờ người Miền Nam lại đã gây ảnh hưởng ra miền Bắc, miền Trung, những nơi có tiếng Việt có lẽ tinh tế hơn, cầu kỳ hơn và có vẻ vay mượn từ bên ngoài nhiều hơn. Những tiếng như tủ lạnh, máy lạnh, bột ngọt, xe bồn... tôi nghĩ đã được miền ngoài chấp nhận vì sự đơn giản, hợp lý và thuần Việt của nó.

 Đây cũng là điều đáng cho chúng ta suy nghĩ. Đất Nam Kỳ là đất mới của Việt Nam, người dân Việt “từ thuở mang gươm đi mở nước” đến thời kỳ hiện đại chưa xa lắm. Và trên vùng đất mới người mình ngay lập tức phải có sự chung đụng với người bản xứ là dân Cao Miên và tập thể di dân Trung Hoa. Trong xã hội mới thành hình ấy ngôn ngữ dĩ nhiên có sự vay mượn qua lại một cách tự nhiên giữa tiếng Việt tiếng Miên và một số thổ ngữ Trung Hoa. Đến giữa thế kỷ 19, lãnh thổ, chính quyền do triều đình Việt Nam cai quản đã ổn định trên đất Nam Kỳ thì lại tới cái họa Tây dương, người Pháp đến dòm ngó và quyết chiếm lấy làm thuộc địa. Trong thế yếu, triều đình Việt Nam đã phải thuận Nam Kỳ là nhượng địa cho Pháp, nghĩa là Pháp toàn quyền trên phần đất này, với ngôn ngữ hành chánh và giáo dục là tiếng Pháp, cộng thêm chữ Việt theo vần la tinh mà sau gọi là quốc ngữ.

 Trong một bối cảnh như thế mà tiếng Việt ở Nam Kỳ vẫn không bị mất đi, không những thế nó lại được bảo vệ, một cách có ý thức hoặc vô thức, trong ngôn ngữ hàng ngày lẫn trong ngôn ngữ viết. Trong tiếng Việt Nam Kỳ, một số từ có gốc Miên, gốc Tàu do sự giao tiếp hàng ngày của người dân đem lại, điều ấy tự nhiên. Dưới sự cai trị của người Pháp, ảnh hưởng của tiếng Pháp dĩ nhiên rất lớn trong xã hội, giới “thượng lưu” người Việt thường dùng tiếng Pháp, thậm chí vào quốc tịch Pháp, chuyện này khá thường. Nhưng khuynh hướng dùng chữ thuần Việt lại rất mạnh trong quần chúng, chứng tỏ có một sự phản kháng những yếu tố ngoại nhập trong ngôn ngữ bằng cách Việt hóa những chữ Pháp thông dụng. Khuynh hướng này tỏ ra rất yếu ở miền Bắc và miền Trung, nhưng lại rất mạnh ở miền Nam, nơi không còn chính quyền của Việt Nam nữa. Trong khi miền Bắc và miền Trung sẵn sàng dùng tiếng Pháp để chỉ toàn bộ các bộ phận của chiếc xe đạp thì người miền Nam đặt ra toàn bộ tiếng nôm na để gọi các bộ phận ấy. Bộ phận nào trong tiếng Việt sẵn có tiếng gọi tương đương thì dùng ngay thư cái thắng để chỉ frein, tay cầm tạm dùng để chỉ cái guidon, dây xích để thay cho chaine, bàn đạp để chỉ cái pédale... Không có tiếng tương đương có sẵn thì tạo ra tiếng mới, dựa trên hình dáng hoặc công dụng của nó, như vè chắn bùn cho garde de boue, vành cho jante, căm cho rayons, đùm cho moyeux... Chúng ta có thể thấy ở đây một công cuộc chuyển ngữ rất hồn nhiên, dựa trên nguyên tắc có gì xài nấy, không có thì đặt ra mà xài. Nhưng nhìn kỹ cũng thấy sự thông minh, linh hoạt và tinh thần phản kháng của một tập thể không muốn dùng tiếng tây là thứ tiếng của kẻ đi xâm lược nước mình.

 Dĩ nhiên cụ Trương Vĩnh Ký, một người con của Nam Kỳ, không phải là cha đẻ ra tinh thần ấy hoặc là người lập thuyết cho các công trình chuyển ngữ ấy. Nhưng tinh thần và các công trình của cụ về ngôn ngữ bao trùm tất cả những hiện tượng mà chúng ta thấy trong xã hội Nam Kỳ sau thời của cụ. Cụ là một nhà ngôn ngữ học thượng thặng, ai cũng biết điều ấy, nhưng giữa thời điểm Pháp xâm chiếm nước ta, những công trình về ngôn ngữ của cụ là một mặt trận bảo vệ tiếng nói cho dân tộc. Có được chữ quốc ngữ là một phương tiện tuyệt vời, cụ ứng dụng ngay cho một chương trình có thể nói là khẩn cấp của thời ấy : chính cụ Trương Vĩnh Ký, lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, viết lại bằng chữ quốc ngữ các tác phẩm cổ điển của Việt Nam như Truyện Kiều, Nhị Độ Mai, Lục Vân Tiên, Lục Súc Tranh Công, Huấn Nữ Ca...; chính cụ đã lần đầu tiên viết lại chuyện đời xưa, chuyện khôi hài thuộc về mảng văn học dân gian của dân tộc; chính cụ đã ra công giải thích bằng chữ quốc ngữ những tinh túy của học thuyết Trung Hoa từng đóng vai trò quan trọng cho tư tưởng và đạo đức của dân tộc Việt Nam nhiều thế kỷ qua; chuyển ngữ những trang lịch sử Việt Nam vốn viết bằng chữ nho sang chữ quốc ngữ để ai nấy đều có thể hiểu biết rõ hơn về lịch sử của đất nước mình – trước quyển Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim khoảng nửa thế kỷ; dùng báo chí như một phương tiện để chuyển tải mảng văn hóa truyền thống Việt Nam...

 Cụ Trương Vĩnh Ký là người duy nhất vào thời điểm ấy làm cả một khối công việc nặng nề cho một quốc gia, cốt để xoay chuyển nền học thuật và văn hóa từ Hán Nôm sang chữ quốc ngữ là một phương tiện mà với con mắt của một nhà ngữ học tầm cỡ thế giới thời ấy, cụ đã thấy là cái xu thế tất yếu phải theo. Ngày nay dù xu hướng chính trị như thế nào, người Việt Nam phải nhìn nhận sự thật lịch sử đó. Đó là sự thật rõ rệt, chính đáng, được chứng nghiệm trong từng giây phút sống của dân tộc này, không một kiểu cố tình bóp méo, ngang ngược nào có thể phủ nhận nó.

 Thiết nghĩ tất cả hiện tượng đó đều bắt nguồn từ một đầu óc và tâm hồn vĩ đại của một người, đã tạo nên một cuộc cách mạng cho ngôn ngữ viết và ngôn ngữ nói của Việt Nam từ giữa thế kỷ 19, với chủ trương cách dùng từ ngữ trong sáng gần gũi với đại đa số quần chúng : đó là học giả Trương Vĩnh Ký.

 Hôm nay chúng ta hiện diện nơi đây trong cuộc hội thảo này như là một cách cùng nhau nhìn lại công lao đóng góp to lớn của cụ Trương Vĩnh Ký đã xây dựng ngôn ngữ viết cho đất nước Việt Nam. Chúng ta hãy cùng nhau tưởng niệm và biết ơn vị học giả đã mở được một con đường mới với biết bao thuận tiện cho văn hóa Việt Nam được phát triển và thăng hoa tốt đẹp cho đến ngày hôm nay.

 

PHẠM PHÚ MINH

 Little Saigon 8 tháng 12, 2018