Chuyện 02





On Sep 8, 2022, at 1:36 PM, Minh Pham <phamdongban@gmail.com> wrote:

Kể ra biết được "xuất xứ" của những bản nhạc nổi tiếng xưa nay thì cũng thú vị thật, nhưng chẳng ai dám bảo đảm những lời kể trong bài “Xuất Xứ Những Bài Nhạc Việt ‘Vang Bóng Một Thời’” gồm những bài như

-      Xuất xứ bài Biệt Ly của Dzoãn Mẫn

-      Xuất xứ bài Giọt Mưa Thu của Đặng Thế Phong

V.v… cả thảy là 13 bài

có đúng sự thật không. Riêng tôi, tôi nghi lắm. Một tác phẩm nghệ thuật đâu bắt buộc phải là kết quả của một câu chuyện cụ thể trong đời người sáng tác.

 Khoảng năm 1967, 68 tôi và Trịnh Công Sơn sống chung trong mấy dãy nhà tiền chế trên nền khám lớn Sài Gòn --hồi đó bộ Giáo Dục giao cho chương trình sinh hoạt thanh niên học đường chúng tôi quản lý các dãy nhà đó để tổ chức các sinh hoạt.

 Một buổi chiều mưa, trụ sở vắng ngắt, Sơn nằm trên  một cái ghế bố, tôi ngồi trên một cái ghế bên cạnh, trò chuyện với nhau. Tôi hỏi Sơn về trường hợp sáng tác của một số bản nhạc. Khi nói về bài Diễm Xưa, khi tôi chưa kịp hỏi về nhân vật Diễm, thì Sơn đã nói ngay : "Diễm là vẻ đẹp, không đương nhiên phải là tên một người. Moa viết bài này tại Phan Rang, trong một buổi chiều mưa. Nhìn những tòa tháp cổ qua màn mưa, cảm khái lắm. Toa đã tắm biển Ninh Chữ của Phan Rang chưa? "Những vết chim di" trong bài Diễm Xưa là từ bãi biển đó, sau cơn mưa mỗi bước chân của chim đều ghi dấu trên cát..."

 Tôi tin những lời Sơn nói trong buổi chiều đó là thành thật, nhưng tôi cũng tin là Sơn không nói hết về mối tình với Diễm. Cái cảm hứng thật sự của một tác phẩm nghệ thuật khó giải thích từ một nguồn cội cụ thể trong nội tâm tác giả lẫn ngoại giới, khó dùng một "sự tích" nào để khẳng định từ đó tác giả đã viết ra tác phẩm.

 Người thưởng thức cứ đón nhận nghệ thuật của tác giả một cách mơ hồ càng tốt. Cố tình "bóc trần" mọi chuyện ra thì tôi nghĩ cũng chẳng giải thích được gì, nhất là khía cạnh nghệ thuật của tác phẩm.

 Hôm đó Trịnh Công Sơn còn giải thích cho tôi “nguyên ủy” của một bài khác, đó là bài Nắng Thủy Tinh mà tôi nghĩ nếu không được tác giả nói ra thì chẳng bao giờ tôi tự hiểu được :

“Hôm đó moa đang ở Đà Nẵng, buổi chiều mùa hè có một cơn mưa rào khá lớn. Khi mưa tạnh moa đi bộ trên con đường không nhớ tên gì, chỉ biết nó chạy ngang trường Phan Châu Trinh. Đến một đoạn có cây trồng hai bên đường, moa đứng sững lại vì nhìn thấy một cảnh tượng đẹp lạ lùng : ánh nắng xiêng xiêng buổi chiều chiếu vào hàng cây, mỗi lá cây còn mang một giọt nước mưa ở cuối lá, một loạt giọt nước bỗng sáng rực lên trong ánh nắng, trong phút chốc ấy trong đầu moa nảy ra ba chữ “nắng thủy tinh”. Bao nhiêu giọt nước đang lóe lên trong ánh nắng chiều không còn là nước nữa mà là một đóa thủy tinh đang tỏa sáng. Cảnh tượng đó làm nền ngay cho một ca khúc :

…..

Chiều đã đi vào vườn mắt em
Mùa thu qua tay đã bao lần
Ngàn cây thắp nến lên hai hàng
Để nắng đi vào trong mắt em…”

 

PPMinh (09-09-2022)


    PhamPhú Minh
To:Tu Pease,TD NguyenTThai,bichha bui,tvng,Le Huu
  May 21, 2019



Cái khuynh hướng "viết như nói" bắt nguồn từ Trương Vĩnh Ký. Nhưng theo tôi đó không phải đặc điểm riêng của cụ mà là chung cho những vị miền Nam cầm bút viết văn quốc ngữ, từ Trương Vĩnh Ký trở đi. Đó gần như là "thuộc tính" của các nhà văn miền Nam.

Cũng khoảng mười mấy tuổi tôi đọc Hồ Biểu Chánh gặp những câu tả con trâu nó đi núng na núng nính, hay tả cành tre bị gió thổi hoặc hòa hoặc hoại tôi thấy tức cười, nhưng cũng phải nhận là ông ấy dùng chữ chính xác tạo nên hình ảnh rất linh động.

Lời nói của người Bắc được đào luyện theo một lịch sử dài của dân tộc sống ổn định trong châu thổ sông Hồng nên đạt đến chỗ chính xác, hay ho, coi như mẫu mực cho văn nói lẫn văn viết. Nhưng trên đường Nam tiến, người Việt Nam gặp và sống với những thổ ngơi lạ, dân tộc lạ, ngôn ngữ lạ và phải thích ứng liên tục để có một cuộc sống mới.

Tôi là dân Quảng Nam là chỗ tâm điểm giữa miền Bắc và miền Nam nên cảm nhận gần như đầy đủ tính chất ngôn ngữ của cả hai miền. Ngôn ngữ và giọng nói Quảng Nam thô cứng gần với miền Nam, khi tôi đọc quyển Chuyện Đời Xưa của Trương Vĩnh Ký, tôi nhận ra vô số ngôn từ Quảng Nam thuộc loại cổ, tôi được nghe nhiều ở quê tôi khi tôi còn nhỏ, nhưng bây giờ hầu hết đã biến mất. 
Trong khi đó tiếp nhận tiểu thuyết từ miền Bắc như những mẫu mực chính thống của ngôn ngữ Việt Nam, và chịu ảnh hưởng hoàn toàn ngôn ngữ viết của miền Bắc cho suốt đời học hành viết lách của mình.

Văn chương là sản phẩm của cuộc sống, trong đó ngôn ngữ nơi mình sống là yếu tố quan trọng. Các nhà văn miền Nam đương nhiên viết theo ngôn ngữ miền Nam, chuyện ấy không có gì lạ. Nhưng dù viết theo ngôn ngữ nào, nghệ thuật vẫn là cái quan trọng nhất của sáng tác, và nó quyết định giá trị của từng tác giả. Con trâu nó đi núng na núng nính hay cành tre gió thổi hoặc hòa hoặc hoại cũng vẫn có thể đạt được một giá trị mô tả của nó chứ, phải không ?



ppm

     
May 18, 2019
 Tôi thấy biết một ngoại ngữ là một chuyện, mà cảm được ngôn ngữ ấy là một chuyện hoàn toàn khác. Nhất là cảm qua thi ca là cái nơi người ta dùng ngôn ngữ ở trình độ tế vi nhất.
 Với trình độ của tôi, tôi có thể đọc truyện của một số tác giả Pháp hay Anh viết dễ, như Alphonse Daudet của Pháp hay P. Buck của Mỹ. Nhưng thơ thì tôi chịu. Tôi học ban C, thầy giảng nhiều thơ Pháp hay Anh, thì cũng biết cũng hiểu vậy, nhưng nói cảm những vần thơ ấy thì chưa bao giờ.
 Nhưng với chữ Hán thì khác, tôi cảm được, gần như cảm tiếng Việt, mặc dù tôi khá dốt Hán văn. Hễ hiểu được là tôi cảm được, khác với tiếng Pháp hay tiếng Anh là những thứ tiếng tôi có thể hiểu nhưng không bao giờ cảm. Tôi nghĩ lý do đơn giản là vì tổ tiên của mình trải qua hàng ngàn năm dùng chữ Hán như một ngôn ngữ viết chính thức, đã sáng tác, đã ghi chép mọi chuyện của quốc gia xã hội bằng chữ Hán, thì ảnh hưởng bàng bạc của Hán tự đương nhiên đã nằm sẵn trong bộ thần kinh và trong tâm hồn của mình từ vô số kiếp trước.
 Tôi nghĩ người Pháp, người Anh, người Đức v.v... đối với chữ La tinh thì cũng giống như trường hợp của mình đối với chữ Hán vậy thôi. Một người Pháp mà hiểu tiếng Việt một cách tinh tế thì rất hiếm hoi.
Hôm kia tôi ghé Người Việt ăn trưa, ông Toàn nhắc đến linh mục Cras người Pháp có dạy ban Việt Hán của Toàn. Cha Cras hay chỉnh những câu nói của sinh viên mà ông cho là không đúng tiếng Việt bằng câu "Người Việt Nam thì không có nói như vậy đâu".
Riêng tôi cũng có học một năm với cha Cras ở lớp Dự bị Văn Khoa. Một lần giảng về cấu trúc của câu nói Việt Nam, cha Cras đưa ra một ví dụ: chúng ta thường thấy câu yết thị này trong thành phố : "Cấm không được đổ rác". Một số người Việt Nam chê câu đó viết thừa chữ, đã nói Cấm thì không cần dùng chữ Không được, hoặc "Cấm đổ rác" hoặc "Không được đổ rác" là đủ rồi, dùng một chỗ hai lệnh cấm thì dĩ nhiên thừa một.
 Nhưng cha Cras không chấp nhận chỉ trích đó, cha cho rằng nếu dùng theo cách nói đơn giản như vậy thì mệnh lệnh không được mạnh. Cha nói : "Người Việt Nam có cách ra lệnh rất cứng rắn 'Cấm không được đổ rác' vì lệnh cấm được lặp lại hai lần trong một câu. Cũng giống như một người cha răn dạy đứa con : "Ba cấm con không được đi tắm sông một mình".
 Tôi nghĩ cha Cras là một người CẢM được những nét ẩn mật trong ngôn ngữ Việt Nam.

ppm

May 15, 2019

Cám ơn Vũ đã đưa ra những ý tưởng có tầm vóc, như định nghĩa về vũ trụ chẳng hạn. Lâu nay hầu hết chúng ta vì không mấy khi nghiên cứu những lý thuyết lớn về vũ trụ như Vũ nên cái nhìn vũ trụ chỉ ở phạm vi cảm tính, hoặc dựa trên tôn giáo của mình.

Nhưng tôi vẫn muốn trở lại cái bẫy của chúng ta, vì có lẽ từ đó mới sinh ra mọi chuyện. Con người không tồn tại thì có vấn đề gì mà nói nữa đâu.

Muôn loài động vật đều mang trong thân mình một nhu cầu rất lớn là tình dục, và khao khát được thỏa mãn. Mỗi loài mỗi kiểu thỏa mãn riêng, nhưng mục đích (mà cũng là cái bẫy) là sinh con đẻ cái. Nhiều loài chỉ làm động tác truyền giống theo mùa, thích hợp với cấu tạo cơ thể loài của mình để có mùa thu hoạch tốt nhất. Nói chung việc truyền giống của loài vật là theo bản năng và theo những luật lệ riêng đã được hình thành theo muôn ngàn cảnh ngộ sống, trải qua vô số thời gian.

Nhưng đến con người thì tuy mọi chuyện căn bản vẫn là cái bẫy ấy, nhưng vì người là vật linh trưởng nên quá trình truyền giống phải theo một lớp lang phức tạp hơn. Trong trình độ của loài người như trong hiện tại, thoạt đầu là tình yêu nam nữ, thu hút một người nam và một người nữ vào với nhau. Khi tình yêu đã chín mùi thì tiến tới hôn nhân và trải qua một đời chung sống, trong đó có một nhiệm vụ quan trọng là sinh con và nuôi dạy con cho đến khi khôn lớn. 

Mục đích thì chẳng khác gì các loài khác, nhưng "trình độ" thì cao hơn nhiều. Cốt lõi của cái gọi là trình độ ở đây là gì ? Là tình yêu thương. Loài vật chỉ lộ ra chút tình trong giai đoạn nuôi con còn bé bỏng, đến khi con khôn lớn rời khỏi cha mẹ là đi luôn, không cần biết cha mẹ là ai, và cha mẹ cũng không cần biết con là ai, chỉ lo đi kiếm ăn để đẻ lứa khác.

Và đó là cái bẫy êm ái mà hầu hết phàm nhân chúng ta đều lọt vào. Nhưng lại có những cách nhìn khác, biết đó là cái bẫy và nhất quyết tránh không sa vào, ấy là tôn giáo. Nhìn vào hai tôn giáo lớn và gần gũi với chúng ta nhất là Phật giáo và Công giáo, đều có chủ trương những người đi tu theo tôn giáo của họ thì phải diệt dục, mà cái diệt lớn và quan trọng nhất là tình dục, nghĩa là nam nữ tu sĩ đều không được lấy vợ lấy chồng.

Tại sao tu sĩ thì phải đi theo con đường này ? Ắt hẳn phải có nguyên do, xin các bạn cho ý kiến.

ppm
May 14, 2019

Cám ơn Hà đã tham gia ý kiến ngay. Nhưng hãy cho tôi trình bày tiếp những điều dang dở, hay đúng hơn chỉ là vài câu nhập đề chưa trọn vẹn.

Tôi đã nói gì nhỉ. À, cái bẫy vĩ đại mà tạo hóa đã tạo ra mà tất cả các loài động vật đều phải chui vào để sinh sôi nòi giống của mình. Tùy theo trình độ phát triển của mỗi loài, các hành vi để sinh sôi ấy đi từ chỗ hoàn toàn là bản năng, lên dần đến loài người là giống cao nhất thì cái việc truyền giống ấy trở nên phức tạp rắc rối hơn nhiều.

Chắc các bạn nhiều người đã có xem cuốn phim hoạt họa của Walt Disney có tên đại khái là Bamby, lâu ngày có thể tôi nhớ không chính xác cái tên, nhưng nội dung thì tôi không thể quên được. Phim tả cảnh đến mùa tình ái của loài nai, nàng nai xinh đẹp Bamby được nhiều chàng nai đến ve vãn, nhưng nàng đều từ chối, và cuối cùng hình như theo một quy luật có tính chất bản năng nhưng rất có ý nghĩa, các chàng nai phải đấu sức mạnh với nhau, ai vô địch mới được nàng Bamby nhận làm chồng. Cuốn phim cho biết, ở loài nai, phải anh nào mạnh nhất, thắng tất cả các con nai đực khác thì mới có quyền gieo giống để tạo ra thế hệ sau. Đó là sự lựa lọc khá "văn minh", đã một phần nào đó không còn hoàn toàn là bản năng mù quáng nữa mà đã có "ý thức" chọn lựa cái tối ưu cho nòi giống.
Tôi nghĩ trong thiên nhiên vấn đề truyền giống trong mỗi loài đều ít nhiều có những quy luật tương tự, để các thế hệ con cháu được mạnh mẽ. Đó là kết quả của sự sinh tồn trải qua hàng triệu năm, mỗi loài mới dần dần tự lựa chọn lấy một phương pháp để tối ưu hóa sự phát triển của mình. Nhưng đối với loài vật, chủ yếu sức mạnh ấy đều dựa vào bản năng. Chỉ có loài người, là giống "linh ư vạn vật" con đường sinh tồn càng ngày càng rắc rối, đến nỗi chúng ta đang và sẽ gặp rất nhiều thái độ khác nhau về chính sự sinh tồn của mình.

Thưa các bạn, viết đến đây tôi thấy mình cũng đã tự nguyện một cách dại dột đi vào một cái bẫy do mình giăng ra. Vấn đề của con người đột nhiên mênh mông quá, khác hẳn sự đơn giản của loài vật, làm cho mình choáng ngợp không biết phải bắt đầu từ "chương" nào. Xin các bạn góp ý để cứu bồ nhé.
Hẹn ngày mai.

ppm

May 13, 2019


T. ơi,

Sáng nay lúc 10 giờ tôi thức dậy, xem các thư từ mới và định viết thư cho T., nhưng mới viết hai chũ "T. ơi" thì có tiếng chuông cửa. Hai ông T.T. và V. nhỏ tới rủ đi ăn sáng. Buổi đi ăn sáng kéo dài, vì anh NDC sau bữa ăn lại rủ cả bọn về nhà anh ấy uống trà. Trà nhà anh C. toàn là đệ nhất danh trà, và cách pha trà cùng những bộ đồ trà của anh C. thì tất cả bạn bè đều biết danh.

Mãi 2 giờ chiều mới về tới nhà, và giờ này mới ngồi vào để tiếp tục bức thư cho T., sau khi đọc thêm mấy thư mới.

Chúng ta hôm nay lại "luận anh hùng", một đề tài chẳng mấy khi chúng ta đụng tới trước đây, có lẽ vì chúng ta không có sẵn cái "văn hóa anh hùng" trong huyết quản. 

Tại miền Nam trước 75 ngôn ngữ của chúng ta cũng ít khi dùng tới hai chữ anh hùng, ngoài những khi bỡn cợt với những chữ như "anh hùng xa lộ", "anh hùng Lương Sơn Bạc" (để chỉ kẻ cướp có nghĩa khí), hoặc... "anh hùng Xạ Điêu". Toàn là những kiểu nói trời ơi đất hỡi, không mang tính ca ngợi, cũng không tỏ lòng kính phục một cách đứng đắn. Ngôn ngữ chính trị hay tuyên truyền trong chiến tranh hay trong báo chí, miền Nam rất ít khi hoặc chẳng bao giờ dùng chữ anh hùng để vinh danh những tấm gương cao cả. Đối với cuộc sống miền Nam, hai chữ "anh hùng" hình như chỉ để dành cho những nhân vật lừng lẫy trong quá khứ, hoặc trong sách kiếm hiệp của Tàu, chứ không dùng cho hiện tại.

Nhưng miền Bắc thì ngược lại, họ chủ trương cuộc chiến tranh thanh toán miền Nam, và họ có cả một "chủ nghĩa anh hùng". Họ tạo ra cả một guồng máy tuyên truyền cho chủ nghĩa này, nhằm thúc đẩy tinh thần hy sinh trong mọi tầng lớp xã hội cho cuộc chiến. Người cày ruộng thì có anh hùng sản xuất, lính phòng không thì có anh hùng bắn máy bay, trong chiến trận thì họ khai thác nhiều tình huống để đặt ra đủ loại anh hùng, rất nhiều trường hợp sẵn sàng bịa ra, như những anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, anh hùng Nguyễn Văn Bé (riêng trưởng hợp Nguyễn Văn Bé họ đã bị hố to : anh ta bị phe quốc gia bắt được trong trận chiến, họ tưởng là đã chết rồi nên viết ra cả một kịch bản ly kỳ về sự hy sinh của anh ta. Bên phe miền Nam cứ để cho bên VC tuyên truyên đã đời một thời gian, mới đưa Nguyễn Văn Bé ra trình diện với báo chí, với truyền hình và anh ta đã tuyên bố một câu rất nổi tiếng hồi ấy : "Tôi Nguyễn Văn Bé hãy còn sống đây.") Thế là "anh hùng Nguyễn Văn Bé" đột nhiên tịt ngòi trong hệ thống tuyên truyền của cộng sản.

Nhưng tại miền Bắc có một loại anh hùng mà tôi cho là tội nghiệp nhất : "các bà mẹ anh hùng". Vì trận chiến tại miền Nam quá lớn, lại gặp một hỏa lực quá hùng hậu, quân miền Bắc tổn thất rất nhiều, họ phải đôn quân liên tục, và rốt cuộc, họ phải vét nhẵn thanh niên, thậm chí các cậu bé 15, 16 tuổi cũng phải vào quân đội. Sá chi những bà mẹ 9 con !? Trong guồng máy tuyên truyền của họ thời đó, "các bà mẹ anh hùng" đã lừng danh lắm rồi, càng vét sạch con cái của các bà, họ càng tung hô các bà là anh hùng.

Và chúng ta không lạ, sau khi miền Bắc đã chiếm được miền Nam thì hai chữ anh hùng càng được nhắc đến nhiều, đến nỗi cuối cũng đã xuất hiện câu : "ra ngõ gặp anh hùng" với tất cả nét mỉa mai của nó.

Tôi vừa mạn phép đưa ra cái bối cảnh trong đó phát sinh ra các loại anh hùng, trong đó có "bà mẹ anh hùng" (mà không ít người dân miền Nam cũng nhiễm quen lối gọi ấy, một cách ý thức hoặc vô thức). Còn thật sự hai chữ anh hùng bản chất nó là gì, xin hẹn một dịp khác.

ppm



Feb. 13, 2019

Thân gửi các bạn,

Theo tôi, tác phẩm của Doãn Quốc Sỹ thành công nhất là trong thời gian cuối thập niên 1950, đầu thập niên 1960. Tôi nhớ hồi tôi mới vào Đại học thì Dòng Sông Định Mệnh đang nổi như cồn, sinh viên hay bàn tán xôn xao. Rồi tiếp theo là Ba Sinh Hương Lửa, cuốn đầu của bộ trường thiên của ông, cũng tiếp tục nổi tiếng, và riêng tôi bị tác động khá nhiều. Một cách chủ quan, tôi cho đây là cuốn hay nhất của ông.

Khi tôi lên Đà Lạt để học Sư phạm năm đầu tiên 1961-62 thì cuốn Ba Sinh Hương Lửa cũng vừa xuất bản. Trong không khí mát mẻ và nếp sống êm đềm trên cao nguyên, tôi đọc say sưa cuốn sách này, và bây giờ nhìn lại, tôi thấy đây là cuốn tiểu thuyết Việt Nam cuối cùng mà tôi cho là HAY. Có thể vì nó tác động quá mạnh vào tâm hồn tôi lúc đó.

Bây giờ tôi không còn nhớ rõ các tình tiết của cuốn sách, nhưng chủ đề lớn là vấn đề xung đột quốc cộng, ít nhất là những gì còn giữ lại trong tâm trí của tôi bây giờ. Bước vào tuổi thanh niên là tôi bắt đầu giương to mắt để nhìn vấn đề ấy, như một thao thức, như một lo sợ và ưu tư. Những gì tôi đã thấy từ 1945, rồi đi tản cư và hồi cư, trên chính quê hương Quảng Nam của tôi, là sự thanh toán nhau giữa hai phe quốc và cộng. Các năm 1946, 47 phe cộng sản thủ tiêu khá nhiều các đảng viên Quốc Dân Đảng, trong đó có một ông anh chú bác ruột của tôi mà tất cả anh em trong gia đình tôi đều yêu mến. Đến năm 1954 đình chiến, phe Quốc Dân Đảng nắm quyền tại các quận trong tỉnh, một đợt giết chóc các cán bộ CS nằm vùng lại xảy ra ồ ạt. Dân Quảng Nam có một đặc tính là về chính trị thì không khoan nhượng, nên sự sát phạt lẫn nhau tôi nghĩ là nặng nề hơn tất cả các địa phương khác trong nước.

Với tâm thức ấy tôi đọc Ba Sinh Hương Lửa và thấy thấm thía cái nhìn của tác giả về cùng vấn đề. Một buổi chiều tôi nằm đọc lại đoạn tác giả tả chuyến tàu lửa của chính quyền Việt Minh khoảng cuối 1946 chở tù nhân là các chiến sĩ phe quốc gia đi Cốc Lếu, chắc là để nhốt vào một trại giam trên rừng núi để thủ tiêu dần, tự nhiên tôi bật khóc, khóc thảm thiết, khóc rất lâu. Từ nhỏ tôi là một đứa bé rất dễ khóc, đến độ các anh chị tôi đặt cho biệt danh là "Mít Ướt", nhưng từ khi qua khỏi tuổi thiếu niên thì tôi không bao giờ khóc nữa, tự giữ mình cứng rắn để chữa cái bệnh ủy mị lúc nhỏ. Nhưng buổi chiều ấy tôi khóc thật sự, khóc vùi, sưng cả mắt. Và cho tới nay, đó vẫn là "trận khóc" lớn nhất đời tôi, vì sau này ra đời gặp bao thăng trầm, đau khổ tôi cũng không bao giờ khóc.

Ông Doãn Quốc Sỹ đã cho tôi một trận khóc để đời, coi như một cái điềm mách bảo cho tôi một tương lai chính trị không vui. Mười mấy năm trong tù CS tôi vẫn nhớ trận khóc ấy, và thấy mọi sự có liên lạc với nhau, cái này báo trước cho cái kia, giống như nàng Kiều đi Thanh Minh về tối chiêm bao thấy Đạm Tiên vậy. Tác giả Ba Sinh Hương Lửa là một Đạm Tiên đã mách trước cho tôi --và không ngờ cũng cho chính ông nữa-- ngày CS thắng trận, và những gì đến với người quốc gia.

Nhưng sau Ba Sinh Hương Lửa thì tôi không đọc Doãn Quốc Sỹ nữa. Đúng ra tôi có tiếp tục mua những cuốn kế tiếp của bộ trường thiên Khu Rừng Lau nhưng tôi đọc không vô nữa. Nhưng với tôi, một Ba Sinh Hương Lửa là đủ lắm rồi.

Những dòng chữ trên đây dĩ nhiên không phải là phê bình, nhận định văn học gì cả. Chỉ là một mảng tâm sự có lẽ khá quan trọng của đời tôi liên quan đến sách vở, vì gặp duyên mà nó mới hiện hình và khiến tôi chia sẻ với các bạn. 

May quá, ông Doãn Quốc Sỹ vẫn còn, như một chứng nhân thầm lặng cho những điều tôi vừa viết.

ppm




Feb. 14, 2019

Cám ơn các bạn đã chia sẻ với mảng tâm sự của tôi. Mà tâm sự ấy chỉ xuất hiện rõ nét khi tôi theo dõi các bàn tán của cả nhóm về Doãn Quốc Sỹ.

Vấn đề không phải là chống cộng, vấn đề là sự tương tàn. Có lẽ vết thương sâu kín trong tâm khảm của tôi kéo dài qua tuổi thiếu niên đã bùng nổ vào tuổi thanh niên với chuyến tàu đi Cốc Lếu của Doãn Quốc Sỹ. Vết thương đã có sẵn, Ba Sinh Hương Lửa chỉ làm bùng phát ra tất cả thương đau của nó, khiến người mang nó lâu nay nhận thức ra, và chỉ biết khóc vùi.

Kiều cũng khóc. Nhưng tại sao Kiều lại khóc trong khi Thúy Vân vẫn bình thản, và con chê bà chị khéo dư nước mắt ? Chỉ vì Kiều mang sẵn vết thương trong lòng, như một nghiệp chướng mai phục sẵn trong kiếp sống của mình. Vết thương đó là "hồng nhan bạc mệnh", hoặc "hồng nhan đa truân", nên thoạt nghe câu chuyện của Đạm Tiên là Kiều động lòng rơi nước mắt ngay. Có cảm mới có ứng. Còn cô Thúy Vân nghiệp chướng nhẹ nhàng, sau này chồng con đề huề, thì sẵn sàng buông một lời phán "khéo dư nước mắt khóc người đời xưa". Cô ấy có hiểu gì đâu, lòng cô ấy thanh thản, sáng trưng.

Tôi cũng có "tâm bệnh" như Kiều, là mang trong tâm thức của mình từ hồi còn nhỏ sự tương tàn trên sân khấu chính trị. Thoạt đầu trong phạm vi gia đình mình, rồi càng lớn càng biết thêm về địa phương mình, rồi biết thêm nữa đó là vấn đề của quốc gia. Cái khóc của tôi từ năm 1961 không có chút ý thức nào về bản thân cả, ví dụ chính mình sẽ là một nạn nhân của cuộc tương tàn ấy, không. Nhưng cái khóc ấy đã thấp thoáng thấy cuộc nội chiến rồi sẽ tàn khốc, và khóc vì một linh cảm như nàng Kiều trước mả Đạm Tiên. Chỉ khác Kiều là tôi không có cô em Thúy Vân bên cạnh thôi.

Bây giờ, đây là lần đầu tiên tôi thú nhận với bạn bè của tôi về trận khóc có thể đáng xấu hổ nhưng cũng đáng thương tâm ấy. Nó không hay không dở, nó chỉ nhằm chứng minh rằng, một khi "đã mang lấy nghiệp vào thân", thì nên biết rằng không nên phủ nhận nó, không phiền hà gì nó, vì nói cho cùng, nó chính là mình vậy. 

ppm






·       Tu Pease

To:Thiet NguyenTuong,TD NguyenTThai,Huu-Seattle Le,minh pham,bichha bui
Sep 30 at 3:58 PM

Dear All, 
Cháu Tiêu Dao con gái của Thái mới in tập Thơ song ngữ ở Việt Nam. Cháu vừa đến Seattle( ở nhà tôi)  3 ngày để RMS. Mới về sáng nay.
 Tập Thơ trình bầy như thế này ở ngoài Bìa
                    Mình                          You
                    Sẽ                               Will
                    Luôn                          Always
                    Là                               Be
                    Người                       Some-
                    Nọ                              One
                    Đến                            From
                    Từ                               Some-
                    Nơi                            Where
                    nọ                              else
        
Tôi góp ý với cháu là dịch chữ "nọ"  không hay và không thơ. (Người dịch là một cô đang finishing her PhD in San Diego về personal and political of human geographic stories) cô này là du học sinh, lớn lên ở VN, nên khi cô dịch Thơ cô dùng chữ khá "hoành tráng" khá cầu kỳ.
Cháu Tiêu Dao nhờ tôi kêu gọi nhưng người bạn viết văn của Mẹ (và cả mẹ Thái) dịch lại cái tựa theo ý mỗi người, rồi Tiêu Dao sẽ làm 1 trang - như một bài Thơ với phần dịch này.

         Dao có ý nhờ chúng mình, những người viết, dịch khác nhau, theo sự hiểu về ý nghĩa của câu trên như thế nào.
          Xin mời tham gia.
              tmt

Le Huu
To:Tu Pease,Thiet NguyenTuong,TD NguyenTThai,minh pham,bichha bui
Oct 1 at 7:57 AM

Ý chị Tú là dịch câu ấy sang tiếng Việt?
Kể ra không biết nội dung của tập thơ thì không dễ dịch cho đúng (như không rõ vì sao "you" lại là "mình).
Thường thì câu tiếng Việt chỉ dịch lấy ý, sao cho gọn, ngắn hơn câu ngoại ngữ càng tốt. Xin tạm dịch:
You will always be someone from somewhere else  =
Bạn luôn là ai đó đến từ đâu đó  (hoặc "...từ nơi khác").
LH

tvng
To:Le Huu,Tu Pease,TD NguyenTThai,minh pham,bichha bui
Oct 1 at 10:26 AM

Tôi chịu. Không phải là tôi không dịch nổi. Mà là không hiểu ý tác giả muốn nói gì. Nếu chỉ tách câu ấy thôi thì câu ấy, theo tôi, tối tăm và vô nghĩa. "Bạn luôn luôn là ai đó đến từ đâu đó". What it means?
Đẩy mạnh trí tưởng tượng: hay là tác giả muốn nói tư tưởng Albert Camus trong Létranger? Nếu thế thì phải dịch: mình là kẻ xa lạ đối với chính mình.
Thiết


·       Le Huu 

To:Tu Pease,TD NguyenTThai,minh pham,bichha bui,tvng
Oct 1 at 12:34 PM

Anh Thiết nói đúng, ko hiểu hoặc ko hiểu rõ thì bó tay. Khi dịch tôi nghĩ đến đề tài..."di dân" cho có tí make sense. 
Cái này cũng tựa Đố Vui Để Học (chị Tú biết rõ hơn ai hết là thơ thì khó mà dịch, "chuyển ngữ" thì may ra).
LH


·       PhamPhú Minh

To:Tu Pease,TD NguyenTThai,bichha bui,tvng,Le Huu
Oct 1 at 2:06 PM

Sự "nhờ vả" của Tú tình cờ mà có thể biến thành một câu chuyện thú vị. Thoạt đầu nhìn thư của Tú, tôi nghĩ ngay : Ôi dào, đây là thơ, hơi đâu mà dịch.
Nhưng rồi Lê Hữu vào cuộc, rồi Nguyễn Tường Thiết góp ý, tôi cũng thấy... động lòng. Câu dịch của Lê Hữu tôi thấy sát (về nội dung) và hay (về ngôn từ), hay hơn câu của cô gì dịch trước nhiều. Và tôi tưởng là mọi người có thể tạm dừng ở đó, nhưng anh Thiết lại nhảy vào và hô lên : What it means?
Lê Hữu đã dịch đúng câu đó sang tiếng Việt, và tôi nghĩ chừng đó là đủ rồi, không cần biết tập thơ nói những gì. Gọi là dịch, hay chuyển ngữ, hay phóng tác gì cũng được, miễn là diễn được cái nghĩa của câu đó một cách đầy đủ, như thế Lê Hữu đã xong nhiệm vụ. Còn việc câu ấy mean cái gì thì tôi nghĩ tùy vào người đọc. Một câu đơn sơ như thế, nhưng vì nó là thơ, có thể mỗi người hiểu một khác, cảm một khác. Đó là việc của người đọc.
Như vậy anh Thiết cũng có cái lý của anh, khi thấy câu ấy không có nghĩa lý gì cả.
Riêng tôi, ngẫm nghĩ lại, tôi vẫn thấy thơ là một sản phẩm kỳ lạ của con người. Đã có ngôn ngữ, con người có thể trao đổi nhau đủ thứ chuyện để sống với nhau và đẩy cuộc sống ngày một cao hơn, nghĩa là no ấm hơn, công bằng hơn v.v... nhưng tại sao lại nảy ra việc "làm thơ" ? Thơ hoàn toàn không dính dáng gì với những cái cụ thể trong đời sống chúng ta cả, nó nói về một mặt khác của tâm hồn chúng ta mà ngôn ngữ của cuộc sống thường nhật không đảm trách được.
Đang sống yên ổn phẳng lặng bỗng một ông nổi hứng hô lên :
Hôm nay trời nhẹ lên cao
Nhiều người quanh ông ta có thể đến sờ trán ông ta xem có nóng không. Trời ở trên cao thì ai chẳng biết, rồi việc gì phải nói đến cân lượng của trời hôm nay nhẹ, còn hôm qua thì nặng ? Ông ta muốn nói cái gì thế ?
Dần dần người ta mới nhận ra là ông ta đang cố diễn tả một cái gì u ẩn trong lòng ông ta, và cũng dần dần người ta thấy rằng điều ông ta nói mình cũng có trong lòng --nghĩa là mình có thể cảm ứng với ông ta, nhưng "hiểu", giảng giải ra thì chưa chắc làm được. Đó là thơ.
Với câu
You will always be someone from somewhere else  =
Bạn luôn là ai đó đến từ đâu đó  (hoặc "...từ nơi khác").
tôi cho là một câu thơ đúng nghĩa, vì nó diễn tả một thắc mắc, hoặc một trạng thái nào đó đang nung nấu trong tâm hồn thi sĩ, giống y như để trả lời cho câu hát của Phạm Duy trong bài Xuân Hành :
Người là ai ? Từ đâu tới ?
Và người ơi người sẽ bước chân về nơi đâu ?
Những khuất lấp trong tâm hồn chúng ta thường gồm cả những thắc mắc siêu hình như thế, và hình như từ đời xưa đến nay vẫn thường được diễn tả bằng thi ca. Những khúc mắc muôn đời không giải xong.
Tôi xin cầu viện thêm một câu của Nguyễn Hưng Quốc, có vẻ cũng muốn giải mã thi ca :
“Nhờ nhà thơ, con người nhìn thấy rõ hơn diện mạo tâm hồn mình. Xưa kia tâm hồn u uẩn quá. Nó là cõi đêm, là giông tố sấm chớp nhưng cũng mù mịt vô cùng. Nhà thơ là kẻ lặn sâu hơn ai hết vào cái vùng bất an vô định ấy.”  
Và thêm một câu của Bùi Giáng nữa, cho chắc ăn :
“Đi vào giữa trung tâm bão giông một lúc thì lập thời ngôn ngữ thoát ra, phá vòng vây áp bức.”
ppm


On Monday, 1 October 2018, 14:26, Thai Nguyen  wrote:

 Wow! Anh Minh đã viết một bài post lên DĐTK được đấy. Td

 



From: PhamPhú Minh 
Sent: Wed, Oct 3, 2018 7:01 pm
Subject: cụ Hà Thượng Nhân
Anh biết tiếng cụ Hà Thượng Nhân từ lâu trước 1975. Hồi đó anh là học trò, sức mấy dám mon men đến các văn nhân đã thành danh như Hà Thượng Nhân.

Mãi khi ra hải ngoại, anh xuất bản cuốn Hà Nội Trong Mắt Tôi năm 1994, anh Lê Đình Điểu tổ chức ra mắt sách tại San Jose, có mời cụ phát biểu nhận xét về cuốn sách. Anh hoàn toàn bất ngờ thấy cụ đánh giá lối viết tùy bút của anh rất cao, thậm chí so sánh với tùy bút của Nguyễn Tuân. Một văn nhân kỳ cựu mà phát biểu như thế, anh cảm động lắm, và thêm tự tin nữa.

Từ đó anh và cụ vẫn thỉnh thoàng liên lạc với nhau, nhất là khi viết về Tạ Ký, anh liên lạc với cụ để thêm thông tin, vì mặc dù anh thân với anh Tạ Ký, anh vẫn cần ý kiến của những người khác lớp trên, cũng thân với Tạ Ký. Lúc đó là khoảng đầu thập niên 2000, cụ Hà Thượng Nhân đã viết cho anh cả một bài cặn kẽ về Tạ Ký.

Cụ Hà Thượng Nhân được sự kính nể của anh em văn nghệ hải ngoại. Cụ làm thơ hay, trước kia phụ trách mục thơ Đàn Ngang Cung của nhật báo Tự Do. Và trong quân đội hình như cấp bậc của cụ là Đại Tá.

Rồi đến một năm nào đó, cụ qua đời.

Còn phần em, tại sao hôm nay em cần hỏi anh về cụ Hà Thượng Nhân ?

ppm





TuongThiet Nguyen  Aug 6 at 2:37 PM
Mà anh Minh cũng tài nữa: có mấy người nghe nhạc Phạm Duy mà hiểu thấu và suy diễn tài tình lời và ý nhạc Phạm Duy như anh Minh. Phải có một tâm hồn đồng điệu nào đó với tác giả và một trực giác bén nhậy lắm mới nối kết được cái “xưa” và cái “nay” như anh Minh đã từng phân tích bài hát Dạ Hành.
Thiết

Le Huu  Aug 9 at 7:05 PM
Anh Thiết ơi,
Về cái "tài" nghe nhạc Phạm Duy và cái "trực giác bén nhạy" ấy của anh Minh thì tôi được biết từ lâu rồi chứ không đợi tới bài Dạ Hành này, hay Thuyền Viễn Xứ, Xuân Ca... Gửi các anh chị bài anh Minh viết về bài hát Một Bàn Tay (nếu chưa đọc) mà NS Phạm Duy ngày ấy rất lấy làm "tâm đắc", gửi đi cho nhiều người đọc và khoe rằng chỉ có nhà văn Phạm Xuân Đài là "tri kỷ":
LH

Tu Pease  Aug 9 at 8:09 PM
Yes, Tôi cũng thich bài viết này lắm, khi anh Minh post trên DĐTK. Anh Minh viết phê bình văn chương HAY vì anh đọc theo cái tâm tưởng của nhà văn.
tmt

PhamPhú Minh  Aug 9 at 8:32 PM
Tú vừa phát biểu một ý hơi lạ nhưng rất hay.
Phê bình không theo ngôn ngữ của nhà phê bình nhưng theo tâm tưởng của nhà văn.
Tốt hơn hết đừng nên gọi những bài như thế của tôi là bài phê bình. Phê bình là một ngành cần có trình độ cao, đọc rộng, biết nhiều mới có thể "phê" người khác. 
Còn những bài như Bàn Tay chẳng hạn, chỉ là một loại bài viết giống như tùy bút, dựa vào tác phẩm của người khác mà "tán" theo ý mình. Chính vì điểm này mà Tú nhận định "theo cái tâm tưởng của nhà văn".
Đó là một nhận xét rất tinh tế của nhà thơ vậy. Thế mới gọi là tri kỷ trên đời.
ppm

PhamPhuMinh :
Cám ơn anh Thiết. 
Tôi nghĩ mỗi người có một mối đồng cảm với một tác giả nào đó, thơ, văn, nhạc và cả hội họa, mà câu thường dùng nhất là "đồng thanh tương ứng".
Có một lần duy nhất tôi viết một bài trong đó có đoạn "chê" bài Tình Ca của Phạm Duy, như thế mới cả gan. Nguyễn Xuân Hoàng đăng trên báo Văn khoảng năm 2002, 2003 gì đó, trong một số đặc biệt về Phạm Duy. Nhạc sĩ gặp tôi, chỉ lặng lẽ gật gật cái đầu, ra vẻ gửi tín hiệu "tôi đã hiểu rồi".
Trước khi Phạm Duy mất một thời gian không dài lắm, anh có gửi một email cho tôi cho hay anh sửa một ít lời trong bài Khúc Ca Ly Biệt (lời Việt cho Chanson de Solvejg của Grieg). Bài viết về cái chết tuyệt hay, tôi mê từ hồi còn trẻ. Ở phân đoạn 2 có câu
Người đi về mai sau
Nghe khóc lóc xe tang đưa sầu
Nghe bóng xế khăn sô bay ngang đầu...
Phạm Duy bảo thay hai chữ khóc lóc thành lóc cócnghe lóc cóc xe tang đưa sầu, tôi điếng cả người.
 Cách đó mấy dòng có câu
 Người về dần trong cõi mồ
Như lúc nào vừa mới ra đời
Chào đón xuân tươi ngày mới
 Anh dặn sửa chữ mồ thành chữ người về dần trong cõi mơ.
Đến đây thì tôi hiểu tâm trạng của ông già ngoài chín mươi, ông nhìn cái chết thản nhiên rồi, không khóc lóc nữa mà chỉ có tiếng lóc cóc của chiếc xe ngựa đưa tang, có thể nghe cũng vui tai ! Và cõi mồ thành cõi mơ, diễn tả một tâm thức nhẹ nhõm thảnh thơi lắm rồi...
Rõ ràng đó là lời nhắn gửi cuối cùng của Phạm Duy cho tôi : Tôi đã nhìn ra cõi đó rồi, chẳng sao cả, thích lắm...
 Xin chia sẻ với các bạn.

TuongThiet Nguyen  Aug 9 at 9:26 PM
Đọc những bài viết của anh Minh về nhạc Phạm Duy tôi không bao giờ nghĩ anh viết một bài phê bình mà là anh viết một bài phân tích với trực giác của một nhà văn.
Tôi nghe cả ngàn lần bài Cỏ Hồng của Phạm Duy đến gần như thuộc lòng. Thế mà lần đầu tiên đọc bài viết của Phạm Phú Minh về bài Cỏ Hồng tôi ngạc nhiên khám phá ra là trước đó tôi chưa "biết" gì cả về ca từ của bản nhạc này, chỉ mang máng biết nó là một bản tình ca nhẹ nhàng thơ mộng.
Đọc bài của anh Minh tôi mới hiểu rõ: thế nào là rước em lên đồi, cỏ hoang ngập lối…
Phải là người đi vào ruột của tác giả như anh Minh mới "tán" hay như thế!
Xin anh gửi lại bài viết của anh nhé!
Thiết

 PhamPhú Minh  Aug 9 at 9:52 PM
Sau khi về Việt Nam, ông Phạm Duy có chuyển cho tôi bài Cỏ Hồng do các ca sĩ trong nước mới hát, có một cô vừa hát vừa thở hổn hển y như đang... ở trên đồi vậy.
Tôi đang tìm bài anh Thiết nhắc, không biết bỏ quên ở đâu rồi. Có thể tôi chỉ nói chuyện với anh về Cỏ Hồng thôi chứ không có viết bài. Có thể lắm !
ppm

Bichha bui  Aug 9 at 10:42 PM
Theo ngu ý riêng của bbh thôi nhé! Anh Minh viết (muốn gọi bài viết của anh là gì thì gọi) về tác phẩm của người này người kia rất hay là vì cá tính nhậy cảm, sống hết mình của anh trong mỗi tình huống anh bắt gặp và để lòng rung động. Nói như Tú, với tâm thế một nhà văn nhiều khi vẽ vời hoa hòe hoa sói, khoe mình nhiều hơn thưởng thức tác giả, đọc thấy ớn.
Riêng bài Cỏ Hồng, khuynh hướng erotic (một thứ erotic thăng hoa đến mức tuyệt mỹ) của Phạm Duy thấy rõ. Đôi chân xinh xinh như tình thôi khép nép, hãy vứt chiếc dép, bước chân lên cỏ mềm. Đồi nghiêng nghiêng mặt trời yêu đương...Tha hồ mà tán anh Minh ơi!

PhamPhú Minh  Aug 9 at 10:52 PM
Mừng email của Hà đã phục hoạt trở lại.
Rất chịu ý này của Hà : một thứ erotic thăng hoa đến mức tuyệt mỹ.
ppm

Tu Pease  Aug 9 at 11:07 PM
Theo Tú thì khi hát những lời trong bản nhạc này, Ai muốn tưởng tượng cái mức độ lãng mạn tới đâu tùy theo tâm cảm của người đó, vì cả bài không có chữ nào rõ rệt, dù nó rất lãng mạn, rất đẹp. Nghĩ là erotic cũng được, nghĩ là innocent cũng được. Cái HAY là ở đó.
tmt

TuongThiet Nguyen  Aug 10 at 8:13 AM
Đồng ý với chị Tú. Lời trong bài  Cỏ Hồng rất thanh, nên hiểu theo nghĩa nào cũng được, cái HAY là ở chỗ đó. Trong số các nhạc sĩ ông Cụ tôi thích nhất Đặng Thế Phong, nhưng riêng về ca từ ông thích nhất Phạm Duy. Ông nói: “người về ấm lũy tre xanh” sao mà hay thế!
Thiết

PhamPhú Minh Aug 10 at 11:25 AM
 Điểm "chết người" của Phạm Duy là cái "rất thanh" anh Thiết vừa viết. Ngụy trang cực kỳ tài tình, kẻ thính tai thính mũi lắm đôi khi mới tình cờ đánh hơi ra.
 Thú thật với anh Thiết, tôi biết bài Xuân Ca khá sớm, nhưng không hề nghi ngờ chút nào chuyện "gối chăn phòng the đón cha mẹ về" lại xảy ra sờ sờ ở câu sau
 Xuân âm u 
lắt leo trong nguồn suối mơ
Bừng reo
rồi theo nắng lên từ cha chói chang lòng mẹ
 Đến một lúc bất cứ anh đàn ông nào cũng phải hiểu bừng reo ở đây chỉ trạng thái gì. Không bừng reo thì chẳng làm ăn được gì cả. 
 Rồi cách ẩn dụ nhằm ngụy trang của hình ảnh nắng lên từ cha chói chang lòng mẹ làm cho nhiều người mắc lừa lắm, đến nỗi khi đọc mấy chữ dịch ý sang tiếng Anh thì thấy sỗ sàng quá !
 Đến Cỏ Hồng thì nghệ thuật che giấu đã tuyệt luân, đến nỗi nếu muốn dịch sang một ngoại ngữ thì không biết nên lấy ý nào. Bởi vì ở Có Hồng mọi chuyện ẩn trong ngôn ngữ -một cách rất tế vi- chứ không nhằm mô tả sự kiện. Chúng ta không bắt quả tang được một sự kiện nào để giao cho cảnh sát kiểm tục cả, vì có gì cụ thể đâu. Nhưng có những âm thanh vang lên gợi liên tưởng, và chính sự dìu dặt của âm nhạc trong Cỏ Hồng là thủ phạm quan trọng trong sự gợi hình gợi ý ấy. Sự cộng hưởng giữa từ ngữ và âm nhạc ở đây đạt mức độ rất cao.
Xâm phạm thuần phong mỹ tục thì nhiều người thấy rõ, chính tác giả cũng giúp giải nghĩa cho bạn bè (và ca sĩ) hiểu, nhưng ra tòa thì chẳng có bằng cớ gì cả. Thế là hòa cả làng.
 ppm




 Wed, Aug 1, 2018 12:04 pm
From: Phạm Xuân Đài
    Re: Huyền sử ca một người mang tên Quốc 

ND:

Anh ơi,

Khoảng 1965 khi Phạm Duy viết bài "Huyền sử ca một người mang tên Quốc" hay tuyệt vời, khi đó PD có biết liên hệ huyết thống giữa anh Phạm Phú Minh và anh Phạm Phú Quốc không ạ ?


PPM:

Ông Phạm Duy biết sự liên hệ bà con giữa anh với Quốc khá lâu trước khi Quốc chết. Anh cho bài Huyền sử ca này là một kiệt tác của Phạm Duy. 

Em xem câu mở đầu này :

Ngày xưa khi anh vừa khóc chào đời
Mẹ yêu theo gương người trước chọn lời
Đặt tên cho anh, anh là Quốc ...

Em có để ý hai chữ người trước không ? Chỉ với hai chữ đó thôi, tác giả cho người ta biết nhân vật đó là con nhà giòng dõi, ông cha đã có những người nổi tiếng với đất nước. Kín đáo và khéo léo hết sức, mà chỉ người "trong cuộc" là anh mới sớm cảm và hiểu ra thôi.

Ca từ trong bài chỗ nào cũng xinh đẹp, đến cái chết vì máy bay bị bắn rơi cũng mang một vẻ đẹp đến lạ lùng :

Chiều nao anh đi, anh về đất
Chiều nao anh đi, anh về nước !
Chiều nao huy hoàng bụi vàng bay khắp không gian

Thi vị hóa, huyền thoại hóa một chiếc máy bay rơi bằng một đám bụi vàng bay khắp không gian thì không thể nào hùng tráng và diễm lệ hơn được.

Anh nói PD là Nguyễn Du thứ hai trong cách sử dụng tiếng Việt, một ông bạn ở Hà Nội đã dặn anh đừng phổ biến câu đó ra, anh sẽ bị ném đá đấy. Ối trời !

Nhạc điệu thì theo lối ballade, lối kể truyện dân gian thủa xưa nên đã huyền thoại hóa cái chết của một nhân vật đương thời.

Sao tự nhiên hôm nay em lại hỏi đến Quốc và Huyền sử ca, làm anh cũng huyên thuyên.

ppm



 

Fri, May 18, 2018 3:16 pm
From: Phạm Xuân Đài
    Re: Tác phẩm về chiến tranh 

BH:
cho tới nay, chưa thấy có tác phẩm ngắn dài nào mô tả được hết kinh nghiệm chiến tranh của người Việt trong cuộc can qua chưa thực sự chấm dứt của chúng ta, phải chăng vì mỗi người chỉ own vài mảnh puzzles và khi ráp lại, những chỗ đau ấy vẫn riêng?

Phạm Phú Minh:

Thật ra khó có một tác phẩm mô tả hết kinh nghiệm chiến tranh của  người Việt trong cuộc can qua :  đó là một ước ao, một tham vọng quá lớn mà chắc người Việt Nam không ai làm nổi. Ngay trên bình diện thế giới, tiểu thuyết viết về chiến tranh cũng nhiều, nhưng cũng khó có cuốn nào "mô tả được hết kinh nghiệm chiến tranh", bởi lẽ mỗi tác giả nhìn cuộc chiến qua kinh nghiệm hay nghiên cứu của chính mình không thể nào bao quát hết mọi khía cạnh của một cuộc chiến được.

Cuốn tiểu thuyết Chiến Tranh và Hòa Bình nổi tiếng của Tolstoi có lẽ là cuốn nổi bật nhất từ trước đến nay mô tả một cuộc chiến tranh. Đó là một bức bích họa rộng lớn trên đó khắc họa nhiều mảnh : xã hội, chính trị, quân sự, gia dình, tình yêu... của nước Nga từ đầu thế kỷ 19. Viết như thế may ra mới bao trùm cả một giai đoạn lịch sử quân Pháp xâm chiếm nước Nga và cuộc kháng chiến của người Nga. Chúng ta thấy đó là một bức tranh rộng lớn nhất của một cuộc chiến, nhưng gọi là "mô tả hết kinh nghiệm chiến tranh" thì chắc là không ai dám khẳng định.

Chúng ta thấy Khuất Đẩu đưa ra một góc cạnh nhỏ nhoi từ cuộc chiến Việt Nam*. Nếu để ý thì chúng ta cũng thấy trên tất cả các tiểu thuyết về chiến tranh, ngay trong Chiến Tranh Và Hòa Bình, cũng có vô số kinh nghiệm nhỏ nhoi như vậy. Không có một bức tranh lớn lao nào mà không được kết hợp từ các chi tiết nhỏ. Tham vọng vẽ một bức tranh chỉ toàn những nét phác lớn lao mà không có chi tiết nào thì không thực tế. Muốn mô tả nỗi đau của chiến tranh mà không tính tới những nỗi đau riêng của từng vết thương thì biết dựa vào đâu ?

Khi dựng lại một kinh nghiệm của cuộc chiến, mỗi tác giả có một cách viết khác nhau, nhưng kinh nghiệm nào cũng là riêng tư cả, ngay cả một ông tướng trong phòng hành quân đến một anh binh nhì xông pha giữa trận tiền. Rất riêng. Không tả được cái riêng ấy thì không có tiểu thuyết chiến tranh, mà chỉ là viết chiến sử. Ngay cả cuốn tiểu thuyết vĩ đại nhất viết về chiến tranh là cuốn Chiến Tranh và Hòa Bình cũng là tổng hợp vô số mảnh puzzles đấy thôi.



July 26, 2017 at 5:42:47 PM PDT

Fri, May 18, 2018 3:16 pm
From: Phạm Xuân Đài

Re: Thấy.



MINH :



Về chữ THẤY trong tiếng Việt thì nghĩa của nó rộng mênh mông, đừng vội bắt bẻ bất cứ ai trong việc sử dụng.

 THẤY trước hết là động tác của thị giác để nhận thức ngoại giới. Tôi thấy chiếc xe; anh thấy cái nhà; nó thấy hòn núi v.v... Cả thế giới được con người biết bằng đôi mắt.

 Từ đó, bỏ đôi mắt qua một bên, người ta vẫn THẤY. Trước hết là các cảm giác của mình : Tôi thấy đói, tôi thấy lạnh, tôi thấy nóng..., rồi tới bước trừu tượng hơn : Tôi thấy buồn quá, Tôi thấy tức dễ sợ, Tôi thấy sự việc xảy ra như vậy là một dấu hiệu không lành... Cái THẤY bây giờ, từ các cảm nhận của các giác quan (ngoài đôi mắt), dần chuyển sang cảm nhận của tri thức, kinh nghiệm, đầu óc. Dần dần Thấy biến thành NHẬN THỨC.

 VŨ :

 Trong trường hợp này, tôi chỉ đưa ra một ví dụ có thể xẩy ra trong một biện chứng nhằm bắt bẻ đối phương để đòi hỏi người biện chứng trả lời làm sao cho hợp lý, trong tinh thần của câu chuyện tôi muốn nói đến một kỹ thuật thù tạc trong cuộc tranh luận, không nhằm công kích, mà nhắm làm sáng tỏ vấn đề

Nhưng khi anh Minh lý luận, "Từ đó, bỏ đôi mắt qua một bên, người ta vẫn thấy"

Và đây là một ngộ nhận, sơ hở của cách dùng chữ thấy, 

Lý do: Vì "tôi thấy đói" là viết tắt của "Tôi cảm thấy đói-I feel hungry" chứ không hề có "I see hungry"

"Tôi cảm thấy buồn quá-I feel sad" chứ không "I see sad"

"Tôi thấy sự việc xẩy ra-I witnesses what took place"

Ngôn ngữ VN khá quan trọng trong vấn đề semantics.

Điểm chính: tiền đề anh Minh đưa ra sau đó dẫn chứng dùng ý nghĩa trừu tượng bị lỗi non sequitur. 

Nếu anh Minh đưa ra một tiền đề, "chữ thấy trong ngôn ngữ VN đa dạng, từ nghĩa đen cho đến nghĩa bóng" thì tôi hoàn toàn đồng ý



 MINH :

Chiều hôm qua, câu chuyện THẤY của chúng ta rất sôi nổi, tôi nghĩ có có thể đem tới thêm nhiều hiểu biết về tiếng Việt. Rất tiếc vừa bận vừa mệt, phải bỏ ngang.

 Tôi thấy chữ THẤY trong ngôn ngữ Việt nó đóng một vai trò đặc biệt, mà nếu chịu khó soi sọi chúng ta sẽ hiểu nó rõ hơn. Vì biết điều đó nên hôm qua trước khi bàn về chữ này, tôi đã “rào đón” trước bằng câu:

Về chữ THẤY trong tiếng Việt thì nghĩa của nó rộng mênh mông, đừng vội bắt bẻ bất cứ ai trong việc sử dụng.
 Khảo sát một cách kỹ lưỡng chữ THẤY trong tiếng Việt, ta thấy ngay ngoài công việc của đôi mắt, nó còn là nhận thức của những giác quan khác, thậm chí còn là nhận thức của trí óc. Cần nhìn lại nhiều cách dùng chữ THẤY để biết rằng từ ngữ này đã có sẵn trong tiếng Việt lâu rồi chứ không phải do “một ngộ nhận, sơ hở của cách dùng chữ thấy” như Vũ đã viết chiều hôm qua. Vũ lý luận thế này
Lý do: Vì "tôi thấy đói" là viết tắt của "Tôi cảm thấy đói-I feel hungry" chứ không hề có "I see hungry"
"Tôi cảm thấy buồn quá-I feel sad" chứ không "I see sad"
"Tôi thấy sự việc xẩy ra-I witnesses what took place"
Ngôn ngữ VN khá quan trọng trong vấn đề semantics.
 Viết tắt? Tôi hoàn toàn không đồng ý đó là cách “viết tắt” trong ngôn ngữ Việt Nam, vì cụm từ Tôi thấy đói là một cách dùng từ xa xưa của người dân. Thấy đói, thấy rét, thấy buồn ngủ, thấy nhớ nhà... đủ thứ thấy, trong ngôn ngữ nói dân gian và ngay sách vở từ xa xưa người Việt Nam đã nói thế. Trong ngôn ngữ thông thường của cả dân tộc không ai dùng Tôi cảm thấy đói cả. Cái chữ CẢM này tôi sẽ cắt nghĩa sự hiện diện của nó sau. Và tôi nhắc lại, người Việt Nam thấy thế nào thì nói thẳng ra là thấy thế ấy, không có cảm kiếc gì cả. Đặt ra cách giải thích “viết tắt” và thêm câu dịch tiếng Anh hoàn toàn vô ích trước một lối nói rất Việt Nam đã thành hình từ lâu rồi.
Hãy xem định nghĩa chữ THẤY trong Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức xuất bản năm 1931 (theo cụ Trần Trọng Kim thì bộ tự điển này được khởi soạn trước đó khoảng 20 năm):
 Thấy : Mắt trông vào mà biết rõ là cái gì : Trông thấy xe đi ở ngoài đường. Nghĩa rộng : Cảm xúc bằng ngũ quan mà hiểu rõ ở trong thần trí : Ngửi thấy thơm. Sờ thấy. Nghe thấy tin đồn.
VĂN LIỆU.- Thấy đâu âu đấy.- Thấy lành bắt làm vành nồi.- Thấy đỏ ngỡ là chín.- Thấy bở thì đào.- Thấy của tối mắt lại.- Thấy người sang bắt quàng làm họ.- Thấy chồng người tốt, trả quan mốt mà lấy (Tục ngữ).- Trước sau nào thấy bóng người (Kiều).- Đàn bà thế ấy thấy âu một người (Kiều).- Bừng con mắt dậy, thấy mình tay không (Cung Oán).

Định nghĩa này của nhóm Khai Trí Tiến Đức là do các cụ cựu học từ tiền bán thế kỷ 20, đã biết rõ chữ THẤY có nghĩa như thế nào trong tiếng Việt từ xa xưa trong quá khứ cho đến đầu thế kỷ 20. Cũng trong tự diển này không có chữ Cảm Thấy.
 Trong cuốn Từ Điển Tiếng Việt do Viện Ngôn Ngữ Việt Nam soạn xuất bản năm 1996, chữ THẤY được định nghĩa:
 Thấy : 1. Nhận biết được bằng mắt nhìn. Điều mắt thấy tai nghe. Nhìn trước nhìn sau chẳng thấy ai. Tìm chưa thấy. 2. Nhận biết được bằng giác quan nói chung. Ngửi thấy thơm. Nói nhỏ quá không nghe thấy gì. Thấy động, liền bỏ chạy. 3. Nhận ra được, biết được qua nhận thức. Thấy được khuyết điểm. Phân tích cho thấy rõ vấn đề. Thấy bé thật thà, ai cũng mến. Tự thấy mình sai. 4. Có cảm giác, cảm thấy. Thấy vui. Thấy khó chịu trong người.
 Kiến thức của những vị có thẩm quyền về ngôn ngữ từ đời xưa cho đến bây giờ đều đã cho thấy chữ THẤY có nhiều nghĩa ngoài cái nhìn bằng mắt. Họ là những người đúc kết ngôn ngữ của dân tộc thôi, chữ và nghĩa của một dân tộc đã dùng như thế nào thì liệt kê ra hết để mọi người biết. Các ví dụ cho thấy trong Kiều và Cung Oán cũng dùng nhiều chữ THẤY không cần có đôi mắt. Chắc chắn không có sự sai lầm hay ngộ nhận nào trong các dẫn chứng trên đây. Tất cả đều từ vốn liếng ngôn ngữ của dân tộc.
Bây giờ đến vấn đề chót, là chữ “cảm thấy”. Theo tôi đó là một chữ mới, do nền văn học Pháp đem lại. Dịch chữ Sentir của Pháp chẳng hạn, chẳng lẽ gọi là Thấy, với cái nghĩa đầu tiên là động tác của mắt? Như vậy là trật, người ta phải thêm chữ cảm vào, cảm thấy. Tôi có cảm tưởng chữ cảm thấy chỉ bắt đầu được dùng nhiều trong quần chúng Việt Nam sau các phong trào tiểu thuyết mới như Tự Lực Văn Đoàn trở về sau. Chính vì thế trong Tự điển KTTĐ không có chữ Cảm Thấy, mà trong Từ điển Tiếng Việt mới có.
Nhưng trong ngôn ngữ thường ngày người Việt Nam vẫn thích dùng chữ thấy, chỉ đám trí thức và kiểu cách dùng cảm thấy thôi. Một đứa bé nói với mẹ: “Con thấy đói bụng rồi mẹ ơi” chứ không nói “Con cảm thấy đói bụng...” Ngay chúng ta ngày nay cũng không có nhu cầu dùng chữ “cảm thấy” mà chỉ dùng một chữ “thấy” (thấy nóng, thấy lạnh...) mà không hề có cảm tưởng là mình nói tắt, cho nhanh. Chỉ cảm thấy mình đang nói tiếng Việt, thuần Việt, một cách rất bình thường. 
Xin lỗi đã hơi dài dòng, nhưng là đề tài ngôn ngữ mà, ngôn ngữ thì phải nói nhiều mới hết chuyện.
m
 
  Wednesday, February 15, 2017 11:33 AM
From: Phạm Xuân Đài
    Re: Cây đổ trong rừng có gây tiếng động không? 


Vũ này,
Hằng hỏi anh nghĩ gì về câu: Cây đổ trong rừng có gây tiếng động không? Và đây là trả lời của anh, Vũ nghĩ sao:

Trước hết chúng ta phải đồng ý với nhau về định nghĩa của "tiếng động". Đó là một cảm giác con người nhận qua thính giác (lỗ tai). Đối với người bị bệnh điếc đặc (điếc hoàn toàn 100%) thì không có tiếng động, vì người ấy không có cảm giác gì với lỗ tai của mình. Người điếc hoàn toàn thì không cần vào rừng để có thể nghe tiếng cây đổ, mà đứng ngay giữa phố xe cộ tấp nập, bấm còi inh ỏi thì vẫn là yên lặng.
 Nếu đồng ý với định nghĩa đó thì cây đổ trong rừng khi có người hiện diện ở đó để nghe thì có tiếng động (đối với người đó). Còn nếu không có người nghe thì cây đổ chỉ gây một số chấn động trong không khí và trên mặt đất, nhưng về âm thanh thì không cần đặt ra, vì không có một lỗ tai với màng nhĩ để rung động lên, truyền vào não bộ để người hiện diện ở đó cảm nhận một cảm giác gọi là tiếng động. Tiếng động chỉ là tiếng động khi được nghe. Đối với anh vấn đề chỉ có thế.

Nguyễn Hùng Vũ:
Có 3 cách trả lời: vật lý, triết lý, triết lý theo lượng tử
Vật lý: yes, tiếng động là sự co dãn của không khí, có người hay không có người thì vẫn có âm thanh.
Đây là lý luận theo thực tế và duy vật.
Triết lý: No, theo suy nghĩ của triết gia George Berkeley, "to be is to be perceived-hiện hữu chỉ là hiện hữu khi nào ta có ý thức về hiện hữu"
Đây là lý luận duy tâm.
Triết lý lượng tử: Một sự việc chỉ hiện hữu nếu nó được quán sát-observation. Trong thế giới lượng tử, tất cả chỉ là sóng tiềm năng(waves), và sự quán sát (ý thức-tâm thức) sẽ là một yếu tố để sóng trở thành cô đọng và "hiện thực" vì không có sự quán sát, thì hiện hữu chỉ là tiềm năng (potential)
Hiểu theo ý này thì câu trả lời sẽ là không. Tiếng động chỉ có "ý nghĩa hiện thực" nếu có cái tai để nghe và nhận biết nó. Vì lý do này mà một số vật lý gia đã gọi vũ trụ này là "participatory universe-vũ trụ trong đó sự vật và tâm thức hổ tương và bổ túc cho nhau đưa đến hiện thực"
Điểm khác nhau trong những trường phái này không ở chỗ cái nào đúng hay sai, mà là cách ta nhìn vấn đề.

PhamPhú Minh:

Anh là người không học nhiều về lý thuyết khoa học. Những gì anh viết cho Hằng hoàn toàn là suy nghiệm cá nhân. Mà hầu như vấn đề gì anh cũng suy nghiệm cá nhân, thực chứng từ suy nghĩ và sự sống của chính mình.

Xem vậy thì những gì anh viết trùng với triết lý lượng tử mà Vũ trình bày. Mọi chuyện có là do tương tác. Một hiện tượng vật lý nào đó gây ra một chấn động trong lỗ tai người ta thì đó là âm thanh. Do đó pháo nổ hay cây đổ đối với người điếc đều không phải là âm thanh, vì thiếu đối tượng tương tác.
ppm

Tue, Jun 9, 2015 1:50 pm

From: Phạm Xuân Đài
    Re: Báo tin

Năm 1987 anh còn ở tù, trại không xa ga Gia Rai gần núi Chứa Chan, Long Khánh. Vài hôm trước gia đình ở Sài Gòn đã nhắn tin ông già đã yếu lắm rồi. Tối hôm đó anh đang đọc sách bên ngọn đèn điện trong phòng giam, bỗng ngọn đèn tắt phụt (vì hỏng bóng). Tự nhiên trong bụng anh sinh nghi, chắc đây là điềm báo ông già đã mất. Quả nhiên vài hôm sau có tin báo ông già mất đúng đêm ấy, vào gần đúng giờ bóng đèn tắt.*
Hôm chủ nhật vừa rồi 7 tháng Sáu, anh được tin bà chị cả của anh 89 tuổi đã qua đời ở Sài Gòn, vào lúc 0 giờ 15 phút ngày 8 tháng 6. Tối hôm qua khi anh đang đánh răng trong restroom, tự nhiên một trong hai bóng đèn trong phòng nổ lốp bốp rồi tắt. Anh liên tưởng ngay đến vụ tắt đèn trong phòng giam năm xưa, và biết bà chị vừa ghé thăm mình.
 Khi mình đã lớn tuổi, khi nghe những người lớn tuổi hơn mình trong gia đình mất thì không cảm thấy buồn mấy, có lẽ đã thừa biết quy luật chết sống rồi. Nhưng mấy hôm nay anh cứ nhớ những kỷ niệm với người chị Cả. Tối qua chị báo hiệu tới thăm, em thấy cảm động vì xa xôi thế mà chị cũng tìm tới đúng nhà.
ppm

 *Bổ túc : Sau khi anh ra khỏi tù năm 1988, anh Hiệp của anh từ Hà Nội vào thăm. Anh Hiệp lớn hơn anh khoảng 6 tuổi, năm 1954 tập kết ra Bắc vì đang ở trong quân đội. Khi nghe anh kể hiện tượng tắt điện ở trại tù đêm bố mất, anh Hiệp có vẻ giật mình và kể chuyện ở Hà Nội : cũng đúng đêm đó anh Hiệp cùng gia đình đang coi TV thì bỗng màn hình rối loạn không còn hình ảnh gì cả. Chỉnh mãi không được, anh đành tắt máy. Sáng hôm sau anh nhìn lên cây ăng-ten trên nóc nhà thì mới hiểu ra : một con diều giấy bị gió thổi quấn vào ăng-ten. Sau khi được gia đình từ Sài Gòn báo Thầy đã mất, anh Hiệp nghĩ ngay đến hiện tượng “báo tin qua TV” xảy ra đêm qua.
Anh Hiệp nói với anh : “Ông già mình hay thật. Vừa qua đời là đến thăm ngay mấy đứa con đang ở xa.”



Tue, Jun 24, 2014 10:19 pm
From: Phạm Xuân Đài
    Re: Cách dùng chữ “hóa”

(photo credit: nhilinhblog.blogspot.com)
 Cám ơn anh Đỗ Lai Vỵ đã chia sẻ nhiều điều thú vị. Ví dụ của anh về cách dùng chữ "hóa" tôi cho là một vấn đề đáng gọi là nóng trong ngôn ngữ Việt Nam.

Tôi nhớ hồi Đệ nhất Cộng hòa, trên tờ Phổ Thông ông Nguyễn Vĩ có đả kích chữ "lành mạnh hóa" vì một chữ nôm là lành mạnh thì không thể được "hóa" theo trật tự văn phạm Hán như vậy được. Và ông đề nghị chữ "khương kiện hóa". Dĩ nhiên ông Nguyễn Vĩ  đúng, nhưng chữ của ông đề nghị không ai dùng cả. Mọi người tiếp tục "lành mạnh hóa" mà không thấy lấn cấn chút nào, ngay cả những người biết chữ Hán và biết dùng như thế là không ổn, nhưng lại dễ chấp nhận. Lý do của trường hợp này, theo tôi, là vì chữ lành mạnh khi đọc lên nghe âm vang như một chữ Hán Việt. Chỉ vì nghe thuận tai mà nó tồn tại. Nhưng gần đây thì đúng như anh Vỵ nói, ở trong nước dùng đủ các thứ "hóa", nghe riết quen đi cũng thấy nó tiện lợi. Thay vì nói: "Ta phải tráng xi măng tất cả các con đường trong làng", chỉ cần ngắn gọn "xi măng hóa" hay "bê tông hóa" là xong hết.

Nhưng anh Vỵ ơi báo chí trong nước bây giờ có một số cách gọi mà riêng tôi, tôi nuốt không vô. Đó là những chữ như "nữ nhà văn", "nữ nhà báo". Trong tiếng Việt thì tiếng tĩnh từ luôn đi sau danh từ, khác với tiếng Anh hay tiếng Tàu tĩnh từ đi trước. Nhưng vì mình gần gũi với Hán văn quá nên vẫn nói "nữ văn sĩ", "nữ ký giả", nói thế thì nghe trang trọng. Hoặc dùng tiếng nôm thì "nhà văn nữ", "nhà báo nữ" nghe rất thuận tai, không biết tại sao lại phải mang chữ nữ lên trước.

Tôi biết dù tôi nuốt không vô, nhưng các nhà viết lách ở Việt Nam cứ dùng mãi như thế thì xã hội cũng sẽ quen, và lúc bấy giờ sẽ không còn cái nào đúng cái nào sai, mà chỉ còn thói quen.
ppm

 Thu, Jun 12, 2014 4:23 pm
From: Phạm Xuân Đài
    Re: Xem bóng đá ở Người Việt

Sáng nay anh đến báo Người Việt để chứng kiến cái không khí hào hứng của đám đông đối với môn bóng đá. Hơn 300 người trong một hội trường rộng với màn ảnh lớn như ciné ở rạp, vui thích ghê. Anh nghe như từng tế bào của tuổi thanh niên sống dậy trong con người mình.
ppm

Jun 12, 2014 9:44 pm
From: Phạm Xuân Đài
    Re: Huy Cận

Huy Cận quê Hà Tĩnh, địa thế tỉnh ấy cũng giống với tỉnh Quảng Nam của anh: là một miếng đất giữa dãy Trường Sơn và Biển Đông, vì thế những dòng sông của hai tỉnh có những đặc tính giống nhau. Anh đặc biệt rung động với những câu thơ tả cảnh sông nước trong bài này, vì nó đánh động những hình ảnh con sông Thu Bồn đã chôn sâu trong tâm khảm anh từ thủa nhỏ.
ppm

Jun 14, 2014 11:50 am
From: Phạm Xuân Đài
    Re: Cuộc đời vẫn trôi

Em mẫn cảm quá, đôi khi đâm ra bi quan. Lịch sử liên tục, hết lớp này đến lớp khác, đừng lo tài năng và tấm lòng một ngày kia sẽ cạn đi. Thời gian càng đi qua thì vốn văn hóa của một dân tộc càng dầy thêm, mình thừa hưởng của quá khứ và sáng tạo thì con cháu mình cũng vậy, đừng lo một dòng sông đang chảy bỗng ngưng lại, chẳng có chuyện đó đâu.

Thay vì bi quan thì nên vui, vì anh em chúng ta ai nấy đều tích cực, dù là với vai trò người đọc hay người người viết, cùng đóng góp ý kiến, cùng chia sẻ tâm tình và hiểu biết... một ngày kia mỗi người đóng xong vai trò của mình thì cũng vui vẻ đi chơi cõi khác, biết đâu lúc đó còn duyên lại gặp nhau, thì... vui tiếp. Còn chuyện cuộc đời này thì muôn đời nó vẫn thế thôi, nó vẫn tiếp tục trôi chảy mãi mãi.
ppm