Saturday, June 16, 2018

Tưởng nhớ Luật Sư Đoàn Thanh Liêm



 Luật sư Đoàn Thanh Liêm

Anh Đoàn Thanh Liêm vừa qua đời ngày 9 tháng Sáu 2018 tại nhà riêng ở Costa Mesa, Nam California, thọ 84 tuổi.

Anh qua đời vào giữa thời điểm nhân dân cả nước Việt Nam đang sôi sục biểu tình chống “Dự luật Đặc khu” do nhà nước cộng sản đưa ra với ý đồ rõ rệt mở đường cho người Tàu vào xâm chiếm nước Việt Nam. Sự trùng hợp này khiến tôi nhớ lại một kỷ niệm với anh Liêm cách đây 30 năm.

Vào đầu năm 1988, tôi ra khỏi nhà tù cộng sản về sống tại Sài Gòn, anh Liêm là một trong những người bạn cũ đầu tiên tôi gặp lại trong một buổi tôi “ngại ngùng dạo phố mùa xuân” trên đường Lê Lợi. Chúng tôi quen biết nhau từ trên 20 năm trước và thường gặp gỡ nhau trong các chương trình hoạt động thanh niên và xã hội. Gặp lại anh tôi cảm thấy đỡ ngỡ ngàng trong một xã hội xa lạ, vì nơi anh tôi gặp lại một nền tảng tinh thần không thay đổi giữa một đất nước đang bị cộng sản hóa.

Một ngày vào khoảng đầu năm 1990, trong lúc mọi người chăm chú theo dõi các chuyển biến của thế giới cộng sản Đông Âu thì anh đưa cho tôi một tờ giấy in những dòng chữ như sau :

“Năm Điểm Thỏa Thuận Căn Bản
Điểm 1: Quốc gia Việt nam không công nhận một tôn giáo nào làm quốc giáo.
Quốc gia cũng không áp đặt một chủ thuyết nào làm giáo điều chính thức của dân tộc.
Nhằm tôn trọng và bảo vệ tự do tín ngưỡng, Nhà nước không can thiệp vào chuyện nội bộ của các tổ chức tôn giáo.
Điểm 2: Dân tộc Việt nam gồm nhiều sắc tộc có truyền thống văn hóa và lịch sử khác nhau.
Như vậy, nền tảng của xã hội VN phải được đặt trên cơ sở đa chủng tộc, đa văn hóa.
Điểm 3: Phát huy truyền thống nhân bản và nhân ái của dân tộc, hệ thống chính trị và luật pháp VN sẽ được xây dựng trên những nguyên tắc đã được ghi trong Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền.
Điểm 4: Về phương diện kinh tế, vai trò của Nhà nước là làm trọng tài để bảo vệ công bằng xã hội và trật tự xã hội.
Như vậy, Nhà nước không thể vừa làm trọng tài, vừa làm một bên đương sự trong các hoạt động kinh doanh làm ăn được (không thể vừa thổi còi, vừa đá banh).
Hệ quả là hệ thống quốc doanh hiện nay sẽ được giảm tới mức tối thiểu.
Điểm 5: Thể hiện tinh thần hòa giải hòa hợp dân tộc, quốc gia sẽ ban hành lệnh khoan hồng đại xá đối với mọi vi phạm do cá nhân, hay do tập thể gây ra.
Nghiêm cấm mọi sự tùy tiện báo ân, báo oán.
Mọi khiếu nại đòi bồi thường thiệt hại sẽ được xử lý theo đúng thủ tục luật pháp.
Làm tại Saigon, Tháng Hai năm 1990
Đoàn Thanh Liêm”

và nói vắn tắt với tôi : “Tình hình thế giới đang có nhiều thay đổi, tôi nghĩ Việt Nam cần có các vận động của mình. Đây là các điều tôi đang vận động.” Nói xong anh chào tôi ra đi vội vã. Sau đó ít lâu tôi nghe tin anh bị bắt, và giữa năm 1992 nghe tin anh bị đưa ra tòa. Cuối năm đó tôi đến Mỹ diện HO.

Thế rồi, vì trái đất tròn, năm 1996 tôi lại gặp anh Liêm tại Little Saigon, Nam California. Anh đi theo lối “bị trục xuất” ra khỏi Việt Nam, được chở từ nhà tù ra thẳng phi trường để lên máy bay cùng gia đình.

Gặp lại anh, tôi cảm thấy rất tự nhiên, như là anh không hề hoạt động gì, không hề bị ra tòa tại Sài Gòn và bị kết án 12 năm tù vì tội chống phá xã hội chủ nghĩa. Tôi sang Mỹ theo diện HO, và anh tới Mỹ sau tôi mấy năm, như những người bạn mà thời thế xô đẩy đi về một phía, trước sau gì cũng gặp lại nhau. Tôi nhớ đầu năm 1997 anh đã gửi cho tạp chí Thế Kỷ 21 mà tôi đang làm Chủ nhiệm bản Năm Điểm Thỏa Thuận Căn Bản mà bảy năm trước, vào năm 1990, anh đã đưa cho tôi tại Sài Gòn. Tôi đã đăng nguyên văn bản Năm Điểm ấy trên tạp chí Thế Kỷ 21 như một chứng tích hoạt động của anh trong lòng chế độ cộng sản, và riêng giữa anh và tôi, đó là một kỷ niệm mà chúng tôi đã chia sẻ cùng nhau trong thời kỳ các nước cộng sản Đông Âu thi nhau sập đổ, mở ra biết bao hy vọng cho Việt Nam.
Sau khi đến Mỹ anh không lái xe, từ nhà anh ở Costa Mesa anh toàn di chuyển bằng xe bus cộng với đi bộ. Tôi rất phục tài đi bộ của anh, anh thường ghé nhà tôi trên đường Bolsa, một căn mobile home nhỏ bé cũng là “tòa soạn” của báo Thế Kỷ 21, và sau này của báo mạng Diễn Đàn Thế Kỷ, luôn luôn với đôi chân dẻo dai và nhanh nhẹn.
Anh thích ngồi chuyện trò với tôi trong căn nhà yên tĩnh ấy, dù là ngay trung tâm Little Saigon rộn rịp. Anh kể cho tôi nghe những chuyến đi thăm bạn bè của anh trên đất Mỹ, hoặc thảo luận về các đề tài anh định viết. Có khi anh hỏi tôi về đất Quảng Nam quê tôi mà anh cho là nơi có nhiều nhân vật lịch sử trong thời cận và hiện đại. Một lần tôi kể cho anh nghe buổi gặp gỡ nhau lần cuối giữa hai cụ Phạm Phú Thứ và Hoàng Diệu tại làng của tôi trước khi cụ Hoàng ra Bắc nhận chức Tổng đốc Hà Nội, một câu chuyện không bao giờ được ghi vào sử sách. Được lệnh vua Tự Đức cử đi giữ thành Hà Nội giữa lúc Pháp đang chuẩn bị đánh chiếm miền Bắc, cụ Hoàng Diệu đã từ làng Xuân Đài đến làng Đông Bàn (cùng ở trong Gò Nổi, phủ Điện Bàn, cách nhau độ bốn cây số) để bàn luận tình hình với cụ Phạm Phú Thứ vốn đã từng là phó sứ trong sứ bộ Phan Thanh Giản đi Pháp, đã có nhiều hiểu biết về phía Pháp. Hai cụ nói chuyện từ sáng tới chiều. Trước khi cụ Hoàng ra về, cụ Phạm sai gia nhân bày biện một cái bàn thờ giữa sân. Sau khi lên nhang đèn hai cụ đã lạy bái biệt nhau, vì biết trước là sẽ không còn bao giờ gặp lại nhau nữa. Anh Liêm vô cùng xúc động về câu chuyện này, vốn từ trước tới nay chỉ được kể trong vòng con cháu họ Phạm và con cháu họ Hoàng. Nhiều năm sau anh vẫn nói với tôi : “Câu chuyện ấy thật hào hùng mà bi thảm, cho thấy tình thế đau lòng của các cụ thời bấy giờ, sau khi phân tích tình hình thì thấy chỉ còn cách lấy cái chết để trả nợ non sông chứ không còn cách nào khác.”

Để kết thúc bài này, tôi xin thuật lại một chuyện vui vui mà anh Liêm đã kể cho tôi trong một buổi chiều hai anh em ngồi uống trà với nhau. Một lần anh Liêm có cuộc hội họp với một số bạn người Mỹ. Bỗng một người bạn tò mò hỏi anh : “Luật sư Đoàn Thanh Liêm, anh có thể cắt nghĩa cho tôi cái tên của anh không?” Anh Liêm trả lời : “Tên của tôi là Thanh Liêm tạm dịch sang tiếng Anh là Honesty.” Thật bất ngờ, cả bàn họp phá lên cười trước sự ngơ ngác của anh. Một người bạn Mỹ vừa cười vừa bảo : “Một luật sư mà lại có tên là Honesty, thật là chuyện lạ lùng ! Ha ha ha !”

Anh Liêm ơi, cám ơn anh đã kể cho tôi nghe câu chuyện này, để thấy được người Mỹ thường nhìn nghề luật sư với một thành kiến như thế nào. Nhưng riêng tôi thì tôi rất yêu cái tên THANH LIÊM của anh, vì cái tên đó diễn tả đúng bản chất con người anh, một con người THANH CAO trong ý nghĩ và LIÊM CHÍNH trong hành động.

Suốt đời anh đã như thế. Chúc anh mãi mãi đi vào cõi Bình An.

Saturday, June 2, 2018

Một cuốn sách của tình bạn


Buổi sáng ngày 31 tháng 5, 2018, tôi nhận được điện thoại của anh Nguyễn Tường Giang mới từ Washington DC qua Nam California, hẹn gặp nhau để tặng tôi một cuốn sách mới vừa in xong. Tôi hơi ngạc nhiên, hỏi lại “Gần đây tôi không nghe anh nói có viết lách gì mới, thế mà bây giờ...” Giang hiểu ý, bật mí một chút “Công trình của ba người...”

Tôi hiểu ngay ba người ấy là ai. Đúng 12 giờ trưa chúng tôi gặp nhau tại tiệm ăn, việc đầu tiên của tôi là cầm quyển sách, bìa trình bày rất cốt cách với nền là một bức tranh màu xám nhạt với chữ ký rất quen thuộc đối với tôi : Đinh Cường. Đinh Cường là một trong ba tác giả của cuốn sách này --một tác giả vắng mặt-- hai người còn lại là Nguyễn Mạnh Hùng và Nguyễn Tường Giang.

Cuốn sách chia làm ba phần.

Phần đầu đăng năm truyện ngắn do Nguyễn Mạnh Hùng dịch từ các tác giả nước ngoài, chiếm số trang nhiều nhất, 148 trên tổng số 277 trang của cuốn sách. Chắc vì lý do này mà sách mang tên Truyện Tình, gồm năm truyện của Ivan Klima (Tiệp Khắc), Gabriel Garcia Márquez (gốc Columbia), Orhan Pamuk (Thổ Nhĩ Kỳ), Colm Tóibín (Ái Nhĩ Lan), Nicole Krauss (Mỹ), toàn là các danh tác quốc tế. Theo Nguyễn Tường Giang, năm truyện ngắn trong tập sách này là nguồn cảm hứng cho anh viết những bài thơ riêng tặng bạn, và là những cảm xúc để Đinh Cường đưa màu sắc và hình tượng vào tranh.

 Tranh Đinh Trường Chinh

Trong Lời Mở Đầu của phần này, dịch giả Nguyễn Mạnh Hùng bắt đầu bằng câu : “Cuốn sách nhỏ này là việc thực hiện muộn lời hẹn với một người bạn đã mất.” Người đó là Đinh Cường, đến Mỹ năm 1989 và trở thành bạn thân của Nguyễn Mạnh Hùng và Nguyễn Tường Giang “chơi thân với nhau một phần vì chúng tôi hợp tính và đồng cảm, phần khác vì chúng tôi ở gần nhau, trong một quận phía Bắc bang Virginia.” Chính Đinh Cường vì thích các truyện dịch của Nguyễn Mạnh Hùng đã nảy ra ý tưởng “Sao ông không chịu khó dịch khoảng năm truyện thôi, gộp với thơ của Giang và tranh của tôi, in thành sách ... Để ba đứa chơi chung ấy mà.” Đinh Cường qua đời ngày 7 tháng 1 năm 2016.

Phần hai gồm 10 bài thơ của Nguyễn Tường Giang sáng tác trong nhiều năm qua. Trong lời nói đầu của phần này nhan đề “Những Bài Thơ Viết Riêng Cho Bạn” Nguyễn Tường Giang cho biết trong hoàn cảnh nào ba người gặp nhau và trở thành bạn thân : “... Nguyễn Mạnh Hùng đã trở lại ngành giáo dục, giáo sư của một trường đại học lớn trong vùng và hay làm gạch nối để tổ chức những chương trình văn hóa đa dạng và nhất là nhiều buổi triển lãm tranh tại một cơ sở của trường đại học, trong đó có nhiều cuộc triển lãm tranh của Đinh Cường, và tôi, cũng chỉ như một người khách lạ đến xem tranh, đã từ đó gặp gỡ và làm quen với hai người bạn mới, Đinh Cường và Nguyễn Mạnh Hùng.”
Tình cờ trong 10 bài thơ này có bài Đêm Nghe Người Chơi Đàn Contrebasse, Tặng Nguyễn Mạnh Hùng/nhớ tranh Đinh Cường, mà kẻ viết bài này đã có một ít nhận xét trong một bài viết cách đây sáu năm, như sau :

 Contrebasse 1 - Đinh Cường

Chúng ta rất nhiều lần bắt gặp Nguyễn Tường Giang nói về và nói với bạn bè qua những lần nâng cốc rượu, những lần ngồi quán cà phê, với các rung cảm rất “đời thường”, có thể nói đó là các thú vui dù là ít ỏi, điều không hề thấy trong dòng thơ trước 1975. Diễn tả tiếng đàn contrebass trong quán rượu qua câu thơ như thế này có thể nói là tài tình:

Bứng bừng bừng, bứng bừng bừng
bứng bừng bừng
bứng bừng

Và từ những tiếng tượng âm giàu nhục cảm như thế, tác giả viết tiếp

Tôi ngồi với em trong quán rượu
nghe tiếng đàn
thèm ngất ngây đôi môi ẩm thuốc
đầu vú ngực căng

Tất nhiên thôi, và hai người bạn được tác giả tặng bài thơ này hẳn nhiên cũng đã chia sẻ cái không khí của quán rượu “đêm mùa hè nhễ nhại mồ hôi” có ánh đèn “đỏ như máu” với tiếng đàn contrebass bừng bứng bưng đầy thôi thúc.
Đó là một tiếng nhạc. Và đây là một điệu nhảy. Ai đã từng đến Tây Ban Nha và thưởng thức vũ điệu flamenco nổi tiếng của xứ này đều đồng cảm với tác giả

Tôi nhớ Sevilla
         người vũ công nhẩy flamenco
đôi môi hé mở
như một nụ hoa
mắt long lanh hoang dại
và những giọt mồ hôi/hay nước mắt
         chẩy hoen bụi phấn hồng
Nhịp giầy trên sàn gỗ
        bụi bay mờ
           tiếng vỗ tay rồn rập
                 váy muôn màu bay lượn mộng du
                       mù mờ cơn mộng mị
                            tan vỡ cuộc tình xưa

Điệu nhảy flamenco trên sàn gỗ là một hình thái nghệ thuật truyền thống của người Tây Ban Nha, trong đó người nghệ sĩ đàn (ghi ta) cũng như người nhảy đều gần như trong trạng thái lên đồng, cực tả những nỗi thảm thiết không tên, chỉ có thể gọi là “mù mờ cơn mộng mị/tan vỡ cuộc tình xưa” như tác giả cảm nhận một cách chính xác. Với một khả năng phong phú sẵn có, trước nghệ thuật Nguyễn Tường Giang đồng cảm rất nhanh, dù đó là nghệ thuật của trời đất (màu lá thu), hay là tiếng đàn, điệu nhảy.” (Phạm Phú Minh - Tĩnh Lặng, Khói Hồ Bay).



Phần thứ ba là... phòng triển lãm tranh Đinh Cường. Chúng ta được thưởng thức 23 bức tranh do họa sĩ Đinh Trường Chinh con trai của Đinh Cường chọn lựa. Tôi ngạc nhiên và thích thú trước một loạt năm bức khỏa thân rất đẹp, một đề tài lần đầu tiên tôi được xem của tác giả này. Các bức tĩnh vật vẽ hoa và bốn bức vẽ nhạc khí đại hồ cầm tôi gặp lại như những người bạn xưa, vì trước kia Đinh Cường thưởng gửi hình chụp các tác phẩm thuộc đề tài này cho tôi để giúp làm bìa hay minh họa cho báo Thế Kỷ 21 mà tôi phụ trách.

Bài viết ngắn trong sách của Đinh Trường Chinh “Ngọn Lửa Nhỏ Cuối Mùa Đông” là một lời thay mặt bố, bên cạnh một số họa phẩm rất tài hoa của chính mình. Trường Chinh viết :

“Với riêng tôi, cuốn sách này là một cuộc chơi giữa ba người bạn: Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Tường Giang, và Đinh Cường. Chơi mà không phải chơi. Nó ghi lại phút sáng tạo nghiêm túc của những tâm hồn mẫn cảm, đôi khi, quá mẫn cảm, với đời sống này. Nếu được xuất hiện riêng bằng sáng tác của mình, có lẽ mỗi người đã xuất hiện với một khí hậu khác. Nhưng đây là sự ghi nhận tinh thần chung bằng những gì có thể làm với nhau, từ sự thiếu vắng của một người. Những bài viết, bài thơ, truyện dịch, tranh... trong tập sách này là sự sẻ chia đó, và nó như một ngọn lửa thắp cho Đinh Cường. Một việc làm thật đẹp mà chỉ có được từ những người bạn đúng nghĩa.”

*

Tình bạn Hùng-Giang-Cường có một điểm độc đáo là đã thành hình khá trễ trong cuộc đời của họ, đại khái là vào trên dưới tuổi năm mươi của mỗi người. Ở tuổi đó con người đã điềm đạm không còn sôi nổi về tình cảm như tuổi hoa niên. Các ảo tưởng hầu hết đã qua, họ đã thấu hiểu các giá trị của đời sống, những gì họ hợp ý với nhau đều mang tính chất già dặn của kiến thức và chín muồi trong cảm nhận. Tôi hình dung tình bạn của họ khá dung dị, họ đã qua thời mang những lý tưởng ồn ào, rất thoải mái cùng nhau thụ hưởng các thú vui của đời sống, tìm ăn những món ngon, thưởng thức hương vị của những ly rượu lâu năm, cùng nhau đi nghe nhạc xem tranh, thích bàn luận đủ thứ chuyện trên đời quanh bàn cà phê, hoặc cầu kỳ hơn, kéo nhau qua la cà trên các đường phố Paris là nơi họ đã bị mê hoặc trong khí hậu văn hóa thời trẻ tuổi ở Việt Nam...

Và có lẽ chính vì gặp nhau trễ mà họ lại sớm nếm trải sự buồn bã của tử biệt... Cuốn sách được thực hiện khi một trong ba người không còn nữa càng tô đậm cho tình bạn của họ, khi tên của cả ba người được in thành một nhóm thân mật trên bìa sách như là đang cố gắng quây quần với nhau mãi mãi, giống như trong một “truyện cổ tích vừa mới xảy ra”.

2-6-2018
PPM