Friday, December 31, 2021

Vui Ca Xang / Phạm Xuân Đài

 Tác giả xin cám ơn Giáo sư Trần Huy Bích đã giúp nhiều tài liệu cần thiết cho bài viết này.

 



Hình minh họa Chinh Phụ Ngâm do tác giả, 

nhà văn Trùng Dương cung cấp.

Gần đây tôi có dịp xem video của Thúy Nga Paris trình diễn ba bài Hòn Vọng Phu 1, 2 và 3 của Lê Thương. Sự dàn dựng cảnh trí, các màn phụ diễn đều công phu, tạo nên một không khí chinh chiến ngày xưa, và nhất là giọng hát của các ca sĩ đều hay, diễn tả thành công chủ đề mà mình trình diễn.

 Tiếc thay trong bài Hòn Vọng Phu 1, lời hát có sai một chữ, nhưng chữ đó lại rất quan trọng, làm biến đổi cả không khí của bài hát mà nhạc sĩ Lê Thương đã cố công dựng nên khi sáng tác Hòn Vọng Phu. Đó là câu nguyên văn của tác giả :

 Vui ca xang rồi đi tiến binh ngoài ngàn

 đã được ca sĩ Thế Sơn hát là :

 Vui ca xong rồi đi tiến binh ngoài ngàn

 Thật là một sai lầm đáng tiếc.

 Chúng ta đều biết Lê Thương thuộc vào hàng nhạc sĩ kỳ cựu của nền tân nhạc Việt Nam, đã bắt đầu sáng tác từ những năm cuối của thập niên 1930 những ca khúc như Bản Đàn Xuân, Thu Trên Đảo Kinh Châu…, và từ đó tiếp tục sáng tác và để lại cho đời một di sản âm nhạc to lớn sau khi ông từ trần năm 1996 tại Sài Gòn, thọ 82 tuổi.

 Riêng liên khúc Hòn Vọng Phu 1, 2 và 3 sáng tác trong thập niên 1940 là một tác phẩm rất quan trọng của ông, chất chứa mênh mang âm hưởng và tình cảm dân tộc, được xem như một trường ca đầu tiên của Việt Nam. Có thể nói không ngoa rằng nhạc điệu lẫn lời ca của liên khúc Hòn Vọng Phu đã thấm nhuần trong tình cảm người Việt Nam một cách rộng rãi và sâu xa nhất, có lẽ trong lịch sử của nền tân nhạc chưa dài lắm của đất nước chúng ta chưa có tác phẩm nào đạt được vị trí ấy.

 Được xem là “trường ca” trong nền âm nhạc Việt Nam cho tới ngày nay không nhiều. Xưa nhất là Hòn Vọng Phu gồm ba bài trong dạng chuyện kể, mà bài Hòn Vọng Phu 1 đã được sáng tác năm 1943, các bài 2 và 3 cũng được hoàn tất sau đó mấy năm trong thập niên 1940.

 Tiếp theo là bài Trường Ca Sông Lô của Văn Cao sáng tác năm 1947, ca ngợi một chiến công trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

 Khoảng giữa thập niên 1950 xuất hiện một trường ca cũng trong dạng ba ca khúc nối tiếp nhau, đó là Hội Trùng Dương của Phạm Đình Chương, viết về ba con sông Hồng, sông Hương và sông Cửu Long như là hình tượng thống nhất của nước Việt Nam.

 Rồi mãi đến đầu thập niên 1960 trường ca Con Đường Cái Quan, và giữa thập niên 1960, trường ca Mẹ Việt Nam của Phạm Duy mới ra đời.

 Đó là những trường ca đúng nghĩa, có giá trị nghệ thuật cao, đứng vững với thời gian cho đến nay. Nhưng nếu có ai đặt câu hỏi : trong các bài trường ca ấy, bài nào được người dân hát nhiều nhất, nhớ nhiều nhất, phổ biến trong dân chúng rộng rãi nhất, thì câu trả lời sẽ là : Hòn Vọng Phu, trong đó Hòn Vọng Phu 1 thấm nhuần trong dân chúng sâu đậm nhất.

 Vì sao nhạc sĩ Lê Thương đặt tên tác phẩm của mình là Hòn Vọng Phu ? Vì ở tỉnh Lạng Sơn giáp giới với nước Tàu có một quả núi trên đó sừng sững một hòn đá lớn có hình thù trông giống như một người đàn bà đang ôm đứa con, đứng nhìn ra phía xa như đang mong đợi một ai đó. Dân gian Việt Nam đặt tên bức tượng do thiên nhiên tạo ra ấy là Hòn Vọng Phu, tức là hòn đá có hình người đàn bà ôm con trông chờ chồng về. Có lẽ cảm xúc vì lối đặt tên đó của dân gian hàm ý lịch sử đất nước chúng ta có nhiều chinh chiến --với người Trung Hoa phía Bắc suốt một chiều dài của lịch sử lúc nào cũng muốn chiếm nước ta để sáp nhập vào nước Tàu. Cái tâm thức “chờ chồng về” từ chiến trận của người phụ nữ Việt Nam có lẽ vẫn tiềm tàng trong tâm hồn dân tộc như một đặc tính do hoàn cảnh lịch sử mang lại, khiến cho khi thấy một hòn đá trên núi giống hình người mẹ ôm con thì dân chúng đặt ngay tên là Hòn Vọng Phu –Hòn Chờ Chồng. Đó là một cách nhìn thiên nhiên mà cảm ứng với tâm trạng dài dằng dặc của dân một xứ nhiều giặc giã, thật là ý nghĩa và cảm động.

 Nhạc sĩ Lê Thương, một nhạc sĩ thuộc thế hệ theo tân nhạc đầu tiên của Việt Nam, chỉ nhìn hòn đá đó mà hòa nhập với một cảm thức rộng lớn của dân tộc qua suốt một lịch sử lâu dài : lịch sử của các cuộc chiến không ngừng để giữ nước, mà hòn đá chờ chồng là một tiêu biểu đầy cảm động trên một mặt khác của chiến tranh. Ông đã sáng tác ba bài Hòn Vọng Phu để nói về hào khí của cuộc xuất quân, về nỗi nhớ mong của người vợ có chồng đi chinh chiến, cho đến ngày về của người chinh phu. Điểm đặc sắc của ba hòn vọng phu là đều mang đầy âm hưởng cổ kính của dân tộc, về nhạc cũng như về lời. Trải qua nhiều năm tháng, trải qua nhiều thế hệ, trường ca Hòn Vọng Phu vẫn được trình diễn và được thưởng ngoạn như một tác phẩm hàng đầu của dân tộc.

 Đến đây người viết xin phép được mở một dấu ngoặc để lạm bàn về một cách diễn đạt khác về người chờ chồng Tô Thị. Ngoài Lê Thương, hình tượng vọng phu còn được nhạc sĩ Phạm Duy nhắc đến trong trường ca Con Đường Cái Quan của ông. Không khác Lê Thương, Phạm Duy cũng cảm nhận cái truyền thuyết vọng phu bàng bạc trong đời sống tinh thần và tình cảm của dân tộc Việt Nam, và nhìn nó gần như là một tín ngưỡng trong tâm thức của dân gian : thờ phượng sự sắt son chờ đợi và sự hóa đá của người đàn bà chờ chồng. Trong hành trình từ Bắc vào Nam, ngay đoạn đầu người lữ khách Phạm Duy đã hát

 Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa

Có nàng Tô Thị đứng chờ đợi ai

Và khuyên người chẳng tái hồi

Cho ngàn năm được sống đời… vọng phu !

 Phạm Duy đã biến sự chờ đợi gần như một tín ngưỡng, người đứng chờ mong cho người mình thương yêu đừng về, để cho nàng… hóa đá thì nàng mới có thể đứng mãi ngàn năm mà chờ. Đúng là Phạm Duy đã nâng sự chờ đợi thành một thách đố của lòng kiên gan, như một phép tu để cô kết thể xác và tinh thần biến thành một trạng thái cứng rắn vĩnh viễn : hóa đá. Đá như một kết quả tu chứng của đạo… chờ chồng! (xin đóng ngoặc).

 Quay lại với Hòn Vọng Phu của Lê Thương, chúng ta có bổn phận phải gìn giữ sự nguyên vẹn của tác phẩm này như một viên ngọc quý, đừng để thời gian và sự thiếu ý thức gây nên những vết trầy xước đáng tiếc.

 Bài viết này hôm nay xin đề cập đến một chữ trong bài Hòn Vọng Phu 1 có khi bị hát sai, đó là chữ ca xang trong câu Vui ca xang rồi đi tiến binh ngoài ngàn. Trước khi đi vào việc phân tích và tìm hiểu chữ, nghĩa, chúng tôi mời độc giả xem kỹ lời bài Hòn Vọng Phu 1 trong bản nhạc xuất bản năm 1955, do chính tác giả Lê Thương giữ bản quyền.

 


Câu “Vui ca xang rồi đi tiến binh ngoài ngàn” đã được in trong bản này. Các bản Hòn Vọng Phu 1 khác được tái bản ở miền Nam trước 1975 cũng đều giống như bản này, về nhạc cũng như về lời. Vậy chúng ta có thể xem đây là bản gốc, in lần thứ nhất, do chính tác giả chủ trương xuất bản và giữ bản quyền.

 Khảo sát một số mục trình diễn Hòn Vọng Phu 1 trong thời gian trước 1975 cho đến nay, chúng tôi ghi nhận hầu hết hát đúng hai chữ “ca xang” : Tiếng hát Thái Thanh trước 1975; ban hợp xướng Ngàn Khơi tại California; đĩa nhạc của Asia với Hoàng Oanh, Thanh Lan, Duy Quang; Album Tuyển chọn Duy Khánh; ca sĩ Đức Tuấn (trong nước); một ca đoàn của người Pháp trình diễn tại Pháp v.v… Một vài nơi hát “ca xong” như Thúy Nga Paris, hoặc “ca vang” như tôi có bắt gặp đâu đó, nhưng tương đối hiếm hoi.

 Chúng tôi nghĩ sở dĩ có trường hợp hát sai đáng tiếc như thế, là do người hát không hiểu nghĩa chữ “ca xang” là gì, cho là do bản nhạc in sai, và mình có nhiệm vụ tìm chữ đúng để hát. Từ “ca xang” đổi sang “ca xong”, được lắm, dễ hiểu hơn nhiều, nhất là nó có thể gợi ý có một “party” ca nhạc với nhiều ca nhi để tiễn vị tướng lên đường, và khi phần ca nhạc vừa chấm dứt (ca xong) là cuộc xuất quân bắt đầu... Hoặc đổi thành “ca vang”, một cách nói rất quen thuộc để tả tiếng hát to một cách mạnh mẽ. Chứ xang là cái gì nghe lạ hoắc, hát lên nghe cũng chướng tai, ngượng miệng !

 Nhưng thiết nghĩ thái độ chung của người trình diễn là phải tôn trọng nguyên tác của tác giả, nếu có gì không hiểu thì nên tìm hiểu chứ không nên tự đặt lời khác để hát theo ý mình. Đây là một tệ nạn cần phải tránh, nhất là đối với những tác phẩm đã thành cổ điển.

 Riêng đối với những ai hiểu chữ “ca xang” thì thấy câu hát ấy thật hay, vì vang lên một âm hưởng rất cổ kính, giữa khung cảnh xuất quân của một võ tướng ngày xưa. Vậy “ca xang” là gì ?

 Chúng ta cùng đi tìm chữ ấy trong sách vở cũ.

 Từ "xang" có trong tiếng Việt từ rất lâu, và được ghi trong tất cả những tự điển tiếng Việt có danh tiếng từ thế kỷ 17 tới nay:

 1) Tự điển Việt-Bồ-La (Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum) của Alexandre de Rhodes (1651):

 Xang: agitate corpus ambulando (vừa đi vừa lắc thân thể)

 2) Tự điển Việt-Latin (Dictionarium Anamitico-Latinum) của GM. Taberd (1838):

 Xang: manum altè extollere (nâng tay lên cao)

 3) Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của (1895-96):

 Xang: giang tay, đưa tay lên, múa men.

 4) Tự điển Việt-Pháp (Dictionnaire annamite-français) của Jean Bonet (1900):

 Xang: lever les bras, gesticuler, jouer, danser (nâng tay lên cao, làm cử chỉ, chơi đùa, nhảy múa)

 5) Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (1931):

 Xang: giang tay, giơ tay lên.

 6) Việt Nam Tự Điển của Lê Văn Đức & Lê Ngọc Trụ (1970-71):

 Xang: giang tay, múa men.

 7) Tự Điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ Học (Hoàng Phê chủ biên, 2003):

 Xang: đưa qua đưa lại (“chân xang qua xang lại”).

 Tuy có một số tiểu tiết khác biệt nhỏ qua các thời, từ “xang” cho ta một ý niệm động: nâng tay lên cao, giang tay, múa men.

 Một điều ai cũng nhận thấy, là khi sáng tác Hòn Vọng Phu 1, Lê Thương đã chịu ảnh hưởng rất nhiều của tác phẩm Chinh Phụ Ngâm, nguyên tác chữ Hán của Đặng Trần Côn, do Đoàn Thị Điểm dịch sang thơ Việt. Riêng câu hát “Vui ca xang rồi đi tiến binh ngoài ngàn” cũng có thể tìm thấy dấu vết từ Đặng Trần Côn và Đoàn Thị Điểm qua Chinh Phụ Ngâm.

 Nguyên câu chữ Hán trong Chinh Phụ Ngâm :

 Trịch ly bôi hề, vũ Long tuyền

(Quăng chén rượu tiễn, múa kiếm Long tuyền)

 Câu ấy được dịch là:

 Múa gươm rượu tiễn chưa tàn

 Cuối buổi tiệc tiễn hành, người tráng sĩ ra đi ném chén rượu, cầm gươm lên múa.

 Những hình ảnh “quăng chén rượu tiễn, múa gươm” đã thành những hình ảnh ước lệ để diễn tả sự hăng hái của kẻ ra đi.

 Vào thế kỷ 19, Tôn Thọ Tường, một viên quan văn, nhưng khi được chọn sang Pháp dù chỉ để làm nhiệm vụ thông dịch, cũng hăng hái viết:

 Múa gươm, quăng chén, cất mình đi

Bịn rịn đâu màng thói nữ nhi.

 Sau câu:

 Qua Thiên San kìa ai tiễn rượu vừa tàn

 Lê Thương cho biết người chinh phu đã “vui ca xang” trước khi “tiến binh ngoài ngàn.” Ông muốn nói chàng đã ca hát và múa (có thể là múa gươm, có thể chỉ là múa chân tay không). Đó là những hình ảnh đã thành ước lệ để chỉ sự hăng hái của kẻ ra đi.

 Nếu đổi “vui ca xang” thành “vui ca vang” hay “vui ca xong,” chúng ta sẽ vô tình làm mất đi cái hình ảnh hào hùng đã thành ước lệ ấy.

 Đến đây thiết tưởng chúng tôi cũng đã tạm làm xong công việc bênh vực cho một chữ bị hát sai. Một góp ý rất nhỏ, nhưng mong rằng cũng góp phần để giữ gìn sự nguyên vẹn cho một tác phẩm giá trị của văn hóa Việt Nam.

 Little Saigon ngày 29 tháng 12 năm 2021

 Phạm Xuân Đài

 

 Ý KIẾN CỦA BẠN ĐỌC VỀ BÀI ‘VUI CA XANG’

 

 Món quà bất ngờ

Xin chúc các bạn cùng gia đình sức khỏe và an vui ...

Bài của PP Minh hay quá... Món quà bất ngờ,  rất quí. Xin cảm ơn bạn...

 Q T..

(Quyên và ĐQ Toàn Dec 31, 21)

 

 Share trên Facebook

Hay quá, bác Minh! Cháu mới share trên facebook của cháu! 

 Chúc mừng năm mới đến với hai bác và đại gia đình! 

 ysa (31 Dec 21)

 Hạo-Nhiên cũng mới share trên Facebook của ảnh. :) 

Ysa Le (31 Dec 21)

 

 Hay và đúng

 Rất hay và  rất đúng, Nga vẫn  nhớ  lời hát  là  "vui ca xang" nhưng không  nghe TS hát nên không biết  là  có  nhiều  người  đã hát  sai. Hôm  này đọc  bài  anh viết, có minh chứng và  trích dẫn từ các  tự điển khác nhau, giúp mình  hiểu  thêm nhiều ý nghĩa của  chữ "xang". Rất hay và  gợi hình. Cuộc tiệc tiễn đưa  này  là  để  hâm nóng  máu  anh hùng nên  phải có  múa may cho ấm phải  không  anh ? Cảm ơn anh.

Tôn Nữ  Thu Nga (Jan 1, 22)

  

Đọc rất thú vị

Minh thân mến, cám ơn Minh đã gởi bài Hòn vọng Phu, bài viết hay, đọc rất thú vị. Thú vị là vì Hòn Vọng Phu thì biết và nghe nói nhiều lâu rồi nhưng không sâu sắc đầy đủ như bài của Minh.

Hoàng Huề, Việt Nam (trích email ngày 1- 1- 2022)

 

Đúng và cần thiết

 Bài viết công phu, có khảo cứu cẩn thận và rất hay.

Tôi và Xuân Vinh luôn cùng một ý với nhau là bộ ba

HÒN VỌNG PHU là một MASTERPIECE, là một viên ngọc

quí không có tỳ vết của âm nhạc Việt Nam.

Việc làm bảo vệ văn học nghệ thuật của ông là đúng và cần thiết.

Tôn trọng và giữ gìn nguyên tác là bổn phận của mọi người.

 

Chúc ông bà năm mới được khỏe mạnh và bình yên.

Nguyễn Mạnh.

(Jan 1, 22)

 

Khai bút năm 2022

Thưa Bác,

Gia đình con kính chúc hai Bác năm mới bình an, nhiều sức khỏe.

Bài viết khai bút năm 2022 của Bác cho thấy bút lực và chất nghiên cứu vẫn rất dồi dào, thú vị.

Đúng là câu "vui ca xang" trong Hòn Vọng Phu con vẫn hát đúng từ lúc còn thiếu niên, nhưng chỉ không biết "ca xang" có nghĩa gì thôi! Việc tùy tiện đổi lời bài hát, nhất là những bài cổ điển sẽ làm mất đi giá trị không chỉ của tác phẩm mà còn của cả người thể hiện nữa.

 Phạm Phú Cường – Sài Gòn Jan 2, 22

 

Việt Nam không mở được DĐTK

Anh Minh ơi,

Ngày đầu năm, em vui quá chừng, được theo anh Minh và anh Song Thao trên "bảng vàng" của DĐTK.

Đọc bài "Vui Ca Xang", em được thấy, được nghe thêm những điều lý thú, quý giá. Em chuyển tiếp cho bạn bè. Nhưng bạn bè em ở Việt Nam không mở được link của DĐTK. Em có nhận bài này qua email, nhưng lại không có hình minh họa cũng như không có những chữ in nghiêng, in đậm. Em tiếc ghê, những bài giá trị mà không chia sẻ trọn vẹn cho mấy người bạn lòng được.

 Em nghe nói ở California năm nay khá lạnh. Bên Đức mấy hôm nay lại ấm.

Mong anh luôn vui khỏe.

Ngọc Thúy (Germany Jan 3, 22)

 

Một đề tài bất ngờ

Anh Minh quý mến,

Rất vui được tin anh. Trước hết tôi cũng xin chúc anh và gia đình sang Năm Mới được nhiều sức khỏe, vạn sự an lành.

Sau là cám ơn anh đã cho tôi đọc bài Vui Ca Xang, một đề tài bất ngờ gây nhiều thích thú. Một đề tài mà anh đã khai thác tận cùng, nghiên cứu tỉ mỉ và trình bày hấp dẫn.

Tôi học được của anh vài điều lý thú, chẳng hạn hòn đá Vọng phu ở tại Lạng Sơn, điều mà tôi không biết. Đọc anh bỗng nhiên trong đầu tôi vang lên những bản nhạc của Lê Thương mà khi nhỏ tôi thường hát nghêu ngao, tôi nghĩ rằng Lê Thương là người Nam vì qua nhạc của ông mình nghe được giọng Nam.

Đôi điều chia sẻ với anh. Mong thỉnh thoảng được tin anh.

Liễu

(Trương Thị Liễu, Paris Jan 4, 22)

Tự định nghĩa lấy

Vâng đúng là bài của Đông Kha không làm người đọc thỏa mãn lắm vì không trưng dẫn được chứng liệu nào thuyết phục. Việc tra cứu, tìm hiểu cũng chưa tới nơi tới chốn như bài của anh Minh. Ngay cách định nghĩa chữ "xang" của ông (hân hoan, cao, thượng) cũng là ông... tự định nghĩa lấy. 

Lê Hữu (Jan 8, 22)

Bạn bè ở Việt Nam 

Anh Minh ơi,

 Những người, cũng như em, trước đây nghe "vui ca xang" nhưng không hiểu rõ, giờ rất vui, hiểu được, tấm tắc hoài.

Em chuyển vài  "thư phản hồi" của bạn bè ở Việt Nam sau khi đọc "Vui Ca Xang".

 "Bài viết hay quá cho mình thêm kiến thức. Hồi xưa ba chị rất thích bài hát này mở băng nghe và hát theo chứ không có bài nhạc chính gốc chừ mới biết rất thú vị."

 "Hay lắm em. Mình chẳng phải chuyên gia phê bình âm nhạc, nhưng thật sự rất bực bội khó chịu khi nghe ca sĩ hát sai lời (tưởng là việc nhỏ nhưng nhiều khi làm sai ý hoặc giảm hẳn giá trị của một vài câu, từ rất "đắt" của tác giả. Chẳng hạn " Mắt xanh lả bóng dừa hoang dại" (Mộng dưới hoa) bị hát thành "...là bóng...), từ lả tuyệt vời như vậy! Hoặc "thấu chăng lòng khách bơ vơ" (Hướng về Hà Nôi) bị hát thành "thấy chăng..."   thiệt nghe mà tức cái bụng..."

 "Hy vọng các ca sĩ đọc được bài viết của tác giả Phạm Xuân Đài để có sự tìm hiểu kỹ về ca từ cũng như giai điệu của một nhạc phẩm mình sắp thể hiện. T nghĩ không những ca sĩ mà cả ban nhạc đều phải có trách nhiệm tìm hiểu chứ sao lại để ca sĩ hát sai từ làm giảm giá trị của bản nhạc như vậy ..."

  Ngọc Thúy (Germany) Jan 9, 22

 

Cảm ơn bác

Mới đây, tôi được một người bạn forward cho đọc một bài viết của bác về "Vui ca xang" trong trường ca Hòn Vọng Phu của Lê Thương. Bác viết rất hay. Đọc thú vị. Cảm ơn bác.

Nguyễn Tuyển (Jan 10, 22)

 

Vài suy nghĩ khi đọc “ VUI CA XANG”

của tác giả Phạm Xuân Đài.

 

 Để giải thích cho một chữ - mà ca sĩ Thế Sơn hát sai trong video của Thuý Nga Paris – ông Phạm Xuân Đài đã viết một bài khá công phu, với những dẫn chứng về tác giả, về sự ra đời của tác phẩm, cho đến vì sao nhạc sĩ Lê Thương chọn tên Hòn Vọng Phu, một cái tên mang đậm nét lịch sử đầy hào khí của dân tộc Việt Nam, đặt cho tác phẩm của mình.

 

Trước hết tác giả xác định rõ vị trí của Hòn Vọng Phu 1, 2, 3 của nhạc sĩ Lê Thương là một nhạc phẩm có giá trị nghệ thuật cao, đã tồn tại bền vững với thời gian, là một bản trường ca đầu tiên hào hùng mang đậm tình cảm dân tộc, được phổ biến rộng rãi trong dân gian. Có thể nói cho đến nay, chưa có tác phẩm nào thay thế được. (Tuy là có Sông Lô của nhạc sĩ Văn Cao; Có Hội Trùng Dương của nhạc sĩ Phạm Đình Chương đó ).

Kế đến, tác giả dẫn chứng 1 bản gốc của tác phẩm do chính nhạc sĩ cho xuất bản trước 1975.

Rồi tác giả trích dẫn khá nhiều từ điển đã giải thích nguyên nghĩa chữ “ XANG “ – một hình ảnh ước lệ thể hiện sự hăng hái lên đường tòng quân của người chinh phu.

 

Cái hay của bài là tác giả giải thích với những chứng cứ đầy thuyết phục, đã dần đưa độc giả từ từ hiểu rõ, hiểu sâu, hiểu đúng câu chữ trong bài Hòn Vọng Phu 1 là “ vui ca xang “ chứ không phải là “vui ca xong” hay “vui ca vang”.

 

Thưởng thức mà ta cảm nhận sự lịch sự quá đẹp của tác giả khi phê phán về cái sai, về sự thiếu sót… cũng hết sức cẩn trọng, nhẹ nhàng và chân tình. ( Không quá bút phê làm bẽ mặt ai đó…).

 

Có thể nói, Phạm Xuân Đài là ngòi bút có tâm và có tầm. Ông đã không quản ngại tốn kém thời gian, sưu tầm tài liệu để làm sáng tỏ, dù đó chỉ là một chữ: XANG ! 

Với tấm lòng yêu quê hương, mục đích của tác giả không ngoài là gìn giữ, bảo tồn sự nguyên vẹn cho một bản trường ca hết sức giá trị của nền văn hoá Việt Nam./.

 

Kare Kim 

( Jan, 12th 2022 )

 

Wednesday, June 2, 2021

Vài ấn tượng về Đi, Đọc và Viết của Phạm Xuân Đài / BÙI VĨNH PHÚC

  

Anh Minh thân,

Mấy ngày qua, tạm gạt bỏ những sách vở và tài liệu khác, tôi đã hạnh phúc đọc quyển sách của anh. Ngồi ở vườn sau, trong nắng, nhẩn nha đọc những suy nghĩ anh dàn trải về cuộc sống và con người, thật thích.  Không viết được dài, nhưng xin gửi anh một vài ấn tượng rõ rệt nhất (trong attachment file) mà tôi có được sau khi đọc anh.  Cám ơn anh vì một quyển sách hay. 

Thân, 

bvp


Vài ấn tượng về Đi, Đọc và Viết của Phạm Xuân Đài

 Tác giả, trong phần Lời Nói Đầu của quyển Đi, Đọc và Viết, có cho biết mình là một nhà báo, chứ không phải là một nhà văn. Điều này, tôi nghĩ, có chỗ đúng và có chỗ không đúng.  Đúng, Phạm Xuân Đài là một nhà báo. Trong những bài viết của mình, ông luôn có một cái nhìn tinh tế, sắc nét, nắm bắt được sự vật, sự việc một cách tinh sắc, bằng cái cảm quan nhạy bén và phương pháp làm việc, quan sát, tiếp cận vấn đề của mình. Như một nhà báo. Một nhà báo có bản lĩnh và giàu kinh nghiệm.

 

Nhưng tác giả đã sai, ít nhất trong cảm nhận của tôi, ở chỗ ông đã nghĩ, đã tự cho mình không phải là một nhà văn. Phạm Xuân Đài, trong cung cách biểu lộ, bày tỏ tâm tư, suy nghĩ của mình, qua chữ viết và cách diễn ý, đã cho thấy ông là một nhà văn. Cách ông tiếp cận, sắp xếp và khai triển vấn đề của mình, cách ông trình hiện cuộc đời, những suy nghĩ phức tạp về đời sống, về những hoàn cảnh sống, về tâm hồn chúng ta, về con người, về lịch sử, về quê hương, về kỷ niệm, v.v., có thể cho người đọc thấy được điều này. Qua những đường rẽ, khúc ngoặt, và lối “nhồi bóng”, “đưa bóng” thần tình, ông làm hiển lộ các vấn đề mà ông muốn nhắm tới, nhiều lúc, ở những “điểm chặn” bất ngờ. Làm vấn đề được phát sáng, hốt nhiên, bằng một vài câu viết, một vài nhận xét thần tình và tinh tế. Điều này cho thấy con người, những quan hệ của nó trong cuộc sống, sự hoà ái, trái tim cùng hơi nóng và chất lửa trong nó, làm cho con người sống xứng đáng cái thân phận đáng hãnh diện là con người của mình, luôn là quan tâm của ông. Của một nhà văn.

 

Tôi yêu cái hơi ấm, cái ngọn lửa mềm mại, luôn cháy đỏ trong chữ nghĩa của Phạm Xuân Đài. Nó làm những câu văn của tác giả, dù gần như luôn mang cái chủ âm trầm, chậm, thanh và giản, lúc nào cũng cháy ngầm trong sự từ tốn ấy cái thiết tha của một bếp lửa đầy hơi ấm nhân quần. Những đoá hoa lửa ngọt, đằm và mềm dịu ấy không thôi phát sáng qua những trang văn của ông. Con người nhà văn của Phạm Xuân Đài, một phần lớn, cũng nằm chính ở điểm ấy.

 

bùi vĩnh phúc

Wednesday, May 19, 2021

TÌNH BẠN LÂU NĂM

Phạm Phú Minh

Tôi không ngạc nhiên lắm khi nghe tin Bé Ký qua đời. Khoảng vài mươi năm qua tuần nào tôi cũng gặp Hồ Thành Đức tại quán cà phê, và thỉnh thoảng cũng ghé nhà thăm hai ông bà. Những năm gần đây tôi thấy Bé Ký sức khỏe ngày một kém dần. Thì cũng cho là chuyện bình thường thôi, tất cả chúng tôi ai cũng ngày một già, và yếu đi.

      


                                          Họa sĩ Bé Ký                                        



  Bé Ký 1959 (21 tuổi)

Năm 1966, tôi làm việc với Chương Trình Phát Triển Thanh Niên Học Đường (CPS) có trụ sở tại những dãy nhà tiền chế trên nền Khám Lớn Sài Gòn cũ. Ít lâu sau Hội Họa Sĩ Trẻ được thành lập cũng có trụ sở trên miếng đất rất rộng rãi này. Là láng giềng của nhau, tôi có dịp quen biết với nhiều “họa sĩ trẻ” mà trước kia chỉ mới nghe tên, trong đó có Hồ Thành Đức, trở nên khá thân nhau vì cùng đồng hương Quảng Nam.

Vì không thể “thanh niên” và “trẻ” mãi, năm bảy năm sau chúng tôi lập gia đình và rời mảnh đất trẻ trung ấy. Gia đình Hồ Thành Đức và gia đình tôi lại có dịp ở gần nhau, tôi trong hẻm 220 đường Trương Minh Giảng (bên cạnh đại học Vạn Hạnh), còn Hồ Thành Đức-Bé Ký thì trong một hẻm bên đường Trần Quang Diệu, chỉ cần lội quanh co trong xóm một lúc là đến nhà nhau. Ngày cuối tuần bạn bè thường tụ họp tại nhà tôi, Đức với tôi và vài ba người bạn nữa gầy một sòng phé còm, trong khi Bé Ký thì trò chuyện, có khi nấu nướng với bà xã tôi và bồng bế chơi đùa với hai đứa con nhỏ của tôi. Bé Ký yêu trẻ con lắm.

                   


Khoảng năm 1972, nhà thơ Thành Tôn từ Đà Nẵng vào Sài Gòn và tìm tới thăm nhà Hồ Thành Đức-Bé Ký. Nghe tiếng nhau từ lâu mà chưa gặp mặt lần nào, Hồ Thành Đức mời Thành Tôn tối hôm đó tới nhà mình ăn tối để chuyện vãn nhiều hơn. Buổi tối Thành Tôn tới nhà thì Đức… đi vắng. Bé Ký mời Thành Tôn vào nhà,  chỉ trên bàn có một mâm cơm dọn sẵn và mời Thành Tôn dùng bữa… một mình, nói rằng Đức xin lỗi vì tối hôm đó có một buổi họp với nhóm hội họa mà buổi sáng khi hẹn với Thành Tôn chàng đã quên bẵng. Trước tình thế “éo le” như thế, cuối cùng Thành Tôn phải ngồi vào bàn dùng bữa cơm một mình, với Bé Ký ngồi trò chuyện với tất cả chân tình, mộc mạc, đơn giản. Sau này Thành Tôn còn nhớ mãi món cá kho tộ “ngon tuyệt” do đầu bếp Bé Ký khoản đãi.

Nghệ danh Bé Ký do đâu mà có ? Hồ Thành Đức có lần kể : tên của bà ấy là Nguyễn Thị Bé. Từ nhỏ đã ôm tranh đi bán dạo trên đường phố nhưng không ghi tên tác giả. Nhiều người mua không chịu, nói đã vẽ tranh thì tác giả phải ký tên vào tranh chứ. Tác giả bèn viết chữ “Bé ký” ngụ ý tác giả tên là Bé và đã ký rồi đấy. Riết rồi chữ Ký được viết hoa, và Bé Ký thành tên luôn !

Biến cố 1975 làm tan tác xã hội miền Nam. Kẻ đi tù, người di tản, rồi kinh tế mới, rồi vượt biên… nhưng gia đình Hồ Thành Đức-Bé Ký yên ổn, cho mãi đến chuyến đi Mỹ chính thức của họ vào năm 1989. Qua thập niên 1990 đám bạn bè chúng tôi lại lần lượt gặp nhau gần như đầy đủ tại Little Saigon, nam California. Khác với phần đông bạn bè khi tới đất mới ai cũng lo kiếm công việc làm để sống, đôi nghệ sĩ bạn của chúng tôi chỉ “làm việc” tại nhà : họ tiếp tục vẽ tranh, triển lãm và bán tranh, trong khi các con lo đi học để xây dựng tương lai cho mình.

Mỗi khi phải đối diện với những việc quá rối rắm trong đời, tôi thường nhìn vào tranh Bé Ký để lấy lại bình tĩnh. Những đường nét ấy chân thật quá, đơn sơ quá nhưng cũng rất vững chắc, như nhắc tôi rằng, bản chất mọi sự trên đời thực ra tự nó cũng đơn sơ thôi, đừng gây thêm rắc rối làm gì. Đúng vậy, Bé Ký ghi lại trong tranh của mình nét tinh túy của sự vật, mà chỉ con mắt của chị mới nhìn thấy, chỉ bàn tay của chị mới ghi lại được. Hội họa Bé Ký chính là hình ảnh cái thật, qua nét vẽ đơn sơ mà điêu luyện.

Hai cô con gái của tôi, mà trước kia còn nhỏ ở Việt Nam đã được bác Bé Ký nâng niu ẵm bồng, sau này lớn lên ở hải ngoại cũng mê tranh của họa sĩ Bé Ký lắm. Xuân Đài ở Paris mỗi khi cùng chồng con qua California thăm chúng tôi đều nhờ tôi đưa đến thăm hai bác Hồ Thành Đức và Bé Ký, và lần nào cũng xin thỉnh vài bức tranh Bé Ký mang về Pháp.

Năm 1996 tôi và bà xã sau bốn năm cư ngụ trên đất Mỹ theo lối “share phòng”, đã mua được cái nhà mobile home. Đôi bạn nghệ sĩ Hồ Thành Đức-Bé Ký đã tặng mừng nhà mới chúng tôi một bức tranh lớn vẽ hoa hướng dương của Hồ Thành Đức. Một món quà quý giá mà chúng tôi còn giữ mãi, nó mang lại sự tươi sáng và không khí nghệ thuật cho ngôi nhà, cho đến bây giờ dù tôi đã có nhiều tác phẩm nghệ thuật khác, bức hoa hướng dương của Hồ Thành Đức vẫn luôn luôn giữ một vị trí cố định như lúc ban đầu.

 

               


Bức tranh hoa hướng dương Hồ Thành Đức-Bé Ký mừng nhà mới chúng tôi

 

Cũng vào năm 1996, một hôm Bé Ký đề nghị vẽ chân dung cho tôi. Tôi mừng lắm, vì biết đây là một hân hạnh lớn cho tôi, và tôi cũng biết Bé Ký không mấy khi vẽ chân dung cho ai. Tôi xin mấy cái hẹn đến nhà ngồi làm mẫu, Bé Ký nói không cần, chỉ cần đưa cho họa sĩ một tấm hình mà tôi vừa ý là đủ. Với tấm hình mẫu đó, Bé Ký đã vẽ cho tôi ba bức chân dung. Một cô em của tôi đã dụng công ghép cả ba bức vào một cái khung để thành một bức “tranh chân dung” điện tử, như sau :


Tình bạn của đôi nghệ sĩ Hồ Thành Đức – Bé Ký với tôi đã trải qua hơn nửa thế kỷ. Đó là một tình bạn “rất là Bé Ký”, nghĩa là đơn giản, mộc mạc và vô cùng chân thành. Bây giờ chúng tôi đang bước vào một giai đoạn mới, là bắt đầu chia tay nhau trên trần gian này. Tôi cùng tuổi với Bé Ký, sinh năm Mậu Dần, 1938. Bạn xung phong ra đi trước, tôi chúc bạn một chuyến đi đầy thanh thản như bản tính của bạn. Và hẹn sẽ có duyên gặp lại nhau một thời gian nào đó, ở một cõi nào đó mà bây giờ tôi cũng chưa biết rõ.

Westminster 15 tháng 5, 2021.

Phạm Phú Minh