HỒI KÝ
PHẠM PHÚ MINH
Chương I : THẦY TÔI
Viết hồi ký về đời mình, tôi không thể không viết về người cha của tôi. Anh chị em chúng tôi đều gọi cha mẹ của mình là thầy và mợ.
Ông tên là Phạm Phú Hưu, cháu gọi ông Phạm Phú Thứ
là ông nội. Ông là con của ông Phạm Phú Hạ là con thứ tám của ông Phạm Phú Thứ,
tục gọi là ông Nghè Tám.
Thầy tôi sinh năm 1903, lớn lên trong cảnh nền cai
trị của người Pháp đã ổn định từ lâu, học tiểu học tại Quảng Nam, và trung học
tại trường Khải Định (sau này là Quốc Học) Huế. Cùng lớp với ông có ông Phạm
Văn Đồng, sau làm Thủ Tướng trong chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Thầy tôi chỉ học đến lớp Đệ Tứ niên, sau khi đậu bằng
“Diplôme” (sau này gọi là bằng Trung học Đệ Nhất cấp) thì ra đời với nghề giáo
viên tiểu học ở khoảng tuổi hai mươi. Sau này tôi được nghe kể lại, tuy là con
quan lớn nhưng nhà ông nội tôi không mấy khá giả, thời ấy thầy tôi học tới đó
là có thể ra đời có nghề vững chắc rồi.
Thầy tôi bắt đầu đi dạy học có lẽ vào năm 1923, nhiệm
sở đầu tiên là trường tiểu học Phan Thiết tỉnh Bình Thuận. Tuy tôi không biết
đích xác năm thầy tôi lập gia đình, nhưng tôi biết vài năm sau thì có mợ tôi
vào sống với thầy tôi tại Phan Thiết, với một cậu bé giúp việc người làng Đông
Bàn. Năm 1926 thì thầy mợ tôi có người con đầu tiên, đó là chị Phạm Thị Lựu, chị
Cả của tôi. Chị sinh ra không phải tại Phan Thiết, nhưng tại làng Quảng Huế,
huyện Đại Lộc tỉnh Quảng Nam là quê bên ngoại của tôi. “Con so về nhà mẹ”, chắc
chắn thời đó mợ tôi và gia đình đều theo tập quán cũ, là sinh con đầu thì về
nhà cha mẹ đẻ của mình, nên mợ tôi khi có thai chị Cả tôi thì về Quảng Huế để
được sự săn sóc của bà ngoại tôi. Tôi nghĩ đây là một tập quán rất hay.
Ở đây cần mở một dấu ngoặc để nói về cách đặt tên
cho con gái của dòng họ Phạm Phú. Đó là tất cả nữ lưu của họ Phạm Phú đều có
tên kép, với chữ Xuân đi trước. Xem lại gia phả, ngay đời ông Thỉ tổ của giòng
họ tại đất Quảng Nam là Phạm Phú Điều, người con gái duy nhất của ông có tên là
Xuân Lược. Và từ đời đầu tiên này, gia phả đã có một ghi chú như sau : “Họ Phạm
Phú, con trai lót chữ ‘Phú’, con gái lót chữ ‘Xuân’.” Nhưng chị Cả của tôi, tức
con gái lớn của thầy tôi, lại có tên là Phạm Thị Lựu, tại sao vậy ? Tôi có đem
việc này hỏi thầy tôi, thì được trả lời : chị Cả tôi được sinh tại nhà Ông Bà
Ngoại, giấy khai sinh do ông ngoại tôi –người không biết quy luật đặt tên của họ
Phạm Phú- làm tại làng Quảng Huế, chính ông ngoại đặt tên cho cháu là Lựu,
không có chữ Xuân.
Nhưng cũng có một cách giải thích khác, do chính chị
Cả tôi thuật lại cho các con của chị : thoạt đầu, khi đến tuổi đi học thì chị Cả
có tên là Phạm Thị Xuân Lựu, vì giấy khai sinh ghi như vậy. Nhưng không biết đến
lớp mấy thì cái tên của chị bị các bạn đem ra bàn tán đùa cợt. Họ nói : “Ai
cũng biết hoa lựu, trái lựu là sản phẩm của mùa hè. Thế mà tên cô này là Xuân Lựu,
tức lựu mùa xuân, thì đó là hình ảnh gì? Chắc chỉ là một cây trơ cành.” Chị Cả
tôi tức lắm, về “mét bố”, thầy tôi thấy tội nghiệp bèn quyết định bỏ chữ Xuân
trong tên chị.
Ba năm sau, 1929, thì chị Ba của tôi Phạm Thị Xuân Lan
ra đời tại Phan Thiết. Không lâu sau đó thầy tôi được đổi từ Phan Thiết về dạy
tại Bình Định, không rõ trường nào, nhưng chỉ một thời gian ngắn có lẽ khoảng một
năm sau thì ông lại được thuyên chuyển một lần nữa, về làm Hiệu trưởng trường
tiểu học phủ Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Cứ cho là ông tới nhiệm sở này vào năm
1930 thì ông đã làm Hiệu trưởng trường tiểu học Bình Sơn suốt 15 năm, cho đến
1945. Trong 15 năm đó năm anh em trai chúng tôi lần lượt ra đời, đều có giấy
khai sinh tại làng Tiên Đào, phủ Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi : Phạm Phú Hòa sinh
năm 1930, Phạm Phú Hiệp 1935, Phạm Phú Hiển 1937, Phạm Phú Minh 1938, và Phạm
Phú Lợi 1941.
Hình ảnh xa nhất của thầy tôi mà tôi còn nhớ là một
hôm ông bế tôi ngồi trên xe đạp của ông, và chở tôi đến trường. Hôm đó trường
nghỉ, vắng tanh, ông dắt tôi vào một căn phòng, trải trên nền xi măng một miếng
vải lớn cho tôi nằm chơi trên đó, rồi ông đến ngồi tại bàn giấy làm việc với một
đống giấy tờ. Sau này lớn lên khi nhớ lại các mảng màu sắc của miếng vải mà thầy
tôi trải cho tôi nằm thì tôi biết đó là một lá cờ Pháp, còn khi ấy, với thân
mình còn nhỏ xíu tôi chỉ biết đó là một miếng vải rộng mênh mông tha hồ cho tôi
quấn vào mình mà lăn lộn trong phòng. Lúc đó chắc tôi vào khoảng bốn tuổi.
Có lẽ quãng thời gian từ 1930 đến 1945, với chức vụ
hiệu trưởng trường tiểu học Bình Sơn là quãng đời ổn định và có ý nghĩa nhất
trong đời thầy tôi. Tại Bình Sơn trong vòng 10 năm, mợ tôi đã sinh một loạt năm
người con trai. Thầy mợ tôi mua một cái nhà nằm ven quốc lộ 1 bên tả ngạn của
sông Trà Bồng là con sông chia phủ lỵ Bình Sơn làm hai vùng riêng biệt. Bên hữu
ngạn là chợ Châu Ổ và khu buôn bán của phủ, bên tả ngạn là khu hành chánh, tri
phủ (lúc bấy giờ là ông Phạm Như Phiên) làm việc và cùng gia đình cư ngụ luôn
trong phủ đường. Bên cạnh phủ là trường tiểu học Bình Sơn, từ lớp Năm cho tới lớp
Nhất.
Song song với công tác giáo dục tốt đẹp cho địa
phương Bình Sơn, trong thập niên 1930 thầy tôi giác ngộ đạo Phật và để hết tâm
lực trong việc tổ chức sinh hoạt và truyền bá Phật Giáo. Trong ký ức mù mờ đầu
đời của một đứa bé bốn tuổi, tôi còn thấy lờ mờ những buổi tôi được mẹ dắt lên
chùa ở trên một trái đồi khá cao dự những buổi tụng kinh rất trang nghiêm, và
có cả những buổi tối được mẹ dắt đi giữa một đám rất đông người, tôi rất buồn ngủ
và thấy chung quanh mình là một rừng chân người. Ngôi chùa trên đồi đó là do
chính thầy tôi đứng ra tổ chức việc xây dựng.
Khoảng cuối thập niên 1930 thầy tôi rất bận Phật sự,
thường vắng nhà đi thuyết pháp ở các làng xã xa (chắc là trong những ngày nghỉ
hè, chứ trong niên học thì không thể đi như thế được). Tôi nghe hai chị tôi kể
lại, một lần thầy tôi về tới nhà sau nhiều ngày vắng mặt, mẹ tôi bồng tôi lúc
đó còn ẵm ngửa đưa thẳng cho thầy tôi rồi giận dỗi : “Đây là con ông, mà ông bỏ
nhà đi hoài, tôi giao cho ông đó !”
Từ giữa thập niên 1940 thì đời của thầy tôi bắt đầu
gặp những biến cố lớn. Năm 1943 bà nội chúng tôi mất. Năm sau, vào mùa hè năm
1944 mẹ chúng tôi mất. Mùa đông năm 1944 tôi bị chó dại cắn, thầy tôi phải đích
thân đem tôi ra Huế để được chích 18 mũi thuốc ngừa dại. Qua năm 1945, có lẽ
khoảng tháng 5, thầy tôi được chính phủ Trần Trọng Kim chỉ định làm Tri phủ
Bình Sơn. Thời gian này tôi không còn có mặt ở Bình Sơn nữa, vì sau cái chết của
mợ tôi, cô Tư tôi đã vào Bình Sơn đem anh Hiển và tôi về Đông Bàn đi học trường
làng, để nhẹ gánh bớt cho hai chị tôi mới ở tuổi mười lăm mười bảy mà đã phải
lãnh trách nhiệm cai quản một gia đình quá đông đúc.
Sau này lớn lên có lúc tôi thắc mắc sao thầy tôi
đang ở ngành giáo dục mà lại được chính phủ Trần Trọng Kim chỉ định làm tri phủ
Bình Sơn vào hè năm 1945. Tôi có hỏi thầy tôi, thì ông chỉ đáp qua loa rằng
chính phủ Trần Trọng Kim hồi đó có chương trình muốn đổi mới toàn diện guồng
máy hành chánh trong nước với nhân sự hữu hiệu hơn là lớp quan liêu cũ kỹ của
triều nhà Nguyễn. Thời gian đầu khi mới nhậm chức tri phủ, thầy tôi cho chị Ba
tôi cùng em Lợi về Quảng Nam, giữ hai anh Hòa và Hiệp cùng sống ở phủ với ông.
Nhưng sau thấy tình hình Việt Minh hoạt động mạnh quá, ông cho hai anh về Quảng
Nam, ông ở lại trong phủ một mình với một người lính lệ già. Ông kể chính quyền
hồi đó hầu như không còn kiểm soát được tình hình, mỗi tối làng xã nào Việt
Minh cũng đánh chiêng đánh trống triệu tập đồng bào họp mít tinh. Một buổi tối
ông đang ngồi hóng mát ngoài hiên phủ lỵ, bỗng thấy từ trên cây gạo ở cổng phủ
có một cục lửa xuất hiện, rồi bay vụt về hướng bắc. Thầy tôi kể lại, lúc chứng
kiến cảnh ấy ông linh cảm đó là một cách chỉ dẫn hướng đi cho mình của một thần
linh nào đó. Trong giấc ngủ tối hôm đó
thầy tôi mơ thấy một bóng người hiện ra nói với thầy tôi rằng : “Phải rời nơi
đây, đi về Quảng Nam ngay.” Sáng hôm sau ông bỏ một số giấy tờ và quần áo vào
chiếc cặp da, gọi người lính lệ vào căn dặn mọi chuyện rồi giao chìa khóa của
phủ cho người ấy, sau đó lên xe đạp theo quốc lộ 1 đạp miết về hướng Bắc, tức
là về hướng Quảng Nam. Vượt đoạn đường
khoảng 70 cây số, hai hôm sau ông về tới làng Đông Bàn, nơi tất cả anh chị em
chúng tôi đã về đầy đủ từ trước.
Thầy tôi kể : từ mùa hè năm 1945 tình hình Quảng
Ngãi và riêng phủ Bình Sơn đã biến chuyển rất nhiều. Phong trào Việt Minh đã
phát triển mạnh trong quần chúng, tối nào các làng xã cũng tổ chức đốt đèn đuốc,
tiếng trống, chiêng mõ rộn rịp tập họp dân chúng để tuyên truyền cách mạng,
chính quyền hầu như không còn nữa. Và từ cách mạng tháng Tám, Quảng Ngãi đã nổi
tiếng là nơi Việt Minh giết rất nhiều người, nhiều nhất là tín đồ đạo Cao Đài
và những thành phần mà phe cách mạng cho là “phản động”, như có liên hệ với người
Nhật chẳng hạn. Họ giết bằng cách chém, hoặc chở trên thuyền ra bỏ giữa biển
khơi cho chết đuối.
Giữa một không khí như thế, nếu thầy tôi ở lại Bình
Sơn với tư cách là một tri phủ của chính phủ Trần Trọng Kim thì số phận của thầy
tôi sẽ như thế nào? Cái hiện tượng cục lửa bay về hướng Bắc như một dấu hiệu hướng
dẫn, rồi giấc mơ của thầy tôi trong đêm ấy phải chăng là cách dục giã của một vị
thần linh nào đó muốn cứu thầy tôi thoát nạn ? Nhưng tôi còn nhớ, trong một lần
trò chuyện với tôi về sau này, thầy tôi có nói nếu ông vẫn ở lại phủ Bình Sơn
thì Việt Minh ở đó cũng không động chạm gì đến. Nhìn lại tình hình giết chóc tại
Quảng Ngãi thời 1945 thì có lẽ thầy tôi có lý : Việt Minh giết rất nhiều người
nhưng toàn là người hầu như vô danh, không có ai thuộc giới trí thức trong tỉnh,
ngay cả khi họ là thành phần đảng viên Quốc Dân Đảng.
Thời điểm này tôi đã lên bảy và anh Hiển tôi lên
tám, hai đứa tôi đã được cô Tư tôi đem về làng cho đi học trường làng từ cuối
năm 1944. Từ ngày thầy tôi về tới nhà, coi như toàn bộ gia đình thầy tôi đã về
cố hương, với người con lớn nhất là chị Ba tôi (Xuân Lan), anh Bốn (Phạm Phú
Hòa), anh Chu (Phạm Phú Hiệp), anh Hiển, tôi Minh, và út Phạm Phú Lợi. Anh Bốn
tôi thì đã rời trường Providence từ Huế về tiếp tục học tại Hội An, anh Chu tôi
thì học trường Phong Thử có chú Trợ (Phạm Phú Thông) đang dạy ở đó. Chị Cả tôi
thì đã làm đám cưới với anh Trần Hoàng từ cuối năm 1944, và đã “về nhà chồng” tại
làng Giao Thủy, phủ Bình Sơn, Quảng Ngãi.
Về tới làng, thầy tôi nghỉ ngơi ít lâu rồi đi xuống
Hội An, có lẽ để tiếp xúc với giới chức về giáo dục tỉnh Quảng Nam và bạn bè tại
đó. Thầy tôi có một người bạn rất thân là bác Hà Mão từ lâu đã làm việc trong
cơ quan chính quyền của Pháp tại Hội An. Bác Mão có người con trai lớn là anh
Hà Bồng, và đã đi hỏi chị Ba tôi cho anh ấy (hai ông bạn nhất quyết “làm sui” với
nhau). Vào khoảng cuối năm 1945, anh Hà Bồng xung phong vào đoàn quân Nam tiến,
vào tham dự các trận đánh với Pháp tại mặt trận Nha Trang, và khoảng giữa năm
1946 anh đã tử trận tại đó. Một lễ tưởng niệm anh đã được tổ chức tại Hội An,
và chị Ba tôi, với tư cách vợ chưa cưới của anh Bồng, đã đi Hội An để dự buổi lễ
ấy. Như vậy, dù chỉ mới hứa hôn, chị Ba tôi đã thành “góa phụ” !
Đi
tản cư
Tình hình từ nửa sau năm 1946 dần dần có vẻ căng thẳng.
Thoạt đầu là những cán bộ quân đội của Việt Minh xuất hiện tại làng tôi, họ có
tổ chức một đêm kịch lửa trại tại sân đình, trong đó có những nhân vật “thằng
tây” đi cướp nước đòi ăn một món ăn tây là “mào xì” trao đổi mãi một lúc mới biết
đó là món “mì xào” khiến cho tụi trẻ con chúng tôi cười nghiêng ngửa. Rồi đến các đợt người tản cư từ Hội An, Đà Nẵng
đi qua làng tôi. Họ chỉ đi qua thôi, đi về phía tây xa đường quốc lộ 1, đến gần
với dãy Trường Sơn. Một hôm một chiếc thuyền lớn ghé bến nhà ông nội tôi, đó là
gia đình của bác Hà Mão từ Hội An lên, ghé lại chơi vài hôm rồi tiếp tục đi ngược
sông Thu Bồn để đến một đồn điền của bác Mão ở một nơi gọi là Tiên Tráng thuộc
huyện Tiên Phước.
Không khí chiến tranh loạn lạc đã khiến bầu không
khí bao đời yên tĩnh của làng tôi bỗng nhiên biến mất. Nhất là một buổi chiều bỗng
nghe nổ ầm một tiếng thật lớn, khiến cả làng rúng động. Đó là quả đại bác đầu
tiên của quân Pháp bắn từ Vĩnh Điện là phủ lỵ của Điện Bàn cách làng tôi độ 5
cây số đường chim bay mà họ mới chiếm xong. Họ chỉ bắn thử một quả thôi, may mà
rơi ở bờ sông vắng vẻ không gây chết chóc gì, nhưng tạo hoảng sợ nơi dân làng.
Tiếng nổ như là một báo hiệu thời kỳ bình an yên tĩnh đã hết, và chiến tranh
đang đến.
Sau Tết năm 1947 trường làng tôi thông báo chính thức
đóng cửa vì chiến tranh. Nhà nhà chuẩn bị
tản cư.
Một buổi chiều gia đình tôi lên đường đi tản cư. Khoảng
5 giờ chiều đoàn người chuẩn bị khởi hành, đám anh em chúng tôi đều vào vòng
tay chào ông nội, tôi nhớ vẻ mặt ông buồn rười rượi. Năm đó ông đã ngoài tám
mươi, và ông biết sau chuyến ra đi này của chúng tôi, ông sẽ không còn bao giờ
gặp lại chúng tôi nữa. Rồi thầy tôi ra lệnh khởi hành, ông đi trước rồi tới chị
Ba, sau chị là bốn anh em trai chúng tôi : Hòa, Hiệp, Hiển. Minh. Thiếu Lợi là
con út, lúc đó chưa đầy 6 tuổi, đang bị cảm sốt không đi được, phải ở lại nhà với
cô Tư, sẽ đi sau. Một đoàn gồm sáu người, mỗi người mang một cái túi áo quần,
đi hàng một trên đường ruộng, bóng trải dài trên đồng lúa xanh.
Về sau này khi hát bài Đường Về Quê của Phạm Duy :
Kìa
đoàn người đi miên man trên đường gian nan
thì tôi lại nhớ đến hình ảnh “đoàn người” của gia
đình tôi đang dấn bước vào “con đường
gian nan” buổi chiều hôm đó, bóng đổ dài trên cánh đồng làng Đông Bàn thân yêu
của chúng tôi.
Đi mãi đến khi gặp đường xe lửa thì chúng tôi nhập
vào và tiếp tục nhắm về hướng Nam. Tôi nhớ đêm đó có trăng, hai anh lớn Hòa và
Hiệp biểu diễn đi trên đường rầy như người làm xiếc, hoặc phóng những bước dài
trên các thanh tà-vẹt, những việc mà anh Hiển và tôi (chưa đầy mười tuổi) chưa
làm được. Đến một rừng thông, thầy tôi ra lệnh dừng lại để nghỉ qua đêm. Tôi nhớ
hai anh lớn trổ tài hướng đạo, chọn một khoảng rừng bằng phẳng để làm chỗ ngủ,
rồi cùng chị Ba soạn cơm nắm muối mè để cả nhà ăn bữa cơm xa nhà đầu tiên “trên
đường tản cư”.
Hôm sau dậy sớm, chúng tôi đi tiếp, gần trưa đến một
nơi gọi là làng Đồng Thành thuộc huyện Quế Sơn, vào một ngôi nhà ngói có sân rộng,
và lũ trẻ chúng tôi biết là đã đến nơi. Thầy tôi được chủ nhân là bác Khâm đón
tiếp ân cần, và nhường cả gian “nhà trên” khá rộng cho gia đình chúng tôi. Cuộc
sống “đi tản cư” chính thức bắt đầu.
Chị Ba chúng tôi đi thăm ngay gian nhà bếp khá rộng
để chuẩn bị việc nấu nướng, tôi và anh Hiển được phân công đi kiếm củi, hồi đó
còn gọi là đi “mót củi”, tức là đi lang thang ra những chốn bụi bờ trong làng
nhặt những cành khô mang về. Đi như thế chúng tôi gặp những người dân trong
làng, họ hỏi chúng tôi con cái nhà ai, từ đâu tới v.v… và chúng tôi nhận ra người
vùng này có giọng nói khác hẳn với người làng tôi, nghe lơ lớ như có pha giọng
Bắc.
Hai anh Hòa và Hiệp coi như đã lớn, không tham gia
công tác đi kiếm củi này. Tôi thấy hai anh hay đi qua chơi nơi nhà láng giềng,
một ngôi nhà ngói cao lớn và sang trọng hơn nhà của chúng tôi đang trọ, mà tôi
nghe nói là nhà của ông Lương Trọng Hối, một vị quan của triều đình Huế. Thì ra
gia đình bác Phạm Phú Tiết của tôi, cũng thuộc giới quan quyền, đi tản cư trước
chúng tôi và đang cư ngụ tại nhà này.
Độ một tuần sau thì em Lợi của chúng tôi vào tới. Cô
Tư đã thuê một trai bạn trong làng, gánh hai cái thúng lớn, một đầu là Lợi ngồi
lọt vào trong thúng, đầu kia chất độ bốn năm trái bí đỏ lớn hái trong vườn nhà.
Một gánh vừa đưa người đi, vừa tiếp tế thực phẩm cho đám tản cư chúng tôi. Từ
hôm đó ngày nào chúng tôi cũng được ăn canh bí đỏ.
Thầy tôi, hình như ngay sau khi đưa chúng tôi đến Đồng
Thành đã lên đường đi tiếp vào Tam Kỳ, rồi Tiên Phước để lo sắp xếp ty Giáo dục
từ Hội An cũng đang tản cư lên trên ấy. Chúng tôi sống những ngày tự do, không
học hành, không bút mực, không sách vở. Mỗi buổi tối chị Ba tập họp ba đứa em
nhỏ nhất (Hiển, Minh, Lợi) ngồi quây quần trên cái phảng gỗ bên cạnh cửa sổ,
không đèn đóm gì cả, để hát với nhau. Anh chị em chúng tôi vốn có truyền thống
hát hỏng từ thời còn ở Bình Sơn, qua các biến cố cách mạng 1945 các bài hát
càng phong phú, nay trên con đường tản cư cuộc sống tạm bợ không một sinh hoạt
nào có ý nghĩa, chị Ba tôi có sáng kiến mỗi tối cả nhà ngồi lại cùng nhau ca
hát. Dù không được học nhạc, dù chỉ hát theo lối truyền khẩu, anh chị em trong
gia đình đều hát rất đúng âm điệu và cả nhịp điệu, đó là điều mà sau này lớn
lên được học âm nhạc, tôi đã nhận ra.
Chị Ba tôi có giọng hát trong trẻo, thường là người
“lĩnh xướng” cho cả nhóm, nghĩa là chọn bài và xướng lên câu đầu tiên, thế là cả
bọn chúng tôi hát theo. Những bài “cổ điển” hát trước 1945 thì có Xuân Về của
Hoàng Quý (Đời ta bao tươi vui như hoa hồng
thắm…), Bạch Đằng Giang của Lưu Hữu Phước, Tiếng Đàn Tôi của Lê Thương, Tiếng
Chim Gọi Đàn của Hoàng Quý…; và “hiện đại” hơn thì có Chiến Sĩ Vô Danh của Phạm
Duy, Gò Đống Đa, Chiến Sĩ Việt Nam, Không Quân, Hải Quân Việt Nam của Văn Cao
v.v… Đó là sinh hoạt có tính cách giải trí của gia đình tôi trên bước đường tản
cư.
Nhưng trong khi say sưa hát như vậy mỗi tối, chúng
tôi không ai ngờ có một thính giả đứng ngoài hiên… nghe trộm. Người ấy đứng sát
tường gần cửa sổ, trong bóng tối, các ca sĩ không ai phát giác ra, cho đến một
hôm anh ấy làm quen với chúng tôi vào ban ngày. Đó là một thanh niên khôi ngô,
hình ảnh của một hướng đạo sinh gương mẫu của thời đó, tên là anh Được, Lương Mậu
Được, cũng là dân tản cư từ huyện Duy Xuyên qua đây. Anh Được có tài vẽ, tôi và
anh Hiển rất hâm mộ. Với một quyển vở giấy trắng và cây bút chì, anh vẽ cái cổng
nhà bác Khâm và lối đi cong cong vào sân rất thơ mộng. Tôi kể với anh rằng cách
đây mấy tháng tôi và anh Hiển có đi xem buổi văn nghệ của một đoàn tuyên truyền
xung phong tại đình làng Đông Bàn thì anh Được nhìn tôi chăm chú và nói : “Đoàn
của anh đó, anh cùng mấy anh bạn Hướng đạo lập ra đoàn chỉ bốn năm người, và đi
tuyên truyền nhiều nơi. Hôm ở đình Đông Bàn hai em ngồi ngay gần sát sân khấu
phải không, hèn gì anh thấy quen quen !” Nhớ lại buổi đó, các anh luân phiên
nhau kêu gọi tinh thần chống Pháp của đồng bào, xen kẽ với những bài hát đồng
ca mạnh mẽ, kể cả bài Hướng Đạo Việt Nam. Nhiều năm sau có dịp gặp lại anh
Lương Mậu Được lúc đó đã đổi tên là Lương Minh Đức, nhắc lại buổi “tuyên truyền
xung phong” đó, anh nói : “Hồi ấy chưa có bài hát kháng chiến nào cả, bọn anh
chỉ hát toàn bài hát hướng đạo.”
Làng Đồng Thành chỉ là trạm đầu tiên của cuộc tản
cư, chỉ hơn một tháng sau chúng tôi lại lên đường đi vào Tam Kỳ, dưới sự hướng
dẫn của anh Bốn (Phạm Phú Hòa). Chuyến đi này có cả gia đình của chú Trợ Thông
(Phạm Phú Thông) cùng đi, có Dương và Bá là con của chú cùng một lứa tuổi với
anh Hiển và tôi. Cũng theo hướng nam, trên con đường xe lửa đã bị phá hoại,
đoàn người lại “đi miên man trên đường gian nan”. Buổi chiều thì tới ga Quán Rường,
chúng tôi ghé vào một cái quán để ăn uống, tôi nhớ tôi được ăn một chén chè đậu
đen. Khi rời quán tôi nhớ chú Trợ Thông ứng khẩu hát lên :
Tới
Quán Rường, ăn cháo đường, ta xứng danh là người tản cư
(chú nhại bài hát khá phổ biến lúc bấy giờ :
Tiến
lên đường, tới sa trường, ta xứng danh là cảm tử quân…
khiến cả nhóm cười ồ vui vẻ).
Đi mãi đến tối mịt, cả đoàn đã rời đường sắt đi vào
đường nhựa lúc nào tôi không hay, bỗng anh Bốn tôi để nghị cả đoàn dừng lại ngồi
nghỉ ngay bên đường. Chị Ba tôi hỏi : “Gần tới chưa em?”, anh Bốn cười cười :
“Còn độ vài cây số nữa !” Tôi nghe tiếng chị Ba tôi và vài người khác thở dài,
vì ai nấy đều mệt đuối sức rồi. Bỗng anh Bốn tôi đứng dậy cười lớn : “Giỡn chơi
thôi. Tới rồi, mọi người đi vào cổng này.” Vừa nói anh Bốn đi vào một cái cổng
khá rộng ngay chỗ cả đoàn đang ngồi nghỉ. Cả đoàn ồ lên mừng rỡ, theo anh Bốn
tôi đi vào cái cổng ấy.
Chúng tôi đi vào nhà của cô Trợ Lâm, người bạn đời
thứ hai của thầy tôi. Đó là một cái villa kiểu tây khá lớn, nằm trong một khu
vườn rộng bảy mẫu, ven quốc lộ 1 đoạn chạy qua thị xã Tam Kỳ. Từ nay cho đến
nhiều năm về sau đây là một cái trạm dừng chân của chúng tôi trên bước đường tản
cư –từ Tiên Phước xuống, hoặc từ Quảng Ngãi ra. Và cả sau 1954, hết chiến tranh
Việt Pháp, đó vẫn là nhà của “cô Lâm” vợ sau của thầy tôi.
Thời gian này, 1947, thầy tôi thường ở Tiên Phước,
vì chính quyền cách mạng của Quảng Nam cùng các ty sở đã từ Hội An chuyển lên
Tiên Phước, một huyện miền núi cách Tam Kỳ khoảng 25 cây số về phía tây. Khi
các sắp xếp tại Tiên Phước đã ổn định, chúng tôi gồm chị Ba, anh Hiệp, Hiển,
Minh, Lợi lên Tiên Phước ở với thầy chúng tôi tại Ty Giáo Dục mà thầy tôi là
Trưởng Ty. Anh Hòa thì tiếp tục theo học trường Phan Châu Trinh tại Cẩm Khê. Tất
cả cơ quan của chính quyền tỉnh, từ Ủy ban Hành chánh Kháng chiến tỉnh (do bác
Hà Mão làm chủ tịch) đến các ty sở của tỉnh đều đóng rải rác tại nhà đồng bào.
Nhà cửa dân chúng của huyện miền núi này khá thưa thớt, không đông đúc giống
vùng đồng bằng đất đai màu mỡ như quê Điện Bàn chúng tôi. Ty Giáo Dục của thầy
tôi đóng trong một ngôi nhà khá rộng lợp tranh vách đất ngay dưới chân một trái
núi thấp, ông Trưởng ty và gia đình sống ngay tại đó, các nhân viên của ty thì
trọ tại các nhà khác trong xóm, hàng ngày giờ hành chánh thì tới ty làm việc.
“Bureau làm việc” của thầy tôi là một cái phảng gỗ có trải chiếu, đó vừa là chỗ
làm việc ban ngày và chỗ ngủ của thầy tôi về ban đêm. Tôi nhớ hình ảnh của thầy
tôi khi ngồi làm việc trên cái phảng gỗ ấy : ngồi xếp bằng bên cạnh một chồng hồ
sơ, ông đọc giấy tờ, viết lách, ký văn thư đều trong tư thế ngồi như vậy với hồ
sơ giấy tờ để trên mặt phảng. Nhiều người rất phục thầy tôi trong tư thế làm việc
ấy; ai cũng nói ngồi như thế thì họ không thể nào viết lách gì được.
Tôi đi học tại một lớp học tại một xóm trong vùng.
Không thể gọi là trường vì chỉ có một lớp của cái xã mà chúng tôi đang ở, với một
thầy giáo tên là thầy Qua. Thầy và cô Qua ở trong một ngôi nhà ngói nhỏ rất
xinh xắn, tôi rất thường đến nhà thầy để mượn sách Truyền Bá về đọc. Tôi nhớ
cho đến bây giờ cuốn Ngọn Cờ Lau (không chắc tác giả có phải là Tô Hoài không)
là cuốn mà tôi say mê nhất, mô tả thời Đinh Bộ Lĩnh còn bé đi chăn trâu, chia
phe đánh nhau với các bọn trẻ chăn trâu thuộc ba “thung” là Thung Lau, Thung
Lũng và Thung Lụi. Sau thời gian học với thầy giáo Qua, tôi không bao giờ thấy
lại bất cứ ở đâu cuốn Ngọn Cờ Lau huyền thoại ấy.
Anh Chu và anh Hiển tôi thì học lớp nhất tại trường
huyện Tiên Phước, cách chỗ ty của thầy tôi độ vài ba cây số. Đến mùa hè năm
1948 có kỳ thi tiểu học đầu tiên của chính quyền kháng chiến. Anh Chu và anh Hiển
cùng dự thí tại trường tiểu học của huyện Tiên Phước. Thực ra anh Chu đã học lớp
nhất tại trường Phong Thử trước khi đi tản cư, nhưng năm 1947 vì thời cuộc nên
chưa thi bằng tiểu học, sang năm 1948 mới thi một lần với em của mình. Kết quả
là anh Hiển đậu thứ tư, còn anh Hiệp thì đậu thứ bốn mươi mấy.
Sau kỳ thi này và có bằng tiểu học, anh Hiệp vào Quảng
Ngãi để theo học trường trung học Lê Khiết với sự bảo trợ của anh Trần Hoàng là
anh rể của chúng tôi. Còn anh Hiển thì học trường Trần Dư tại Tam Kỳ. Phần tôi,
cũng có trường mới, đó là “trường dành cho con em công chức” là một lớp học hỗn
hợp nhiều trình độ do một cô giáo tên là Nguyễn Thị Như Đợi phụ trách, và tôi học
lớp nhì với cô. Học sinh “trường” này là con em nhân viên các ty sở của tỉnh Quảng
Nam chuyển từ Hội An lên vùng Tiên Phước này.
Cũng thời gian này ty Giáo dục của thầy tôi cũng dời
chỗ, qua một xóm khác, với một ngôi nhà rộng rãi khang trang hơn. Tại ngôi nhà
này, có mấy biến cố xảy ra.
- Một hôm có một ông đứng tuổi, mặc áo dài, tay cầm
cây quạt giấy đến gặp thầy tôi. Trong hoàn cảnh tản cư, một người ăn mặc như thế
là một hình ảnh hiếm có. Ông đến gặp và nói chuyện với thầy tôi khá lâu, rồi từ
giã ra về.
Tối hôm đó khi nhân viên của ty đã về hết, thầy tôi
gọi chị Ba tôi ra, cho biết ông khách hồi sáng đến gặp thầy tôi là để “hỏi vợ
cho con”, cụ thể để hỏi chị Ba cho con trai ông ấy. Sau khi cho chị Ba biết qua
về gia thế ông khách là một nhà giàu có ở Cây Trâm (còn gọi là Diêm Phổ, cách
Tam Kỳ 15 cây số về phía nam) và con trai ông ấy, tên là Phạm Quang Vạng, là một
thanh niên vừa đậu Tú tài Pháp vài năm trước, thầy tôi hỏi chị Ba : con có bằng
lòng không ? Tôi còn nhớ rõ nguyên văn câu trả lời của chị Ba : “Cha mẹ đặt đâu
con ngồi đó”.
Và hôm đó thầy tôi đã quyết định “đặt” chị Ba làm vợ
anh Vạng.
*
Anh Bốn tôi, Phạm Phú Hòa, thời gian này vẫn đang học
trung học tại Cẩm Khê, thỉnh thoàng vẫn về Tiên Phước “thăm nhà” vài hôm rồi lại
xuống Cẩm Khê đi học.
Một buổi tối tôi đã ngủ thì chợt thức giấc vì nghe
tiếng khóc lớn của chị Ba tôi. Tôi tỉnh hẳn, ngồi dậy thì thấy thầy tôi đã mặc
áo quần chỉnh tề, đang đứng trước cửa với một người ăn mặc quân phục tay xách một
cây đèn dầu. Tôi chạy ra thì thầy tôi nói nhỏ với tôi : “Anh Bốn bị tàu bay bắn
chết ở Cẩm Khê rồi, thầy phải đi với anh này xuống Cẩm Khê bây giờ”. Sau đó thì
thầy tôi đi với người lính cầm đèn soi đường. Chị Ba tôi vẫn vật vã khóc than
trong giường của chị.
Thời điểm này Pháp có chủ trương dùng máy bay oanh tạc
các trường học của Việt Minh. Vừa có tin trường Lê Khiết tại Quảng Ngãi bị thả
bom và bắn phá, thầy tôi đang lo lắng chờ tin anh Hiệp từ Lê Khiết, thì tối nay
được tin anh Hòa. Chiều hôm đó anh Hòa đang nằm ở nhà trọ gần trường Phan Chu
Trinh thì máy bay tới bắn trường và những nhà quanh trường. Anh Hòa đang nằm
trên một cái phảng trong nhà trọ thì bị đạn vào đùi. Người ta băng bó qua loa rồi
đặt anh lên chiếc võng để đưa đi nhà thương Cây Sanh, cách đó khoảng mươi cây số.
Hai người khiêng đi và một số bạn học của anh đi theo. Trên đường anh Hòa nói rất
nhiều, có khi dùng tiếng Pháp và tiếng Anh. Nhưng có lẽ vì băng bó không kỹ,
máu vẫn chảy rỉ rả mà không ai hay biết, anh Hòa yếu dần dần rồi tắt thở khi
cáng đi ngang một trảng sim. Tảng sáng hôm sau thầy tôi và người bảo vệ tới
nơi, quyết định chôn anh ngay giữa trảng sim ấy. Sau này tôi mới biết người bảo
vệ đó là do bác Hà Mão cử đi với thầy tôi. Ngay buổi tối ngày anh Hòa mất, bác
Hà Mão nhận được điện thoại báo tin có lẽ từ chính quyền Cẩm Khê, nên phái người
cùng đi với thầy tôi. Đường giây điện thoại hồi đó chỉ được thiết lập giữa Ủy
ban Hành chánh tỉnh với một số chính quyền địa phương.
Mấy năm sau tôi có dịp đi với chị Ba tôi từ Tiên Phước
xuống Tam Kỳ, có ghé lại trảng sim ấy để thăm mộ anh Hòa. Gặp mùa sim đang
chín, chị Ba hái một túm sim đem lại mộ cúng anh. Hồi đó tôi ngạc nhiên trước cử
chỉ như vậy (vì tôi hái được trái nào thì ăn ngay trái ấy), nhưng những năm về
sau lớn lên nhớ lại, tôi thấy cái tình của chị Ba đối người em xấu số như vậy
là rất đẹp, nhất là trong bước đường tản cư gian khổ. Tôi cũng còn nhớ trong lần
thăm mộ anh Bốn tôi lần ấy, tôi thấy mộ có dựng một tấm bia nhỏ bằng đá khắc
tên Phạm Phú Hòa, và đặc biệt bên dưới có hai câu thơ, giờ này tôi chỉ còn nhớ
một câu : “Mười tám xuân xanh một bầu hy
vọng”. Tôi hiểu bia ấy do thầy tôi thuê làm khi chôn anh Hòa tại đây.
Mấy ngày sau thầy tôi về lại Tiên Phước thì đúng lúc
anh Hiệp cũng từ Quảng Ngãi vừa về. Trường Lê Khiết nơi anh đang theo học bị
máy bay oanh tạc nặng nề, phải tạm thời đóng cửa, sẵn dịp ấy anh về thăm nhà.
Anh kể chuyện trường Lê Khiết bị phá hủy tan hoang, và một trái bom trúng ngay
hầm trú ẩn có cô giáo Cúc Hoa và 18 học sinh, tất cả đều chết không toàn thây.
*
Thầy tôi không giữ chức vụ Trưởng ty Tiểu học Quảng
Nam lâu, chỉ từ năm 1947 đến 1950 là thầy tôi được thuyên chuyển đi Bình Định để
giữ chức vụ Phó Giám Đốc Trung Tiểu Học Vụ Miền Nam Trung Bộ. Tôi nhớ vào mùa
hè năm 1950 có một cuộc tập họp lớn của giáo viên các trường tiểu học trong
vùng kháng chiến của tỉnh Quảng Nam để tiễn đưa thầy tôi. Địa điểm là Khánh Thọ,
nằm trên con đường tỉnh lộ nối liền Tam Kỳ và Tiên Phước. Trong đám giáo viên
đông đảo ấy, tôi có gặp cậu Mười (Lê Văn Bình) của tôi, lúc bấy giờ là giáo
viên trường tiểu học Trung Phước thuộc huyện Quế Sơn. Cậu là em ruột và là em
út của mẹ tôi. Cậu có cho tôi biết là cuối mùa hè năm ấy (1950), tôi sẽ đi
Trung Phước ở với cậu để đi học. Sau này tôi mới hiểu đó là kế hoạch cậu đã bàn
với thầy tôi để tôi có chỗ ăn học khi thầy tôi đột ngột được chuyển vào làm việc
tại Bình Định, nơi chỉ huy đầu não của Liên Khu Năm gồm các tỉnh Nam, Ngãi,
Bình, Phú. Chỉ có Lợi là con út đi theo thầy tôi vào Bình Định, anh Hiệp vẫn tiếp
tục học Lê Khiết tại Quảng Ngãi với sự bảo trợ của anh Hoàng – chị Cả, anh Hiển
vẫn học ở Tam Kỳ, còn tôi phải đi mãi về vùng cận sơn phía bắc của tỉnh Quảng
Nam.
Cuối cùng rồi tôi cũng đến Trung Phước thật, vào cuối
hè 1950, tôi đi với anh Chu tôi và anh Tạ Hồng Nguyện, em ruột anh Tạ Ký. Chuyến
đi và một năm ở Trung Phước khá phong phú, tôi có ghi lại trong một đoạn hồi ký
khác. Tôi chỉ muốn nhắc đến việc, dù tôi đang ở gần như là cực bắc của liên khu
5, nhưng trong năm ấy tôi vẫn liên lạc thư từ được với thầy tôi và Lợi đang ở
Bình Định, dù hồi đó không có cái gọi là bưu điện. Cậu Mười tôi thỉnh thoảng vẫn
bảo tôi : “Con muốn viết thư cho thầy con không, viết đi, cậu gửi cho.” Thì ra
hồi đó cậu có thể dùng hệ thống công văn trong ngành Giáo dục để liên lạc với
thầy tôi tuốt ở Bồng Sơn. Tôi nhớ tôi có viết cho Lợi một bức thư, trong đó tôi
khoe thành tích mới của tôi : “Từ ngày ra ở Trung Phước, anh đã học và đã biết
đàn, biết bơi rồi”.
Sau một năm học lớp 4, tương đương với lớp nhất của
bậc tiểu học, tôi lại được anh Chu ra Trung Phước đón vào phía nam vào mùa hè
1951. Lần này thì tôi vào thẳng nhà của anh Hoàng-chị Cả để chuẩn bị vào lớp 5,
lớp đầu tiên của bậc trung học tại một trường trong huyện Bình Sơn. Trong thời
gian này có một lần tôi được gặp thầy tôi nhân ông từ Bồng Sơn ra Tam Kỳ để
thăm cô Lâm, trong chuyến đi vào Bình Định trở lại, ông ghé nhà anh Hoàng nghỉ
ngơi mấy bữa. Tôi nhớ ông có đưa cho anh Hoàng và chị Cả xem một cây bút máy mới
hình như là hiệu Kaolo là hàng ngoại hóa mà ông mới mua tại Tam Kỳ. Đến khi tôi
cầm xem cây bút đó thì tôi thích quá, buộc miệng : “Thầy cho con cây viết này
nghe thầy.” Ông cười : “Con thích thì thầy cho con”. Nhưng chị Cả tôi phản đối
liền : “Em còn nhỏ mà dùng bút máy làm gì.” Rồi ghé tai tôi nói nhỏ : “Để cho
thầy đem vào Bình Định bán, có tiền lắm.” Thời gian đó, ngành buôn lậu rất thịnh
hành khắp liên khu 5 : người ta mua những thứ hàng “ngoại hóa” từ những nơi Tây
chiếm đóng như Đà Nẵng, Hội An : vải vóc, đá lửa (cho hộp quẹt), thuốc tây, giấy,
bút, mực v.v… mang vào bán ở vùng “tự do” như Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Bình Định. Có
một câu ca dao rất thời sự phổ biến khắp khu 5 thời đó :
Đầu phồng đá lửa
Có chửa kaki
Có thai Tam Kỳ
Vô Bồng Sơn đẻ
(Đầu phồng là kiểu tóc thời trang của phụ
nữ liên khu 5 thời đó. Người đi buôn lậu nhét một túi đựng đầy đá lửa vào chỗ
tóc phồng đó. Vải kaki thì nhét vào bụng giả có chửa, đi từ Tam Kỳ vào đến Bồng
Sơn thì “đẻ”, nghĩa là lấy ra khỏi bụng để đem bán. Thời đó trên đường quốc lộ
1 của các tỉnh khu 5 có rất nhiều trạm công an để xét đồ lậu).
“Dinh tê”
(Dinh tê là từ nói trại từ chữ Pháp
“rentrer”, có nghĩa là “vào trở lại” –tức
bỏ cuộc sống tản cư, vào lại các thành phố Pháp đang chiếm đóng và chính
quyền Quốc gia của Quốc trưởng Bảo Đại đã được thành lập).
Cuối niên học này (1951-52) tôi lại rời Bình Sơn về
Tam Kỳ để chuẩn bị cho một việc lớn lao : “dinh tê” về vùng quốc gia, cụ thể là
thành phố Hội An. Vào cuối niên học anh Chu từ trường Lê Khiết vào Bồng Sơn
thăm ông già, rồi đưa Lợi cùng đi với anh ra Bình Sơn để đón tôi, rồi ba anh em
đi thẳng một mạch ra Tam Kỳ để gặp anh Hiển. Trong lòng tôi lúc ấy chỉ nơm nớp
sợ anh Hiển đã được đón đi về “bên kia” rồi, nên khi gặp anh Hiển tại Tam Kỳ
tôi mừng lắm. Bốn anh em chúng tôi đi lên Khánh Thọ, cách Tam Kỳ 15 cây số, là
nơi hẹn với người đi buôn dẫn anh Hiển và tôi về làng Đông Bàn. Buổi sáng đúng
ngày hẹn, một người đàn bà gánh một đôi bầu đến đón chúng tôi đi, anh Hiệp đưa
tôi và anh Hiển một đoạn đường dài xuyên qua hết một đồi sim mới quay trở lại.
Tâm trạng tôi lúc đó khá hồn nhiên, không hề nghĩ đây có thể là một lần vĩnh biệt.
Ba ngày sau chúng tôi về tới làng Đông Bàn, gặp cô
Tư với ngôi nhà ngói cũ kỹ mà chúng tôi đã rời đi cách đây sáu năm. Không còn
ông nội. Không còn thằng Kề, nó đã lớn cô Tư trả nó trở về với gia đình ở Cẩm
Toại. Cả Gò Nổi bây giờ đã có chính quyền quốc gia, một thứ chính quyền làng xã
yếu ớt chỉ trông cậy vào các đồn Tây đóng ở Phú Bông, Xuân Đài, Vân Ly để giữ
an ninh.
Khoảng gần hai tháng sau chúng tôi đi với cô Hường
xuống Hội An để bắt đầu một cuộc sống mới, học vấn mới từ mùa hè năm 1952. Từ
đó chúng tôi không có tin tức về thầy chúng tôi và tất cả anh chị em còn ở “chiến
khu”, cho đến năm 1954.
Hội đàm Genève về chiến tranh Việt Nam vào mùa hè
năm 1954 thu hút sự chú ý của tôi rất nhiều, vì lúc bấy giờ tôi đã trở thành một
thiếu niên đang học trung học tại thành thị, tối nào cũng nghe đài BBC để theo
dõi tin tức về cuộc hòa đàm và trận chiến Điện Biên Phủ. Rồi mọi chuyện ngã
ngũ, Việt Nam bị chia đôi, rồi chính quyền quốc gia Quảng Nam chuẩn bị tiếp thu
các vùng Việt Minh chiếm giữ trong suốt cuộc chiến : nửa tỉnh phía nam, và vùng
sơn cước. Một hôm anh Phan Thiệp, một người đang tiếp thu vùng Tam Kỳ, nói với
tôi : “Minh muốn đi Tam Kỳ thăm thầy không? Nếu muốn thì đi với anh.” Tôi mừng
quá, vội vàng nhận lời. Lúc đó tôi đang ở với gia đình anh Lê Đình Duyên (anh
Duyên đang lo tiếp thu huyện Duy Xuyên), chị Duyên là chị em cô cậu ruột của
tôi. Tôi ngỏ ý với chị về chuyện đi Tam Kỳ, chị bằng lòng, và cho tôi một ít tiền
để mua quà mang đi. Tôi nhớ tôi mua mấy ký kẹo Nougat và mấy thỏi Chocolat. Đến
ngày đi, anh Thiệp đến nhà đón tôi với chiếc Land Rover, có tài xế lái xe với một
người bảo vệ cầm súng.
Vì đường quốc lộ 1 bị phá hoại hoàn toàn trong thời
gian chiến tranh, xe phải chạy trên đường xe lửa đã hoàn toàn bị gỡ phần đường
sắt, nghĩa là chạy trên lớp đá sỏi. Gần tối tới Tam Kỳ, chúng tôi ngụ tại nhà
thờ Thiên Chúa Giáo Tam Kỳ nơi đó đang có một đơn vị quân đội quốc gia trú
đóng. Sáng hôm sau đi xe với anh Thiệp đi lên con đường tỉnh lộ nối với Tiên
Phước (con đường này tôi đã đi lại nhiều lần thời tản cư), khi tới Khánh Thọ
anh Thiệp bảo xe dừng lại, chỉ vào một con đường nhỏ phía bên trái và dặn tôi :
“Minh xuống đây, đi theo con đường nhỏ này vào xóm, hỏi thăm nhà thầy đang ở,
ai cũng biết.”
Tôi xuống xe, dấn bước trên con đường vào xóm. Bỗng
nghe một tiếng gọi sau lưng : “Anh Minh !” Tôi ngạc nhiên quay nhìn phía sau,
và nhận ra ngay người gọi, đó là Phạm Phú Tuyên người em chú bác với tôi nhưng
lớn tuổi hơn tôi. Tuyên từ năm 1945 đã là một cán bộ Việt Minh. Tuyên nói :
“Bác đang ở nhà thầy tôi trong xóm này” rồi vừa đi vừa nói chuyện với tôi. Thì
ra Tuyên đã nhìn thấy tôi bước từ trên xe xuống, và đã nghe lời anh Thiệp nói với
tôi. Tới một căn nhà tranh, Tuyên nói nhỏ với tôi : “Anh đứng ở sân, để tôi kêu
bác ra.” Một lát sau, một ông già mặc bộ đồ bà ba màu xám bước ra chăm chú nhìn
tôi rồi kêu lớn : “Thằng Minh !” Đó là thầy tôi, ông bước đến bên tôi, với hai
tay để lên vai tôi rồi kêu lớn : “Lớn quá rồi ! Lớn quá rồi ! Nhìn không ra !”
Tôi nghe câu nói đùa của Tuyên : “Cơm gạo vùng bị chiếm mà, nuôi người mau lớn
lắm.” Đùa nhưng cũng có ẩn ý chế nhạo chính trị.
Lúc đó tôi không hề nhớ là thầy tôi đáng lẽ đang ở Bồng
Sơn tỉnh Bình Định, chứ sao lại ở đây. Mãi sau tôi mới biết, sau khi tôi và anh
Hiển “dinh tê” thì ngay lập tức thầy tôi mất chức Phó Giám Đốc Trung Tiểu Học Vụ
miền Nam Trung Bộ, và phải về lại Quảng Nam đi dạy tại một trường vô danh nào
đó ở vùng quê Khánh Thọ. Ngẫm ra cái vụ mất chức ấy là một may mắn cực kỳ lớn
cho thầy tôi và cả gia đình chúng tôi. Nếu ở lại chức vụ cũ, thế nào thầy tôi
cũng bị tập kết ra Bắc, và nửa đời sau của thầy chúng tôi chắc chắn là chẳng có
ý nghĩa bằng ở lại miền Nam.
Nhân việc này, và cũng vào lúc bản thân tôi đã 85 tuổi
khi viết những dòng này, có thể kết luận một cách chắc chắn rằng thầy chúng tôi
và tất cả các con ông đều không có số… làm quan, tức là có địa vị cao trong guồng
máy cai trị của xã hội, mặc dù không thiếu học vấn và khả năng. Môi trường
thích hợp nhất là dạy học và truyền thông (tức làm báo, như tôi sau này).
Một thời gian ngắn sau chuyến đi thăm của tôi thì thầy
tôi và Lợi trở về Đông Bàn, rồi Hội An, để bắt đầu một nếp sống mới trong “chế
độ quốc gia”.
*
Tôi đang nhớ lại lần đầu tiên thầy tôi về lại nhà ở
Đông Bàn kể từ buổi chiều lên đường “đi tản cư” vào một ngày mùa xuân năm 1947.
Một ngày vào khoảng tháng Tám năm 1954, từ Hội An thầy tôi và tôi cùng về Đông
Bàn, đến nhà lúc chập choạng tối. Thời gian này hai bác Giám trai và gái đang ở
tại nhà Đông Bàn sau khi hồi cư mà nhà của hai bác tại Quảng Huế đã bị phá hoại
trong chiến tranh. Sau khi gặp cô Tư ở nhà ngang, thấy tôi lên “nhà trên” để gặp
bác Giám. Khi nhìn ra thầy tôi đứng bên cạnh bác Giám bật kêu lên : “Hưu !” rồi
òa lên khóc. Tôi thấy cảm động khi bác Giám, lúc đó đã ngoài sáu mươi, trong
trong một cơn xúc động rất lớn trong đời bác, đã thốt ra một cách gọi thầy tôi
giống như lúc hai anh em còn nhỏ còn sống với cha mẹ. Bởi vì từ khi tôi biết nhận
thức, tôi luôn luôn thấy bác Giám tôi gọi thầy tôi là “chú Đốc” các cô Hường,
cô Tư gọi thầy tôi là “cậu Đốc”, và dân làng Đông Bàn gọi thầy tôi là “ông Đốc”.
Gọi thẳng ra tên “Hưu!” là bác Giám tôi khi bất chợt gặp lại thầy tôi sau bao
nhiêu năm cách biệt vì chiến tranh không biết chết sống thể nào, thời thơ ấu
trong một khoảnh khắc tràn ngập thần trí bác Giám tôi, và buộc bác phải gọi thầy
tôi đúng như đã gọi từ thời xa lắc xa lơ khi còn nhỏ.
Sau khi gọi tên thầy tôi như thế, bác bắt đầu khóc
hu hu như một đứa trẻ. Có lẽ trong khoảnh khắc đó bác đột ngột quay về cả một
quá khứ dài của cuộc đời, trong đó có việc bác giao phó anh Phạm Phú Kỳ con
trai duy nhất của bác cho thầy tôi nuôi nấng và dạy dỗ để đến năm 1947 anh Kỳ
đã thành một thanh niên đầy chí khí coi cả một kỳ bộ (Trung Bộ) của Việt Nam Quốc
Dân Đảng và đã bị phe cộng sản thủ tiêu tại Quảng Huế, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng
Nam.
Buổi chiều tối hôm đó tôi đã chứng kiến cảnh hội ngộ
của hai anh em ruột gặp lại nhau sau mười năm dài của cuộc chiến, với bao cảnh
tang thương. Tôi hiểu nhưng không thể sống thực nỗi đau đớn của bác Giám tôi lẫn
của thầy tôi, vì tôi biết thầy tôi thương anh Kỳ còn hơn con ruột, coi anh như
một tác phẩm tuyệt vời qua sự nuôi dạy của chính mình, như lời tâm sự của thầy
tôi với tôi về sau này.
Anh
Phạm Phú Kỳ
Tôi muốn tạm ngưng các dòng ký ức về cuộc sống tại
Đông Bàn khi cả gia đình đã quy tụ về đây sống với ông nội và cô Tư vào năm
1945. Tạm ngưng để nói về một nhân vật đặc biệt là anh Phạm Phú Kỳ, một người
anh họ của chúng tôi.
Ông nội của tôi có sáu người con, ba trai và ba gái.
Người con trai đầu là bác Giám Kiều, tức là Phạm Phú Kiều, bác có đông con
nhưng chỉ có một người con trai là anh Phạm Phú Kỳ, khi nhỏ tôi gọi anh là anh
Tám, người lớn thì gọi là Tám Kỳ, chắc anh là con thứ tám của bác Giám tôi. Gia
đình bác Giám tôi ở ngay gần chợ Quảng Huế, huyện Đại Lộc, nơi bác mở cửa hiệu
làm ăn buôn bán.
Tôi không biết đích xác anh Kỳ sinh năm nào, nhưng
có thể phỏng đoán là vào khoảng 1920. Đó cũng là năm thầy (cha) tôi đậu bằng
diplôme và bắt đầu vào nghề giáo. Theo thầy tôi kể thì cả cuộc đời đi học của
anh Kỳ là do thầy tôi lo hết : từ lúc bắt đầu đi học tiểu học là đã ở với thầy
mợ tôi, cho đến hết bậc tiểu học, có lẽ vào những năm đầu của thập niên 1930.
Sau đó anh học Trung học, có lẽ tại Huế, sau khi tốt nghiệp Trung học đệ nhất cấp
với mảnh bằng “Diplôme” như cách nói thời đó, anh bắt đầu đi làm –có lẽ làm
công chức bậc trung cho guồng máy cai trị của Pháp. Theo cách kể chuyện của thầy
tôi, thì tôi hiểu thầy tôi thương anh Kỳ lắm, xem anh như một tác phẩm hoàn hảo
nhất mà chính thầy tôi đã đào tạo được trong đời mình : thông minh, lý tưởng, đầy
chí khí.
Nhưng đó chỉ là cách tôi (sinh năm 1938, nhỏ hơn anh
Kỳ gần hai thập niên) sắp xếp thời gian cho đời anh Kỳ thôi, những gì tôi biết
cụ thể về anh chỉ dần dần hiện ra từ nửa sau thập niên 1940. Tôi nhớ thời kỳ đó
thầy tôi vẫn còn làm hiệu trưởng trường Tiểu học Bình Sơn, Quảng Ngãi, thỉnh
thoảng anh Kỳ ghé về thăm là một dịp vui mừng rộn rã của anh chị em tôi. Tôi nhớ
người anh dong dỏng cao, nước da trắng, anh dạy cho anh chị em tôi rất nhiều
bài hát Hướng đạo nặng tình yêu nước, chẳng hạn :
Hùng
khí ngàn năm không bao giờ tàn
Thân
nam nhi chí khí
Hùng
khí ngàn năm không bao giờ tàn
Thân
nam nhi bền ghi
………..
Rồi cách mạng tháng Tám xảy ra, làng tôi như bừng
lên với một sức sống mới. Những người dân quê nghèo hèn và dốt nát từ bao đời bỗng
như ý thức mình là chủ của làng này, họ tham dự mít tinh, họ hoan hô đả đảo, gặp
nhau trên đường làng họ giơ nắm tay ngang mang tai để chào nhau, họ tổ chức
canh gác ban đêm và bắn tiếng đến những “nhà ngói” là cũng có bổn phận canh gác
như họ… Đó là không khí cách mạng do đảng cộng sản mang lại.
Sau này lớn lên tôi mới biết tổ chức Việt Nam Quốc
Dân Đảng rất mạnh tại Quảng Nam trong cùng thời kỳ đó. Rất đông những người có
học thức là đảng viên Quốc Dân Đảng, ngay anh Bốn của tôi tuổi 15, 16 đang học ở
Hội An cũng biết vẽ cờ Quốc Dân Đảng trong tập bài hát của anh. Riêng tôi mới bảy
tám tuổi đi học trường làng chưa có ý thức gì về sự chia rẽ đảng phái trong
làng tôi, chỉ biết một dạo đám bạn học của tôi mỗi lần đi học về ngang nhà tôi
đều cùng nhau hô : Đê đê Cu Dê Đê ! (nói tắt chữ đầu của Đả đảo Quốc Dân Đảng).
Dĩ nhiên tụi nó cũng chẳng biết ý nghĩa của việc tụi nó làm, mà chỉ hô theo
cách chỉ dẫn của cán bộ Việt Minh thôi. Nhưng tôi cũng cảm nhận được có sự căng
thẳng giữa “nhà tranh” và “nhà ngói” trong làng.
Một buổi tối chắc là do sự yêu cầu của thầy tôi, người
ta tổ chức một cuộc nói chuyện của thầy tôi với dân làng tại điếm canh của xóm
tôi. Tôi chạy ra coi thì thấy điếm canh thắp nhiều đèn sáng, thầy tôi ngồi xếp
bằng trên một tấm phảng ở gian giữa, dân làng bu quanh điếm canh rất đông để
nghe. Tôi đứng ngoài đường nhìn vào thấy thầy tôi đang nói chuyện nhưng không
nghe rõ lời, chỉ thấy thầy tôi rất ung dung hết xoay qua phải lại xoay qua trái
để nói chuyện với mọi người đang im phăng phắc lắng nghe. Sau này lớn lên tôi
không bao giờ hỏi thầy tôi đã nói những gì trong đêm ấy, nhưng tôi đoán thầy
tôi đã nói về nhiệm vụ của ông về giáo dục trong cuộc kháng chiến khó tránh được
với Pháp sắp tới.
Vào một buổi tối có trăng mùa hè năm 1946, trong lúc
bọn trẻ con chúng tôi đang chơi đùa ngoài sân thì thấy có một người ăn mặc hơi
rách rưới, vai đeo một cái túi vải từ ngoài ngõ bước vào. Xúm lại nhìn, cả bọn
tôi la lên vui mừng : “Anh Tám ! Anh Tám !” Cô Tư tôi từ trong nhà vụt chạy ra
bịt miệng chúng tôi : “Không được la ! Không được la !” rồi dắt anh Tám Kỳ vào
nhà. Thì ra anh Tám là yếu nhân của Việt Nam Quốc Dân Đảng (lúc đó anh là người
đứng đầu của Trung Kỳ Bộ của đảng) đã bị chính quyền Việt Minh bắt mấy tháng
nay không biết giam giữ ở đâu, nay mới được thả về, và anh về thẳng Đông Bàn.
Nhưng không ai ngờ chỉ hơn nửa năm sau, anh Kỳ đã bị
Việt Minh thủ tiêu. Sau hiệp định Genève 1954 Việt Nam chia làm hai miền Nam Bắc
với hai chế độ chính trị khác nhau, chúng tôi lại về thăm làng cũ Đông Bàn. Tôi
đã gặp bác Giám Kiều tại đây, và nghe bác kể : “Từ cuối năm 1946 anh Kỳ của con
về ở với bác tại nhà ở Quảng Huế, với gia đình riêng của anh gồm vợ và con trai
mới sinh. Vào đầu năm 1947, một buổi tối có hai cán bộ Việt Minh đến nhà mời
anh Kỳ đi họp. Bác lo lắm, nhưng thời đó cũng hay có việc họp hành luôn luôn.
Anh Kỳ cùng ra đi với hai người kia. Khoảng hai mươi phút sau, bác nghe tiếng
anh Kỳ la lớn vọng qua đêm tối : “Cậu ơi ! Cậu ơi !” (anh Kỳ gọi cha mẹ là cậu
mợ). Sau đó là bặt luôn, không bao giờ nghe lại tiếng anh, không bao giờ gặp lại
anh.” Nghĩa là anh Kỳ đã bị Việt Minh giết ngay trong đêm đó, tại một nơi không
xa nhà của bác tôi. Tiếng la của anh không phải là một tiếng kêu cứu, mà là một
tiếng báo cho cha biết là mình đang bị giết.
Hai tiếng “Cậu ơi !” của anh Kỳ kêu cha trong giây
phút cuối cùng của đời mình ám ảnh tôi suốt đời. Lúc đầu đó là tiếng kêu thảm
thiết của một người con báo cho cha mình biết là người ta đang giết mình, rồi
theo năm tháng nó dần dần biến thành một loại tiếng kêu của người quốc gia trước
sự tàn sát của người cộng sản.
Kể từ khi người Pháp hoàn tất công cuộc đô hộ của họ
tại Việt Nam vào hậu bán thế kỷ 19, các phong
trào chống đối Pháp của người Việt Nam yêu nước nổi lên liên tục trên khắp
mọi miền, từ các cuộc khởi nghĩa võ trang đến các vận động tinh thần như phong
trào Đông du, và các nhân vật cách mạng như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh… cho
đến cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Đảng vào cuối thập niên 1920. Một đặc
điểm của các phong trào này là không bao giờ chống đối nhau, nếu không nói là
ngầm yểm trợ cho nhau.
Nhưng khi phong trào cộng sản quốc tế bắt đầu chính
thức hoạt động tại Việt Nam thì tình hình đổi khác. Tổ chức này có nguồn gốc
không phải là Việt Nam, mà là một tổ chức quốc tế, đầu não nằm tại nước Nga. Cộng
Sản quốc tế với tư tưởng duy vật, có một đường lối hoạt động riêng chống lại chủ
nghĩa tư bản mà họ cho là nguồn gốc của sự bóc lột con người, và qua đó ủng hộ
công cuộc giải phóng các nước thuộc địa do các nước tư bản lớn chiếm cứ. Xuất
hiện tại Việt Nam từ thập niên 1930, đảng cộng sản có cách hoạt động rất mạnh mẽ
vừa nhằm giải phóng giai cấp công nhân và dân nghèo bị bóc lột nói chung, vừa
chống thực dân Pháp là nước đang đô hộ Việt Nam. Khác với các đảng phái quốc
gia (không cộng sản) trước đó, đảng Cộng sản Việt Nam tự cho mình là lực lượng
cách mạng chính yếu tại Việt Nam, có vai
trò lãnh đạo duy nhất cho công cuộc giải phóng Việt Nam. Khẳng định điều đó,
người cộng sản một mặt tuyên truyền thu hút nhân sự của các đảng phái quốc gia,
một mặt ra sức khủng bố tiêu diệt các đảng phái này. Từ đó gây ra sự thù hận giữa
các đảng phải quốc gia và cộng sản, dù là cùng một mục tiêu trước mắt là đuổi
người Pháp để giành độc lập cho Việt Nam, nhưng lại tiêu diệt lẫn nhau trong một
đấu trường có tên mới là trận chiến quốc cộng.
*
Sau đình chiến 1954, thầy tôi lại tiếp tục nghề dạy
học tại Hội An. Cuộc đình chiến và chia đôi đất nước đã bày ra một thời cuộc mới
cho cả hai vùng Nam Bắc. Phía Bắc, phe cộng sản bắt đầu quản lý các thành phố lớn
vốn vẫn thuộc phe quốc gia và Pháp. Phía Nam phe quốc gia thu hồi những lãnh thổ
thuộc quyền của Việt Minh trong cuộc kháng Pháp : phía Nam của tình Quảng Nam,
và các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên v.v… Tại Quảng Nam, sau đình chiến số
học sinh của các vùng Việt Minh kiểm soát trước kia đổ dồn về các thành phố Hội
An, Đà Nẵng để tiếp tục việc học rất đông, các trường công lập không đủ chỗ,
hàng loạt trường tư được thành lập để đáp ứng với nhu cầu rất lớn về việc học
hành của con em trong tỉnh. Tại Hội An có trường trung học tư thục Diên Hồng
thành lập đáp ứng đúng nhu cầu học vấn của đông đảo học sinh vào thời điểm ấy.
Hiệu trưởng của trường Diên Hồng là thầy Nguyễn Đình Thống, thầy tôi tham gia dạy
môn Việt Văn và Sử cùng với các thầy giỏi khác như Phan Khôi, Phan Thiệp, Phan
Biển, Nguyễn Ánh Anh, Trương Duy Hy… Chỉ năm đầu khi trường Diên Hồng có tới lớp
Đệ Tứ, kỳ thi Trung học Đệ Nhất Cấp cuối năm học 1957-1958, tại trung tâm Đà Nẵng,
học sinh trường tư thục Diên Hồng đã chiếm một dọc từ Thủ Khoa đến người đậu thứ
5, qua mặt các trường công lập lớn Phan Châu Trinh ở Đà Nẵng và Trần Quý Cáp ở
Hội An.
Niên khóa đầu tiên thầy tôi dạy ở trường Diên Hồng
là 1956-57, lúc bấy giờ trường mới có đến lớp Đệ Ngũ. Niên khóa đó, vì tôi đã bị
đuổi khỏi trường Trần Quý Cáp từ giữa năm 1956, nên tôi tự học chương trình lớp
Đệ Tứ ở nhà để đi thi Trung học vào cuối năm (vụ bị đuổi học tôi sẽ viết trong
một chương khác). Thầy tôi, tôi và Lợi đều trọ trong nhà của anh Ba Râu (Phạm
Phú Kiệu), một căn nhà nhỏ xíu đối diện với giếng Bá Lễ, một cái giếng nổi tiếng
là nước tốt nhất Hội An. Nhà đã nhỏ lại thêm một thiếu niên giúp việc tên Ẩn từ
Đông Bàn xuống để lo việc chợ búa bếp núc cho chúng tôi. Thế mà một năm trôi
qua rất êm đềm, tôi tự học mọi môn, trừ Pháp văn học với thầy tôi, cuối năm đi
thi tại trung tâm Đà Nẵng cũng đậu được thứ 7 với hạng Bình Thứ. Niên khóa kế
1957-58, tôi mang mảnh bằng ấy đến ghi danh vào lớp Đệ Tam C trường Petrus Ký ở
Sài Gòn, được nhận ngay.
Khi tôi rời khỏi Hội An đi Sài Gòn thì vào niên học
kế tiếp, thầy tôi và Lợi cũng rời nhà anh Ba Râu để đến trú ngụ ngay một phòng
trên lầu của trường Diên Hồng.
Cơ sở của trường là một cái chùa Tàu lớn thờ những
nhân vật có vẻ huyền thoại của người Tàu chứ không phải thờ Phật, ngoài ngăn giữa
nằm sâu vào bên trong có đặt bàn thờ, còn lại là bốn phòng rộng rãi có thể làm
phòng học. Thầy tôi ở trong một phòng trên lầu, rộng rãi, thoáng mát. Ông ở khá
lâu tại đây cho đến khi Lợi tốt nghiệp Sư phạm, sắp về dạy tại trường Trần Quý
Cáp và sắp cưới vợ, ông mới rời bỏ chùa Tàu để thuê nhà trong phố. Cũng bắt đầu
từ thời gian này thầy tôi ngưng việc dạy học vì tuổi đã cao, nhưng lại được bầu
làm chủ tịch Hồng Thập Tự tỉnh Quảng Nam, chuyên lo việc phân phối những vật phẩm
cứu trợ cho đồng bào nạn nhân chiến tranh và thiên tai trong tỉnh.