Chuyện trò

Ngọc Dung, người quản lý và coi sóc kỹ thuật cho Blog Nét Xuân Sơn đề nghị với tôi rằng nên post lên một số bức điện thư (email)  mà tôi đã đóng góp với nhóm bạn bè, trong đó có Dung.

Tôi nghĩ đó là một đề nghị rất hay, vì các bức thư trao đổi với nhau thường được viết ngay tức khắc nên ngắn và mang một tính chất hồn nhiên rất riêng biệt, dù là bàn luận về loại đề tài nào. Vậy mục Chuyện Trò này, bắt đầu mở ra từ ngày 8 tháng Năm 2018, sẽ đăng lại một số các điện thư ấy. Đôi khi, nếu cần, sẽ là một chuỗi thư của bạn bè bàn bạc với nhau về một đề tài nào đấy, như một công trình tập thể.

PXĐ


Tue, May 8, 2018 3:02 pm
From: Phạm Xuân Đài
    Re: Đường mía Quảng Ngãi



Tỉnh Quảng Ngãi mới là tỉnh có truyền thống trồng mía và làm đường nhiều nhất miền Trung. Các loại đường phèn, đường phổi, đường muống (đường tảng lớn, màu nâu), đường bông (trắng như bông), cùng những sản phẩm từ đường như kẹo gương, mạch nha... đều là đặc sản của Quảng Ngãi cả.

Anh sinh ra ở Quảng Ngãi, có nhiều hiểu biết và kỷ niệm "về đường" ở đất này nhiều hơn là Quảng Nam. Ký ức xa nhất của anh, khoảng năm 1942, 43, là "đường non" (nước mía nấu đến một độ sắp thành đường, được múc đổ vào từng cái tô lớn, để nguội ăn giống như mạch nha). Hồi đó ông già anh làm hiệu trưởng trường phủ Bình Sơn, Quảng Ngãi, đến mùa làm đường phụ huynh học sinh mang đường non đến biếu nhiều lắm, thường ăn với bánh tráng nướng.

Quảng Nam cũng có nghề đường, nhưng ít hơn Quảng Ngãi nhiều, và chỉ sản xuất một loại đường bát (nước mía khi nấu đã thành đường thì đổ vào các cái chén ăn cơm, khi nguội thành những tán đường có hình cái chén). 

Về phương diện ngôn ngữ, tên gọi đường bát có hơi lạ, vì Quảng Nam gọi dụng cụ để ăn cơm là cái chén chứ không gọi là bát, nhưng khi đường đổ vào chén thì lại gọi là đường bát. Trường hợp này giống như bánh da lợn ở miền Nam : miền Nam thì phải là da heo, chứ sao gọi là da lợn. Mỗi tên gọi kiểu này chắc đều bắt nguồn từ nguồn gốc người sáng chế ra sản phẩm, nhưng được xã hội chung quanh chấp nhận tên gọi do kẻ đó đặt ra.

Khi viết cho em về mạch nha hay đường non, anh đã lúng túng không dám dùng một động từ rất lạ để chỉ việc lấy mạch nha hay đường non bằng đũa.

Không phải là gắp (vì chỉ một chiếc đũa), không phải là múc (dĩ nhiên rồi), cũng không phải là khều. Động tác đó gọi là quịch. Khi cả nhà xúm quanh tô đường non, thì cách lấy đường non từ tô để ăn phải như thế nào ? Mỗi người cầm một chiếc đũa, ngoáy vào chất đường dẻo, rồi kéo lên vê tròn chiếc đũa để đường dẻo quấn vào đũa, rồi đưa thẳng vào miệng, hoặc trét đường đó vào miếng bánh tráng nướng rồi cắn ăn.

Động tác ấy gọi là quịch đường non (hay mạch nha). Cái tiếng quịch ấy, khi xa rời tô đường non hay hộp mạch nha thì không còn áp dụng ở đâu khác nữa.

Anh nghĩ đó là tiếng biến âm từ chữ quệt, để diễn tả một động tác gần giống như quệt, nhưng phức tạp hơn ở chỗ phải ngoáy chiếc đũa vào đường non để từ đó quấn chất đường dẻo vào quanh chiếc đũa.

Em có nhớ hồi nhỏ khi em cầm chiếc đũa để mua mạch nha thì người bán có dùng chữ quịch ấy không ?
Câu chuyện đường, quá ngọt ngào.

 ppm


Chiều chiều lại nhớ chiều chiều 
Nhớ nồi cơm nguội, nhớ niêu nước chè 
Nhớ hồi tượng mã, pháo xe, 
Nhớ bát nước chè, nhớ chén đường non. 
(ca dao)


Góp ý về nghề làm đường ở Quảng Nam 

Tác giả cho rằng Quảng Nam chỉ sản xuất đường bát thôi. Tôi muốn bổ túc là phần lớn những lò đường Quảng Nam sản xuất đường bát, một số nhỏ lò đường sản xuất đường muống (đường cát). Những lò đường ít vốn thì chỉ sản xuất đường bát (còn gọi là đường táng), vì đó là sản phẩm làm ra mỗi ngày, có thể bán lấy tiền liền. Còn đường muống (đường cát), mỗi đợt sản xuất phải chờ đến 2-3 tháng mới có sản phẩm tung ra thị trường, vì thời gian rút mật ra khỏi đường là một quá trình dài! Đường cát thì bán được giá cao, và được thị trường ưa chuộng. Lò đường của ông nội tôi ở Kỳ Lam hồi xưa chuyên sản xuất đường cát. Mỗi lần ghe đường của ông xuống Hội An là bán hết ngay, như tôm tươi!

Nhân tiện, xin nói thêm về cái muống, dụng cụ để làm đường cát : đó là vật dụng hình nón làm bằng đất nung, đường kính miệng khoảng 35 cm, chiều sâu khoảng 45 cm, đường kính ở đáy khoảng 12 cm, và ở đáy có một lỗ trống để mật thoát ra.

(Hà Kỳ Lam)
 




October 5, 2017 at 5:02:05 PM
From: Phạm Xuân Đài
    Re: Liên tưởng


Hôm qua trong trao đổi chúng ta có nhắc đến sự liên tưởng. Một tiếng nói, một từ ngữ, một âm thanh, một hình ảnh..., mỗi người có thể từ đó vụt nghĩ tới một cái gì khác. Đó là liên tưởng.

Tại sao lại có hiện tượng liên tưởng? Tôi nghĩ do một gợi ý tự nó có một sức mạnh để lôi kéo ý thức của chúng ta đến một cái khác. Nhờ liên tưởng đời sống tinh thần của chúng ta trở nên phong phú, có nghĩa từ một sự việc có thể nhân lên rất nhiều hình ảnh, âm thanh và sự việc khác.

Và văn chương đóng vai trò gợi liên tưởng rất nhiều. Không gợi lên được liên tưởng nào cả thì đó là một loại văn chương vô cùng nghèo nàn.

Một câu văn có sức mạnh hướng sự liên tưởng của chúng ta đến một ý tưởng hay hình ảnh nào đó, có khi tình cờ, có khi hữu ý. Câu hồn đỏ của T hôm qua là tình cờ (nhưng đủ cường độ để gây liên tưởng) nhưng Hồ Xuân Hương thì hữu ý thấy rõ. Ví dụ :

Đèo Ba Dội
Một đèo một đèo lại một đèo
Khen ai khéo vẽ cảnh cheo leo
Cửa son đỏ hoét tùm bum nóc
Hòn đá xanh rì lún phún rêu
Phưởng phất chồi thông cơn gió tốc
Đầm đìa lá liễu giọt sương gieo
Hiền nhân quân tử ai là chẳng
Mỏi gối chồn chân cũng muốn trèo

Nhưng dù vô tình hay hữu ý, không nên "kết án" sự liên tưởng của người đọc là từ một đầu óc đen tối, ngược lại nên vui mừng thấy đó là những đầu óc nhạy bén với ngôn ngữ. Văn chương có sức mạnh thế nào mới khiến người ta liên tưởng đến cái gì chứ. Hồ Xuân Hương cũng dùng màu đỏ đấy, và "hậu quả" của nó là khiến bao thế hệ người đọc của hậu thế đều liên tưởng một điều giống hệt nhau. Một cố tình thiên tài.

Không nên cho rằng đầu óc của họ đen tối hay trong sáng gì hết, chỉ nên nói đầu óc tất cả hậu duệ của Hồ Xuân Hương rất lành mạnh, vì đã bắt được tín hiệu siêu phàm của bà. 

Chúng ta hãnh diện là người Việt Nam còn giữ được tinh hoa ngôn ngữ của mình để bắt các tín hiệu đó, nếu không thì bà Chúa Thơ Nôm sẽ buồn biết mấy. Và chúng ta càng thấy mình chẳng vui vẻ gì được, khi gặp những hình ảnh đầy gợi ý mà cứ trơ trơ ra, chẳng liên tưởng được điều gì cho ra hồn !

ppm


October 4, 2017 at 8:02:52 AM
From: Phạm Xuân Đài
    Re: Nhện ơi nhện hỡi nhện chờ mối ai



TD ơi,

Đó là điều kỳ diệu mà tôi muốn đề cập đến. Trong tranh chỉ có một người đàn ông đứng bên bờ ao, về ban đêm. Nhưng nhìn nó thì tất cả bài ca dao ấy, với tất cả các hình ảnh mà nó nói tới, hiện ra đầy đủ trong tâm hồn của một cậu bé cách đây hơn bảy mươi năm.

Phải công nhận bài ấy đã gây nên sự rung động rất lớn cho nhiều thế hệ. Tôi nhớ trong thập niên 1960 ông Doãn Quốc Sỹ có viết một bài "bình" bài thơ này trên một tờ báo ở Sài Gòn mà bây giờ tôi đã quên tên. Ông đã phân tích những hình ảnh trong bài thơ, kể cả những hình ảnh mà ông chưa bao giờ nhìn thấy, những sao mai, con nhện chăng tơ, dải Ngân Hà, chuôi sao Tinh đẩu, Tào Khê... như là những yếu tố sống động trong tâm trí ông từ khi ông còn đi học. Tôi đã thấy đồng cảm sâu xa với Doãn Quốc Sỹ thời ấy. Và cho tới bây giờ khi nhìn bức tranh đó là tôi "thấy" lại tất cả.

Tôi nói đến sự kỳ diệu là vậy. Đó là sự kết hợp chặt chẽ giữa văn chương và kỷ niệm đã đi vào tâm trí của con người trong một thời điểm nào đó, thường là lúc còn thơ ấu, nó mạnh mẽ như thế nào. Bao nhiêu người đã ca tụng Quốc Văn Giáo Khoa Thư là vì vậy.

Nhiều khi tôi tự hỏi, các cụ Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận đã dựa trên những tiêu chuẩn nào để chọn một bài ca dao như bài này cho con nít học thuộc lòng?

ppm 




April 2, 2017 at 11:17:07 PM
From: Phạm Xuân Đài
    Re: Cây đa kèn ở Hội An

Đúng là mới nghe tả cách làm món ăn mà đã chảy nước miếng rồi.  Có lẽ vì danh từ "dấm bổng", nghe có vị chua là nước miếng ứa ra. Mà hai chữ dấm bổng nghe là lạ, hay hay.

Ở Hội An ngày xưa có một cây đa to lắm, gọi là cây đa kèn, vì ban quân nhạc của tỉnh hay đến đó tập thổi kèn. Bọn nhỏ tụi tôi hay tới nghe họ tập. Bỗng một hôm có một thằng nghĩ ra một điều rất hay, là hái một túi khế rồi kéo nhau đến nghe kèn. Đến nơi nó phát cho mỗi thằng một trái khế, vừa ăn vừa nghe. Mấy ông lính kèn thấy khế thì chảy nước miếng, không tập tành kèn trống gì được, rượt đuổi tụi tôi chạy có cờ...

Ngày nay Dung nghe hai tiếng "dấm bổng" mà chảy nước miếng thì cũng giống mấy ông lính kèn ấy thôi.

ppm



December 8, 2016 at 6:26:31 PM
From: Phạm Xuân Đài
    Re: Hội thảo Tự Lực Văn Đoàn


Nhìn lại đời anh cũng có những điều khá lạ em ạ.  Khi anh ở trong tù, anh nhớ vào những năm đầu của thập niên 1980, anh đã nghĩ về Nhất Linh và TLVĐ, và tự hứa sau này khi ra tù anh sẽ làm "một cái gì" cho TLVĐ. Đó là một ý nghĩ, đúng hơn là một mơ ước mông lung không căn cứ.

Rồi anh đi Mỹ vào đầu thập niên 1990, làm báo Thế Kỷ 21, và đến năm 2002 làm số báo đặc biệt về Nhất Linh khi chưa quen biết với Nguyễn Tường Thiết là con út của ông. Sau đó thì quen, và dần dần thân nhau anh mới nói cho Thiết biết về cái "giấc mơ ban ngày" của anh năm xưa.

Rồi 10 năm sau (2013) khi anh tổ chức thành công cuộc Hội thảo TLVĐ, Thiết nhắc lại lời anh nói, anh giật mình, vì anh đã quên câu chuyện (giấc mơ) đó. Như vậy quả là anh có một mối nợ với TLVĐ, và tự nhiên lại nảy ra một "lời nguyền" trong một hoàn cảnh đen tối không biết cái thân của mình có thoát ra nổi hay không, đừng nói đến việc làm nên chuyện này chuyện nọ.

Anh chưa tâm sự với thầy Như Điển những điều đó, nhưng anh có cảm giác thầy đã thoáng thấy một liên hệ có tính chất nhân quả ẩn bên dưới những hiện tượng như giấc mơ trong tù, việc anh đi Mỹ và thực hiện những điều còn vượt khỏi những mơ ước năm xưa nữa. Anh tin những vị cao tăng có khả năng nhìn thấy mối giây liên hệ thực sự qua những hiện tượng bên ngoài.

ppm
  

July 26, 2016 at 9:27:27 PM PDT
From: Phạm Xuân Đài
    Re: Bài văn đầu tiên đăng báo

Nói chuyện giận, anh mới nhớ đoản văn được đăng báo đầu tiên của anh có tựa đề là Giận Nhau.

Đó là năm anh học Đệ Tứ, từ Hội An gửi bài vào báo Văn Nghệ Tiền Phong ở Sài Gòn. Khi báo về tới, mở ra thấy bài mình được đăng, khó có sự vui sướng nào hơn.
Nỗi vui đầu đời... viết văn.

ppm
 

May 28, 2015 at 4:06:07 pm
From: Phạm Xuân Đài
    Re: Chiều chiều mây phủ Ải Vân, 

Xin gửi đến quý anh chị vài câu chuyện nho nhỏ của tôi liên quan đến đèo Hải Vân, vì sáng nay đã lỡ hứa với Dung, chứ thật ra những ký ức đã xa của một cá nhân về một vùng đất của quê mình đôi khi chẳng có ý nghĩa gì nhiều đối với người khác. Hồi tôi học đệ ngũ ở Hội An khoảng giữa thập niên 1950, ông thầy Việt Văn của tôi là thi sĩ Vũ Hân một hôm đọc cho học trò nghe bài thơ ông mới làm khi đi qua đèo Hải Vân. Tôi còn nhớ hai câu mở đầu:

Quanh quẩn như ở hoài trong núi
Khế tờ mây trải bạc tà huy

Và thầy có hỏi các em có hiểu câu thứ hai không. Không ai có thể giải thích cả, nhất là hai chữ "khế tờ". Thầy giảng: đèo Hải Vân gồm hai hòn núi, hòn Vay và hòn Trả, đó là tên dân gian đã đặt từ xưa. Thầy đi qua đèo vào lúc chiều tà, mây giăng lớp lớp, vì nhớ đến hai chữ Vay Trả mà thầy nhìn những lớp mây như là những văn tự của sự vay nợ và trả nợ, nên dùng chữ Khế Tờ. Cho đến giờ phút này nhớ lại cách dùng điển tích của thầy tôi còn rùng mình, nếu không được giảng hôm đó, thì suốt đời nếu gặp bài thơ ấy, không cách gì tôi hiểu được câu vừa nói.

Một chuyện khác, vào khoảng năm 1971, 72 tôi lái một chiếc xe Scout từ Đà Nẵng chở gia đình đi Huế chơi. Trong chuyến trở về qua đèo Hải Vân theo hướng Bắc Nam khi đang tống ga chuẩn bị vừa lên một dốc gần thẳng đứng, vừa qua một khúc cua rất ngặt thì thấy trước mặt mình một chiếc xe chở củi rất cũ, có lẽ gắng hết sức leo dốc mà không nổi, đang từ từ tuột về phía sau. Chỉ trong vài ba giây thì xe của tôi sẽ chạm vào xe đó, tôi lách thật nhanh về phía bên trái và vượt lên chạy luôn, không biết chiếc xe củi ấy có dừng lại được không hay là rơi luôn xuống vực.

Những chuyện lẩm cẩm như thế liên quan đến Hải Vân thì còn nhiều, nhưng thôi, chỉ nhắn Dung một điều: bỏ ý muốn leo qua đèo này đi. Chiều dài của nó là 20 km, trung bình lên 10 cây xuống 10 cây, với vô số ngoằn nghoèo khúc khuỷu. Với lại chiều cao của nó đáng kể lắm. Thôi nếu thăm Hải Vân thì Dung nên đi xe hơi lên đỉnh đèo dừng lại ngắm cảnh là tốt nhất. Cảnh đẹp tuyệt vời. Có một lần anh đi trực thăng dọc theo vịnh này từ Đà Nẵng ra Huế, có thể nói không có cảnh nào trên thế giới có thể hơn. Tôi nhớ chắc chắn từ cõi mù mờ nhất của ký ức, là từ lúc nhỏ xíu tôi đã được ru ngủ bằng câu này:

Chiều chiều mây phủ Ải Vân
Chim kêu ghềnh đá, gẫm thân lại buồn.

Đó là câu ca dao theo tôi suốt đời. Vì cho tới bây giờ, gẫm thân vẫn thấy buồn.

ppm



Thu, May 28, 2015 6:43 pm
From: Phạm Xuân Đài
    Re: Thiên hạ đệ nhất hùng quan

Hình Hải Vân Quan được khắc trên đỉnh số 8 (Dụ đỉnh) trong Cửu đỉnh đặt trong thành nội Huế.

Đúng, ở Việt Nam thì anh chỉ thấy một cửa ải đúng là cửa ải, là Hải Vân.

Thời Đệ nhất cộng hòa, vì đường đèo hẹp nên thoạt tiên xe qua lại phải luân phiên nhau qua đèo: khi phía Nam  được chạy thì chân đèo phía Bắc phải chận hết xe lại. Khi hết giờ cho phía Nam thì tới phía Bắc chạy, phía Nam phải dừng ở chân đèo chờ. Cho nên sự qua đèo rất mất thì giờ.

Sau người ta nghĩ ra một cách tiện lợi hơn, là ủi một khoảnh đất trống trên đỉnh đèo, ngay dưới chân cửa ải. Đến giờ leo đèo thì xe hai bên cùng leo một lúc, và đậu lại hết trên bãi đất trên đỉnh. Đến giờ xuống đèo thì hai chân đèo Bắc và Nam cấm xe lên, các xe đậu trên đỉnh bắt đầu xuống.

Chính vào thời gian này, đâu vào khoảng năm 1961, 62 gì đó, anh suýt mất một cái máy ảnh trên đỉnh đèo. Trong khi chờ giờ xuống đèo, anh dạo quanh khu đất trống để chụp ảnh, một lúc vô tình đưa máy nhắm về hướng cửa ải. Mấy phút sau một quân nhân từ trên cửa ải đi xuống đòi tịch thu máy của anh, vì "đã chụp khu vực quân sự". Anh nói tôi chỉ ngắm thôi chứ không chụp, mà cũng không có bảng cấm chụp. Anh ta lại đòi lấy phim. Anh cãi tôi có chụp đâu mà lấy phim. Cuối cùng huề, anh ta đòi không được, chán, bỏ vào đồn, và anh lên xe xuống đèo.

Lại thêm một chuyện lẩm cẩm nữa, ngay tại Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan.

ppm


Sun, Mar 8, 2015 9:59 pm
From: Phạm Xuân Đài
    Re: Vang bóng một thời

Hai em,

Về mặt văn học thì Vàng và Máu, Ai Hát Giữa Rừng Khuya không thể so sánh với Vang Bóng Một Thời được. Hai cuốn trên chỉ nhằm chỗ ly kỳ rùng rợn, trong khi VBMT giới thiệu cả tâm tình của một thời đại, của một nòi giống trước một mất mát không cưỡng được của văn hóa một đất nước.

Hai em cứ nhẩn nha đọc nó, không có gì gấp cả, có một hôm sẽ thấy mình trong các dòng chữ đó. Tức là trong tâm hồn chúng ta, ngay ở thế hệ anh hay cả thế hệ các em, vẫn còn vướng víu trong tiềm thức của mình biết bao là nỗi niềm lưu luyến cả một quá khứ của dân tộc. Nhất là Dung đã ngấm cái nho phong đạo cốt của thời xưa rồi thì rất dễ bắt được cái mạch ngầm vẫn âm thầm lưu chuyển trong tận thâm sâu tâm hồn chúng ta.

ppm


Tue, Jul 29, 2014 5:53 pm
From: Phạm Xuân Đài
    Re: Văn hóa

Nói về giá trị của văn hóa, có cái đặc thù, có cái phổ quát, chẳng phải cái nào cũng là của chung của nhân loại được. Ví dụ riêng về tín ngưỡng thôi, những loại thờ con bò, con heo, cây đa v.v... thì thuộc loại đặc thù, chỉ dành riêng cho một dân tộc, có khi chỉ một bộ lạc. Chỉ những tín ngưỡng nào có giá trị phổ quát, nêu cao những thuộc tính cao cấp của con người, như từ bi của nhà Phật, bác ái của đạo Thiên chúa, hay là chữ Nhân của Khổng giáo thì mới được loài người nhận là có giá trị phổ quát, nghĩa là áp dụng cho con người ở đâu thời nào cũng đúng và có ích lợi vì nâng cao phẩm cách của con người lên.

Trong các lãnh vực khác của văn hóa cũng vậy, thơ văn nhạc họa không phải lúc nào cũng có giá trị là của chung của loài người được. Tất cả các bộ môn gọi là văn học nghệ thuật đều được xuất phát từ một cá nhân, từ một dân tộc, và khi phổ biến ra thế giới thì mỗi dân tộc đều đón nhận với thái độ gạn lọc riêng của mình, chứ không đương nhiên coi đó là của chung nhân loại mình đem xài thoải mái. Cái cách gạn lọc đó là cá tính của một dân tộc. Một dân tộc mà cái gì cũng thu nhận hết, cái gì cũng coi là "văn hóa nhân loại" hết thì sẽ bị đồng hóa bởi các yếu tố ngoại lai, vì mình chẳng có cái gì đặc thù cả.

Dân tộc Việt Nam đón nhận văn hóa Trung Hoa là một may mắn hay rủi ro? Trước hết ta đón nhận nó không phải do ý muốn của mình, mà bị áp đặt qua sự lệ thuộc. Từ khi Mã Viện thắng Hai Bà Trưng thì cùng với Bách Việt miền Nam Trung Hoa, tất cả đều bị Tàu bắt đầu một cuộc đồng hóa triệt để. Kết quả sau một ngàn năm: tất cả vùng nam Trung Hoa bây giờ đều bị đồng hóa hết trừ Việt Nam. Sau một ngàn năm phải học chữ Tàu, theo phong tục Tàu, mà dân Việt không bị đồng hóa thì nay nhiều học giả đang nghiên cứu những lý do tại sao, nhưng chúng ta theo lương tri thông thường thì cũng nghĩ được một lý do: dân mình có cá tính mạnh, dù bị nó ép đồng hóa nhưng vẫn đủ sức để lựa chọn và biến cái của nó thành của mình. Học riết rồi cũng phải thấy thơ Tàu là hay chứ, thấy cấu tạo chữ của nó là tài tình chứ, thấy tư tưởng ông Khổng ông Mạnh là có giá trị chứ. Nhưng tổ tiên chúng ta có coi cái gì của Tàu là tuyệt hảo, ta chỉ việc nhắm mắt theo không? - Không! Ta có chọn lựa, và biết tổng hợp Nho Phật Lão thành tam giáo đồng nguyên. Tổ tiên chúng ta biết làm thơ Đường bằng chữ Hán, nhưng cũng biết dùng quy luật thơ Đường để làm thơ tiếng Việt, để nuôi dưỡng tiếng Việt. Nghĩa là tổ tiên ta biết rất rõ mình phải có cái riêng của mình, chứ không chịu tự đồng hóa với cái gọi là "văn hóa chung của nhân loại". Thái độ đó vẫn tiềm tàng trong máu huyết dân Việt Nam cho đến ngày hôm nay, thời nào cũng có những cố gắng để tự khẳng định mình.

*

Theo tôi, đã dùng đến từ "văn hóa" thì nó là của chung của nhân loại, nhưng hình như chúng ta đang vô tình đưa cái tôi chình ình dễ ghét vào trong đối thoại của chúng ta đấy. Ừ, vay mượn thì đã sao? Tại sao cứ phải truy nguyên để mà khư khư nằng nặc "của tôi của anh của nó của chúng ta?" 

Sở dĩ tôi trình bày dài dòng như trên đây là để giải tỏa cái vấn nạn mà Vũ đã đưa ra trong câu trên. Thật ra người Việt Nam mà không nhất định giữ "cái tôi chình ình dễ ghét" thì dân tộc không tồn tại đến ngày nay đâu, mà đã theo Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam biến thành Tàu từ lâu rồi. Theo tôi, đối với văn hóa của mình, dân Việt Nam vẫn có hai thái độ:
- Vẫn yêu mến vốn liếng Nho học mà tổ tiên để lại và chính nền văn học Trung Hoa mà ông cha ta đã thâu thái trải hàng ngàn năm. Có thể nói, về phương diện tình cảm, cái đó đã thành máu thịt của chúng ta, khi đọc lên một câu thơ chữ Hán dù đôi khi không hiểu rõ nghĩa chúng ta vẫn có thể rung động vì âm thanh của nó. Tại sao? Vì âm thanh đó trải nhiều đời đã ngấm vào tế bào thần kinh của chúng ta, bây giờ đọc lên thì tâm trí ta hưởng ứng ngay. Rõ ràng đó là di sản mà tổ tiên đã truyền lại cho chúng ta.
- Nhưng di sản không chỉ có thế. Sự đãi lọc, lựa chọn, Việt hóa cũng là một khả năng rất mạnh của người Việt Nam. Giờ này vẫn còn những người đi tìm hiểu các ông Tây thực dân đã đánh giá ngôn ngữ của chúng ta ra sao, xem xét lại cái phần trăm chữ Hán mà các ông ấy đặt ra có xác thực không, tìm hiểu các thành tố Đông Nam Á nằm trong ngôn ngữ Việt ở một tỉ lệ nào v.v... bản chất loại công việc này không phải là tình cảm nữa, mà là lý trí, là khoa học. Những người làm công việc này là làm việc cho dân tộc đấy, không phải để thỏa mãn cái tôi đáng ghét đâu. Tổ tiên từ xưa đã làm việc đó dân tộc mới không bị đồng hóa, người bây giờ làm việc đó cũng chỉ vì muốn củng cố thêm mạnh cá tính của dân tộc. Nói chung, công việc của khoa học là gian nan, không phải rung đùi mà ngâm thơ phú. Họ có thể gặp khó khăn, có thể sai lầm, nhưng họ là lớp người không có không được.
Trước di sản của ngôn ngữ để lại từ quá khứ và trước tương lai, tôi nghĩ chúng ta nên giữ thái độ quân bình giữa tình cảm và lý trí. Dĩ nhiên mỗi người một khuynh hướng, người thì nghiêng về học hỏi và thưởng thức cái đẹp của thơ phú, người thì muốn nghiên cứu các quy luật của tiếng nói v.v..., ai thích đường nào thì cứ đi đường nấy, nhưng vẫn nên có cái nhìn chung để tránh sự thiển cận chỉ nhìn có một góc của vấn đề.

E-mail mà viết như vậy là quá dài. Xin lỗi. Chẳng qua là "bất bình tắc minh" thôi.

ppm


 

Thu, Mar 7, 2013 9:02 am
From: Phạm Xuân Đài
    Re: Phong kiều dạ bạc

 Em ơi,
Anh còn nhớ chuyến đi Tàu cách đây gần mười năm. Trong đoàn du khách anh quen với một ông Tàu sống ở Mỹ đã lâu nhưng vẫn còn rành tiếng Tàu. Khi đi thăm chùa Hàn San ở Hàng Châu, tự nhiên ông ta và anh nhắc đến bài thơ Nguyệt lạc ô đề..., và bất giác, không ai bảo ai cùng đọc bài thơ một lúc. 

Dĩ nhiên ông ấy đọc tiếng Tàu:
Duỵt lọc ố lề sướn mán thín...

Còn anh thì: 
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên...

Thế mà hai ông một Tàu một Việt cùng song ca cho đến hết bài, rồi cùng nhau bắt tay cười hể hả, và cùng cảm thấy (có lẽ thế) cả hai đều có cùng một quê hương chung. Quê hương đó, chính là nền văn hóa Hán tự.

anh Minh