Wednesday, May 19, 2021

TÌNH BẠN LÂU NĂM

Phạm Phú Minh

Tôi không ngạc nhiên lắm khi nghe tin Bé Ký qua đời. Khoảng vài mươi năm qua tuần nào tôi cũng gặp Hồ Thành Đức tại quán cà phê, và thỉnh thoảng cũng ghé nhà thăm hai ông bà. Những năm gần đây tôi thấy Bé Ký sức khỏe ngày một kém dần. Thì cũng cho là chuyện bình thường thôi, tất cả chúng tôi ai cũng ngày một già, và yếu đi.

      


                                          Họa sĩ Bé Ký                                        



  Bé Ký 1959 (21 tuổi)

Năm 1966, tôi làm việc với Chương Trình Phát Triển Thanh Niên Học Đường (CPS) có trụ sở tại những dãy nhà tiền chế trên nền Khám Lớn Sài Gòn cũ. Ít lâu sau Hội Họa Sĩ Trẻ được thành lập cũng có trụ sở trên miếng đất rất rộng rãi này. Là láng giềng của nhau, tôi có dịp quen biết với nhiều “họa sĩ trẻ” mà trước kia chỉ mới nghe tên, trong đó có Hồ Thành Đức, trở nên khá thân nhau vì cùng đồng hương Quảng Nam.

Vì không thể “thanh niên” và “trẻ” mãi, năm bảy năm sau chúng tôi lập gia đình và rời mảnh đất trẻ trung ấy. Gia đình Hồ Thành Đức và gia đình tôi lại có dịp ở gần nhau, tôi trong hẻm 220 đường Trương Minh Giảng (bên cạnh đại học Vạn Hạnh), còn Hồ Thành Đức-Bé Ký thì trong một hẻm bên đường Trần Quang Diệu, chỉ cần lội quanh co trong xóm một lúc là đến nhà nhau. Ngày cuối tuần bạn bè thường tụ họp tại nhà tôi, Đức với tôi và vài ba người bạn nữa gầy một sòng phé còm, trong khi Bé Ký thì trò chuyện, có khi nấu nướng với bà xã tôi và bồng bế chơi đùa với hai đứa con nhỏ của tôi. Bé Ký yêu trẻ con lắm.

                   


Khoảng năm 1972, nhà thơ Thành Tôn từ Đà Nẵng vào Sài Gòn và tìm tới thăm nhà Hồ Thành Đức-Bé Ký. Nghe tiếng nhau từ lâu mà chưa gặp mặt lần nào, Hồ Thành Đức mời Thành Tôn tối hôm đó tới nhà mình ăn tối để chuyện vãn nhiều hơn. Buổi tối Thành Tôn tới nhà thì Đức… đi vắng. Bé Ký mời Thành Tôn vào nhà,  chỉ trên bàn có một mâm cơm dọn sẵn và mời Thành Tôn dùng bữa… một mình, nói rằng Đức xin lỗi vì tối hôm đó có một buổi họp với nhóm hội họa mà buổi sáng khi hẹn với Thành Tôn chàng đã quên bẵng. Trước tình thế “éo le” như thế, cuối cùng Thành Tôn phải ngồi vào bàn dùng bữa cơm một mình, với Bé Ký ngồi trò chuyện với tất cả chân tình, mộc mạc, đơn giản. Sau này Thành Tôn còn nhớ mãi món cá kho tộ “ngon tuyệt” do đầu bếp Bé Ký khoản đãi.

Nghệ danh Bé Ký do đâu mà có ? Hồ Thành Đức có lần kể : tên của bà ấy là Nguyễn Thị Bé. Từ nhỏ đã ôm tranh đi bán dạo trên đường phố nhưng không ghi tên tác giả. Nhiều người mua không chịu, nói đã vẽ tranh thì tác giả phải ký tên vào tranh chứ. Tác giả bèn viết chữ “Bé ký” ngụ ý tác giả tên là Bé và đã ký rồi đấy. Riết rồi chữ Ký được viết hoa, và Bé Ký thành tên luôn !

Biến cố 1975 làm tan tác xã hội miền Nam. Kẻ đi tù, người di tản, rồi kinh tế mới, rồi vượt biên… nhưng gia đình Hồ Thành Đức-Bé Ký yên ổn, cho mãi đến chuyến đi Mỹ chính thức của họ vào năm 1989. Qua thập niên 1990 đám bạn bè chúng tôi lại lần lượt gặp nhau gần như đầy đủ tại Little Saigon, nam California. Khác với phần đông bạn bè khi tới đất mới ai cũng lo kiếm công việc làm để sống, đôi nghệ sĩ bạn của chúng tôi chỉ “làm việc” tại nhà : họ tiếp tục vẽ tranh, triển lãm và bán tranh, trong khi các con lo đi học để xây dựng tương lai cho mình.

Mỗi khi phải đối diện với những việc quá rối rắm trong đời, tôi thường nhìn vào tranh Bé Ký để lấy lại bình tĩnh. Những đường nét ấy chân thật quá, đơn sơ quá nhưng cũng rất vững chắc, như nhắc tôi rằng, bản chất mọi sự trên đời thực ra tự nó cũng đơn sơ thôi, đừng gây thêm rắc rối làm gì. Đúng vậy, Bé Ký ghi lại trong tranh của mình nét tinh túy của sự vật, mà chỉ con mắt của chị mới nhìn thấy, chỉ bàn tay của chị mới ghi lại được. Hội họa Bé Ký chính là hình ảnh cái thật, qua nét vẽ đơn sơ mà điêu luyện.

Hai cô con gái của tôi, mà trước kia còn nhỏ ở Việt Nam đã được bác Bé Ký nâng niu ẵm bồng, sau này lớn lên ở hải ngoại cũng mê tranh của họa sĩ Bé Ký lắm. Xuân Đài ở Paris mỗi khi cùng chồng con qua California thăm chúng tôi đều nhờ tôi đưa đến thăm hai bác Hồ Thành Đức và Bé Ký, và lần nào cũng xin thỉnh vài bức tranh Bé Ký mang về Pháp.

Năm 1996 tôi và bà xã sau bốn năm cư ngụ trên đất Mỹ theo lối “share phòng”, đã mua được cái nhà mobile home. Đôi bạn nghệ sĩ Hồ Thành Đức-Bé Ký đã tặng mừng nhà mới chúng tôi một bức tranh lớn vẽ hoa hướng dương của Hồ Thành Đức. Một món quà quý giá mà chúng tôi còn giữ mãi, nó mang lại sự tươi sáng và không khí nghệ thuật cho ngôi nhà, cho đến bây giờ dù tôi đã có nhiều tác phẩm nghệ thuật khác, bức hoa hướng dương của Hồ Thành Đức vẫn luôn luôn giữ một vị trí cố định như lúc ban đầu.

 

               


Bức tranh hoa hướng dương Hồ Thành Đức-Bé Ký mừng nhà mới chúng tôi

 

Cũng vào năm 1996, một hôm Bé Ký đề nghị vẽ chân dung cho tôi. Tôi mừng lắm, vì biết đây là một hân hạnh lớn cho tôi, và tôi cũng biết Bé Ký không mấy khi vẽ chân dung cho ai. Tôi xin mấy cái hẹn đến nhà ngồi làm mẫu, Bé Ký nói không cần, chỉ cần đưa cho họa sĩ một tấm hình mà tôi vừa ý là đủ. Với tấm hình mẫu đó, Bé Ký đã vẽ cho tôi ba bức chân dung. Một cô em của tôi đã dụng công ghép cả ba bức vào một cái khung để thành một bức “tranh chân dung” điện tử, như sau :


Tình bạn của đôi nghệ sĩ Hồ Thành Đức – Bé Ký với tôi đã trải qua hơn nửa thế kỷ. Đó là một tình bạn “rất là Bé Ký”, nghĩa là đơn giản, mộc mạc và vô cùng chân thành. Bây giờ chúng tôi đang bước vào một giai đoạn mới, là bắt đầu chia tay nhau trên trần gian này. Tôi cùng tuổi với Bé Ký, sinh năm Mậu Dần, 1938. Bạn xung phong ra đi trước, tôi chúc bạn một chuyến đi đầy thanh thản như bản tính của bạn. Và hẹn sẽ có duyên gặp lại nhau một thời gian nào đó, ở một cõi nào đó mà bây giờ tôi cũng chưa biết rõ.

Westminster 15 tháng 5, 2021.

Phạm Phú Minh