Friday, June 7, 2019

Kể em nghe chuyện Tết Đoan Ngọ ở làng Đông Bàn



Hồi nhỏ anh sống ở làng Đông Bàn, đến ngày 5 tháng Năm, đúng ngọ mấy anh em đi "hái lá mồng Năm", mang về phơi khô để "làm thuốc". Dĩ nhiên chỉ hái những loại lá uống được, như lá ổi, lá tre, lá mít... 
Trong vườn nhà anh có một cây anh nghe người lớn gọi là cây "chè the", đến mùa nó ra trái nhỏ bằng đầu ngón tay khi chín đỏ bỏ vào miệng cắn ra nghe ngòn ngọt, nhưng chỉ một tí vị ngọt bao quanh một cái hột rất lớn. Mãi khi lớn lên anh mới khám phá ra đó là cây cà phê, không biết ai trong gia đình đã mang về trồng từ thời bà nội anh còn sống. Lá của nó có "vị thuốc", nấu uống chữa sình bụng. Khi biết đó là cà phê, anh hái trái chín phơi khô rồi rang, xay uống rất ngon.
Về bữa ăn ngày Tết Đoan Ngọ, anh nhớ vẫn bình thường không có gì đặc biệt ngoài rất nhiều bánh ú tro chấm với đường. Bánh làm tại nhà, nếp phải ngâm với nước tro rồi mới gói và nấu, khi ăn có vị the the trên lưỡi. Nhưng vẫn có cúng chè xôi, lúc nhỏ ăn cái gì cũng ngon cả.

Bây giờ nhớ lại "Tết" đoan ngọ, dĩ nhiên nhớ đến bánh ú tro với vị the the, nhưng anh vẫn nhớ nhất cái màn đi hái lá giữa trưa nắng chang chang, hồi đó anh thấy vừa vui vừa kỳ bí. Những gì hái được (dĩ nhiên không thể thiếu lá "chè the" --phiên âm một cách tài tình từ chữ cà phê, để biến thành một thứ "chè"), được đem phơi khô rồi cho vào một cái bao, cất đi, để khi cần chữa những  chứng về đường tiêu hóa thì mang ra nấu uống./.

ppm

On Jun 7, 2019, at 12:32 PM, (05 /05/2019 Kỷ Hợi)

Tú thì nhớ sáng ngày Đoan Ngọ, thay vì ăn điểm tâm trước khi đi học hàng ngày với bánh mì chấm sữa đặc (hiệu Con Chim) pha nước sôi thì mẹ cho ăn trái cây trước để  "Giết sâu bọ", thường là quả mận vì người miền Bắc tin rằng vị chua của trái mận sẽ giết những con vi trùng trong bụng, mà những con vi trùng (gọi là sâu bọ) này thường ngoi lên vào ngày Mồng Năm tháng Năm. Sau trái cây cho ăn bánh tro chấm mật, thêm cả rượu nếp và các thứ trái cây khác nữa. Tú thích nhất là bánh tro chấm mật, Tú ăn quanh năm được không phải đợi đến ngày Đoan Ngọ. Gạo nếp ngâm qua đêm với nước tro nó có mùi thơm rất đặc biệt. Mỗi khi cho miếng bánh trong veo, xanh biếc vào miệng mình như nếm được tất cả hương vị của đất trời. Nghĩ tới những thanh củi được đốt thành tro, thanh củi đó từ cây nào ra nhi? Cây đó có tên là gì và được lấy từ cánh rừng hay ngọn đồi nào? Rồi cái hạt gạo được chọn lựa đó từ cánh đồng xa lắc xa lơ ở đâu, được gặt hái, đem tới phiên chợ nào...rồi hình ảnh những bà mẹ quê Việt Nam cặm cụi làm những chiếc bánh đó.  Chao ôi là cảm động.
 Bây giờ lớn tuổi , sống xa quê lâu năm, mỗi lần những này lễ tết như thế này trở về, thấy lòng thổn thức, một nỗi buồn nhè nhẹ, ngọt ngào trở về, nhớ quê nhà, nhớ cha mẹ quá. 

tmt

Saturday, June 1, 2019

Nhìn bức ảnh Phạm Phú Minh đặt tay trên vai tượng Phật, Trần Mộng Tú ngẫu hứng ba đoạn thơ






Đặt Tay 1

Đặt nhẹ bàn tay lên vai Phật
Gửi phận cỏ bồng gửi nổi trôi
Dẫu bao dâu bể trong cuộc sống
Vẫn tạ thâm ân của đất trời.


Đặt Tay 2

Đặt tay lên vai Phật
truyền sang hết ưu tư
gửi trả những ngọn sóng
gửi trả cả sương mù.

Đặt Tay 3

Đặt tay lên vai Phật
Bỏ lại bờ bên kia
Yết Đế  um....Yết Đế 
Đã tìm được lối về.....

tmt-  5/27/19