Sunday, November 16, 2014

GÒ NỔI


Những hình ảnh trong bài Gò Nổi này đều là tác phẩm của anh Hoàng Huề, một người hiện nay đang sống tại quê hương Gò Nổi.

Con sông Thu Bồn, bắt nguồn từ góc rừng núi Tây Nam của tỉnh Quảng Nam, thoạt tiên chảy theo hướng Nam Bắc, khi đến vùng Bắc của tỉnh thì bắt đầu đổ theo hướng Tây Đông để ra biển. Trên đoạn đường này khi còn cách biển khoảng trên hai chục cây số con sông bỗng tẻ làm hai nhánh chảy riêng rẽ, mãi đến khi nghe hơi gió mặn của biển mới nhập lại làm một để hoàn tất nốt cuộc hành trình. 

 Sông Thu Bồn
Từ đây chỉ còn mươi cây số nữa là đến đích cuối cùng, con sông sẽ hòa nhập vào đại dương. Vùng đất nằm giữa hai nhánh sông tách ra rồi nhập lại ấy gọi là Gò Nổi, thuộc quận Điện Bàn. Đó là một cù lao chiều dài trên mươi cây số, chiều ngang chỗ rộng nhất năm, sáu cây số. Vì kích thước của nó rất lớn như thế nên từ xưa cư dân trên đó không coi mình là “dân đảo” với các đặc tính là sông nước và biệt lập. Trên cái gò nổi lên giữa hai nhánh sông ấy đời sống cũng như... trên đất liền, có điều muốn đi đâu ra ngoài đều phải dùng đò. Đời sống của dân Gò Nổi luôn luôn dính liền với những chuyến đò ngang mà tên của người lái đò sẽ thành tên của bến sông, và các bến ấy trải đều quanh Gò Nổi để làm các đầu mối giao lưu với “thế giới bên ngoài.”

Một bến đò của Gò Nổi
Trước cuộc kháng chiến chống Pháp, đó là một vùng dân cư đông đúc thạnh mậu. Khắp thôn làng nhà cửa ngăn nắp, vườn tược đầy cây trái rào dậu tươm tất, đường sá phong quang. Trong các làng, chỗ ngã tư ngã ba thường có những cái giếng xây đá nước trong vắt. Một con đường chính rải đá chạy suốt chiều dài của hòn đảo. Về phía Tây, đường xe lửa nằm vắt ngang qua Gò Nổi như một con rết lớn, với một cái đầu kỳ dị là cây cầu sắt Kỳ Lam và cái đuôi cũng kỳ dị không kém là cầu Chiêm Sơn. Về phía Đông, quốc lộ 1 chạy sát bên ngoài địa phận Gò Nổi, băng qua sông Thu Bồn bởi cầu Câu Lâu ngay bên dưới chỗ hai nhánh sông hợp lưu.

Cầu Kỳ Lam
Đời sống kinh tế ở đây rất thịnh vượng do hoạt động tiểu công nghiệp song song với nông nghiệp. Suốt giải đất, làng mạc rợp bóng tre xen kẽ với những cánh đồng lúa xanh tốt. Dòng sông Thu Bồn nuôi nấng một cách âu yếm mảnh đất mà nó đã ôm gọn trong hai tay của mình. Mỗi năm vào mùa lụt nước tràn bờ một cách hiền hòa đem phù sa mới đến cho từng mảnh ruộng, khu vườn.
Vào mùa khô chính dòng nước trong vắt của con sông đem đến màu xanh tươi mát cho tất cả các cánh đồng lúa, các biền dâu và vườn cây ăn trái. Thời trước chưa có hệ thống thủy lợi như bây giờ nhưng vào mùa khô các cánh đồng đều được tưới đẫm nhờ sức trâu với một hệ thống công cụ gọi là xe trâu. Trong chuyến đi sứ qua Pháp năm 1863, khi sứ bộ ghé thăm Ai Cập, phó sứ Phạm Phú Thứ đã vẽ kiểu các guồng lấy nước trên sông Nil đem về sáng chế ra một hệ thống trục gỗ vận hành bằng sức trâu kéo để quay guồng đưa nước từ sông, từ đìa lên ruộng. Khắp Gò Nổi đều ứng dụng phương pháp này nên rất sớm nông dân ở đây đã hầu như thoát khỏi một công việc nặng nhọc kinh người là tát nước vào mùa khô. Xe trâu có thể hoạt động suốt ngày đêm, và vào mùa hè đây đó khắp vùng vang lên tiếng kẽo kẹt ngân nga của các trục gỗ nghiến vào nhau, tiếng guồng nước đổ rào rào tạo thành một khúc nhạc hè
quen thuộc. 

Trường Phạm Phú Thứ
Khúc nhạc ấy đã âm vang tại vùng Gò Nổi trong vòng một thế k, từ ngày quan Thượng thư họ Phạm đi sứ bên Tây về, như là tiếng âm vang của một tấm lòng thiết tha muốn đem nền khoa học kỹ thuật của thế giới về cho xứ sở. Từ những biện pháp canh tân đề nghị với triều đình, những sách dạy phép khai mỏ, dạy thuật đi biển, dạy về vật lý... được đem về nước xuất bản, cho đến một công cụ dẫn thủy đơn sơ và hữu ích lấy kiểu từ b sông Nil xa xôi đem về phổ biến cho dòng sông Thu Bồn, tấm lòng ấy như còn vang vọng mãi trong ruộng đồng, lũy tre, trong dòng nước chảy rào rào ngày hè để làm tươi xanh vùng đất Phù Kỳ. Sau 1954 một số máy nổ được sử dụng để đưa nước vào ruộng đã thay thế dần một phần các chiếc xe trâu chậm rãi và cổ lỗ. Và ngày nay hàng loạt các trạm bơm điện thay thế cho máy nổ, và thế là cách đưa nước vào ruộng bằng sức trâu kéo một thời được coi như là một cuộc “cách mạng nông nghiệp” của vùng này hoàn toàn biến mt. Thấm thoát khúc nhạc hè kẽo kẹt ấy chỉ còn trong ký ức của những người già!
Với lúa, bắp và một số hoa màu phụ, vùng này là một trong những vùng hiếm hoi của miền Trung có thể tự sản xuất đủ lương thực để dùng. Với bông thu hoạch trên ruộng nhà, ngày xưa các gia đình dệt một thứ vải hơi thô gọi là vải ta, còn việc trồng dâu nuôi tằm dệt lụa thì đã thành qui mô khá lớn.
Hai làng Phú Bông và Bảo An chuyên nghề ươm tơ dệt lụa, với các “khung cửi máy” (vận hành bằng bàn đạp, qua một hệ thống chuyền lực khá phức tạp, do ông Cửu Diễn người làng Phú Bông sáng chế) chạy ầm ầm suốt ngày, đã sản
xuất ra hàng lụa óng ả, hàng tussor sang trọng mà thời bấy gi đã được dân buôn ghe bầu mang bán tận Nam Vang. Nhưng chính đời sống tinh thần mới là nét đặc trưng đáng nói nhất của Gò Nổi. Dân chúng thông minh, hiếu học. Đời nào trên khắp đất Gò Nổi cũng sản sinh những trí thức lớn, chữ trí thức với ý nghĩa đúng nhất của nó, tức là biết thao thức về những vấn đề nóng bỏng của thời đại mình, biết dấn thân và hy sinh vì những nhu cầu bức bách của dân tộc và đất nước. Những gia đình thế phiệt trải đều khắp cù lao, nếu bắt đầu từ mỏm phía Tây đi về hướng Đông, ta sẽ lần lượt gặp những tên làng cùng tên những dòng họ và nhân vật nổi tiếng.
Thoạt tiên là làng Tư Phú, quê hương của Trần Cao Vân, nhà cách mạng đã làm cuộc khởi nghĩa thầy tu tại Phú Yên năm 1898 và cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân tại Huế. Mưu đồ thất bại ông đã bị thực dân Pháp giết năm 1916.

Trường Trần Cao Vân  tại làng quê của ông
Kế đến là làng La Kham, có họ Lê Đình với hai anh em Lê Đình Thám và Lê Đình Dương. Bác sĩ Lê Đình Thám là một trong những bác sĩ y khoa đầu tiên của Việt Nam. Vào những năm 30, bác sĩ Thám đã đề xướng phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam với tờ báo Viên Âm tại Huế. Con người này đã có cái nhìn của một vị tiên tri, thấy trước cái nguy cơ của tinh thần sùng vật chất sẽ khiến người Việt Nam đánh mất cái phẩm cách tâm linh mà qua bao nhiêu đời, văn hóa Việt Nam trong đó Phật giáo đóng vai trò quan trọng, đã hun đúc nên. Còn ông Lê Đình Dương đã tham gia cuộc khởi nghĩa Duy Tân, năm 1916 tại Huế, bị Pháp bắt đày đi Ban Mê Thuộc và qua đời tại đó.
Rời La Kham chỉ mấy bước là đến làng Bảo An của Phan Khôi với dòng họ Phan nổi tiếng của ông. Phan Khôi suốt đời không tham chính; chỉ hoạt động trong lãnh vực văn hóa, nổi tiếng là một nhà báo cương trực, một học giả cứng cỏi. Ông đã là con chim đầu đàn của phong trào Nhân Văn Giai Phẩm tại Hà Nội năm 1955-56, lên tiếng thẳng thừng phê bình lối lãnh đạo văn nghệ nô dịch của cộng sản và đã bị chế độ cộng sản bao vây, cô lập cho đến chết. Cái giọng sang sảng của ông trên văn đàn mãi đến cuối đời vẫn còn vang vọng, như nói lên tính chất của Gò Nổi quê ông: trí tuệ và khẳng khái.

 Chân dung ông Phan Khôi được thờ tại nhà thờ họ Phan, làng Bảo An
Cạnh Bảo An, làng Xuân Đài là quê của Hoàng Diệu, vị Tổng Đốc Hà Nội đã tuẫn tiết theo thành. Từ đây qua một cánh đồng nhỏ là đến làng Trừng Giang (có nghĩa là “sông nước trong,” tên làng thật thi vị), nơi đây là quê của Phạm Hầu (con của Phạm Liệu, một trong “ngũ phụng tề phi”), thi sĩ tài hoa mà mệnh yểu đã có mặt trong Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh từ những năm xưa.

Nhà thờ Tổng đốc Hoàng Diệu tại làng Xuân Đài
Sát ranh giới phía đông của Trừng Giang là làng Đông Bàn, nơi cư ngụ lâu đời của họ Phạm Phú với Phạm Phú Thứ, người con ưu tú của đất nước vào thế k 19, đã đóng góp bao công sức và tư tưởng cho quốc gia trong cơn chao đảo. Từ Đông Bàn, đi qua một cánh đồng lớn là đến làng cuối cùng về phía đông của Gò Nổi, làng Phú Bông, nơi nổi tiếng về tơ lụa nhưng cũng là nơi sản xuất nhiều bác sĩ y khoa trong nền tân học.
Tại sao có những vùng đất “phát” về một khả năng nào đấy của dân cư sống ở đó? Đó là điều bí ẩn, và đối với Gò Nổi, có lẽ chỉ có con sông Thu Bồn là hiểu được ý muốn thầm kín của đất đai sông núi khi nó giang đôi tay ôm trọn mảnh đấty vào lòng mình. Mật độ trí thức khoa bảng của vùng Gò Nổi có thể nói là dày đặc hết đời nọ đến đời kia, như thể là nơi kết tụ tinh hoa theo một qui luật nào đấy của thiên nhiên và nhân văn. Riêng cái hiện tượng Ngũ Phụng Tề Phi, một niềm tự hào về học vẫn thường được nhắc đến của Quảng Nam, tìm hiểu ra thì cả năm con phụng ấy đều có một cái tổ chung là phủ Điện Bàn, và ba người xuất sắc nhất trong năm vị khoa bảng đồng khoa ấy lại là người Gò Nổi: Phạm Tuấn làng Xuân Đài và Phạm Liệu làng Trừng Giang đều là Đệ nhị giáp tiến sĩ, kế đến Phan Quang (gốc làng Bàn Lãnh, một làng của Gò Nổi, cư ngụ tại Quế Sơn) là Đệ tam giáp tiến sĩ.
Sự phồn thịnh trí thức và kinh tế của Gò Nổi mang lại cho đời sống ở đây một dáng vẻ văn hóa tân tiến rất cao. Ở đây hầu như không có ý niệm cường hào. Những nhà giàu lớn trong vùng đều thuộc thành phần hoạt động công nghệ cho nên tinh thần ở đây phảng phất vẻ văn minh kiểu mới lẫn vào cái mực thước đạo mạo cổ truyền. Đó đây nổi lên những cái villa kiểu Tây với những đồ dùng tân thời bóng lộn nhưng ảnh hưởng chưa đủ nhiều để làm hỏng cái tổng thể gồm các lũy tre, những cái cổng cổ kính, hàng chè tàu, mái ngói cũ kỹ rêu phong và trong nhà thì vô số liễn đối đúc kết tư tưởng, hoài bão cùng k niệm của những thế hệ đã đi qua.
Đấy là Gò Nổi cách đây nửa thế k. Trong cuộc chiến chín năm (1946-1954) đây là vùng xôi đậu, không bị một tàn phá nào đáng kể ngoài một vài cái đình làng và vài dinh cơ tư nhân bị Việt Minh triệt hạ vì mục đích tiêu thổ  kháng chiến. Nhưng cuộc chiến vừa qua  đã xóa sạch bộ mặt của Gò Nổi như là nó đã có trải nhiều thế k qua. Trong thời gian gần một thập k trước 1975 đây là vùng đất chết, đã trở thành hoàn toàn hoang dã: nhà cửa bị phá hết, cây cối đổ hết, dân chúng đi hết. Cả vùng chỉ có con đường xe lửa chạy ngang qua là còn giữ chiều cao nguyên thủy của nó.
Bắt đầu từ 1975 Gò Nổi mới có lại sự sống với đám dân chúng hồi cư. Lạ lùng thay là sức sống của con người: làng xóm nhà cửa lại xuất hiện đúng trên cái nền xưa, đường ngay lối tắt được phục hồi như cũ, và cuộc bể dâu vừa qua xem như chỉ là một cái chớp mắt của huyễn mộng. Sau mấy năm lao đao với các thí nghiệm cho những ảo tưởng của chủ nghĩa xã hội, cuộc sống của Gò Nổi đang tự điều chỉnh cho hợp với qui luật muôn đời của sự sống. Dân chúng tự động khôi phục lại ảnh hưởng của cổ nhân, vì họ ý thức rất rõ không nối kết lại với quá khứ họ sẽ thành một thứ trôi giạt không bến b trên chính mảnh đất quê hương của mình. Mồ mả các danh nhân được tu tạo, nhà th của mỗi họ trong làng lại được con cháu góp sức công sức của xây dựng nên, tạo một diện mạo văn hóa không đến nỗi vong thân. Chính ảnh hưởng cổ nhân đã cho thế hệ trẻ tuổi biết rằng họ là con cháu của một lớp người ưu tú, có một đời sống chặt chẽ về văn hóa, giỏi giang về lao động và bay bổng về trí tuệ, trên một mảnh đất mà dòng sông Thu Bồn đã chọn để ôm trọn vào đôi tay của nó và truyền cho những bí mật của núi sông và của cuộc sống, hết đời nọ đến đời kia. Tâm hồn của người Gò Nổi may mắn được nuôi nấng bởi tiếng nói vĩnh hằng của dòng sông, sẽ nắm bắt được một phần sự thật của muôn đời, nên có thể vừa bám chặt cuộc sống đời thường, vừa có khả năng vươn cao hơn nó.