Sunday, March 20, 2016

Tĩnh lặng, khói hồ bay



Tập thơ Khói Hồ Bay là chứng tích của một người làm thơ từ giữa thập niên của tuổi hai mươi cho đến tuổi bảy mươi – suýt soát nửa thế kỷ, từ khi tóc còn xanh đến lúc đầu bạc trắng. Không cần biết cuộc đời, sự nghiệp tác giả, chỉ cần đọc những dòng thơ liên tục từ tuổi thanh niên đến tuổi lão thành, người ta cũng có được chân dung tinh thần và tình cảm của một con người, của một đời người. Đó là một lộ trình đáng kể mà không phải ai cũng có khả năng tạo ra và để lại, như Nguyễn Tường Giang đã thực hiện hầu như suốt cuộc đời mình.




Thơ ông bắt đầu lên tiếng vào giữa thập niên 1960, tại miền Nam Việt Nam, khi ông đang là một sinh viên Y khoa. Bài thơ đầu tiên của tập thơ này là bài Căn Phần, viết cho những người thân yêu nhất trong gia đình là Mẹ và anh, chị, khi tác giả 25 tuổi. Giữa cái tuổi sung mãn tươi đẹp nhất của một đời người, người thanh niên đưa mắt nhìn về quá khứ nhớ lại tuổi thơ giữa thời loạn lạc, bà mẹ là một góa phụ phải bươn chải nuôi con
mẹ đã nuôi còn bằng giọt mồ hôi
những buổi tháng năm trời trưa nắng gắt
bữa cháo bữa cơm con sống làm người
bằng sáng tinh mơ mẹ đi gánh gạo
chợ xa hun hút nát gót chân thon
cơn gió mùa đông luồn manh áo rách

Rồi nhìn hiện tại, mình đã nên người tại miền Nam, nhưng trước mắt vẫn là cuộc chiến, một cuộc chiến có lẽ ông đã bắt đầu tham dự trong một cách thế nào đấy, nhưng lòng đầy nghi hoặc, đã gửi cho bà mẹ già một câu hỏi khó trả lời:
trước khi con nhắm mắt
cho tổ quốc dấu yêu
xin mẹ nói cho con được biết
kẻ thù của con mẹ là ai…

Sau khi hồi tưởng cái quá khứ đầy thương yêu và cũng đầy vất vả của người Mẹ trong khói lửa cuộc chiến tranh trước, bài Căn Phần là bước khởi hành đầy hoang mang với cuộc chiến trong hiện tại. Rất sớm, tác giả đã nhận ra tính chất phi lý của cuộc chiến tranh tại miền Nam, và nỗi thao thức này sẽ theo tác giả cho đến lúc cuộc chiến kết thúc.

Không có ý thức thì hẳn cũng không có thao thức. Nằm ngay trong lòng cuộc chiến, nhưng có lẽ tác giả sớm nhận ra đây là chỗ đụng độ giữa hai phe trên thế giới, và hai miền Bắc và Nam Việt Nam, rủi thay lại là hai tiền đồn của hai thế lực, từ đó người Việt Nam bắn giết lẫn nhau. Dù biện minh cách gì, đó cũng là một thực tế không thể chối cãi được. Miền Bắc sống dưới chế độ toàn trị của đảng cộng sản, mọi người khép chặt vào khẩu hiệu “giải phóng miền Nam thống nhất đất nước”, mắt bị bịt kín hai bên chỉ nhìn thấy một lối phải đi trước mặt, nhờ thế sức mạnh tập trung tối đa. 

Tại miền Nam, tuổi trẻ, nhất là lớp người có học, ý thức phân tán một cách tự do. Bình thường ra thì trung thành với thể chế quốc gia, tham dự cuộc chiến ngăn sức bành trướng của cộng sản để giữ miền Nam. Nhưng cũng có nhóm khác nhìn ra sự bất toàn của chế độ miền Nam, mong muốn tìm kiếm một đường lối xã hội công bằng tốt đẹp không cộng sản để làm vũ khí chống lại thứ ma túy của cuộc cách mạng vô sản thời bấy giờ đang quyến rũ nhiều nơi trên thế giới, kể cả lớp trí thức nhiều nước Tây phương. Nhóm khác thì quan niệm góp ngay sức trẻ để thực hiện liền trước mắt những cải cách xã hội và giáo dục. Nhưng luồn sâu bàng bạc không ít trong lớp trẻ là thái độ chống chiến tranh, chống sự hiện diện của quân đội Mỹ, thường hay tổ chức xuống đường chống đối này nọ, thực chất đây là kết quả tuyên truyền của phe cộng sản.
Theo dòng thi ca của Nguyễn Tường Giang trong nửa sau thập niên 1960, chúng ta có thể gặp đây đó một số thái độ. Rõ nhất là bài Bên Sông, viết tặng một số bạn cùng thời, có thể hiểu đó là một nhóm mang nhiều hoài bão có liên kết với nhau:
Lũ chúng ta tuổi trẻ ngang tàng
giữa thời tan tác
muốn mài thanh gươm bén
xây dựng cơ đồ
muốn hát khúc hành ca
mơ chuyện binh đao đi dựng nước
lòng tiêu dao mây nước
chợt thấy nhớ cố hương
mơ bóng Kinh Kha qua đất địch
trên bóng mù sương chẳng hẹn về
lòng cũng muốn đi
đạp đổ bất công nuôi chí lớn
thâu gồm thiên hạ
cờ bay Nguyễn Huệ rợp Hà thành
Nay còn ngồi đây
tám người tuổi trẻ

Họ có vẻ là một nhóm nặng về lập thuyết chứ không phải một đảng phái hành động, vì thời ấy không có hành động nào lọt qua được hai cỗ máy chiến tranh to lớn đang đối diện nhau nghiền nát đất nước. Và qua cảm hứng thi ca của một người trong nhóm ta cũng thấy rằng họ không thiếu lãng mạn. Lãng mạn như một nỗi cảm khái che giấu sự bất lực mà có lẽ họ biết rất rõ, là dù hoài bão có lớn bao nhiêu thì “tám người tuổi trẻ” – có thể chỉ là con số tượng trưng-- cũng không thể làm được việc đội đá vá trời giữa những thế và lực quốc tế đang hiện diện bao trùm Việt Nam giữa thời bấy giờ.

Quả thế, tâm trạng chán nản, phẫn chí xuất hiện ngày càng nhiều trong những bài thơ về sau, khi cuộc chiến ngày càng nặng nề, đánh tiêu đi cái cảm thức xây dựng trong lý thuyết lẫn sự mơ mộng của “chí lớn” ngày nào.

Chúng ta ngồi với nhau rất muộn
ở Đà Lạt hay Sài Gòn
bơ vơ như đôi chiếc là vàng
không chờ một ngày rơi rụng
một chút gia đình một chút anh em
rồi thôi rồi thôi rồi thôi cũng hết
đời chưa xế chiều vàng
mà trong tim đã lẻ loi nỗi chết
(Bằng Hữu)

Diễn tiến và tầm vóc của cuộc chiến ngày một vượt xa ra khỏi sức tưởng tượng và sự chịu đựng của người dân Việt Nam, đến độ ngay những người từ đầu chấp nhận ý nghĩa tự vệ của miền Nam trước sự xâm lấn của miền Bắc, cũng cảm thấy hoang mang. Đó là kết quả của sự quốc tế hóa cuộc chiến. Trong ý thức một số người, cuộc chiến này không thể định nghĩa được nữa:
Hỏi chi nữa anh ơi
súng đã cầm trên tay
bây giờ tôi phải giết

Như một người trong mơ
tôi cầm tay anh
anh lính yêu quý của tôi ơi
vì sao anh phải giết

Anh ôm mặt khóc
nó đã giết cha tôi
em tôi vừa tử trận
bạn tôi mới lìa đời

Hãy định nghĩa cuộc chiến này như thế
cuộc chiến của từng người

Hãy định nghĩa cuộc chiến này như thế
bên nào cũng thế thôi

Chiều hôm nay tôi buồn
Lang thang trên trận địa
Ôi cuộc chiến này vô nghĩa
Như chiếc lá vàng rơi
(Định nghĩa buồn)

Đó chính là sự bế tắc, càng ý thức thì càng bế tắc, giống như sự thua trận rồi sẽ đến với miền Nam. Tập thơ này của Nguyễn Tường Giang chính là một chứng tích của thái độ cùng sự biến chuyển tâm trạng của một người trẻ trí thức của miền Nam. Đọc thơ, chúng ta như đang lội trong chuyển biến của một dòng tâm tư, đã gặp nỗi ưu tư và hoài bão tích cực về đất nước, tiếp đó là thái độ phẫn nộ, rồi đến phản chiến. Lộ trình tâm thức đó đi đến ngày 30 tháng Tư 1975 là chấm dứt. 

Thanh niên miền Bắc, trong chế độ toàn trị khắt khe tuyệt đối của thời chiến, có lẽ tâm trạng không vướng mắc gì trong các chuyến xuôi nam, cho đến khi vào đến Sài Gòn thì ý thức mới chợt bùng vỡ: đó là hình ảnh của một Dương Thu Hương ngồi xuống lề đường ôm mặt khóc. Trong ý thức của người trẻ miền Bắc ấy, đây là thời điểm của sự dối trá hiện nguyên hình. Không chế độ toàn trị nào mà không dối trá, thậm chí đó còn là lẽ sống của chế độ.

Phương sách toàn trị đã thắng một xã hội tự do dân chủ. Sức mạnh tổng hợp của phía Bắc đã thắng sự tự do tản mác ở phía Nam. Đó là chiến thắng của một trận chiến tranh. Nhưng những bông hoa dân chủ ngày ấy của miền Nam đã kết hạt và rụng xuống nơi này nơi kia trên mảnh đất đó, và khi gặp đủ duyên thì nó sẽ nẩy mầm để mọc thành cây, và trên đất thua trận miền Nam sẽ nhờ đó mà sẽ mang những phẩm giá gây cảm hứng dân chủ cho cả dân tộc sau này.


*

Miền Nam sụp đổ, tác giả sang Mỹ ngay trong những ngày miền Nam hấp hối. Có lẽ vì trải qua những biến động quá lớn lao, rồi phải để tâm trí hội nhập vào đời sống mới, trong đó có việc đi học lại Y khoa tại Mỹ, Nguyễn Tường Giang chỉ cho chúng ta thấy những bài thơ của giai đoạn mới, giai đoạn “hậu chiến”, bắt đầu làm từ 1982. Với một khoảng trống trong vòng một thập niên với một môi trường và cuộc sống hoàn toàn thay đổi, bây giờ tâm trạng của nhà thơ khác trước nhiều. Cuộc chiến là một cái gì đã xong, đã xa. Hiện tại là cuộc sống trên xứ người với sinh hoạt tích cực của một y sĩ, nhưng đời sống nội tâm được thể hiện qua thi ca của ông vẫn là một khu vực riêng biệt hầu như hoàn toàn độc lập với thực tế bên ngoài. Thơ của giai đoạn này là thơ của ba thập niên liên tiếp nhau 1980, 1990 và 2000. Bạn bè là một chủ đề lớn xuyên suốt ba chục năm, gần như bài nào cũng là một mảng tâm sự nào đó trao đổi với bạn bè. Ở đây “bạn” là những cái “bè” để nhà thơ đặt lên đó đủ loại nỗi niềm của mình, nhiều nhất là nỗi nhớ cố hương còn rất đậm trong thời gian mới xa xứ, rồi tình yêu, kỷ niệm cũ, hoài bão xưa… những cái bè ấy trôi lênh đênh trong cái biển tâm thức sâu thẳm mịt mùng nhưng bất biến cùng năm tháng. Đúng, Nguyễn Tường Giang mang một tâm thức nhất quán từ trước tới sau, luôn luôn yêu thương, nhạy cảm với nhiều sự việc của đời, và rất thiết tha với mảnh đất quê hương mà mình đã rời bỏ. 

Điều mà người đọc thơ có thể lấy làm lạ, là trong thơ của ông, nỗi buồn luôn luôn hiện diện. Ngay trong lúc đón xuân:
Nghĩ lại năm xưa xuân hớn hở
bạn bè nhộn nhịp lòng như hoa
gặp nhau ngày trước ngày sau hẹn
chuyện vãn qua đêm nhà tiếp nhà

Nhớ xưa tụ họp nơi quán nhỏ
đốt mộng đổi đời khói thuốc bay
bạn vào rừng núi, tôi thành thị
thư gửi nhau bằng tiếng đạn bay

Xuân này ngó lại đầy bông tuyết
tóc trắng bay theo những mộng đời
bạn cũ, quê xưa nào đâu thấy
chỉ thấy quanh nhà tuyết lại rơi
(Xuân xưa)

Nguyễn Tường Giang là người di tản thành công. Tới Mỹ ngay năm 1975 với gia đình toàn vẹn, có thời gian và năng lực học lại Y khoa để xây dựng một đời sống vững vàng, nhưng khi chúng ta đọc bài thơ “Nằm trực trong nhà thương bỗng rất buồn” của ông thì mới hiểu rằng, đối với ông, sự thành công về đời sống không đủ để xóa đi nỗi buồn vẫn đi theo ông như một cái bóng. Nằm trực ở nhà thương mà cứ tưởng
Có phải ta nằm trong huyệt mộ
nghe tiếng thời gian vọng xuống mồ

Nguyên ủy của đám mây u ám không rời tâm tưởng ông, chính là sự bất như ý lớn nhất đời ông: không làm gì được cho quê hương như hoài bão, mà rốt cục phải xa quê để trôi giạt xứ người. Dù so với tình cảnh của một người đi vượt biên để tìm đến Hoa Kỳ thì ông đã có tất cả, có trên mong ước của họ xa lắm, nhưng ông không có được nỗi vui mừng của họ khi đã đến được bến bờ tự do, trái lại tâm hồn ông luôn nặng trĩu 
Trời hỡi hồn ta tan rữa mất
Củi mục lầm than giữa đất người
Có đám mây bay về cố quận
Mang dùm ta chút hận khôn nguôi.

Ông có cường điệu hóa tình cảm của mình không? Có thật trong lòng ông vẫn mang mối hận khôn nguôi? Nếu theo dõi tâm sự của ông từ khi còn trai trẻ giữa thập niên 1960 ở Sài Gòn, những mong ước và tranh đấu để góp phần xây dựng đất nước mà ông đã thực hiện với bạn bè,  những phẫn nộ và đau khổ của ông trước thảm khốc của cuộc chiến, thì tôi tin nỗi buồn của ông ngày nay là có thực. Không phải vì một xác tín bị tan vỡ -- trong thế giới ngày nay tôi không tin một điều xác tín về chính trị trong hoàn cảnh Việt Nam giữa thập niên 1960 có thể tồn tại mãi mãi trong lòng một người đã đến sinh sống ở Hoa Kỳ, trong bối cảnh một thế giới đang nhanh chóng đổi thay -- mà là vì cái kết cục 1975 đã mang lại quá nhiều bi thảm cho Việt Nam. Bản thân ông và gia đình đã thoát ra các điều bi thảm đó, nhưng tâm hồn ông không thoát, ông đã bị bao nhiêu mối nợ với đất nước quấn quít níu kéo khiến ông đau đáu một nỗi buồn không nguôi. Chúng ta hiểu vì sao trong mấy mươi năm ông chỉ biểu lộ nỗi buồn đó trong thơ của ông mà từ trước đến nay ông luôn coi là một chốn riêng tư, chỉ trao đổi với bạn bè thân thiết. 

Đất lạ, năm tàn, đôi chén rượu
ngẫm đời, buồn tủi, chán, đau thương
thân sống nhưng hồn nghe vất vưởng
ngàn dặm muôn trùng qui cố hương

Nỗi buồn hóa ra là điểm có lẽ chân thật nhất trong tâm hồn ông, ông nâng niu gìn giữ nó như một giá trị còn lại sau bao nhiêu dâu biển của cuộc đời. Nỗi buồn tồn tại như một phẩm hạnh của tâm hồn nhà thơ, nó xác nhận một cái gì bất biến nơi ông, trước những biến đổi cực kỳ lớn cho đời ông cũng như cho đất nước Việt Nam. Dù phải hoàn toàn làm lại cuộc đời nơi xứ lạ, phong tục tập quán và văn hóa cuộc sống chung quanh đều thay đổi, nhưng trong thâm tâm ông đã kết tinh một viên ngọc của yêu thương lẫn đau thương, một loại trái tim Trương Chi không bao giờ tan biến. Đó là chỗ đáng yêu và đáng phục nhất của tâm hồn Nguyễn Tường Giang, nằm ẩn một cách sâu xa và kín đáo trong tâm sự thi ca của ông. Nỗi buồn trong tâm can đó cho chúng ta biết rằng ông nhất quán với lịch sử, số phận, hay nói chung là với “căn phần” của mình.

Nhưng cũng trong ba thập niên tại hải ngoại, thơ Nguyễn Tường Giang đã mở ra những hướng mới, tuy là vẫn luôn trên cái nền tâm thức cũ. Ông đi vào với thiên nhiên, Thu Ở Vermont là một bài thơ đẹp, hòa lẫn màu rực rỡ của lá thu với lòng mình
Gió thổi lao xao thềm cỏ úa
rào rạt ngàn cây lá đổi màu
trên những sắc xanh sầu lá đỏ
quạnh hiu vàng rơi hồn mênh mông

Nhưng thảm lá ấy không tồn tại như một sự vật hoàn toàn khách quan, thi nhân nhìn màu của lá là liên tưởng ngay màu áo của “em” ngày nào, với một cuộc tình, dĩ nhiên,
Nhớ em áo đỏ vờn trong gió
nhớ em tóc mịn mềm mại bay…

Nhưng rồi khối lá ồ ạt của cảnh thiên nhiên vĩ đại ấy lại kéo tâm hồn tác giả ra khỏi hình ảnh của người tình xưa để đắm vào một ý tưởng xa thẳm hơn, nâng tâm hồn lên một tầng cảm ứng tĩnh lặng như thốt nhiên rơi vào trạng thái hốt ngộ
Trùng trùng điệp điệp cây trút lá
Quạnh quẽ hoàng hôn chim lạc bầy
Thời gian có phải trong vô tận
Âm dương tĩnh lặng khói hồ bay

Giá mà sau khi đọc câu chót này, chúng ta được nghe một tiếng chuông ngân lên từ một ngôi chùa giữa cảnh hoàng hôn mờ ảo, như một dấu chấm hết lửng lơ, thì đó mới thực là một kết thúc thập phần viên mãn!
Nhưng thiên nhiên thì xa mà bạn bè thì gần. Trong đời sống ở Mỹ, đến với những vùng thiên nhiên đặc sắc nhiều khi phải qua một hoạch định từ nhiều tháng trước và phải đi hàng trăm dặm đường trường, trong khi bạn bè thì gần gũi hơn nhiều. Chúng ta rất nhiều lần bắt gặp Nguyễn Tường Giang nói về và nói với bạn bè qua những lần nâng cốc rượu, những lần ngồi quán cà phê, với các rung cảm rất “đời thường”, có thể nói đó là các thú vui dù là ít ỏi, điều không hề thấy trong dòng thơ trước 1975. Diễn tả tiếng đàn contrebass trong quán rượu qua câu thơ như thế này có thể nói là tài tình:
Bứng bừng bừng, bứng bừng bừng
bứng bừng bừng
bứng bừng

Và từ những tiếng tượng âm giàu nhục cảm như thế, tác giả viết tiếp
Tôi ngồi với em trong quán rượu
nghe tiếng đàn
thèm ngất ngây đôi môi ẩm thuốc
đầu vú ngực căng

Tất nhiên thôi, và hai người bạn được tác giả tặng bài thơ này hẳn nhiên cũng đã chia sẻ cái không khí của quán rượu “đêm mùa hè nhễ nhại mồ hôi” có ánh đèn “đỏ như máu” với tiếng đàn contrebass bừng bứng bưng đầy thôi thúc.

Đó là một tiếng nhạc. Và đây là một điệu nhảy. Ai đã từng đến Tây Ban Nha và thưởng thức điệu nhảy flamenco nổi tiếng của xứ này đều đồng cảm với tác giả
Tôi nhớ Sevilla
         người vũ công nhẩy flamenco
đôi môi hé mở
như một nụ hoa
mắt long lanh hoang dại
và những giọt mồ hôi/hay nước mắt
         chẩy hoen bụi phấn hồng
Nhịp giầy trên sàn gỗ
        bụi bay mờ
           tiếng vỗ tay rồn rập
                 váy muôn màu bay lượn mộng du
                       mù mờ cơn mộng mị 
                            tan vỡ cuộc tình xưa

Điệu nhảy flamenco trên sàn gỗ là một hình thái nghệ thuật truyền thống của người Tây Ban Nha, trong đó người nghệ sĩ đàn (ghi ta) cũng như người nhảy đều gần như trong trạng thái lên đồng, cực tả những nỗi thảm thiết không tên, chỉ có thể gọi là “mù mờ cơn mộng mị/tan vỡ cuộc tình xưa” như tác giả cảm nhận một cách chính xác. Với một khả năng phong phú sẵn có, trước nghệ thuật Nguyễn Tường Giang đồng cảm rất nhanh, dù đó là nghệ thuật của trời đất (màu lá thu), hay là tiếng đàn, điệu nhảy. Hay là của nghệ thuật tạo hình:
Mầu đỏ mầu xanh mầu tím mầu vàng
mỗi màu một vuông da thịt em
trải nỗi đớn đau âm mặt vải
vết cọ đâm lạnh buốt trong tim
(Xem tranh ở nhà Đinh Cường)

Xem tranh mà cảm được nỗi đau trở dạ của người nghệ sĩ sáng tác trên khung vải, thái độ về cái đẹp ở đây không ngừng ở những gì trông thấy trên mặt tranh, mà còn như tiến sâu vào nỗi thao thức sáng tạo từ tâm khảm của người cầm cọ. Có khi như đọc được tâm sự của họa sĩ khi đưa cọ chấm một giọt nước mắt cho người trong tranh, diễn dịch được những gì ẩn giấu trong ngôn ngữ hội họa sang ngôn ngữ thi ca
trong tim thổn thức niềm tuyệt vọng
cuối mắt em đọng giọt sương phai
(Ẩn tình)


*

Thơ Nguyễn Tường Giang là một thế giới rất riêng của tác giả. Sáng tác thơ đối với ông gần như một nhu cầu, một sinh hoạt âm thầm đi song song với đời sống thường ngày. Đối với ông đó là một đời sống khác, có một chu vi nhỏ hẹp, trong đó vần điệu là những tiếng thủ thỉ với chính mình, hay cùng lắm là chỉ với những người rất thân thiết. Ông làm thơ nhiều nhưng ít khi đăng trên báo và chưa bao giờ xuất bản, cho nên cho tới nay hầu hết nguồn thơ phong phú của ông vẫn còn xa lạ đối với công chúng. Đây là lần đầu tiên một tuyển tập thơ sáng tác trong gần 50 năm được xuất bản, cho thấy một thế giới khác của một con người, cái thế giới vô cùng tế vi của nỗi buồn, của hoài bão, của tình bạn, tình yêu, của những rung động của mình đối với thiên nhiên, nghệ thuật và nói chung, cuộc sống. Con người đó nay vừa bước vào tuổi bảy mươi, có lẽ thấy đã đến lúc nên chia sẻ cái mảng riêng tư ấy của mình với mọi người. 

Và người đọc thì thấy phải cám ơn ông về sự chia sẻ đầy thân ái này.

Nam California, ngày 20 tháng Ba, 2012