Saturday, June 2, 2018

Một cuốn sách của tình bạn


Buổi sáng ngày 31 tháng 5, 2018, tôi nhận được điện thoại của anh Nguyễn Tường Giang mới từ Washington DC qua Nam California, hẹn gặp nhau để tặng tôi một cuốn sách mới vừa in xong. Tôi hơi ngạc nhiên, hỏi lại “Gần đây tôi không nghe anh nói có viết lách gì mới, thế mà bây giờ...” Giang hiểu ý, bật mí một chút “Công trình của ba người...”

Tôi hiểu ngay ba người ấy là ai. Đúng 12 giờ trưa chúng tôi gặp nhau tại tiệm ăn, việc đầu tiên của tôi là cầm quyển sách, bìa trình bày rất cốt cách với nền là một bức tranh màu xám nhạt với chữ ký rất quen thuộc đối với tôi : Đinh Cường. Đinh Cường là một trong ba tác giả của cuốn sách này --một tác giả vắng mặt-- hai người còn lại là Nguyễn Mạnh Hùng và Nguyễn Tường Giang.

Cuốn sách chia làm ba phần.

Phần đầu đăng năm truyện ngắn do Nguyễn Mạnh Hùng dịch từ các tác giả nước ngoài, chiếm số trang nhiều nhất, 148 trên tổng số 277 trang của cuốn sách. Chắc vì lý do này mà sách mang tên Truyện Tình, gồm năm truyện của Ivan Klima (Tiệp Khắc), Gabriel Garcia Márquez (gốc Columbia), Orhan Pamuk (Thổ Nhĩ Kỳ), Colm Tóibín (Ái Nhĩ Lan), Nicole Krauss (Mỹ), toàn là các danh tác quốc tế. Theo Nguyễn Tường Giang, năm truyện ngắn trong tập sách này là nguồn cảm hứng cho anh viết những bài thơ riêng tặng bạn, và là những cảm xúc để Đinh Cường đưa màu sắc và hình tượng vào tranh.

 Tranh Đinh Trường Chinh

Trong Lời Mở Đầu của phần này, dịch giả Nguyễn Mạnh Hùng bắt đầu bằng câu : “Cuốn sách nhỏ này là việc thực hiện muộn lời hẹn với một người bạn đã mất.” Người đó là Đinh Cường, đến Mỹ năm 1989 và trở thành bạn thân của Nguyễn Mạnh Hùng và Nguyễn Tường Giang “chơi thân với nhau một phần vì chúng tôi hợp tính và đồng cảm, phần khác vì chúng tôi ở gần nhau, trong một quận phía Bắc bang Virginia.” Chính Đinh Cường vì thích các truyện dịch của Nguyễn Mạnh Hùng đã nảy ra ý tưởng “Sao ông không chịu khó dịch khoảng năm truyện thôi, gộp với thơ của Giang và tranh của tôi, in thành sách ... Để ba đứa chơi chung ấy mà.” Đinh Cường qua đời ngày 7 tháng 1 năm 2016.

Phần hai gồm 10 bài thơ của Nguyễn Tường Giang sáng tác trong nhiều năm qua. Trong lời nói đầu của phần này nhan đề “Những Bài Thơ Viết Riêng Cho Bạn” Nguyễn Tường Giang cho biết trong hoàn cảnh nào ba người gặp nhau và trở thành bạn thân : “... Nguyễn Mạnh Hùng đã trở lại ngành giáo dục, giáo sư của một trường đại học lớn trong vùng và hay làm gạch nối để tổ chức những chương trình văn hóa đa dạng và nhất là nhiều buổi triển lãm tranh tại một cơ sở của trường đại học, trong đó có nhiều cuộc triển lãm tranh của Đinh Cường, và tôi, cũng chỉ như một người khách lạ đến xem tranh, đã từ đó gặp gỡ và làm quen với hai người bạn mới, Đinh Cường và Nguyễn Mạnh Hùng.”
Tình cờ trong 10 bài thơ này có bài Đêm Nghe Người Chơi Đàn Contrebasse, Tặng Nguyễn Mạnh Hùng/nhớ tranh Đinh Cường, mà kẻ viết bài này đã có một ít nhận xét trong một bài viết cách đây sáu năm, như sau :

 Contrebasse 1 - Đinh Cường

Chúng ta rất nhiều lần bắt gặp Nguyễn Tường Giang nói về và nói với bạn bè qua những lần nâng cốc rượu, những lần ngồi quán cà phê, với các rung cảm rất “đời thường”, có thể nói đó là các thú vui dù là ít ỏi, điều không hề thấy trong dòng thơ trước 1975. Diễn tả tiếng đàn contrebass trong quán rượu qua câu thơ như thế này có thể nói là tài tình:

Bứng bừng bừng, bứng bừng bừng
bứng bừng bừng
bứng bừng

Và từ những tiếng tượng âm giàu nhục cảm như thế, tác giả viết tiếp

Tôi ngồi với em trong quán rượu
nghe tiếng đàn
thèm ngất ngây đôi môi ẩm thuốc
đầu vú ngực căng

Tất nhiên thôi, và hai người bạn được tác giả tặng bài thơ này hẳn nhiên cũng đã chia sẻ cái không khí của quán rượu “đêm mùa hè nhễ nhại mồ hôi” có ánh đèn “đỏ như máu” với tiếng đàn contrebass bừng bứng bưng đầy thôi thúc.
Đó là một tiếng nhạc. Và đây là một điệu nhảy. Ai đã từng đến Tây Ban Nha và thưởng thức vũ điệu flamenco nổi tiếng của xứ này đều đồng cảm với tác giả

Tôi nhớ Sevilla
         người vũ công nhẩy flamenco
đôi môi hé mở
như một nụ hoa
mắt long lanh hoang dại
và những giọt mồ hôi/hay nước mắt
         chẩy hoen bụi phấn hồng
Nhịp giầy trên sàn gỗ
        bụi bay mờ
           tiếng vỗ tay rồn rập
                 váy muôn màu bay lượn mộng du
                       mù mờ cơn mộng mị
                            tan vỡ cuộc tình xưa

Điệu nhảy flamenco trên sàn gỗ là một hình thái nghệ thuật truyền thống của người Tây Ban Nha, trong đó người nghệ sĩ đàn (ghi ta) cũng như người nhảy đều gần như trong trạng thái lên đồng, cực tả những nỗi thảm thiết không tên, chỉ có thể gọi là “mù mờ cơn mộng mị/tan vỡ cuộc tình xưa” như tác giả cảm nhận một cách chính xác. Với một khả năng phong phú sẵn có, trước nghệ thuật Nguyễn Tường Giang đồng cảm rất nhanh, dù đó là nghệ thuật của trời đất (màu lá thu), hay là tiếng đàn, điệu nhảy.” (Phạm Phú Minh - Tĩnh Lặng, Khói Hồ Bay).



Phần thứ ba là... phòng triển lãm tranh Đinh Cường. Chúng ta được thưởng thức 23 bức tranh do họa sĩ Đinh Trường Chinh con trai của Đinh Cường chọn lựa. Tôi ngạc nhiên và thích thú trước một loạt năm bức khỏa thân rất đẹp, một đề tài lần đầu tiên tôi được xem của tác giả này. Các bức tĩnh vật vẽ hoa và bốn bức vẽ nhạc khí đại hồ cầm tôi gặp lại như những người bạn xưa, vì trước kia Đinh Cường thưởng gửi hình chụp các tác phẩm thuộc đề tài này cho tôi để giúp làm bìa hay minh họa cho báo Thế Kỷ 21 mà tôi phụ trách.

Bài viết ngắn trong sách của Đinh Trường Chinh “Ngọn Lửa Nhỏ Cuối Mùa Đông” là một lời thay mặt bố, bên cạnh một số họa phẩm rất tài hoa của chính mình. Trường Chinh viết :

“Với riêng tôi, cuốn sách này là một cuộc chơi giữa ba người bạn: Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Tường Giang, và Đinh Cường. Chơi mà không phải chơi. Nó ghi lại phút sáng tạo nghiêm túc của những tâm hồn mẫn cảm, đôi khi, quá mẫn cảm, với đời sống này. Nếu được xuất hiện riêng bằng sáng tác của mình, có lẽ mỗi người đã xuất hiện với một khí hậu khác. Nhưng đây là sự ghi nhận tinh thần chung bằng những gì có thể làm với nhau, từ sự thiếu vắng của một người. Những bài viết, bài thơ, truyện dịch, tranh... trong tập sách này là sự sẻ chia đó, và nó như một ngọn lửa thắp cho Đinh Cường. Một việc làm thật đẹp mà chỉ có được từ những người bạn đúng nghĩa.”

*

Tình bạn Hùng-Giang-Cường có một điểm độc đáo là đã thành hình khá trễ trong cuộc đời của họ, đại khái là vào trên dưới tuổi năm mươi của mỗi người. Ở tuổi đó con người đã điềm đạm không còn sôi nổi về tình cảm như tuổi hoa niên. Các ảo tưởng hầu hết đã qua, họ đã thấu hiểu các giá trị của đời sống, những gì họ hợp ý với nhau đều mang tính chất già dặn của kiến thức và chín muồi trong cảm nhận. Tôi hình dung tình bạn của họ khá dung dị, họ đã qua thời mang những lý tưởng ồn ào, rất thoải mái cùng nhau thụ hưởng các thú vui của đời sống, tìm ăn những món ngon, thưởng thức hương vị của những ly rượu lâu năm, cùng nhau đi nghe nhạc xem tranh, thích bàn luận đủ thứ chuyện trên đời quanh bàn cà phê, hoặc cầu kỳ hơn, kéo nhau qua la cà trên các đường phố Paris là nơi họ đã bị mê hoặc trong khí hậu văn hóa thời trẻ tuổi ở Việt Nam...

Và có lẽ chính vì gặp nhau trễ mà họ lại sớm nếm trải sự buồn bã của tử biệt... Cuốn sách được thực hiện khi một trong ba người không còn nữa càng tô đậm cho tình bạn của họ, khi tên của cả ba người được in thành một nhóm thân mật trên bìa sách như là đang cố gắng quây quần với nhau mãi mãi, giống như trong một “truyện cổ tích vừa mới xảy ra”.

2-6-2018
PPM