Thursday, October 18, 2018

SINH NHẬT TÁM MƯƠI CỦA TÔI


Phạm Phú Minh

Trên giấy tờ hiện nay của tôi thì ngày tháng năm sinh là 17 tháng Chín, năm 1940, nhưng năm sinh thật của tôi là 1938, Mậu Dần, tôi tuổi con cọp. Thế hệ của tôi ít ai không phải đi tản cư khi bùng nổ cuộc chiến tranh Việt Pháp năm 1947, và sau mấy năm lao đao ở “vùng tự do” thì một số dần dà hồi cư về với “vùng quốc gia”, và khi nộp đơn đi học lại thì phải làm khai sinh mới, nhân đó khai sụt đi vài năm để bù vào những năm học hành chập chờn trên con đường tản cư. Vì thế tôi có năm sinh mới là 1940 và suốt mấy mươi năm qua tôi luôn luôn đóng vai “trẻ” hơn tuổi thật của mình hai năm, và cũng quen đi, tưởng mình trẻ thật.

Nhưng năm nay là 2018, khi đến sinh nhật của mình thì tôi giật mình thấy mình thật ra đã đúng tám mươi. Kể ra 80 hay 78 thì cũng chẳng khác nhau là bao, có gì mà phải giật mình ? Tôi nghĩ quan niệm xã hội về tuổi thọ nó khiến cho tôi giật mình thôi, chứ từ bao năm nay, đều đều cứ mỗi năm lên một tuổi, có vấn đề gì đâu ? Năm bảy mươi tuổi tôi đã chẳng mảy may xúc động với câu “thất thập cổ lai hy”, vì thấy câu đó xưa quá rồi, đã thành sáo rỗng chẳng có thể áp dụng mảy may nào vào tuổi thọ của con người ngày nay. Bảy mươi lềnh khênh ra đó, có gì là hiếm đâu. Nhưng chẳng mấy chốc “bát thập” đã đến, tôi có chút giật mình. Có lẽ vì từ lâu tôi mơ hồ thấy đó là vùng cấm địa của cuộc sống con người, ai vào được vùng đó được coi là có một cái gì đó hơn người. Ít ra là đã vượt cái mốc thất thập được đúng mười năm.

Nhưng tất cả chỉ đều là những cái mốc do con người đặt ra thôi, nào là tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập tri thiên mệnh... tất cả là đúc kết kinh nghiệm sống của đời người thôi. Nhưng điều kiện sống của con người thay đổi theo từng thời đại, nên những công thức của đời xưa truyền tới nay nhiều khi chẳng còn vững chắc nữa.

Đâu đó có vài người bạn nhắc tôi tám mươi là Thượng Thọ. Thời đại đổi thay đã biến ý nghĩa của hai chữ này thành tương đối lắm rồi, đôi khi có vẻ khôi hài. Nhưng vậy là vui. Sống vui là quý, chẳng nên đòi hỏi gì hơn.

TIỆC THỨ NHẤT

Ngày 16 tháng 9 vừa rồi nhằm ngày Chủ Nhật, anh em bạn trong nhóm Dream Team tổ chức họp mặt tại nhà anh Trần Huy Bích, nhân thể mừng sinh nhật 80 cho tôi và anh Thành Tôn, cũng  sinh nhật trong tháng 9. Tôi rất cảm động. Trong số những người có mặt, có những bạn như các anh Trúc Chi Tôn Thất Kỳ, Trần Huy Bích đã qua ngưỡng cửa tám mươi được năm ba năm rồi. Sau khi cùng tôi kiểm điểm lại tuổi tác của bạn bè trong nhóm, anh Bích kết luận tôi được đứng vào hàng thứ ba về tuổi già. Hầu hết các bạn còn lại đang ở trong thập niên bảy mươi của đời người. Một người ở lứa tuổi lưng chừng, sáu mươi, là Ngọc Dung. Hiếm hoi có hai bạn đang ở tuổi 54 và 51, đương nhiên về tuổi là thuộc hàng em út của nhóm. 
 Bánh sinh nhật do anh Ngô Thế Vinh tặng

     Thành Tôn và Minh cắt bánh

  Khoảng đầu tháng 9, tôi có nhận được một cái thiệp sinh nhật từ Thụy Sĩ của Christina, cô bạn người Ý thân nhau với tôi từ năm 1970 trong lần họp mặt thanh niên quốc tế tại Mỹ. Cô ấy nhỏ hơn tôi mười tuổi, từ đó đến nay coi tôi như ông anh, và không ngờ năm nay Christina cũng nhớ đến cái “thượng thọ” của tôi và gửi một tấm thiệp có số 80 rõ to với câu in sẵn :

À ton âge, le bonheur c’est de se retourner ... et d’admirer tout le chemin parcouru !...
Félicitations !
Ở tuổi của bạn, hạnh phúc là quay trở lại ... và ngắm nhìn con đường mình đã đi qua !...
Chúc mừng bạn !


Tôi rất thích tấm thiệp của Christina nên nhờ Vũ Nguyễn chụp lại nguyên mẫu và in trên một tờ giấy lớn hơn để mời anh em bạn ký vào làm kỷ niệm trong cuộc họp mặt tại nhà anh Bích hôm 16 tháng 9. Con số 80 như một dấu mốc thật to dựng lên ngay trước mặt. Rõ rệt, không trốn chạy vào đâu được. Câu khuyên người tám mươi in trên tấm thiệp cũng hay, như một báo hiệu cho một người đã đi trên trần gian suốt tám thập niên bây giờ nên làm gì : nên ngoảnh lại, nhìn con đường mình đã đi qua. Đã đến lúc nghỉ ngơi chăng ? Đến lúc tổng kết cuộc đời chăng ? Có những chiếc xe chạy đã lâu nhưng vẫn còn trớn, cần một dấu hiệu để báo đã đến lúc phải chậm lại, sẵn sàng chuẩn bị lúc... ngừng hẳn.

À, thì ra đó là đặc tính của cái mốc tám mươi, người ta đã đúc kết kinh nghiệm từ nhiều đời để trao cho người mới tới chặng đường mới. Tôi rất vui với cuộc họp mặt tại nhà anh Bích, cảm thấy mình may mắn có những người bạn rất quý.

Từ trái : Huy Văn Trương, Nguyễn Duy Chính, Tràm Cà Mau, Phạm Phú Minh, Vũ Nguyễn,
Lê Thành Tôn, Tôn Thất Kỳ, Trịnh Y Thư, Trần Huy Bích (hình Ngô Thế Vinh).


Nguyễn Trung Quân, Phạm Phú Minh, 
Phạm Lệ Hương, Phan Đào Nguyên.

 “Hội nghị bàn tròn” sau khi khách khứa đã vãn.

* * *

Tiệc thứ hai - một surprise lớn

Tôi được Xuân Đài thông báo từ lâu, cuối tháng 9, 2018 vợ chồng Xuân Đài-Frédéric sẽ từ Paris qua Napa ở Bắc California để dự một đại hội quốc tế về rượu vang, ngày 3 tháng 10 cả hai sẽ về Quận Cam để thăm chúng tôi, và sẽ về Pháp vào ngày 6. Nhân dịp này, từ cuối tháng 9 tôi gọi điện thoại cho cháu tôi, Phạm Phú Thiện Giao đang làm việc tại Washington DC gợi ý nên gắng về Quận Cam trễ nhất ngày thứ Sáu 5 tháng 10, để có một cuộc họp mặt gia đình nho nhỏ. Giao hứa sẽ cố về.

Cuối cùng thì những người khách từ thủ đô nước Pháp và từ thủ đô nước Mỹ đều có mặt tại Quận Cam trong ngày 3 tháng 10. Như hẹn trước, ngày 4/10 tôi đưa vợ chồng Xuân Đài đi thăm một số họa sĩ bạn tôi đang ở trong vùng như Ann Phong, Trịnh Cung, Nguyễn Đình Thuần để xin được xem tranh của họ - con gái và con rể của tôi đều thích tranh của các họa sĩ Việt Nam, và họ đã có một bộ sưu tầm kha khá. Ngày 5/10 thì Xuân Đài và Frédéric đi mua sắm với bà xã tôi. Trong khi đó Xuân Thục, con gái thứ hai của tôi, đang ở Irvine, gửi email mời tôi cùng cả nhà ăn cơm tại nhà hàng Hồng Ân vào tối thứ sáu, 5 tháng 10. Vậy chương trình cho hai ngày ghé thăm ngắn ngủi của vợ chồng Xuân Đài, và cả Giao nữa, sẽ kết thúc với một bữa cơm trong vòng gia đình không quá mười người.

Đúng 7 giờ tối ngày 5/10, khi đến nhà hàng Hồng Ân thì tôi ngạc nhiên đến ngỡ ngàng khi thấy khoảng trên 20 người đang chờ tôi : gia đình các con cháu của chị Ba và chị Cả tôi, gia đình của hai cô con gái tôi, và một số đông những người bạn thân thiết của tôi, anh Trần Huy Bích, Phạm Lệ Hương, chị Đỗ Ngọc Yến, Thành Tôn, Vũ lớn, Vũ nhỏ, Y Sa - Hạo Nhiên v.v... Tôi ngạc nhiên thật sự, biết đây là một surprise dành cho mình nhưng vì thành phần được mời khá rộng rãi, tôi không thể biết ai là kẻ “chủ mưu”. Hai con tôi thì vì có chồng ngoại quốc, lại không trực tiếp quen biết với môi trường sống của tôi, làm sao có thể mời mọc như thế ? Nhưng lúc đó tôi thấy rất vui, biết đây là một kỳ công của liên lạc và “bảo mật” để mang lại cho tôi sự ngạc nhiên lớn, và dĩ nhiên đồng thời cũng là niềm vui lớn.



Sau mới biết, “ý tưởng” là do Xuân Đài và Xuân Thục, còn việc mời mọc những ai thì đều do Giao, cháu tôi thực hiện từ cả tháng trước mà tôi hoàn toàn không hay biết gì cả. Đây là một âm mưu tổ chức của con và cháu vậy.

Dĩ nhiên tối hôm đó tôi đã nhận được nhiều quà tặng từ bạn bè, con, cháu, chưa bao giờ tôi được đứng giữa một “party” sinh nhật để khui nhiều gói quà như vậy, nào áo sơ mi, áo blouson, cravate, khăn quàng ấm, sâm, máy làm cà phê, và vô số những chai rượu chát đỏ... Riêng Frédéric, chàng rể từ Paris đã khui hai chai Champagne hảo hạng mang từ Pháp qua để mời mọi người, ai cũng khen là rượu quá ngon.

Nhưng về quà chưa phải là chấm dứt ở đó. Mấy ngày sau tôi còn nhận được hai món quà tinh thần vô giá, bay đến tôi qua email. Đó là hai bài thơ chúc mừng sinh nhật. Một từ Seattle của Trần Mộng Tú, đến trước :

Trần Mộng Tú: Bài Ca Sinh Nhật
(Tặng Sinh Nhật PXĐ - 80)

Hôm nay ta nhặt được tám mươi năm trên con đường trước mặt
Con đường ta đi tiếng cười
che tiếng khóc
Có ái tình thăng hoa
Có tình yêu như vết xước
Ta đi qua bao con sông bao cánh đồng
Ta đã dừng lại đã ca hát và nhỏ lệ
Ai đó đã giam hãm thân xác ta
Nhưng hồn ta vẫn bạt ngàn cơn gió
Những cơn gió đã thổi vào hồn ta khí thiêng của những người ngàn năm cũ
Nên tám mươi năm phúc ấm ơn dầy
Những con sông ta đi qua đã cuốn trôi những bất hạnh trong đời
và để lại trong hồn ta những viên sỏi đẹp
Ta dựa vào thông nên một đời đứng thẳng
vẫn nghiêng mình nhìn giông bão bay qua
Tám mươi năm ta ngửa lòng tay
những hạt lệ như những hạt kim cương lấp lánh

Tám mươi năm Trời cho ta vóc hạc
ta xoải một đời tóc trắng như mây.


tmt
tháng 9/17/2018

Bài thứ nhì của nhà thơ Khánh Hà từ Oslo, Na Uy :

Từ nơi xa xôi, KH xin muộn màng gởi đến anh lời chúc mừng chân thành nhất :

            Mừng anh sinh nhật tám mươi
            Như bonsai quý nhánh tươi cội già
            Vui buồn như gió thoảng qua
            An nhiên, tự tại vẫn là cõi tâm

Thân chúc,
Khánh Hà

Tôi thật sự cảm thấy hạnh phúc trước tình cảm của con, cháu, bạn bè khắp nơi khi tôi thực thụ bước vào cái ngưỡng cửa của Thượng Thọ. Tôi mong mỏi mối thân tình này sẽ được gìn giữ mãi mãi, không những chỉ trong đời này mà còn trong đời sau nữa, mãi mãi...

Phạm Phú Minh
Ngày 15 tháng Mười, 2018