Sunday, May 11, 2014

Chế Độ Kiểm Duyệt tại Việt Nam

Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, chế độ kiểm duyệt văn hóa phẩm chỉ có ở miền Nam, miền Bắc không có kiểm duyệt.
Nhìn chung trên thế giới, một số quốc gia có chế độ kiểm duyệt đều thuộc “thế giới tự do”, các quốc gia cộng sản trước đây và bây giờ không có kiểm duyệt.

Lý do giản dị: khi một chính quyền lựa chọn đặt đất nước mà mình cai trị trên một nền tảng tự do thì một cách mặc nhiên chấp nhận có sự đa nguyên trong xã hội, chấp nhận có nhiều ý kiến khác nhau, chấp nhận có đối lập. Với tiền đề ấy, tùy theo từng nhu cầu giai đoạn, một chính quyền có thể thiết lập chế độ kiểm duyệt đến một mức độ nào đó, để tự bảo vệ mình, hoặc bảo vệ một chính sách nào đó mà mình đang theo đuổi. Chế độ kiểm duyệt, trong trường hợp này, như những người lính canh cửa đề phòng sự đột nhập của kẻ gian vì tình hình không được an ninh. Khi tình hình khá hơn, có thể đổi khác. Ðó là biện pháp phòng ngừa có tính cách chiến thuật, áp dụng trong một giai đoạn thôi. Khi không cần nữa thì để cho cái nền tự do được lộ diện.
Nước ta bắt đầu biết đến sự kiểm duyệt khi nghề báo và nghề xuất bản được người Pháp mang vào từ khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Báo chí xứ Nam Kỳ bằng quốc ngữ xuất hiện trước tiên, hầu như chẳng có kiểm duyệt, vì Nam Kỳ là thuộc địa Pháp có luật lệ về ngôn luận khá tự do, vả lại những tờ báo đầu tiên ở Nam Kỳ đều đo người Pháp sáng lập, giao cho người mình làm. Nhưng khi làng báo Việt Nam dần dần trưởng thành từ thập niên 1920 trở về sau, khi người cầm bút Việt Nam bắt đầu ý thức sự lợi hại của ngôn luận báo giới và dùng nó như vũ khí đấu tranh với chính quyền thực dân thì sự kiểm duyệt mới thành rõ rệt. Tờ Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng ở Huế, tờ Phong Hóa rồi Ngày Nay của nhóm Tự Lực Văn Ðoàn ở Hà Nội trở thành “khách hàng” thường trực của Sở Kiểm Duyệt thuộc chính quyền thực dân. Tuy nhiên, trong một mức độ nào đó, tiếng nói phản kháng của những tờ báo đấu tranh thời ấy vẫn có thể cất lên được, nếu đề tài không “chạm nọc” lắm, hoặc cách trình bày khéo léo khiến người ta không bắt bẻ được. Kiểm duyệt, như thế, được coi là văn minh, phần nào vẫn tôn trọng cái quyền được phát biểu của người khác.


hình bìa và một trang bị kiểm duyệt trong bản thảo
tập thơ Giòng Mắt Em Xanh của Tạ Ký, 1961.

Ðến giai đoạn đất nước chia hai, bắc nam theo hai chế độ khác nhau thì miền Bắc không có kiểm duyệt, miền Nam có cơ quan kiểm duyệt báo chí, ấn phẩm thuộc bộ Thông Tin. Thời Ðệ nhất Cộng Hòa báo chí ngoan ngoãn, hầu như không có trường hợp chỉ trích chính quyền trừ tờ Thời Luận của ông Nghiêm Xuân Thiện trong thời gian đầu, sau bị chính quyền bóp chết, hoặc thủ đoạn chèn ép phát hành của chính quyền đối với tạp chí Văn Hóa Ngày Nay của Nhất Linh khiến báo phải tự đóng cửa. Ðây là giai đoạn báo chí của “thời bình”, ít khi sở kiểm duyệt của chính quyền phải ra tay. Về sách thì trước khi xuất bản bắt buộc phải qua kiểm duyệt, có giấy phép rồi mới được in và phát hành.
Ðến thời Ðệ nhị Cộng Hòa thì xã hội tự do hơn, tiếng nói đối lập được công khai và mạnh mẽ hơn, và như một hệ quả tự nhiên, sự can thiệp của chính quyền vào báo chí cũng thường xuyên và thô bạo hơn. Xứ sở đang chiến tranh ngày càng khốc liệt với phe cộng sản, một cuộc chiến toàn diện mà phần tuyên truyền được đặt rất nặng không thua gì mặt quân sự. Dĩ nhiên chính quyền phải ngó chừng phía báo chí rất nhiều, phải hạn chế những chỉ trích chính quyền mà theo họ nghĩ, sẽ làm lợi cho đối phương. Rõ rệt hơn cả là hiện tượng “tự ý đục bỏ” trên các tờ nhật báo. Khi bạn mua một tờ báo ngày bỗng thấy có những khoảng trắng trên trang báo với một dòng chữ “tự ý đục bỏ” chạy ở giữa, thì bạn hiểu bài đó, hay đoạn đó đã bị kiểm duyệt bắt buộc phải bỏ đi. Bị bắt buộc, nhưng phải khẳng định bằng một dòng rằng đó là do mình tự ý muốn thế, đó là nét khôi hài lẫn chua chát của kiểm duyệt thời ấy.
(Tưởng cũng nên giải thích về chữ “đục bỏ” để những người trẻ bây giờ có thể hiểu tiếng ấy nghĩa là gì. Thời ấy nghề in còn theo phương pháp dùng những mẫu tự đúc rời bằng chì để xếp thành bài, mỗi bài là một khối những thanh chì xếp lại với nhau, rồi những khối ấy lại được xếp vào một cái khung chung tức khuôn khổ tờ báo- để làm thành một trang báo. Người ta lăn mực lên mặt khuôn chữ và đặt một tờ giấy lên trên rồi vỗ vỗ xuống để có bản in thử, những “thầy cò” đọc bản vỗ này để sửa lỗi. Ðối với nhật báo, sau khi thợ sắp chữ dựa trên những ghi chú của thầy cò mà sửa xong lỗi, thì người ta sẽ in một bản để nộp kiểm duyệt. Khi báo đã lên khuôn như thế mà bị kiểm duyệt phải bỏ một bài hay một một đoạn thì chỉ còn cách đục bỏ lớp mặt chữ bằng kim loại của bài ấy đi, chứ không thể tháo cả khuôn chữ ra xếp lại vì mất thì giờ lắm, nhật báo thì phải in và phát hành ngay. Kết quả, là sẽ có những khoảng trắng trên trang báo, nếu tờ báo ấy bị kiểm duyệt ra lệnh phải bỏ phần ấy).
Trong khi đó phía miền Bắc không cần chế độ kiểm duyệt báo chí sách vở, vì tất cả đều là của chính quyền, không lẽ chính quyền lại đi kiểm duyệt chính mình? Miền Bắc theo chế độ cộng sản, là một chế độ toàn trị do đảng cộng sản thâu tóm hết mọi thứ, kiểm soát hết mọi thứ, từ miếng ăn, áo mặc, việc làm, học hành, giải trí, tình cảm, đức tin, kể cả tư tưởng của con người ta… đều nhất nhất theo lệnh đảng, không một ai được bước chệch ra ngoài. Cộng sản là một chế độ sắt máu, không theo họ là bị trừ khử ngay, nên mọi người phải răm rắp tuân theo lệnh đảng, cả xã hội như một đàn cừu chỉ biết bước theo con đầu đàn. Cả cuộc sống, cả con người, từ phần xác lẫn phần hồn bị kiểm soát chặt chẽ chứ không phải là kiểm duyệt nữa. Nhân Văn Giai Phẩm là một trường hợp đau thương của những văn nghệ sĩ muốn có tự do trong sáng tạo, họ bị đàn áp tàn khốc, bị đẩy vào chỗ tàn phế suốt đời. Ðảng dành lấy quyền sản xuất mọi thức ăn tinh thần cho xã hội, báo chí, sách vở, văn nghệ… bắt buộc đều do tay sai của đảng thực hiện, người dân chỉ còn một cái quyền là đón nhận tất cả các sản phẩm ấy không chọn lựa và không ý kiến.
Với quyền sinh sát tuyệt đối như thế, đảng cộng sản tự thấy mình hoàn toàn có quyền, không những đối với xã hội hiện tại, mà còn với những thành tựu thuộc về quá khứ dân tộc. Họ hô lên nhà Nguyễn là phản động, tức thì cả một lịch sử dài từ các chúa Nguyễn đến triều đại nhà Nguyễn đều bị lên án. Họ hô Phan Thanh Giản là kẻ bán nước, tức thì cả một giàn đồng ca các “sử gia”, nhà nghiên cứu đều hát bài Phan Thanh Giản bán nước. Họ hô Vũ Trọng Phụng là nhà văn “phản động và làm mật thám cho Tây” tức thì suốt mấy mươi năm văn giới miền Bắc im thin thít không dám nhắc đến Vũ Trọng Phụng nữa.
Cần gì ai kiểm duyệt ai nữa? Ðối với cộng sản, cách kiểm duyệt tốt nhất chính là tiêu diệt cái nguồn sản sinh ra sự chống đối lại họ. Tiêu diệt nghĩa đen, nghĩa là giết chết (xử tử, thủ tiêu), hoặc cho vào trại cải tạo vô cùng tàn khốc không có ngày về, hoặc dứt hết khả năng sinh sống, hoặc nhẹ hơn, cấm dứt khoát không cho sáng tác nữa, châm chế lắm bài có thể đăng trên báo nhưng không được ký tên mình. Làm cho tiệt nọc, biến tất cả thành bồi bút.
Như vậy, chế độ cộng sản là chế độ không có kiểm duyệt. So sánh với nó, những xã hội có kiểm duyệt hàm nghĩa rằng đó là xã hội có tự do từ căn bản.
Chế độ cộng sản trong nước ngày nay vẫn giữ nguyên đặc tính là chế độ toàn trị, ít ra trong đời sống tinh thần. Tất cả báo chí đều là của đảng. Tất cả các nhà xuất bản đều là của đảng. Tất cả phương tiện truyền thông phát thanh truyền hình đều là của đảng. Không một tiếng nói không phải đảng được chen vào. Tuyệt đối không. Và quyền sinh sát thì vẫn như xưa. Một quyển sách được xuất bản rồi, muốn thu hồi là thu hồi. Ký giả không ngoan ngoãn thì đi tù. Tiếng nói đối lập càng đi tù lẹ hơn.
Bây giờ là đầu thế kỷ 21, đảng cộng sản vẫn cai trị nước Việt Nam theo nguyên tắc bất đi bất dịch: triệt để tiêu diệt các mầm mống đối lập. Ðảng vẫn tiếp tục độc quyền uốn nắn tư tưởng của mọi người, nên mọi hoạt động trí thức đều do đảng nắm hết. Kiểm duyệt, do đó, vẫn tiếp tục không cần đặt ra.
Từ khi thôi phát triển đất nước theo phương thức xã hội chủ nghĩa cô lập và khép kín (quốc doanh, nhà nước thâu tóm hết mọi phương tiện sản xuất) để mở cửa làm ăn buôn bán với thế giới thì đảng cộng sản có cho người dân đễ thở hơn, việc biểu lộ tư tưởng tương đối tự do hơn, miễn là đừng đụng chạm tới độc quyền lãnh đạo của chế độ. Bây giờ những biện pháp độc tài thu lại để bảo vệ một khoảnh đất nhỏ nhơn, là quyền lực và quyền lợi của nhóm lãnh đạo. Ðừng chạm tới những cái ấy thì muốn sao cũng được, xã hội sa đọa, giáo dục xuống dốc, y tế lạc hậu, môi trường hư hại v.v… được hết, miễn đừng đụng chạm tới quyền lực của đảng cộng sản và quyền lợi của đám có thế có quyền.
Tuy nhiên, khái niệm “đừng đụng chạm tới quyền lực” co giãn rất bất thường và phức tạp, nên những người quyền hành hay có nhiều phản ứng không sao có thể lường trước được đối với đời sống văn hóa trong nước. Bỗng dưng triệt hạ những bức tranh đang triển lãm, hay những vụ thu hồi sách thường xảy ra khiến người ta tưởng là có chế độ kiểm duyệt, kỳ thực chỉ là kết quả của những quyết định có khi rất “sảng” của một cá nhân cao cấp nào đó.
Còn đời sống của các cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại thì sao? Nói chung các cộng đồng tị nạn cư trú trong các quốc gia tự do dân chủ nên được hưởng mọi quyền tự do của dân bản xứ. Tuy nhiên, trong từng cộng đồng vẫn có những “lệ làng” có khi còn mạnh hơn “phép vua” (tức luật lệ của nước sở tại). Ðối với những bài viết, hay hình thức diễn đạt nào mà người trong cộng đồng cho là có lợi, hoặc đề cao cộng sản thì bị biểu tình chống đối. Ðây thường chỉ là những phản ứng đầy cảm tính, chẳng có cơ sở pháp lý hay văn hóa nào rõ rệt. Thường chỉ là chống đối người trong cộng đồng với nhau, trong khi ai cũng biết sách vở của chế độ cộng sản đầy ắp trong các hiệu sách trong vùng Little Saigon, và những chương trình truyền hình Việt Nam tại đây chiếu thường xuyên những sản phẩm do chế độ cộng sản tại Việt Nam sản xuất, thế mà chẳng thấy có ai nhân danh chống cộng để phản ứng cả. Thành ra “kiểm duyệt” ở đây chỉ là các phản ứng rào dậu, che chắn không cho các biểu hiện lộ liễu liên quan đến chế độ cộng sản xâm nhập thôi, cốt để có một đời sống an tâm không bị cái ám ảnh của kẻ thù xưa đến quấy rầy, thế là đủ. Còn những cách xâm nhập tinh vi thì vẫn đi vào một cách êm thắm.
Các trang mạng ngày nay có vẻ đang là lối thoát trước mọi hình thức kiểm duyệt. Nó đang là thách đố cho những chế độ độc tài kỳ cựu nhất như là Trung Quốc, Việt Nam… Trong không gian ảo ấy, người ta lo dựng lên đủ loại rào cản để tránh cái ngoại nhập, lo dọn dẹp tiếng nói tương đối tự do trên các blog ở trong nước, những hành vi rất “phản động” trước sự phát triển trí tuệ và kỹ thuật to lớn của thế giới ngày nay. Nhưng hành động ấy của những đầu óc độc tài hủ lậu chỉ như những bàn tay che mặt trời.
Chuyện còn lại là của người cầm bút. Không gì hơn là đọc lại mấy câu thơ của Phùng Quán:
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu…



hình ảnh: hình bìa và một trang bị kiểm duyệt trong bản thảo tập thơ Giòng Mắt Em Xanh của Tạ Ký, 1961.