Wednesday, September 17, 2014

GIỚI THIỆU CUỐN KỶ YẾU TRIỂN LÃM VÀ HỘI THẢO VỀ TỰ LỰC VĂN ĐOÀN


Nguồn gốc
Tự Lực Văn Đoàn là một tổ chức hoạt động để đổi mới văn học Việt Nam từ năm 1932 đến 1945. Nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Hưng Quốc cho đây là văn đoàn quan trọng nhất trong suốt một ngàn năm qua của nước Việt Nam.

Nhằm kỷ niệm đúng 80 năm thành lập Tự Lực Văn Đoàn (1933-2013) lần đầu tiên tại hải ngoại một cuộc triển lãm và hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn với hai tờ báo Phong Hóa, Ngày Nay và nhà xuất bản Đời Nay được tạp chí mạng Diễn Đàn Thế Kỷ tổ chức quy mô trong hai ngày 6 và 7 tháng Bảy năm 2013 tại nhật báo Người Việt, thành phố Westminster, Nam California, với sự tham dự đầy đủ gia đình của sáu thành viên đầu tiên: Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thế Lữ, Tú Mỡ, Thạch Lam, cộng với gia đình của họa sĩ Lemur Nguyễn Cát Tường, nhà cải cách y phục phụ nữ Việt Nam, đã giữ mục này trên báo Phong Hóa Ngày Nay trong nhiều năm.
Để lưu lại những tài liệu liên quan đến cuộc triển lãm và hội thảo nói trên, Ban Tổ Chức đã thu thập, sắp xếp và in thành một tập Kỷ Yếu.


Nội dung cuốn Kỷ yếu
(gồm bài viết và hình ảnh)
Phần bài viết:
Trong 318 trang, Kỷ Yếu gồm các bài viết như sau:
Lời nói đầu - Phạm Phú Minh

PHẦN I:
CÁC BÀI ĐÃ TRÌNH BÀY TRONG HỘI THẢO

Ngày 6 tháng Bảy, 2013
1. Diễn văn khai mạc - Phạm Phú Minh (Trưởng ban tổ chức Hội thảo)
2. Một vài ký ức về nhạc phụ Tú Mỡ - Doãn Quốc Sỹ
3. Papa tòa báo - Trần Khánh Triệu
4. Thế Lữ và Tự Lực Văn Đoàn - Phạm Thảo Nguyên
5. Những bản nhạc đầu tiên của nền tân nhạc VN
trên báo Ngày Nay - Lê Văn Khoa
6. Họa sĩ Le Mur Nguyễn Cát Tường và vấn đề cải cách Y phục phụ nữ - Nguyễn Trọng Hiền
7. Sự hình thành của kịch mới VN, những đóng góp của TLVĐ và từng thành viên - Phạm Thảo Nguyên
8. Sự sáng tạo mỹ thuật của báo PHNN trong việc trình bày, vẽ bìa, hí họa, minh họa - Ann Phong
9. Phong trào Nhà Ánh Sáng - Đỗ Quý Toàn
10. Phát biểu của cô Tanaka Aki (sinh viên người Nhật Bản)

Ngày 7 tháng Bảy, 2013
1. Đi tìm Nhất Linh - Nguyễn Tường Thiết
2. Kỷ niệm về Hoàng Đạo, ba tôi - Minh Thu
3. Thạch Lam, hình bóng khôn nguôi - Nguyễn Tường Giang
4. Tự Lực Văn Đoàn và văn học cận đại Việt Nam - Kawaguchi Kenichi (giáo sư Đại học Tokyo, Nhật Bản)
5. Đánh giá lại Tự Lực Văn Đoàn - Nguyễn Hưng Quốc
6. Ảnh hưởng của Tự Lực Văn Đoàn đối với phong trào Thơ Mới - Trần Huy Bích
7. Tự Lực Văn Đoàn và chuyện văn phong - Trần Doãn Nho
8. Tình yêu trong tiểu thuyết TLVĐ - Trần Mộng Tú
9. Hoàng Đạo như một nhà văn đương đại - Đặng Thơ Thơ
10. Thử đánh giá lại Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng - Ngự Thuyết
11. Câu chuyện TLVĐ và những điều chưa nói - Phạm Thảo Nguyên

PHẦN II:
CÁC BÀI KHÔNG TRÌNH BÀY TRONG HỘI THẢO
1. Mẹ tôi, thân mẫu của Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam - Nguyễn Thị Thế
2. Mẹ tôi, bà Nhất Linh - Nguyễn Tường Thiết
3. Mẹ tôi (bà Hoàng Đạo) - Từ Dung
4. Mẹ tôi, bà Thạch Lam - Nguyễn Tường Nhung
5. Mẹ nuôi tôi, bà Khái Hưng - Trần Khánh Triệu
6. Mẹ chồng tôi, bà Thế Lữ - Phạm Thảo Nguyên
7. Bướm Trắng-Nhất Linh - Đặng Tiến
8. Cái ấm đất và bộ chén trà Nguyễn Tuân tặng Thạch Lam - Nguyễn Tường Giang
9. Khái Hưng - Thụy Khuê
10. Sự phát triển giữa Văn học và Mỹ thuật - Trịnh Cung
11. Điện toán hóa báo Phong Hóa Ngày Nay - Phạm Phú Minh
12. Một số tài liệu đặc biệt về Nhất Linh chưa công bố (hoặc công bố hạn chế): Ký trình, Thư Trần Trung Dung gửi Nhất Linh...
13. Chiếc áo choàng của Nhất Linh - Nguyễn Tường Thiết
14. Sách Tự Lực Văn Đoàn được dịch sang tiếng nước ngoài
15. Gia đình “Thành Viên Thứ Bảy” Tự Lực Văn Đoàn
16. Đi tìm câu trả lời tại sao hội thảo thành công - Phạm Phú Minh

Phần hình ảnh
Gồm 80 trang màu và nhiều trang hình đen trắng:
- Tất cả những hình ảnh đã được triển lãm liên quan đến thành viên và tác phẩm TLVĐ; về báo Phong Hóa và Ngày Nay; về cải cách y phục phụ nữ của họa sĩ Lemur Nguyễn Cát Tường; các bản tân nhạc đầu tiên của Việt Nam đăng trên báo Ngày Nay; về phong trào Nhà Ánh Sáng; các tài liệu về văn học của Nhất Linh và TLVĐ...
- Hình ảnh các thuyết trình viên và cử tọa trong suốt hai ngày hội thảo.
- Hình ảnh một số tài liệu đặc biệt, đã trở thành các “di tích lịch sử” về chính trị và văn học: Nguyễn Tường Tam và Võ Nguyên Giáp trong hội nghị Đà Lạt với đại diện của Pháp năm 1946; bức thư của Tổng Trưởng Quốc Phòng Đệ nhất Cộng hòa Trần Trung Dung gửi ông Nguyễn Tường Tam; chiếc áo choàng của Nhất Linh hiện nay còn ở Đà Lạt; bức họa của Cù Huy Hà Vũ vẽ trong tù gửi ban tổ chức Hội thảo v.v...
DVD kèm theo cuốn Kỷ Yếu:
Kèm theo cuốn Kỷ Yếu là hai bộ DVD:
- Bộ thứ nhất - Gồm hai đĩa ghi toàn bộ diễn biến suốt hai ngày triển lãm và hội thảo.
- Bộ thứ hai – Buổi trình diễn tối ngày 6/ 7/2013 về: Cuộc canh tân Y Phục Phụ Nữ tân thời 1934 – 1941 của Họa sĩ Lemur Nguyễn Cát Tường do ông Nguyễn Trọng Hiền (con trai của họa sĩ) sưu tầm, ban Văn Nghệ  của các Cựu Nữ Sinh Trưng Vương với sự yểm trợ về kỹ thuật của Đài SBTN.
Giá bán: $30 gồm Kỷ yếu + 2 bộ DVD.



Sách và DVD chính thức phát hành vào ngày 22 tháng 9, 2014 tại nhật báo Người Việt và các nhà sách trong vùng Little Saigon. Các bạn có thể đặt mua Kỷ Yếu ngay bây giờ. Trong nước Mỹ giá $30/cuốn là bao gồm luôn cước phí. Xin gửi tên và địa chỉ người nhận + chi phiếu đề tên Yen Tran, gửi về:
Diễn Đàn Thế Kỷ
9702 Bolsa Ave. # 112
Westminster  CA 92683 - USA
Liên lạc e-mail: phamxuandai@yahoo.com

Monday, September 15, 2014

XEM TRANH THIẾU NHI: TÌM LẠI SỰ TRONG SÁNG ĐÃ ĐÁNH MẤT


Trung Thu năm nay, cuộc thi vẽ tranh truyền thống (xin bấm vào đây để xem Hội thi trăng rằm thiếu nhi, Người Việt TV) cho thiếu nhi lại được tổ chức tại báo Người Việt vào ngày 13 tháng 9, 2014. Gọi là “truyền thống” vì đây đã là lần thi vẽ thứ 12, sau lần đầu tiên được tổ chức vào ngày 7 tháng 9 năm 2003 và sau đó được tiếp tục đều đặn mỗi năm vào dịp Tết Trung Thu.

Sunday, September 14, 2014

ĐI THĂM NGUYỄN XUÂN HOÀNG ngày 08-15- 2013

Để chuẩn bị cho cuộc hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn vào tháng Bảy 2013 vừa rồi, tôi đã mời nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng tham dự ban điều khiển các buổi hội thảo, và anh đã nhận lời, khoảng nửa năm trước. Tôi rất yên tâm, vì ban điều hành gồm Bùi Bích Hà, Đỗ Quý Toàn và Nguyễn Xuân Hoàng thì coi như là "mạnh"; đề tài nào, tình huống nào những nhà cầm bút lão luyện này cũng có thể lèo lái xuôi chèo mát mái được.
  Hoàng, Vy và nhóm anh em Người Việt


Thế nhưng hai tuần trước ngày hội thảo thì Hoàng gọi cho tôi từ San Jose, giọng yếu ớt, cho biết không thể xuống quận Cam tham dự hội thảo được, vì lâm trọng bệnh một cách bất ngờ. Vé máy bay đã mua nay đã phải trả lại, chứng đau lưng tưởng là thông thường hóa ra có nguyên do trầm trọng từ cột sống, và đang chuẩn bị một chương trình chữa chạy dài ngày trong nhà thương. Hoàng tỏ ý tiếc bỏ lỡ một chương trình hội thảo quan trọng và hứa hẹn nhiều hào hứng. Tôi vội trấn an Hoàng là đừng lo gì về cuộc hội thảo, mà hãy lo chữa bệnh, sức khỏe của bạn là cái quan trọng nhất hiện nay. Tuy vậy trong lòng tôi dấy lên một nỗi tiếc nuối và lo lắng về chỗ trống do Hoàng vừa để lại trên bàn chủ tọa đã phác họa, vì Hoàng là một người điều khiển các chương trình hội thảo văn học đầy kinh nghiệm và kiến thức. Cách đây sáu năm, vào năm 2007, khi tổ chức hội thảo về văn học Việt Nam hải ngoại cũng tại Little Saigon, tôi cũng đã mời Hoàng vào ban điều khiển chương trình, và buổi hội thảo đã diễn ra rất tốt đẹp. Hoàng tiếp nhận nội dung thuyết trình nhanh và chính xác, tóm tắt ngắn gọn và thông minh để khán giả nắm vấn đề, từ đó lèo lái cuộc thảo luận lịch sự và xây dựng.

Nghe Hoàng đau, nhóm anh em báo Người Việt nóng lòng muốn đi thăm. Chuyến đi đã được thực hiện ngày thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013, chúng tôi sáu người từ quận Cam đi San Jose lúc 6 giờ sáng, phải đi sớm vì còn phải lái xe về trong ngày. Rất thường gặp nhau, nhiều người trong nhóm vì công việc còn gặp nhau hàng ngày, nhưng khi ngồi trên một chiếc xe lái đi xa thì câu chuyện của chúng tôi tự nhiên đổi khác, toàn những đề tài ra khỏi công việc hàng ngày của tòa báo. Nhiều lúc nói về Nguyễn Xuân Hoàng, về các kỷ niệm thời gian 11 năm Hoàng làm Tổng thư ký tòa soạn Người Việt, và quãng sáu năm làm Tổng thư ký tạp chí Thế Kỷ 21. Đinh Quang Anh Thái bỗng lên tiếng hỏi: "Ra hải ngoại, anh Hoàng đã xuất bản thêm được các tác phẩm nào nhỉ?" Một câu có vẻ dễ, nhưng không ai trả lời được đầy đủ, người thì nói Căn Nhà Ngói Đỏ, kẻ nói Người Đi Trên Mây, riêng tôi thêm được Bụi và Rác vì nhớ có một bài điểm sách rất hay của Trần Hồng Châu trên Thế Kỷ 21 về tác phẩm này.

Đến San Jose khoảng hơn 12 giờ trưa chúng tôi ghé ăn tại tiệm phở có tên là "90 độ" giữa một khu thương xá đông đúc ở đây. Các khu thương xá của người Việt Nam tại San Jose khang trang hơn Little Saigon ở quận Cam nhiều. Ở "thủ đô tị nạn" Nam Cali của người Việt chẳng có tiệm phở nào có quy mô như Phở 90 độ, từ nhà cao cửa rộng, lối trang trí tân tiến sáng sủa, đến cách tiếp đãi nhanh chóng lịch sự một cách chuyên nghiệp và thực khách đông đảo như thời điểm trưa thứ bảy chúng tôi tới nơi. Ngoài những tô phở truyền thống, bạn có thể gọi phở đuôi bò, phở bê thui v.v... nghe rất mới lạ. Nói chung Phở 90 độ thuộc loại ngon, có điều chúng tôi không hiểu vì sao nó có tên gọi như thế. Như một bảo đảm cho sự nóng sốt nơi các tô phở của nó chăng? Nếu như vậy thì "độ" ở đây là độ C chứ không phải độ F.

Chúng tôi có hẹn một vài người bạn tại San Jose đến cùng ăn trưa để Đỗ Quý Toàn ký tặng cuốn sách Đứng Vững Ngàn Năm mới xuất bản. Đây là một công trình khảo sát một cách công phu và khoa học các yếu tố giúp dân tộc Việt Nam đứng vững không bị Hán hóa dù đã trải qua một ngàn năm bị Tàu đô hộ. Trao tặng cuốn sách này giữa một hiệu ăn gìn giữ đúng truyền thống ăn uống của người Việt Nam dù đang trôi giạt nơi góc bể chân trời, thì cũng ý nghĩa lắm.

Ăn xong tất cả lên xe trực chỉ thành phố Milpitas là nơi gia đình Hoàng đang cư ngụ. Chỉ độ 20 phút là tới. Vy, vợ Hoàng, đón mọi người vào phòng khách và nói vừa đủ nghe là đang có một nhóm bà con đang thăm Hoàng tại phòng ngủ, nhưng cũng cho biết là Hoàng có thể ra phòng khách nói chuyện được. Vy mô tả qua về bệnh tình của Hoàng, bị ung thư cột sống, hiện ba đốt cuối của xương sống đang bị hủy hoại. Tình hình khó khăn. Ai cũng hình dung được là khó khăn đến mức nào. Bệnh viện Stanford đã chế tạo riêng cho Hoàng một dụng cụ để mang quanh bụng nhằm giữ cho lưng được thẳng trong tình trạng những đốt xương sống quá yếu không giữ vững thăng bằng cho thân thể được nữa. Nhưng Hoàng lười đeo nó vào người mà vẫn đi lại được, chứng tỏ các đốt xương sống vẫn còn tự chống đỡ được.

Nguyễn Xuân Hoàng và Đỗ Quý Toàn

Từ buồng ngủ Hoàng xuất hiện như một tiên ông, tóc dài trắng xóa, người gầy, mặt trắng, đôi mắt mở to vẫn linh hoạt, chống gậy bước đi rất chậm có Vy đỡ bên cạnh. Nhìn một lượt các bạn đến thăm từ xa, Hoàng tỏ ra cảm động. Từ giã báo Người Việt đã gần hai thập niên để đi làm tờ Mercury tiếng Việt tại San Jose, bây giờ nhìn lại anh em cũ thì vẫn bấy nhiêu người, trừ Phạm Phú Thiện Giao thuộc thế hệ trẻ mới vào sau, và đã vắng đi Trần Đại Lộc, Lê Đình Điểu, Đỗ Ngọc Yến... San Jose với quận Cam thì có xa xôi gì, anh em vẫn có dịp lên xuống gặp nhau luôn, nhưng buổi gặp gỡ hôm nay bỗng mang một không khí khác hẳn, khi Phan Huy Đạt trao cho Vy món quà của anh em Người Việt, khi Đỗ Quý Toàn ký tặng Hoàng cuốn Đứng Vững Ngàn Năm, và những lời hỏi han ân cần khác hẳn bình thường của mỗi người. Thì đúng rồi, đây là đi thăm người bệnh chứ đâu phải gặp nhau ở Cà phê Factory hay một cuộc hội thảo nào. Thế nhưng không khí hình thức chóng qua đi, nhường chỗ cho những trao đổi quen thân lệ thường. Con người văn học, con người báo chí giữa chủ và khách trở về rất nhanh, với những câu hỏi, câu nói đùa làm vang lên tiếng cười khiến căn phòng khách trở nên ấm cúng. Và vẻ mặt của Hoàng cũng linh động hẳn.

Tôi nhắc lại câu hỏi trên xe của Đinh Quang Anh Thái. Hoàng ngửng mặt nhìn trần nhà nhẩm tính, sau 75 truyện dài có Người Đi Trên Mây, Sa Mạc; truyện ngắn và tùy bút thì có Căn Nhà Ngói Đỏ; Bụi và Rác cũng là truyện dài, coi như là Người Đi Trên Mây 2...

Tôi hỏi tiếp: "Năm 1993, từ tháng Tư cho đến tháng 12, tạp chí Thế Kỷ 21 có đăng một loạt bài chín kỳ có tên gọi là 'Một hoàn cảnh mới cho sáng tác văn nghệ', ký tên hai người: Võ Phiến và Nguyễn Xuân Hoàng. Các bài đều dưới hình thức đàm thoại. Vậy cách thức hình thành của loạt bài này như thế nào?"

Sở dĩ tôi đặt câu hỏi này là vì gần đây tôi tìm những bài cũ có giá trị của Thế Kỷ 21 để đăng lại trên báo mạng Diễn Đàn Thế Kỷ, và đã đăng gần trọn loạt bài này. Hai nhà văn này đã nhìn ra lắm cái hoàn cảnh mới cho sáng tác văn nghệ, ví dụ sự tương quan giữa sách và người, ngày nay con người không còn chịu nhiều ảnh hưởng của sách như các thế kỷ trước, mà chịu ảnh hưởng của tin tức, của TV, của đời sống xã hội nhiều hơn. Rồi đề tài sách và nhà, rồi cuộc sống vội vàng v.v... Câu chuyện đối thoại nào cũng hấp dẫn, cũng thấu tình đạt lý. Và một hôm tôi bỗng nhận ra điều này: dù là dưới dạng đàm thoại, văn phong tất cả các bài này là của Võ Phiến, vậy cuộc chuyện trò đã diễn ra như thế nào giữa hai nhà văn? Tôi định đến thăm nhà văn Võ Phiến để hỏi vấn đề này, nhưng sực nhớ ra từ mấy năm nay trí nhớ của nhà văn lão thành này đã lãng đãng lắm, chắc là khó có được câu trả lời chính xác. Và định bụng hỏi Nguyễn Xuân Hoàng. May quá trong chuyến đi thăm Hoàng lần này, cái trí nhớ cũng đã bắt đầu lãng đãng của tôi lại nhớ ra chuyện này, và tôi vội vàng đem ra hỏi Hoàng. Chứ lỡ không còn dịp để hỏi nữa thì làm sao? Thì tôi lại ân hận như đã lỡ dịp hỏi nhiều điều tôi cần biết, với Lê Trọng Nguyễn, với Đỗ Ngọc Yến, với Phạm Duy... May quá, Hoàng đã trả lời một cách rõ ràng.

"Hồi đó ông Võ Phiến và tôi có trao đổi với nhau về tình hình văn nghệ, tình hình viết lách. Và nhận ra mình đang ở trong một thời đại có quá nhiều đổi thay. Chúng tôi quyết định sẽ quan sát về các đổi thay ấy, trao đổi cùng nhau, rồi ông Võ Phiến sẽ là người chấp bút viết lại các trao đổi của chúng tôi. Trong thực tế, chúng tôi không có mấy dịp chuyện trò trực tiếp, mà tôi viết xuống các ý tưởng hay quan sát của tôi về một vấn đề nào đấy rồi gửi cho ông Võ Phiến, từ đó ông nghiên cứu thêm và viết nên một bài đàm thoại."

Tôi nói: "Đó là những bài đọc rất thú vị, chắc hẳn nhà văn Võ Phiến đã thêm thắt ý tình, tạo ra những câu trao đổi thật là duyên dáng và dí dỏm giữa hai người..."

"Đó là cái tài của ông ấy," Hoàng cười nói.

Như vậy, lần này tôi đã giải được một thắc mắc của chính tôi, và tôi ghi lại đây để tặng cho những ai có cùng thắc mắc như tôi. Tên các tác phẩm đã xuất bản thì có thể tìm biết dễ dàng ở nhiều nguồn, nhưng những vấn đề chìm sâu trong việc sáng tác như thế này, không hỏi thì không thể biết được.

Cuộc đối thoại dù có phần hào hứng nhưng chúng tôi cũng nhận ra vẻ mệt mỏi của Hoàng sau gần một giờ trò chuyện. Đôi chân của bạn bắt đầu run run, giọng nói trở nên nhẹ nhàng, đó là cách nói của một người bắt đầu cảm thấy mệt nhọc nhưng cố giấu sự mệt nhọc. Nhớ lại dặm về còn xa mà bóng chiều xem chừng đã ngã, chúng tôi đứng dậy từ giã Hoàng và Vy. Trả lại ngôi nhà vắng vẻ chỉ có hai người như phần đông chúng tôi hiện nay: con cái đã ở riêng cả, vào ra lại chỉ có hai người.

Rồi sẽ đến lúc chỉ còn một. Và đến một lúc nữa, sẽ không còn ai cả.


15 tháng 8, 2013