Thời gian vài
năm qua giới viết lách lớn tuổi (và tương đối lớn tuổi) người Việt tại hải ngoại
từ giã bạn bè hơi nhiều. Tôi gọi là “từ giã bạn bè” thay vì từ giã cõi đời vì đối
với họ, hình như “cõi đời” gồm bạn bè văn nghệ của họ là chính.
Một cuộc họp mặt văn nghệ khoảng cuối thập niên 1980 tại Little Saigon.
Hàng ngồi phía trước từ trái: Nguyên Sa, Mai Thảo, Võ Phiến ~
Hàng đứng phía sau, từ trái: Thụy Khuê, Nguyễn Mộng Giác, Đỗ Ngọc Yến, Hoàng Khởi Phong.
Hàng ngồi phía trước từ trái: Nguyên Sa, Mai Thảo, Võ Phiến ~
Hàng đứng phía sau, từ trái: Thụy Khuê, Nguyễn Mộng Giác, Đỗ Ngọc Yến, Hoàng Khởi Phong.
Đó là cả một
lứa bên trời lận đận. Rời đất nước nhưng nhất định không rời ngôn ngữ, cứ phải
viết lách, làm báo, xuất bản mới chịu. Lận đận là vì thế, nhất là giới cầm bút,
vì viết lách đâu có nuôi sống được mình và gia đình, ai cũng phải viết bằng tay
trái, để dành tay phải để làm việc kiếm sống. Người viết văn làm thơ trong nước,
cũng như bao nhiêu thành phần khác của xã hội miền Nam, ra nước ngoài là phải
kiếm một công việc làm để sống. Trong các hãng xưởng của Mỹ, trong các cơ sở
kinh doanh của người Việt, thậm chí một số việc chân tay hơi nặng nề như cắt cỏ,
bỏ báo, xây dựng nhà cửa... tùy sức khỏe và cơ duyên, chẳng từ một công việc
gì. Dĩ nhiên những người có bằng cấp chuyên môn về khoa học ở miền Nam có thể học
lại để hành nghề, cái này thì tốt quá rồi. Nhưng dù là làm nghề nào trong đời sống
mới, phần lớn người cầm bút trước kia đều viết lách trở lại, viết như một thú
vui, hoặc một bức bách. Và có hiện tượng này nữa, là nhiều người trước 1975
chưa viết lách gì, khi ra hải ngoại lại bắt đầu viết, có lẽ do thôi thúc của cuộc
đổi đời lớn quá mà mình là chứng nhân.
Phần lớn, nếu
không nói là hầu hết, những người cầm bút ra hải ngoại đối xử với nhau với một
cái tình rất đặc biệt, có thể nói là với một văn hóa riêng. Đối với nhau không
khách sáo, mà thân thiết, tử tế và tôn trọng nhau rất chân tình. Nếu nói về một
tinh thần nào đó của Việt Nam Cộng Hòa nối dài (chữ mượn của anh Tạ Chí Đại Trường)
thì đây là một nét đặc biệt của một lớp người, giữ được một phẩm chất riêng của
một thế giới văn chương chữ nghĩa đã được hun đúc và thành hình suốt hai mươi
năm của miền Nam. Tinh thần đó, tôi nghĩ, được thành hình giữa những người đã bị
mất hết, đã bị tán loạn với tù đày chết chóc, cuối cùng được tái ngộ tại một
nơi xa đất nước, tự ý thức những gì mình phải làm để giữ gìn một giá trị mà miền
Nam đã vun đắp một thời đã qua. Cách thể hiện đó của những nhà văn nhà thơ làm
thành một nếp văn hóa riêng, rất riêng trong vô vàn cách sống của cả một cộng đồng
tị nạn với đủ các tầng lớp từ một miền Nam cũ. Điển hình là câu thơ của nhà thơ
Cao Tiêu, như bao quát nỗi niềm mênh mông của một lớp người:
Nhớ nước, thơ gieo những vận sầu
*Chúng ta mất hết chỉ còn nhau …
[*câu thơ sau của Vũ Hoàng Chương]
*Chúng ta mất hết chỉ còn nhau …
[*câu thơ sau của Vũ Hoàng Chương]
Thế rồi tới một
thời gian chín muồi, những tên tuổi văn chương một thời bắt đầu rơi rụng. Đó là
điều phải tới thôi. Cái mảng Việt Nam Cộng Hòa nối dài ấy đang lịm tắt đi từ từ.
Nhưng khối tinh thần của nó --lòng tự trọng và sự đối xử thân yêu tử tế với
nhau-- thì xem ra vẫn vững vàng nơi hầu hết những người còn lại.
Khi một lớp
người với bối cảnh lịch sử riêng của nó ra đi, tinh thần của họ có còn tồn tại
đâu đó sau khi một thời đại đã không còn nữa? Chẳng có ai có thể nói chắc được
điều gì.
*
Tạ Chí Đại
Trường là người ra đi gần đây nhất. Và lại được nhắc nhở đến nhiều nhất so với
những người đi trước, ít nhất là trên diễn đàn mà quý độc giả đang đọc này. Chẳng
phải vì anh danh tiếng hơn. Chẳng phải anh được mọi người yêu thương một cách đặc
biệt hơn những anh em khác. Lý do viết về anh nhiều là vì anh có để lại 13
trang giấy ghi lại một số những điều mà anh thấy cần phải nhắc nhở liên quan đến
môn Sử của anh.
Từ trái: Nguyễn Mộng Giác, Tạ Chí Đại
Trường, Phùng Nguyễn, Trúc Chi
Nhưng điều
quan trọng Tạ Chí Đại Trường là một người anh em của đám viết lách thuộc Việt
Nam Cộng Hòa nối dài. Anh “thuộc về” tập thể ấy, một cách tự nhiên như lịch sử
của cuối thế kỷ 20 đã diễn ra như thế, như anh đã học Sử ở trường Đại học Văn
Khoa Sài Gòn, đã viết những trang nghiên cứu sử học từ cuối thập niên 1960, đã
nhập ngũ, đã đi dạy, đã đi tù sau 1975. Rồi sau những năm tháng lao lung, lại
tái ngộ với anh em bạn bè viết lách tại Hoa Kỳ. Anh đã gia nhập một cách hồn
nhiên vào đại gia đình anh em ấy, như chuyện tất nhiên phải thế.
Và sau khi
anh qua đời, cũng một cung cách “hồn nhiên” tương tự, một số anh chị em đã họp
nhau cùng tòa soạn của DĐTK để cùng nhau cố gắng giải thích một số điều anh đã
ghi ra trong Di bút. Hoàn toàn không thấy một cách trở gì giữa anh và chúng
tôi. Tất cả là bạn bè, như từ bao giờ đến bây giờ. Chúng tôi xem những điều anh
ghi lại gần như là một món nợ mà những người tự coi mình là bạn bè thực sự với
anh cũng phần nào có trách nhiệm phải tháo gỡ. Trước hết cho yêu cầu hiểu biết của
chính mình và độc giả của mình. Sau nữa, nếu có thể gọi như thế, góp phần soi
sáng một số vấn đề thuộc Sử học mà anh nêu ra. Với một quan niệm rõ rệt: đây là
một công trình tập thể, mọi người trong nhóm bàn bạc lập ra một lộ trình nghiên
cứu, cùng góp ý kiến, cùng đi tìm kiếm tài liệu, và người chấp bút thực hiện
các bài viết sẽ là người tương đối nắm vững vấn đề hơn các bạn khác trong nhóm.
Chỉ sau một
ngày được đọc Di Cảo (mà nay xin được gọi là Di Bút) TCĐT, Ngọc Dung, người bạn
trẻ nhất trong nhóm đã tìm thấy xuất xứ bài viết của Huỳnh Thị Anh Vân, đang nằm
trong một thư viện Đại học Khoa Học... ở Huế. Nhưng cô không xâm nhập được thư
viện, phải nhờ đến bà chị Phạm Lệ Hương, một chuyên viên về thư viện truy tìm
tiếp. Lại mất thêm một ngày nữa, cả nhóm đã vui mừng có được nguyên bài “Về bài
khảo cứu ‘Giáp Ngọ niên Bình Nam Đồ’ của David Bulbeck và Li Tana” do Huỳnh Thị
Anh Vân viết trên tạp chí Nghiên Cứu Lịch Sử. Cả nhóm hoan hô hai bạn Ngọc Dung
và Lệ Hương đã tìm kiếm một cách tận tình và chuyên nghiệp trên các nẻo đường mịt
mùng của Internet, để chỉ hai ngày sau đã giải được một phần lớn sự bí ẩn của
dòng gồm 21 chữ mở đầu Di bút của bạn Tạ Chí Đại Trường. Bài viết của Anh Vân
và hình ảnh của trang đầu đã xuất hiện trên bài của Gs. Trần Huy Bích trên số
Diễn Đàn Thế Kỷ đầu tiên về chủ đề Tạ Chí Đại Trường: “Một phát hiện nhỏ nhưng quan trọng của Tạ Chí Đại Trường”. Anh
Bích tuy chỉ mới đề cập đến “một phát hiện nhỏ” nhưng đã đặt những dấu mốc quan
trọng cho những tìm kiếm và nghiên cứu về sau, mà hiện nay cả nhóm vẫn đang còn
tiếp tục. Nhất là sau đó anh Bích và nhà nghiên cứu sử học Nguyễn Duy Chính đã
cùng nhau lên tận thư viện của đại học UCLA, duyệt lại sưu tập tạp chí Nghiên Cứu Lịch Sử tại đó, cùng đã tìm
mượn được cuốn Southern Vietnam under the
Nguyen, trong có in bài về “Giáp Ngọ niên Bình Nam đồ” của David Bulbeck và Li Tana, để được biết rõ hơn
tâm sự thắc mắc của TCĐT về cuốn sách này mà có lẽ anh chưa được đọc.
Một sự việc rất vui là sau
đợt tìm kiếm này, Phạm Lệ Hương đã liên lạc được và trở nên quen biết với tác
giả Huỳnh Thị Anh Vân hiện đang giữ chức Giám đốc Bảo tàng Cố đô Huế. Chính tác giả Anh Vân đã ngỏ lời trực
tiếp với Lệ Hương không muốn bài của mình được đăng lại trên báo chí hải ngoại,
vì những lý do riêng. Và nhờ những chia sẻ này mà, dù đã có bài của Anh Vân rất
sớm, ban biên tập DĐTK đã không công bố trên diễn đàn của mình.
Sự khởi xướng khiêm tốn của
DĐTK đã được nhiều bạn bè hưởng ứng, với những đóng góp rất tình cảm và giàu
chất trí tuệ, xin tạm liệt kê như sau:
- GS Trần Huy Bích (bài biên khảo “Một phát
hiện nhỏ nhưng quan trọng của Tạ Chí Đại Trường” (http://www.diendantheky.net/2016/04/tran-huy-bich-mot-phat-hien-nho-nhung.html#more)
và “Viết thêm
quanh chuyện về tác giả của Giáp Ngọ Niên Bình Nam Đồ” (http://www.diendantheky.net/2016/04/tran-huy-bich-viet-them-quanh-chuyen.html)
- nhà văn
Trúc Chi (bài bút ký Thăm Bạn, kể lại lần gặp cuối cùng của tác giả với nhà sử
học TCĐT trong tháng Ba 2016 tại Việt Nam), (http://www.diendantheky.net/2016/04/truc-chi-tham-ban.html)
- học giả Nguyễn Huệ Chi, với
bài “Tư tưởng của Gs Kim Định qua các tác phẩm của ông” nhằm soi sáng một vấn
đề mà TCĐT rất quan tâm trong Di bút của anh, là học thuyết An Vi của Gs Kim
Định, (http://www.diendantheky.net/2016/04/nguyen-hue-chi-tu-tuong-cua-giao-su-kim.html)
- họa sĩ Trịnh Cung, kể lại
những kỷ niệm với TCĐT trong tù cộng sản sau 1975, (http://www.diendantheky.net/2016/04/trinh-cung-ieu-chua-kip-noi-voi-ta-chi.html)
- nhà văn Trần Doãn Nho, rất
tài hoa và phong phú, giúp bạn đọc hiểu thêm về văn bút của TCĐT. (http://www.diendantheky.net/2016/04/tran-doan-nho-ta-chi-ai-truong-mien-man.html)
- chuyên viên thư viện Phạm
Lệ Hương, thuộc nhóm thân hữu DĐTK, đã
xây dựng ngay một Thư Tịch Tạ Chí Đại
Trường gồm các sách đã xuất bản và các bài viết rải rác trên các báo trong suốt
đời ông. Đây là Thư tịch duy nhất về TCĐT
cho đến nay, được soạn thảo một cách công phu và khoa học, vẫn tiếp tục được
cập nhật, sẽ giúp rất nhiều cho các nhà nghiên cứu về TCĐT hiện tại và sau này.
(http://www.diendantheky.net/2016/04/ta-chi-ai-truong-1938-2016-thu-tich-cap.html)
Ngoài ra Diễn Đàn Thế Kỷ còn
đăng thêm một số bài khác trên một số trang mạng trong và ngoài Việt Nam viết
về sử gia TCĐT, ngoài một số bài của chính TCĐT. Chúng tôi xin gửi lời cám ơn
các tác giả có bài viết vừa nói.
*
Gần như cả một
tập thể, kẻ trước người sau, những người thuộc về thế giới viết lách cũ của miền
Nam khi đến hải ngoại khi gặp lại nhau đều cảm thấy thoải mái với không khí trí
thức và tin cậy của bạn bè. Không khí ấy đã an ủi họ, gây sự an tâm và tự tín
nơi họ, và quan trọng hơn hết, gây lại nơi họ cảm hứng viết lách --tức là cảm hứng
về cuộc đời đang được tiếp tục chung quanh. Họ cảm thấy lịch sử của đời họ
không kết thúc từ tháng Tư 1975, họ nhận ra một cuộc đời khác, một cuộc chơi
khác đang được tạo dựng tại các nơi khác ngoài Việt Nam.
Các tờ báo là
những địa điểm quy tụ người viết lách. Tại miền Nam California tờ nhật báo Người
Việt là cố gắng thành công đầu tiên của người di dân đợt đầu, đã tạo được cả một
“văn hóa nhựt trình” cho cộng đồng người Việt Nam di dân tại đây, chỉ ba năm
sau 1975. Cụm từ có vẻ đùa “văn hóa nhựt trình” lại là một sự thật rất nghiêm
túc của người sáng lập ra nó, Đỗ Ngọc Yến, mà cho đến nay là nhà báo Việt Nam
duy nhất hiện diện trong Bảo tàng Báo chí Newseum của nước Mỹ. “Văn hóa” ấy được
thể hiện từ quan niệm làm báo, quan niệm về thông tin rất tiến bộ của người
sáng lập báo Người Việt trong thời điểm ấy: thông tin phải trung thực, không được
chen lẫn cảm tính trong việc thông tin, một chứng bệnh gần như tự nhiên của người
tị nạn. Có lẽ nếu không có quan niệm dứt khoát mạnh mẽ ấy cộng với tài năng và
nhân cách của người sáng lập, báo Người Việt không thể phát triển thành một cơ
quan ngôn luận uy tín như bây giờ được.
Về văn học, tờ
tạp chí Văn Học Nghệ Thuật do hai nhà văn Võ Phiến và Lê Tất Điều sáng lập là cố
gắng đầu tiên của lớp người ra đi từ 1975. Tuy chỉ phát hành được 13 số, nhưng
đó là những viên đá lót đường vững chắc đầy tin cậy để tạp chí Văn Học tiếp tục
sau này với Nguyễn Mộng Giác và một số đông anh em khác luân phiên nhau điều
khiển. Tờ Hợp Lưu do Khánh Trường chủ trương mới mẻ hơn về hình thức lẫn nội
dung, thu hút nhiều cây bút trẻ trung và đa dạng. Văn của Mai Thảo rồi Nguyễn
Xuân Hoàng tiếp nối mang nhiều dáng vẻ kiểu cách và tài hoa của một miền Nam
cũ, cho đến khi cả hai đều qua đời. Tờ Thế Kỷ 21 là một loại tạp chí bách khoa
trong đó văn học chỉ là một phần bên cạnh các vấn đề chính trị, kinh tế, văn
hóa khác. Tờ Khởi Hành của Viên Linh là một tiếp tục dài hơi hơn hết, bắt đầu
khởi hành từ trước 1975 tại miền Nam Việt Nam, tiếp tục tại miền Nam Cali, và
hiện tại là tờ báo văn học duy nhất còn xuất hiện với bản in trên giấy.
Ngần ấy tờ
báo (chắc là liệt kê chưa đủ), lấy đâu ra bài vở để xuất bản đều đặn đúng kỳ? Lấy
đâu ra đủ độc giả để nuôi sống mình về vật chất lẫn tinh thần? Đặt ra hai câu hỏi
này, tôi mới giật mình thấy chúng quá rộng, đó có thể là đề tài cho một luận
văn của một cấp nghiên cứu nào đó. Riêng tôi, sau mười mấy năm lo bài vở cho
báo Thế Kỷ 21, tôi chưa bị thiếu bài bao giờ. Nhưng thiếu tiền thì tôi biết là
bệnh kinh niên của tất cả các báo. Tiền in, tiền gửi bưu điện (vì tờ báo nào
cũng có độc giả tại tất cả các cộng đồng tị nạn của người Việt Nam trên khắp thế
giới), đó là hai món chi đáng sợ nhất. Nhưng đặc biệt là không một tác giả nào
đòi nhuận bút hoặc chịu nhận nhuận bút. Người viết có cái đồng cảm với người
làm báo, rằng đây không phải là kinh doanh, mà là một nghĩa vụ. Về phía độc giả,
rất nhiều người thấu hiểu điều ấy, thấy mình có bổn phận góp phần để các báo ấy
sống còn, như là sự sống còn của một phần tâm hồn mình vậy. Chuyện này không phải
là lạ lắm đối với các báo quán: thỉnh thoảng nhận được một tấm chi phiếu ủng hộ
của một độc giả xa xôi nào đấy, với một lời nhắn gửi ngắn ngủi, “chúc quý báo sống
lâu”. Dĩ nhiên đây là chuyện của hai thập niên 1980 và 1990 khi những người viết
lách, người làm báo và độc giả đều thuộc thế hệ tị nạn và di dân đầu tiên còn
sung sức. Người viết còn dồi dào khả năng sáng tác, “chủ báo” còn sức đi cày
nuôi sống mình để còn làm báo, và người đọc thì còn đông đảo và nhiều ham thích
đọc văn chương tiếng Việt --cả ba yếu tố ấy giúp dựng dậy một nền văn học Việt
Nam Cộng Hòa hải ngoại. Nhưng cả ba thành phần ấy đều linh cảm được một điều,
là những gì thuộc về viết lách, thuộc về in ấn và phát hành sách báo, thuộc về
việc thưởng thức các tác phẩm văn chương Việt Nam, sẽ phải chấm dứt vào một thời
điểm nào đó trong tương lai. Có thể là một chấm dứt tiệm tiến không đột ngột,
nhưng chắc chắn sẽ tới. Lý do: chúng ta chỉ là một nhóm di dân thiểu số tại những
nước giàu mạnh và xa lạ, có ngôn ngữ khác, văn hóa khác.
Vào thập niên
đầu của thế kỷ thứ 21, với làn sóng Internet bắt đầu lớn mạnh trong khi lớp người
thuộc thế hệ 1 bắt đầu suy yếu đi, sự thay đổi mà nhiều người đã đoán trước dần
dần xuất hiện. Lớp người sáng tác lớn tuổi bắt đầu chậm lại, người đọc thưa thớt
dần, và các tờ báo và các nhà xuất bản bắt đầu nao núng. Thời gian này ở tòa soạn
báo Thế Kỷ 21, thỉnh thoảng tôi nhận được những bức thư thế này: “Thưa quý tòa
soạn, Bố tôi vừa qua đời, chúng tôi xin ngưng mua báo dài hạn...” “Chúng tôi”
đây là thuộc thế hệ thứ hai, hằng ngày nói tiếng Anh trong công việc và giao tiếp
xã hội, đọc sách báo tiếng Anh nhiều hơn tiếng Việt, thì việc tiếp tục mua báo
tiếng Việt dài hạn đương nhiên là một sự xa xỉ không cần thiết. Những bức thư
như thế, hoặc không cần thư từ gì cả, chỉ im lặng không gia hạn báo nữa, đã báo
trước một tình hình mới đang đến.
Tại một góc
khác của thế giới, tại Úc tờ Tiền Vệ của nhóm Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc Tuấn,
hầu hết thuộc thế hệ một rưỡi trưởng thành sau 1975, là một nhóm văn học mạnh
và mới mẻ, với những lý luận văn học đi song song với các trào lưu mới trên thế
giới. Đây là nhóm đi tiên phong làm báo văn học bằng mạng Internet với các đặc
điểm nhanh chóng, khối lượng bài vở nhiều, ít tốn kém, phổ biến rộng rãi tức thời
trên khắp thế giới. Một số năm sau tạp chí Da Màu ở Mỹ cũng đi theo con đường
này.
Có nên nói những
tờ báo văn học xuất bản trên mạng Internet từ đầu thế kỷ 21 trở đi là thuộc thế
hệ thứ hai của tập thể di dân người Việt Nam tại hải ngoại? Đây là sự trùng hợp
khá ly kỳ, có phải sự trưởng thành của việc sử dụng mạng Internet đánh dấu thời
kỳ cuối của báo giấy văn học của người Việt Nam di dân, và mở ra một thời đại mới
trẻ trung hơn, sung mãn hơn của một lớp người trẻ kế tiếp? Con đường phát triển
có vẻ đúng với một lộ trình như vậy. Khi lớp người cầm bút thuộc thế hệ di dân
thứ nhất bắt đầu già cỗi, họ không tài nào bắt kịp các chuyển động vùn vụt của
thời đại điện tử nữa. Họ viết văn được trên computer, có được một số thao tác
cơ bản với máy điện toán là may mắn lắm rồi, còn những việc quan trọng như xây
dựng nên một tờ báo điện tử hầu như phải hoàn toàn nhờ vào các thế hệ sau.
Những mất mát
dồn dập mấy năm gần đây nhắc nhở chúng ta rằng mỗi lớp người đều đóng vai trò
trong thời của mình. Một thời đại đi qua bao giờ cũng với những bước chân tiệm
tiến, và trong cái cảm thức mất mát, chuyển giao, chuyển tiếp từ từ ấy, hình
như ai cũng thấy nhu cầu bắt chước Nguyễn Tuân để vẽ nên cái “vang bóng một thời”.
Một thời Việt
Nam Cộng Hòa nối dài trong giới văn nghệ đã để lại cái gì đáng kể nhất? Đó chính là
văn hóa hành xử: tự trọng, tử tế và rất mực thương yêu tương kính nhau.
20/4/2016