Sunday, November 13, 2016

Gối đầu đá thu


Bao giờ nhà rợp mây trời  
đun trà nước suối, gối đầu đá thu

(phỏng dịch thơ Nguyễn Trãi =
hà thời kết ốc vân phong hạ
cấp giản phanh trà, chẩm thạch miên) 
 
Hai chữ đá thu mà Dung dùng trong câu thơ chắc chắn gây một ngỡ ngàng cho người đọc, vì nó lạ, vì từ trước tới nay không ai dùng như thế. Có lẽ Dung là người đầu tiên dùng thu ghép với đá, một thứ xưa nay vẫn trơ trơ với sự thay đổi của thời tiết. Làm sao lòng người có thể đồng cảm được với hình ảnh mới mẻ này? Thiên nhiên biến chuyển thì dễ gây xúc động lòng người, ví dụ lá cây, khi thu tới đổi màu, thì con người tạo ra ngay chữ lá thu để diễn tả một hiện tượng của thiên nhiên thay đổi, trong khi đó đá thì thiếu gì quanh ta nhưng không ai nói tới, vì nó không thay đổi gì cả, nó trơ trơ.

Thay vì lá thu như bao người đã viết, Dung đã dùng chữ ĐÁ THU. Thì sao?

Đá thu thì có gì khác với đá xuân, đá hè? Không khác gì cả, về mặt vật lý. Nhưng đối với một người sáng tác, không nhất thiết phải tuân theo định luật ấy, mà chỉ tuân theo cái cảm trong lòng mình. Trong văn cảnh nhân vật pha trà với nước suối, thì có gì ngăn được người sáng tác nghĩ rằng cảnh đó xảy ra trong mùa thu, với khí hậu không nóng lắm và không lạnh lắm, thì cứ cho nhân vật ngả lưng lên một TẢNG ĐÁ THU. Đó là sáng tác, là sáng tạo, vốn là cái vô bờ bến. Vấn đề là người đọc có chấp nhận được cách nói mới mẻ đó không. Nhưng người đọc, thực ra chỉ là người thụ hưởng sự sáng tạo của thi nhân, phải chấp nhận hình ảnh tấm phản đá trong mùa thu ấy. Và dần dần ĐÁ THU sẽ được chấp nhận như một từ ngữ sáng tạo để diễn tả một tình huống nào đấy của cuộc sống muôn mặt của con người.
m