Wednesday, December 28, 2016

Phát biểu về tập thơ Tát Cạn Đời Sông của Phan Xuân Sinh




  (Trong buổi ra mắt tập thơ vào mùa xuân 2013 tại Quận Cam, California)


  Thưa các bạn,

Hôm nay các bạn cùng tôi chào đón một nhà thơ đồng hương đến từ Texas, anh Phan Xuân Sinh và tập thơ Tát Cạn Đời Sông mới ra đời của anh. Khi nói mấy chữ "nhà thơ đồng hương" tôi biết mình đã dùng chữ không chính xác, vì không phải tất cả các bạn có mặt hôm nay đều là đồng hương Quảng Nam với anh Phan Xuân Sinh, nhưng tôi xin phép dùng mấy tiếng đó, thứ nhất là chắc số người đồng hương với anh Phan Xuân Sinh trong phòng này cũng khá đông, trong đó có tôi, thứ hai là tôi muốn chia sẻ với tất cả các bạn một vài cảm nghĩ khi đọc thơ anh Phan Xuân Sinh, mà tôi tạm đặt tên là: thơ của người đồng hương.

Hình như mọi chuyện bắt đầu đều không ổn. Bởi vì, thơ là thơ, chứ sao lại có thơ với người đồng hương hoặc không đồng hương? Chắc chắn sẽ có người bắt bẻ ngay như thế, và tôi cũng xin đồng ý ngay lập tức. Đồng ý ở chỗ Thơ là một hình thái diễn đạt cao nhất của ngôn ngữ con người, đã có từ thượng cổ cho đến nay trên mặt đất, con người đã, đang và sẽ mãi mãi sáng tác thơ, ngâm thơ, bình thơ, xướng họa thơ với một cái cảm hứng rất là phổ quát về các vẻ đẹp chữ nghĩa, chứ không ai cần gắn chặt thơ với một mảnh đất nào, dù là mảnh đất chôn nhau cắt rốn, mảnh đất quê hương cả.
Đành là thế. Đúng là như thế. Nhưng chúng ta có thể xét trên một khía cạnh khác: thơ là một trò chơi ngôn ngữ, và trên thế giới này không hề có một thứ ngôn ngữ chung cho tất cả mọi người. Mỗi dân tộc đều có một ngôn ngữ riêng -- ít ra một ngôn ngữ chính và có thể có rất nhiều ngôn ngữ khác của nhiều sắc tộc. Khi một bài thơ được sáng tác trên một ngôn ngữ nào đó thì nó mang tất cả các đặc tính rất riêng biệt của miền đất ấy, trong đó có hồn tính của tiếng nói, đặc tính của con người sống nơi đó, ảnh hưởng của thổ ngơi sông núi v.v... nghĩa là không biết bao nhiêu là yếu tố mang tính chất địa phương. Phải là nói cùng ngôn ngữ ấy mới cảm được sâu xa một bài thơ, điều đó thì ai cũng biết, và cả thế giới này đều đồng ý rằng thơ là một thứ không thể dịch được. Riêng kinh nghiệm của tôi, tôi chưa bao giờ cảm thấy rung động với một bài thơ dịch, hoặc chỉ rung động đôi chút sau khi đọc và hiểu bản chính, của nguyên gốc. Người dịch có thể rất tài hoa khi chuyển ngữ bài thơ, nhưng rất khó chuyển cái hồn của người thi nhân không cùng chủng tộc với mình, vì phần hồn ấy ẩn một cách tế vi trong ngôn ngữ của thi nhân. 

Đến đây, cụm chữ "thơ của người đồng hương" bắt đầu có thể có một chút ý nghĩa. Nhưng chúng ta đang ở Mỹ, một nước hợp chủng, thì đồng hương có thể có nghĩa là đồng bào, từ một nước gốc nào đó, như những người cùng trong cộng đồng, chẳng hạn Nhật, Trung Hoa hay Đại Hàn, Việt Nam v.v... Riêng nhà thơ Phan Xuân Sinh với tôi thì xin quý vị hiểu chữ đồng hương theo một nghĩa hẹp hơn, chúng tôi cùng là người Quảng Nam, đồng hương ở đây là đồng tỉnh. Và tôi thưởng thức thơ của anh với tinh thần, giọng nói, ngôn ngữ, tập quán Quảng Nam của tôi, và của anh. Thật ra tôi không mang địa phương tính quá nặng để chỉ để ý đến những vần thơ của người đồng hương, nhưng những vần thơ của người đồng hương thì đến với tôi rất dễ dàng, và tôi cũng thấy mình có nhiều khả năng cảm nhận nó một cách nhanh chóng.
Dựa trên những biểu hiệu nào mà một người nhận ra tính chất địa phương của một câu thơ? Ai cũng thấy là nhận ra những biểu hiệu ấy không khó, nó hiện ra ở những địa danh, những phương ngữ, những cách diễn đạt riêng biệt của dân chúng một địa phương nào đấy.

Ví dụ như tôi, thời cuối thập niên 1940, đầu thập niên 1950 là một cậu bé theo gia đình đi tản cư lên những vùng mạn ngược của tỉnh Quảng Nam, tai quen nghe nhiều địa danh lạ của tỉnh nhà, thì khi lớn lên khi đọc những câu thơ này của Bùi Giáng là tôi hiểu liền, định vị được liền cái lộ trình đi chăn dê của Bùi tiên sinh:
Những bận nào Trà Linh qua Đá Dừng, Hòn Dựng
Dùi Chiêng về Phường Rạnh ngược Khe Rinh
Bao lần anh cùng chúng em lận đận
Bôn ba băng rú rậm luống rùng mình
(Nỗi Lòng Tô Vũ)
Chắc chắn một người sinh trưởng và lớn lên ở Hà Nội hay ở vùng đồng bằng sông Cửu Long không thể cảm nhận những câu thơ vừa nêu với những xúc động như tôi, vì họ đâu có biết Đá Dừng Hòn Dựng là cái gì, họ đâu đã từng đi đến vùng Dùi Chiêng hay đã từng vượt qua truông Phường Rạnh như tôi? Yếu tố địa phương, với những địa danh, với những đặc điểm của từng vùng dĩ nhiên phải là người địa phương mới thấu hiểu, và cảm thấy tâm hồn bâng khuâng khi nghe tới. Yếu tố ấy có những tác dụng và lợi thế rất rõ làm cho ngôn ngữ thi ca vang động lên những tình cảm đối với vùng đất quê hương.
Nhưng tình quê hương không chỉ được gợi bởi các địa danh. Chính ngôn ngữ, cách nói hàng ngày của một vùng còn có sức mạnh mãnh liệt hơn là tên núi tên sông. Tiếng nói mỗi tỉnh có những cách diễn đạt riêng, có khi rất riêng, chỉ mình dân của tỉnh ấy hiểu được, cảm được. Nếu bạn ở Sài Gòn, lâu lâu lên Bảy Hiền chỉ để nghe tiếng nói của dân Quảng thôi, thì bạn sẽ thấy gần gũi với quê nhà hơn, để từ đó bạn sẽ thấy đỡ nhớ quê hơn, hoặc ngược lại, nhớ quê một cách quay quắt hơn. Ngôn ngữ của một địa phương có những chi tiết rất là tế vi, người ngoài lắm khi khó mà hiểu, chưa nói là cảm được. Nhưng những sợi thần kinh của một người đồng hương chỉ thoạt bắt gặp những cái tế vi ấy thì rung lên ngay. Hãy nghe một câu ca dao bình thường:

Sớm mai xách rổ nhổ ngò
Lòng thương bắt chết giả đò ngó lơ
Chắc quý vị nhận ra cái tín hiệu Quảng Nam ở mấy chữ "thương bắt chết". Hình như người Sài Gòn hay Hà Nội không diễn tả cường độ của tình thương --ở đây là tình yêu-- bằng hai chữ "bắt chết", tôi cho đó là một đặc sản của Quảng Nam, để nhận rằng câu ca dao đó được sáng tác bởi một đồng hương Quảng Nam rất bình dị của tôi.
Một câu ca dao khác:

Mưa lâm râm ướt dầm lá khế
Hỏi bạn rày để chế cho ai?
Có thể các bạn ở đây đã lâu lắm không nghe đến chữ "để chế", cũng có khả năng một số người quên mất nghĩa nó là gì. Tôi cũng thế, đã lâu lắm từ khi tôi mới bốn năm tuổi, tôi cùng cả gia đình đã "để chế" khi bà nội tôi mất, và từ đó không mấy khi nghe lại tiếng đó. Khi tình cờ đọc thấy câu ca dao này, hai chữ để chế đột ngột kéo tôi về một thế giới đã xa khoảng 70 năm, tôi không ngờ nó có sức mạnh như thế.
Thưa quý vị, những sức mạnh như thế hiện diện khá nhiều trong thơ Phan Xuân Sinh. Khi viết về những gì thân thiết với quê hương Quảng Nam thì trong thơ của ông lại lộ ra những cách nói của quê mình. Tôi cho đó là những giây phút tác giả sống thật nhất với bản chất của mình, nên như từ vô thức, những ngôn ngữ mà khi đi khỏi quê hương có thể tác giả ít khi dùng tới, thì khi viết những bài thơ này cách nói xưa lại xuất hiện một cách rất tự nhiên, không cần có sự trau chuốt như khi viết về những đề tài khác. Tôi rất cảm động khi đọc bài Đi Thăm Mộ Má trong tập thơ này. Ngay đoạn mở đầu tác giả đã khiến ta sững sờ vì một trùng hợp lạ lùng:

Chiều nay con vào thăm mộ má
Cẩm Hải -nghe tên- lạnh cả người
Nơi đây xưa chiến trường sôi sục
Nơi đây con gửi lại một bàn chân

Cẩm Hải, mảnh đất quê, nơi chôn giấu hai phần thân thiết nhất đời mình: bà mẹ và một phần thân thể của mình, vốn trước kia do bà mẹ sinh ra. Tác giả đã viết ra những lời tâm sự với mẹ, lời lẽ thân thiết và mộc mạc:

Chưa biết nói má bỏ con đi mất
đời quay tròn như một trái banh
con ngụp lặn giữa vũng sình lầy lội
cố ngoi lên tìm hơi thở trong lành
Họ đá con lăn cù, rơi vào hố thẳm
tát vào đời con xây xẩm mặt mày
dạy cho con cắn răng chịu đựng
tình người như trông tựa khói mây

Tôi có cảm tưởng như nghe lời một đứa trẻ chạy về "mét má" những điều đụng độ với tụi bạn lối xóm, khiến con quay tròn như một trái banh, hoặc họ đá con lăn cù, hay là con bị người ta tát cho xây xẩm mặt mày nhưng vẫn cắn răng chịu đựng... lời lẽ đó hình như mỗi chúng ta đều có lần thủ thỉ với bà mẹ của mình, là người duy nhất trên đời để hết tấm lòng lắng nghe chúng ta bộc lộ những nỗi bất công, khổ sở mà mình gặp phải. Nói với mẹ dĩ nhiên chúng ta dùng tiếng mẹ đẻ, ở mức độ tinh ròng nhất, vì còn ai trên đời có thể hiểu ngôn ngữ ấy hơn bà mẹ của chúng ta, người đã dạy cho chúng ta ngay từ đầu đời chính tiếng nói ấy?
Và cảm động nhất là những lời lẽ cuối:

Thôi giữ dùm con bàn chân phải
để nó nằm yên với má trong tay
như ngày xưa má từng ôm con vậy
bây giờ con đã cao chạy xa bay
Lâu lâu con lại về thăm má
cũng nơi đây chôn kín một bàn chân
nếu nhớ con, má ôm vào lòng ấp ủ
má cứ vuốt ve vì nó chính là tình thân.

Tác giả đã nhìn ra một giải pháp tuyệt vời để giải quyết những bất hạnh của đời mình, là mẹ mất sớm, và vừa mới ra chạm mặt với đời đã bị mất một bàn chân ngay trên vùng đất mẹ mình an nghỉ. Người con đã nhờ mẹ giữ lại bàn chân ấy, như một dấu tích của chính mình. Một giải pháp vô cùng nhân hậu sẽ làm vơi đi nỗi khổ cho thế giới bên này lẫn thế giới bên kia.

Một bài thơ khác, cũng là lời đối thoại với một người đã chết, cũng với lời lẽ rất mực chân thành, đó là bài Đi dự đám giỗ nhà thơ Vũ Hữu Định. Vũ Hữu Định là nhà thơ xứ Quảng, rất nổi tiếng với bài thơ Em Pleiku má đỏ môi hồng mà Phạm Duy phổ nhạc. Ở đây có hai yếu tố khiến ngôn ngữ thơ của tác giả trở nên đầy cảm hứng và gần gũi, một là "thương người đồng điệu" và hai là... đồng hương. Thương người đồng điệu là tiếng của Chu Mạnh Trinh nói về nàng Kiều "ta cũng nòi tình thương người đồng điệu" thì nay Phan Xuân Sinh nói với Vũ Hữu Định nào có khác gì, người làm thơ không thuộc nòi tình thì thuộc nòi gì? Vâng, họ là nòi tình cả, nhưng phong cách ở đây hơi khác:

Nghe ông khi xưa chết vì say
ngày giỗ ông, ghé qua (bưng rượu tới)
ta cảm ông như người tri kỷ
mời ông một chung để tỏ lòng thành

Phong cách ở đây là những nhà thơ ưa uống rượu, thơ với rượu là hai thứ từ xưa đến nay rất khắng khít với nhau. Bắt đầu từ chiếu rượu thì không biết bao nhiêu điều để nói, và trong cung cách rượu vào lời ra thì ngôn ngữ trở nên hào sảng và chân thành, nhất là khi họ là người đồng hương với nhau, cùng dùng chung một giọng nói. Tôi vẫn để ý những người làm thơ cùng quê với nhau thì dễ thân nhau, lớp trước những người như Bùi Giáng, Tạ Ký, Tường Linh tại Sài Gòn đối đãi với nhau như anh em một nhà vì họ cùng xuất thân từ vùng đất Trung Phước của huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Lớp sau, tôi nghĩ cũng vậy, những Thành Tôn, Phan Xuân Sinh, Hoàng Lộc, Thái Tú Hạp cũng vẫn có nhiều điểm gần gũi nhau. Cái đó tự nhiên, ngoài cái tình tự quê hương và cùng trang lứa, họ còn chia sẻ nhau về nguồn cảm hứng và ngôn ngữ trong thời đại của mình. Cho nên Phan Xuân Sinh về thăm Việt Nam, dù có vẻ không quen biết Vũ Hữu Định từ trước, vẫn đến dự đám giỗ và viết những vần thơ rất thân tình cho người thi nhân đồng hương đã quá cố.

Ông chọn cho mình một chỗ dấn thân
như người "khách lạ đi lên đi xuống"
thơ và rượu nổi đình nổi đám
hai thứ này, nó quật ông quay
Trên bàn rượu ngất ngưỡng cơn say
đời khiến ông trầm trầy trầm trật
vẫn cố tật chiều say tối xỉn
đắm mình sâu qua mấy cuộc chơi.
*
Thưa quý vị,

Yếu tố quê hương hằn sâu trong tâm khảm mỗi người đã có thời kỳ dài sống trên quê hương mình, và tôi nghĩ những vết hằn đó sẽ không phai nhạt trong suốt cuộc đời của chúng ta. Trái đất bây giờ đã trở nên nhỏ bé, một người Quảng Nam rời quê vào sống ở Sài Gòn, hoặc xa hơn, ở đất Mỹ, nếu muốn đều có thể về thăm quê không mấy khó khăn. Nhưng cái lòng nhớ quê không vì thế mà phai đi, dù vẫn có thể về đứng bằng chính đôi chân mình trên mảnh đất quê, sở dĩ có điều đó là vì chúng ta vẫn mang một quê hương trong tâm thức. Một bạn trước 1975 đi học ở Đà Nẵng chẳng hạn, bây giờ về lại thành phố đó sẽ thấy một sự đổi thay quá lớn lao, một mặt bạn ấy sẽ bị choáng ngợp với nhiều thán phục, một mặt có thể vẫn tiếc nuối những hình ảnh thành phố cũ thời mình còn đi học. Biết làm sao được, bộ nhớ của chúng ta đã ghi nhận tất cả hình ảnh, âm thanh, tình cảm của thời trẻ tuổi ấy, và khi ta càng lớn tuổi, những ký ức ấy càng hiện rõ.

Hình như cũng chính vì lý do đó mà tôi chọn khía cạnh quê hương khi nói về thơ Phan Xuân Sinh. Có thể đó chỉ là một khía cạnh nhỏ thôi trong tập thơ Tát Cạn Đời Sông ra mắt ngày hôm nay, bên cạnh nhiều đề tài đặc sắc khác, về tình yêu, về thời sự vân vân, nhưng những nét quê hương đó làm tôi cảm động, và tôi chia sẻ cùng quý bạn đôi điều đồng cảm. Thế giới chữ nghĩa thì mênh mông, bắt gặp một cụm mây đồng cảm giữa cái mênh mông đó, thật là một may mắn đối với tôi.
Xin cám ơn thi sĩ Phan Xuân Sinh đã cho tôi cơ hội chia sẻ một chút tình cảm có lẽ rất xưa cũ.

Cám ơn tất cả quý vị đã lắng nghe một chút tấm lòng tôi.
Phạm Phú Minh