Lời
Tòa Soạn.- Bài dưới đây được viết cách đây đúng 20 năm, nhân World
Cup năm 1998 diễn ra tại nước Pháp, và Pháp đã lên ngôi vô địch. World Cup năm
nay 2018 được tổ chức lần đầu tiên tại nước Nga, Pháp đã được vào chung kết với
Croatia ngày 15 tháng 8, và một lần nữa Le
Jour De Gloire lại đến với nước Pháp. Đội Pháp đã thắng Croatia với tỉ số
4-2, đoạt chức vô địch World Cup 2018.
Dù hai thập niên đã qua từ khi
bài này được đăng lần đầu trên tạp chí Thế Kỷ 21 số 112, tháng Tám 1998, tâm
tình và những vấn đề về bóng đá của người di dân Việt Nam có vẻ vẫn thế (tuy
bài có được thêm bớt gọt dũa lại chút đỉnh), chúng tôi xin mời độc giả xem lại...
cho vui. DĐTK
World
Cup tổ chức ở Pháp năm nay đem lại
cho những người đàn ông Việt Nam trung niên đang tị nạn tại Hoa Kỳ ít nhiều
thích thú say mê đích thực, sau những năm tháng sống lửng lơ với một cố gắng thích ứng
liên tục với một văn hóa mới, một
cố gắng mà họ biết không bao giờ đạt tới đích. Tất cả vui thú say mê của một đời
người hoàn tất từ thời người ây còn trẻ, và khi đã sống tròm trèm nửa đời rồi mới
gặp hoàn cảnh đòi hỏi phải đổi mọi chuyện thì rất khó, nếu không nói là chẳng
thể được. Vì thế người ta phải tiếp tục ăn cơm với cá kho, ăn phở, hủ tiếu, bún
riêu, mì Quảng, tiếp tục coi video và nghe CD nhạc Việt Nam, tiếp tục xuất bản
và đọc sách báo tiếng Việt, tiếp tục xây dựng chùa chiền
và tu viện Phật giáo... Nói cho lớn lao thì là người ta đang cố
gắng bảo tồn văn hóa của quê
cha đất tổ, nhìn một cách thực tế thì tất cả việc ấy
chẳng qua nhằm đáp ứng nhu cầu sống của
chính một lớp người mà thôi. Không thích ứng nổi với cái mới một cách toàn vẹn
thì ta bày những gì của ta ra để... ta dùng vậy.
Nhưng riêng về môn đá banh thì người tị nạn tại Hoa
Kỳ... thua. Họ có thể tha hồ gào với cái máy Karaoke những bản nhạc Việt mà họ
ưa thích một thủa nào,
nhưng họ không cách gì đến với môn đá banh, mà những người Việt trung niên ấy
hầu hết đều say mê từ thời còn nhỏ xíu, và được nuôi dưỡng đầy hào hứng khi lớn
lên. Nếu anh tị nạn ở bất cứ một chỗ nào trên thế giới khác với Hoa Kỳ thì anh
vẫn có thể gần gũi với niềm say mê ấy, và cảm
thấy thế giới này vẫn có một mẫu số chung mà
mình là người lạ đến vẫn có thể tiếp tục chia sẻ. Một người Việt Nam ham đá
banh từ ngày nhỏ gặp một người Pháp chẳng hạn cũng cùng một sở thích ấy thì sẽ rất dễ gần gũi
nhau. Sân cỏ, luật chơi, kỹ
thuật lừa bóng, những cách chơi xấu, lòng
ham mê, kỷ niệm về các trận đấu... là tài sản chung của hai người dù họ đã sống
trong hai xứ sở cách rất xa nhau, với hai nền văn hóa khác biệt.
Cùng tôn giáo chưa chắc đã có nhiều điểm chung bằng cùng chơi một môn thể thao,
nhất là môn thể thao ấy
lại là môn đá banh. Cùng môn chơi loại khác, ví dụ cờ bạc, cũng không thể có gì sâu xa để chia xẻ với nhau
như môn đá banh. Khi ra sân tranh nhau trái bóng thì thể xác, tinh thần, tình cảm, tài năng đều được đẩy lên một mức độ thể hiện rất
cao, tất cả tổng hợp lại thành một cái vốn tươi sáng lành mạnh gắn
chặt với sự sống của một đời người, sẽ ở với người ấy
suốt đời. Nước Mỹ sẽ là một hành tinh lạ đối với một người có một “background”
như thế. Đất nước giàu có xinh đẹp này, dân tộc hào hiệp cởi mở này không có
quá khứ giống như các dân tộc khác trên thế giới — quá khứ ở đây
chỉ xin hiểu một cách đơn giản là những công dân nhỏ tuổi của họ không lớn lên
với môn đá banh. Chỉ đơn giản như thế nhưng đã tạo ra một khác biệt ghê gớm, là cả dân tộc
này đứng ngoài nhịp đập của trái tim nhân loại khi trên thế giới xảy ra các biến
cố về bóng tròn. Khi World Cup đang diễn ra ở Pháp, khi một đường banh “diễm ảo”
(xin mượn chữ của ký giả thể thao Huyền Vũ) bay vào lưới, bao nhiêu triệu người từ bất cứ xó
xỉnh nào trên quả đất, đúng vào phút, giây, sát na ấy,
cùng một lúc ồ lên suýt soa, thì dân Mỹ không hay biết gì cả.
Họ đứng ngoài, họ không tham dự vào, mặc
kệ cái buồn vui thổn thức của phần nhân loại còn lại. Họ có môn chơi của họ, chơi riêng, chơi một mình. Sự
kiện nước này bắt đầu có đội bóng tham gia vào World Cup
xem ra chưa có ảnh hưởng gì đến “trái
tim”của người dân Mỹ chính cống cả.
Nhưng một người Việt Nam trung niên di dân tại đất nàv, tức là người
Mỹ không chính cống, thì đón chào World Cup như bắt gặp lại một loại quê
hương
của mình. Từ
khi còn nhỏ xíu anh con trai nào cũng ít nhiều tham gia các trận đá bóng
nếu là người Bắc, đá banh nếu là người
Trung hoặc Nam. Nếu những người trung niên ấy sinh vào khoảng giữa đến cuối thập
niên 30 thì khi vừa lon ton ôm vở đi học đã ở trong không khí hào hứng của
phong trào Ducouroy, trong đó môn đá banh lan tràn rất mạnh, đến từng phủ huyện,
làng xã, từng trường học, ảnh hưởng ngay đến những lớp nhỏ nhất trong trường.
Thời ấy
trẻ con biết chơi biết chạy
là đã ít nhiều biết
đá banh, dù
dưới những hình thức đơn sơ nhất. Khi đã
cắp sách đến
trường thì gặp ngay một môi
trường thuận lợi
để hiểu biết và tham gia môn chơi hào hứng này. Các
cậu bé lúc bấy
giờ mới biết ra rằng đây là một môn chơi có luật lệ, và chính khi chơi với luật lệ
thì thích thú
hơn là những trận đá qua
đá
lại bừa bãi ở ngoài đường nhiều. Trong sân trường, thường phải chia phe trước khi
một trận cầu xảy ra: những người thích chơi đứng thành một đám giữa sân, hai người tương đối lớn và đá hay sẽ đứng đầu mỗi bên và
bắt
đầu chọn cầu
thủ cho bên của mình, gọi là
"bắt
phe." Cách chọn khá công bình, mỗi bên
luân phiên lần lượt “bắt” một người,
cho đến khi đám đông giữa sân được chia hẳn thành hai phe, mỗi bên kéo về một đầu
sân để dồn quần áo nón mũ thành hai ụ để
làm gôn, rồi dàn trận bắt đầu đá.
Họ đá bằng
gì? Dĩ nhiên bằng trái banh,
nhưng banh của họ rất nhiều loại. Nếu là tập thể các lớp lớn, sẽ có
một trái banh loại “demi” nghĩa là banh da có vét-xi
bơm hơi đàng hoàng, nhưng nhỏ bằng một nửa banh người lớn.
Đó là loại sang. Thường chỉ là banh bằng cao
su, lúc mới còn căng cứng đá rất tốt, nhưng chơi một thời gian ngắn cao su trở
nên mềm nhẽo, đá nghe lịch phịch và khi rơi xuống đất thì không nảy lên được nữa.
Nhưng chẳng hề gì, miễn là có một vật tròn tròn để mà
tranh nhau đá vào gôn bên kia là vui rồi. Học trò trường nhà quê thì ngay banh
cao su cũng là món xa xỉ chỉ ước ao chứ không mấy
khi có được, họ thường dùng trái bưởi để làm banh. Bưởi xanh mới hái trên cây
xuống rất cứng và nặng, đá mạnh vào có thể bị sưng chân, vì thế các cầu
thủ chân đất ở thôn quê nghĩ ra cách đem nướng trái bưởi trên lửa cho mềm bớt trước khi cho nó ra sân. Nhưng ngay
cả bưởi có khi cũng không phải là thứ dễ kiếm và lúc nào cũng có, trong khi đá banh là nhu cầu hàng ngày. Họ bèn tự làm lấy
banh, với một loại nguyên liệu dồi dào lúc nào cũng có sẵn trong tầm
tay: lá chuối khô và dây chuối. Dùng một vật tròn, có thể là một hòn đất cứng để
làm lõi bên trong, họ lấy lá chuối khô bao bọc nhiều lớp bên
ngoài, khi thành một khối tròn to độ trái bưởi thì họ bắt đầu dùng dây chuối để
thắt một lớp bao bọc bên ngoài. Đối với học trò nhà quê, “thắt banh” là một nghệ
thuật, nhiều đứa khéo tay đã tạo nên những trái banh lá chuối tròn trịa được thắt
chặt bởi một lớp lưới dây chuối dày bọc bên ngoài, đá êm chân mà lại bền.
Cần nhất là bền, nếu chỉ mới đá có một lúc mà đã “lòi ruột,” lá đi đàng lá dây
đi đàng dây thì chán chết. Nhưng đối với những
bàn chân còn non nớt, có được một trái banh te nít cũ là lý tưởng nhất,
tha hồ đá không sợ bị hư.
Đám con nít Việt Nam ấy chơi bóng dưới thiên hình vạn trạng, khắp nơi, từ
thành thị đến thôn quê, trên sân vận động, sân trường, trên hè phố, trên đường
làng, trong sân đình, ngoài bãi sông hoặc trên những thửa ruộng mới gặt còn trơ
gốc rạ; có nơi được huấn
luyện chỉ dẫn hẳn hoi và cầu thủ được mang
giày vải, nhưng phần lớn là “đá rừng” với chân không,
và chỉ biết dựa trên một số luật chơi căn bản
bất thành văn được truyền
từ nơi nọ sang nơi kia. Họ chơi say mê đến quên giờ giấc, trầy da, trặc chân, rách
áo là chuyện thường, và niềm say mê ấy
sẽ ở lại với họ như những kỷ niệm trong sáng nhất trong quãng đời
về sau.
Từ trước
thập niên bốn mươi cho đến đầu những năm 50, các danh
từ, động từ trong môn chơi này hầu hết
dùng tiếng Pháp, dĩ nhiên trong đó có nhiều
chữ được Pháp hóa từ tiếng Anh, vì môn này do người Anh bày đặt ra. Cả
xã hội dùng như thế, và đám trẻ cũng lặp theo, một cách tự nhiên như các từ được Việt hóa. Họ gọi thủ môn là giữ
gôn
hoặc gạc gôn (garde
goal, một chữ nửa Pháp nửa Anh, có nơi còn dùng chữ nửa Việt nửa Pháp là bắt
buýt
do but, tiếng Pháp dịch
chữ goal), trung phong là a văng xăng (avant
centre), hậu vệ là a ri e (arrière),
phạt góc là cọt ne (corner, tiếng
Anh đọc theo kiểu Pháp), đụng tay là manh (main),
đánh đầu là tết (tête), đá vào gọi là suýt hoặc sút (shoot),
và khi đá lọt một bàn thì trước khi dùng chữ “dô!” như sau này, cả bọn phe thắng cùng gào lên “gô...ô...n”
giống như anh tường thuật viên người Mễ ở đài KMEX/34, Los Angeles. Khi đám trẻ
ấy lớn lên ở miền Nam thì
các thuật ngữ bóng đá dần dần được Việt hóa, và họ quên dần cái mớ chữ lai căng
họ đã dùng suốt thời nhỏ tuổi trong các trận thư hùng đầy say mê.
Kỷ cương của nền túc cầu miền Nam đã
làm công việc Việt hóa ấy, và báo chí và đài phát thanh đã hoàn tất
việc phổ biến và thay thế hẳn thói quen dùng tiếng ngoại quốc trong môn chơi này. Có công nhất trong việc phổ biến này có lẽ là
Huyền Vũ, người tường thuật các trận đấu
bóng tròn trên đài phát thanh Sài Gòn. Thính giả say mê lối tường thuật sôi nổi,
duyên dáng và chính xác của ông, và người ta thuộc dễ dàng những thuật ngữ mà
ông dùng.
Ký giả thể thao Huyền Vũ
Ai là người
đầu tiên đã chế ra các thuật ngữ bóng tròn bằng tiếng Việt? Chắc là các vị phụ
trách về Thanh Niên và Thể Thao trong chính quyền
đệ nhất Cộng Hòa. Nhưng không rõ trước đó các từ này đã được Việt
hóa phần nào chưa. Dân chúng Nam phần Việt Nam có khả năng Việt hóa
chữ nghĩa ngoại quốc rất tài tình, hơn hẳn ở Bắc và ở Trung, những vùng rõ ràng có ưu
thế hơn về chiều dày của văn hóa truyền
thống. Nhưng càng truyền
thống thì lại càng rụt rè trong việc chế
ra chữ cho chính mình dùng, cho nên hay có khuynh hướng hoặc phiên âm, hoặc tìm
chữ Hán Việt tương đương,
trong khi đó người miền Nam chế
ngay ra chữ mới gọi thẳng tính chất và công dụng của sự vật muốn chỉ bằng tiếng
Việt. Ví dụ, trong khi miền Bắc và Trung còn dùng tiếng frigidaire thì người
miền Nam gọi một cách thoải mái cái ấy là cái tủ
lạnh
(cái tủ phát ra hơi lạnh thì gọi là tủ lạnh, còn ngần ngại gì nữa?); còn limonade thì miền
Nam gọi là nước ngọt (một tiếng
tổng hợp tất cả các thứ nước giải khát có đường, sau
đó nếu cần mới chỉ rõ là nước cam, nước chanh, xá xị v.v...); theo Tàu gọi là mì
chính
hay vị tinh thì miền
Nam gọi là bột ngọt; các bộ
phận trong chiếc xe đạp thì trong khi Bắc và Trung còn dùng toàn tiếng Tây thì
miền Nam Việt hóa một cách dễ dàng: cái ghi
đông
là ‘tay cầm’ (còn vô
lăng
của xe hơi thì là ‘tay lái’),
sên là ‘dây
xích,’ phanh là ‘thắng’
(cho cả danh từ lẫn động từ), moyeu là cái ‘đùm,’
garde-boue là ‘vè
chắn bùn’; loại xe chở xăng mà tiếng Pháp gọi là citerne thì người Bắc chỉ biết gọi nhại
là ‘xi-téc’, hay người Trung ‘xi-tẹt’, người Nam đã Việt hóa vô cùng tài tình
và chính xác : ‘xe bồn’... Đặc điểm của sự Việt hóa này là thấy
sao nói vậy, có tính thực dụng, để có thể dùng ngay một cách dễ dàng hàng ngày,
không bị cái gánh nặng chữ nghĩa bác học ám ảnh,
mà rốt cuộc lại có sức sống nhất, được cả nước chấp nhận
và dùng rộng rãi. Điều này ngẫm ra cũng là sự lạ. Đất
Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp mà dân ở đó lại không sính dùng tiếng Pháp trong
sinh hoạt hàng ngày. Họ Việt hóa chữ nghĩa của họ một cách triệt để. Hình như đó là tính cách của
vùng đất mới, “dọc ngang nào biết trên đầu có
ai" kể cả cái mớ chữ nghĩa rắc rối của giới học thức. Tự tạo chữ ra mà
dùng, dù thoạt đầu chỉ là để cho tiện dụng thôi, nhưng đó cũng chính
là biểu hiện lòng yêu nước, một cách hồn
nhiên gần như tự phát không chịu nô lệ tiếng nước ngoài.
Cho nên
không lạ là các thuật ngữ tiếng Việt của môn đá
banh được phổ biến và dùng rộng rãi rất nhanh trong quần chúng miền Nam, những manh, những tết, những nu (ném
biên), những gạc gôn. những a
ri e...
biến mất sạch trong không đầy một thập niên, (những người sinh trong thập niên
50 có thể chẳng hiểu gì về những chữ này!) và được thay thế bằng một hệ thống
thuật ngữ hoàn chỉnh, tuy là có nặng phần hán-việt. Rõ
ràng quần chúng miền Nam không dự phần trong vụ đặt
tên này (nếu làm được thì chắc họ đã làm từ trước
lâu rồi), bởi lẽ môn đá banh thoạt tiên chỉ là môn chơi của một
nhóm người, sau nữa các ý niệm vai trò và động tác trong sân
khó diễn đạt bằng ngôn ngữ thường ngày, vì không có chữ tương
đương và cũng không có nhu cầu
trong rộng rãi quần chúng. Tuy nhiên mọi người chấp nhận hệ
thống thuật ngữ mới một cách tự nhiên, ngay cả chữ “túc cầu”
cũng trở nên quen thuộc không kém chữ “đá banh.” Ở đây tưởng
cũng nên mở một dấu ngoặc
của một ngoại lệ, đó là chữ “banh.” Chỉ ở Bắc
dùng chữ “bóng” để chỉ một vật khối tròn có hơi bên trong, Trung và Nam không
dùng, cùng lắm chỉ dùng chữ “bong bóng,” cho nên đành phải chấp nhận phiên âm
chữ balle từ tiếng Pháp
thành “banh.” Mà xin các nhà ngữ học xem lại coi, người Bắc có dùng chữ “bóng”
để chỉ một cái gì khác ngoài cái vật ngoại nhập có tên gọi là balle ấy hay
không? Hay đây cũng là một chữ
được chế ra rút từ chữ “bong bóng,” cốt để chỉ cái vật ấy?
Nghĩa là cũng là một cách phiên âm, nhưng có “dính dáng” với ngôn ngữ Việt Nam hơn, để cuối cùng ta có “quả bóng” cho miền
Bắc, “trái banh” cho Trung và Nam?
“Đá banh” là một động
từ nôm na, không thể dùng nó như danh từ để chỉ môn chơi, như chữ “túc cầu” hay
“bóng tròn” trước đây được dùng ở miền Nam, hay chữ “bóng đá” của miền
Bắc mà hiện nay trong nước đang dùng một cách chính thức. Kể ra trong các chữ ấy,“bóng đá”
là hay hơn cả, vì khi đã có bóng chuyền, bóng rổ,
bóng bàn
thì bóng đá hợp lý và tượng
hình hơn... bóng tròn rất nhiều, và
dĩ nhiên là Việt Nam hơn “túc cầu.”
Nhưng sự thành hình của ngôn ngữ rất nhiều khi không dựa vào sự hợp lý mà còn
vào nhiều yếu tố khác, hễ dùng quen thì nên, còn nếu
vì một lý do gì không dùng nữa và được thay thế thì nó chết, nó lẳng lặng rút
vào quên lãng, chẳng kiện cáo ai cả.
Đề cập đến
sự dửng dưng của người Mỹ đối với bóng đá, một người di dân trung niên đã nói rằng:
“Phải là những kẻ khi còn nhỏ có cái say mê dắt trái banh đi thì lớn lên mới
thích môn này được.” Phát biểu ấy hẳn nhiên là đúng nhưng không đủ, vì nhiều
người cả đời chưa bao giờ đụng đến trái banh vẫn ham xem đá banh như thường.
Ngày nay cánh phụ nữ tại Việt Nam cũng mê World Cup
lắm, cũng thưởng thức được cái hay cái đẹp của môn chơi, cũng cổ võ nồng nhiệt,
nhưng tuyệt đại đa số trong bọn họ chưa bao giờ chơi bóng đá. Môn này đã biến thành một cảm hứng chung của xã hội
rồi, và hoàn toàn có khả năng thu hút mọi người
thành “fan” của nó mà không cần bắt họ phải là đồ
đệ chính cống, theo nghĩa là phải nhập môn, phải tập dượt, phải ra
sân.
Hầu
hết những người chơi đá banh từ
ngày nhỏ khi lớn lên thì không chơi nữa. Chỉ một số
ít theo nghiệp này, trong một thời gian mà tuổi tác và sức khỏe họ còn cho
phép. Một số đông hơn thỉnh thoảng ra sân, một cách tài tử. Nhưng tất cả đều tiếp
tục ham xem các cuộc thi đấu, hầu như không có loại trừ.
Trước kia ở trong nước, họ cố
gắng có mặt trong các trận quốc tế, các trận tranh cúp quốc gia. Ra nước ngoài
họ ôm lấy cái ti vi trong những ngày World Cup, hoặc nếu bận đi làm thì thu vào
băng video để tối về coi. Tại
một nước hững hờ với bóng đá như nước Mỹ, người xem các cuộc thi đấu
dễ có thái độ trung lập hơn là những nơi
mà sự ham thích làm
sôi sục cả xã hội. Nhưng thật ra ít khi nào xem một trận đấu
là lòng ta hoàn toàn trung lập, không mong cho một bên thắng hơn là bên kia. Nếu
một bên là đoàn cầu của nước mình thì khỏi nói, sự thiên vị
sẽ ở sẵn trong ta như một yếu tố bẩm sinh, dù có tu luyện cái tâm đến mức nào
cũng không thể trung lập
tuyệt đối được. Thế nhưng khi xem một trận giữa hai nước trên thế giới không có
liên hệ gì đến mình, sự thiên vị một bên vẫn thường có, hoặc có ngay từ đầu, hoặc
thành hình lúc nào không hay trong
lúc đang xem. Ví dụ ta đang xem trận Hòa Lan đấu với
Argentine chẳng hạn. Hai “thằng” đó thì chẳng dính
líu gì tới Việt Nam, bên nào thắng cũng chẳng tác động gì đến tình cảm của
mình. Đó là hai đội hay, có tiếng, đều đã từng đoạt chức vô
địch thế giới, một trận sẽ đem lại cho sự thưởng ngoạn của
mình nhiều “sướng thỏa”
(lại chữ mượn của Huyền Vũ). Thế nhưng xem một lúc thì mới phát
giác ra rằng chính mình đang nghiêng về phía Hòa Lan, nghĩa là hồi hộp lo lắng khi thấy
quân Nam Mỹ ào ạt tấn công sát khung thành của Vùng Đất Trũng, và nếu thấy điều
ngược lại đang diễn ra thì vui mừng... Khi phát giác ra như thế thì thoạt tiên
thấy hơi bực mình, vì vẫn cho rằng đừng để cảm
tình xen vô thì thưởng thức cái hay được trọn vẹn hơn. Và thử
dò lòng mình xem do đâu mà sinh ra thiên vị như thế,
và đưa ra một vài lý do như là các giả thuyết, chứ chưa dám khẳng định hẳn. Có phải vì thời xửa thời
xưa Hòa Lan đã đến Việt
Nam buôn bán, lập thương điếm ở Phố Hiến và Hội An, nên từ vô thức lòng
ta đã có cái gì đấv gắn bó với “nó”? (giả thuyết này xem ra nặng phần... phân
tâm học quá!). Hay là vì hai thập niên trở lại đây Hòa
Lan đã tỏ ra rất tốt với dân tị nạn Việt Nam, nhận rất nhiều
thuyền nhân cho tá túc ở nước mình để làm ăn sinh sống? Hay là vì
nhà xuất bản Cái Đình của các
anh em tại Hòa Lan nặng lòng với văn hóa Việt Nam
như Nguyễn Hiền, Cao Xuân Tứ, Nguyễn Lê Hồng
Hưng, Nguyễn Hoàn Nguyên v.v...? Hay vì gần đây mình đã
có một chuyến du lịch Hòa Lan và có cảm tình với các loại hoa ở đó?...
Khó có thể biết lý do nào là chính, cái nào là phụ, nhưng ngẫm ra thì rõ ràng
Hòa Lan đang “có điểm” trong lòng một người Việt Nam đang coi đá banh hơn là nước Argentine nhiều.
Từ đó suy ra, ở đời này thật khó mà giữ lòng được công bằng tuyệt đối. Từ một
chỗ ngóc ngách sâu kín trong tâm lý của chúng ta sẽ nảy ra một yếu tố
nào đấy xô cho cán cân dần dần thiên lệch, ngoài
sự kiểm soát của lý trí.
Những người
đàn ông trung niên Việt Nam ở bất
cứ nơi nào trên thế giới xem trận chung kết giữa Pháp và
Brazil vừa rồi có thể nói đều
đứng về phe Pháp (*). Dù họ là con cháu của những vị quan lớn
có nhiều liên hệ với “mẫu quốc” ngày xưa, hay của
những người đã ngã gục trước họng súng của quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ, dù họ
từng là những cầu thủ tí hon thời Ducouroy hay chỉ mới là kẻ say mê Huyền
Vũ trong thập niên 60, tất cả các tấm lòng đều
nghiêng về phía Pháp. Có lẽ chẳng cần lý giải vì sao. Lịch sử đã tạo như thế. Họ
được xem cảnh vui mừng của dân Pháp tại cầu trường
Stade de France, tại Champs Elysées ngày hôm đó, có lẽ chính lòng họ cũng mang
phần nào nỗi hân hoan ấy. Và họ vô cùng tâm đắc khi nghe người tường
thuật của đài truyền hình KABC của Mỹ, vào lúc cuối của trận chung kết ấy
đã trích câu quốc ca Pháp để nói về đội Pháp: ... Le jour de
gloire est arrivé... Ngày vinh quang đã
tới.
Không câu nào “đắt” hơn là câu đó, trong giờ
khắc ấy. Một tổng hợp văn hóa, lịch sử và sự kiện hiện tại cực kỳ khéo
léo, trong giây phút xuất thần của một phóng viên thể thao.
Nhiều người
cho rằng coi đá banh là phải coi với lòng mong cầu một phe thắng, chứ nếu hoàn
toàn dửng dưng thì còn gì là hào hứng? Có
phải vì thế mà người ta bày đặt thêm vụ cá độ để lòng mong cầu
càng mạnh mẽ thiết tha hơn nữa, hầu cuộc chơi càng thêm hào hứng?
Ngược lại, đối với một người đang dốc lòng tu tâm dưỡng tánh — thường nằm trong
lớp trung niên — thì càng tránh những xúc động thái quá càng tốt cho tâm thân của
họ, ngay trong lúc coi đá banh cũng không nên để cái cảm
xúc hơn thua nó chế ngự tâm của
mình, mà chỉ nên để ý đến nghệ thuật của hai phe mà thôi. Cảm
xúc sẽ che mờ khiếu thưởng ngoạn, lòng mong cầu sẽ như một mảng vô minh che mắt
khiến chúng ta không thưởng thức được trọn vẹn cái hay cái đẹp thuần túy của
chiến thuật chiến lược mỗi bên, hay tài nghệ của những đôi chân vàng của các cầu
thủ. Xem thế thì cái Chân, Thiện, Mỹ cùng lòng ham muốn,
mong cầu, dục vọng nằm cả trong thế giới túc cầu này.
Hàng triệu người xem nhưng mỗi người sẽ với căn cơ khác nhau, với trình độ thưởng thức cao thấp
khác nhau, với niềm vui và nỗi buồn khác nhau. Nhưng may mắn tất cả đều có một
mẫu số chung đẹp: ham thích một môn chơi say mê và lành mạnh, có khả năng đem con người lại gần nhau.
* Nhận định này không hoàn toàn đúng. Sau khi báo Thế Kỷ 21 số 112,
tháng Tám 1998 phát hành ít lâu, tác giả Chuyện Đá Banh đã nhận được một email từ Canada có nội dung : “Không, không, tôi yêu mến và hoàn toàn ủng hộ đội Brazil chứ không phải
đội Pháp !!”