Monday, November 19, 2018

ĐỖ NGỌC YẾN, TUỔI HỌC TRÒ


PHẠM PHÚ MINH

Đêm giao thừa tại nhà Yến, một năm nào đó đã xa.



Lửa hồng cháy... cháy trong  đêm dài...
Lửa là hồn trai soi vào đêm thâu
cho đời tươi mãi...
... Chập chờn trước mắt là ánh lửa soi
chập chùng sau lưng là non là núi
Lửa hồng cháy... lửa hồng ơi...
Đời người thanh niên là ánh lửa soi
Lửa hồng đốt cháy buồn bã sầu ai
Lửa hồng cháy... lửa hồng ơi...

Đêm lạnh giá ở Đà Lạt, tháng Tư năm 1958, bên hồ Than Thở, cả bọn ngồi quanh đống lửa củi thông cháy phừng phừng say sưa hát. Trần Đại Lộc, Đỗ Ngọc Yến, Phạm Phú Minh cùng ba người bạn lớp Đệ Tam C Petrus Ký đã làm một chuyến đi trại đầy mạo hiểm nhân kỳ nghỉ lễ Phục Sinh năm ấy. Tuổi học trò, mỗi thằng mang theo một cái xắc đeo vai đựng gạo và áo quần ấm, một chiếc xe đạp, đi xe lửa từ Sài Gòn lên Đà Lạt, vào giữa rừng thông bên hồ Than Thở dựng lều và sống ở đó bảy ngày. Tất cả  do Đỗ Ngọc Yến làm đầu têu...
Đậu xong Trung học đệ nhất cấp mùa hè năm 1957, tôi từ Quảng Nam vào Sài Gòn để tiếp tục việc học. Vừa vào đến nơi tôi đọc báo thấy tin có cuộc biểu tình của học sinh ở trước cổng trường Petrus Ký đòi nhà nước mở thêm lớp để tất cả học sinh lớp Đệ tứ được lên thẳng lớp Đệ tam, chứ không phải qua cuộc thi tuyển như một quy định mới của bộ Giáo dục. Vì tôi xin vào Đệ Tam C trường Trương Vĩnh Ký được nhận ngay nên cũng không rõ chuyện ấy rồi ra đi tới đâu, và hầu như mọi việc nhanh chóng đi vào quên lãng. Trong lớp học mới, Yến và Lộc là những người bạn đầu tiên của tôi trên đất lạ. Tôi đã định sẽ học ban B, nhưng chỉ vì một câu nói của một người ở Hội An: “Anh có khiếu văn chương, sao lại học toán?” thế là tôi đổi luôn, vào ban C. Người ấy... thôi, đó là chuyện khác, tôi muốn nhắc chỉ vì câu nói đó mà tôi gặp và làm bạn với Yến và Lộc vào năm ấy.
Ban C là ban ít người học, vì hướng đi nghề nghiệp về sau không rộng mở như những ban khoa học. Người học ban C có thể vì tự cảm thấy mình “có khiếu văn chương” nhưng cũng có thể đơn giản vì dốt toán, hoặc ngại những môn khoa học như lý hóa, vạn vật. Vì ban C ít người học nên cấp nào cũng chỉ có một lớp, khiến cho học sinh vừa cảm thấy mình bảnh hơn tụi học A hay B, vừa thấy mình không giống ai, vì cô đơn, lẻ loi. Tôi ở miền Trung vào, coi như dân tỉnh lẻ vào thủ đô, lúc đầu cũng không tránh khỏi mặc cảm thua sút, nhưng sau một thời gian thì thấy ở đâu cũng vậy vậy thôi. Và cũng nhận ra rằng học sinh Sài Gòn vô tư hơn những người đồng lứa với họ miền Trung nhiều. Mới chưa đến tuổi hai mươi tôi đã trải qua bao nhiêu biến cố, nào đi tản cư, rồi dinh tê, rồi tình hình chiến sự khốc liệt sát bên mình vào những năm tháng gần ký hiệp định Genève, rồi đảng phái quốc gia lập chiến khu chống ông Diệm... Hầu như người dân Hội An nào, kể cả giới học sinh, cũng có thói quen nghe đài BBC lúc chập tối, tôi tưởng khắp mọi nơi ở đâu người ta cũng có  một thói quen như thế, đến khi vào học ở Sài Gòn thì mới vở lẽ, thì ra cuộc sống mỗi nơi mỗi khác, mỗi nơi có một mối quan tâm riêng, hoặc có thể rất vô tư, chẳng quan tâm đến chuyện gì đặc biệt. Ở đây đời sống thảnh thơi hơn nhiều, người học sinh miền Nam đến tuổi vào đệ nhị cấp vẫn có quyền chẳng để ý gì đến những chuyện xa hơn chuyện học hành vui chơi. Tôi cảm thấy mình già quá giữa đám bạn mới – trừ một người, là Đỗ Ngọc Yến, có vẻ nhỏ tuổi hơn tôi, nhưng lại muốn “già” hơn tôi. Năm ấy Yến mười bảy tuổi, đã mang kính cận dày, người trắng trẻo, có vẻ phi-lô-dốp lắm, thường trò chuyện với tôi những điều mà chắc chắn những bạn khác cùng lớp không mấy quan tâm. Tôi nhớ một trong những đề tài hồi đó là vụ Nhân văn Giai phẩm ở miền Bắc, và tôi cũng nhớ nỗi bực mình của tôi vì Yến có vẻ quá thán phục tài năng của đám nhà văn ngoài Bắc mà anh cho rằng hơn hẳn trong Nam. Chính nhờ có Yến tôi không cảm thấy cô đơn trong môi trường mới, vì đã bắt gặp một tần số giống mình.
Học chung ít lâu chúng tôi mới khám phá ra rằng Đệ Tam là niên học cuối cùng mà cuối năm không có thi cử, từ Đệ Nhị cho đến lúc ra đời đi làm là thi liên miên. Một hôm Yến nói với các bạn rằng chúng ta đang sống trong một niên học sung sướng nhất  chẳng còn bao giờ có trở lại nữa, vậy tôi đề nghị với các bạn chủ nhật này chúng ta đi Lái Thiêu chơi. Người háo hức nhất là tôi, vì miền Nam đối với tôi còn hoàn toàn xa lạ. Buổi sáng sớm chủ nhật đó, có lẽ vào quãng cuối năm 1957, một bọn bốn năm người đạp xe đi Lái Thiêu, Trần Đại Lộc 16 tuổi, trẻ nhất đám, nhưng đã là nhiếp ảnh viên của cuộc đi chơi, hình như hồi đó Lộc mới có chiếc máy ảnh đầu tiên và việc chụp ảnh mới vào giai đoạn tập tành. Đến nơi Yến dẫn chúng tôi vào một nhà có vẻ là bà con, hoặc là thân tình lắm, có vườn trái cây rất rộng, và chúng tôi tha hồ làm picnic ở đó. Nhưng cuộc picnic không phải chỉ có chúng tôi, mà còn có thêm hai nữ sinh Trưng Vương từ Sài Gòn mới lên nữa, tất cả đều như do Yến rủ rê sắp xếp cả. Sau tôi mới biết hai cô ấy là em họ của Yến. Cả bọn quây quần dưới bóng mát những cây măng cụt, ăn bánh mì thịt và trái cây, vừa cười nói nô đùa vừa khám phá những nỗi vui mới mẻ của tuổi mới lớn, giữa khung cảnh cây cối vừa thân mật vừa xa lạ. Đến chiều tà chúng tôi mới đạp xe về thành phố, và mãi sau này tôi mới ý thức rằng buổi đi chơi đó đã để lại một ấn tượng sâu đậm trong lòng tôi, đó là món quà mà Yến đã biếu tôi, giới thiệu sơ khởi cho tôi một mảng đời sống miền Nam. Bố mẹ Yến từ Bắc vào định cư ở Sài Gòn từ trước khi Yến ra đời, cậu bé Đỗ Ngọc Yến lớn lên giữa Sài Gòn và đã trở nên Sài Gòn đến hai lần, vừa như một người bản xứ, vừa từ trong tâm thức như một người ngoại nhập đang khám phá nơi mình mới đến. Suốt chuyến đi chơi Yến vừa như một người trẻ tuổi tham gia hết mình và thưởng thức sự vui vẻ với bạn bè, nhưng đồng thời như một người đạo diễn ý thức rằng mình đang đem lại cho bạn bè một chút gì đấy mà mình đã biết rồi nhưng bạn mình thì chưa biết. Hình như về sau, suốt đời Yến, tổ chức ra cái gì với bạn bè, cũng đều mang hai mặt như thế. Đây là việc của chúng ta, hãy cùng nhau làm, hãy cùng nhau hưởng, nhưng đâu đó là một người đạo diễn vắng mặt đã suy nghĩ và toan tính trước tất cả rồi.
Nhưng có lẽ nên quay trở lại với cuộc đóng trại tại Đà Lạt đã nói đến ở đầu bài.  Năm học đó sau kỳ nghỉ Tết là rục rịch gần đến mùa Phục Sinh, mà dưới chế độ ông Diệm lễ Phục Sinh trường học được nghỉ đến mười ngày. Cũng lại Yến: “Nghỉ nhiều ngày, chúng ta nên tổ chức đi đóng trại ở Đà Lạt chơi.” Một nơi rừng núi, cách Sài Gòn những 300 cây số, các cậu trai mới lớn ai cũng lắc đầu. Yến thuyết phục: “Ta sẽ đóng trại bên hồ Than Thở, ngay bên cạnh đồi Tùng Nguyên là đất trại của Hướng Đạo, không có gì đáng ngại cả. Tăng lều đã có tôi và Tiêu Nhơn Khải là dân Hướng đạo lo, chúng ta phân công nhau mang theo nồi niêu để tự nấu ăn, và mền để ngủ cho ấm. Mỗi người sẽ mang theo số gạo đủ cho mình ăn trong bảy ngày, và mình sẽ góp tiền để đi chợ mua thức ăn. Mỗi người một chiếc xe đạp để di chuyển đi chơi. Sẽ xin văn phòng trường giấy chứng nhận để mua vé xe lửa khứ hồi Sài Gòn – Đà Lạt nửa giá. Chúng ta sẽ có một chuyến đi chơi xa hơi mạo hiểm một chút nhưng chắc chắn thú vị và rất rẻ tiền. Đà Lạt đẹp lắm...” Cái gì Yến cũng biết và định liệu trước. Cuối cùng chuyến đi gồm có sáu người, khởi hành từ ga Sài Gòn vào buổi chiều, đi giữa một đất nước còn hoàn toàn thanh bình.  Cũng như năm Đệ Tam là năm vô tư cuối cùng của đời đi học, chuyến đi ấy hầu như cũng là chuyến đi vô tư cuối cùng của đời chúng tôi –hỡi ơi, vô tư cuối cùng khi hãy còn ở trong lứa tuổi thiếu niên! Những chuyến đi tập thể trong những năm về sau luôn luôn nặng trĩu: đi hành quân, đi trại công tác, đi cứu trợ... đi trong bom đạn, trong chết chóc khổ đau. Nhưng những chàng trai trên chuyến xe lửa chiều hôm ấy hoàn toàn không biết gì về một tương lai như thế, thư thả tựa vào cửa sổ tàu nhìn vùng đất miền đông Nam phần, con sông Đồng Nai uốn khúc trong nắng chiều, rừng Lá mịt mù âm u, rồi ga Mường Mán trong đêm, biển Cà Ná dưới ánh trăng mờ lúc trời khuya... Đất nước đi thẳng vào lòng trai vừa mới mở, như mối tình đầu tinh khôi, âu yếm. Và họ hát. Chiếc đầu máy hơi nước thỉnh thoảng phun một mảng than đỏ rực bay ngược hướng tàu, như những tia pháo hoa cải chào vui đám thanh niên vô tư sung sướng.
Khoảng bốn giờ sáng tàu tới ga Tháp Chàm, thời đó gọi là “Tua Chàm” (Tour Chàm), chúng tôi xuống xe để đổi sang chuyến đi Đà Lạt. Tháp Chàm là ga của Phan Rang, từ đây lên Đà Lạt khoảng hơn 100 cây số, chuyến xe đi Đà Lạt chỉ ngắn độ năm, sáu toa, sau khi chạy qua một cánh đồng bằng hẹp thì bắt đầu lên dốc để đến vùng cao nguyên. Trời sáng dần, cả bọn chúng tôi ngỡ ngàng với cảnh các cây thông bắt đầu xuất hiện trên dốc núi hai bên đường, và khí lạnh của núi rừng phả vào trong toa khiến ai nấy vội lôi áo ấm trong ba lô ra mặc vào. Tôi nhớ đến một ga xép, tôi xuống sân ga đứng dựa vào một toa xe để Lộc chụp hình, một chàng trai mặc áo len cao cổ, đầu tóc rối bù vì cả đêm ở trên xe lửa, có vẻ rất bụi đời, và trong năm ấy sau khi đã xem cuốn phim A l’Est de l’Eden, tôi ghi vào phía sau tấm ảnh: A Vietnamese Jim Dean. Năm Đệ Tam tôi vẫn còn ít biết về phim ảnh Mỹ, nhưng sau khi coi phim ấy tôi mê Jim Dean lạ lùng, cái phong cách khật khùng như luôn luôn thắc mắc và tìm kiếm một cái gì của Jim trong phim hình như có một điểm gì phù hợp với tâm hồn mới lớn của tôi lúc ấy, và có thể nhiều bạn trẻ cùng lứa khắp nơi nữa.
Tàu càng lên cao chạy càng chậm, và bắt đầu xuất hiện hệ thống đường rầy có móc. Tôi đã nghe nói về hệ thống này nhưng không hình dung được nó như thế nào, cho đến bữa đó. Đó là một dãy răng cưa đặt giữa hai đường rầy, xe lửa sẽ có một hệ thống trục bám vào răng cưa ấy và quay để chạy tới, nhưng chỉ tới chứ không lùi được, nếu vì lý do nào xe không tiến tới được lên dốc thì sẽ bị khóa cứng lại chứ không bị tuột dốc. Trong thập niên 1920, sau khi đường xe lửa này khánh thành một thời gian, một đoàn tàu đã bị tuột dốc không có gì hãm lại được đã lao thẳng xuống vực sâu, tất cả hành khách không một người nào sống sót, sau tai nạn đó người Pháp mới lắp đặt thêm hệ thống móc này.

Minh và Yến, tại đám tang Trần Đại Lộc
Tàu tới ga Đà Lạt vào giữa buổi sáng, chúng tôi xuống ga nhìn quanh bở ngỡ, thấy chỗ nào cũng đẹp đẽ sang trọng như cảnh của thế giới Tây phương, và cả bọn lúc này tự nhiên đều hướng về Yến chờ đợi, vì tới đây thì chả có ai biết mình phải làm gì, đi đâu nữa. Yến đứng ra phân phối hành lý cột vào các chiếc xe đạp, nào xắc cá nhân, nào lều, cọc, rồi nồi niêu son chảo... đâu đấy xong xuôi cả bọn lên yên đạp về hướng hồ Than Thở. Thật ra Yến cũng chỉ biết đại khái hướng đi thôi, phải vừa đi vừa hỏi đường, lần hồi cũng đến đất trại. Tới đây mấy tay Hướng đạo hoàn toàn làm chủ tình hình, điều động anh em mỗi người một việc, dựng lều cách không xa bờ hồ Than Thở để tiện việc lấy nước nấu ăn và rửa ráy. Tất cả sáu người đều ngủ chung trong một lều, lấy lá thông khô trải dưới đất làm thành một tấm đệm dày rồi phủ một tấm bạt lên trên, chúng tôi đã trải qua những “đêm trong rừng” hoàn toàn ấm và êm. Thời ấy khu  hồ Than Thở đúng là “rừng,” vắng vẻ tuyệt nhiên không có một bóng nhà dân, mặt nước hồ luôn tĩnh lặng như một tấm gương lạnh buốt, chúng tôi hoàn toàn có cảm giác sống nơi hoang dã, mặc dù rừng thông trông hiền lành không rậm rạp đầy bí mật giống như rừng nhiệt đới. Mọi thứ chung quanh thoáng đãng, sạch sẽ và xinh đẹp. Và yên lành nữa. Chúng tôi ngày nào cũng đi chơi, thăm thú nơi này nơi kia của Đà Lạt, bao nhiêu đồ đạc đều để lại lều, vậy mà không hề bị mất mát hay có dấu hiệu lục phá gì cả. Dân Đà Lạt hồi đó rất tử tế, ai cũng tử tế, kể cả mấy ông cảnh sát, khi chúng tôi cần hỏi han điều gì mọi người đều rất ân cần, chỉ dẫn đến nới đến chốn với một thiện cảm rõ rệt. Ngay cả tới ngày nay, sau một đời lăn lộn nhiều nơi trên đất Việt Nam cũng như thăm viếng nhiều nơi trên thế giới, tôi cũng không tìm thấy ở đâu mà con người lại tử tế đôn hậu như người Đà Lạt thời ấy. Tôi chưa tìm hiểu nguyên do gì đã tạo nên một đời sống an lành như vậy tại vùng đất cao nguyên đó, nhưng ấn tượng về một xã hội êm ả kiểu như Đà Lạt năm xưa vẫn theo tôi mãi cho đến ngày hôm nay, như một giấc mơ.
Dĩ nhiên Yến là người hướng dẫn mọi chuyến đi chơi và thăm viếng. Hồ  Xuân Hương, thác Cam Ly, rừng Ái Ân, lăng Nguyễn Hữu Hào... Năm ấy những chiếc xe ủi đất đang làm việc để chuẩn bị xây khu chợ mới, làm vỡ ra những mảng đất đồi đỏ tươi. Chợ và phố xá chỉ mới quanh quẩn trên khu Hòa Bình. Với túi tiền học sinh, chúng tôi không dám vào bất cứ tiệm ăn nào, nhưng một hôm bỗng Yến đề nghị cả bọn đi uống cà phê! Thú thật hồi đó tôi chưa có thói quen uống cà phê, và chắc cậu nào cũng vậy, chưa thực sự biết cái ngon của cà phê, nhưng ai cũng háo hức đồng ý làm như ta là tay sành sỏi lắm. Sau khi kiểm điểm lại tiền bạc, tôi nhớ cả bọn vào một quán cà phê cùng dãy với hiệu Chic Shanghai, và kêu cà phê phin. Nhưng những cái phin xuống rất chậm, ngồi mãi ngồi mãi mà nó cứ lâu lâu mới nhỏ xuống một giọt, cả bọn đâm ra nóng ruột và lúng túng như vừa vào một trò chơi mà mình chưa nắm vững luật chơi. Mà quả thật như vậy, chầu cà phê đó chẳng ra làm sao cả, cuối cùng pha chế lung tung để uống cho xong, và chắc chắn chẳng thấy ngon lành gì. Nhưng đó là một mạo hiểm có tính cách văn nghệ đầu tiên mà Yến đã đem lại cho cả bọn, nhân chuyến đi chơi tại thành phố thơ mộng cao nguyên.
Chiều nào chúng tôi cũng về lều sớm để còn lo nấu cơm ăn trước khi trời tối. Chuyện chợ búa nấu nướng hầu như nhờ hẳn vào mấy tay hướng đạo, trong đó Yến là một. Hồi đó tụi tôi ăn như hùm, bữa nào cũng nấu một nồi cơm lớn với một thau thức ăn gồm nhiều thứ rau cải Đà Lạt và ít thức ăn mặn mua ở chợ, cả bọn đánh sạch nhẵn. Cơm xong thì trời tối, một đống lửa trại to tướng được gầy lên và cả bọn ngồi quanh ca hát trò chuyện đến khuya. Bảy ngày đóng trại bên hồ Than Thở chúng tôi không hề bị một ai đến làm phiền hà, thậm chí không một giới chức chính quyền địa phương nào đến hỏi chúng tôi là ai, đến đây làm gì v.v...
Đó là chuyến đi chơi vô tư cuối cùng của đời chúng tôi, khi cả bọn chỉ mới
Khi mới lớn tuổi mười lăm mười bảy
Làm học trò mắt sáng với môi tươi.
Hai câu đó của một bài thơ đăng trên tờ Sáng Tạo thời bấy giờ bọn tôi ai cũng thuộc và đã đọc vang trong không khí vắng lặng của rừng hồ Than Thở.
Đối với Đỗ Ngọc Yến thì sự vô tư càng sớm chấm dứt, sớm hơn tất cả chúng tôi. Nhưng đó là chuyện về sau. Đi chơi Đà Lạt về chúng tôi thân thiết với nhau hơn, và cùng nhau làm một tờ báo chuyền tay vào dịp cuối năm theo công thức mỗi người tự tay viết và trình bày bài của mình, rồi đóng chung lại thành một tập. Tập ấy cuối cùng do Trần Đại Lộc giữ, nhiều năm sau tôi hãy còn thấy tại nhà Lộc, nhưng bây giờ thì quả thật đã mất hút với thời gian. Năm ấy trường Petrus Ký cũng ra một tờ báo vào dịp Tết, nhưng lớp chúng tôi hầu như không ai có bài đóng góp, có thể vì còn non nớt quá, tôi nhớ có bài của Đinh Cường lúc bấy giờ đang học Đệ Nhất, viết về họa sĩ Picasso.
Niên học 1958 – 1959 cả lớp chúng tôi cùng lên Đệ Nhị C, và được nhà trường giao phó việc làm báo Xuân, vì hình như từ năm đó Petrus Ký không có lớp Đệ Nhất C nữa. Đỗ Ngọc Yến được cử làm trưởng ban Báo chí của trường. Tôi nghĩ đây là trách nhiệm về báo chí quan trọng đầu tiên của đời Yến. Thời gian gần Tết năm ấy chúng tôi lại có dịp làm việc chung với nhau để lo cho tờ báo Xuân Petrus Ký, đó là một thời gian rất hào hứng, được nhà trường “cưng” dành cho nhiều ưu tiên, kể cả việc nghỉ một số giờ để đi lo việc nọ việc kia. Cũng như việc làm báo của ngày nay, hồi đó chúng tôi lo hai việc chính, là bài vở và quảng cáo. Bài vở thì lớp Đệ nhị C đóng góp phần lớn, nhưng đặc biệt có một truyện ngắn của Dương Nhiễm Mậu, do Yến xin được do quan hệ riêng. Chúng tôi lấy làm phục Yến lắm, vì hồi đó cả lớp của tôi, coi như lớp văn chương cao nhất trường, chưa ai quen biết gì với thế giới văn nghệ của Sài Gòn cả. Chúng tôi cũng đi kiếm quảng cáo rất tích cực, vì được ăn hoa hồng khá cao khiến anh nào cũng cố gắng để kiếm thêm tiền tiêu Tết. Việc làm báo cũng cho chúng tôi một số kinh nghiệm về nhà in, vì phải lui tới nhà in nhiều lần để sửa morasse. Tôi nhớ đó là một nhà in trên đường Trần Hưng Đạo gần rạp Đại Nam. Một bác thợ già rất ân cần với đám học sinh chúng tôi, tôi nhớ mãi một câu bác nói về việc sửa bản vỗ: “Không bao giờ có thể sửa sạch lỗi một trăm phần trăm. Cháu biết ông Nguyễn Hiến Lê không? Ổng là người sửa bản in thử kỹ nhất, mỗi cuốn sách ổng sửa đi sửa lại sáu lần, nhưng cuốn nào rồi cũng phải đính kèm một bản Đính chính.”
Nhưng cũng trong năm Đệ nhị Yến bỗng rất phóng túng trong việc học hành. Hầu như chẳng bao giờ làm bài, và đùa giỡn với kỷ luật nhà trường. Một hôm giáo sư Phạm Thế Ngũ phát bài luận văn đã chấm cho học sinh, và kêu tên từng người để ghi điểm vào sổ. Khi kêu đến tên Đỗ Ngọc Yến thì có tiếng hô ngay không chút ngập ngừng: “Thưa thầy 5 điểm.” Giáo sư Ngũ đặt cây bút xuống bàn, chậm rãi đưa mắt nhìn xuống cuối lớp nơi Yến đang ngồi, nói rất thong thả: “Trò Yến đưa bài của trò cho tôi xem.” Thầy Phạm Thế Ngũ vẫn gọi học trò bằng “trò,” một lối xưng hô khá xưa. Thì ra thầy đã để ý biết trước là Yến không làm bài. Yến bối rối đứng dậy: “Thưa thầy... em xin lỗi thầy... em không có làm bài...” Dĩ nhiên sau đó là một màn la rầy, rồi sau thầy cũng tha.
Một lần khác cả lớp học Vật lý ở phòng thí nghiệm. Phòng thí nghiệm cũng là một lớp học nhưng làm theo lối rạp hát, các hàng ghế sau cao dần lên, nhưng sau hàng ghế cuối thì là một cái hầm có bậc thang đi xuống, dùng để chứa dụng cụ thí nghiệm. Trời buổi chiều nóng nực, Yến lẻn xuống dưới hầm, cởi áo và nằm thảnh thơi ở dưới đó cho mát. Thầy Võ Văn Tùng lúc đó đang học Y khoa, dạy giờ tại Petrus Ký, không hay biết gì cả, cứ giảng bài nhưng nghe trong lớp khúc khích cười mãi sinh nghi bèn đi quanh lớp một vòng. Lên đến hàng ghế cuối nhìn xuống dưới hầm quả nhiên thấy Yến đang nằm dưới ấy...
Sự buông lỏng phóng túng trong việc học như thế của Yến như dự báo một cái gì bất tường. Quả nhiên sự ấy đang tới, rất gần. Ngay trước khi làm xong báo Xuân, đùng một cái, Yến bị kêu ra tòa. Phiên tòa xử cái tội biểu tình mùa hè năm trước. Bây giờ tôi mới vở lẽ, người tổ chức cuộc biểu tình năm ngoái chính là Đỗ Ngọc Yến. Và mọi việc không phải đã trôi vào quên lãng như tôi đã tưởng. Các đợt sóng ngầm vẫn âm thầm hoạt động để nhằm trừng trị cái tội dám biểu tình đòi hỏi này nọ. Lúc đó tôi mới để ý đến con người đa dạng của Yến, đó là một thiếu niên có một quan hệ xã hội hết sức rộng rãi và rắc rối chứ không đơn giản là một học sinh cơm cha áo mẹ chữ thầy như hầu hết chúng tôi.
Nhưng đến ngày tòa xử thì một biến cố bất ngờ xảy ra làm cho tòa phải tuyên bố đình chỉ vụ án vô hạn định: học sinh các trường công tư của Sài Gòn đã đổ dồn về pháp đình đông quá, lấp đầy các ngả đường quanh tòa án, có lẽ làm cho nhà cầm quyền sợ sẽ có một hậu quả khó lường nếu tòa cứ xử, cứ tuyên án. Chính quyền đã chọn thái độ không bắt mà cũng không tha, nhưng trong thực chất là tha. Tôi nhớ sau vụ này báo Tự Do có viết một bài bình luận ngụ ý chê chính quyền đã xé ra cho to một vụ việc không đáng, mấy cậu học sinh có làm gì sai quấy thì cứ đét vào đít mấy roi là xong, việc gì phải làm ồn ào ra tòa này nọ, để rồi cuối cùng... chịu thua. Nhưng bây giờ nhớ lại cái hiện tượng học sinh xuất hiện đầy đường ngày Yến ra tòa, tôi nghĩ chắc phải có một bàn tay đạo diễn ngầm, có thể theo truyền thống vụ trò Ơn năm xưa.
Tòa án không xử nhưng Yến vẫn bị một hình thức kỷ luật rất bất công, đó là bị đuổi học. Rõ ràng là chính quyền ra lệnh cho nhà trường đuổi học, chứ đối với nhà trường Yến không phạm tội gì cả, nếu không nói là có công, vì đang làm trưởng ban báo chí cho cả trường. Không phạt được bằng tòa án thì tạm phạt bằng học đường vậy. Đối với Yến, đến năm Đệ nhị, đúng 18 tuổi, thì đã là: “sòng đời thua nhẵn cả thơ ngây.” Nhưng vấn đề là Yến còn thơ ngây đến mức nào, vào thời điểm ấy?

Lớp Đệ Tam C Petrus Ký với thầy Nguyễn Văn Binh,
niên khóa 1957-58.

Buồn nhất là ban báo chí chúng tôi, đang ngon lành bỗng dưng mất người trưởng ban! Một người bạn thông minh, tháo vát và chịu chơi. Nhưng chỉ tạm mất nhau trong một thời gian thôi, về sau duyên hãy còn dài, nhưng lúc ấy thì đã hết tuổi học trò...