Một khẩu hiệu nổi tiếng của đảng Cộng sản Việt Nam, đã có từ thời đảng còn tranh đấu cho đến khi đã đoạt được quyền hành, là :
Trí Phú Địa Hào
Đào tận gốc, trốc tận rễ
Vì câu khẩu hiệu này đi vào
lịch sử đã lâu, thiết tưởng nên tìm hiểu lại nội dung muốn nói cái gì. Trí,
Phú, Địa, Hào là bốn loại người trong xã hội Việt Nam xưa (trước khi có đảng
Cộng sản). Trí là người trí thức; Phú là người giàu có; Địa
là địa chủ, có nhiều đất ruộng; Hào là kẻ mạnh thế, có tài trí hơn
người. Đào tận gốc, trốc tận rễ có nghĩa là phải tiêu diệt một cách
triệt để, để cho những thành phần này không bao giờ có thể ngóc đầu lên được.
Trong xã hội cộng sản tuyệt đối không còn sự hiện diện của bốn loại người này.
Đảng Cộng sản làm cách mạng
xã hội, đem lại công bình cho mọi người về tài sản, về hưởng thụ nên mục tiêu
của họ là phải tiêu diệt tất cả bất công của xã hội cũ. Họ phải tiêu diệt những
kẻ giàu có, những kẻ có nhiều đất ruộng, thậm chí những kẻ có mạnh thế trong xã
hội, cái đó có thể hiểu được, nhưng tại sao kẻ thù vào hàng số một, đứng hàng
đầu trong các kẻ thù của cộng sản lại là người Trí thức ? Muốn hiểu điểm này
của cộng sản thì phải biết Trí Thức là gì.
Theo Hà Sĩ Phu người Trí
thức có những đặc điểm như sau :
TRÍ THỨC có ba đặc điểm, hay ba tính chất:
1/ Tính chất tự do và không ranh giới: Người
Trí thức có thể đi sâu vào một lĩnh vực nhất định, nhưng không bị khoanh vùng
trong lĩnh vực đó, trong quốc gia đó. Sự phân chia thành các lĩnh vực khoa học
tự nhiên, khoa học xã hội, văn hoá, văn nghệ, chính trị, đạo đức, kinh tế, quốc
gia, quốc tế, con người, nhân loại… vân vân… đều chỉ là những sự phân chia
tương đối, quy ước, tạm thời. Sự phát triển và liên tưởng của lô-gích tư duy sẽ
vượt qua những ranh giới ấy.
2/ Tính chất tiên phong và phát hiện, dự báo:
Bởi được trang bị bằng hai công cụ đặc biệt là kho tri thức ngàn đời của nhân
loại đã đúc kết thành các khoa học và sức nhạy cảm chủ quan của bộ óc cá nhân,
những người Trí thức như những “bộ máy dò” tiên phong vô cùng nhạy cảm, nó bay
về muôn phương, nó cảm ứng lập tức với những cái mới, cái bất thường, nó xâu
chuỗi lập tức những quan hệ tuyến tính, những quan hệ thuận quy luật và trái
quy luật. Học vấn tuy là điều kiện cần thiết tất yếu cho đặc điểm này, nhưng
cũng chỉ là những điều kiện làm nền, điều kiện ban đầu thôi, chưa hề đầy đủ để
tạo nên Trí thức.
3/ Tính lương thiện, tính nhân văn hay tính “Người” (“người
khôn ngoan” Homo sapiens): Con người là sự diễn tiến liên tục và bất tận từ con
vật hoang dã hướng đến con người hoàn thiện. Trong đó, Trí thức là “bộ máy
lọc”, chuyên lọc bỏ những cặn bã phi nhân tính. Sự thôi thúc của Nhân tính này
khiến Trí thức cứ vơ nỗi đau của người khác thành nỗi đau của mình, mà tự làm
khổ mình, tự gây rắc rối cho mình. Tất nhiên “bộ máy lọc” này cũng đang tiến
hoá theo thời gian nên sự lọc này không thể thoát khỏi sự hạn chế của giai đoạn
lịch sử, có thể lọc rồi sẽ lại được lọc nữa. (Trích từ bài : “Búa liềm phải
chắp vá thế nào trước kỷ nguyên trí tuệ?” DĐTK 24-6-2022).
Với ba đặc điểm như thế, Trí thức là tầng lớp bị cộng sản ghét nhất, vì họ sẽ phá vỡ nền độc tài của cộng sản. Nền giáo dục của cộng sản không đào tạo ra hàng ngũ trí thức, mà chỉ tạo nên người có học, có kiến thức chuyên môn với một đặc điểm là không được đi ra khỏi giáo điều của đảng. Họ chỉ là, phải là công cụ của đảng, không bao giờ được dùng tư duy của mình, đầu óc cuả mình mà đi ra ngoài những ràng buộc của đảng. Trước khi phong trào cộng sản bị sụp đổ, trong thế giới cộng sản đã xảy ra bao cuộc phản kháng của giới trí thức và đã bị đàn áp khốc liệt. Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm tại Việt Nam là một ví dụ của sự vùng dậy của trí thức trước gọng kìm độc tài.
Hôm nay nhân buổi hội thảo
về Nguyễn Đình Chiểu, chúng ta vừa xem lại một vở bi hài kịch do một số cán bộ
cầm bút của đảng cộng sản trình diễn. Sau khi mở chiến dịch lên án cụ Phan
Thanh Giản là “bán nước”, chính quyền cộng sản mới khám phá ra là Nguyễn Đình
Chiểu, người mà mà họ luôn hết lòng đề cao là “yêu nước”, có làm mấy bài thơ
viếng rất thiết tha sau khi Phan Thanh Giản uống thuốc độc tự vận. Thế là thế
nào ? Người yêu nước tại sao “có quyền” thương khóc người bán nước ? Đảng không
thể “cho phép” việc ấy xảy ra ! Dễ thôi, trong tay đảng thiếu gì các văn nô
đang phục vụ, chỉ cần đảng búng tay một cái thì đám ấy sẽ, để phục vụ Đảng,
biến trắng thành đen dễ dàng.
Nhưng ở đời, sự gian dối
không bao giờ đứng vững mãi, trước sau rồi cũng bị vạch mặt. Với cuốn sách “Mối
Thâm Tình của Nguyễn Đình Chiểu dành cho ‘Quan Phan’ Phan Thanh Giản”,
tác giả Winston Phan Đào Nguyên đã từng bước một vạch ra những cách giải thích
vẹo vọ để những bài thơ Nguyễn Đình Chiểu khóc Phan Thanh Giản trở thành những
bài chửi cụ Phan. Trong khi làm công việc này, tác giả Phan Đào Nguyên đã đưa
ra ánh sáng hai điều tích cực :
·
Phản
bác các “nhà nghiên cứu” đã theo chỉ thị của đảng cộng sản cố tình giải thích
sai hai bài thơ Nguyễn Đình Chiểu khóc Phan Thanh Giản, từ xót thương thành
chửi bới.
·
Làm
sáng tỏ trở lại cá tính ngay thẳng của Nguyễn Đình Chiểu, nhất là trong văn thơ
của ông, thương ghét rất phân minh. Bày đặt ra việc Nguyễn Đình Chiểu dùng chữ
nghĩa để “nói cạnh nói khóe” chửi Phan Thanh Giản là hạ thấp Nguyễn Đình Chiểu,
đưa ông vào cái hạng người lắt léo, xảo quyệt.
Không, Nguyễn Đình Chiểu không phải là hạng người ấy, ông là người ăn ngay nói thẳng : “Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.”