Monday, September 15, 2014

XEM TRANH THIẾU NHI: TÌM LẠI SỰ TRONG SÁNG ĐÃ ĐÁNH MẤT


Trung Thu năm nay, cuộc thi vẽ tranh truyền thống (xin bấm vào đây để xem Hội thi trăng rằm thiếu nhi, Người Việt TV) cho thiếu nhi lại được tổ chức tại báo Người Việt vào ngày 13 tháng 9, 2014. Gọi là “truyền thống” vì đây đã là lần thi vẽ thứ 12, sau lần đầu tiên được tổ chức vào ngày 7 tháng 9 năm 2003 và sau đó được tiếp tục đều đặn mỗi năm vào dịp Tết Trung Thu.


Cuộc thi vẽ năm nay, 2014

Bài viết dưới đây là của người sáng lập và tổ chức cuộc thi đầu tiên, đăng trên báo Thế Kỷ 21 số 174, tháng 10, 2003.

*

LTS. Trong dịp Trung Thu năm nay, nhật báo Người Việt, đài phát thanh VNCR và hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) đã tổ chức một cuộc thi vẽ dành cho các em thiếu nhi trong cộng đồng Việt Nam tại Quận Cam và những vùng lân cận thuộc Nam California, vào ngày 7 tháng Chín 2003. Sau đây là bài tường trình của người trách nhiệm tổ chức cuộc thi này.

Tổ chức thi vẽ thiếu nhi, và hơn nữa, chấm giải tranh thiếu nhi, là một kinh nghiệm đặc biệt hiếm hoi và thú vị cho tôi. Vốn ham thích cái đẹp – của người, của vật, của thiên nhiên – tôi trước sau chỉ là một người thưởng ngoạn chứ không đóng góp được gì để tạo ra cái đẹp cống hiến cho đời. Và thưởng ngoạn với một trực giác rất chủ quan chứ chẳng được đào tạo “chính quy” trong một môn nghệ thuật nào.
Ý nghĩ tổ chức một cuộc thi vẽ cho các em thiếu nhi nhân dịp Tết Trung Thu năm nay đến với tôi bất chợt vào một lúc đêm khuya chỉ hơn một tháng trước rằm tháng Tám, vào đúng khoảnh khắc tôi bấm delete một bức thư e-mail. Khi bức thư đang biến đi trên màn ảnh máy điện toán thì tôi thoáng thấy ba chữ “vẽ thiếu nhi” và lập tức trong đầu bừng lên ý nghĩ: tại sao báo Người Việt lại không tổ chức một cuộc thi vẽ cho các em nhỏ của cộng đồng mình vào dịp Tết Trung Thu năm nay? Tôi không chắc lắm ba chữ “vẽ thiếu nhi” là từ bức thư đang bị xóa đi, có thể  đó chỉ là một ảo giác do thức khuya mang lại, hoặc hiểu đó là một nhắc nhở của một ai đó từ một cõi xa xôi nào, thì cũng được... Tôi vẫn tin thỉnh thoảng có nhận được các tín hiệu như vậy từ những người bạn đã qua đời, như Lộc, như Điểu.

Cuộc thi
Sáng hôm sau tôi đến báo Người Việt, vào gặp ngay hai họa sĩ Nguyễn Đồng và Nguyễn Thị Hợp để bàn về dự án đã nảy ra trong đầu đêm qua. Được tán thành hoàn toàn về mặt chuyên môn, tôi hội ý với các anh chị em khác của Người Việt, đài phát thanh VNCR và hội VAALA, và dự án Thi Vẽ Thiếu Nhi Trung Thu Quý Mùi ra đời.
Vấn đề bảo trợ cho cuộc thi được đặt ra, vì sự hỗ trợ của mạnh thường quân trong các công cuộc như thế này có một ý nghĩa rất lớn: ban tổ chức sẽ có phương tiện để làm việc và về phần cộng đồng, cũng nói lên được sự quan tâm của nhiều giới đối với sinh hoạt  nghệ thuật cho lớp con em. Phan Mỹ Sương của đài phát thanh VNCR đã đóng vai trò vận động bảo trợ cho cuộc thi một cách tuyệt vời. Nhờ quen biết rộng rãi trong giới doanh gia và có một tấm lòng thiết tha với cuộc thi vẽ được tổ chức lần đầu tiên trong cộng đồng, Mỹ Sương đã “tả xung hữu đột” tạo nên một số phương tiện đáng kể về hiện kim cũng như tặng vật để làm quà và làm giải thưởng cho các em. Qua cuộc thi này chúng ta mới thấy những tấm lòng thiết tha với sinh hoạt hữu ích của cộng đồng không phải là ít, vấn đề là phải có người đứng ra tổ chức những sinh hoạt ấy, và đó phải là những gì mang lại lợi ích thật sự.
Hôm nay ngồi nhớ lại hôm sáng Chủ Nhật 7 tháng Chín tại báo Người Việt, tôi vẫn cho rằng đó là một cảnh tượng vào loại đẹp đẽ trong sáng nhất mà trong đời chúng ta thỉnh thoảng lắm mới được chứng kiến một lần. Mới từ hơn 8 giờ sáng lai rai đã có những gia đình đưa con em tới đi thi, mặc dầu giờ ghi danh đã được thông báo là 9 giờ. Có những gia đình đi từ rất xa bên ngoài Quận Cam: Los Angeles, Pomona, Riverside, và một nơi xa nhất, San Diego. Buổi sáng nắng đẹp, khí trời mát mẻ. Khu vực báo quán được bố trí hết sức chu đáo với ba nhân viên security chuyên nghiệp được mướn để giữ gìn an ninh trật tự suốt cuộc thi, hai căn lều lớn đã được dựng lên trước tòa báo để đón các em đến ghi danh. Nhân viên của ban tổ chức đã sẵn sàng, mỗi em được phụ huynh đưa đến ghi danh đều được phát một bảng tên in sẵn tên tuổi và số báo danh để dán trên ngực áo, và một bản sao tương tự giao cho phụ huynh để nhận lại con em sau khi thi xong. Mỗi em còn được nhận một túi quà nho nhỏ gồm một đồng hồ đeo tay trẻ con, một cái lồng đèn và một cái T shirt có in Logo của cuộc thi do họa sĩ Nguyễn Thị Hợp vẽ: một em bé mặt thơ ngây, tay phải cầm bảng màu, tay trái cầm cọ, đứng trong một vòng tròn màu vàng tượng trưng cho mặt trăng rằm tháng Tám. Hy vọng hình ảnh này sẽ sống mãi trong các cuộc thi sau này và sẽ thành biểu tượng cho “nền” hội họa thiếu nhi của chúng ta.
Mỗi em đều mặc chiếc áo thun ấy trước khi vào phòng thi. Các cô các cậu trong đồng phục màu trắng ấy trông đẹp như những thiên thần. Trong phòng thi rộng lớn, các em lần lượt ngồi vào các dãy bàn xếp song song nhau, trước mặt mỗi em là xấp giấy vẽ, đĩa màu, cọ, bút chì, bút chì màu và một bức thư song ngữ Việt Anh của ban tổ chức gửi chào mừng các em, trấn an các em đừng lo lắng sợ hãi gì cả, cứ thoải mái coi phòng thi này giống như ở nhà em vậy, và chúc các em vẽ thật đẹp cũng như chơi Trung Thu thật vui.
Mới hơn 9 giờ, các ghế trong phòng thi đã hầu như kín. Các thí sinh tí hon thật lịch sự, em nào cũng ngoan ngoãn, vâng lời, một số ít em lộ vẻ căng thẳng, một vài em hơi mếu và nước mắt đoanh tròng khi thấy ba mẹ mình phải dừng lại trước cửa phòng thi để các em đi vào một mình. Nhưng quanh các em là một đội ngũ đông đảo các người săn sóc các em gồm các cô, các chú, các bác, thậm chí có người ở tuổi ông bà các em, là nhân viên báo Người Việt và đài phát thanh VNCR hoặc là quý vị trong ban Giám Khảo. Nữ họa sĩ Ann Phong, người đầy kinh nghiệm trong việc dạy hội họa và tổ chức thi vẽ, đã hướng dẫn các em bằng tiếng Việt lẫn tiếng Anh từng ly từng tí các việc phải làm. Họa sĩ Nguyễn Cao Hiệp, thành viên duy nhất của Hội đồng Giám khảo đang ở vào tuổi thanh niên, tiếp xúc với các em nhỏ có vẻ dễ dàng hơn là người lớn tuổi, bận bịu săn sóc từng em, giải thích, nhắc nhở, chỉ dẫn cách pha màu (nhiều em còn quá nhỏ, chưa từng biết sử dụng màu nước)... Rất nhanh, các nghệ sĩ tí hon cảm thấy mình bận bịu ngay với công việc, em nào cũng bắt tay ngay cắm cúi với bài thi của mình.

Nhiều người chia sẻ với nhau cảm tưởng này: hình ảnh của phòng thi sáng hôm đó là một hình ảnh có thể nói là đẹp đẽ và trong sáng nhất mà họ chứng kiến trong suốt cuộc đời họ. Trong hội trường Người Việt cao, rộng, đầy ánh sáng, trên năm dãy bàn chạy song song theo suốt chiều dài, hơn hai trăm em bé đầu đen áo trắng đang làm công việc sáng tạo, mỗi em một vẻ. Em thì chăm chú gôm gôm tẩy tẩy, em thì thoải mái phóng tay tạo ra những nét nghệch ngoạc đầy trên trang giấy, em thì đang cẩn thận pha màu và gò từng nhát cọ như một họa sĩ lành nghề, và có em, thực là một hình ảnh thống khoái đầy xúc động, đang nhúng cả năm ngón tay nhỏ bé của mình vào đĩa màu và cứ thế bôi màu lên giấy. “Làm vầy mau hơn, bôi màu bằng cọ lâu lắm,” em bé khoảng 10 tuổi nói với tôi khi ngửng lên bắt gặp cái nhìn ngạc nhiên của tôi trước cách vẽ táo bạo của em.
Lòng tôi vui sướng vô tả khi thấy trước mặt mình là một rừng các sinh vật nhỏ bé đang làm công việc sáng tạo, không ai giống ai, nhưng đều đang dùng phương tiện hội họa để phát biểu chính mình. Tâm hồn các em đang ở lúc bình minh của đời người, trong sáng như núi đồi sông biển lúc mặt trời mới mọc, các em đang vẽ nên những cảm nhận trong dạng còn nguyên sơ, trong lúc tâm trí chưa hề bị chia cắt và làm cho u ám bởi biết bao sự kiện cũng như quan niệm của cuộc đời. Các em đang tạo ra những sản phẩm quý báu nhất, một cái gì gần với nguồn cội, mà suốt cuộc đời với biết bao chìm nổi, vật vã, trong thâm tâm người lớn nào cũng thầm mơ tưởng về nhưng có lẽ không bao giờ bắt gặp: mơ cái cảm giác an lành khi còn nằm trong lòng mẹ, mơ tuổi ấu thơ trắng trong chẳng biết sầu đau lo lắng là gì. Thì đây, trước những họa sĩ tí hon đang sáng tạo này, chúng ta gặp ngay những gì mình hằng mơ ước, là cái buổi bình minh cuộc đời của chính chúng ta, được thể hiện một cách thật phong phú, một cách thật đa dạng. Ôi những khuôn mặt tươi sáng xinh đẹp đang cúi xuống trang giấy trắng kia, những bàn tay nhỏ xíu dính đầy màu đang vẽ vời kia, các người đang làm công việc cứu chuộc cho cuộc đời mà các người đâu có biết! Có thể khi lớn lên có em sẽ thành họa sĩ, sẽ thực hiện những bức họa trứ danh, nhưng sẽ không bức họa nào như bức họa em vẽ ngày hôm nay, vì hôm nay em đang vẽ lên sự Trong Sáng, mà sau này lớn lên, dù tài năng bao nhiêu em cũng khó lòng thể hiện nổi. Tôi cúi xuống nhìn các em vẽ, lòng đầy biết ơn được ngập trong thứ ánh sáng trong trẻo mà hơn hai trăm em đã mang vào phòng thi này.
Theo chương trình  đến 1 giờ trưa mới hết giờ thi, nhưng chưa 12 giờ ban Giám Khảo đã thu gom các tác phẩm thi vào phòng chấm điểm. Trẻ con có bao giờ chịu ngồi yên để vẽ suốt ba tiếng đồng hồ! Thường đẹp xấu gì thì cũng một tiếng là xong.

Chấm thi
Tranh được chia theo từng nhóm tuổi, và được chấm điểm riêng biệt. Thoạt tiên là sơ tuyển, bảy vị giám khảo đứng quanh một cái bàn lớn, loại ngay những bức không đủ tiêu chuẩn. Số tranh đã qua vòng sơ tuyển lại được chọn một lần nữa, coi như vòng bán kết, để còn chừng trên mười bức vào chung kết. Vòng này thì Hội đồng Giám Khảo bỏ phiếu kín, mỗi người cho điểm từng bức tranh, rồi cộng điểm để lấy hạng nhất nhì ba và ba giải khuyến khích. Tuy nhiên, trước khi quyết định dứt khoát, các bức tranh được tất cả mọi người xem lại lần chót để có một đồng ý chung cuộc. Nếu có điểm chưa đồng ý thì thảo luận thêm, có thể đi đến một cuộc bỏ phiếu khác để quyết định lại. Một điều khó cho ban Giám Khảo là số tranh đẹp khá nhiều, có khi chọn bức này bỏ bức kia thì thấy lòng đầy luyến tiếc, ngần ngừ mãi không quyết được. Nhưng được cái các họa sĩ trong ban Giám Khảo như Hồ Thành Đức, Nguyễn Thị Hợp, Ann Phong là những người ở trong hội họa đã lâu năm, lại nhiều kinh nghiệm về tranh thiếu nhi, cộng thêm cái nhìn của các nhà văn nhà giáo rất mẫn cảm về nghệ thuật như  Bùi Bích Hà, Quyên Di... nên quyết định sau cùng đều đúng đắn, hợp tình hợp lý. Cũng hợp lý không kém là tăng số giải khuyến khích lên bốn, thay vì ba như đã định. Có lẽ quyết định như thế, ban Giám Khảo cảm thấy đỡ bứt rứt hơn.
Với một cái nhìn của một người thưởng ngoạn thuần túy, chúng tôi xin có một vài cảm tưởng về chín bức tranh được trúng giải chính thức. Dĩ nhiên đây chỉ là cái nhìn chủ quan của một người không chuyên về hội họa, nên rất cần sự khoan dung nơi người đọc.

NHÓM THỨ NHẤT (5, 6, 7 tuổi)
-       Giải Nhất: tranh của COLLEEN PHONG




Chắc chắn đây là một bức tranh về Trung Thu, nhưng diễn đạt một ý tưởng, một thế giới huyền ảo hơn là những cảnh tượng thông thường của ngày Tết Nhi Đồng. Góc trái phía trên là một phần mặt trăng rất to. Nền trời đêm xanh sẫm, chỗ gần mặt đất có một vùng ánh sáng nhạt, đầy vẻ lung linh, trong đó có một số bóng người đứng ngồi. Họ đang làm hoặc đang thưởng thức, tham dự một cái gì đấy, không rõ, vì hiệu quả của vùng ánh sáng này tạo một cảm giác huyền hoặc, có thể là thế giới này đang vào một cơn ngất ngây, có thể tác giả tả một cõi nghê thường xa xôi nào đó.
-       Giải Nhì: tranh của JENNIFER QUAN.
Cũng là một đêm Trung Thu với bầu trời xanh thẫm, mặt trăng vàng bên góc phải, trên bãi cỏ xanh phía dưới hai đứa bé chơi lồng đèn. Nhưng chủ đề chính không phải là hai đứa bé, chúng rất nhỏ giữa một không gian bao la. Điều đặc biệt là trên nền trời – chiếm gần hết bức tranh – có nhiều vệt đen như những vật thể lạ đang đua nhau phóng nhanh về một phía.
Một đêm Trung Thu lạ, một ý tưởng lạ, nhưng tạo thành một bức tranh đẹp. Những vệt đen đầy cá tính không những không phá hỏng bức tranh mà còn làm cho nó có một sắc thái duyên dáng đặc biệt.
-       Giải Ba: tranh của DON PHUNG.
Đây là bức tranh vẽ bằng bút chì màu duy nhất trong các bức trúng giải. Vẽ bút chì không có lợi thế bằng màu nước, vì màu sắc lợt lạt, không đậm đà dễ gây ấn tượng như màu nước. Nhưng đây là một bức tranh có cá tính. Nét bút tô rất mạnh, dứt khoát, chứng tỏ tác giả biết rõ mình đang làm việc gì, đang muốn diễn tả cái gì. Một vùng cát vàng, bên kia là biển xanh với một chiếc thuyền. Khối cát và khối biển tiếp giáp nhau một cách đột ngột không cần ranh giới bờ nước với làn sóng vào ra, chứng tỏ một cái nhìn trực tiếp sự vật và thể hiện với bản chất nguyên khối. Và lập tức trên các ngọn sóng nhấp nhô có một chiếc thuyền con, mang ở trên không phải là một cánh buồm, mà một cây dù! Và ông mặt trời le lói phía xa xa. Ngây thơ, trực tiếp và một phần nào đó, mãnh liệt. Một bức tranh thú vị!

NHÓM THỨ NHÌ (8, 9, 10 tuổi)
-       Giải Nhất: Tranh của LONNA NGUYEN



Bức tranh thật tươi sáng. Một bông hoa hướng dương, hai đóa hoa tím, hai đóa hoa đỏ. Phân bố màu thật xuất sắc. Nền màu xanh với các mảng đậm nhạt khác nhau cùng với các bông hoa vươn lên tạo một cảm giác vui tươi thanh thản. Đơn giản chỉ là một bức tranh vẽ hoa, nhưng gây hiệu quả rất lớn cho người xem nhờ bố cục và sự sáng tạo về màu sắc.
-       Giải Nhì: tranh của FIONA LAM
Chủ đề chính là con chó, một con vật thân thiết trong nhà. Bức tranh cho thấy sự trìu mến của tác giả nhỏ đối với loài chó. Một bãi cỏ xanh yên ả lấm tấm hoa đỏ, một cái “nhà” cho anh bạn bốn chân và một đĩa thức ăn còn đầy ắp. Con chó nằm bình yên cạnh hàng rào nhìn ra xa. Bức tranh cho một cảm giác an lành với tình thương yêu loài vật của trẻ thơ.
-       Giải Ba: tranh của DI SON NGUYEN
Cũng là tranh thú vật. Một con cá shark trắng đang bơi lội trong làn nước xanh, bên dưới là những tảng san hô màu cam. Màu nước xanh lơ tương phản với màu cam của san hô giúp động tác bơi của con cá thêm linh động. Khoảng nước xanh trống trước mặt con cá vừa là một sắp xếp bố cục mỹ thuật, vừa tạo cảm giác đó là vùng nước con cá sắp tiến vào.

NHÓM THỨ BA (11, 12 tuổi)
-       Giải Nhất: Tranh của CHINH NGUYEN



Vẽ đêm Trung Thu. Một phần năm phần trên cùng của tranh là đêm đen với một mặt trăng tròn ở góc. Phần còn lại ở dưới màu xanh lục của một bãi cỏ với cả một sinh hoạt vô cùng đẹp mắt của một đêm Trung Thu. Một con rồng màu đỏ uốn tròn chiếm gần hết diện tích bức tranh như là chủ điểm chính. Có lẽ là một đoàn múa rồng. Rải rác hai bên rồng là các cô cậu bé được thể hiện rất lạ, có thể là người thời nay, có thể thuộc một thời rất cổ xưa. Tác giả có một tâm hồn muôn thủa khi vẽ bức tranh này.
-       Giải Nhì: Tranh củaYOLANDA NGUYEN


Đặc sắc của bức tranh là bố cục và phân bố màu. Mảnh nâu ở dưới cùng, là đất hay cát, có lẽ là của một bãi biển. Kế tiếp là một khối xanh, nước biển. Trên cùng là khối màu tím, là nền trời. Trên cái nền ba màu ấy, ta thấy gì? Bốn cây dừa nhỏ lớn khác nhau và một ông mặt trời to đang ngự giữa đường chân trời của biển. Bố cục và màu sắc hài hòa tạo một cảm giác an ổn trong thời khắc hấp hối của một ngày, khi bầu trời đã biến thành tím để chuẩn bị đi vào đêm.
-       Giải Ba: Tranh của HOAN BUI



Không gian xanh, đó là không gian âm nhạc. Các khung cửa gợi một cảm giác ấm cúng của bên trong. Cây đàn cello màu nâu, nổi lên một cách duyên dáng giữa không gian ấy. Màu xanh rất bát ngát, thấm đẫm ý tình muôn thủa của tình yêu, của cảm hứng và lãng mạn. Đó có thể là màu chiều đang xuống để bắt đầu một serenade, thênh thang, bất tận.

*

Sau cuộc thi, nhà văn Đào Trung Đạo có dịp xem tranh các em vẽ, đã buộc miệng nói: “Con em người Việt Nam tị nạn có một đời sống vật chất và tinh thần sung sướng quá nên tranh vẽ đầy màu sắc tươi thắm.” Điều này rất đúng. Chúng ta vui mừng và hãnh diện có một lớp con em như thế.  Cần cố gắng để làm phát triển các khả năng tiềm tàng chắc chắn là còn nhiều nơi các em theo chiều hướng dẫn dắt gần gũi với các sắc thái văn hóa Việt Nam, bên cạnh văn hóa nước bản địa mà các em sẽ thủ đắc một cách tự nhiên.
Cuộc thi vẽ vừa rồi là một thử nghiệm đầu tiên trong lãnh vực hội họa, sau các cuộc thi khuyến học về Việt ngữ và trình diễn âm nhạc dân tộc dành cho các em đã có từ nhiều năm. Hội họa thì biên giới rộng rãi hơn, gần như chẳng có biên giới, nhưng vẽ trong một lễ hội cổ truyền như Trung Thu chẳng hạn, cũng gợi nơi các em một cái gì đó thuộc về truyền thống, chắc vẫn còn nằm trong tế bào của từng em.

Âm vang từ một cuộc triển lãm
Năm ngày sau cuộc thi, một số tranh 40 bức được tuyển chọn trưng bày tại khu triển lãm của Westminster Mall, một thương xá thuộc loại sầm uất nhất của Quận Cam, với 180 cửa hàng sang trọng và lượng khách vãng lai tám triệu mỗi năm. Lần đầu tiên sản phẩm của văn hóa Việt Nam được trưng bày tại đây suốt một tuần, thu hút không những gia đình của các em dự thi mà rộng rãi nhiều giới đồng bào và cả nhiều người Mỹ đến xem. Đúng là hội họa không có biên giới. Tôi đã thấy một em bé Mỹ kéo tay mẹ của em chỉ cho bằng được bức tranh của Fiona Lam (giải nhì, nhóm II) vẽ con chó mà có lẽ em rất thích. Và một số đông các em bé Việt và Mỹ khi được hỏi em thích bức tranh nào nhất đều chỉ bức vẽ cá đang lội dưới nước, một bức được giải khuyến khích vẽ bằng bút chì màu của em Joseph Đỗ thuộc nhóm tuổi 8 - 10, hoặc bức con chó vàng nằm bình yên trên bãi cỏ xanh của em Diễm Trần Nguyễn, nhóm III. Nói chung đề tài thú vật vẫn “ăn khách” đối với giới thưởng ngoạn tí hon, trong khi đó đa số người lớn thì lại trầm ngâm trước những bức màu nước già dặn hơn.

Ý kiến của người xem tranh ghi lại cho ban tổ chức thì thường là nỗi xúc động trước cuộc thi vẽ.  Điều này dễ hiểu, vì đây là lần đầu tiên có một cuộc thi ở một quy mô lớn và đạt được nhiều thành tựu đáng mừng như thế này trong cộng đồng Việt Nam.

“Chúng tôi cũng cám ơn báo Người Việt và các cơ quan cùng tổ chức đã cho các em một cơ hội góp phần vào những sinh hoạt, vốn rất phong phú cho người lớn ở hải ngoại này, nhưng lại rất hiếm cho các em nhỏ.” (Ý kiến ông Vũ Quân).

Lần đầu tiên tài năng hội họa của các em bé Việt Nam được bộc lộ một cách đông đảo, trong khung cảnh một ngày lễ hội, hầu như gây bàng hoàng cho tất cả, cho người tổ chức, cho gia đình các em, cho cộng đồng, và có thể cho chính các em nữa. Chính phụ huynh nói ra điều ấy:

“... Thật là một điều kỳ thú cho các em thiếu nhi nói chung và các bậc cha mẹ nói riêng. Chúng tôi rất lấy làm vui khi ban tổ chức đã làm được một việc cho con em chúng tôi biết được khả năng của các cháu.” (Một phụ huynh)

Đúng là khả năng các cháu như một kho báu còn tiềm tàng, cuộc thi này chỉ mới như một đào xới sơ khởi, mà đã thấy được cả một vùng lóng lánh tài năng. Vẫn biết ở trường, ở lớp các em vẫn vẽ, nhưng đó là công việc thường xuyên của chương trình giáo dục, không có được sự đột khởi về tâm lý một cách hào hứng như vẽ trong một cuộc thi thế này giữa cộng đồng Việt Nam, trong một dịp lễ hội truyền thống của người  Việt là Tết Trung Thu. Rất nhiều ý kiến đề nghị cuộc thi vẽ này nên được tổ chức hàng năm. Một số vị phụ huynh sẵn sàng đóng góp công sức lẫn tiền bạc cho công việc tổ chức. Có vị còn đề nghị nên “trẻ hóa” thành phần giám khảo:

“Nhìn vào các tranh trúng giải, tôi nghĩ ban giám khảo nên có thêm những giám khảo trẻ hơn, để có cái nhìn về tranh của thiếu nhi Việt sống ở Mỹ thích hợp hơn, chính xác hơn.” (Kim Mai Vo)

Lại có ý kiến của người Mỹ:

“Let our children of different ages & nationality to joint your program.” (Arsenia Sanawi ở Westminster, CA).

Tổ chức thi cho nhiều lứa tuổi và cho các sắc dân khác nữa như đề nghị này thì đúng là một vinh dự và mơ ước của bất cứ nhà tổ chức nào thuộc cộng đồng Việt Nam, nhưng không biết “lực có tòng tâm” hay không?

Về phẩm chất tranh, ý kiến của người xem ra sao?

“Chúng tôi rất vui khi được xem những tranh trưng bày ở Westminster Mall này, được thấy sự sáng tạo rất phong phú của các em bé, mặc dù sinh trưởng ở hải ngoại, nhưng cũng được phụ huynh khuyến khích tham dự vào những sinh hoạt văn hóa như cuộc thi vẽ Tết Trung Thu này. Các em đã biểu lộ tài năng một cách đáng ngạc nhiên.” (Vũ Quân)

“Tôi rất lấy làm vui mừng khi thấy những tấm hình rất là đẹp và đó là niềm khuyến khích cho các em và hy vọng quý vị sẽ tổ chức thêm vào những năm tới.” (Một phụ huynh).

“Tranh của các cháu vẽ rất linh động và có nhiều màu sắc hòa hợp, thường có mang một ý tưởng nào đó của các họa sĩ tí hon.” (Phương Dương)

“Beautiful art work – some of the kids are extremely talented. (Weady Strong, Cypress CA)

“Các cháu thiếu nhi Việt Nam có đầu óc rất sáng tạo với khả năng nghệ thuật rất khá. Các cháu đã được giúp một  cơ hội rất tốt để phát triển tài năng của mình.” (Chu Thiên)

“I enjoyed all the paintings. What talented people. I am 48 years old and I wish I could draw so well. Keep up the good work.” (Dave Miles, Santa Ana, CA).

Một số lớn ý kiến của các vị phụ huynh đều có nhắc đến hình ảnh quê hương và truyền thống Việt Nam với hy vọng qua cuộc thi vẽ lần này cũng như trong tương lai, những hình ảnh và truyền thống đó sẽ tiếp tục được khơi gợi nơi các em bé người Việt sinh ra và lớn lên ở hải ngoại. Hình ảnh quê hương thì có lẽ sẽ không được dồi dào lắm nơi các em như chúng ta mong ước, nhưng sống trong cộng đồng Việt Nam, được tham dự những sinh hoạt như Tết Trung Thu chẳng hạn, một chút gì truyền thống sẽ được thắp sáng lên từ tâm thức của các em và sẽ tự lộ ra trong tranh vẽ.

Ảnh hưởng của cuộc thi vẽ tranh này sẽ ra sao? Thì cũng chỉ là một trò chơi trẻ con thôi, chắc ai cũng đồng ý như vậy: một trò chơi mới bày ra nhân dịp Tết Trung Thu, thêm vào những trò truyền thống lâu đời như rước đèn, phá cỗ, múa lân..., để cho các em vui. Nhưng một vài người khác có cái nhìn xa hơn, xin trích để làm câu kết cho bài viết này:

“I was so delighted to find the Art of our young Vietnamese ‘smiling’ at me as I entered the Mall. They are our future, and they are enriched with two great cultures: Vietnamese and American!” (Robert R. Jones III, US Embassy, Saigon [1966 – 1975]; “Little Saigon” USA [1999 – Present]).
“Tôi vui sướng biết bao khi bước vào trong thương xá và nhìn thấy Nghệ Thuật của các em bé Việt Nam đang mỉm cười với tôi. Các em là tương lai của chúng ta, và các em đang được hưởng cả hai nền văn hóa lớn: Việt Nam và Hoa Kỳ!”

“... I just want to say that this kind of event does more than entertaining or educating these children. Among other things, it really brought the sense of inspiration, of happiness, and unity to the whole community.” (Le TV Tran)
“Tôi muốn nói tác dụng của loại sinh hoạt này không chỉ nhằm tạo sự vui chơi và giáo dục cho các em nhỏ, mà còn thực sự mang lại niềm cảm hứng, nỗi hân hoan và sự đoàn kết cho cả một cộng đồng.”

PPM
Tháng 9, 2003.

Ý kiến của họa sĩ Võ Đình trên báo Thế Kỷ 21 số 175, tháng 11 năm 2003.

Hoan hô bài về tranh thiếu nhi trong Thế Kỷ 21 số 174. Là một người cầm cọ, tôi nhìn bìa báo và rất thích bức tranh hàng trên, tay phải. Thì ra nó được ban giám khảo cho giải nhất, nhóm I !!! Pháp có câu: “Les grands esprits se rencontrent.” Hà hà !...
Ông Picasso, năm 80 tuổi, có nói: “Bây giờ tôi có thể vẽ như con nít.” Tôi năm nay 70, mới hiểu ông muốn nói cái gì. Trẻ em có một khả năng hội họa hồn nhiên, chỉ tội là sau đó, “con nít” có thông minh và biết tính toán, mất đi cả. Phải thật già, mới tìm lại được.
Cô bé Colleen, biết đâu năm 13, 14 tuổi sẽ không vẽ đẹp như vậy nữa. Phải chờ đến lúc 60, 70, 80 tuổi kia!
                                                                                             Họa sĩ Già: Võ Đình (Florida)