Thursday, December 3, 2015

Duyên nợ giữa nhà văn và nhà phê bình

Vào lúc 2 giờ chiều ngày Chủ nhật 22 tháng 11, 2015, một buổi lễ tưởng niệm nhân 49 ngày mất của nhà văn Võ Phiến đã được tổ chức tại nhật báo Việt Báo, Little Saigon. Trong dịp này, cũng trong tinh thần tưởng niệm nhà văn, hai cuốn sách về ông đã được ra mắt: cuốn Thư Võ Phiến do Gs Nguyễn Hưng Quốc biên tập từ hàng trăm lá thư do nhà văn Võ Phiến viết cho ông trong vòng hai mươi năm, và cuốn Võ Phiến Một Đời Trăn Trở, một cuốn sách nghiên cứu về nhà văn Võ Phiến do Gs Nguyễn Hưng Quốc biên soạn. Bài viết này của Phạm Xuân Đài là để dành cho buổi tưởng niệm nói trên, nhưng vì thiếu thì giờ nên đã không thể trình bày. Nay xin đăng lại nguyên văn. 

 Hai cuốn sách được ra mắt hôm nay sở dĩ có được là do một cái “duyên” của hai người, đó là nhà văn Võ Phiến và nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc. Gọi là duyên, vì các công trình này chỉ có thể có mặt trên đời do sự tương tác của cả hai bên, nếu thiếu một bên thì sẽ chẳng có gì cả.

Nhà văn Võ Phiến thì đã thành danh từ giữa thập niên 1950, với các tác phẩm Chữ Tình 1956, Người Tù 1957. Đó là những tác phẩm đầu tay của ông, và ông đã tiếp tục sáng tác hầu như đều đặn suốt cuộc đời còn lại của ông. Thế mà Nguyễn Hưng Quốc thì mãi cũng giữa thập niên 1950 mới ra đời, tôi không biết đích xác số tuổi của hai người lệch nhau là bao nhiêu, chỉ biết có lần Nguyễn Hưng Quốc viết là mình “nhỏ hơn ông hơn một phần tư thế kỷ”. Và cũng từ tiết lộ của Nguyễn Hưng Quốc, suốt thời gian lớn lên ở miền Nam trước 1975, ông đã đọc rất nhiều sách, từ Tự Lực Văn Đoàn cho đến những tác giả mới xuất hiện ở miền Nam sau 1954 cho mãi tới 1975, nhưng ông không hề đọc Võ Phiến dù là trong trường học ông đã được dạy những trích đoạn văn Võ Phiến. Ông giải thích:
“Hình như, tự thâm tâm, tôi thấy, qua các đoạn văn trích ấy, hay thì thật là hay, nhưng có cái gì cổ kính và xa xôi, như văn chương của cái thuở Tự Lực Văn Đoàn mà tôi đã đọc rồi và đã chán rồi. Hình như, lúc ấy tôi đã ngầm xếp ông vào loại những tác giả ‘cổ điển’, nghĩa là những người mình sẵn sàng nhắc đến như những tên tuổi tiêu biểu và đầy thẩm quyền trong lãnh vực văn học để chứng tỏ trình độ học thức uyên bác của mình, nhưng trên thực tế thì mình lại không bao giờ cần đọc tác phẩm của họ cả. Như kiểu người ta vẫn thường nhắc đến Nguyễn Du, đến Victor Hugo, đến Leo Tolstoy, đến Shakespeare vậy.”

Rồi sau 1975 ông lên học đại học của chế độ mới, có lần ông được nghe Chế Lan Viên khen Võ Phiến là nhà viết tùy bút và phiếm luận xuất sắc “nhất Việt Nam”, ông biết trong hoàn cảnh lúc bấy giờ đó là một lời khen rất có giá trị, do một người ông vốn thán phục thốt ra. Nhưng nghe xong ông vẫn không đi tìm sách của Võ Phiến để đọc, mặc dù thời ấy vẫn có thể tìm mua sách Võ Phiến ở chợ trời. Tôi cho sự “cứng đầu” này của NH Quốc chính là do cái ấn tượng ban đầu gây nên. Dù chưa từng đọc một quyển sách nào của một tác giả, nhưng do một số nguyên do bí ẩn và mơ hồ nào đó, cứ luôn luôn “tưởng” là không phù hợp với mình nên nhất định không chịu động đến sách của tác giả đó.

Nhân nói chuyện sau 1975, tôi xin mở ngoặc để nói thêm một chuyện khác. Sau 1975 trong chiến dịch đánh phá nền văn học miền Nam, cộng sản Việt Nam đã gọi Võ Phiến là một biệt kích văn nghệ --một cách nói để diễn tả khía cạnh thức tỉnh của ông về nguy cơ của cộng sản đối với đất nước. Suốt hai mươi năm cầm bút từ 1954 đến 1975 ông luôn luôn cảnh giác về nguy cơ ấy, vì ông hiểu rõ nó, và ông không chấp nhận tình trạng lơ là trong thế trận thường trực đương đầu với cộng sản.
Nhưng có một điều lạ là những năm về sau, từ giữa thập niên 1980, trong chỗ riêng tư, các nhà văn miền Bắc thường tỏ ra có cảm tình và nể phục Võ Phiến. Trường hợp Chế Lan Viên khen ngợi Võ Phiến thì ta có thể hiểu được, vì đó là thầy dạy cũ của VP, là người dìu dắt VP những bước đầu trên con đường văn nghệ trước năm 1945, sự nhận xét có thể chịu ảnh hưởng của tình cảm. Nhưng nhiều nhà văn khác, trẻ hơn, chưa hề biết Võ Phiến cũng tỏ ra kính phục ông. Trong các dịp đi Mỹ của họ, các nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, Lại Nguyên Ân, Nguyễn Huệ Chi, Bùi Minh Quốc... đều ghé thăm ông trong cái tình của văn giới. Hai anh em Đào Hùng, Đào Tuấn con của học giả Đào Duy Anh ghé thăm và ở lại nhà ông như là người thân trong gia đình. Riêng nhà văn Nguyễn Khải năm 1989 chỉ gọi thăm ông từ New York, nhưng có một cử chỉ khá lạ là tháo cái đồng hồ đeo tay đã cũ của mình gửi tặng ông, kèm theo một bức thư ngắn, trong đó có câu: “mong anh nhìn vật mà nhớ đến Khải.” Đó là những tình cảm ngoài chính trị mà các nhà văn đối xử với nhau, bắt nguồn từ sự nể phục tự thâm tâm của mình.
Xin đóng ngoặc và trở lại chuyện “duyên nợ” giữa nhà văn và nhà phê bình.

Cho đến khi Nguyễn Hưng Quốc vượt biên và định cư tại Pháp vào năm 1985, ông vẫn chưa bao giờ đọc Võ Phiến. Nhưng rồi cuộc hạnh ngộ đã tới, hãy nghe ông kể:
“Mãi đến năm 1986, khi đã vượt biển và định cư tại Pháp, một hôm, bước vào một tiệm sách Việt ngữ tại Paris, giữa mớ sách lèo tèo, tầm thường, không gợi lên được chút xíu hứng thú nào trong tôi, mắt tôi dừng lại cuốn Tuỳ bút 1 của Võ Phiến vừa được nhà Văn Nghệ xuất bản tại California: chắc chắn đó là cuốn sách khá nhất trong cái bầy sách thưa thớt buồn xo ấy. Bèn mua. Một cách khá uể oải. Như là một sự chọn lựa miễn cưỡng. Vì không có cái gì khác nữa.”
Nhưng không ai, kể cả Nguyễn Hưng Quốc, ngờ rằng cái hành động mua sách một cách miễn cưỡng ấy tại Paris năm 1986 lại mở ra cho ông, và sau này cho Võ Phiến nữa, biết bao là điều kỳ thú. Phải nghe NH Quốc kể lại những gì xảy ra sau khi mua cuốn sách ấy về nhà mới thấy đây đúng là một cuộc “kỳ ngộ” trong đời đọc sách và phê bình văn học của ông:
“Về, định đọc nhẩn nha. Nhưng ngay ở mấy trang đầu, tôi đã bị cuốn hút. Đọc một lèo từ đầu đến cuối. Vừa thích vừa sững sờ thán phục. Suốt cả mấy tuần lễ liên tiếp, tôi cứ đọc đi đọc lại, vầy vò hoài một cuốn sách ấy. Có khi đọc vài bài, có khi đọc một bài và cũng có khi chỉ đọc nhảy lóc cóc từng đoạn, từng đoạn. Để nghe hơi văn. Để thích thú với một vài nhận xét thông minh và dí dỏm của tác giả. Từ đó, tôi trở thành một độc giả chăm chỉ và chăm chú của Võ Phiến. Cuốn sách nào của ông in ra, bài viết nào của ông đăng báo, tôi cũng đều đọc cẩn thận. Có cái đọc đi đọc lại nhiều lần.”
NH Quốc đã đi vào thế giới của Võ Phiến như thế. Kết quả là vào đầu thập niên 1990 ông đã quyết định viết một cuốn sách về Võ Phiến, và đã viết thư xin Võ Phiến những chi tiết về tiểu sử, và từ những bức thư đầu tiên ấy bắt đầu từ năm 1991, Võ Phiến và Nguyễn Hưng Quốc đã tiếp tục trao đổi thư từ, kéo dài hơn hai mươi năm.
Cuốn sách “Võ Phiến” của Nguyễn Hưng Quốc do nhà Văn Nghệ ở Orange County, California xuất bản lần đầu năm 1996 và do Người Việt Books tái bản lần thứ nhất hôm nay với nhan đề Võ Phiến Một Đời Trăn Trở là một cuốn nghiên cứu kỹ lưỡng và chuyên nghiệp về sự nghiệp viết lách của Võ Phiến, trong đó tác giả đã nhìn Võ Phiến như một nhà lý luận văn học, một nhà phê bình văn học, nhà tạp luận, nhà tùy bútngười viết truyện. Từ một cây bút mà phân thân làm 5 con người khác nhau, mà con người nào cũng xuất sắc trong phong cách của mình. Theo tác giả, Võ Phiến bao giờ cũng song hành với thời đại, lúc nào cũng mang một niềm trăn trở không nguôi, lúc nào cũng khắc khoải đổi mới. Đó là một cây bút không bao giờ cũ.
Tất cả những sự việc trên đều bắt nguồn từ một gặp gỡ rất lạ lùng.
Đúng, đây là một cuộc “kỳ ngộ”, vì thật sự nó rất kỳ. Một người đam mê đọc sách, từ lúc tuổi còn nhỏ đã vùi đầu vào sách vở của thời đại trước mình, rồi hầu như đọc tất cả các tác giả của thời đại mình đang sống, nhưng lại chừa ra đúng một người, để mãi đến 30 tuổi mới lần đầu chịu đọc sách của ông ta, và ngay tức khắc trong tâm hồn vang lên một câu tán thán kiểu như Archimède ngày xưa: “Tôi đã tìm thấy!” và từ đó dính liền với ông, thư từ qua lại trong mấy mươi năm, viết sách nghiên cứu về văn tài của ông, đánh giá ông là một nhà văn Việt Nam lớn nhất của nửa sau thế kỷ 20, và làm một người bạn vong niên cho đến khi ông qua đời.
Tôi thấy cái buổi Nguyễn Hưng Quốc đi lang thang ở Paris và ghé vào hàng sách mua cuốn Tùy Bút của Võ Phiến năm 1986 ấy có tính cách định mệnh “người đâu gặp gỡ làm chi / trăm năm biết có duyên gì hay không”.

Có, duyên rất nhiều, rất đầy. Ngay một phần chủ đề của buổi tưởng niệm 49 ngày nhà văn Võ Phiến qua đời hôm nay cũng bắt nguồn từ hai cuốn sách ra đời từ cái duyên ấy.