Về chủ đề đạo Công giáo trong xã
hội Nhật Bản hay một Tâm-Thức-Mới cho thời đại
Nguyên
tác cuốn sách này trong Nhật ngữ là “Thâm Hà” (Sông Sâu). Trong
ngôn ngữ Hán Việt, và chắc trong Nhật ngữ cũng thế, hai chữ thâm hà gợi một cảm
tưởng mênh mông và sâu thẳm. Nguyễn Văn Thực
dịch là “Bên Giòng Sông Hằng” cũng đã rất khéo để nói lên nội
dung câu chuyện một nhóm du khách Nhật Bản đến thăm sông Hằng bên
Ấn Độ, nhưng chính người dịch cũng nhận thấy chữ “thâm hà” mới
diễn tả được cái chủ đề đích thực về tâm linh rất lớn của tác giả
trong cuốn tiểu thuyết này.
Viễn Đằng Chu Tác (1923-1996) là một trong những nhà văn Nhật Bản được độc giả Nhật và Tây phương biết đến và yêu mến còn hơn cả Kenzaburo Oe, nhà văn Nhật đoạt giả Nobel văn chương năm 1994. Là một người theo đạo Chúa, đề tài lớn theo đuổi suốt sự nghiệp sáng tác của ông là sự khó khăn của Kitô giáo trong tiến trình hội nhập vào tâm thức Nhật Bản. Đề tài này manh nha từ những cuốn Người Da Trắng - Shiroi Hito và Người Da Vàng - Kìroi Hito (viết trong thập niên 50); nhưng phải đến cuốn Sao Chúa Mãi Im (Trầm Mặc) - Chin Muku, viết năm 1966, đề tài này mới được khai thác một cách mãnh liệt và được xem là khá “bạo.” Chúng ta hãy lược qua tác phẩm này, trước khi đề cập đến hậu thân lớn lao và sâu sắc của nó là cuốn Bên Giòng Sông Hằng.
Viễn Đằng Chu Tác (1923-1996) là một trong những nhà văn Nhật Bản được độc giả Nhật và Tây phương biết đến và yêu mến còn hơn cả Kenzaburo Oe, nhà văn Nhật đoạt giả Nobel văn chương năm 1994. Là một người theo đạo Chúa, đề tài lớn theo đuổi suốt sự nghiệp sáng tác của ông là sự khó khăn của Kitô giáo trong tiến trình hội nhập vào tâm thức Nhật Bản. Đề tài này manh nha từ những cuốn Người Da Trắng - Shiroi Hito và Người Da Vàng - Kìroi Hito (viết trong thập niên 50); nhưng phải đến cuốn Sao Chúa Mãi Im (Trầm Mặc) - Chin Muku, viết năm 1966, đề tài này mới được khai thác một cách mãnh liệt và được xem là khá “bạo.” Chúng ta hãy lược qua tác phẩm này, trước khi đề cập đến hậu thân lớn lao và sâu sắc của nó là cuốn Bên Giòng Sông Hằng.
Viễn
Đằng Chu Tác đã nghiên cứu nhiều sử liệu truyền giáo của giáo hội
La Mã vào thế kỷ 16 và 17 trên đất Nhật để viết nên cuốn tiểu thuyết
Sao Chúa Mãi Im (cũng đã được Nguyễn
Văn Thực dịch sang
Việt ngữ, Anh Em ở Na Uy xuất bản năm 1998), cuốn sách mà Graham
Green đã phát biểu sau khi đọc xong: “Theo tôi tác phẩm này
là một trong những tác phẩm hay nhất thời đại chúng ta.”
Truyện
thuật hai sự quyết tâm: các giáo sĩ Thiên Chúa giáo trong thế
kỷ 17 quyết tâm xâm nhập Nhật Bản để truyền đạo, và nhà cầm
quyền
Nhật Bản quyết tâm ngăn chặn và bóp nát ý định đó. “Sao Chúa
Mãi Im” là câu tán thán của vị giáo sĩ trong cơn bách hại, đối
diện với bao nỗi khốn khó đau đớn trong cô đơn. Thiên Chúa giáo
bắt đầu được truyền vào đất Nhật từ giữa thế kỷ 16, lúc đầu gặp
nhiều thuận lợi vì các tướng quân đều muốn o bế các thương thuyền
Bồ Đào Nha, và do đó thân thiện với các vị thừa sai, để đem
lại lợi nhuận cho mình. Theo tài liệu các thừa sai viết đầu thế
kỷ 17 thì con số giáo dân lúc cao nhất lên đến 250,000 người. Tuy
nhiên, trong tiền bán thế kỷ 17, các tướng quân bắt đầu cấm đạo,
vì những lý do, ví dụ theo sắc lệnh của tướng quân Gia Khang:
...gieo rắc tà đạo, phỉ báng chính đạo,
có âm mưu chống lại phép nước và
xâm chiếm lãnh thổ...
Bìa
sau của cuốn Sao Chúa Mãi Im
Cuộc
bách hại vô cùng tàn khốc và hiểm độc, đã khiến một số các thừa
sai bỏ đạo, trong đó có linh mục giáo sư Ferreira, từng hoạt động
ở Nhật trong hai mươi năm với chức Giám tỉnh dòng Tên ở đó, đại
diện tối cao của dòng Tên, có nhiệm vụ cai quản các linh mục dưới
quyền và chăn dắt các bổn đạo Nhật thời ấy. Ông bỏ đạo, lấy vợ
người Nhật, có tên Nhật và sống luôn tại đất Nhật, một sự kiện mà
giáo hội La Mã không tưởng tượng nổi.
Và
vì thế mới có câu chuyện này. Vào năm 1635 ở La Mã một nhóm gồm
năm linh mục tìm cách rửa hờn cho mối nhục bỏ đạo mà cha Ferreira
đã gây nên, đã cùng nhau vạch một kế hoạch truyền giáo tại
Nhật, ngay cả trong thời kỳ bách hại dữ dội nhất. Cuối cùng có
ba giáo sĩ được cử thực hiện công tác này, cả ba đều là học trò
cũ môn Thần học của cha Ferreira. Sau bao nhiêu khó khăn, hai trong
ba người đã xâm nhập được vào đất Nhật, bắt liên lạc được với
một họ đạo và được che dấu để hoạt động. Nhưng với sự kiểm soát
dân chúng rất chặt chẽ của các sứ quân, cuối cùng tất cả, giáo
dân cùng linh mục, đều bị bắt. Một vị đã phóng xuống biển chết
theo các giáo dân bị nhận nước. Vị còn lại, sau bao ngày giam
cầm, đấu tranh với bản thân và với các mưu mô của nhà cầm quyền
để dẫn dụ việc bỏ đạo, cuối cùng cũng đã phải chịu thua, chấp
nhận đạp lên ảnh Chúa. Và mọi chuyện lại được lặp lại: lấy vợ
Nhật, đổi tên Nhật, thậm chí có cả pháp danh Phật giáo, cho đến
khi chết lại được hỏa thiêu ở chùa.
Cực
hình không hề khuất phục được các vị đó. Tổng đốc Tỉnh Thượng đã
nghĩ ra một cách bắt các vị phải chịu thua: chứng kiến giáo dân
của quý vị đang bị cực hình và hành hình. Một lý lẽ rất đơn giản
được đưa ra: vì quý vị vào xứ này truyền đạo nên mới có giáo dân,
và giáo dân phải bị trừng trị theo luật lệ. Nếu đạo của quý vị
là bác ái, quý vị hãy hành xử để cứu những con người ấy: chỉ cần
quý vị làm một cử chỉ bỏ đạo, các giáo dân sẽ được tự do. Vị linh
mục buộc phải chọn lựa giữa con người cụ thể và những nhân danh
trừu tượng, và giữa cơn giằng xé, phải thốt lên trong tâm tưởng:
Nhưng con biết, Đức Chúa Trời mà Giáo hội
dạy, khác với Đức Chúa Trời
của con.
Không bằng làm phúc cứu cho một người
Có
lẽ Bên Giòng Sông Hằng đã được thành
hình trong một khắc khoải
như thế nơi Endo Shusaku. Ông đã đi chọn một hình ảnh đặc trưng
về tâm linh là dòng sông Hằng của Ấn Độ để làm nơi hòa giải cho
những xung đột nơi chính ông — hay là những nhân vật Nhật Bản
của ông cũng thế —, coi dòng sông như một người trọng tài mà ông
tin có đủ uy tín và đức độ để bao dung những khác biệt. Trong xứ
Ấn Độ quê hương thăm thẳm của bao vấn đề tâm linh của nhân loại,
dòng sông Hằng là một tượng trưng chứa đựng trong lòng nó những
sạch và dơ, đau khổ và giải thoát, đã được nhiều người mệnh danh
là dòng sông thiêng có khả năng làm êm dịu đi, nếu không nói là
giải quyết, những khắc khoải của kiếp người. Nhiều cây bút trên
thế giới đã tìm nó, viện dẫn nó, kể cả những nhà thơ Việt Nam.
Cát muôn kiếp mải nhớ lần gặp xưa
Tô Thùy Yên
Mặt trời thức
dậy trên sông Hằng
ngày đầu tiên
một thiên niên kỷ mớimặt sông rực rỡ ánh bình minh
lòng sông sâu thẳm
chuyên chở kiếp nhân sinh
...
Người về đây làm
hạt bụi ban sơ
chìm vào bát
ngát Ngàn vạn năm qua
Dòng sông chảy
mãi
Hạt bụi còn là
Hạt bụi còn là
Khánh Hà
Nhưng
không ai quy tụ về đây nhiều câu chuyện, nhiều vấn đề như tác
giả Viễn Đằng Chu Tác. Mỗi nhân vật của ông có một câu chuyện riêng,
xảy ra tại Nhật Bản, tại Mãn Châu, trên đất Pháp, trong rừng
già Miến Điện... độc lập với nhau, nhưng tất cả gặp nhau trong
một chuyến du lịch từ Nhật sang Ấn Độ để đến với dòng sông Hằng,
và hình như được nối kết lại trước dòng sông thiêng cuộn chảy.
Trước
hết là câu chuyện của cô Mỹ Tân Tử và anh chàng Đại Tân, được
xem như hai nhân vật chính trong cả cuốn truyện. Chàng là một thanh
niên thật thà, mộ đạo, làm ngứa mắt cô bạn sinh viên rất tân
thời Mỹ Tân Tử, và nàng quyết định quyến rũ chàng làm người tình
của mình để “phá” chơi. Con người thật thà ấy sa vào bẫy tình
thật, nhưng trò chơi của Mỹ Tân Tử sớm kết thúc để cô nàng còn...
đi lấy chồng, và Đại Tân, tỉnh cơn mộng tình, đi tu linh
mục tại một nhà dòng mãi tận tỉnh Lyon bên Pháp.
Kế
đến là “trường hợp của ông Cơ Biên.” Vợ ông mất vì bịnh ung thư,
nhưng trước khi chết đã trối trăn cùng ông: “Em... biết chắc...
em sẽ được tái sinh ở một nơi nào đó trong thế giới nầy. Mình
nhớ đi kiếm em... gặp em... Mình hứa đi! Mình hứa đi mình!”
Trường
hợp ông Chiểu Điền là một nhà văn viết cho nhi đồng, một người
từ nhỏ đã yêu súc vật, và suốt đời viết văn của ông, các con chim nuôi trong nhà đã là những người bạn tâm sự của ông. Cho đến
khi bệnh nặng, phải mổ, các con vật vẫn hiện diện bên cạnh ông, và
ông nghĩ chúng đã cứu mạng ông.. Ông
Mộc Khẩu lại là một trường hợp có liên quan đến đại chiến thế giới
thứ hai, khi ông là một người lính Nhật bại trận trong rừng già
Miến Điện, đã phải ăn thịt đồng đội để sống còn. Và nhiều chục
năm sau, đó vẫn là một ám ảnh không nguôi trong tâm trí ông.
Cô Mỹ Tân Tử, ông Cơ Biên, ông Chiểu Điền, ông Mộc Khẩu cùng nhau đi thăm Ấn Độ trong một chuyến do hãng du lịch tổ chức. Mỗi người một tâm trạng, một mục đích thầm kín riêng và phản ứng mỗi người một cách trước xứ Ấn Độ nghèo mà huyền bí. Ông Cơ Biên theo đuổi một mục tiêu mơ hồ là tìm người mà có thể vợ ông đã đầu thai, nhưng làm sao tìm cho ra? Nhưng người gặp chuyện không ngờ nhất chính là cô Mỹ Tân Tử: cô đã gặp Đại Tân ở Ấn Độ. Chính trường hợp Đại Tân và sự kiện mọi người tập hợp nhau bên bờ con sông thiêng mới là chủ đề chính được tác giả ấp ủ.
Trong
tác phẩm Sao Chúa Mãi Im, những khó
khăn trong sự hội nhập
của Kitô giáo vào Nhật Bản cách đây ba bốn thế kỷ là do nguyên
do chính trị, lịch sử, còn bây giờ, với Bên
Giòng Sông Hằng, sự khó khăn ấy
vẫn còn, nhưng hoàn toàn do tính-cách-nhật-bản
của người Nhật, mà đại diện là anh chàng Đại Tân thiệt thà,
chân chất qua tận Pháp để tu thành linh mục. Hãy nghe một vài
đoạn đối thoại, Đại Tân tâm sự với Mỹ Tân Tử khi hai người gặp nhau
tại Lyon, nơi Đại Tân đang tu.
... Tôi không thể phân biệt Thiện, Ác rạch ròi như những người ở đây được. Tôi nghĩ là trong Thiện có Ác mai phục, trong Ác có Thiện nằm vùng. Có thế Chúa mới dùng ngón ảo thuật của Ngài được. Mặc dù tôi là kẻ tội lỗi, Ngài cũng đã uốn nắn tôi, đưa tôi vào đường cứu rỗi.
... Đối với Giáo hội, tư tưởng của tôi là tư tưởng rối đạo. Tôi đã từng bị quở trách như thế. Cô đừng nên tách biệt, phân biệt cho ra đầu ra đuôi bất cứ cái gì. Chúa thì không như thế.
... Trong dòng, họ vẫn cho tôi là kẻ có khuynh hướng rối đạo, nhưng vẫn chưa đuổi tôi ra khỏi tu viện. Có điều là tôi không thể lừa dối với chính mình được. Sẽ có ngày tôi trở về Nhật Bản - tôi sẽ đào sâu suy tư về một Kitô giáo ứng hợp với tâm thức Nhật Bản.
Có
một sự không đồng nhất, không hài hòa giữa đức tin của Đại Tân và
cái hệ thống mà anh đang ở trong để thể hiện lòng tin ấy. Chàng
cảm thấy Tình Thương đích thực rộng lớn hơn bất cứ khuôn khổ
tổ chức nào, giống như vị linh mục trong Sao
Chúa Mãi Im đã thốt lên
trong cơn bách hại: “Nhưng con biết, Đức Chúa Trời
mà Giáo hội dạy, khác với Đức Chúa Trời của con.” Chính vì thế,
Đại Tân đã đi Ấn Độ, và đã hành xử không theo tư thế của một linh
mục Công giáo dù lúc bấy giờ chàng đã là linh mục. Chàng sống
như một tiện dân Ấn, đến với các tiện dân khác, và nhất là chuyên
đi thu nhặt các xác chết vô thừa nhận để mang đến bãi hỏa thiêu
trên bờ sông Hằng.
”Nếu Người ấy
trú ngụ trong thành phố này, tôi tin là Người cũng sẽ cõng
những người gục chết đó đến bãi hỏa táng, giống như Người đã từng
vác thập tự giá vậy.”
Đó
là lời Đại Tân nói với Mỹ Tân Tử khi hai người gặp nhau lại tại
Ấn Độ, nơi cái thành phố có dòng sông Hằng chảy qua. Tại đây ông
linh mục người Nhật ấy đã bị nhà thờ của tôn giáo ông xua đuổi,
và nếu không giả trang thành kẻ tiện dân để làm những điều ông
thấy cần làm thì chính người Bà La Môn cũng sẽ xua đuổi ông nữa,
vì Ấn giáo tuyệt đối cấm những người khác tôn giáo đi vào bãi
hỏa táng của họ. Ông đã thể hiện Tình Thương theo cách của ông,
tâm thức ông trực tiếp hòa nhập với một tâm linh rộng lớn không
cần thông qua một giáo hội, một tổ chức, một luật lệ do con người
đặt ra, những thứ không sớm thì muộn cũng sẽ trói buộc, xiềng
xích, điều kiện hóa những Đức Tin bao la phơi phới nơi những
người như ông.
Endo
Shusaku với Bên Giòng Sông Hằng đã đưa đến tột đỉnh chủ đề mà
ông cưu mang suốt cuộc đời viết văn của ông, chính trong tác
phẩm này người ta mới thấy được thị kiến về một TÂM-THỨC-MỚI chuyên
chở được muôn dòng sông tư tưởng và tôn giáo. Với một nội dung
linh hoạt, hấp dẫn, rất thời đại, ông đã thành công đưa ra một
vấn đề muôn thuở, mà có lẽ hơn lúc nào hết con người của thời đại
này phải lo vun đắp, đó là Tâm Linh nơi mỗi chúng ta.
*
Bên Giòng Sông Hằng, Endo Shusaku,
Nguyễn Văn Thực dịch, Thế Kỷ xuất
bản năm 2000.