Monday, June 6, 2016

Con Ðường Dẫn Ðến Việc Tái Bản Nho Phong

Hầu hết những ai khi học môn Việt Văn trong trường Trung học miền Nam Việt Nam trước kia đều có thể đã nghe đến tác phẩm Nho Phong là truyện dài đầu tay của nhà văn Nhất Linh. Nhưng chỉ biết theo bài vở thế thôi, chứ có thể nói gần như chắc chắn là chưa ai thấy quyển sách ấy, trong khi các tác phẩm khác của Nhất Linh thì đầy trong các tủ sách gia đình, các thư viện và hiệu sách. Trong tâm trí của người đọc sách thế hệ này, hai tiếng Nho Phong như một tiếng vọng của một thời xa xôi nào, không hiện đại và hiện thực như những Đoạn Tuyệt, Đôi Bạn, Lạnh Lùng, Bướm Trắng v.v...

Và thế hệ đó cũng đã già đi, đến thập niên thứ hai của thế kỷ 21 thì đã vào tuổi bảy mươi, tám mươi, và Nho Phong lại càng xưa cũ với thời gian, vẫn chỉ là một tiếng vọng ngày càng xa và càng khuất lấp.
Thế rồi bây giờ, vào đầu năm 2016, Nho Phong lại xuất hiện “bằng xương bằng thịt” với một dòng ghi ngoài bìa: Tái bản lần thứ nhất. Vâng, tái bản lần thứ nhất sau 90 năm nó xuất hiện lần đầu tại Hà Nội, vào năm 1926 với tên tác giả là Nguyễn Tường Tam.
Tại sao lại như vậy? Cái gì đã xảy ra?
Câu chuyện bắt đầu từ một ngày mùa đông năm 2011, khi một nhóm anh em bạn theo gương của Viện Việt Học ở Nam California (đã làm được công việc số hóa và xuất bản đĩa DVD toàn bộ báo Nam Phong của học giả Phạm Quỳnh), quyết định sưu tầm báo Phong Hóa, Ngày Nay để làm việc tương tự. Công việc được hoàn tất trong năm 2012, gợi ý cho nhóm này bắt tay vào một việc khác: sưu tầm sách Tự Lực Văn Đoàn bản gốc, hoặc ít ra được tái bản tại miền Nam Việt Nam trước 1975, để số hóa rồi phổ biến và lưu trữ. Lý do: kể từ cuối thập niên 1940 đến 1985 trong thế kỷ XX, những sách báo dính dáng đến nhóm Tự Lực Văn Đoàn đều bị phe cộng sản  cấm đọc, cấm phổ biến, nhưng sau cuộc “đổi mới” của chế độ cộng sản Việt Nam từ giữa thập niên 1980, sách Tự Lực Văn Đoàn bắt đầu được các cơ sở xuất bản của chế độ tái bản khá ồ ạt trong nước, nhưng tất cả đều bị sửa chữa một cách tùy tiện, hầu như không một cuốn nào còn giống y như nguyên bản. Trước thảm họa này gây ra bởi một chính quyền không cần hiểu biết gì về giá trị văn bản truyền thống của văn hóa Việt Nam, những người có ý thức tại hải ngoại lại phải bắt tay vào việc phục hồi cái cũ. Chúng ta cần đọc đoạn văn của chị Phạm Thảo Nguyên, một thành viên hoạt động tích cực của nhóm sưu tầm các ấn bản TLVĐ, ghi lại công việc làm của nhóm (1):
“... Tới cuối năm 2012, việc số hoá và quảng bá hai báo Phong Hoá, Ngày Nay đã hoàn tất, chúng tôi bắt đầu lên lịch làm số hoá các tác phẩm sách: Việc đầu tiên là thiết lập một thư tịch (bibliography) đầy đủ các sách đã in, gồm tiểu thuyết, thơ, phóng sự, và bộ Sách Hồng, dành cho thiếu nhi của các thành viên Tự Lực Văn Đoàn, cùng các cộng tác viên của Phong Hoá, Ngày Nay.
Sau đó chúng tôi kêu gọi mọi người cùng tìm kiếm sách. Được sự cộng tác đóng góp chi phí cũng như cho mượn sách cũ, nhiều bản chính gốc của các sách in của những nhà xuất bản ngày xưa như Đời Nay, Phượng Giang… của nhiều gia đình các hậu duệ nhóm Phong Hoá, Ngày Nay, của các thân hữu gần xa, chúng tôi bắt đầu làm việc số hoá với tiệm Photocopy A1. Đặc biệt có chị Phạm Lệ Hương, chuyên gia về thư viện, đến giúp sức. Chị đã tìm ra được một số lớn sách từ nhiều thư viện khắp nơi, cũng như đã tổ chức (organize) toàn bộ các tác phẩm của bộ sưu tập văn học này. Sau một năm làm việc, chúng tôi hân hạnh thông báo : Bộ sách Tự Lực Văn Đoàn đã được số hoá tháng 6/2014 (Thực ra còn vài cuốn rất cũ chưa thấy, vẫn được tiếp tục tìm kiếm, như Nho Phong, xuất bản 1926…)”.
Cho đến thời điểm đầu năm 2015, có thể nói tất cả các tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn đều được sưu tầm và số hóa, kể cả loại sách Hồng dành cho thiếu nhi. Trừ một cuốn, không biết kiếm đâu ra, đó là tiểu thuyết đầu tay của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, thủ lãnh của Tự Lực Văn Đoàn, cuốn Nho Phong.
Thực ra Nho Phong không được xếp vào tủ sách TLVĐ, vì ra đời bảy năm trước khi văn đoàn này được thành lập, và không hề được nhà xuất bản Đời Nay tái bản. Đây chỉ là một cuốn sách thử nghiệm của chàng thanh niên Nguyễn Tường Tam được viết khi chàng mới 18, 19 tuổi, xuất bản năm chàng đúng 20, năm 1926. Nhiều nhà viết văn học sử không đề cập đến cuốn sách đầu tay này, trừ vài người như Vũ Ngọc Phan và Phạm Thế Ngũ, đều nhận định sách được viết với văn phong xưa, cổ lỗ.
Nhưng Nho Phong vẫn là điểm khởi đầu của một văn tài kiệt xuất của Việt Nam, giới nghiên cứu không thể bỏ qua. Tháng 9 năm 2014, trong bài thuyết trình tại Viện Việt Học (Nam California) nhân dịp ra mắt “Kỷ Yếu Triển Lãm và Hội thảo về báo Phong Hóa, Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn”, giáo sư Nguyễn Văn Sâm đã nhận định về Nho Phong và Người Quay Tơ --hai tác phẩm đầu tay của Nhất Linh, cùng xuất bản năm 1926-- như sau:
Tổng quan ta có thể xác định rằng: Đây là hai tác phẩm tuy là khởi đầu văn nghiệp của một tác giả, về hình thức thì nhỏ nhoi, như nhiều người nhận định, về văn phong thì thuộc thế hệ văn chương cổ điển vì ảnh hưởng của thời gian xuất hiện, nhứt là Nho Phong, nhưng kết quả của chúng rất to lớn... Nhất Linh đã từ căn bản đó suy nghĩ thêm về những ý tưởng mới lóe ra và cải tiến cách viết lách của mình sau này, từ đó tạo nên một giai đoạn văn học lớn cho tiểu thuyết Việt Nam trước thế chiến (...) Tôi chắc chắn rằng yếu tố làm văn chương ít hơn yếu tố bày tỏ tư tưởng trong tác phẩm này.”
Cũng trong dịp này, vì cần văn bản Nho Phong để nghiên cứu cho bài nói chuyện, giáo sư Nguyễn Văn Sâm đã tìm được tác phẩm Nho Phong trong dạng sao chép do Giáo sư Linh mục Thanh Lãng đã cho đánh máy và in ronéo khi Linh mục giảng dạy Văn học sử tại Đại học Văn khoa Sài Gòn thời Việt Nam Cộng Hòa.  
Khi có được bản sao chép này, ngay tháng 9 năm 2014 chị Phạm Lệ Hương, Giám đốc Thư viện của Viện Việt Học, đã chỉnh đốn lại và cho lên trang Online của thư viện với những dòng giới thiệu như sau:
NHO PHONG
NGUYỄN TƯỜNG TAM
(Viết ở Hà Nội năm 1924-1925. Bản chép lại từ bản in tại Nghiêm Hàm Ấn Quán, Hanoi, 1926*)
Ghi chú: Những con số in bên lề các trang trong bản này là số trang của bản chính in năm 1926. 
***
LỜI TRI ÂN
Hiện tại chỉ có bốn Thư viện trên thế giới có bản chính bằng vi phiếu (microfiche) là Đại Học Cornell, New York; Thư viện Quốc Gia Pháp, Paris; European Register of Microfilm and Digital Masters, Göttingen, Germany; và Thư viện Quốc Gia Việt Nam, Hà Nội.
Chúng tôi xin ghi ơn Cố Giáo Sư Linh Mục Thanh Lãng, các sinh viên Đại Học Văn Khoa Saigon đã tạo ra bản chép lại này, cùng hai vị cựu sinh viên và cựu giáo sư ĐH Văn Khoa Saigon đã giữ được và cung cấp cho chúng tôi bản chép lại này.
(*Trong khi chờ đợi có bản gốc, chúng tôi tạm niêm yết nơi đây bản chép lại này -- Ban Số Hoá Tác Phẩm Tự Lực Văn Đoàn, tháng 9 năm 2014) 
Sau đây là trang 1 của quyển Nho Phong do Giáo sư Linh mục Thanh Lãng cho đánh máy và in ronéo để dùng tại Đại học Văn Khoa Sài Gòn.

Vào tháng 3 năm 2015, chị Lệ Hương, với sự hiểu biết rộng về hệ thống thư viện quốc tế, có nhờ một người trong gia đình chị hiện ở Pháp tiếp xúc với Thư viện Quốc gia Pháp tại Paris để xin bản sao của cuốn Nho Phong gốc xuất bản năm 1926 tại Hà Nội. Nhưng thư viện này cho biết, vì vấn đề bản quyền, độc giả muốn có bản sao phải có giấy cho phép của con cháu tác giả Nguyễn Tường Tam thì Thư viện đó mới cung cấp bản sao quyển này. Chị Lệ Hương thông báo điều này cho anh Nguyễn Tường Thiết, và sau đó không lâu, anh Nguyễn Tường Việt con trai trưởng của nhà văn Nhất Linh đã đứng ra xin mua được một bản sao Nho Phong của Thư viện Quốc gia Pháp. Và đó là bản mà hôm nay, qua sự săn sóc của nhà văn Nguyễn Tường Thiết, nhà xuất bản Văn Mới làm công việc “tái bản lần thứ nhất”.
Bản Nho Phong do Thư viện Quốc gia Pháp cung cấp là một bản sao điện tử, đầy đủ từ trang bìa đến trang cuối. Các trang đều đọc được, tuy có nhiều nơi khá lem luốc, có lẽ do vi phẩm được chụp từ những trang sách đã quá cũ. Anh Nguyễn Trọng Hiền, một thành viên của nhóm sưu tầm rất giỏi kỹ thuật máy điện toán, đã phải ra tay dùng photoshop tẩy xóa rất tỉ mỉ để chữ trong tất cả các trang đều được nằm trên một cái nền trắng mà không đụng đến nội dung của sách. Nhà thơ Thành Tôn, với lòng đam mê sách mãnh liệt suốt đời, đã mang bản chụp này in ra và đóng tay thành bảy quyển để tặng anh chị em trong nội bộ của nhóm. Từ bìa trước đến nội dung của cuốn sách được phục chế này đều giống y hệt bản đã xuất bản cách đây đúng 90 năm, trừ một chút màu nâu nhạt anh Thành Tôn thêm vào để làm nền cho bức họa “Ông Cụ Nho” ở bìa trước. Ngay trên bìa trước, bên dưới bức họa có mấy dòng chữ:
Bán tại Ngọc-Xuyên
99 - Phố Hàng Bông - HANOI
In lần thứ nhất.
Tại một trang trong ngay trang sau của bìa phụ có dòng chữ:
Có trình giữ bản quyền.
và:
Giá bán: 0$40
Nội dung sách được đánh số trang từ 1 đến 122. Tại cuối trang chót 122 có dòng chữ:
Viết ở Hanoi Năm 1924-1925.
Và trang kế tiếp, 123:
IN XONG NGÀY
25 tháng mười năm 1926
TẠI NGHIÊM HÀM ẤN QUÁN
58, Phố Hàng-Bông, Hanoi
                                                   
Bìa sách Nho Phong do nhà thơ Thành Tôn phục chế

Để chuẩn bị cho việc tái bản chính thức, anh Nguyễn Tường Thiết đã tự tay mình đánh máy lại toàn bộ cuốn sách, với một số sửa chữa, theo các nguyên tắc sau đây (trích thư anh Thiết gửi cho người viết bài này):
- Trên căn bản, những gì tôi sửa lại khi đánh máy cuốn Nho Phong là tôi làm đúng như ông cụ tôi làm ở Sài Gòn năm 1952 khi ông thành lập nhà xuất bản Phượng Giang và cho tái bản tất cả những sách in trong thập niên 1930 của TLVĐ: sửa những lỗi in ấn và (quan trọng hơn) sửa những lỗi chính tả.
(Theo nhà văn Nguyễn Tường Thiết, “những lỗi chính tả” bao gồm cả những chữ viết theo lối phát âm ngày xưa của người Bắc, ví dụ: dau cháo (rau cháo) dương quần áo (rương quần áo), túp danh (túp tranh), dúm lửa (nhóm lửa) v.v...
- Ngoài sửa lỗi chính tả đôi khi ông cụ tôi còn cho sửa cả những chữ cổ nữa. Thí dụ cuốn Hồn Bướm Mơ Tiên ấn bản Phượng Giang 1954, trong lời TỰA có câu "Tác giả đặt câu truyện vào trong một cảnh chùa ở miền trung du Bắc Việt". Chữ Bắc Việt đã được sửa lại từ chữ Bắc Kỳ trong ấn bản in lần đầu ở Hà Nội.
- Còn những dấu gạch nối thì ông cụ tôi cũng bỏ gần hết chỉ giữ lại những chữ thật cần thiết, như tên làng xóm, tên người  v.v... Trong cuốn Nho Phong (và chắc là trong những sách khác in ở thập niên 30) có hiện tượng lạm phát dấu gạch nối, bây giờ người ta không còn viết ngậm-ngùi, vắng-vẻ, mỉa-mai, thắc-mắc, thơ-thẩn...
- Những chữ cổ như mặt giời, mặt giăng tôi sửa thành mặt trời, mặt trăng, nhưng nếu đó là lời nói thì tôi không sửa (ví dụ: ối giời ơi!). Có vài chữ cổ tôi để nguyên không sửa. Ví dụ: Lê-Nương đã nhớn (không sửa thành lớn), duyên do (không sửa thành nguyên do), thời rất sung sướng (không sửa thành thì rất sung sướng) v.v...
- Ngoài ra, cái này quan trọng hơn, là tuyệt đối tôi không sửa văn của ông cụ.
Như vậy, văn bản Nho Phong trong lần tái bản thứ nhất này sẽ có nhiều khác biệt với bản gốc in năm 1926, theo các nguyên tắc trên đây; tất cả đều thuộc phần hình thức. Trong phần sau của cuốn sách tái bản này có in lại toàn bộ tác phẩm Nho Phong do Thư viện Quốc gia Pháp tại Paris chụp lại từ bản in năm 1926, như một cố gắng lưu lại hình ảnh gốc để cho các nhà nghiên cứu về văn bản có một bản nguyên thủy của cuốn sách.
Nhìn lại, qua một đoạn đường thật dài, dài đến 90 năm, đa số chúng ta mới tìm thấy cuốn Nho Phong của Nguyễn Tường Tam. Việc tái bản Nho Phong vào năm 2016 này sở dĩ thành tựu là do đã hội đủ các cơ duyên cần thiết, trong đó một nhóm anh chị em đã có quyết tâm phục hồi một cách cụ thể di sản của nhóm Tự Lực Văn Đoàn: Từ việc thành công trong việc sưu tầm và số hóa báo Phong Hóa, Ngày Nay năm 2012; đến việc tổ chức mĩ mãn Triển lãm và Hội thảo về báo Phong Hóa, Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn vào năm 2013; và mới nhất, việc hoàn tất sưu tầm và số hóa toàn bộ sách của nhà xuất bản Đời Nay và Phượng Giang vào năm 2014. Một thuận duyên quan trọng là trong nhóm có một chuyên gia về Thư viện, chị Phạm Lệ Hương, người ngồi một chỗ mà có thể biết được cuốn Nho Phong đang có mặt tại bốn thư viện trên thế giới. Không có sự hiểu biết đó thì sẽ không có ý định đi tìm Nho Phong, như chúng ta đã biết qua các đoạn trên.
Nho Phong, tác phẩm đầu tay của chàng thanh niên Nguyễn Tường Tam hoàn toàn thuộc về thế giới cũ, từ hình thức tới nội dung. Đó là thế giới từ ngàn năm của Việt Nam, với chế độ phong kiến và việc học hành thi cử đều theo đạo Nho và chữ nho. Cái tên Nho Phong của tác phẩm đã cho chúng ta biết cả một nếp sống, nếp suy nghĩ và ứng xử của xã hội xưa đó. Đó là việc của năm 1926. Nhưng bảy năm sau thì lại xuất hiện một Nhất Linh hoàn toàn khác, đứng đầu một văn đoàn, một tờ báo, một nhà xuất bản xông pha thẳng vào cái mới, trong một giai đoạn đất nước cần đi một bước dứt khoát thoát cái cũ. Và chỉ không đầy một thập niên, Tự Lực Văn Đoàn, báo Phong Hóa, Ngày Nay và nhà xuất bản Đời Nay đã tạo nên một thay đổi rất lớn lao cho xã hội Việt Nam nhờ ở nền văn chương tươi sáng rất Việt Nam; nhờ sự đấu tranh qua báo chí không khoan nhượng đối với các hủ tục còn tồn đọng từ thời xa xưa, đối với các kẻ quyền thế hống hách trong xã hội lẫn trong giới cầm quyền; nhờ sự yểm trợ tích cực để mang nhiều nếp văn hóa mới mẻ lại cho đất nước như âm nhạc, kịch nghệ, y phục, nếp sống v.v... Cái dấu ấn văn hóa của nhóm Tự Lực Văn Đoàn để lại trên lịch sử Việt Nam là tích cực và rõ rệt.
Nhưng tất cả bước đổi mới thần kỳ trong không đầy một thập niên đó của chàng thanh niên Nguyễn Tường Tam và anh em bạn bè của ông lại được mở đầu từ một tác phẩm rất cổ, là cuốn Nho Phong, thuần túy mô tả một nề nếp đã kéo dài trong xã hội Việt Nam hàng ngàn năm. Mâu thuẫn chăng? Không, tôi cho rằng Nho Phong chính là cái căn cước của Nguyễn Tường Tam. Nó cho thấy bước cải cách vũ bão mà ông tạo ra trong thập niên 1930 được bắt nguồn từ một nền nếp rất vững chắc sâu xa của dân tộc và đất nước Việt Nam, chứ không phải nông nổi tai hại như cái gọi là “cách mạng vô sản” sau này. Khuôn mẫu căn bản của Nguyễn Tường Tam là Việt Nam, chính nhờ bắt đầu với cái cũ như thế mà sự nghiệp văn chương và cải cách của Tự Lực Văn Đoàn dù rất mới nhưng luôn luôn đứng vững với lập trường dân tộc. Trong khi khuôn mẫu của cộng sản Việt Nam nhập cảng từ Nga, từ Tàu về thì gồm có, việc đầu tiên là đánh đổ nếp văn hóa xưa cũ của dân tộc, và trên cái nền đổ nát ấy của xã hội và lòng người, xây dựng một “Việt Nam mới”, một “Đời sống mới” dựa trên căm thù và bạo lực, được nuôi dưỡng và duy trì bởi một nền văn chương nghệ thuật giống như một rừng khẩu hiệu vừa hung hăng vừa rỗng tuếch. Kết quả nhãn tiền, là sự phá sản về mọi mặt đang lộ rõ trong xã hội Việt Nam ngày nay.
Việc tái bản Nho Phong hôm nay, theo tôi, là phát hiện ra chỗ khởi đầu, là tìm lại căn cước, không chỉ của Nhất Linh hay Tự Lực Văn Đoàn, mà cho cả xã hội Việt Nam chúng ta.
Phạm Phú Minh
California 9/9/2015
Chú thích:
(1) Nhóm sưu tầm sách TLVĐ gồm có: Phạm Lệ Hương, Phạm Thảo Nguyên (Phạm Thị Thảo), Nguyễn Trọng Hiền, Nguyễn Tường Giang, Nguyễn Tường Thiết, Lê Thành Tôn, Phạm Phú Minh.
Nhóm được sự trợ giúp của nhiều anh em bạn bè, trong đó các chuyên gia thư viện (đồng nghiệp của chị Phạm Lệ Hương) đã giúp nhiều mặt về chuyên môn.