Sunday, December 31, 2017

Tuesday, October 24, 2017

Toàn bộ tạp chí BÁCH KHOA đã được số hóa để phổ biến cho mọi người



Thời trước 1975 ở miền Nam báo chí tư nhân rất phong phú, nhất là từ sau năm 1963 thì nhật báo và các tạp chí xuất hiện rất nhiều. Nhưng những ai theo dõi tình hình báo chí cả hai thời kỳ Đệ nhất và Đệ nhị Cộng Hòa thì đều thấy tờ báo tồn tại lâu dài nhất của miền Nam Việt Nam chính là tờ bán nguyệt san BÁCH KHOA : số 1 ra đời vào ngày 15 tháng 01 năm 1957, số cuối cùng 426 ra ngày 19 tháng 4 năm 1975.

Hôm nay chúng tôi xin loan báo một tin vui, là sau nhiều năm cố gắng, một nhóm bạn bè của báo mạng Diễn Đàn Thế Kỷ đã sưu tầm đầy đủ toàn bộ báo Bách Khoa, chỉnh đốn lại để thành một bộ báo số hóa có thể phổ biến cho mọi người *. Chúng ta đều biết sau biến cố năm 1975, tất cả sách vở báo chí của miền Nam đều là mục tiêu thiêu hủy của bên phía cộng sản thắng cuộc, nên dù trước kia các thư viện của Việt Nam Cộng Hòa đều có hầu như đầy đủ các loại sách báo của cả nước, chỉ một thời gian sau đều trở thành tan tác, rỗng tuếch để thay thế vào đó là các sách báo của phe cộng sản. Ngay các tủ sách gia đình của dân chúng miền Nam cũng luôn luôn bị đe dọa hoặc bị trực tiếp tịch thu đốt phá, bất kể là loại sách báo gì.

Việc chúng tôi nghĩ nên làm ngay sau khi hoàn tất việc sưu tầm là đến thăm ông Huỳnh Văn Lang, Chủ Nhiệm Sáng Lập tạp chí Bách Khoa để kính tặng ông đĩa DVD chứa đựng toàn bộ 426 số báo đã được điện tử hóa. Chiều ngày 16 tháng 10, 2017 vừa qua anh Trần Huy Bích và tôi đã tới thăm ông Huỳnh Văn Lang tại nhà ông trong thành phố Westminster Nam California, rất mừng thấy ông tuy đã ở tuổi 96, vẫn tương đối mạnh khỏe, nhất là tinh thần còn rất sáng suốt.

Ông đã rất vui và cảm động nhận đĩa DVD chứa toàn bộ báo Bách Khoa do chúng tôi tặng, và nói : “Với công trình tìm tòi và lưu giữ như thế này, tạp chí Bách Khoa sẽ an toàn tồn tại nhiều trăm năm về sau”. Và chúng tôi đã được vị sáng lập tờ Bách Khoa kể lại không biết bao nhiêu là “chuyện xưa tích cũ”, thời gian từ Mỹ mới về nước để giúp ông Ngô Đình Diệm xây dựng chính quyền, những ngày đám chuyên viên trẻ tuổi còn “ngủ ghế bố” trong dinh Gia Long cho đến khi  Thủ Tướng dời vào dinh Độc Lập. Mỗi câu chuyện như thế đối với tôi là một mảng lịch sử, qua giọng kể Nam Kỳ hấp dẫn và chân thành của ông. Thú vị nhất là ý tưởng lập hệ thống các trường Bách Khoa Bình Dân, rồi hội Văn Hóa Bình Dân để sau cùng là tạp chí Bách Khoa chào đời.


Ông Huỳnh Văn Lang (bên phải), với DVD Bách Khoa trên tay,
đang trò chuyện với Phạm Phú Minh.    (Ảnh: Trần Huy Bích)
   Ông Huỳnh Văn Lang là người sáng lập, là Chủ nhiệm kiêm Chủ bút của Bách Khoa từ số ra mắt cho đến cuộc đảo chánh 1963 chấm dứt Đệ Nhất Cộng Hòa. Ông nói : “Ngay khi quyết định ra báo, 30 thành viên của hội Nghiên cứu Kinh tế Tài chánh mà tôi đứng đầu mỗi người góp 1000 đồng (trừ một vị chỉ góp 500) để làm vốn. Hồi đó 30,000 đồng là một số tiền lớn, nhưng khi bắt tay làm báo thì tiền in nó ngốn mau lắm, tôi phải xoay xở liên tục cho đến khi tờ báo ổn định...”
Qua buổi gặp gỡ và trò chuyện với ông Huỳnh Văn Lang, tôi hình dung ra hoạt động của một nhóm trí thức trẻ cách đây 60 năm, đồng lòng xắn tay áo lao vào những công việc cụ thể, trong buổi bình minh của một vận hội mới mẻ cho vùng phía Nam của đất nước.

*


Cho tới nay, Bách Khoa là tờ báo tư nhân sống lâu nhất trong lịch sử báo chí Việt Nam. Tờ sống lâu thứ nhì là tạp chí Nam Phong của học giả Phạm Quỳnh, ra đời vào tháng Bảy năm 1917, đình bản ở số 210, ngày 10 tháng Mười Hai năm 1934. Trên Nam Phong số cuối này có dòng chữ Năm thứ mười tám, nhưng đó là chỉ mới bước vào năm thứ 18 thôi, trong thực tế Nam Phong thọ 17 năm 5 tháng. Trong khi đó báo Bách Khoa xuất bản từ tháng 1 năm 1957, tính tới tháng 1 năm 1975 là đủ 18 tuổi, tới hết tháng 4-1975 nó được 18 năm 3 tháng. Đó là chưa kể số lượng các số báo, Bách Khoa xuất bản 426 số; Nam Phong tổng cộng 210 số, chỉ bằng một nửa. Dễ hiểu, Nam Phong là nguyệt san (mỗi tháng ra một số), Bách Khoa là bán nguyệt san (mỗi tháng ra hai số).

Do đời sống lâu dài của nó suốt gần 20 năm cộng với nội dung mà nó mang lại, Bách Khoa có thể coi là cái xương sống tinh thần của miền Nam từ khi đất nước chia cắt 1954 cho đến 1975. Cho đến nay, các bài viết về báo Bách Khoa trong và ngoài Việt Nam đã khá nhiều, từ các hồi ức của những người trực tiếp góp phần xây dựng tờ báo đến những nhà nghiên cứu về sau, chúng tôi chỉ xin tóm tắt một ít điểm chính để giới thiệu một cách tổng quát Bách Khoa với độc giả.

 Bách Khoa do ai sáng lập? Dưới đây là hình bìa trước và bìa sau của số đầu tiên. Ở bìa sau chúng ta thấy danh tính những người tạo ra nó:
                                      

Chủ nhiệm sáng lập là Huỳnh Văn Lang, “hợp tác cùng các bạn” gồm ba mươi người liệt kê ngay bên dưới. Tập thể này là những chuyên viên của Hội Kinh tế/ Tài chánh thành lập từ 1955, đứng đầu là ông Huỳnh Văn Lang. Họ là những người hầu hết còn trẻ tuổi vào thời điểm đó, một số du học ngoại quốc mới về nước, tham gia chính quyền miền Nam với lý tưởng xây dựng một quốc gia Việt Nam tự do và  phú cường. Sinh hoạt của Hội là họp mỗi hai tuần một lần, thảo luận về những vấn đề kinh tế tài chánh Việt Nam đang phải giải quyết. Sau một thời gian hoạt động nhóm chuyên viên này nhận thấy cần phổ biến rộng rãi các nghiên cứu của họ, nên đã quyết định tổ chức một tờ báo như là một “diễn đàn chung của tất cả những người tha thiết đến các vấn đề chính  trị, kinh tế, văn hóa, xã hội”: tờ BÁCH KHOA ra đời.
Số đầu tiên ra mắt ngày 15 tháng 01 năm 1957 và những số kế tiếp các bài nòng cốt là của các cây bút “cơ hữu” như Huỳnh Văn Lang, Phạm Ngọc Thảo, Hoàng Minh Tuynh, Nguyễn Ngu Í... Các cây bút có tên tuổi dần dần tham gia ngày một đông : Nguyễn Hiến Lê xuất hiện vào số 4, Mặc Thu, Vi Huyền Đắc số 5, Võ Phiến số 7, Bùi Giáng số 8...

Trong cuốn Hồi Ký của mình xuất bản sau 1975, học giả Nguyễn Hiến Lê, người bắt đầu viết cho Bách Khoa từ cuối tháng 2 năm 1957 và “dính” luôn với Bách Khoa cho đến số cuối ra ngày 19 tháng 4 năm 1975, đã viết:

Trong lịch sử báo chí nước nhà, tờ Bách Khoa có địa vị đặc biệt. Không nhận trợ cấp của chính quyền mà sống được mười tám năm từ 1957 đến 1975, bằng tờ Nam Phong, có uy tín, tập hợp được nhiều cây bút giá trị như Nam Phong, trước sau các cộng tác viên được khoảng một trăm.”

Nhà văn Võ Phiến, người cũng đã gắn bó với Bách Khoa suốt 18 năm, với các sáng tác truyện ngắn, truyện dài, tùy bút, tạp luận, ngoài ra ngày càng viết nhiều mục với các bút hiệu khác nhau như Tràng Thiên, Thu Thủy. Ông tuy không phải là người làm việc trực tiếp trong tòa soạn Bách Khoa nhưng có thể coi như là người quan trọng tạo nên linh hồn của tờ báo. Ông kể :

“Thoạt tiên là tờ báo của hai nhân vật trong chính quyền: các ông Huỳnh Văn Lang và Hoàng Minh Tuynh. Về sau các ông này rút lui ra khỏi chính quyền, rồi tờ Bách Khoa cũng dần dần chuyển về ông Lê Ngộ Châu.
Các ông Huỳnh và Hoàng là những chuyên viên trong giới ngân hàng, rồi ngay ông Lê cũng không phải là một văn gia, ấy vậy mà Bách Khoa phải kể là một trong những tờ báo thành công nhất ở miền Nam trong ngót hai mươi năm. Đó là chỗ lý thú trong tình hình sinh hoạt của thời kỳ văn học này.”
(Văn Học Miền Nam - tổng quan, Võ Phiến, trang 238)

Đoạn này nhà văn Võ Phiến hình như cố tình viết không rõ về hai sự kiện ông Huỳnh Văn Lang và Hoàng Minh Tuynh “rút lui ra khỏi chính quyền” và việc “tờ Bách Khoa cũng dần dần chuyển về ông Lê Ngộ Châu”. Xem lại quyển Ký Ức Huỳnh Văn Lang (tập 1) do tác giả xuất bản năm 2011, có đoạn viết :

Sau 6 tháng hoạt động, 30 thành viên toàn là chuyên môn quyết định, mỗi người bỏ ra 1000 đồng (trừ ra một GS chỉ chịu hùn 500 đồng thôi, vì xem như là bố thí), để phổ biến những nghiên cứu của Hội trên một tạp chí.
Và Bách Khoa Tạp chí đã ra đời. Số 1 phát hành ngày 15 tháng 1 năm 1957, người viết kiêm chủ nhiệm và chủ bút cho đến năm 1963 phải giao cho anh thư ký tòa soạn Lê Ngộ Châu, vì bị chế độ ‘người lính cai trị’ bắt đi bắt lại ba bốn lần giam giữ sau trước gần ba năm.”
(Ký Ức Huỳnh Văn Lang tập 1, trang 624)

Sự kiện người Thư ký Toà soạn Lê Ngộ Châu được giao toàn quyền điều hành tiếp tục tờ Bách Khoa trong một biến cố bất ngờ như thế đã cho chúng ta hiểu rằng vị Thư ký Tòa soạn này đã thực sự đóng một vai trò rất tích cực đối với tờ báo từ nhiều năm tháng trước đó. Về tài làm báo cùng kiến thức, tính tình của ông Lê Ngộ Châu, xem lại hồi ức của nhiều nhà văn cộng tác, thấy ai cũng yêu mến và kính phục ông.
Ý kiến của Nguyễn Hiến Lê, người cộng tác với Bách Khoa từ 1957 đến 1975:

“Ông Châu làm việc rất siêng, đọc hết mọi bài nhận được, đăng hay không ông đều báo cho tác giả biết. (...) Tôi mến ông vì ông có tinh thần trách nhiệm, làm việc đàng hoàng, biết cương quyết giữ vững chủ trương cả khi báo suy, biết xét người, xét văn và có tình với người cộng tác: ai gặp nạn gì ông lại nhà thăm, tìm mọi cách giúp đỡ; nhất là sau vụ Mậu Thân, ông rất băn khoăn lo lắng về các anh em bị kẹt trong vòng máu lửa.”
(Trích từ “Đời viết văn của tôi” của Nguyễn Hiến Lê)

Nhà phê bình văn học Đặng Tiến, trong bài viết tưởng niệm khi nghe tin ông Lê Ngộ Châu qua đời (vào ngày 24 tháng 9 năm 2006), có đoạn đánh giá Lê Châu -như cách gọi của anh em văn nghệ- như sau:

“Nhờ đức tính kín đáo, hòa nhã, Lê Châu đã tập hợp không những trên mặt báo nhiều khuôn mặt khác biệt, thậm chí trái ngược về hoàn cảnh, tính tình lẫn chính kiến, mà còn quy nạp được nhiều bè bạn đến từ những chân trời khác nhau, trong đời sống cụ thể hằng ngày. Chưa kể những tác giả sinh sống ở ngoài nước thường xuyên gửi bài về cộng tác.
Lê Châu kiến thức rộng, thường xuyên giao tiếp với quan chức hay các nhà văn hóa danh vọng, nhưng luôn luôn từ tốn, trong cách ứng xử hàng ngày, với những người viết trẻ tuổi. Ông đặc biệt lưu tâm đến những người viết mới, viết từ các tỉnh nhỏ, đặc biệt là từ Miền Trung. Bách Khoa là một tờ báo phổ thông, chủ tâm vào những đề tài chính trị, quốc tế, kinh tế, khoa học, chỉ dành một phần cho văn học nghệ thuật, nhưng về lâu về dài đã có những đóng góp lớn lao cho bộ môn văn nghệ. Về sau, phần văn nghệ này lại là khối tài liệu quý giá.
Lê Châu còn là gương sáng về đức khiêm tốn trí thức. Hai chữ Bách Khoa bình thường được dịch ra tiếng Pháp là Encyclopédie theo nghĩa từ điển bách khoa, hoặc tư trào Bách Khoa trong văn học Pháp thế kỷ XVIII ; nhưng Lê Châu không nhận từ này, cho rằng quá to tát so với tờ báo. Ông dịch Bách Khoa là Variétés, sát nghĩa là « tạp chí ». (...)
“Lê Châu là kẻ sĩ theo truyền thống, luôn luôn mực thước, trong nếp trung dung của cửa Khổng sân Trình và theo nếp mực thước, juste mesure của bực trí thức tân học. Trong đời sống, ông là người bảo thủ ; trên cương vị chủ báo, ngược lại, ông khuyến khích văn chương trẻ và tư tưởng mới, nhưng chừng mực thôi.”
(Tạp văn: Lê Ngộ Châu, 160 Phan Đình Phùng - Đặng Tiến)


Trong cuốn Văn Học Miền Nam tổng quan, nhà văn Võ Phiến đã ghi lại một nhận xét của nhà văn Nguyễn Hiến Lê mà chắc ông cũng đồng ý: “Tuy vậy kể là cây bút chủ yếu của Bách Khoa từ trước đến sau vẫn là hai người : Võ Phiến và Nguyễn Hiến Lê (xem Hồi ký Đời viết văn của tôi của Nguyễn Hiến Lê)”. 
Học giả Nguyễn Hiến Lê
           (1912 - 22.12.1984)
Thế nào là cây bút chủ yếu của một tờ báo? Có cần đó là Chủ bút hay Chủ nhiệm không? Có cần là Thư ký toà soạn không? Không cần, vì những chức vụ ấy có những trách nhiệm khác phải lo, không đương nhiên phải viết lách gì cả ngoài những lá thư nhắc nhở nọ kia về việc điều hành, đường lối. Vậy có phải là người viết thường xuyên trong một thời gian dài cho tờ báo ấy? Có thể đó cũng là một điều kiện, nhưng số lượng các bài viết cũng không đương nhiên khiến cho một tác giả trở nên một cây bút chủ yếu, vì không ai đếm số bài để định giá mức độ ảnh hưởng của một cây bút.
Theo chúng tôi, một cây bút gọi là chủ yếu của một tờ báo là một người thường xuyên, qua bài vở của mình, đem đến cho độc giả một ích lợi và ảnh hưởng tinh thần nhất định, được đa số độc giả biết giá trị và ham thích đón nhận. Hai vị Nguyễn Hiến Lê và Võ Phiến quả thật là những người như thế, có thể nói những đóng góp dài lâu của họ đã góp phần quan trọng tạo nên linh hồn của tờ báo.
Thứ nhất, về phương diện bài vở, hai vị là những người đóng góp dài hơi nhất. Như trên đã nói, Nguyễn Hiến Lê gửi bài đầu tiên cho Bách Khoa ở số 4, ra ngày 1 tháng 3 năm 1957; Võ Phiến số 7, ra ngày 15 tháng 4, 1957. Từ thời điểm ban đầu đó, hai vị liên tục tham dự xây dựng nội dung tờ báo cho đến số cuối cùng, ra ngày 19 tháng 4, 1975. Về số lượng bài vở đã đăng trên Bách Khoa trong suốt 18 năm thì chắc chắn hai ông chia nhau ngôi thứ một/hai, có thể Võ Phiến nhiều hơn Nguyễn Hiến Lê, vì không những đóng góp phần sáng tác phong phú gồm truyện ngắn, truyện dài, tùy bút, tạp bút..., ông còn viết các mục khác (Thời sự Văn nghệ, Thời sự Chính trị...) và dịch các tác giả Tây phương, dưới các bút danh Tràng Thiên, Thu Thủy.

Báo Bách Khoa tại 160 Phan Đình Phùng Sài Gòn càng về các năm sau càng biến thành một địa chỉ thân mật cho mọi người cộng tác, với tình thân như gia đình. Theo lời kể của bà Võ Phiến (vào tháng 10, 2017), năm 1960 khi Võ Phiến từ Qui Nhơn dời vào Sài Gòn để làm việc với bộ Thông Tin, chính Lê Ngộ Châu là người lo đi tìm nhà để thuê cho bạn, yểm trợ ngay các nhu cầu cần thiết cho một gia đình từ tỉnh mới về nơi đô thị. Các văn thi sĩ cộng tác đều coi báo quán là nơi gần gũi, tin cậy; những người đóng góp bài vở từ khắp mọi miền đất nước, khi có dịp về Sài Gòn đều ghé thăm Bách Khoa, như về một loại “nhà tinh thần” của mình.
Chính trong loại tình thân và tin cậy có tính chất đại gia đình ấy, những người như Nguyễn Hiến Lê, Võ Phiến, với uy tín và năng lực của mình, đã biến thành những “cây bút chủ yếu” của tạp chí Bách Khoa. Trước sau họ vẫn chỉ là người “cộng tác” thôi, không bao giờ giữ một chức vụ nào của tổ chức tòa báo. Nhưng họ vẫn là những “cây bút chủ yếu” đúng nghĩa.
  
Lê Ngộ Châu (trái) gặp lại Võ Phiến trong chuyến đi Mỹ năm 1994.
*
 Trong số những người tham gia vào Bách Khoa sớm nhất, phải kể đến Nguiễn-Ngu-Í (1921-1979, tên thật Nguyễn Hữu Ngư, còn có các bút hiệu Trần Hồng Hừng, Tân-Fong-Hiệb, Ngê-Bá-Lí v.v...). Ông là người đã thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn với giới viết lách, từ những nhà văn lớp trước như Nhất Linh, Đông Hồ, Lê Văn Trương, Đỗ Đức Thu, Nguyễn Vỹ... đến lớp sau như Bình Nguyên Lộc, Doãn Quốc Sỹ, Mai Thảo, Võ Phiến, Nguyễn Văn Trung... Nhà văn Nguyễn Hiến Lê đã viết : “Ngu Í chuyên nghề phỏng vấn, từng trải, có nhiều nhiệt tâm, văn có duyên”. Các đề tài phỏng vấn của ông và câu trả lời của giới cầm bút thời ấy vẫn còn giá trị cho người nghiên cứu văn học ngày nay lẫn mai sau.



Nhà báo Nguiễn Ngu Í
Ngoài tài phỏng vấn, Nguiễn-Ngu-Í cũng viết nhiều bài báo có giá trị, ví dụ bài Nhớ và Nghĩ về bài Quốc Ca Việt là một bài nghiên cứu tường tận về tác giả, trường hợp sáng tác, vai trò của bài hát đó trong xã hội từ năm 1942 trở về sau: đã được những ai đặt bao nhiêu nhan đề và lời ca, những ai đã sử dụng nó, với mục đích gì v.v... Thiết tưởng cộng đồng người Việt lưu vong vẫn dùng bản quốc ca Việt Nam Cộng Hòa trong bao nhiêu lễ lạc, biến cố của mình, cần hiểu biết rõ hơn về tiếng hát Này công dân ơi ! ấy qua bài nghiên cứu này.

Sau cùng, nên nói đến một vấn đề tế nhị liên quan đến tờ báo Bách Khoa, là tên gọi của nó qua những năm tháng thăng trầm. Chúng ta vẫn gọi chung tờ báo là Bách Khoa từ số đầu đến số cuối, nhưng cũng nên biết rằng để giữ được hai tiếng Bách Khoa vững chắc và thân yêu ấy, nó phải theo thời mà có những biệt danh đi kèm. Đây là những cái mốc cho những biến thiên ấy:

1) BÁCH KHOA : Số 1 (ngày 15-1-1957) đến số 193-194 (15-1-1965)

2) BÁCH KHOA THỜI ĐẠI : số 195 (15-2-1965) đến số 312 (1-1-1970)

3) trở lại tên BÁCH KHOA : số 313-314 (Xuân Canh Tuất) (15/1 và 1/2/1970) đến số 377 (15-9-1972)

4) ĐẶC SAN BÁCH KHOA : số 378 (1-10-1972) -  đến số 379 (15-10-1972)

5) GIAI PHẨM BÁCH KHOA : số 380 (1-11-1972) đến số chót 426 (19-4-1975)

Tất cả những việc vẽ vời “làm cho khác” tên gọi như thế thì hoặc là vì lý do chính trị (cho khác với tên gọi từ “chế độ cũ”), hoặc để thích ứng với chế độ kiểm duyệt hoặc luật báo chí về sau. Thời gian qua, những cái đó được hiểu chỉ là những thủ thuật né tránh để sống còn, và sống còn luôn luôn với cái tên khai sanh của nó: Bách Khoa. Vậy chúng ta trước sau chỉ nên gọi nó là BÁCH KHOA.


22 tháng Mười, 2017.
Phạm Phú Minh


* Ghi chú: Độc giả nào muốn có đĩa DVD toàn bộ báo Bách Khoa, xin liên lạc với tác giả bài này ở địa chỉ: phamdongban@gmail.com


Tác giả, trong buổi chào mừng Bách Khoa hồi sinh của bạn bè. 10-15-2017
(Ảnh: Tiểu Bích)



Saturday, October 14, 2017

Đọc ‘Tuyển Tập Chân Dung VHNT & Văn Hóa’ của NGÔ THẾ VINH





  Thời gian bắt đầu thế kỷ 21, tác giả Long Ân trong một bài nhận định về cuốn sách mới nhất của Ngô Thế Vinh hồi đó, đã viết:
“Ở cuốn sách mới nhất của anh Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông dậy sóng, người đọc đã thấy những hóa thân Ngô Thế Vinh biến thái liên tục theo từng trang mở rộng. Ngô Thế Vinh con người xanh của môi sinh, Ngô Thế Vinh con người chính trị nhân bản, Ngô Thế Vinh con người phiêu lưu trong khu rừng già địa lý chính trị, Ngô Thế Vinh con người tiên tri lịch sử...”

Đây là một nhận định rất tinh tế và chính xác về con người viết lách của bác sĩ Ngô Thế Vinh, cho đến thời điểm 2001. Ngày nay, 16 năm sau, chúng ta có thể thêm vào các dòng chữ trên: Ngô Thế Vinh con người của văn học nghệ thuật và tình cảm bạn hữu. Ít ra, đây sẽ là những đặc tính mà người đọc sẽ tìm thấy khi đọc cuốn sách mới nhất của anh: Tuyển Tập Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật & Văn Hóa.

Cho đến năm 2001, nhà văn Long Ân đã nhìn thấy một Ngô Thế Vinh trên “tầm vóc vĩ mô” của những vấn đề lớn như địa lý chính trị, số phận của một dòng sông dài chảy qua nhiều nước, những vận động đa quốc gia để giữ gìn sinh thái cho cả một vùng Đông Nam Á v.v... với một hùng tâm hùng khí không bao giờ lùi bước và một tài năng sắc bén cùng một tấm lòng thiết tha không lay chuyển. Nhưng 16 năm sau, vào cuối năm 2017, với tác phẩm mới nhất của mình, có thể nói Ngô Thế Vinh đã lần đầu tiên đưa ngòi bút vào lãnh vực “vi mô” : chân dung văn học nghệ thuật và văn hóa của từng con người cụ thể với tất cả các nét tế vi của lãnh vực này.

Tác giả đã trình bày “chân dung” của 18 người, trong đó 16 vị thuộc lãnh vực Văn học Nghệ thuật: 1 Mặc Đỗ, 2 Như Phong, 3 Võ Phiến, 4 Linh Bảo, 5 Mai Thảo, 6 Dương Nghiễm Mậu, 7 Nhật Tiến, 8 Nguyễn Đình Toàn, 9 Thanh Tâm Tuyền, 10 Nguyễn-Xuân Hoàng, 11 Hoàng Ngọc Biên, 12 Đinh Cường, 13 Nghiêu Đề, 14 Nguyên Khai, 15 Cao Xuân Huy, 16 Phùng Nguyễn và hai vị thuộc dạng “Chân dung Văn hóa” là Phạm Biểu Tâm và Phạm Hoàng Hộ.
Dùng hai chữ Chân Dung để đặt tên cho loạt bài viết này của mình, Ngô Thế Vinh đã sáng tạo ra một cách viết mới cho một số nhân vật mà anh lựa chọn. Quyển sách này không thuộc loại phê bình văn học như Nhà Văn Hiện Đại của Vũ Ngọc Phan, hoặc Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh Hoài Chân, không, anh không đặt mục tiêu và trách nhiệm của mình rộng đến thế. Trước hết anh không phải là nhà phê bình văn học hay nghệ thuật, anh chỉ tạo nên những “chân dung”, theo cách của mình. Một trong những điều kiện đầu tiên để tác giả làm việc này là người được giới thiệu phải là người quen thân của anh, nói đơn giản là bạn anh. Và chúng ta cũng có thể hiểu bạn bè ở đây phần lớn bắt nguồn từ các sinh hoạt văn học nghệ thuật và văn hóa mà có. Tình bạn ấy không chỉ thuần túy là tình cảm thân thiết giữa hai cá nhân như thường tình, mà trong đó còn lẫn lộn các tác phẩm văn chương hay hội họa, phong cách sáng tác, ý hướng sáng tạo hay con đường hoạt động của mỗi người. Tình bạn ấy có lẫn sự ăn ý của đôi bên về một phạm vi cao hơn, xa hơn chỉ là một giao tiếp xã hội.
Với tiêu chuẩn đầu tiên như thế con số các nhân vật được đưa ra giới thiệu sẽ rất hạn chế, không thể đại diện cho một cộng đồng hay một thời đại, tuy thế, các chân dung được đưa ra cũng đủ lớn để phủ bóng một vùng khá rộng trong cái lãnh thổ văn hóa nghệ thuật mà tác giả đã lăn lộn trong ấy từ thời còn rất trẻ cho đến tuổi xưa nay hiếm, từ mảnh đất Việt ngàn xưa cho đến thế giới rộng lớn ngày nay.
Định xong đối tượng, phương pháp của tác giả sẽ như thế nào để họa cho được một chân dung? Thật ra thì chẳng có một phương pháp cố định nào, lối giới thiệu nhân vật của Ngô Thế Vinh có lẽ tùy thuộc vào cái tâm cảnh của mình đối với một người bạn nào đó. Nhưng có một nguyên tắc vững chắc mà tác giả đã luôn luôn giữ trong cách viết từ trước đến nay, là nghiên cứu rất kỹ những tác phẩm của người mình định giới thiệu, tìm kiếm thật đầy đủ những ý kiến khen chê của phía người thưởng ngoạn, và một điều dĩ nhiên phải có, là vận dụng rất nhiều những kỷ niệm, ký ức có ý nghĩa của riêng mình đối với người ấy. Tôi cho những giao tiếp riêng tư, mà tác giả dùng chữ “giao tình”, có vai trò quan trọng trong việc cấu tạo nên quyển sách này, đó là chất keo sơn rất bền chặt kết dính mọi nghiên cứu khách quan khác mà tác giả thực hiện một cách luôn luôn nghiêm túc.
Một mặt khác về tài liệu, phần hình ảnh đóng một vai trò rất quan trọng, mà tôi nghĩ nếu không có “giao tình” với người mình để tâm nghiên cứu thì cũng khó mà được đầy đủ như thế. Hình ảnh là một điểm son của cuốn sách này, đối với nhân vật nào Ngô Thế Vinh cũng đưa ra rất nhiều hình ảnh mà càng lâu về sau càng trở nên quý giá: hình ảnh các bìa sách, các họa phẩm, các thư từ trao đổi hầu hết là thủ bút, những buổi gặp gỡ giữa các bạn văn nghệ, hoặc các hình ảnh có ý nghĩa lịch sử sưu tập được. Qua các hình ảnh này, người đọc được xem những buổi họp mặt của giới văn nghệ, trong đó có những nhân vật lâu nay nghe tiếng mà chưa biết hình dung, và cũng qua đó biết được sự giao du và tình quý trọng của giới văn học nghệ thuật đối với nhau như thế nào. Đó là chưa kể phần hình ảnh có tính cách tài liệu, nhất là những gì còn tìm được sau trận hỏa thiêu sách vở mịt mù khói lửa tại miền Nam từ sau 1975. Khác xa với các sách biên khảo phê bình từ thời trước 1945, thậm chí trước 1975, quyển sách này chứa đầy hình ảnh phần lớn mang màu sắc nguyên thủy, đó là một ưu điểm đặc biệt của thời đại ngày nay nhưng không phải tác giả biên khảo nào cũng đạt được đến số lượng, phẩm chất của tài liệu hình ảnh mà Ngô Thế Vinh thực hiện được trong quyển sách này. Kho hình ảnh này dĩ nhiên mang giá trị rất lớn cho công việc nghiên cứu trong tương lai.

*

Dĩ nhiên khi trình bày “chân dung” của một người bạn, không ít thì nhiều đều có ẩn hiện chân dung của chính tác giả. Đó là điều không tránh được, và cũng không cần phải tránh. Nếu chúng ta cố tìm một nơi nào hình bóng tác giả in đậm nhất, linh động nhất và có thời gian lâu dài nhất thì đó là bài viết về Người Bạn Tấm Cám Nghiêu Đề. Viết về Nghiêu Đề, những dòng chữ của Ngô Thế Vinh giống như là hồi ký về một quãng đời của chính mình.
Bước vào năm đầu y khoa, thay vì như các bạn đồng khoá tập trung vào học tập, tôi đã không được gương mẫu như vậy, sớm say mê chuyện viết lách làm báo và cả rong chơi với giới nghệ sĩ nhóm bạn Nghiêu Đề. Rất khác nhau nhưng không hiểu sao tôi và Nghiêu Đề lại có thể thân nhau đến như vậy. Nghiêu Đề có nếp sống lang bạt, có nhiều bạn tấm cám từ thời còn rất trẻ, xóm Bùi Viện gần ngã tư quốc tế là khu giang hồ nơi chúng tôi thường lui tới lúc đó, họ tiềm ẩn tài năng nhưng còn như những “viên ngọc ẩn thạch”...
Ngô Thế Vinh viết về Nghiêu Đề với một văn phong khác lạ, dường như đang chạm vào một vùng êm ái và đáng yêu của đời mình, ở giai đoạn vừa xông vào đời với những mộng mơ, bên cạnh người bạn có cá tính khác mình nhưng như một bổ túc, bù đắp cho chính mình. Nói về tiểu thuyết Vòng Đai Xanh viết vào thời kỳ khai phá sung mãn ấy, Ngô Thế Vinh đã hé lộ cho chúng ta thấy vai trò của người bạn Nghiêu Đề đã được khẳng định rất sớm trong cuộc đời của tác giả, đến độ như “mình với ta tuy hai mà một”:
Triết nhân vật chính trong tiểu thuyết Vòng Đai Xanh, một hình tượng văn học, nguyên gốc hoạ sĩ sau trở thành phóng viên chiến trường có bóng dáng Nghiêu Đề trộn lẫn với cái tôi của tác giả.
Nghiêu Đề, một người bạn thân thiết xuất hiện khá sớm trong đời Ngô Thế Vinh tại cái xóm báo chí Phạm Ngũ Lão Sài Gòn năm xưa, cho đến những ngày cuối cùng của “người bạn tấm cám” này tại vùng Nam California trên đất Mỹ, tình bạn của họ không suy suyển trải qua quá nhiều biến cố đổi thay của đất nước và của thời đại. Bài viết về Nghiêu Đề đúng là một bức chân dung thật sự về cá tính, tài năng và cuộc đời của một họa sĩ đầy phiêu lãng, chính là một tài liệu quý hiếm về nhân vật này, mà tôi nghĩ, ngoài Ngô Thế Vinh sẽ không một người nào có thể thực hiện được đầy đủ và sâu sắc như thế. Không phải là bạn thiết từ thời trẻ tuổi, thấu hiểu nhau qua từng giai đoạn của đời sống thì tác giả không thể đặt những nhát cọ cuối cùng cho bức chân dung như một kết luận về tính cách của Nghiêu Đề như thế này:
Không tự ràng buộc vào những quy ước thông tục của đời sống, dễ nhìn Nghiêu Đề như một người phóng giật hay buông thả bất cần đời, anh hoà nhập với mọi người nhưng lại hàm chứa vẻ cao ngạo với chính anh chứ không với ai khác. Là người bạn đôn hậu, không hề cay độc nhưng lại rất cynical, Nghiêu Đề vẫn hồn nhiên gọi chó là đồng loại. Nói như Oscar Wilde: “Anh là mẫu người biết giá của mọi thứ, nhưng không có gì giá trị đối với anh / A man who knows the price of everything and the value of nothing”.

*

Một tình bạn khác cũng rất đặc biệt, vì với một người khác phái và hơn một thập niên cách biệt về tuổi tác, mà chúng ta thường gọi là bạn vong niên : nhà văn Linh Bảo.
Tôi thấy, một cách khách quan, viết giới thiệu Linh Bảo là một việc cần thiết, vì sự xuất hiện của bà trên văn đàn Việt Nam tương đối ngắn ngủi và tác phẩm không nhiều, nhưng đó là cái ngắn ngủi của một ngôi sao băng xẹt ngang bầu trời. Tác phẩm Tàu Ngựa Cũ của bà được trao Giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc năm 1961.
Ngô Thế Vinh đã sưu tầm được những lời đánh giá “có tầm lịch sử” về tài văn chương của Linh Bảo mà anh gọi là “Rất tình cờ từ ba địa phương, cả ba tác giả Bắc Nam Trung đều có chung một nhận định: Linh Bảo là một cây bút có văn tài. Linh Bảo viết không nhiều, nhưng tác phẩm nào cũng đặc sắc”.
Ba tác giả Bắc Nam Trung ấy là Nhất Linh, Bình Nguyên Lộc và Võ Phiến với lời lẽ của họ trích từ bài viết của Ngô Thế Vinh :
Chính Nhất Linh là người khuyến khích và hướng dẫn Linh Bảo vào con đường viết văn. Trích đoạn bức thư của Nhất Linh viết từ Sài Gòn ngày 29 tháng 5 năm 1953 gửi Linh Bảo khi ấy vẫn còn ở Hương Cảng với tên Lại Cẩm Hoa :

Kính gửi chị Hoa,

Tôi đã nhận được cuốn Gió Bấc và đã đọc hết. Khá lắm và hay hơn lần viết đầu. Xin gửi lời khen chị. Các nhân vật quốc nội và hải ngoại cũng rõ ràng linh hoạt hơn, đoạn kết cũng rất khéo và vừa vặn.
(...)
Chị đã có cốt cách nhà văn, cứ thế mà tiến, yên tâm mà tiến, còn nhiều rực rỡ về sau đợi chị. (...)
Nhất Linh

Còn Bình Nguyên Lộc nhà văn đất Nam Kỳ thì bộc lộ các nhận xét rất độc đáo của mình về văn chương Linh Bảo qua bức thư sau:

Sài Gòn 21/9/1958
Chị Linh Bảo,
Hôm nọ tôi có đến thăm chị nhưng chị đi vắng...
Một điều sau đây tôi được biết, nói ra sợ chị không tin nhưng không thể không nói được: là rất nhiều bạn văn, bên phe không cọng, nói với tôi rằng các tiểu thuyết đăng ở Văn Hoá Ngày Nay chỉ có tiểu thuyết của Linh Bảo là hay. Họ không nói là hay hơn hết mà chỉ nói là hay thôi. Thế nghĩa là còn hơn là hay hơn hết nữa kia.
Riêng tôi, tôi thấy chị hay hơn Gió Bấc nhiều lắm [Bình Nguyên Lộc muốn nói tới tiểu thuyết Những Đêm Mưa, đang đăng định kỳ trên Văn Hoá Ngày Nay, ghi chú của người viết] và giọng văn của chị đã rõ nét ra, một giọng văn mà ba mươi năm nữa chưa chắc đã có người làm theo được...
Tôi ngạc nhiên lắm. Bề ngoài chị rất là đờn bà, nhưng sao văn chị như văn đờn ông thế. Đọc xong bốn kỳ Những Đêm Mưa, tôi ngán sợ chị ghê lắm, sợ cái tài quan sát nội tâm và ngoại cuộc của chị rất là bất ngờ, mà nhất là sợ cái cười bình thản của chị vô cùng. Sợ đây không phải là phục.
Đành là phục rồi, khỏi phải nói, mà sợ bị chị quan sát và cười, mặc dầu chỉ cười thầm thôi...
Bình Nguyên Lộc
Và sau cùng là nhận xét của Võ Phiến, cây bút miền Trung, trên tạp chí Bách Khoa [số 161, năm 1962]:
"Trong số những người đàn bà viết văn ở ta hiện nay, có lẽ Linh Bảo có tài nhất: có tài quan sát, lại có tài diễn tả một cách thông minh những điều mình quan sát. Quan sát và phân tích tâm lý, Linh Bảo đã trình bầy được mỗi nhân vật với một hình dạng, một cá tính rõ ràng, một lối sinh sống và ăn nói riêng biệt... Linh Bảo thường hay tìm ra cơ hội để làm người đọc mỉm cười, dù là trong những trường hợp buồn thảm: nhà ngập lụt, vợ chồng giận nhau. Giữ được nét mặt tươi tắn cả trong khi buồn, đó là một lối làm đẹp rất khéo của đàn bà, nhất là đàn bà 'lịch sự': vì vậy mà cái cười do Linh Bảo gợi lên lắm lúc có chua chát, người đọc vẫn dễ có cảm tình với giọng văn của tác giả."
Như vậy, Linh Bảo dù viết ít và trong một thời gian không dài, nhưng tài năng của mình đã được xác nhận bởi ba vị mà vai vế và uy tín của họ trên nền văn học Việt Nam cận và hiện đại đã là những bảo chứng rất chắc chắn. Và điều quan trọng là đã có người sưu tầm và đề cập đến trong một bài viết rất đầy đủ về phương diện tư liệu lẫn hiểu biết cá nhân.
Riêng cá nhân người viết bài này cũng được quen biết với nhà văn Linh Bảo qua sự giới thiệu của anh Ngô Thế Vinh. Năm 2002 tôi làm chủ bút tạp chí Thế Kỷ 21 ở miền Nam California, quyết định tháng Bảy năm ấy sẽ làm một số đặc biệt về Nhất Linh, và kêu gọi văn hữu khắp nơi đóng góp bài vở về chủ đề này. Một hôm anh Ngô Thế Vinh gọi cho tôi, cho số điện thoại của chị Linh Bảo và gợi ý tôi nên liên lạc xin chị viết cho một bài về Nhất Linh. Tôi làm theo và quả nhiên được chị Linh Bảo nhận lời. Bài của chị được đăng trên báo Thế Kỷ 21 số 159 đặc biệt về Nhất Linh và sau đó hai năm in trong cuốn sách Nhất Linh Người Nghệ Sĩ Người Chiến Sĩ do Thế Kỷ xuất bản.
Sau đây là một số trích đoạn của bài viết có liên quan đến chỗ khởi đầu văn nghiệp của nhà văn Linh Bảo, cũng là chút kỷ niệm giữa chị Linh Bảo, anh Ngô Thế Vinh và người viết bài này, xin phép gửi ké vào đây :

BÀI HỌC “NHIỆT THÀNH”
LINH BẢO

Kính gửi anh Minh,
Trong lúc tôi đang “vui thú điền viên” nghĩa là tưới cây cỏ ở vườn sau thì nhận được điện thoại của anh. Mở đầu anh nói ngay là do anh Ngô Thế Vinh giới thiệu. Anh Vinh là người bạn từ 40 năm trước. Với thân tình ấy, nghe anh bảo viết một bài cho số Thế Kỷ 21 đặc san về Nhất Linh, làm tôi không biết “ca bài con cá” ra sao.
Thú thực tôi sống ở nước ngoài nhiều hơn ở trong nước nên kỷ niệm với tiền bối Nhất Linh rất ít. Nếu nói thế để từ chối thì anh sẽ trách tôi tránh né và anh Vinh cũng sẽ không vui.
Sau khi nghĩ kỹ, tôi viết thư này cho anh cố tìm kiếm soi mói ký ức xem có gì liên hệ đến anh Nhất Linh kể hết cho anh biết, rồi tùy anh muốn bắt muốn tha sao cũng được.
(...)
Qua một bà bạn Việt Nam, tôi được quen anh Trương Bảo Sơn và chị Nguyễn Thị Vinh. Anh chị rất thương mến tôi coi tôi như em gái, săn sóc đủ mọi thứ. Nhờ thân tình ấy tôi đưa cho chị Vinh xem tập nhật ký của tôi viết, kể lại cuộc sống của sinh viên Việt Nam tại Trung Sơn Đại Học ở Quảng Châu.
(...)
Tập nhật ký nhỏ ấy tôi gọi là Gió Bắc, vì tôi bị suyễn nặng từ bé, và mỗi khi gió Bắc thổi thì cơn hen suyễn lại nổi lên thảm khốc.
Chị Vinh đọc xong Gió Bắc cho là thú vị nên cho anh Nhất Linh đọc. Nhất Linh bảo tôi viết lại thành truyện ở ngôi thứ ba đừng giữ lối viết Nhật ký. Vì thời ấy độc giả chưa quen nghe “cái tôi” bất cứ tác giả nào. Anh Nhất Linh cũng đề nghị đổi tên Gió Bấc hay hơn chữ Gió Bắc tôi đã dùng.
Tôi làm theo lời anh và Gió Bấc, cuốn truyện đầu tay của Linh Bảo ra đời.
(...)
Việc Gió Bấc đầu tay được Nhất Linh xuất bản là một bất ngờ cho tôi. Chủ tâm tôi chỉ ghi lại như một nhật ký chứ không nghĩ xa hơn. Nếu không có một Nguyễn Thị Vinh hào phóng, khuyến khích, nâng đỡ giới thiệu bước đầu thì chắc không có Linh Bảo.
(...)
Tôi còn nhớ lần đầu tiên được ngồi ăn phở với anh chị Sơn Vinh và anh Nhất Linh, tôi có một cảm khái đặc biệt. Ngày xửa ngày xưa, lúc còn bé con ở nhà đọc Phong Hóa, Ngày Nay, đọc các sách của anh Nhất Linh, xem anh như một bậc thầy rất xa vời... Thế mà không ngờ trong đời có lúc được cùng ngồi ăn chung một bàn... Nhìn tay anh cầm đũa run run, tôi ngờ rằng sức khỏe của anh đã bắt đầu suy kém.
Tôi có thể quên và được quyền quên tất cả mọi kỷ niệm, ký ức... tất cả mọi vui buồn trong đời. Nhưng không bao giờ quên được lời khuyên rất quan trọng của anh.
- Phải nhiệt thành trong tất cả mọi trường hợp. Bất cứ làm gì cho mình hay cho người, bao giờ cũng đầy nhiệt thành. Làm việc với nhiệt thành không bao giờ nản, đối thoại với nhiệt thành không bao giờ chán, sống với nhiệt thành thì thời gian không bao giờ trôi qua một cách nặng nề.
Lúc ấy tôi đã hỏi lại anh:
- Nhưng nếu lỡ có sự việc gì mà mình không cảm thấy “nhiệt thành” được thì sao?
Anh trả lời không ngần ngại:
- Thì de ra, cũng một cách nhiệt thành chứ sao!
À ra thế.
Anh Minh, tôi không biết gì quan trọng về anh Nhất Linh, ngoài bài học “Nhiệt thành” anh đã trao truyền lại, và tôi đã cố gắng giữ gìn đừng đánh mất.
Tôi kèm theo phóng ảnh ba bức thư của anh Nhất Linh. Tất cả thư từ anh đều viết tay và hơi khó đọc. Trong một thư đề tên Hoa, đó là một trong những tên “vượt biên” trước khi thành ra Linh Bảo.
5-13-2002
 Tác giả Ngô Thế Vinh là một bác sĩ, tốt nghiệp trường Y Khoa Sài Gòn năm 1968. “Thế giới Y khoa” có thể nói là môi trường hoạt động chính của anh, từ khi bước vào trường thuốc cho đến ngày nay. Mặc dù Ngô Thế Vinh nổi tiếng về nhiều tác phẩm không dính gì tới thuốc men, về các hoạt động không trực tiếp về sức khỏe của con người, nhưng tôi có cảm tưởng tâm hồn anh không bao giờ rời xa những năm học tập ở Đại học Y Khoa Sài Gòn, với những vị thầy khả kính từ học vấn uyên thâm lẫn nhân cách, với biết bao bạn bè đồng tâm đồng chí với mình từ khi còn đi học cho đến quãng đời về sau cọ xát với nhiều gian lao khổ ải, kể cả bỏ mình nơi chiến trận hoặc vào trải tù cải tạo cộng sản sau khi miền Nam thất thủ.
Muốn hiểu nỗi niềm đó của Ngô Thế Vinh thì cần phải đọc bài anh viết về Giáo sư Phạm Biểu Tâm, một Giáo sư ở vị trí lãnh đạo lâu năm nền giáo dục Y khoa của miền Nam, đã trở thành kết tinh cao nhất của cả một thế giới vừa nội tâm vừa ngoại cảnh suốt đời nơi một người học trò.
Giáo sư Phạm Biểu Tâm thì ai cũng biết là người Huế, nhưng ít ai biết ông là người gốc miền Nam của Việt Nam. Đây là một phát giác thú vị, vì đi ngược với khuynh hướng di dân chung của dân tộc Việt Nam là từ Bắc vào Nam. Đi ngược lại thì phần nhiều là đi làm quan tại miền Trung hay miền Bắc, như trường hợp họ Nguyễn Tường từ Quảng Nam ra lập nghiệp tại Hải Dương, để con cháu ba đời sau đã tạo nên một sự nghiệp lớn lao là Tự Lực Văn Đoàn và báo Phong Hóa Ngày Nay; và trường hợp ông cố của Gs Phạm Biểu Tâm từ Gò Công ra Huế làm quan thời Gia Long và gia đình định cư luôn tại đó. Nhưng riêng Gs Phạm Biểu Tâm lại đi thêm một bước nữa là ra Hà Nội học Y Khoa từ năm 1932 và từ năm 1948 trúng tuyển kỳ thi Thạc Sĩ Y Khoa [Professeur Agrégé des Universités] tại Paris, tiếp tục giảng dạy tại Đại học Y Khoa Hà Nội kiêm Giám đốc bệnh viện Phủ Doãn, cho đến cuộc di cư 1954 mới về lại đất cũ gốc gác miền Nam của mình từ bốn đời trước. Những cuộc “di cư ngược” từ bản chất là những người có khả năng được triều đình bổ dụng làm việc hoặc ở kinh đô Huế, hoặc ra hẳn miền Bắc xa xôi. Đó là những tinh hoa đã lộ ra từ miền đất mới mẻ phía Nam, họ đi làm việc triều đình nhưng dần dà đã định cư tại nơi làm việc, và đã để lại những hoa trái thật quý giá cho cả Việt Nam trên mảnh đất cũ của tổ tiên bao đời trước mà họ có cơ hội quay lại.
Năm 1954, Giáo-Sư Phạm Biểu Tâm đã cùng gia đình di cư vào Nam, được đề cử làm Giám Đốc Bệnh Viện Bình Dân mới xây cất xong trên đường Phan Thanh Giản Sài Gòn, đồng thời cũng là Trưởng Khu Ngoại Khoa tại bệnh Viện này. (...) Đây cũng là một bệnh viện giảng huấn trực thuộc trường Đại Học Y Nha Dược duy nhất của Miền Nam Việt Nam thời bấy giờ.
Khi Đại Học Hỗn Hợp Pháp Việt được người Pháp trao trả lại cho Việt Nam [11.05.1955], Giáo-Sư Phạm Biểu Tâm được đề cử làm Khoa Trưởng, và là vị Khoa Trưởng đầu tiên của Trường Đại Học Y Dược Sài Gòn [Faculté Mixte de Médecine et Pharmacie].
Năm 1962, Hiệp Hội Y Khoa Hoa Kỳ / American Medical Association [AMA] đã viện trợ một ngân khoản lớn cho Việt Nam để xây cất một Trung Tâm Giáo Dục Y Khoa với tiêu chuẩn hiện đại tại đường Hồng Bàng, Chợ Lớn, gồm một Trường Y Khoa [giai đoạn I] và một Bệnh Viện thực tập [giai đoạn II]. Lễ đặt viên đá đầu tiên do Tổng Thống Ngô Đình Diệm chủ tọa.
Sau biến cố 1963, Gs Phạm Biểu Tâm tiếp tục ở lại với Trường Y Khoa cho đến tháng 3 năm 1967, khi tướng Nguyễn Cao Kỳ, lúc đó là Chủ tịch Uỷ ban Hành pháp Trung ương đã đơn phương ký sắc lệnh giải nhiệm chức vụ Khoa Trưởng của Gs Phạm Biểu Tâm để thay thế bằng một Uỷ ban 5 người, đây cũng là lần đầu tiên ở miền Nam chính trị can thiệp vào nền tự trị đại học.
Với một ông Thầy gắn bó với chức vụ cao nhất của trường Y Khoa trong một thời gian lâu như thế, sinh viên rồi Bác sĩ Ngô Thế Vinh khi nhắc tới vị giáo sư đáng kính này là như sống lại cả một quãng đời từ khi bước vào trường Y cho tới ngày hôm nay. Ảnh hưởng của một người Thầy đúng nghĩa trong đời là như thế. Như một người cha tinh thần suốt đời của mình.
Sau 1975 thầy ở lại Sài Gòn tiếp tục giảng dạy Y khoa, trò đi vào tù cải tạo, may mắn là thầy trò cuối cùng lại được gặp nhau trên đất Mỹ.
Trong cảnh tha hương, cảm động và mừng tủi biết bao nhiêu khi được gặp lại Thầy, trên một lục địa mới ở một nơi xa quê nhà hơn nửa vòng trái đất. Được cầm bàn tay ấm áp và mềm mại của thầy Tâm trong bàn tay mình, rồi như từ trong tiềm thức của một hướng đạo sinh ngày nào, tôi siết nhẹ bàn tay trái của Thầy và chỉ có thể nói với Thầy một câu thật bâng khuâng “…đôi bàn tay này Thầy đã cứu sống biết nhiêu người.” “Có gì đâu Vinh.” Thầy xúc động và nghẹn ngào...
Như một câu chuyện có hậu. Nhưng tình tiết để dẫn đến cái “hậu” đó thì phong phú lắm, cần phải đọc hết bài này mới có thể thấy hết được. Tôi gọi đó là “Thế giới Y Khoa” của Ngô Thế Vinh.

*

Hoàng Ngọc Biên là một loại chân dung đặc biệt đáng được giới thiệu, vì nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu lẫn dịch thuật văn học, họa sĩ lẫn nhạc sĩ này vốn riêng được giới văn nghệ biết đến và quý mến, nhưng các đặc sắc của anh lại ít được quần chúng biết và chú ý.
Nhưng bài viết của Ngô Thế Vinh về Hoàng Ngọc Biên là một tài liệu có thể nói rất đầy đủ và phong phú về một con người đã đem lại cho nền văn học Việt Nam, ít nhất trong khung cảnh miền Nam trước 1975, nhiều mới lạ.
Trong khung cảnh cuộc chiến tranh Việt Nam ngày một leo thang với sự xâm nhập ngày càng lớn những binh đoàn từ miền Bắc, rồi đến cuộc đổ bộ của quân đội Mỹ, sự tuyên truyền rất hữu hiệu của phe cộng sản trên thế giới về hành động “xâm lược” của Mỹ tạo nên phong trào phản chiến rất mạnh trên đất Mỹ và khắp các nước Tây phương, một số trí thức Việt Nam không thể không chịu ảnh hưởng của cuộc diện ấy. Chính Võ Phiến nhớ lại hình ảnh của Hoàng Ngọc Biên thời ấy:
"Anh Biên thì khuynh tả, khoái Che Guevara; chính anh thì râu ria tóc tai dài phủ tới ót”. Và Hoàng Ngọc Biên đã ở trong nhóm sáng lập tờ báo Trình Bầy, thở một hơi thở chung của khuynh hướng tả phái tại nhiều nơi trên thế giới. Cái ảo tưởng muốn người Việt Nam tự mình tìm hướng đi riêng trong cuộc đụng độ giữa hai thế lực lớn trên thế giới là tự do và cộng sản chính cũng là một loại lý tưởng của thời ấy, và lý tưởng nào thì cũng bắt nguồn từ thiện ý và từ hoàn cảnh đang có. Đó là lý do tờ Trình Bầy trong đời sống ngắn ngủi hai năm của nó, đã thu hút khá nhiều cây bút đủ mọi khuynh hướng của miền Nam. Và đó cũng là sự vỡ mộng của những người khuynh tả của miền Nam sau khi phe cộng sản thắng trận: tả hay hữu gì của thế giới tự do đối với cộng sản cũng đều là phản động tuốt, cũng có thể là những màn trá hình của CIA cả. Ngay cả trong nhiều trường hợp người cộng sản rất hiểu bản chất lý tưởng của những người thiên tả này họ cũng không dung nạp vì họ biết đó là những con người tự do, rồi ra sẽ làm rối hàng ngũ rất chỉnh đốn của họ. Người cộng sản làm cách mạng đâu có phải để đi cưu mang những con người lãng mạn? Họ đã triệt để lợi dụng thành phần này cho cuộc đấu tranh của họ, nhưng khi “bao nhiêu lợi quyền đã qua tay mình” thì tại sao họ lại đi ôm rơm cho nặng bụng? Tốt hơn hơn hết là quẳng đi những cái vỏ sau khi đã vắt kiệt hết nước.
Ngô Thế Vinh đã viết rất chính xác :
“Tưởng cũng nên nhắc tới ở đây sự giác ngộ của cả những khuôn mặt trí thức lớn thiên tả Pháp như Jean Paul Sartre đối với cộng sản Việt Nam sau 1975, khi có xảy ra thảm trạng "boat people" trên Biển Đông; chính J.P. Sartre đã trở thành một "activist" vận động hiệu quả cho "Một con tàu cho Việt Nam/ Un bateau pour le Vietnam" đi cứu vớt các thuyền nhân. Kinh nghiệm với cộng sản Việt Nam cho đến nay vẫn là một bài học/ a lesson to learn cho thế giới.”
Vậy chính sự vỡ mộng với cộng sản cũng đóng góp một vốn sống, một kinh nghiệm quý cho đời.
Nhưng hãy quên đi những nét thời sự tả hữu của thời mịt mù khói lửa ấy để chỉ nhìn vào các hoạt động văn học và nghệ thuật của HoàngNgọc Biên, thì sẽ thấy đây mới là những công việc “vượt thời gian và không gian” của anh : nghiên cứu về tiểu thuyết mới, tự mình thể nghiệm sáng tác và dịch thuật các tác phẩm theo khuynh hướng mới, làm thơ, vẽ tranh, làm nhạc, trình bày sách báo... với tất cả tài hoa và sự say mê đi tìm cái mới của mình, như nhận xét của Ngô Thế Vinh:
Chính Hoàng Ngọc Biên, cả ở những năm về sau này, qua những sáng tác mới anh vẫn cứ bền bỉ và kiên trì đi trên con đường tiểu thuyết mới mà anh đã chọn. Truyện của Biên kén độc giả, Hoàng Ngọc Biên không phải là tác giả của đám đông nên tên tuổi của anh cũng ít được biết tới.
Điều đáng quý trọng của Hoàng Ngọc Biên chính là tinh thần không bao giờ thỏa mãn với cái đang có.
Với Hoàng Ngọc Biên, một tác phẩm được công bố không bao giờ nên được nhìn như một sự hoàn chỉnh, suốt đời Biên luôn luôn là một cuộc hành trình đi tìm cái mới.
Chính tinh thần đó mới là tiền đề của tất cả sự sáng tạo và tiến tới cho cuộc sống của một xã hội.

*

Trong cuốn sách này Ngô Thế Vinh xây dựng chân dung của từng nhân vật với hai tư thế: một, với sự khách quan của một người nghiên cứu; và hai, với lợi thế to lớn của chủ quan, vì nhân vật được nói đến luôn luôn là một người bạn của mình.
Hai yếu tố đó hòa quyện lẫn nhau tạo nên một lợi thế đặc biệt cho người viết, vì thật ra khách quan và chủ quan chỉ là hai cách nhìn của một chủ thể, người cầm bút. Anh ta phải nhờ đến tài liệu để tạo nên bức chân dung trung thực: quê quán ở đâu, sinh năm nào, học lực thế nào, khuynh hướng ra sao... Rồi khi đụng đến tác phẩm của người ấy thì sự khách quan bắt đầu lung lay: sự thưởng thức nào lại chẳng có phần chủ quan trong đó, thậm chí là phần lớn. Đây là một tiểu thuyết của bạn mình, mà mình thì quá rõ tính tình, khả năng, sở thích, cuộc sống của người ấy thì những dòng chữ viết ra kia dễ đi thẳng vào cảm nhận của mình rồi. Hoặc nét tài hoa của một bức tranh mà bạn mình chia sẻ với mình từng cảm xúc khi sáng tác thì dĩ nhiên mình có thể hãnh diện nói mình “hiểu” nó, “cảm” nó hơn là người bàng quan, cái đó là dĩ nhiên.
Ở Ngô Thế Vinh chúng ta thấy được sức mạnh nội công ngoại kích ấy. Đó là một người bạn rất chân tình và cũng là người có khả năng tìm hiểu nghiên cứu sâu rộng và khách quan. Với tình bạn, anh có thể tiếp cận và tìm hiểu những người bạn của mình dễ dàng hơn là các tác giả xa lạ. Với tình bạn anh có thể biết tính tình cùng những khía cạnh tình cảm ẩn kín, những nỗi niềm riêng tư của bạn mình, những cái có thể soi sáng tác phẩm hay giải thích một khuynh hướng của người mình nghiên cứu. Trong khi đó thì con người nghiên cứu khách quan của Ngô Thế Vinh vẫn tiếp tục công việc với những nguyên tắc nghiêm nhặt mà anh đã tự đặt ra cho mình từ lâu. Tìm hiểu một con người anh luôn luôn đặt con người ấy vào môi trường lịch sử mà người ấy đã sống, công việc mà người ấy đã làm, quan hệ xã hội đã và đang có.
Một con người nhiều tính chất “huyền thoại” như Như Phong Lê Văn Tiến, dưới ngòi bút của Ngô Thế Vinh đã hiện ra như một con người thực hơn, cụ thể hơn nhưng cùng lúc chất huyền thoại có thể dày đặc hơn. Ngô Thế Vinh đã trình bày một cách rõ ràng tiểu sử của Như Phong như là một con người cụ thể, khi Như Phong làm báo Tự Do thì “lý lịch” của tờ báo này cũng được trình bày chi li từng giai đoạn; cho đến vai trò “mưu sĩ” của Như Phong giữa thập niên 1960 với khả năng đứng trong hậu trường sắp xếp các vai trò sân khấu chính trị như sắp xếp các quân cờ trên một bàn cờ; rồi đến 1975 trước khi miền Nam mất vào tay cộng sản thì Như Phong với kiến thức sâu rộng về cộng sản luôn luôn thúc dục bạn bè di tản ra nước ngoài nhưng riêng mình thì chọn ở lại để nếm thử thách với nhà tù cộng sản hàng chục năm... Ngô Thế Vinh đã sưu tầm hầu như không sót một khía cạnh nào của cuộc đời Như Phong như những dấu tích cụ thể, nhưng đồng thời cũng phủ dày thêm mảng sương mù huyền thoại quanh con người mang một đời sống tinh thần siêu việt hiếm có này.

*

Trong phần giới thiệu Võ Phiến, một nhà văn quan trọng của miền Nam trước 1975, tôi chú ý nhất đến đoạn Ngô Thế Vinh thẩm định về bộ Văn Học Miền Nam của Võ Phiến.
Cho đến khi bộ Văn Học Miền Nam ra đời, chúng ta mới biết được rằng sự nghiệp văn học của miền Nam từ 1954 đến 1975 thật là quan trọng và đồ sộ, nhưng vẫn thiếu một cây bút phê bình đích thực, bao quát hết giá trị văn học trong hai thập niên của một quốc gia. Có lẽ vì nền văn học nghệ thuật ấy còn đang trẻ quá, sung sức quá, khiến cả xã hội chưa thấy có nhu cầu tổng kết cho nên chưa nảy ra một tài năng để đánh giá một cách bao quát. Giống như một người khi tương đối còn trẻ đầy sinh lực thì người ấy muốn dùng sinh lực của mình để sáng tạo chứ chưa thấy có nhu cầu... viết hồi ký, tức là nhìn lại để thẩm định chính mình. Nhưng rồi kẻ ấy bị bức tử trong tuổi thanh xuân đang phơi phới, không những thế bao nhiêu sự nghiệp tinh thần ngồn ngộn phong phú bị kẻ chiếm đoạt làm mồi cho lửa hết, đốt sạch, tận diệt trong một cơn hả hê thú vật.
Và sau đó thì sao nữa? Giới cầm bút, cầm cọ, ôm đàn..., nói chung người của văn học nghệ thuật và văn hóa, ai chạy thoát thì tán loạn khắp thế giới, kẻ còn lại thì bị gom hết vào tù. Rồi sao nữa? Hơi hoàn hồn lại thì có người nghĩ tới việc cần làm một cái gì đó để lưu giữ được chừng nào hay chừng đó cả một sự nghiệp văn hóa đồ sộ của hai mươi năm của một quốc gia non trẻ. Hai tay trắng đứng giữa một xứ sở xa lạ, bắt đầu từ đâu? với vốn liếng nào?
Nhưng bao giờ cũng thế, tất cả phải bắt đầu từ một tư tưởng, một ý nghĩ. Không có cái thao thức đầu tiên ấy thì rốt cuộc cũng chẳng gì xảy ra. Và cái sự nghiệp lớn lao kia của miền Nam sẽ dần dần tan biến, bị quên lãng trong cuộc sống luôn luôn lao về phía trước. Cái tia chớp trong đầu của một cá nhân đó, rồi ra sẽ là một cái gì đó rất vĩ đại, thành một công ơn lớn đối với di sản tinh thần của một dân tộc. “Bên thắng cuộc” ra tay đốt, cấm đoán, lên án, cầm tù..., mọi việc công khai rõ rệt dưới ánh mặt trời giữa một miền Nam sau ngày 30 tháng Tư 1975. Cả dân tộc biết. Cả thế giới biết. Nhưng từ một ánh chớp trong đầu một cá nhân đơn độc lại có khả năng gầy dựng lại, từ một viên gạch, rồi hai viên gạch, một hàng gạch, dần dần thành hình hàng lối. Ý tưởng được chia sẻ, các thiện chí hưởng ứng, góp tay vào tìm kiếm sách vở tài liệu. Dần dần thành một kiến trúc: bộ Văn Học Miền Nam đã thành hình sau 15 năm miệt mài.
Dù có một số lời chê bai từ nhiều động lực khác nhau, cái công trình đó vẫn là nền tảng cực kỳ cần thiết và quý giá làm căn bản để tìm lại một thiên đàng đã mất là nền văn học của nước Việt Nam Cộng Hòa trong hai mươi năm hiện diện cuả nó. Công trình đó chỉ do MỘT người chấp bút: Võ Phiến.
Trong bài viết về Võ Phiến trong sách này, Ngô Thế Vinh đã nhận xét một cách khách quan:
“Người ta đã nặng lời trách ông về những phần thiếu sót trong bộ sách ấy: như khi ông đã gạt một số tên tuổi văn học của thời kỳ 1954-75 ra khỏi bộ Văn Học Miền Nam Tổng Quan, rồi cả cách ông phê bình các nhà văn, nhà thơ được ông chọn đưa vào sách cũng bị ông sử dụng cái sở trường văn phong tuỳ bút / nay thành sở đoản để châm biếm mỉa mai cá nhân với nhiều định kiến thiên lệch.
Nhà văn Mặc Đỗ nhóm Quan Điểm thì thật sự bất bình, Mai Thảo nhóm Sáng Tạo trong lần trò chuyện cuối cùng với Thuỵ Khuê 07/ 1997 cũng không kềm được cảm xúc nói tới bọn vua Lê chúa Trịnh’, và nói thẳng: ‘Võ Phiến cũng có chỗ được chỗ không được. Đại khái như phê bình văn học, đối với tôi thì không được. Văn Học Miền Nam tổng quan đó thì không được. Thơ dở. Tạp văn hay’.
“Biết thiếu sót, biết trước có những hạn chế nhưng chính Võ Phiến, trái với bản chất thâm trầm và thận trọng cố hữu, Võ Phiến vẫn liều lĩnh - như một "risk taker", ẩn nhẫn làm một công việc tốn rất nhiều công sức và cả nhiều rủi ro như thế. Tưởng cũng nên ghi nhận ở đây, trong suốt hơn 15 năm từng bước hoàn thành công trình Văn Học Miền Nam với hơn ba ngàn trang sách ấy, Võ Phiến vẫn đang là một công chức sở Hưu bổng làm việc full time cho quận hạt Los Angeles, như vậy là ông đã phải làm việc ngoài giờ và những ngày cuối tuần. Võ Phiến về hưu tháng 7 năm 1994, ông tiếp tục viết thêm 5 năm nữa để hoàn tất toàn bộ Văn Học Miền Nam 1999. Nếu không có hùng tâm, với công sức của một cá nhân khó có thể làm được như vậy.”
Thiết tưởng Ngô Thế Vinh đã có cái nhìn công bình với công trình lớn lao này của Võ Phiến vậy.

*

Kết thúc bài điểm sách này ở đây, theo tôi, là quá sớm; nhưng nếu tiếp tục, lại quá trễ.
Hầu như chương nào của cuốn sách (mỗi chương đề cập đến một nhân vật) cũng đầy lôi cuốn: thông tin về tiểu sử, về cuộc sống của nhân vật ấy rất đầy đủ và linh động; thông tin về hoạt động văn học nghệ thuật hay văn hóa của người đó lại càng phong phú với rất nhiều tài liệu liên hệ được chọn lọc kỹ càng; rồi những kỷ niệm của tác giả với nhân vật trong quan hệ đôi khi rất chằng chịt giữa bạn bè lại càng tô đậm những nét quyến rũ của những loại tài liệu riêng tư chỉ mình tác giả có...
Nhưng trong công việc giới thiệu một cuốn sách, việc trích dẫn từng chương chỉ là đưa ra những thí dụ để minh chứng cho các nhận xét chung của mình. Dù có tiếc, có muốn tiếp tục giới thiệu các chương rất hay còn lại cũng không nên, vì độc giả mới là kẻ ưu tiên được quyền khám phá hết toàn diện tác phẩm, xin dành cho độc giả việc khám phá những mảnh đất chưa một người nào đặt chân tới. Vâng, chúng tôi xin giữ lại những vùng còn rộng mênh mông đầy quyến rũ ấy cho quý vị.
Chúng ta đang có trong tay một cuốn sách nghiên cứu nghiêm túc, nhưng đồng thời cũng là một cuốn truyện kể đầy nghệ thuật. Loại viết này tôi cho là rất mới, nó giới thiệu cho chúng ta những khuôn mặt, hay nói như tác giả, những chân dung --với hình ảnh rõ rệt và chi tiết toàn diện về nhân vật ấy. Dù không hẳn là một tác phẩm phê bình văn học nghệ thuật, nhưng tác phẩm này giúp chúng ta nhìn rõ “chân dung” của một số nhân vật, dĩ nhiên chủ yếu là chân dung tinh thần.
Chân dung ấy chỉ có được bởi một người rất thiết tha với văn học, nghệ thuật và văn hóa của xứ sở, dùng kiến thức giàu có và kinh nghiệm sống của chính mình để tạo nên. Trước đây năm sáu mươi năm Nguyễn Mạnh Côn đã viết cuốn “Đem tâm tình viết lịch sử” thì với cuốn sách này, tôi xin gọi tác giả Ngô Thế Vinh là người đem tâm tình viết nên một mảng văn học nghệ thuật và văn hóa của miền Nam trước năm 1975. Chỉ qua một số nhân vật, nhưng như đã nói ở một đoạn trên, những cái bóng của họ đã phủ một khoảng rộng trong không gian miền Nam thời ấy, góp phần khá lớn vào việc tạo dựng lại đặc tính của một nền sáng tạo tự do, mà cho đến bây giờ người dân Việt Nam khi nhớ lại hãy còn ao ước.
Xin trích lại một câu thâm trầm trong cuốn sách này để thay lời kết:
“Thời gian đã mất, nhưng rồi qua ký ức trí tuệ của Proust thời gian tìm thấy lại, và đã trở thành thời gian bất tử.”

28.8.2017