Thời trước
1975 ở miền Nam báo chí tư nhân rất phong phú, nhất là từ sau năm 1963 thì nhật
báo và các tạp chí xuất hiện rất nhiều. Nhưng những ai theo dõi tình hình báo chí
cả hai thời kỳ Đệ nhất và Đệ nhị Cộng Hòa thì đều thấy tờ báo tồn tại lâu dài
nhất của miền Nam Việt Nam chính là tờ bán nguyệt san BÁCH KHOA : số 1 ra đời
vào ngày 15 tháng 01 năm 1957, số cuối cùng 426 ra ngày 19 tháng 4 năm 1975.
Hôm nay
chúng tôi xin loan báo một tin vui, là sau nhiều năm cố gắng, một nhóm bạn bè của
báo mạng Diễn Đàn Thế Kỷ đã sưu tầm đầy đủ toàn bộ báo Bách Khoa, chỉnh đốn lại
để thành một bộ báo số hóa có thể phổ biến cho mọi người *. Chúng ta đều biết
sau biến cố năm 1975, tất cả sách vở báo chí của miền Nam đều là mục tiêu thiêu
hủy của bên phía cộng sản thắng cuộc, nên dù trước kia các thư viện của Việt
Nam Cộng Hòa đều có hầu như đầy đủ các loại sách báo của cả nước, chỉ một thời
gian sau đều trở thành tan tác, rỗng tuếch để thay thế vào đó là các sách báo của
phe cộng sản. Ngay các tủ sách gia đình của dân chúng miền Nam cũng luôn luôn bị
đe dọa hoặc bị trực tiếp tịch thu đốt phá, bất kể là loại sách báo gì.
Việc
chúng tôi nghĩ nên làm ngay sau khi hoàn tất việc sưu tầm là đến thăm ông Huỳnh
Văn Lang, Chủ Nhiệm Sáng Lập tạp chí Bách Khoa để kính tặng ông đĩa DVD chứa đựng
toàn bộ 426 số báo đã được điện tử hóa. Chiều ngày 16 tháng 10, 2017 vừa qua
anh Trần Huy Bích và tôi đã tới thăm ông Huỳnh Văn Lang tại nhà ông trong thành
phố Westminster Nam California, rất mừng thấy ông tuy đã ở tuổi 96, vẫn tương đối
mạnh khỏe, nhất là tinh thần còn rất sáng suốt.
Ông đã rất
vui và cảm động nhận đĩa DVD chứa toàn bộ báo Bách Khoa do chúng tôi tặng, và
nói : “Với công trình tìm tòi và lưu giữ như thế này, tạp chí Bách Khoa sẽ an
toàn tồn tại nhiều trăm năm về sau”. Và chúng tôi đã được vị sáng lập tờ Bách
Khoa kể lại không biết bao nhiêu là “chuyện xưa tích cũ”, thời gian từ Mỹ mới về
nước để giúp ông Ngô Đình Diệm xây dựng chính quyền, những ngày đám chuyên viên
trẻ tuổi còn “ngủ ghế bố” trong dinh Gia Long cho đến khi Thủ Tướng dời vào dinh Độc Lập. Mỗi câu chuyện
như thế đối với tôi là một mảng lịch sử, qua giọng kể Nam Kỳ hấp dẫn và chân
thành của ông. Thú vị nhất là ý tưởng lập hệ thống các trường Bách Khoa Bình
Dân, rồi hội Văn Hóa Bình Dân để sau cùng là tạp chí Bách Khoa chào đời.
Ông Huỳnh Văn Lang (bên phải),
với DVD Bách Khoa trên tay,
đang trò chuyện với Phạm Phú
Minh. (Ảnh: Trần Huy Bích)
|
Ông Huỳnh
Văn Lang là người sáng lập, là Chủ nhiệm kiêm Chủ bút của Bách Khoa từ số ra mắt
cho đến cuộc đảo chánh 1963 chấm dứt Đệ Nhất Cộng Hòa. Ông nói : “Ngay khi quyết
định ra báo, 30 thành viên của hội Nghiên cứu Kinh tế Tài chánh mà tôi đứng đầu
mỗi người góp 1000 đồng (trừ một vị chỉ góp 500) để làm vốn. Hồi đó 30,000 đồng
là một số tiền lớn, nhưng khi bắt tay làm báo thì tiền in nó ngốn mau lắm, tôi
phải xoay xở liên tục cho đến khi tờ báo ổn định...”
Qua buổi
gặp gỡ và trò chuyện với ông Huỳnh Văn Lang, tôi hình dung ra hoạt động của một
nhóm trí thức trẻ cách đây 60 năm, đồng lòng xắn tay áo lao vào những công việc
cụ thể, trong buổi bình minh của một vận hội mới mẻ cho vùng phía Nam của đất
nước.
*
Cho tới nay,
Bách Khoa là tờ báo tư nhân sống lâu nhất trong lịch sử báo chí Việt Nam. Tờ sống
lâu thứ nhì là tạp chí Nam Phong của học giả Phạm Quỳnh, ra đời vào tháng Bảy
năm 1917, đình bản ở số 210, ngày 10 tháng Mười Hai năm 1934. Trên Nam Phong số
cuối này có dòng chữ Năm thứ mười tám,
nhưng đó là chỉ mới bước vào năm thứ 18 thôi, trong thực tế Nam Phong thọ 17
năm 5 tháng. Trong khi đó báo Bách Khoa xuất bản từ tháng 1 năm 1957, tính tới
tháng 1 năm 1975 là đủ 18 tuổi, tới hết tháng 4-1975 nó được 18 năm 3 tháng. Đó
là chưa kể số lượng các số báo, Bách Khoa xuất bản 426 số; Nam Phong tổng cộng
210 số, chỉ bằng một nửa. Dễ hiểu, Nam Phong là nguyệt san (mỗi tháng ra một số),
Bách Khoa là bán nguyệt san (mỗi tháng ra hai số).
Do đời sống
lâu dài của nó suốt gần 20 năm cộng với nội dung mà nó mang lại, Bách Khoa có
thể coi là cái xương sống tinh thần của miền Nam từ khi đất nước chia cắt 1954
cho đến 1975. Cho đến nay, các bài viết về báo Bách Khoa trong và ngoài Việt
Nam đã khá nhiều, từ các hồi ức của những người trực tiếp góp phần xây dựng tờ
báo đến những nhà nghiên cứu về sau, chúng tôi chỉ xin tóm tắt một ít điểm
chính để giới thiệu một cách tổng quát Bách Khoa với độc giả.
Bách
Khoa do ai sáng lập? Dưới đây là hình bìa trước và bìa sau của số đầu tiên. Ở
bìa sau chúng ta thấy danh tính những người tạo ra nó:
Chủ nhiệm
sáng lập là Huỳnh Văn Lang, “hợp tác cùng các bạn” gồm ba mươi người liệt kê
ngay bên dưới. Tập thể này là những chuyên viên của Hội Kinh tế/ Tài chánh
thành lập từ 1955, đứng đầu là ông Huỳnh Văn Lang. Họ là những người hầu hết
còn trẻ tuổi vào thời điểm đó, một số du học ngoại quốc mới về nước, tham gia
chính quyền miền Nam với lý tưởng xây dựng một quốc gia Việt Nam tự do và phú cường. Sinh hoạt của Hội là họp mỗi hai
tuần một lần, thảo luận về những vấn đề kinh tế tài chánh Việt Nam đang phải giải
quyết. Sau một thời gian hoạt động nhóm chuyên viên này nhận thấy cần phổ biến
rộng rãi các nghiên cứu của họ, nên đã quyết định tổ chức một tờ báo như là một
“diễn đàn chung của tất cả những người
tha thiết đến các vấn đề chính trị, kinh
tế, văn hóa, xã hội”: tờ BÁCH KHOA ra đời.
Số đầu
tiên ra mắt ngày 15 tháng 01 năm 1957 và những số kế tiếp các bài nòng cốt là của
các cây bút “cơ hữu” như Huỳnh Văn Lang, Phạm Ngọc Thảo, Hoàng Minh Tuynh, Nguyễn
Ngu Í... Các cây bút có tên tuổi dần dần tham gia ngày một đông : Nguyễn Hiến
Lê xuất hiện vào số 4, Mặc Thu, Vi Huyền Đắc số 5, Võ Phiến số 7, Bùi Giáng số
8...
Trong cuốn
Hồi Ký của mình xuất bản sau 1975, học giả Nguyễn Hiến Lê, người bắt đầu viết
cho Bách Khoa từ cuối tháng 2 năm 1957 và “dính” luôn với Bách Khoa cho đến số
cuối ra ngày 19 tháng 4 năm 1975, đã viết:
“Trong lịch sử báo chí nước nhà, tờ Bách
Khoa có địa vị đặc biệt. Không nhận trợ cấp
của chính quyền mà sống được mười tám năm từ 1957 đến 1975, bằng tờ Nam
Phong, có uy tín, tập hợp được nhiều cây
bút giá trị như Nam Phong, trước sau
các cộng tác viên được khoảng một trăm.”
Nhà văn
Võ Phiến, người cũng đã gắn bó với Bách Khoa suốt 18 năm, với các sáng tác truyện
ngắn, truyện dài, tùy bút, tạp luận, ngoài ra ngày càng viết nhiều mục với các
bút hiệu khác nhau như Tràng Thiên, Thu Thủy. Ông tuy không phải là người làm
việc trực tiếp trong tòa soạn Bách Khoa nhưng có thể coi như là người quan trọng
tạo nên linh hồn của tờ báo. Ông kể :
“Thoạt tiên là tờ báo của hai
nhân vật trong chính quyền: các ông Huỳnh Văn Lang và Hoàng Minh Tuynh. Về sau
các ông này rút lui ra khỏi chính quyền, rồi tờ Bách Khoa cũng dần dần chuyển về
ông Lê Ngộ Châu.
Các ông Huỳnh và Hoàng là những
chuyên viên trong giới ngân hàng, rồi ngay ông Lê cũng không phải là một văn
gia, ấy vậy mà Bách Khoa phải kể là một trong những tờ báo thành công nhất ở miền
Nam trong ngót hai mươi năm. Đó là chỗ lý thú trong tình hình sinh hoạt của thời
kỳ văn học này.”
(Văn Học
Miền Nam - tổng quan, Võ Phiến, trang 238)
Đoạn này
nhà văn Võ Phiến hình như cố tình viết không rõ về hai sự kiện ông Huỳnh Văn
Lang và Hoàng Minh Tuynh “rút lui ra khỏi chính quyền” và việc “tờ Bách Khoa
cũng dần dần chuyển về ông Lê Ngộ Châu”. Xem lại quyển Ký Ức Huỳnh Văn Lang (tập
1) do tác giả xuất bản năm 2011, có đoạn viết :
“Sau 6 tháng hoạt động, 30 thành viên toàn là
chuyên môn quyết định, mỗi người bỏ ra 1000 đồng (trừ ra một GS chỉ chịu hùn
500 đồng thôi, vì xem như là bố thí), để phổ biến những nghiên cứu của Hội trên
một tạp chí.
Và Bách Khoa Tạp chí đã ra đời. Số
1 phát hành ngày 15 tháng 1 năm 1957, người viết kiêm chủ nhiệm và chủ bút cho
đến năm 1963 phải giao cho anh thư ký tòa soạn Lê Ngộ Châu, vì bị chế độ ‘người
lính cai trị’ bắt đi bắt lại ba bốn lần giam giữ sau trước gần ba năm.”
(Ký Ức
Huỳnh Văn Lang tập 1, trang 624)
Sự kiện
người Thư ký Toà soạn Lê Ngộ Châu được giao toàn quyền điều hành tiếp tục tờ
Bách Khoa trong một biến cố bất ngờ như thế đã cho chúng ta hiểu rằng vị Thư ký
Tòa soạn này đã thực sự đóng một vai trò rất tích cực đối với tờ báo từ nhiều
năm tháng trước đó. Về tài làm báo cùng kiến thức, tính tình của ông Lê Ngộ
Châu, xem lại hồi ức của nhiều nhà văn cộng tác, thấy ai cũng yêu mến và kính
phục ông.
Ý kiến của
Nguyễn Hiến Lê, người cộng tác với Bách Khoa từ 1957 đến 1975:
“Ông Châu làm việc rất siêng, đọc
hết mọi bài nhận được, đăng hay không ông đều báo cho tác giả biết. (...) Tôi mến
ông vì ông có tinh thần trách nhiệm, làm việc đàng hoàng, biết cương quyết giữ
vững chủ trương cả khi báo suy, biết xét người, xét văn và có tình với người cộng
tác: ai gặp nạn gì ông lại nhà thăm, tìm mọi cách giúp đỡ; nhất là sau vụ Mậu
Thân, ông rất băn khoăn lo lắng về các anh em bị kẹt trong vòng máu lửa.”
(Trích từ
“Đời viết văn của tôi” của Nguyễn Hiến Lê)
Nhà phê
bình văn học Đặng Tiến, trong bài viết tưởng niệm khi nghe tin ông Lê Ngộ Châu
qua đời (vào ngày 24 tháng 9 năm 2006), có đoạn đánh giá Lê Châu -như cách gọi
của anh em văn nghệ- như sau:
“Nhờ đức tính kín đáo, hòa nhã,
Lê Châu đã tập hợp không những trên mặt báo nhiều khuôn mặt khác biệt, thậm chí
trái ngược về hoàn cảnh, tính tình lẫn chính kiến, mà còn quy nạp được nhiều bè
bạn đến từ những chân trời khác nhau, trong đời sống cụ thể hằng ngày. Chưa kể
những tác giả sinh sống ở ngoài nước thường xuyên gửi bài về cộng tác.
Lê Châu kiến thức rộng, thường
xuyên giao tiếp với quan chức hay các nhà văn hóa danh vọng, nhưng luôn luôn từ
tốn, trong cách ứng xử hàng ngày, với những người viết trẻ tuổi. Ông đặc biệt
lưu tâm đến những người viết mới, viết từ các tỉnh nhỏ, đặc biệt là từ Miền
Trung. Bách Khoa là một tờ báo phổ thông, chủ tâm vào những đề tài chính trị,
quốc tế, kinh tế, khoa học, chỉ dành một phần cho văn học nghệ thuật, nhưng về
lâu về dài đã có những đóng góp lớn lao cho bộ môn văn nghệ. Về sau, phần văn
nghệ này lại là khối tài liệu quý giá.
Lê Châu còn là gương sáng về đức
khiêm tốn trí thức. Hai chữ Bách Khoa bình thường được dịch ra tiếng Pháp là
Encyclopédie theo nghĩa từ điển bách khoa, hoặc tư trào Bách Khoa trong văn học
Pháp thế kỷ XVIII ; nhưng Lê Châu không nhận từ này, cho rằng quá to tát so với
tờ báo. Ông dịch Bách Khoa là Variétés, sát nghĩa là « tạp chí ». (...)
“Lê Châu là kẻ sĩ theo truyền thống,
luôn luôn mực thước, trong nếp trung dung của cửa Khổng sân Trình và theo nếp mực
thước, juste mesure của bực trí thức tân học. Trong đời sống, ông là người bảo
thủ ; trên cương vị chủ báo, ngược lại, ông khuyến khích văn chương trẻ và tư
tưởng mới, nhưng chừng mực thôi.”
(Tạp
văn: Lê Ngộ Châu, 160 Phan Đình Phùng - Đặng Tiến)
Trong cuốn
Văn Học Miền Nam tổng quan, nhà văn
Võ Phiến đã ghi lại một nhận xét của nhà văn Nguyễn Hiến Lê mà chắc ông cũng đồng
ý: “Tuy vậy kể là cây bút chủ yếu của Bách Khoa từ trước đến sau vẫn là hai người
: Võ Phiến và Nguyễn Hiến Lê (xem Hồi ký Đời
viết văn của tôi của Nguyễn Hiến Lê)”.
Học giả Nguyễn Hiến Lê (1912 - 22.12.1984) |
Thế nào
là cây bút chủ yếu của một tờ báo? Có cần đó là Chủ bút hay Chủ nhiệm không? Có
cần là Thư ký toà soạn không? Không cần, vì những chức vụ ấy có những trách nhiệm
khác phải lo, không đương nhiên phải viết lách gì cả ngoài những lá thư nhắc nhở
nọ kia về việc điều hành, đường lối. Vậy có phải là người viết thường xuyên
trong một thời gian dài cho tờ báo ấy? Có thể đó cũng là một điều kiện, nhưng số
lượng các bài viết cũng không đương nhiên khiến cho một tác giả trở nên một cây
bút chủ yếu, vì không ai đếm số bài để định giá mức độ ảnh hưởng của một cây
bút.
Theo
chúng tôi, một cây bút gọi là chủ yếu của một tờ báo là một người thường xuyên,
qua bài vở của mình, đem đến cho độc giả một ích lợi và ảnh hưởng tinh thần nhất
định, được đa số độc giả biết giá trị và ham thích đón nhận. Hai vị Nguyễn Hiến
Lê và Võ Phiến quả thật là những người như thế, có thể nói những đóng góp dài
lâu của họ đã góp phần quan trọng tạo nên linh hồn của tờ báo.
Thứ nhất,
về phương diện bài vở, hai vị là những người đóng góp dài hơi nhất. Như trên đã
nói, Nguyễn Hiến Lê gửi bài đầu tiên cho Bách Khoa ở số 4, ra ngày 1 tháng 3
năm 1957; Võ Phiến số 7, ra ngày 15 tháng 4, 1957. Từ thời điểm ban đầu đó, hai
vị liên tục tham dự xây dựng nội dung tờ báo cho đến số cuối cùng, ra ngày 19
tháng 4, 1975. Về số lượng bài vở đã đăng trên Bách Khoa trong suốt 18 năm thì
chắc chắn hai ông chia nhau ngôi thứ một/hai, có thể Võ Phiến nhiều hơn Nguyễn
Hiến Lê, vì không những đóng góp phần sáng tác phong phú gồm truyện ngắn, truyện
dài, tùy bút, tạp bút..., ông còn viết các mục khác (Thời sự Văn nghệ, Thời sự
Chính trị...) và dịch các tác giả Tây phương, dưới các bút danh Tràng Thiên,
Thu Thủy.
Báo Bách
Khoa tại 160 Phan Đình Phùng Sài Gòn càng về các năm sau càng biến thành một địa
chỉ thân mật cho mọi người cộng tác, với tình thân như gia đình. Theo lời kể của
bà Võ Phiến (vào tháng 10, 2017), năm 1960 khi Võ Phiến từ Qui Nhơn dời vào Sài
Gòn để làm việc với bộ Thông Tin, chính Lê Ngộ Châu là người lo đi tìm nhà để thuê
cho bạn, yểm trợ ngay các nhu cầu cần thiết cho một gia đình từ tỉnh mới về nơi
đô thị. Các văn thi sĩ cộng tác đều coi báo quán là nơi gần gũi, tin cậy; những
người đóng góp bài vở từ khắp mọi miền đất nước, khi có dịp về Sài Gòn đều ghé
thăm Bách Khoa, như về một loại “nhà tinh thần” của mình.
Chính trong
loại tình thân và tin cậy có tính chất đại gia đình ấy, những người như Nguyễn
Hiến Lê, Võ Phiến, với uy tín và năng lực của mình, đã biến thành những “cây
bút chủ yếu” của tạp chí Bách Khoa. Trước sau họ vẫn chỉ là người “cộng tác”
thôi, không bao giờ giữ một chức vụ nào của tổ chức tòa báo. Nhưng họ vẫn là những
“cây bút chủ yếu” đúng nghĩa.
Lê Ngộ Châu (trái) gặp lại Võ Phiến trong chuyến đi Mỹ năm 1994. |
*
Trong số
những người tham gia vào Bách Khoa sớm nhất, phải kể đến Nguiễn-Ngu-Í (1921-1979,
tên thật Nguyễn Hữu Ngư, còn có các bút hiệu Trần Hồng Hừng, Tân-Fong-Hiệb, Ngê-Bá-Lí
v.v...). Ông là người đã thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn với giới viết lách, từ
những nhà văn lớp trước như Nhất Linh, Đông Hồ, Lê Văn Trương, Đỗ Đức Thu, Nguyễn
Vỹ... đến lớp sau như Bình Nguyên Lộc, Doãn Quốc Sỹ, Mai Thảo, Võ Phiến, Nguyễn
Văn Trung... Nhà văn Nguyễn Hiến Lê đã viết : “Ngu Í chuyên nghề phỏng vấn, từng trải, có nhiều nhiệt tâm, văn có
duyên”. Các đề tài phỏng vấn của ông và câu trả lời của giới cầm bút thời ấy
vẫn còn giá trị cho người nghiên cứu văn học ngày nay lẫn mai sau.
Nhà báo Nguiễn Ngu Í |
Ngoài
tài phỏng vấn, Nguiễn-Ngu-Í cũng viết nhiều bài báo có giá trị, ví dụ bài Nhớ và Nghĩ về bài Quốc Ca Việt là một bài nghiên cứu tường tận
về tác giả, trường hợp sáng tác, vai trò của bài hát đó trong xã hội từ năm
1942 trở về sau: đã được những ai đặt bao nhiêu nhan đề và lời ca, những ai đã
sử dụng nó, với mục đích gì v.v... Thiết tưởng cộng đồng người Việt lưu vong vẫn
dùng bản quốc ca Việt Nam Cộng Hòa trong bao nhiêu lễ lạc, biến cố của mình, cần
hiểu biết rõ hơn về tiếng hát Này công
dân ơi ! ấy qua bài nghiên cứu này.
Sau
cùng, nên nói đến một vấn đề tế nhị liên quan đến tờ báo Bách Khoa, là tên gọi
của nó qua những năm tháng thăng trầm. Chúng ta vẫn gọi chung tờ báo là Bách
Khoa từ số đầu đến số cuối, nhưng cũng nên biết rằng để giữ được hai tiếng Bách
Khoa vững chắc và thân yêu ấy, nó phải theo thời mà có những biệt danh đi kèm.
Đây là những cái mốc cho những biến thiên ấy:
1) BÁCH
KHOA : Số 1 (ngày
15-1-1957) đến số 193-194 (15-1-1965)
2) BÁCH
KHOA THỜI ĐẠI : số 195 (15-2-1965) đến số 312 (1-1-1970)
3) trở lại tên BÁCH
KHOA :
số 313-314 (Xuân Canh Tuất) (15/1 và 1/2/1970) đến số 377 (15-9-1972)
4) ĐẶC
SAN BÁCH KHOA : số 378
(1-10-1972) - đến số 379 (15-10-1972)
5) GIAI
PHẨM BÁCH KHOA : số 380
(1-11-1972) đến số chót 426 (19-4-1975)
Tất cả
những việc vẽ vời “làm cho khác” tên gọi như thế thì hoặc là vì lý do chính trị
(cho khác với tên gọi từ “chế độ cũ”), hoặc để thích ứng với chế độ kiểm duyệt
hoặc luật báo chí về sau. Thời gian qua, những cái đó được hiểu chỉ là những thủ
thuật né tránh để sống còn, và sống còn luôn luôn với cái tên khai sanh của nó:
Bách Khoa. Vậy chúng ta trước sau chỉ nên gọi nó là BÁCH KHOA.
22 tháng
Mười, 2017.
Phạm Phú
Minh
* Ghi chú: Độc giả nào muốn có đĩa DVD
toàn bộ báo Bách Khoa, xin liên lạc với tác giả bài này ở địa chỉ: phamdongban@gmail.com
Tác giả, trong buổi chào mừng Bách Khoa hồi sinh
của bạn bè. 10-15-2017
(Ảnh: Tiểu Bích)
|