Sunday, June 11, 2017

MÊ HOANG

Mùa hè năm nay của tôi bắt đầu với bài thơ này 

Nghe tiếng nước cười
         


Mở cửa ra anh đất trời rất lạ
em đoán mùa hạ về với bình minh
áo cánh em phơi qua đêm ngoài giậu
con chuồn chuồn kim ghé xuống tỏ tình

Mở cửa ra anh xem mặt trời mọc
nhìn con sâu nhỏ đo đoá hồng vàng
nó cười cuộc đời chỉ trong gang tấc
sao lại tiếc nhau một chút mê hoang 

Mở cửa ra anh đón vào mùa hạ
bàn ghế cong mình gỗ dương gỗ âm
nắng đã theo em vào sau cánh cửa
mùa hạ tung tăng trên cả chiếu nằm

Mở cửa ra anh quơ tay gọi gió
thả chân mặt hồ nghe tiếng nước cười
hai ta mỗi người một đầu mùa hạ
mình căng sợi nắng khai mạc cuộc chơi




Một bài thơ của thi sĩ Trần Mộng Tú, hình như làm đã lâu rồi nhưng năm nay tôi mới được đọc lần đầu đúng vào lúc mùa hè vừa tới. Bài thơ là một nỗi rạo rực, một cái gì ẩn kín vừa sống dậy, một vũ điệu tung tăng tinh quái chợt biến chợt hiện rất khó nắm bắt, nhưng vô cùng quyến rũ... Tôi tự nhủ: Bình tĩnh nào. Thơ Trần Mộng Tú tài hoa nhưng không bí hiểm, từ từ xem lại “cái đó” là gì...
A, cái áo cánh em phơi qua đêm... con chuồn chuồn kim ghé xuống... tỏ tình




Rồi lại cái gì đây nữa: Sao lại tiếc nhau một chút mê hoang, chao ôi !...

Đến bàn ghế trong nhà cũng thức dậy trong cơn động tình mà mùa hè đang thúc gọi bàn ghế cong mình gỗ dương gỗ âm

Và rồi đến cái thế giới “sau cánh cửa”, mùa hạ hay là cái gì tung tăng trên cả chiếu nằm ?
Không, tất cả chỉ là chuẩn bị, là khai tấu khúc cho nghi lễ này:
hai ta mỗi người một đầu mùa hạ
mình căng sợi nắng khai mạc cuộc chơi
Đỉnh điểm của bài thơ chỉ thực sự bắt đầu ở hai câu thơ chót, cuộc chơi chỉ bắt đầu trong chói chang mùa hạ, của ngoại giới lẫn tâm hồn và thân xác khi mình căng sợi nắng.
Nhưng trong toàn bài thơ đầy những từ ngữ ẩn dụ chuẩn bị cho khai mạc cuộc chơi, hai chữ mê hoang ở khổ thơ thứ hai theo tôi đóng một vai trò then chốt. Nó cũng chỉ là một ẩn dụ, nhưng ngầm chứa nhiều trạng thái, nhiều ý tứ phong phú đến độ như là một bảng chỉ đường vào cõi hoan lạc mà mùa hè vừa đột ngột mang về. 
Cần xem lại ý tứ cả bốn câu của khổ thơ thứ hai. 
Mở cửa ra anh xem mặt trời mọc
nhìn con sâu nhỏ đo đoá hồng vàng
nó cười cuộc đời chỉ trong gang tấc
sao lại tiếc nhau một chút mê hoang
Khởi đầu là “anh” mở cửa ra xem mặt trời mọc và gặp con sâu đo trên đóa hồng vàng. Sâu đo là loại sâu không có chân để bò; để di chuyển, nó uốn cong người lên rồi phóng cái đầu tới trước, cả thân hình nó lại nằm thẳng trên mặt phẳng, sau đó lại cong người lên và phóng tới, nó “đi” mà giống như nó đang đo khoảng cách vậy. Vì “khả năng đo đạc” ấy của con sâu, tác giả gán cho nó công việc đo thời gian, và kết quả là nó cười cuộc đời chỉ trong gang tấc, ngắn lắm.

Nhưng con sâu đo này cũng to gan thật, nó biết gì về gang với tấc mà dám bảo cuộc đời chỉ trong gang tấc ? Cả người nó, phóng một cái rồi nằm sóng soài ra, bất quá chỉ tiến được vài ba phân. Nhưng con sâu sẽ trả lời, công việc cả đời của tôi là đo, đo ngang đo dọc mãi thì còn chiều dài nào mà tôi không biết ! Cuộc đời ấy à, tôi biết rất rõ, chỉ là trong gang tấc.
Nhưng gang tấc là gì ?

Là những đơn vị đo chiều dài, ngày xưa. Tôi nhớ khi tôi còn nhỏ tôi có thấy cái “thước ta” trong nhà ông nội tôi, nó ngắn lắm, chỉ bằng độ 40 xăng-ti-mét của thước tây, trong đó cũng có chia ra từng tấc khoảng 4 hay 5 xăng-ti-mét. Tôi nhớ đại khái thế. Thời đó, khoảng năm 1944 tôi đi học trường làng, cả làng tôi hình như chưa có nhà nào biết dùng thước tây, kể cả các ông thợ mộc mà thước của họ tuy có tên gọi là “thước mộc” nhưng cũng giống y như “thước ta” thôi. Cô tôi có tổ chức mướn thợ về dệt vải và thao (một loại lụa thô) tại nhà, và tất cả sản phẩm đều được đo bằng thước ta.

Không phải nhà nào cũng có thước, tôi biết điều ấy vì thỉnh thoảng những nhà trong xóm khi có việc gì cần đo đạc thường đến mượn thước của cô tôi. Đấy là khi đo những vật cần chính xác, còn thông thường người ta chỉ đo bằng gang tay. Với bàn tay của mình, một người có thể có ba đơn vị đo lường: từ ngón tay cái, xòe thẳng ngón trỏ ra, khoảng cách đó là một gang; cũng thế, với ngón tay giữa, cũng một gang nhưng dài hơn một chút; gang dài nhất là từ ngón cái đến ngón út được xòe tối đa. Chẳng có quy định thống nhất một gang là dài bao nhiêu, đó là lối đo cá nhân, mỗi người dùng chính bàn tay của mình để đo hầu có một khái niệm khoảng cách cho riêng mình thôi. Với bàn tay của người Việt Nam, một gang trung bình là 20 xăng-ti-mét (20cm).

Trong cách đo này, hình như con người có mô phỏng thiên nhiên. Hãy quan sát một người đang đo chiều dài một cái bàn với bàn tay của mình : y hệt như con sâu đo. Thoạt tiên cũng khum bàn tay lại với ngón cái dí sát vào vật được đo, đó là hình ảnh con sâu đang cong mình lên sắp sửa phóng tới. Tiếp theo bàn tay xòe ra nằm bẹp xuống bàn, ấy là một gang tay đã được thực hiện, người ta đếm một. Rồi ngón cái di chuyển đến điểm mới, bàn tay lại cong lên và lại phóng tới, người ta đếm hai. Cứ thế, bàn tay khum lên rồi xẹp xuống, thoăn thoắt tiến tới cho đến lúc chiều dài của cái bàn được tính xong là bao nhiêu gang.

Và tiếng Việt có chữ kép “gang tấc” để chỉ một khoảng cách rất ngắn. Với người lính ở trận tiền thì “cái chết trong gang tấc”. Với hai người yêu nhau, tuy phải cách xa nhau nhưng “trái tim chỉ trong gang tấc”.
Con sâu đo, dù chỉ đo bằng chính thân mình nhỏ bé của nó, cũng đã dám buông lời ngạo nghễ: nó cười cuộc đời chỉ trong gang tấc.

Nhưng cũng nhờ lời ấy của con sâu mà dẫn đến câu then chốt của khổ thơ “sao lại tiếc nhau một chút mê hoang” khi biết rằng chiều dài cuộc đời thật ra có được bao nhiêu đâu.
Mê hoang là một chữ của ngôn ngữ thơ, nó gợi lên một trạng thái khác thường trong đời sống của con người. Mê là ngược với tỉnh, thần trí lúc mê không còn sáng suốt mà ai trong chúng ta cũng đã trải qua, ví dụ mê ngủ, khi ốm nặng có thể rơi vào mê man, mê sảng không còn ý thức. Trong nghĩa rộng nó còn có nghĩa yêu mến một cái gì rất mãnh liệt, như say mêđam mê một môn nghệ thuật, trong tình yêu thì có mê gáimê trai, mê đắm...

Nhưng mê hoang là chữ ít gặp trong ngôn ngữ thường ngày, lại làm gợi lên một cảm xúc khác lạ nếu được đặt một cách đắc địa trong một ngữ cảnh văn hay thơ.
Nhưng hoang là gì? Hoang theo nghĩa thường dùng nhất là một nơi chốn không ai héo lánh tới, như đất hoang, nhà hoang; rộng hơn là vùng thiên nhiên chưa được khai phá như hoang dãhoang vu; một cuộc sống chưa đạt đến chỗ văn minh như hoang rợ, hoang sơ; hoặc vi phạm vào một nề nếp của xã hội như người đàn bà không chồng mà có chửa thì gọi là chửa hoang, đứa con không thừa nhận là con hoang; một lối sống không theo giáo dục của gia đình thì gọi là hoang đàng.

Có nhiều cách dùng chữ hoang lắm, nhưng đại để là chỉ tình trạng chưa khai phá, chưa văn minh, hoặc không theo lề luật đã được mọi người công nhận.
Chữ hoang trong mê hoang có theo những cách hiểu vừa nêu không? Tôi nghĩ cũng theo nghĩa đó, nhưng lại nằm trong một lãnh vực và môi trường khác, ít ai để ý đến, đó là vùng tâm sinh lý của con người, đó là ý nghĩ, cảm xúc, cảm giác.

Thật thế sao, trong con người chúng ta cũng có những chỗ hoang, vùng hoang sao?
Một quá trình dài trong lịch sử của mình, các dục vọng của con người được khuyến cáo, dạy dỗ, thậm chí bắt buộc phải kìm nén lại, vì hầu như nền văn minh cổ xưa nào cũng thấy tham vọng, dục vọng là cái xấu xa tội lỗi. Và cái được kiểm soát ngặt nghèo nhất lại chính là cái ham muốn mạnh mẽ nhất: tình ái, tình dục. Nhu cầu ấy bị cho vào khuôn phép, nhất thiết không được buông thả. Nhớ lại cách đây không xa lắm, chỉ mới trong nửa đầu thế kỷ 20 thôi, nền luân lý nho giáo ở Việt Nam đã kiểm soát chặt chẽ mối quan hệ nam nữ như thế nào: nam nữ thọ thọ bất thân. Lớp người trẻ vừa lớn lên, nhất là người nữ, được dạy dỗ kỹ lưỡng tứ đức tam tòng, đã được chỉ định cách ăn mặc sao cho kín đáo, ngôn ngữ cử chỉ phải nghiêm chính không được lả lơi, và cuối cùng việc hôn nhân là phải “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” chứ không được tự do luyến ái.
Trong một nền giáo dục như vậy có nhiều nhu cầu tự nhiên của một con người mới lớn bị cấm đoán. Tình cảm tươi đẹp của người thiếu nữ bị chặn lại, có thể nói là bị khóa chặt lại: tâm hồn họ có một vùng hoang vắng họ không dám bén mảng vào. Thân thể một người con gái dậy thì có biết bao điều mới lạ xinh tươi họ phải nhốt lại với áo xống mớ ba mớ bảy: lại thêm một vùng hoang vắng được giáo điều tạo lập ra.
Mà không phải chỉ phái nữ. Chính tôi, từ khi là một thằng bé con cũng bị kiểm duyệt liên tục trong cuộc sống trong nhà. Không được nói tục thì hẳn nhiên rồi, lời ăn tiếng nói của “con nhà” thì phải tỏ ra có được dạy dỗ. Nhưng tôi còn bị theo dõi chặt chẽ ở một vùng ngôn ngữ khác là các bài hát, mà một đứa bé năm sáu tuổi chỉ suốt ngày nghêu ngao theo người lớn thôi. Tôi nhớ khoảng năm 1943, 44 hai bà chị của tôi hay hát Buồn Tàn Thu lắm, nhưng nếu tôi bắt chước :
Còn nhớ năm xưa
Kề má say sưa
Nhưng năm tháng qua dần
Mùa thu chết bao lần...
thì bị cảnh cáo ngay: “Ê, Minh. Con nít không được hát câu đó.” Đó là lệnh, không tuân theo thì bị đòn, nên tôi tự động xa lánh những câu mà mãi sau lớn lên tôi mới hiểu tại sao tôi bị cấm: kề má say sưa là động tác ái tình. Thời đó hẳn nhiên các bà chị của tôi cũng chưa ai có kinh nghiệm kề má cả, nhưng các bà hiểu đó là cái gì nên không muốn cậu em 5 tuổi “biết về nó” quá sớm !
Ảnh hưởng của các cấm kỵ như vậy sâu đậm hơn là mình tưởng. Mãi về sau lớn lên, đã “hoang” nhiều rồi mà những cấm kỵ vẫn còn theo mình. Tôi nhớ trong đám cưới của anh Tạ Ký khoảng năm 1962 tại Sài Gòn (lúc đó tôi đã học năm thứ hai Đại học sư phạm tại Đà Lạt), tôi và một đám bạn bè làm ồn ào ở một bàn riêng biệt với những tiếng hô : “Một, hai, ba... Dô!” Bỗng tôi bắt gặp từ một bàn khác một cặp mắt nhìn tôi, hơi nhíu mày và lắc đầu nhè nhẹ. Tôi khựng lại ngay. Cặp mắt của anh Cao Huy Thuần. Ông bố của anh Thuần và bố của tôi là bạn cùng dạy tại một trường tiểu học thời chúng tôi còn nhỏ xíu, hai gia đình rất thân với nhau, cùng một nề nếp giáo dục như nhau, đến nỗi anh Thuần, hơn tôi vài ba tuổi, mấy mươi năm sau vẫn có thể “can thiệp, nhắc nhở” khi tôi lao vào chỗ nhậu nhẹt ồn ào ấy. Cái nhíu mày của anh có kết quả ngay lập tức, chứng tỏ cái mẫu số chung giữa anh và tôi về giáo dục gia đình vẫn còn nguyên ngay cả khi chúng tôi đã bước vào đời.
Dĩ nhiên một nền giáo dục chặt chẽ như thế có những cái hay và cái dở của nó. Nó tạo nên những con người tề chỉnh, nhưng ngẫm cho cùng, cũng nghèo nàn. Khi nhỏ tôi có sống ở làng quê tôi mấy năm, và tôi cũng làm bạn với những đứa nhỏ con các nông dân quen biết với gia đình tôi. Khi tôi đi học vỡ lòng tại trường làng thì những đứa bạn chơi đùa ấy của tôi vì nhà nghèo quá vẫn không được đi học. Và lắm khi tôi có cảm giác mơ hồ là tôi thèm sự hồn nhiên của chúng nó. Chúng tôi đã bày đủ trò chơi trong vườn nhà ông nội tôi, nào buôn bán, cúng tế (tôi biết những tiếng hưng, bái, bình thân là do đám bạn này), nhồi đất nặn tượng, biến chế những khóm mít hái trong vườn với muối và gừng vừa ăn vừa xuýt xoa chảy nước mắt... nhớ lại, đó là chuỗi thời gian hào hứng của tuổi thơ. Nhưng có một điều tôi không học được từ chúng, đó là cái ngôn ngữ nguyên sơ của chúng. Chúng gọi tên từng bộ phận trong cơ thể người nam và người nữ đúng với tên nguyên thủy; những cảnh giao phối của loài vật xung quanh chúng gọi bằng tên thật của động tác tự nhiên, không mắc cỡ, không ngập ngừng. Nhưng tôi thì chịu, không bao giờ có thể gọi theo chúng nó, dù là nói thầm trong miệng cũng không dám. Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy về phương diện ngôn ngữ, tôi nghèo nàn hơn đám bạn thôn quê của tôi rất nhiều, tôi đã bị ngăn cấm, cản trở từ mọi phía để giữ tư cách “con nhà” của gia đình.
Đó là mất hay là được ? Sự cấm đoán đó từ nhỏ đã tạo nên bản chất thứ hai trong người tôi, cho đến bây giờ dù trưởng thành đã lâu và đủ tư cách để có những quyết định cho chính mình, có những ranh giới tôi vẫn không thể vượt qua. Có phải nhờ thế tôi có lối nói lối viết thanh tao hơn, và do đó rất có thể là nhạt nhẽo hơn so với nhiều cây bút khác ? Sự thanh tao trong ngôn ngữ có nhất thiết biểu hiện sự thanh tao trong tâm hồn tôi không ? Tôi nghi ngờ lắm ! Nếu tôi tự cho phép mình nói và viết một cách bỗ bã thì liệu điều tôi viết có đạt đến một cái gì đó có giá trị hơn không ?
Nói chung, những người trẻ tuổi khi lớn lên trong xã hội, cả nam lẫn nữ đều bị những điều kiêng kỵ như thế cả. Nhất là phái nữ, sự cấm kỵ nặng nề hơn phái nam nhiều. Kết quả là luôn luôn, cái kề má say sưa vẫn là hình ảnh tuyệt vời với họ nhưng nhiều khi vẫn làm họ đỏ mặt một mình. Một sự cấm kỵ truyền kiếp đã ăn sâu vào căn tính chúng ta như một huyền bí ẩn giấu rất khó bạch hóa bình thường trong cuộc sống. Nhờ thế sự sống hấp dẫn hơn chăng, huyền nhiệm hơn chăng ? Có phải chính vì thế một vùng trong linh hồn lẫn thể xác của chúng ta vẫn là hoang vắng như một ngôi đền linh thiêng vốn ít ai dám bén mảng vào ? Và danh tính của nó khi con người ghé mắt nhìn vào thì đó là cõi Mê Hoang, vừa mê cuồng, say đắm, vừa hoang dã hoang vu, càng sợ càng dấn bước vào... 
Phút mê hoang chính là phút mà con người được giải phóng khỏi những cấm đoán o ép để sống thật với mình, sống thật với những vùng bấy lâu mình đã “bỏ hoang” chẳng cày xới. Tâm hồn sống với yêu đương, thể xác sống với đụng chạm, ôi những vùng đất hoang mới khai phá để thể nghiệm biết bao là say đắm, mình đang mê hay đang tỉnh đây ?
Hai chữ mê hoang nghe như có ma lực của một hoan lạc vượt khỏi các câu thúc kéo dài quá lâu. Con sâu đo nó đang cười con người đấy :
nó cười cuộc đời chỉ trong gang tấc
sao lại tiếc nhau một chút mê hoang
Trần Mộng Tú khuyến khích chúng ta nên thành thật hơn với chính chúng ta. Những kiêng kỵ truyền kiếp phải được thu hẹp lại để thưởng thức “chút mê hoang” của cuộc đời. “Sao lại tiếc nhau” như một lời trách móc về thái độ quá rụt rè đối với cuộc sống, “chút mê hoang” ấy như một chén rượu nồng và ấm và ngọt ngào, hãy ngửa cổ cạn đi để thể hiện đầy đủ chính ta trong cuộc nhân sinh này.
6 tháng 6, 2017