Thursday, June 29, 2017

TRANH VẼ TẠI MONTMARTRE


Hôm nay một ngày cuối tháng Sáu năm 2017, theo gợi ý của Ngọc Dung người sáng lập và thực hiện blog Nét Xuân Sơn này, tôi xin đặt vào đây một bức họa chân dung của chính tôi được thực hiện cách đây 21 năm tại Paris.
Tháng Năm 1997 tôi cùng Trần Đại Lộc bạn thân của tôi lúc bấy giờ bị ung thư gan giai đoạn cuối, đi Pháp. Đây là lần đầu tiên Lộc và tôi đến Paris, và cũng là chuyến đi chơi chung cuối cùng của chúng tôi. Ngày 30 tháng 9 năm ấy Lộc qua đời tại miền Nam California.
Trong thời gian một tháng ở Paris, Lộc và tôi có đi thăm khu Montmartre, và chúng tôi có nhờ một họa sĩ ở đó thực hiện cho mỗi người một bức chân dung. Sau đây tôi xin trích một đoạn trong bút ký Đi Tây của tôi đăng trong báo Thế Kỷ 21 nói về chuyện vẽ tranh này, mà Lộc có đọc và góp ý trước khi qua đời.



  Phạm Xuân Đài do Kurita vẽ tại Montmartre, Paris 1997



 Lộc và Minh tại quán cà phê Paris
  
(Trích đoạn bút ký Đi Tây của Phạm Xuân Đài từ tạp chí Thế Kỷ 21 số 101, tháng Chín 1997) :...

Lộc muốn có một bức vẽ chân dung để kỷ niệm. Chúng tôi hỏi chuyện mấy họa sĩ Việt Nam đang bày giá bút tại đây, các anh em đó đều vui vẻ gặp đồng hương, và hỏi ngay: “Các anh từ Mỹ đến à?” Hàng ngày gặp gỡ bao nhiêu là người tứ xứ, họ rất nhạy bén trong nhận xét. Khi nghe Lộc có ý tìm một họa sĩ vẽ chân dung thật giống, anh bạn họa sĩ Việt Nam không ngần ngại chỉ ngay một người đàn bà  Á Đông đang lui cui vẽ tranh gần đấy: “ Chị Kurita kìa. Chị ấy là người Nhật, vẽ chân dung tài lắm đó.”

Kurita trạc tuổi ngoài ba mươi, là một người đàn bà nhu mì và rất lễ độ theo lối Nhật Bản, mặc dù cung cách cũng bụi đời giống như hầu hết nghệ sĩ hành nghề tại đây: một cái quần jean bạc mầu, một cái áo thun màu đen, tiếp chuyện với khách khi thì bằng tiếng Pháp, khi tiếng Anh, gặp đồng hương thì lại nói tiếng Nhật. Khi vẽ tranh, Kurita biến thành một người khác. Sau khi gài mảnh croquis lên giá vẽ và mời Lộc ngồi trên cái ghế xếp cách mình độ vài thước, cô ta đứng đối diện vừa với khung giấy trắng vừa với người mẫu và lập tức đi vào một trạng thái như là nhập định của các thiền sư. Thế giới đông đúc ồn ào chung quanh hình như không còn ảnh hưởng gì đến cô ta nữa. Thần thái của cô ta giờ đây chia làm hai rõ rệt: khi quay qua nhìn người mẫu đôi mắt cô mở to gần như hết cỡ, giống như ống kính phải mở tối đa khi chụp ảnh ở một nơi thiếu ánh sáng, các tia mắt trở nên sáng rực


  

Họa sĩ người Nhật Kurita đang vẽ chân dung Phạm Xuân Đài
(ảnh Trần Đại Lộc)


 chiếu thẳng và úp chụp lên người mẫu lúc bấy giờ đang ngồi thụ động như một con mồi đã mất khả năng tự vệ. Trong mấy giây ấy, khuôn mặt cô ta trở thành khác lạ hẳn, cả sự sống ngưng đọng tập trung, đầy vẻ chủ động ngất ngây của một con thú đã quyết định phóng tới vồ mồi. Nhưng khi quay qua với giá vẽ đưa cây bút bắt đầu vờn trên mặt giấy thì vụt một cái nét mặt cô lại trở về vẻ bình thường, hình như mấy giây dữ dội vừa qua là cái không hề có. Bây giờ đến sự bí mật của bàn tay, cô vờn vẽ và hình của Lộc tượng thành dần dần, một cách như là huyền bí phù phép. Hai trạng thái ấy luân phiên xen kẽ nhau khi cô đang làm việc. Suốt bốn mươi phút ngồi làm mẫu, Lộc quan sát cô mà thì giờ trôi qua không hay, vì cái vẻ linh động đến lạ kỳ trong mỗi giây phút mà cô sáng tác. Bức vẽ quả nhiên rất đẹp, không những giống về đường nét, mà cái thần của con người cô thể hiện cũng rất giỏi.
(...)