Friday, July 7, 2017

Câu chuyện bốn câu lục bát

  Riêng gửi Hằng, người đã đặt ra vấn đề văn nói và văn viết .

Trong một lần trao đổi với bạn bè về đặc tính của văn nói và văn viết, không biết tại sao tôi lại liên tưởng đến đến hai cặp câu thơ của Đoàn Thị Điểm và Nguyễn Du:




Áo chàng đỏ tựa ráng pha
Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in
(Chinh phụ ngâm)


Tuyết in sắc ngựa câu giòn
Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời
(Kiều)

Hai câu lục bát giống y hệt nhau về nội dung, đều tả màu áo của người và sắc lông của ngựa. Câu của Đoàn Thị Điểm thì tả áo trước, ngựa sau; câu của Nguyễn Du thì ngược lại.

Tại sao đang bàn về chủ đề lời nói và văn viết, tôi lại liên tưởng đến hai câu này? Nghĩ lại, có thể tiềm thức tôi mách bảo câu của Đoàn nữ sĩ gần với văn nói, còn câu của thi hào Nguyễn Du thì thuần túy là một câu thượng thặng của văn viết, và chỉ có thể là văn viết mà thôi.

Tôi tưởng tượng trong câu chuyện phiếm giữa một đám bạn bè, một người phát biểu : “Hôm qua tôi thấy một người cưỡi ngựa mặc một chiếc áo đỏ màu ráng trời, và con ngựa của người ấy có bộ lông trắng như tuyết.” Đó chỉ là câu lục bát của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm viết thành văn xuôi, có thể thích hợp ngay với câu nói bình thường trong chuyện giữa bạn bè. Ngôn ngữ trong hai câu ấy của nữ sĩ rất gần với văn nói, nghĩa là “thấy sao nói vậy” chứ không sử dụng những kỹ thuật ngoắt ngoéo của nghề viết, có so sánh đấy nhưng chưa tới trình độ của... ẩn dụ. Những chữ như “đỏ tựa” (ráng pha) hoặc “như là” (tuyết in) là cách so sánh rất trực tiếp, giống cách nói chuyện thường ngày của chúng ta. Về trật tự của câu nói cũng vậy, rất đơn giản, chủ thể được đưa ra trước (áo chàng, ngựa chàng), rồi đến tính chất của chủ thể (đỏ, sắc trắng), tiếp theo là đi thẳng đến vật được mang ra để so sánh (tựa ráng pha, như là tuyết in). Các hình ảnh như màu đỏ của ráng trời, hay là trắng của tuyết tuy có mượn từ thiên nhiên xa xa nhưng rất cụ thể ai cũng có thể liên hệ nhanh chóng, nhất là qua lối so sánh trực tiếp của nữ sĩ.

Trong khi đó câu của Nguyễn Du thì không cách gì có thể mang “dịch” ra thành chữ nghĩa nôm na của lời trò chuyện. Để tả màu lông ngựa, cụ Tiên Điền viết: Tuyết in sắc ngựa câu giòn, cụ đã đảo ngược câu nói, túc từ trước, chủ từ sau, khác với câu nói bình thường “con ngựa có sắc trắng như tuyết”. Và cụ cũng không viết về con ngựa một cách chân phương (ngựa chàng sắc trắng) mà còn tả hình dáng và phong thái của con ngựa: ngựa câu là một loại ngựa tốt còn non, giòn là cách bước đi đều đặn và khỏe mạnh của nó. Đến Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời thì cách tả lại càng lắt léo và phức tạp nếu so sánh với cách nói thẳng một cách đơn giản của nữ sĩ : Áo chàng đỏ tựa ráng pha. Cụ Nguyễn Du đã cho màu áo của Kim Trọng đến mấy lần xanh, thoạt đầu là cỏ pha màu áo, áo có màu xanh của cỏ, nhưng chỉ pha thôi chứ không xanh hẳn như cỏ; rồi cái áo ấy lại được nhúng vào một loại thuốc nhuộm nữa, là xanh da trời, nhưng mà chỉ “nhuộm non” thôi, tức da trời màu xanh nhạt (khác với màu trời xanh thẳm). Chao ôi là tình tứ, là lãng mạn cái màu áo của nhân vật sắp đi vào cuộc yêu đương với một mỹ nhân vừa khóc trước mả Đạm Tiên !
Trên đây chúng ta vừa xét về nghệ thuật câu, chữ của hai câu lục bát trích ra từ Chinh Phụ Ngâm và Truyện Kiều. Tìm hiểu câu và chữ chưa hẳn là một đánh giá về giá trị câu thơ. Vấn đề là câu, chữ chữ ấy có diễn đạt được, có lột tả được phong cách của nhân vật và khung cảnh những gì đang xảy ra hay không.

Ở Chinh Phụ Ngâm, đây là lời của một thiếu phụ có chồng ở vai trò chỉ huy phải ra trận mạc, nàng nhớ lại hình ảnh giây phút chia tay, áo chàng thế nào, ngựa chàng ra sao, nỗi nhớ khiến nàng buột miệng thốt nên lời mô tả hình ảnh người ngựa lúc lên đường lời lẽ dứt khoát gọn gàng với những màu sắc ấn tượng. Lời lẽ ấy phù hợp với môi trường quân sự, trong khung cảnh xuất quân của một võ tướng. Nàng có vẻ choáng ngợp với vẻ uy nghi cờ xí và gươm dáo của hàng quân ra trận, và rõ ràng say đắm cùng hình ảnh hùng tráng của người chỉ huy áo trận màu đỏ nổi lên trên sắc trắng như tuyết của con tuấn mã chàng cưỡi. Lời mô tả của nàng chinh phụ chứa đầy sự kiêu hãnh trước một hình tượng vô cùng đẹp đẽ của người chồng, mà trong đời mình chắc là ít khi nàng có dịp được thấy.

Trở qua câu Kiều, cũng xuất hiện người và ngựa, nhưng mọi sự êm ả làm sao, trai tài gái sắc gặp gỡ nhau trong cảnh chiều tà của một cuộc du xuân nhàn nhã. Tuyết in sắc ngựa câu giòn, Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời, đó là hình ảnh “chàng” hiện ra trước mắt một giai nhân tuyệt sắc, để bắt đầu cả một thiên chuyện tình và chuyện đời dài có tên là đoạn trường. Phong độ tài hoa và hào hoa của chàng thư sinh lộ rõ cũng chỉ bằng màu sắc, giống như câu của Chinh Phụ Ngâm, khiến chúng ta không khỏi tự hỏi tại sao người xưa lại có kỹ thuật dùng màu sắc để miêu tả giống nhau như vậy. Có thể màu sắc nói lên tính cách trực tiếp nhất của đối tượng qua cái nhìn đầu tiên. Và cùng với người luôn luôn có con ngựa. Phải chăng phương tiện di chuyển này khẳng định một giai cấp, giống như thời nay tả một chàng tuổi trẻ tài cao thì phải ngồi sau tay lái của một chiếc xe hạng sang Mercedes, Jaguar hay là Lexus ? Hai câu của cụ Nguyễn Du với các màu sắc trắng tinh khôi của ngựa, màu xanh lam nhạt của tà áo chàng trai tỏ rõ tính chất văn nhân thanh tú của Kim Trọng.

Trong khi trao đổi chuyện trò hàng ngày với nhau, chắc chắn không ai trong chúng ta có thể dùng lối hành văn ấy của cụ Nguyễn Du. Đó là lối viết siêu việt của một thiên tài thi ca. Chỉ trong hai câu mà tả vừa kẻ văn nhân vừa con ngựa của chàng với một thứ tiếng Việt mềm mại óng ả lẫn thứ tự cú pháp được đảo lộn cực kỳ khéo léo, tạo nên một phong cách tao nhã cho một cuộc gặp gỡ định mệnh. Những câu như thế chỉ có thể được cô kết trên mặt giấy, để được đặt vào đền thờ nền quốc văn muôn thuở của nước Việt Nam.

Xem ra hai cặp lục bát này là một ví dụ rất rõ rệt sự khác biệt giữa văn nói và văn viết là ở đâu.

July 5, 2017

Phạm Xuân Đài