Saturday, October 28, 2023

Phạm Phú Minh: Một Câu Chuyện Cần Kể Lại

 Tôi sắp kể cho các bạn nghe một chuyện cũ liên quan đến trường Trần Quý Cáp (Hội An, Quảng Nam) xảy ra vào năm 1956, cách đây 53 năm. Đây là lần đầu tiên tôi kể chuyện này, một câu chuyện thời đó ai học Trần Quý Cáp cũng biết nhưng hình như không ai biết một cách tường tận. Vì nghĩ rằng trong lịch sử trường Trần Quý Cáp một việc như thế tuy không phải là cái gì lớn lao quá, nhưng cũng không phải là nhỏ, tôi thấy cần ghi lại trước khi mọi việc trôi hẳn vào quên lãng. Chính tôi phải ghi lại vì tôi là người trong cuộc.

 Đó là vụ đuổi một lúc năm học sinh của trường, vào ngày 6 tháng 3 năm 1956, những học sinh đó là:

 - Nguyễn Đình Hà

- Phạm Phú Minh

- Khưu Vỹ Nghị

- Nguyễn Thiện Nhiễu

- Lê Đình Thảng

 Lý do đuổi, sau khi cả năm người ra Hội đồng Kỷ luật, là đã làm một tờ báo mà không xin phép nhà trường. Đó là tờ báo in ronéo, dày độ dăm chục trang, có tên là Đoàn Kết của lớp Đệ Ngũ 1, ra vào dịp Tết 1956. Trước khi tìm hiểu nguyên ủy sâu xa của việc chỉ vì làm một tờ báo trong trường mà năm học sinh bị đuổi học, cần biết tờ báo đó do đâu mà có.

 Chúng tôi, niên khóa 1955-1956 là học sinh của lớp Đệ Ngũ 1 của trường Trần Quý Cáp. Lớp này thành hình vào năm 1953 sau một cuộc thi tuyển vào lớp Đệ Thất của trường, tất cả học sinh trúng tuyển được xếp vào hai lớp Đệ Thất 1 và 2, mỗi lớp độ 50 học sinh. Chúng tôi đã sống hai niên khóa Đệ Thất và Đệ Lục thật là vui vẻ tươi đẹp, có lẽ là tươi đẹp nhất của cả cuộc đời chúng tôi, mặc dù vào cuối năm Đệ Thất đất nước trải qua những biến cố quan trọng: hội nghị Genève chia đôi Việt Nam, tiếp theo là cuộc di cư của đồng bào ngoài Bắc vào Nam. Cuối mỗi niên khóa hầu như tất cả học sinh cũ đều được lên lớp trên, và vào kỳ khai giảng niên khóa 1955-56, chúng tôi bước vào lớp Đệ Ngũ, mỗi người tự thấy mình lớn hơn và chững chạc hơn một tí so với hai năm trước.

Không lâu sau ngày khai giảng các lớp được thông báo về hoạt động hiệu đoàn, với mỗi lớp có một thầy/cô chủ nhiệm, các hoạt động thể thao, văn nghệ, báo chí... được đề cập tới. Một bầu không khí mới mẻ, so với các năm trước. Thầy chủ nhiệm của Đệ Ngũ 1 là thầy Tống Khuyến. Trong thời gian gần Tết năm ấy, mỗi lớp được nhắc nhở tập văn nghệ cho lửa trại cuối năm, và làm tờ bích báo cho lớp. Cũng như hai năm trước, lên Đệ Ngũ tôi lại tiếp tục làm trưởng lớp, vì thế thầy chủ nhiệm giao cho tôi tổ chức các việc này. Về văn nghệ, tôi trình với thầy lớp sẽ tập một bài hợp ca có bè hẳn hoi, là bài Rừng Lạng Sơn, và kêu gọi anh chị em trong lớp viết bài để thực hiện tờ báo của Đệ Ngũ 1 chưa biết sẽ làm theo hình thức nào.

Việc tập hát được tiến hành trong mùa đông năm ấy, với “ban hợp ca” gồm các bạn Trịnh Văn Út đệm ghi ta, Dương Thị Thu Cúc, Thái Thị Diệu Minh, Lê Thị Quỳnh Diêu, Tăng Thiên Mân, Trần Văn Anh, Lê Rô, Vũ Ngọc Lâm, Phạm Phú Minh... còn nữa nhưng tôi không nhớ hết. Mỗi tuần tập vài ba buổi tối trên căn gác nhà Lê Rô trên đường Nguyễn Thái Học, người viết bè là nhạc sĩ Dương Minh Hòa, thường tới để giúp việc tập hát. Là chú ruột của Thu Cúc (và là em của nhạc sĩ Dương Minh Ninh), nhạc sĩ Hòa chỉ giúp cho “ban hợp ca” Đệ Ngũ 1 của cháu mình thôi, chứ không dính dáng gì đến trường Trần Quý Cáp. Tôi nhớ bè hai chỉ được viết một đoạn ngắn từ câu

 

Biên khu ù u, biên khu ù u

Tia vàng son xuyên qua lau mờ

Về trên suối khói lên làn mơ

Nắng trôi về xuôi tới đâu thương nhớ

V.v...

 thế mà tôi và Vũ Ngọc Lâm, chưa từng biết hát hợp ca chia bè nay được phân hát bè, phải tập mãi và chú hết tinh thần khi hát chung để khỏi lạc qua phần chính. Cái vụ hát bè này do chính tôi bày đặt ra, mặc dù lúc ấy hiểu biết về âm nhạc còn non nớt lắm, nhưng tôi muốn Đệ Ngũ 1 phải “chơi trội” vượt qua các lớp khác.

Tinh thần lúc đó là như vậy. Vừa qua tuổi “con nít” với những trò chơi đánh trận giả, đá banh... bất tận của những năm trước, bây giờ chúng tôi cảm thấy mình đã lớn và phải đảm nhận một cách đàng hoàng các sinh hoạt hiệu đoàn. Đã hát thì phải hợp ca có bè, đã làm báo thì đó phải là tờ báo không lớp nào trong trường thực hiện nổi, kể cả các lớp lớn. Và tờ báo Đoàn Kết của chúng tôi đã in bằng ronéo!

Hồi đó kỹ thuật in ronéo đã được áp dụng tại Hội An, và thầy Nguyễn Cửu Triệp có khuyến khích lớp chúng tôi in một số bài Vạn Vật của thầy để khỏi mất công chép bài. Mỗi học sinh trong lớp góp một số tiền nhỏ để mua giấy stencil và giấy in, thầy Triệp đánh máy bài và vẽ hình (thầy vẽ rất đẹp), còn việc in thì thầy giao cho Khưu Vỹ Nghị và Hồ Đại Sơn mang đi... in nhờ. In ở đâu? Hồi đó chỉ ty Thông Tin và Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia là có máy in, may mắn Nghị quen với người phụ trách ở cả hai nơi, thấy in bài học các anh phụ trách vui lòng chỉ dẫn cách in, lại còn giúp chỉnh đốn về kỹ thuật như dùng corrector tẩy xóa những chỗ hỏng v.v... Khi thấy tinh thần làm báo của Đệ Ngũ 1 rất hăng, chính thầy Triệp gợi ý tại sao không thực hiện một tờ báo in ronéo, và thế là anh em bắt tay làm liền!

Bài vở tôi đã nhận được khá đầy đủ, trong đó tôi nhớ có bài tùy bút Tiếng Chuông Nhà Trường của Nguyễn Đình Hà, bài thơ Họ và Ta của Lê Đình Thảng, bài Đội Banh Tennis của Phạm Phú Minh, và bài kiểu như lời tòa soạn do tôi viết với câu mở đầu: “Như những con chim non đứng nép vào nhau trong cơn bão tố...” Bìa do thầy Triệp vẽ hai thiếu niên một nam một nữ cạnh nhau rất dễ thương. Vấn đề nan giải là: có bài rồi, nhưng làm sao đánh máy vào giấy sáp? Hồi đó chúng tôi chưa ai biết gì về máy chữ. Nhưng cũng chính Nghị đã tìm ra giải pháp: nhờ mẹ của Nghị đánh máy. Hồi đó cô Thảo, mẹ Nghị làm việc ở văn phòng nhà máy đèn Hội An (bây giờ có thể người ta gọi là Sở Điện Lực), đánh máy rất rành, và hình như nhà cũng có một máy chữ xách tay. Tôi nhớ mùa đông năm đó, 1955, tối nào tôi cũng đến nhà Nghị để lo công việc, và tối nào cũng thấy cô Thảo cặm cụi đánh máy bài vở của chúng tôi vào giấy stencil. Có thể nói nhà Nghị là tòa soạn của báo Đoàn Kết, đây là tòa soạn đầu tiên trong đời làm báo của tôi. Nói là “lo công việc” cho lớn chuyện, thật sự có gì để lo nhiều đâu, chỉ có đánh máy là nặng thôi, tôi đến chỉ là để chơi với Nghị và nhiều bữa ngủ lại, sau khi hai đứa đi ăn mì ở tiệm Tàu bên cạnh nhà thuốc Đức Phú trên đường Lê Lợi. Hồi đó Nghị là con cưng, thường có tiền để bao tôi đi ăn, hai đứa đi trên đường phố vắng vẻ về đêm mùa đông và những tô mì thì ngon tuyệt trần.

Khi các bản stencil đã đánh máy xong sắp sửa đưa in thì nảy ra một vấn đề mới: không có giấy in! Các nhà sách tại Hội An không nơi nào bán giấy quay ronéo cả. Phải đi Đà Nẵng. Nguyễn Thiện Nhiễu xung phong đi Đà Nẵng mua giấy, đến nhà Lê Văn Sính hỏi mượn chiếc xe đạp, nhưng chỉ nói “mượn đi đây một chút thôi”. Theo tôi nhớ thì cả lớp tôi hồi đó chỉ Sính có xe đạp thôi, một chiếc xe đàn ông sơn đỏ, guidon vuông trông gần giống chiếc xe đua, rất ngon lành. Sính cưng chiếc xe lắm, và cũng “nể nang” Nhiễu lắm mới cho mượn. Mượn được xe, Nhiễu phóng một mạch đi Đà Nẵng, cùng với một bạn nữa, tôi không nhớ là ai. Hội An cách Đà Nẵng 30 cây số, đâu có chuyện đi một chút rồi đem xe về trả được! Nhiễu đi từ sáng, đến trưa chưa thấy về, rồi hai giờ chiều, rồi ba giờ chiều vẫn bặt tăm. Sính bồn chồn, lo lắng, đi tới nhà bạn bè hỏi thăm về Nhiễu, nhưng không ai thấy Nhiễu ngày hôm đó cả. Thế là Sính ôm mặt khóc! Mãi đến gần tối Nhiễu mới về tới với mấy ram giấy, và mang xe trả cho Sính, cười hề hề: “Tau đi Đà Nẵng mua giấy làm báo cho lớp chớ phải đi chơi mô!” Thấy xe, Sính mừng quá, cũng đành cười trừ!

Ở đây phải ghi nhận công lao của Sính –đúng hơn là chiếc xe đạp của Sính- đóng góp trong việc đi mua giấy để in báo Đoàn Kết. Và công lao khó nhọc của Nhiễu thì rõ quá rồi, nhưng hay nhất là Nhiễu đã tạo nên câu chuyện mượn xe thành một kỷ niệm khó quên trong đời học sinh của chúng tôi. Hiện nay bạn Sính đang ở Úc, không biết thỉnh thoảng có nhớ lại những nỗi vui buồn này không. Bây giờ nếu bạn có sắm được những chiếc xe hơi sang trọng, tôi chắc bạn cũng không cưng hơn chiếc xe đạp đầu đời thời đó đâu, phải không Sính?

Việc in báo phần chính là do Nghị đảm trách, xong xuôi trước Tết, cả lớp Đệ Ngũ 1 hãnh diện đã thực hiện được tờ báo in, trong khi dự kiến chỉ là một tờ bích báo, hoặc giỏi lắm chỉ là một quyển báo viết tay. Và tiết mục hợp ca Rừng Lạng Sơn của chúng tôi trong đêm lửa trại ngày Ông Táo về trời được coi la mục nổi bật của chương trình. Hát  xong vừa lui ra vòng ngoài thì chúng tôi gặp ngay Nguyễn Thiện Nhiễu khen rối rít “Hay quá, hay quá!” Có thể nói những ngày giáp Tết năm đó chúng tôi sống ngất ngây với những thành tựu đầu tiên của tuổi trẻ khi kết hợp cùng nhau hoạt động trong tinh thần tập thể.

Nhưng tinh thần hào hứng ấy không kéo dài được lâu. Ăn Tết xong, chúng tôi bắt đầu nghe phong phanh những dư luận bất lợi, đại khái như là có một đám học sinh đang âm mưu phá rối trong trường, và đám ấy chính là chúng tôi. Một hôm, buổi sáng sau bài tập thể dục tại sân trường mới, tôi đã được huấn luyện viên Huýnh gọi riêng để nói chuyện. Đại khái ông nói ông hiểu tuổi trẻ thì có nhiều ước vọng, muốn làm nhiều chuyện, nhưng phải đề phòng, vì người khác không nhìn vấn đề giống như mình đâu. Ông xa gần hé cho tôi thấy là chúng tôi đang bị theo dõi, nên rất cẩn thận. Tôi cảm động vì sự quan tâm của ông đối với tôi, nhưng cũng ngạc nhiên, vì thực sự chúng tôi có làm gì bậy đâu, chẳng qua chỉ là các hoạt động hiệu đoàn. Tất cả những việc chúng tôi làm trong thời gian qua toàn là vì thiện ý, cái thiện ý trong sáng và ngây thơ của tuổi thiếu niên, mong muốn cái gì cũng được hay hơn, tốt hơn. Nhưng tôi cũng phải nhìn lại mọi sự việc từ đầu niên khóa cho đến thời điểm đó.

Mới vào đầu niên học đã xảy ra một việc do tôi đầu têu có lẽ làm phiền lòng ban giám hiệu không ít. Thầy Hoàng Trung là giáo sư dạy toán và khoa học giỏi nhất trường, may mắn thay vào niên học mới lớp Đệ Ngũ của chúng tôi được thầy dạy môn Lý Hóa. Phải nói giờ của thầy là niềm hạnh phúc cho cả lớp, ai nấy im lặng lắng nghe như uống từng lời giảng của thầy. Sau này cũng đi ngành sư phạm, ngẫm lại thời gian được học với thầy Trung, tôi thấy không mấy ai đạt được lối giảng dạy của thầy, giản dị, sáng sủa, thích thú, khiến cho người học sinh giỏi nhất hoặc dở nhất lớp đều muốn học. Thế mà chỉ khoảng một tháng sau ngày khai giảng, lớp chúng tôi mất giờ thầy Trung! Một loạt giáo sư trẻ về trường, và cô Kim Anh thay thế thầy Trung để dạy Lý Hóa lớp chúng tôi. Kể ra đòi hỏi một người trẻ mới đậu tú tài phải dạy giỏi như một giáo sư xuất sắc lâu năm như thầy Trung là một việc vô lý, nhưng cả lớp tôi như lặng đi vì sự thất vọng khi bắt đầu bị dẫn vào những lời giảng mông lung rất khó nắm bắt của một giáo sư trẻ thiếu kinh nghiệm. Con đường thu nhận kiến thức khoa học của cả lớp đang ngon trớn bỗng khựng lại chẳng khác nào đang đi giữa đồng bằng bỗng gặp một vách núi sừng sững. Không ghét bỏ gì cô Kim Anh cả, nhưng chúng tôi tiếc thầy Trung quá! Tiếc đến độ tôi ngỏ ý với các bạn trong lớp nên làm một kiến nghị gửi nhà trường xin cho thầy Trung trở lại với chúng tôi. Dĩ nhiên ai cũng đồng ý. Và người viết lá thư thỉnh nguyện ấy, và mang lá thư ấy trình cho ông hiệu trưởng Tăng Dục không ai khác hơn là tôi. Tôi làm các việc ấy với tư cách trưởng lớp, một cách vô tư không thấy một chút e ngại nào, vì chỉ thấy đó là việc phải, nhất là ở tuổi ấy đâu có suy xét đến những vấn đề khác như có thể làm khổ tâm cô Kim Anh, và gây khó khăn cho sự sắp xếp giáo sư và giờ giấc của nhà trường. Chỉ biết có một điều, là đạo đạt nguyện vọng thiết tha của mình thôi. Tôi hoàn toàn không biết việc làm của tôi đã bắt nguồn cho biết bao sóng gió về sau.

Cũng nên quay về với trường Trần Quý Cáp hai năm về trước khi chúng tôi được tuyển vào lớp Đệ Thất mùa thu năm 1953. Trường đặt trong chùa Hải Nam, tên của trường năm ấy còn gọi là Trung học Quảng Nam. Hải Nam là một ngôi chùa Tàu lớn, cách xây cất tân tiến như một hội quán hơn là một ngôi chùa, vào cổng gặp ngay một sân rộng có trồng hai cây phượng đã thành cổ thụ, rồi đến một tòa nhà lầu sáng sủa kiến trúc theo lối tây, và hai dãy phòng hai bên dùng làm lớp học. Phần thờ tự chỉ thu vào dãy nhà chính giữa lùi về phía sau, học sinh không được bén mảng đến.

Niên khóa 1953-1954 là lần đầu tiên trường mở hai lớp Đệ Thất, 1 và 2, với tổng số học sinh được tuyển vào khoảng 100. Thoạt đầu tất cả các lớp đều học trong chùa, nhưng sau mấy tháng hai lớp Đệ Thất được đưa sang “Câu Lạc Bộ” là một ngôi nhà hai phòng bên cạnh sân tennis của thành phố, trên miếng đất trước mặt chùa Hải Nam. Cho đến bây giờ tôi cũng không hiểu tại sao gọi ngôi nhà ấy là câu lạc bộ, có thể thoạt tiên người ta xây nhà đó để làm chỗ sinh hoạt cho các hội viên của sân tennis, hoặc thành một thứ hội quán thể thao của thành phố, nhưng sau vì nhu cầu trường học cho con em nên hai lớp Đệ Thất chúng tôi lần đầu tiên được di chuyển ra học tại đó. Trong những lớp học mới này, hai lớp Đệ Thất chúng tôi cảm thấy thoải mái hơn là học trong chùa vì có không gian khoáng đãng hơn, có sẵn sân tennis ngay bên cạnh để tổ chức các trận đá banh thư hùng giữa hai lớp, và nhất là “xa mặt trời” vì văn phòng trường nằm tuốt trên lầu chùa Hải Nam. Chỉ có tôi với nhiệm vụ trưởng lớp là hay lên xuống văn phòng để mang sổ điểm và “sổ đầu bài” mà tôi có nhiệm vụ ghi tên bài của mỗi giờ học và trình cho giáo sư phụ trách ký. Trên cái lầu rộng thênh thang ấy, tôi nhớ chỉ thường thấy hai người, là ông hiệu trưởng Tăng Dục và ông giám thị Lê Văn Kỉnh người Huế, thân sinh của hai giáo sư Lê Thị Kim Quỳ và Lê Thị Kim Anh.

Hai năm Đệ Thất và Đệ Lục của chúng tôi trôi qua êm đềm, chỉ biết học và đá banh, ngoài ra hầu như không tham gia bất cứ công tác nào của nhà trường. Có thể thời gian ấy trường chưa có nhiều sinh hoạt hiệu đoàn, và nếu có thì các lớp của chúng tôi còn bị coi là “con nít” quá, chưa được cho tham gia. Tôi nhớ niên khóa 1954-1955 tôi đang học Đệ Lục thì trường có tổ chức ban nhạc, nhưng gồm toàn học sinh lớp Đệ Tứ như Phạm Văn Tần (La Thoại Tân sau này), Tường Loan v.v... Một hôm gần cuối niên học (hay gần Tết?) tôi có đứng nghe ban nhạc tập dượt bài Hành Khúc Nga (Marche Russe), một giàn toàn là đàn mandoline với một cây ghi ta đệm. Cũng trong buổi ấy, Phạm Văn Tần có hát một câu trong bản Phố Buồn của Phạm Duy “Yêu phố yêu nhà gạch ngon” rồi vừa cười vừa nói: “Làm sao cái nhà gạch mà lại ‘ngon’ được!”

Nhưng qua niên khóa 1955-1956 thì không khí trong xã hội lẫn trong trường nhộn nhịp hẳn. Chính quyền Ngô Đình Diệm bắt đầu vững mạnh sau những rối ren chống đối từ khi ông Diệm về nước, năm 1955 tổ chức truất phế Bảo Đại, và tổ chức luôn bầu cử Quốc Hội lập hiến với các hình thức cổ động rầm rộ. Tại miền Trung các chiến khu chống đối chính quyền ông Diệm như Ba Lòng của Đại Việt tại Quảng Trị, chiến khu miền thượng du tỉnh Quảng Nam của Việt Nam Quốc Dân Đảng dần dần bị thất thế, phải về “quy thuận” với chính phủ. Ở miền Nam thì đã dẹp yên Bình Xuyên, lập mưu giết xong Ba Cụt thu Hòa Hảo, Cao Đài về một mối. Đệ nhất Cộng Hòa ra đời trong tư thế rất vững mạnh, lo tổ chức một phong trào có vẻ quần chúng tại các địa phương, là Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia. Nếu tôi nhớ không lầm, ông Tăng Dục là Chủ tịch đầu tiên của phong trào này tại Quảng Nam.

Hồi đó chúng tôi còn nhỏ chưa có ý thức sâu sắc về chính trị xã hội, nhưng ngày nay nhìn lại thì thấy tình hình Quảng Nam ngày ấy quả đã đặt nhiều mối lo âu cho nhà cầm quyền. Sau cuộc đình chiến 1954, chính quyền quốc gia tiếp thu phần lớn diện tích tỉnh Quảng Nam nguyên là vùng kháng chiến do cộng sản lãnh đạo, trong quá trình tiếp thu đã xảy ra không ít vụ “đấu tranh” của dân do cán bộ cộng sản xúi dục, đã phải giải quyết bằng súng ống. Phe Quốc Dân Đảng là thế lực đảng phái có thực chất, có ảnh hưởng lớn trên thành phần trí thức trong tỉnh, dĩ nhiên chống cộng quyết liệt, nhưng lại bất đồng với chính quyền ông Diệm đến nỗi phải lập chiến khu chống đối. Các yếu tố đó khiến chính quyền rất cảnh giác, phòng ngừa các biến động trong xã hội. Trong bối cảnh ấy, ông Tăng Dục vừa là hiệu trưởng trường trung học lớn của tỉnh, vừa nhập cuộc sân khấu chính trị với chính quyền quốc gia mới của miền Nam, dĩ nhiên phải dè chừng coi ngó đám học sinh ngày càng đông đảo của ông mà khuynh hướng tư tưởng của chúng thì chắc không đương nhiên đồng nhất với câu khẩu hiệu hoan hô Ngô Tổng Thống với cuộc “cách mạng quốc gia” theo lý thuyết của ông Ngô Đình Nhu.

Cũng giữa bối cảnh ấy, lớp Đệ Ngũ 1 của chúng tôi lại đưa đầu vào cái thòng lọng với các việc làm của mình mà chẳng có một ý thức cảnh giác nào. Các hành động hoàn toàn ngây thơ trong sáng về một phía, nhưng lại chứa đựng đầy rẫy nguy hiểm dưới con mắt của một phía khác. Nói cụ thể hơn, dưới con mắt của ông Tăng Dục, một nhà giáo dục đang có tham vọng gây một tư thế chính trị cho phần đời còn lại của mình. Trường học bấy lâu đang yên ổn, chúng tôi lại gây phong trào đòi thay đổi giáo sư! Có thể trong tư tưởng của nhà trường lúc đó, lá thư xin thầy Hoàng Trung tiếp tục dạy Lý Hóa cho lớp Đệ Ngũ 1 là một việc không chấp nhận được, là một hành vi nổi loạn, mặc dù bên ngoài chỉ tỏ tinh thần hiếu học mà thôi. Việc làm không có tiền lệ của chúng tôi trong bối cảnh tình hình lúc đó, quả thật cũng dễ gây lo lắng cho ban giám hiệu, nhất là ông hiệu trưởng đang ra sức cảnh giác và dĩ nhiên gây khó chịu nhiều cho ông giám thị Lê Văn Kỉnh là thân phụ của cô Kim Anh. Nhà trường không trực tiếp trả lời yêu cầu của chúng tôi, nhưng một thời gian sau đó thì thay cô Kim Anh, để thầy Đặng Mộng Lân, một thầy giáo trẻ mới về, dạy Lý Hóa lớp chúng tôi.

Giá mà dừng lại đó thì chắc không đến nỗi nào. Đàng này, tình hình đã như thế, chúng tôi lại lao vào chuyện làm báo! Mà là báo in, lại một việc chưa có tiền lệ tại trường này, mà kết quả là năm học sinh lớp Đệ Ngũ 1 phải ra Hội đồng Kỷ luật ngày 6 tháng 3 năm 1956, và bị đuổi học.

Sáng ngày hôm ấy, chúng tôi năm đứa được lệnh phải đến văn phòng nhà trường tại chùa Hải Nam và lần lượt mỗi người được gọi vào phòng Hội đồng Kỷ luật. Tôi không nhớ tôi là người thứ mấy được gọi vào, trong phòng hiện diện ông hiệu trưởng Tăng Dục, ông giám thị Lê Văn Kỉnh, giáo sư Hoàng Trung và giáo sư Phan Khôi. Tôi nhớ người phát ngôn gần như duy nhất trong Hội đồng là ông Tăng Dục, lời kết án của ông xoay quanh tờ báo “trái phép” của chúng tôi, mà điểm chính là: ai cho các trò làm báo in? Tôi trả lời chúng tôi làm theo lời kêu gọi làm báo của nhà trường, thầy chủ nhiệm Tống Khuyến khuyến khích chúng tôi làm. Nhưng ông Dục lờ khía cạnh hiệu đoàn, mà chỉ xoáy vào hành vi vô kỷ luật là mang in tờ báo mà không xin phép. Thầy Hoàng Trung có là người duy nhất ngoài ông Dục lên tiếng phát biểu một câu vô thưởng vô phạt nào đó tôi không nhớ rõ. Tôi nói lời cuối cùng trước khi rời “phòng xử”: “Thưa quý thầy, con xin nhận tất cả trách nhiệm việc này về phần con, các bạn khác không liên quan gì cả.” Tôi được thông báo không đến lớp nữa sau phiên tòa này.

Từ buổi sáng hôm đó, năm đứa chúng tôi không còn là học sinh Trần Quý Cáp nữa. Bị đuổi học. Tôi nói đùa, nhại câu văn nổi tiếng của Thanh Tịnh: “Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi bị đuổi học.” Có cái lạ là cả năm đứa tôi chỉ bị choáng váng trong buổi sáng hôm đó, còn về sau thì thấy mọi chuyện cũng bình thường, có khi còn cảm thấy thảnh thơi vì mình chẳng phải lo đi học, lo học bài, làm bài như các bạn còn trong “vòng cương tỏa”.

Đáng tội nghiệp thay cho tuổi trẻ chúng tôi! Chúng tôi quá vô tư, ngay cả trong tai nạn của mình. Ngày ngày gặp nhau cười đùa và tính chuyện tìm nơi đi học tiếp trong những ngày tháng sắp tới, không biết rằng một tai họa lớn hơn đang rình rập trên đầu chúng tôi: ông hiệu trưởng trung học Trần Quý Cáp đã làm văn thư tường trình vụ này cho Tỉnh trưởng Quảng Nam và Ty Công An Quảng Nam để nhờ tay chính quyền theo dõi trừng trị chúng tôi khi chúng tôi đã rời khỏi trường. Nhờ một tình cờ may mắn, chúng tôi đã được biết việc này.

Nguyên nhà của Nghị là một căn phố khá bề thế trên đường Cường Để, đối diện với chùa Tiền Hiền, rất gần trường Trần Quý Cáp (chùa Hải Nam), chúng tôi thường gặp gỡ nhau ở đó để lo công việc làm báo và để trò chuyện chơi. Đó là một ngôi nhà rất rộng, trên có lầu, gia đình ba người gồm mẹ Nghị và hai anh em Nghị, Diệu Hồng hầu như chỉ ở trên lầu, cả căn tầng trệt phía trước thênh thang chỉ để làm phòng khách. Từ ngoài đi vào qua khỏi phòng khách thì đến một khoảng lộ thiên có giếng nước và một lối đi có lợp mái dẫn xuống phần nhà sau dài hun hút. Vào thời khoảng mùa đông năm 1955, phần phía sau này được cô Thảo cho một gia đình người Bắc di cư thuê, đó là gia đình ông Huyến. Do một sắp xếp nào đó rất tình cờ, ông Huyến lại đang là Trưởng Ban Điều Tra của ty Công An Quảng Nam. Ông là một người trạc tuổi bốn mươi, vẻ từng trải và tử tế, tối nào cũng bế con nhỏ lên nhà trên chơi với đám làm báo chúng tôi, tò mò xem các bài báo do cô Thảo đang đánh máy, có lần ông hỏi tôi về tổ chức Hiệu đoàn của trường nhân đọc bài tôi viết về Hiệu đoàn. Lúc bấy giờ tôi và Nghị coi ông như một người anh từng trải, và ông đối với chúng tôi thân mật như một thành viên trong gia đình. Cả một mùa đông trôi qua yên lành như thế. Nhưng sau Tết, một hôm ông Huyến về nhà cho Nghị biết là ty Công An nhận được phúc trình của trường Trần Quý Cáp về việc có một nhóm học sinh dùng nhà số 207 đường Cường Để (địa chỉ nhà Nghị) làm trụ sở xuất bản báo “phản động”, đề nghị phía công an điều tra theo dõi. Dĩ nhiên ông Huyến biết tờ báo phản động đó chính là tờ Đoàn Kết của lớp Đệ Ngũ 1 chúng tôi, mà sự thành hình của nó ông theo dõi từ đầu tới cuối, bài vở của nó ông cũng vô tình đọc hết từ lâu rồi! Ông biết ngay có một ẩn tình trong vụ này, chứ phản động thì chắc chắn chẳng có gì, vì thực chất đây chỉ là một “tờ báo” thuần túy học trò. Tuy nhiên ông cũng phải làm một số thủ tục “điều tra”, như cho một nhân viên công an đến nhà hỏi Nghị qua loa về tờ báo, ghi chép, rồi về. Sau đó một hôm Nghị thấy ông trưởng ty Công An Bửu Trọng đến văn phòng trường Trần Quý Cáp, trên tay cầm một tờ Đoàn Kết. Không phải suy đoán xa xôi gì, Nghị biết là ông trưởng ty Công An đến để nói chuyện với ông hiệu trưởng Tăng Dục về tờ báo “phản động” này, rằng nó chẳng có chi là phản động cả. Có lẽ nhờ thế, từ đó về sau chúng tôi không bị bất cứ sự khó khăn nào với cơ quan an ninh của chính quyền.

Nhưng chúng tôi không biết rằng trong khi chúng tôi vô tư với những hoạt động của tuổi trẻ như thế, công an đã theo dõi chúng tôi. Đoàn Xuân Tân là con bác Hương Lan chủ quán nước dừa trước mặt chùa Hải Nam, học lớp Đệ Ngũ 2, thường qua chơi nhà Nghị ở bên cạnh, một hôm (trước khi chúng tôi bị đuổi) khi vừa từ trong nhà Nghị bước ra thì có một người đến bên cạnh, cho Tân biết mình là công an và yêu cầu Tân theo mình về ty. Tại ty công an, anh ta hạch hỏi Tân về những gì xảy ra trong nhà Nghị, những gì đám bạn của Nghị đang làm tại đó. Bây giờ Tân không còn nhớ mình đã nói gì trong buổi “thẩm vấn” ấy, chỉ biết sau mấy tiếng đồng hồ có lẽ chẳng moi được gì đặc biệt, người ta thả cho Tân về.

Tôi tự hỏi, nếu không có sự tình cờ ông Huyến thuê nhà của mẹ Nghị thì sự thể sẽ ra sao với đám chúng tôi? Nếu ty Công An cố kiếm thành tích, theo lời mớm của nhà trường, truy tìm một đám học sinh hoạt động chính trị chống đối chính quyền, dẫn đến việc bắt bớ tra tấn chúng tôi, dựng thành một vụ án, thì tương lai chúng tôi sẽ ra sao?

Tôi nghĩ ông Huyến là một yếu tố trực tiếp và quan trọng để cứu chúng tôi, nhưng không phải là duy nhất. Dư luận của thành phố Hội An, của thành phần hiểu biết Quảng Nam trước vụ này không thể không đến tai chính quyền. Ông Tăng Dục và ông Lê Văn Kỉnh cố tình hại chúng tôi, nhưng đa số giáo sư Trần Quý Cáp hẳn là biết rõ sự việc từ bên trong, và nhận ra ngay đây là một âm mưu đen tối. Ai biết rõ hơn thầy Tống Khuyến nội dung các bài báo của chúng tôi, vì thầy chính là người đọc và lựa chọn? Ai hiểu tinh thần ham mở rộng hiểu biết của chúng tôi cho bằng thầy Nguyễn Cữu Triệp, khi thầy tận tình giúp mọi mặt kỹ thuật và mỹ thuật cho tờ báo? Ai thông cảm cho tinh thần hiếu học của lớp Đệ Ngũ 1 cho bằng thầy Hoàng Trung khi chúng tôi xin cho thầy được tiếp tục dạy chúng tôi? Gần đây thầy Dương Đức Nhự cho người viết bài này biết, trong một buổi họp Hội đồng Giáo sư Trần Quý Cáp sau vụ chúng tôi bị đuổi, thầy Nhự có ý kiến rằng học sinh bị đuổi là vì vi phạm kỷ luật, nhưng là giáo sư trong trường thầy chẳng thấy những học sinh này vi phạm gì cả. Và, dân Hội An thời đó ai lại không biết ông Tăng Dục đang dọn đường đi vào chính trường, khi tham gia từ đầu Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia, và còn nhắm đến những địa vị quan trọng hơn? (Quả nhiên, sau này ông trở thành dân biểu Quảng Nam trong Quốc hội lập pháp thời TT Diệm). Ông chuẩn bị cho bước đường danh vọng của ông bằng cách đe dọa quý vị giáo sư liên hệ và ra tay “dẹp yên” một cách anh hùng đám học sinh “phản loạn” trong trường ông, dù nó không phản loạn thật thì ông cũng cố tô vẽ cho nó thành phản loạn. Ông muốn hợp thức hóa vụ đuổi học chúng tôi bằng cách “chính trị hóa” vụ việc nhờ tay công an. Ông chỉ thành công một nửa, trong phạm vi trường của ông. Bởi vì ở một tỉnh như Quảng Nam không dễ gì ông có thể đạo diễn một tấn tuồng bất nhân đạp lên đám học trò của mình để leo lên bậc thang danh vọng cho chính ông. Dư luận của phụ huynh học sinh, của trí thức, của thân hào nhân sĩ sẽ không tha cho ông. Chính quyền họ cũng biết như thế, dân Quảng Nam không phải là thứ dân dại khờ muốn dẫn đi đâu cũng được, nên đã biết dừng lại trong vụ của chúng tôi.

Sau khi năm đứa chúng tôi bị đuổi học, không khí lớp của tôi rất căng thẳng. Hình như lo sợ sẽ có một phản ứng nào đó của lớp Đệ Ngũ 1 về những người bạn của mình bị đuổi học một cách oan ức, ông Dục liên tục khủng bố tinh thần cả lớp bằng cách nói những lời đe dọa. Là một người lâu năm ở trong ngành giáo dục, hẳn ông hiểu rõ tâm lý học sinh, biết họ không ghét chúng tôi, trái lại chỉ thấy “tình đoàn kết” với những việc tốt đẹp chúng tôi đã làm cho cả lớp. Ông phải dập tan những tình cảm ấy, đánh phủ đầu những ai có ý tưởng bênh vực chúng tôi một cách nào đó, vì thế lớp học luôn luôn phủ một không khí nặng nề. Một hôm khi vào học cả lớp thấy một câu ai viết trên bảng đen:

 Gió đưa ngũ quỷ về trời

Con ranh ở lại chịu lời đắng cay.

 Sau này mới biết Lê Rô là người viết câu ấy, như một cách để nói với các bạn rằng lớp chúng ta đã chịu quá nhiều lời rủa sả và đe dọa của ông hiệu trưởng, sau khi ông ấy thực hiện xong việc đuổi học năm thành viên tích cực nhất của lớp chúng ta. Lê Rô đã tử trận vào thời gian gần kết thúc cuộc chiến năm 1975, bây giờ tôi ghi lại câu ca dao cải biên của Rô với biết bao nhớ tiếc một người bạn vui tính và nặng lòng với bạn bè, nhất là nhớ căn gác nhà Rô đã bao đêm vang tiếng hát bài Rừng Lạng Sơn của chúng tôi...

Cũng thời gian sau đó, thầy Triệp cũng đi khỏi Trần Quý Cáp, về dạy Nguyễn Hoàng tỉnh Quảng Trị. Tôi không gặp lại thầy Triệp một lần nào từ dạo bị đuổi học cho đến nay, nhưng Nhiễu có một lần gặp lại thầy tại bến xe Cần Thơ một thời gian nào đó sau 1975. Khi Nhiễu chào thì thầy không hề nhận ra Nhiễu là ai, chỉ sau khi Nhiễu gợi lại chuyện xưa thì thầy mới nhớ ra, và hai thầy trò dắt nhau vào một quán ăn để mừng cuộc hội ngộ sau mấy mươi năm với biết bao biến đổi của cuộc đời. Thầy cho Nhiễu biết năm xưa ông Dục cố tình đẩy thầy ra khỏi Trần Quý Cáp, có lẽ vì tội tiếp tay cho “ngũ quỷ” làm báo phản động.

 

Vấn đề còn lại để đóng góp vào lịch sử của trường Trần Quý Cáp là, ông Tăng Dục có phải là nhà giáo dục chân chính hay không? Ông xuất thân trường Cao đẳng Sư phạm từ thời Pháp thuộc, trước 1945 đã dạy ở Quốc Học Huế, thời chiến tranh chống Pháp có lúc ông ở vị trí lãnh đạo ngành giáo dục liên khu 5 của phe kháng chiến, nhưng sớm rời bỏ hàng ngũ để về thành, và đầu thập niên 1950 được chính quyền Quốc gia bổ nhiệm làm hiệu trưởng trường Trung học Quảng Nam, sau này đổi thành Trần Quý Cáp. Như vậy, cho đến giữa thập niên 1950 ông thuần túy là một nhà giáo dục. Khi TT Ngô Đình Diệm thành lập đệ nhất Cộng Hòa, ông bỗng có cao vọng nhiều hơn, muốn tiến xa vào đường chính trị. Và trong bối cảnh khá khó khăn về chính trị của tỉnh Quảng Nam vào những năm 1954, 1955 như đã nói trên kia, ông đã có dịp chứng tỏ “bản lãnh chính trị” của mình trong việc dẹp yên một mầm mống “phản loạn” trong trường của ông để làm quà cho chế độ, tạo sự tin cẩn cho cậu cố vấn ở Huế và gia đình họ Ngô ở Sài Gòn. Ông đắc cử không chút khó khăn vào Quốc hội lập pháp vài năm sau đó. Ông đi từ một nhà giáo dục đến một nhà hoạt động chính trị biết dùng thủ đoạn để tự củng cố cho mình, mặc dù hành động của ông vô cùng phi giáo dục. Bước nhảy vào chính trị đã vĩnh viễn xóa con người giáo dục của ông. Ông đã gặp những hoạt động có thể gọi là đầy thiện chí và sáng tạo của học sinh trường ông, nhưng thay vì vui mừng khuyến khích hướng dẫn chúng đi đúng đường như mọi nhà giáo dục chân chính, ông vội vã biến nó thành âm mưu, vì chỉ như thế ông mới có dịp chứng tỏ sự đắc lực của ông với chính quyền đương thời. Chính vì điểm này mà suốt trong bài viết này tôi gọi ông Tăng Dục bằng ÔNG chứ không gọi bằng THẦY, vì chữ thầy chỉ dùng cho người xứng đáng trong vai trò giáo dục. Ông đã từng làm hiệu trưởng ngôi trường tôi học, từng dạy tôi một số giờ ở lớp Đệ Thất, nhưng ở đây tôi tạm để qua một bên câu “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” để không gọi ông là thầy.

Gần đây, một ngày tháng 10 năm 2009, tôi có gọi điện thoại thăm anh Nguyễn Ánh Anh, mà chúng tôi thường gọi tên nhà của anh là anh Gấm, anh ruột của Nhiễu, hiện sống ở San Diego. Anh Gấm cho biết hồi chúng tôi bị đuổi thì anh đang đi học đại học ở Sài Gòn. Năm sau, 1957, học xong, anh về Hội An, thì một hôm ông Dục có đến nhà thăm, và ngỏ ý mời anh dạy cho Trần Quý Cáp, vì trường đang thiếu giáo sư. Anh Gấm đã từ chối, và sau đó anh dạy nhiều năm cho trường tư thục Diên Hồng. Tôi nghĩ trường Trần Quý Cáp lúc ấy không thiếu giáo sư trầm trọng đến nỗi ông Dục phải đi mời như thế, chẳng qua ông ta muốn “làm lành” với một gia đình có con bị ông đuổi học năm ngoái. Gia đình Nhiễu thuộc hạng giàu có tại Hội An, Nhiễu có ba người anh, các anh Soạn Anh và Soạn Em đều đã ở trong quân đội, anh Gấm vừa xong đại học từ Sài Gòn về, làm lành với gia đình ấy, và nhất là nếu kéo được anh Gấm vào phe ta ở Trần Quý Cáp thì có vẻ tốt cho những toan tính chính trị của mình trong tương lai hơn.

 Cách đây hơn nửa thế kỷ, với cái hồn nhiên của tuổi trẻ, chúng tôi thật sự không buồn lâu về chuyện bị đuổi học, và cũng chẳng bao giờ để tâm tìm hiểu những nguyên ủy sâu xa của việc này, cho nên không nhìn ra tính cách kỳ cục, phản giáo dục và nhất là sự ác của nó. Kể từ đó năm đứa chúng tôi vẫn tiếp tục con đường học vấn, rồi vào đời, mỗi người mỗi nghề, cũng bình thường như bao người khác, coi cái chuyện bị đuổi học thời xưa như một tai nạn nho nhỏ lúc tuổi trẻ, lâu lâu gặp nhau nhắc đến chỉ như một kỷ niệm hay hay thế thôi. Giờ đây, thời điểm cuối năm 2009, những cậu thiếu niên bị đuổi học năm xưa đã bắt đầu đi vào thập niên 70 của cuộc đời mình, thì bỗng dưng một hôm một ai đó gợi ý là những người trong cuộc nên kể lại câu chuyện này. Thật ra thì năm đứa chúng tôi bây giờ chỉ còn ba, Thảng và Nhiễu đã chết. Các ông Tăng Dục và Lê Văn Kỉnh đã qua đời từ mấy chục năm, thầy Hoàng Trung cũng đã ra đi. Thầy Phan Khôi đã gần đến tuổi 90, đang sống những ngày cuối đời ở Đà Nẵng. Nhìn lại quỹ thời gian của mình còn lại cũng chẳng được bao nhiêu, bản thân tôi thấy nên thuật lại câu chuyện này. Trước hết trong lịch sử trường Trần Quý Cáp, sự kiện đuổi một lúc năm học sinh vào năm 1956 quả là một việc không nhỏ. Tài liệu, văn kiện liên quan đến việc đuổi học này có thể còn lưu lại trong văn khố của nhà trường, nhưng đó chỉ là những giấy tờ hành chánh khô khan, được thiết lập theo ý đồ của những người cố tình tạo ra vụ này. Chúng tôi cần phải lên tiếng nói, để mọi người bây giờ và mai sau thấy được sự thực, những sự thực sống động mà chính chúng tôi đã trải qua trong một số ngày tháng vừa vô cùng hào hứng lẫn kém may mắn của mình. Khi suy nghĩ, sắp xếp ký ức và tài liệu để thực hiện những dòng hồi ký này, nhiều khi tôi thấy mình trở nên phẫn nộ, một tình cảm mà suốt nửa thế kỷ qua tôi không cảm thấy khi nhớ đến chuyện mình bị đuổi học, có lẽ vì chẳng bao giờ để tâm suy nghĩ sâu xa về sự việc này. Sự “oan khiên” mà chúng tôi phải chịu mặc dù không dẫn đến những thiệt thòi lớn lao cho cuộc đời chúng tôi, nhưng đã để lại một vết nhơ trong lịch sử nhà trường, và một sự tởm lợm về lòng ham công danh và đố kỵ có thể khiến một con người trở thành bất nhân. Thật đáng tiếc là năm thiếu niên thơ ngây đã phải đóng vai trò trung tâm trong tấn tuồng ấy, để sớm trở thành “trò đời thua nhẵn cả thơ ngây”.

Từ khi rời trường Trần Quý Cáp tôi không bao giờ gặp lại ông Tăng Dục, mặc dù đi học xa năm nào tôi cũng về thăm Quảng Nam. Ông vẫn ở lại Hội An, khoảng cuối thập niên 1950 thì thôi làm hiệu trưởng Trần Quý Cáp để thành dân biểu Quốc hội. Tôi không biết rõ lắm các sinh hoạt chính trị của ông, tại Sài Gòn cũng như tại quê nhà, nhưng chắc sau khi chính quyền nhà Ngô sụp đổ thì ông về hưu hẳn. Năm 1965, một tai họa lớn đã đến với gia đình ông, người con duy nhất của ông, anh Tăng Hồng, bị thiệt mạng trong vụ nổ bom ở nhà hàng nổi Mỹ Cảnh tại Sài Gòn. Sau vụ này, nghe nói ông như nổi điên. Sau đó thì câu chuyện về ông phai mờ hẳn.

Mãi nhiều nhiều năm sau tôi mới tình cờ nghe lại về ông, khi tôi đi tù cải tạo về. Năm 1988 tôi gặp một người bà con là anh Đặng Chí Uyển, một giáo sư sử học từ ngoài Bắc trở về. Anh Uyển lúc bấy giờ tuổi cũng đã xấp xỉ tám mươi, cho tôi biết anh và một số cựu học sinh Quốc học Huế cùng thời với anh thỉnh thoảng có đi Thủ Đức thăm ông Tăng Dục là thầy cũ của các anh tại Huế thời trước 1945. Tôi nghĩ đây là một an ủi lớn cho ông, bây giờ ông trơ trọi chẳng còn người thân, sống một mình với một người đàn bà giúp việc trong một căn nhà tại Thủ Đức. Không biết thời gian này có bạn học sinh Trần Quý Cáp nào biết để đến thăm ông không. Chỉ nghe nói có người thấy ông nhiều khi đi lang thang trong chợ Thủ Đức trong tình trạng không ý thức về các hành vi của mình. Ông sống rất thọ, qua đời trong quãng đầu thập niên 1990, ở tuổi ngoài 90.

Còn về năm đứa chúng tôi, Hà, Minh, Nghị, Nhiễu, Thảng, từ khi rời trường Trần Quý Cáp thì hình như có một sợi giây vô hình buộc nhau lại, suốt đời không quên nhau, dù hoàn cảnh có phân tán mỗi đứa mỗi nơi. Sau khi ra khỏi tù cải tạo tôi gặp lại Nhiễu, Thảng, Nghị tại Sài Gòn, Hà thì đi tù về trước tôi đã vượt biên sang Mỹ. Rồi tôi và Nghị đi Mỹ theo chương trình HO, Thảng và Nhiễu ở lại, bị bạo bịnh và đã qua đời.

 Bây giờ Nghị và tôi ở gần nhau tại Orange County, Nam California, Hà ở Philadelphia thuộc miền Đông Hoa Kỳ. Thỉnh thoảng khi Hà qua chơi miền Tây chúng tôi có dịp gặp nhau đủ ba người, hàn huyên cùng nhau đủ thứ chuyện, nhưng hình như rất ít khi đề cập đến chuyện bị đuổi học năm xưa. Một cái gì cấm kỵ trong lòng chăng? Phải chăng dù sao đó cũng là một một loại vết thương, dù lành đã lâu nhưng vẫn có thể gây khó chịu? Bây giờ, sau một thời gian ngồi nhớ lại để thuật chuyện này, tôi mới thấy cái phũ phàng của toàn thể tấn tuồng. Phũ phàng quá cho những thiếu niên, đến nỗi sau khi sống đến tuổi bảy mươi vẫn cảm thấy ngại ngùng khi nhắc lại. Có thể nó đã thành một nỗi ám ảnh trong tiềm thức, thành một thứ như là một khối oán hờn không thể tan? Chắc là không lớn chuyện như thế đâu, nhưng vẫn là một u ẩn cần giải ra khỏi tâm lý của chúng tôi, trước khi chúng tôi lên con đường thênh thang về một cõi lớn hơn. Hy vọng khi cùng nhau góp ý để thành thiên truyện này ba đứa chúng tôi có dịp nhìn rõ sự việc với hiểu biết chín chắn của những người sống nhiều, đã thoát khỏi mối ám ảnh nửa thế kỷ. Và hy vọng đây sẽ là một món quà cho các bạn học Trần Quý Cáp thuộc nhiều thế hệ khác nhau, để biết rõ hơn về một biến cố của nhà trường, mà một lúc nào đó trong đời có thể các bạn có loáng thoáng nghe đến.

 

Phạm Phú Minh

Nam California, 30 tháng Mười, 2009.