Saturday, October 28, 2023

Phạm Phú Minh: Làm báo : nghề và nghiệp

 

Ở tuổi đã ngoài tám mươi, bây giờ nhìn lại cuộc đời mình thì tôi thấy cái “nghiệp” của mình chính là làm báo. Mà không phải một mình tôi, một số bạn bè thân thiết từ hồi còn đi học, cùng mình thực hiện những “tờ báo Xuân” của thời trung học, sau ra đời cũng gắn bó với nghề báo giống như mình. Nhân Tết năm nay là năm Dần, năm tuổi của tôi, cũng nên ôn lại một số hoạt động báo chí của tôi và bạn bè, từ thuở còn đi học cho đến lúc trưởng thành.

 Tôi học trung học đệ nhất cấp tại trường Trần Quý Cáp, Hội An, quê tôi. Năm lên lớp Đệ Ngũ, niên khóa 1955-56, với tư cách là trưởng lớp, tôi làm tờ báo đầu tiên, in ronéo, có tên là Đoàn Kết. Nhà trường chỉ kêu gọi các lớp làm bích báo trong sinh hoạt Hiệu đoàn thôi, nhưng tôi “chơi trội” muốn thực hiện hẳn một tờ báo in cho riêng lớp mình, vì thế đã bị nhà trường phạt rất nặng nề : đuổi học.

Suốt niên học 1956-57 tôi ngồi nhà tự học, cuối năm đậu trung học Đệ Nhất cấp, đi vào Sài Gòn, được nhận vào lớp Đệ Tam C trường Petrus Trương Vĩnh Ký, mở ra một thời kỳ mới cho việc học hành của tôi. Trong lớp, tôi chơi thân với hai bạn mới, là Trần Đại Lộc và Đỗ Ngọc Yến. Lễ Phục sinh năm ấy trường nghỉ đến mười ngày, Yến, Lộc và tôi cùng ba người bạn cùng lớp tổ chức đi đóng trại bên hồ Than Thở ở Đà Lạt. Đây là một chuyến đi chơi có tính cách mạo hiểm của các chàng trai mới lớn, và là tiền đề cho việc làm báo của chúng tôi vào năm ấy cũng như năm sau khi lên lớp Đệ Nhị.

 

Gs. Nguyễn Văn Binh và một nhóm học sinh Đệ Tam C Petrus Ký niên khóa 1957-58.

 Đi chơi Đà Lạt về chúng tôi thân thiết với nhau hơn, và cùng nhau làm một tờ báo chuyền tay vào dịp cuối niên học theo công thức mỗi người tự tay viết và trình bày bài của mình, rồi đóng chung lại thành một tập. Tập ấy cuối cùng do Trần Đại Lộc giữ, nhiều năm sau tôi hãy còn thấy tại nhà Lộc, nhưng bây giờ thì quả thật đã mất hút với thời gian.

 Niên học 1958 – 1959 cả lớp chúng tôi cùng lên Đệ Nhị C, và được nhà trường giao phó việc làm báo Xuân, vì hình như từ năm đó Petrus Ký không có lớp Đệ Nhất C nữa. Đỗ Ngọc Yến được cử làm trưởng ban Báo chí của trường. Tôi nghĩ đây là trách nhiệm về báo chí quan trọng đầu tiên của đời Yến. Bài vở thì lớp Đệ nhị C đóng góp phần lớn, nhưng đặc biệt có một truyện ngắn của Dương Nhiễm Mậu, do Yến xin được do quan hệ riêng. Chúng tôi lấy làm phục Yến lắm, vì hồi đó cả lớp của tôi, coi như lớp văn chương cao nhất trường, chưa ai quen biết gì với thế giới văn nghệ của Sài Gòn cả. Tôi nhớ chúng tôi hay đến nhà in để sửa morasse. Một bác thợ già rất ân cần với đám học sinh chúng tôi, tôi nhớ mãi một câu bác nói về việc sửa bản vỗ: “Không bao giờ có thể sửa sạch lỗi một trăm phần trăm. Cháu biết ông Nguyễn Hiến Lê không? Ổng là người sửa bản in thử kỹ nhất, mỗi cuốn sách ổng sửa đi sửa lại sáu lần, nhưng cuốn nào rồi cũng phải đính kèm một bản Đính chính.” Hồi đó việc in ấn còn dựa vào phương pháp sắp chữ bằng những con chữ đúc bằng chì.

Báo xuân năm ấy được in ấn rất hoàn chỉnh, và chúng tôi tổ chức ngay những toán đi bán báo nơi các trường bạn. Tôi chỉ tham gia vào toán đi bán báo tại trường nữ trung học Gia Long. Nhớ lại khi được phép bước vào một lớp Đệ Nhị cấp của trường này để giới thiệu và bán báo của trường mình, tôi vẫn còn như cảm thấy nhịp tim đập hỗn loạn của mình vào những giờ phút ấy.

 *

 Niên khóa kế tiếp 1959-1960, khoảng mươi học sinh Đệ Nhị C của Petrus Ký đậu Tú tài 1 được chuyển qua học lớp Đệ Nhất C tại trường Chu Văn An ngay bên cạnh. Gần Tết tây 1960 nhà trường ra thông báo làm báo Xuân năm Canh Tý, và Lê Đình Điểu bạn cùng lớp, trưởng ban báo chí của trường kêu gọi anh em Đệ Nhất C đóng góp bài vở. Chúng tôi những học trò mới của Chu Văn An hầu hết không có ý định tham gia, vì biết mình chỉ “học nhờ” một năm cuối, không có kỷ niệm và truyền thống của trường này, khó viết lắm. Thế nhưng với thái độ rất vui vẻ cởi mở của trưởng ban báo chí Lê Đình Điểu, một số bạn mới trong đó có tôi vui vẻ góp bài. Bài của tôi có nhan đề Một Ngày Chủ Nhật –một truyện ngắn đầu tiên và chắc chắn là cuối cùng trong đời tôi- đã được chọn đăng, tôi cho đó là một hân hạnh rất lớn của một kẻ mới toanh vừa nhập vào môi trường Chu Văn An có mấy tháng.

 

Một góc trang báo Xuân Canh Tý 1960 Chu Văn An đăng bài của tác giả

 Vậy là, hai năm cuối của bậc trung học, tôi tham gia hoạt động báo chí với hai trưởng ban Đỗ Ngọc Yến và Lê Đình Điểu. Mấy năm sau, tốt nghiệp Đại học, tôi ra đời đi dạy và tham gia các sinh hoạt khác của tuổi trẻ, cho đến 1975 như là một dấu chấm hết một chế độ, một xã hội theo mẫu mực của thế giới tự do, và cả Việt Nam rơi vào gọng kìm của cộng sản quốc tế.

Mười ba năm sau, đầu năm 1988 tôi ra khỏi trại cải tạo của chính quyền cộng sản, bạn bè cũ người còn ở trong nước, người đã ra nước ngoài, trong đó có Yến và Điểu đang sống tại Nam California và đang… làm báo. Tôi thở dài : một cái nghề tiền định !

Mùa hè năm sau tôi đi Hà Nội chơi với gia đình ông anh tôi là sĩ quan quân đội ngoài đó, và được ông anh dẫn đi thăm viếng nhiều nơi suốt một tháng trời. Về lại Sài Gòn, tôi viết ngay một bút ký về chuyến đi vừa rồi, vì đến với Hà Nội là một biến cố quan trọng đối với tôi. Viết xong muốn gửi cho Yến và Điểu qua đường bưu điện, nhưng ngần ngừ mãi, vì rất sợ công an bắt được, phải vào tù trở lại như nhiều người khác đã bị. May sao có một Việt kiều từ Mỹ về thăm nhà, vui lòng nhận mang giúp bài viết khá dài đó sang Mỹ để chuyển cho Điểu.

Gần Tết năm đó tôi nhận được thư của Điểu, mở ra chỉ thấy một bài cắt từ báo khổ lớn có nhan đề là Hà Nội Trong Mắt Tôi với tên tác giả là Phạm Xuân Đài. Cả bài này khi gửi cho Điểu tôi ngụy trang viết dưới dạng một bức thư chia xẻ với bạn về một chuyến đi thăm xứ Bắc, và ký tên con gái tôi là Phạm Xuân Đài lúc đó đang định cư tại Paris. Cái đầu đề bài báo là do Điểu đặt và bài được đăng vào báo Xuân Người Việt năm Canh Ngọ 1990. Tôi vui mừng không thể tả, mang ra hiệu photocopy chụp thành nhiều bản để chia sẻ với bạn bè, và gửi ngay cho ông anh tôi ở Hà Nội một bản. Tên tác giả Phạm Xuân Đài chỉ là một cái tên mượn tạm cho bài báo vượt biên hiểm nghèo này, không ngờ về sau đã trở thành bút hiệu chính thức của tôi.

 

 Bài báo về chuyến đi Hà Nội của tôi trên báo Xuân Người Việt Canh Ngọ 1990

 Với sự việc này, tôi đã bắc được một nhịp cầu với các bạn đang làm báo ở hải ngoại, đặc biệt Đỗ Ngọc Yến nguyên trưởng ban Báo chí trường Petrus Ký học lớp Đệ Nhị C với tôi, nay là người sáng lập và chủ nhiệm báo Người Việt tại Mỹ, và Lê Đình Điểu, nguyên Trưởng ban báo chí trường Chu Văn An, hiện đang làm Chủ bút tờ báo này. Ngay lúc đó, dù chỉ mới nộp đơn xin đi Mỹ theo diện HO, tôi cũng đã vẽ ra trong đầu cái viễn tượng làm báo tại Hoa Kỳ.

 *                                                     

 

             Minh, Yến và Điểu

                 Tại Little Saigon 1996

 Tôi từ Việt Nam đến Mỹ vào tháng 11 năm 1992, một chiếc xe bus đón tôi và một số hành khách khác tại phi trường Los Angeles chở thẳng đến phi trường John Wayne của Quận Cam và thả xuống đó. Yến, Điểu và một số anh em bà con khác đã có mặt để đón tôi. Tôi đã đến nơi tôi muốn đến, và sẵn sàng bắt tay vào những công việc đang chờ tôi.

Người Việt lúc bấy giờ đã là một công ty cổ phần, với hoạt động chính là tờ nhật báo Người Việt, một cơ quan truyền thông được coi là uy tín nhất của người Việt Nam hải ngoại.

Tòa soạn báo Người Việt lúc bấy giờ ở trên đường Moran, thành phố Westminster, được tổ chức khá quy mô với một số đông anh em làm việc để mỗi ngày phát hành mười mấy ngàn số báo cho cộng đồng người Việt Nam đông nhất hải ngoại, trên một địa bàn có tên là Little Saigon. Và tôi được biết thêm là bên cạnh tờ nhật báo, Người Việt đã có thêm một tạp chí xuất bản hàng tháng, là tờ Thế Kỷ 21. Yến và Điểu giải thích cho tôi biết vì sao nhóm Người Việt cần phải có thêm tờ tạp chí này, và muốn tôi làm quen với công việc của nó. Tôi thấy làm tạp chí rất đúng sở thích của tôi, vì tạng người của tôi không thích hợp với công việc phải nhanh nhạy của một nhật báo. Một thời gian sau, khi Điểu bắt đầu đi vào lãnh vực “báo nói” với đài phát thanh VNCR thì tôi cũng trở thành chủ bút của tờ Thế Kỷ 21, kéo dài gần suốt hai thập niên. Với công việc này tôi đã quen biết và trở nên thân thiết với nhiều người Việt cầm bút đang cư ngụ tại nhiều nước –những giáo sư, học giả, những nhà văn đã thành danh từ trước 1975 của miền Nam lẫn những nhà văn, nhà thơ trẻ bắt đầu viết lách tại hải ngoại…

 Và như thế ba anh em chúng tôi, cùng “khởi nghiệp” làm báo từ lúc còn ngồi trên ghế trường Petrus Ký và Chu Văn An ở Sài Gòn, đến tuổi trung niên lại tập họp dưới một mái nhà tại Hoa Kỳ để cùng biến cái nghiệp ấy thành nghề, mà người ta thường gọi chung một tiếng là “nghề làm báo”.

 Little Saigon, 23 tháng Mười, 2021.