Thursday, October 20, 2016

Chữ nghĩa

Trong tiếng Việt có tới khoảng 60 phần trăm tiếng có gốc chữ Hán, nhưng mức độ Việt hóa của những chữ đó nặng nhẹ khác nhau. Nhiều tiếng hầu như đã Việt hóa hẳn, truy ra thì mới thấy nó có cái gốc chữ Hán đã phai mờ nhiều rồi, thông thường được coi như là một chữ thuần Việt. Trong khi đó nhiều chữ khác vừa đọc lên là biết ngay là có gốc Hán.
Cũng có nhiều chữ rõ ràng là có gốc Hán, nhưng người Việt Nam lại hiểu theo một nghĩa khác hẳn. Ví dụ chữ Xích mà em đề cập, nó hoàn toàn không có nghĩa gì là "thước" cả, mà là một sợi dây được tạo thành bằng những vòng bằng sắt lồng vào nhau (= sợi dây xích: chaine, chain) - nó có thể dài mấy trăm thước, chứ không phải là một thước như em nghĩ "sợi xích xe đạp thì đúng là một thước rồi". Dây xích này loại lớn dùng để thả neo tàu thủy, loại trung để cột, kéo những vật nặng, loại nhỏ để... khóa cổng, hoặc để xích tay tội phạm (xiềng xích), hoặc để... xích chó. Những chữ xích này đã được Việt hóa triệt để rồi, người Việt Nam đã cho nó một định nghĩa khác hẳn gốc Tàu, và ngoài vai trò danh từ còn là một động từ (xích tay, xích chó).

Một số năm gần đây, anh phát giác một đặc tính rất hay của ngôn ngữ miền Nam, đó là Việt hóa, một cách rất thuần Việt, rất nhiều chữ Pháp thường dùng. Trong khi tại miền Bắc hay miền Trung các chữ đó chỉ được đọc theo lối Pháp (hoặc theo cách phiên âm).

Ngẫm lại, việc phát giác này là kết quả nhiều năm anh ở Sài Gòn, có nhiều bạn miền Nam, và đã đi đến hầu hết các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Anh đang làm công việc thu góp thêm các tiếng được Việt hóa ấy, trước khi tổng kết thành một "công trình" có lý thuyết hẳn hoi. Theo quan sát của anh, dân miền Bắc và miền Trung có khuynh hướng dùng nguyên các từ ngoại quốc (đây là tiếng Pháp), trong khi dân miền Nam đặt tên Việt cho những từ đó. Đặc tính của sự sáng chế chữ mới này là thấy sao nói vậy, chứng tỏ đó là sản phẩm của giới bình dân, nhưng sản phẩm của họ được dùng rộng rãi khắp xã hội trong đó có cả giới trí thức. Theo anh, những chữ được Việt hóa ấy rất tài tình, rất nhiều chữ hiện nay được cả nước dùng. Ví dụ:

- Tủ lạnh: miền Bắc và Trung chỉ dùng chữ frigidaire, phiên âm một cách bình dân là phi-di-đe.
- Nước ngọt: Bắc và Trung --> limonade
- Bột ngọt: (gốc Tàu) Bắc và Trung: mì chính hay vị tinh
- Bột giặt: B&T -> xà phòng bột
- Rạp hát bóng: B&T -> rạp xi-nê
- Xe bồn: B&T -> xe xi-téc hay xi-tẹt (tiếng Pháp citerne=bể chứa, thùng chứa))

Riêng các bộ phận của chiếc xe đạp, trước khi vào Sài Gòn đi học anh chỉ biết gọi theo tiếng Pháp: guidon, garde de chaine, garde de boue, pédale... nhưng khi đến Sài Gòn thì chính những người thợ sửa xe lam lũ ven đường đã dạy cho anh tất cả các bộ phận của chiếc xe đạp đã được Việt hóa như thế nào:
Tay cầm (guidon); dây xích (chaine, dây sên); vè chắn bùn (garde de boue); thắng (freine, thường gọi là phanh); bàn đạp (pédale) và tất cả các bộ phận khác đều được Việt hóa hết, ngay cả phiên âm họ cũng không dùng.
Anh suy nghĩ tại sao người bình dân của miền Nam lại có khuynh hướng và khả năng làm công việc Việt hóa ngôn ngữ như thế. Đó sẽ là phần lý thuyết. Nhưng trước mắt, cần phải sưu tầm thêm từ ngữ. Và phải có sự giúp đỡ của người miền Nam chính cống.

Vừa rồi nhân một dịp hội họp, anh gặp một người bạn cũ là Nguyễn Hữu Phước tặng anh cuốn "Tiếng Việt Gốc Ngoại Quốc". Anh ấy là người Nam, có bằng Ph D. tại Hoa Kỳ trước 75, nghe anh nói về ý định của anh thì thích thú lắm, nói rằng "tôi là người Nam kỳ mà chưa từng biết đến hiện tượng này." Anh mong anh Phước, cũng rất thích về ngôn ngữ, sẽ cộng tác với anh trong đề tài này.

Nhưng cả hai đều lớn tuổi cả rồi, không biết có đủ thì giờ để hoàn tất cuộc chơi này không. Vì đến thời điểm này thì mọi việc đối với anh chỉ là "chơi" mà thôi. Chẳng có gì là "thiệt" cả.

Riêng cuốn Tiếng Việt Gốc Ngoại Quốc của anh Phước, những phần liên hệ với tiếng Tàu và chữ nho rất vui, hấp dẫn. Nếu Dung muốn đọc, anh sẽ cho mượn.
m