Năm
1947, tôi rời làng theo gia đình đi tản cư, những năm đi học ở “vùng tự do” tại
liên khu 5 không có dịp được đọc nhiều sách. Trong vùng kháng chiến đời sống
rất thôn dã, đi học nay đây mai đó trong những ngôi trường tạm bợ; không xuất
bản, không hiệu sách, được đi học với những quyển vở giấy nội hóa đen thui đã
là may mắn. Thỉnh thoảng cũng được một quyển sách mượn từ những gia đình giàu
và học thức, truyện Tàu, và nói chung những cuốn tiểu thuyết xuất bản trước 1945.
Tôi nhớ đã thấy, và đọc vài cuốn của Tự Lực Văn Đoàn trong thời gian này, và
tôi hay nhìn bìa sau của cuốn sách, xem thư mục của từng tác giả như là nhìn
vào một thế giới xa xôi không biết bao giờ mình mới có dịp biết hết những cuốn
sách ấy. Nhìn mãi đâm ra thuộc những tên như Thừa Tự, Thoát Ly, Trống Mái, Tiêu Sơn Tráng Sĩ, Đoạn Tuyệt, Đôi Bạn,
Bướm Trắng, Con Trâu, Bên Đường Thiên Lôi, A-Na-Kha-Lệ-Ninh... mỗi tên sách
là một bí mật đối với tôi, có khi có thể tưởng tượng ra nội dung, có khi không
hiểu ngay cả tên gọi --Cái Ve chẳng hạn, đó là cái gì vậy? Mới ngoài mười tuổi,
học hành theo lối được chăng hay chớ của của thời kháng chiến thì kiến thức
sách vở cũng trôi nổi lắm, nhưng những gì đọc được, dù với trí óc còn non nớt,
cũng gây ấn tượng mạnh. Nhưng suốt thời gian tản cư tôi chẳng được đọc một
quyển sách nào của Thạch Lam, ngoài cuốn Hạt
Ngọc, thuộc loại Sách Hồng dành cho trẻ em.
Niên
khóa 1951- 1952 là năm học cuối cùng của tôi ở vùng kháng chiến, trước khi tôi
về thành. Hồi đó tôi học lớp Sáu, năm đầu tiên của bậc trung học, trong một
trường của huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Trong năm học ấy nhà trường bắt đầu
phát động chiến dịch đả phá nền văn hóa cũ, trong một đêm sinh hoạt toàn trường
theo lối đốt lửa trại, một giáo viên đảng viên đã nói rất dài tuyên truyền cho
văn hóa mới và dứt khoát với sách vở cũ, và cuối cùng để minh chứng cho sự dứt
khoát ấy, anh ta đã đốt tượng trưng một cuốn sách. Hỡi ôi, đó lại chính là cuốn
Sợi Tóc của Thạch Lam! Đứng gần đống
lửa, anh ta giơ cao cuốn sách và xoay một vòng cho mọi người nhìn thấy rõ, rồi
châm lửa đốt. Đó lần thứ nhì tôi thấy một cuốn sách của Thạch Lam trong tuổi
thơ của tôi, nhưng chỉ một phút trước khi nó biến ra tro.
Cuối
niên khóa ấy với sự sắp xếp của gia đình, tôi từ Quảng Ngãi về làng cũ bên dòng
sông Thu Bồn ở Quảng Nam rồi về hẳn Hội An để tiếp tục việc học. Hồi đó hình
như ở Hội An mới chỉ có một hiệu sách là hiệu Nhất Tiếu chỗ gần chợ, lần đầu
tiên tôi đến đó vào một buổi tối, bước vào thấy rực rỡ dưới ánh đèn néon biết
bao nhiêu là sách, những cuốn trước kia tôi đã đọc thấy tên và tin là chúng
thuộc về một thế giới khác, nay hiện ra trước mắt tôi. Tôi nhớ đã thấy cuốn Đôi Bạn bìa màu vẽ một cô gái đứng dưới
hàng đậu, sau này tôi mới biết cuốn đó được in bên Pháp, ấn tượng cuốn sách rất
mỹ thuật ấy còn trong tôi đến ngày nay. Sau bao năm đi học thiếu thốn gian khổ,
bây giờ nhìn sách, rồi nhìn vở, các loại giấy, bút mực, bút chì, còm pa, tẩy...
món nào món nấy tinh tươm đẹp đẽ, tôi nghe trong lòng trào dâng một nỗi niềm
như là nức nở, như là dạt dào gần như mê đắm trong một không khí văn hóa đối
với tôi hoàn toàn rực rỡ và mới mẻ.
Rồi tôi
đi học, làm quen với không khí thị thành, và đọc sách rất nhiều, đủ loại, kể cả
những loại mà sau này mới biết là rất “rẻ tiền.” Sự ngốn ngấu của kẻ thiếu ăn
lâu ngày khiến không nhận rõ mùi vị và sự tiêu hóa cũng rất là hời hợt.
Cuộc
đình chiến năm 1954 là một may mắn cho lứa tuổi của tôi để được quay về lại với
thôn quê. Sau mấy năm gò bó trong thành phố cổ và nhỏ Hội An với áp lực phía
bên kia ngày càng nặng, hiệp định Genève như một tiếng thở phào tung hê hết mọi
biên giới, chúng tôi đi tắm biển Cửa Đại, chúng tôi về quê nghỉ hè thỏa thích.
Đúng lúc vừa chớm tuổi thiếu niên... Và quê bây giờ mới thật là quê. Quê trong
những năm kháng chiến khổ cực quá, và nhất là cái văn hóa vô sản bắt đầu gặm
nhấm làm mất đi cái thi vị và vẻ thuần lương của quê hương. Những năm đầu kháng
chiến tuy khổ, quê vẫn đẹp, vì tình cảm con người đẹp. Về sau, khi những đợt
phát động nọ kia bắt đầu – ví dụ đấu tố, hoặc đốt sách, như đã nói trên kia –
thì thôn quê thành rùng rợn, hoen ố. May mắn trong thời gian này, một thời gian
không dài trước khi chiến tranh bùng nổ trở lại, chúng tôi có được một ít năm
sung sướng với làng quê của mình. Sau 1954 tụi học sinh gốc thôn quê chúng tôi
hay về làng của nhau để thăm nhau trong các kỳ nghỉ, và đó là một khám phá
tuyệt vời. Làng xóm đang hồi lực sau chiến tranh, tình cảm con người cũng đang
phục hồi sau chín năm giặc giã, đã đón nhận những gã thiếu niên trong một vòng
tay ôm ấm áp. Chúng tôi đã thức qua đêm trong những trại ép mía nấu đường ở
giữa đồng, đã quan sát quá trình lớn lên và trưởng thành giăng tơ làm kén của
những lứa tằm, đã ăn những tô mì quảng đơn sơ nhưng ngon tuyệt vời ở các quán
mì nơi làng xa hẻo lánh, hoặc trải qua những buổi chiều chèo ghe trên sông
Cái... Bạn học gặp gỡ nhau hàng ngày suốt niên học, thế mà trong mùa hè thấy
mấy đứa bạn xuất hiện ở làng mình thì anh nào cũng rất cảm động, và mừng như
thấy lại được cố nhân tưởng không bao giờ được gặp nữa. Trong khung cảnh ấy,
tâm hồn thiếu niên của lứa tụi tôi cùng lúc vừa khám phá ra chính mình vừa khám
phá ra quê hương quanh mình.
Điều ấy
đúng với tất cả chúng tôi hồi đó. Nhưng
riêng tôi, có thể mượn câu ấy sửa đổi đi chút ít để diễn tả về một chuyện khác:
Tâm hồn thiếu niên của tôi vừa khám phá ra Thạch Lam và khám phá chính mình
cùng một lúc. Tôi khám phá ra ông hay là ông khám phá ra tôi, đúng hơn, khai mở cho tôi, vì nhờ nhận ra ông
mà tôi ý thức rõ hơn về tôi. Đó là một
điều rất lớn lao cho riêng tôi, nhưng tôi chỉ biết một mình, từ thuở nhỏ cho
đến bây giờ. Chính trong những ngày nghỉ hè của năm 1955 tại làng, tôi đã đọc Hà Nội Băm Sáu Phố Phường và cả tinh
thần tôi bừng nở. Cần phải đúng thời điểm ấy của đời một người, khung cảnh ấy
của lịch sử, và có cái duyên gặp những gì phải gặp. Trước đó tôi đã đọc ông,
tôi đã chọn truyện Tiếng Chim Kêu để làm thuyết trình trước lớp, tôi đã “cảm”
Tình Xưa và cái cảnh đìu hiu của khu phố huyện trong truyện Hai Đứa Trẻ, nhưng
chính tôi chưa được kêu gọi vào một cuộc thám hiểm. Trong văn học, khám phá
khác với cảm thụ. Đúng ra đó cũng là cảm thụ nhưng ở một trình độ và trạng thái
khác, có một bùng nổ trong cảm nhận, có phần chủ động của mình tham dự trong
đó. Chính mình phải vỡ ra để tiến từ một trạng thái này sang một trạng thái khác
hơn. Hà Nội Băm Sáu Phố Phường đã
đóng vai trò tác động ấy để nâng tôi lên một trình độ trưởng thành hơn. Một
biến cố như thế, không bao giờ quên được trong đời một người.
Có thể
có người sẽ hỏi: có cái gì ghê gớm trong đó đâu, chỉ là một cuốn tùy bút chủ
yếu tả các món ăn, và một ít phong cách của đời sống, tế nhị, nhẹ nhàng. Có cái
gì mãnh liệt để đánh động ồn ào đến thế?
Quả vậy,
hình như tôi ồn ào quá chăng? Nhưng đây là lần đầu tiên tôi nói về điều này, nó
chỉ là một trạng thái trong tôi, thuộc một thời điểm đã xa, nếu có phần ồn ào
thì chỉ là do một náo động bên trong. Thế thì cuốn sách hiền lành ấy đã có cái
gì để gây ra sự náo động đó? Một câu hỏi đúng, tôi phải trả lời cho được câu
hỏi đó thì mới biện minh được sự ồn ào của tôi.
Ngẫm
lại, câu trả lời chỉ đơn giản thôi: chính là do sự tinh tế ghê gớm mà Thạch Lam
đã đạt được trong Hà Nội Băm Sáu Phố
Phường, giống như sự sâu sắc mà sau này lớn lên tôi bị choáng váng khi đọc
Dostoievsky và một phần nào đó, trong Bướm Trắng của Nhất Linh. Nhưng chính
Thạch Lam là người khai mở cho tôi cái mạch ngầm trong mọi sự việc vào đúng lúc
tâm hồn tôi vừa độ chín để mở ra đón nhận đời. Tôi chỉ xin đơn cử một ví dụ
thôi, mời các bạn đọc đoạn sau đây:
“Đối với các bà ăn dở và thích của lạ miệng –
và độc nữa – đã có bà hàng tiết canh và lòng lợn. Một mâm đầy những bát tiết
canh đỏ ối, ngòng ngoèo sợi dừa trắng, điểm xanh mấy lá húng tươi. Thế mà họ ăn
ngon lành, một lúc hai, ba bát. Rồi đánh thêm một đĩa lòng vừa dồi, cổ hũ với
tràng dòn. Ăn xong quét miệng đứng dậy, bước đi thành chậm chạp.”
Cả người
tôi rung chuyển với năm chữ cuối cùng: bước đi thành chậm chạp. Một đoạn văn ngắn
tả thật khéo những thức ăn “độc” – những tiết sống, những lòng, dồi...- nhưng
quyến rũ, để người ta ăn thật nhiều, nhưng phải quan sát tinh và hiểu một cách
sâu xa tác động của những thức ăn không lành đối với cơ thể của chúng ta mới có
thể hạ năm chữ cuối cùng ấy. Năm chữ mà nói lên quá nhiều, cả một quá trình tạo
ra những thứ thức ăn độc hại, khó tiêu cho đến kết quả sinh lý nhãn tiền của
nó, sự tài tình ấy khiến tôi sững sờ: tại sao ông có thể biết hết như thế, tại
sao ông có thể diễn ra được những cái chuyển biến sâu xa trong cơ thể người ta
như thế, làm sao ông chỉ chọn mấy chữ “bước đi thành chậm chạp” mà có thể cho
biết toàn thể hình trạng một cơ thể lún vào cơn mệt mề khi bộ tiêu hóa phải làm
việc quá tải với những thức ăn “độc”? Đào sâu những trạng thái lạ lùng trong
tâm hồn con người như Dostoievsky thì đúng là “phù thủy,” nhưng Thạch Lam thì
nhẹ nhàng như không, chữ nghĩa ít ỏi, mà vẫn cứ sâu sắc một cách phù thủy như
thường.
Chuyện
ấy ngoài tài nhận xét và diễn đạt, còn phải có sự tham dự của thái độ sống của
nhà văn nữa. Sau này lớn lên, già đi, ngẫm nghĩ về sự khai ngộ mà Thạch Lam đem
đến cho mình trong tuổi thiếu niên, tôi thấy yếu tố “tâm” của ông đóng vai trò
lớn hơn là “tài.” Khi viết về những gì quanh ông, ông để cả tấm lòng thiết tha
của ông vào, ông thương yêu cuộc sống này quá sức. Ông không mấy khi nói về đạo
Phật, nhưng thái độ của ông không khác của một thiền sư, luôn luôn tỉnh thức
trong từng sát na sống. Không tỉnh thức – và thương yêu nữa - thì làm sao nhìn
thấu suốt sự vật một cách tế vi như vậy được. Nếm một món ăn một cách lơ đễnh
theo kiểu “thực bất tri kỳ vị,” hoặc nhìn cách người ta làm và ăn một món ăn mà
không để hết tâm hồn của mình vào, thì làm sao nhận ra cái ngon cái dở cái tác
động của nó nơi người thụ hưởng. Tác giả “sợ các bác ốc lắm,” nhưng có ai viết
nổi mấy dòng sau đây về sự ăn bún ốc như Thạch Lam không:
“Có ai buổi trưa hay buổi đêm
khuya, đi qua các nhà cô đào, và các chị em thanh lâu, thấy họ ăn cái quà ấy
một cách chăm chú và tha thiết đến đâu không? Nước ốc chua làm nhăn các nét mặt
tàn phấn và mệt lả, miếng ớt cay làm xoa xuýt những cặp môi héo hắt, và khiến
đôi khi rỏ những giọt lệ thật thà hơn cả những giọt lệ tình.”
Thưởng
thức món ăn là một việc hoàn toàn cá nhân, “ai ăn người ấy biết,” nhưng đến Thạch
Lam thì thành một hiện tượng của nhân sinh, dầu món đó là món mình sợ, nhưng
vẫn “cảm” được cái ngon, qua quan sát người khác. Việc đó chỉ có được khi nhìn
với sự quan tâm, hiểu biết, cảm thông, và nhất là thương yêu.
Nếu nói
về tả các món ăn thì Vũ Bằng hay Nguyễn Tuân viết cũng hay lắm, nhiều chỗ tôi
rất lấy làm thán phục, nhưng “đọc xong rồi thôi,” trong khi Thạch Lam ảnh hưởng
tôi một cách căn bản và lâu dài. Hình như bên cạnh – hoặc lẫn trong - tài năng
của một nhà văn, còn có một cái gì khác nữa tiềm ẩn trong mỗi dòng viết, và
chính cái đó chinh phục người đọc một cách khác, mà sau này tôi tạm nhận ra là
tấm lòng đằm thắm đối với cuộc đời.
Tôi
không ngờ đã có lúc chính Thạch Lam đã
lý giải những chỗ sâu xa ấy, chỉ đến gần đây thôi tôi mới được đọc cuốn Theo Giòng, và một lần nữa, khoảng năm
chục năm sau lần thứ nhất, lại khám phá ra ông. Bài “Câu chuyện bên gốc liễu”
là một bài lý luận văn học, nhưng đã phải đi vào siêu hình để “hiểu” cái tâm
hồn chân chính của người nghệ sĩ, cái mà tôi mơ hồ gọi là tấm lòng của nhà văn.
Thạch Lam nhận ra rằng chỉ lấy con mắt quan sát và mô tả đúng những gì đã thấy
– như những nhà văn “phái tả chân” làm - thì không đủ, vì “người ta có thể tập nghe cho tinh tường, tập trông cho chu đáo, nhưng
không có con mắt của linh hồn thì không bao giờ soi thấu được cái bí mật của
tâm lý.” Làm sao mà có được “con mắt của linh hồn” ấy? Có lẽ ông tin vào
duyên nghiệp luân hồi của kiếp người, lưu giữ được ý nghĩa, hình ảnh, cảm xúc
của hằng hà sa số kiếp trước, và nhờ cái kho đó mà người nghệ sĩ mới thực hiện
được những tác phẩm muôn đời. Trong một chuyến đi chơi xuân ở vùng Lim, trước
chùa Bách Môn tác giả được thấy một cây đào nở hoa mà ông cho là một cảnh tượng
phi phàm: “... trước cổng chùa, một cây
đào lớn trổ hết các bông hoa, làm hồng tươi cả một phương trời. Ở cái nở tung
của những cánh hoa mơn mởn ấy, có một triều nhựa lên mạnh mẽ, một nguồn sống
ngấm ngầm, tôi tưởng nghe thấy được. Đấy là hơn sự đầy đủ của một thân cây, đấy
hình như là sự nảy nở của cả vũ trụ, cả mạch đất trong tiết xuân, một bài ca
hát xốn xang và tươi thắm của những cái rực rỡ tự mấy kiếp đời nào dồn lại. Nét
huyền bí, mung lung của Phật Quan Âm, của bà Vương Mẫu, vẻ thân mật và suồng sã
trong giáng áo cô giai nhân của Bồ Tùng Linh và màu da hồng của các tiên nữ
trên thượng giới, tất cả những cái ảo ảnh ấy đều linh động trước mắt tôi khi
đứng ngắm cây hoa đào nở trước cửa chùa. Không bao giờ tôi quên được cảm giác
tôi lúc đó. Ở đâu mà có nguồn cảm giác ấy? (...) Tôi chỉ biết rằng chúng ta
mang ở trong tâm hồn nhiều mầm giống, và nhiều tình cảm tự buổi nào.”
Các
trạng thái đau khổ, vui sướng của con người, ông cũng thấy là kinh nghiệm của
biết bao là đời kiếp đã qua, và người nghệ sĩ là kẻ mang chứa chúng nhiều nhất.
“Nghệ sĩ vừa có tâm hồn của người lành,
người ác, tâm hồn của người quân tử và kẻ tiểu nhân, tâm hồn ông Thánh cho đến
tâm hồn của kẻ trộm cắp, giết người... không có cái nào mạnh đến thắng đoạt cả
cái khác, nhưng tất cả các tâm hồn khác nhau ấy hòa hợp, sôi séo lấy nhau để
tạo nên lòng say sưa cái Tuyệt Mỹ, Tuyệt Thiện, lòng ham mê sự sáng tác khiến
nghệ sĩ ngang hàng cả với trời.”
Cuốn Theo Giòng giải thích thêm cho những tác
phẩm ông đã viết trong đời. Huỳnh Phan Anh đã nhận xét rất đúng: “Những điều
Thạch Lam nói trong Theo Giòng, người
ta có thể kiểm điểm lại ngay trong tác phẩm của ông.” Dưới dạng lý luận, những
gì ông viết trong Theo Giòng thể hiện
đúng những gì ông viết khi sáng tác. Dù đọc Theo
Giòng muộn hơn Hà Nội Băm Sáu Phố Phường năm mươi năm, tôi đã tìm thấy trong đó
những điều củng cố, soi sáng cho những bắt gặp của tôi trước kia. Trong năm
mươi năm ấy, tôi đã có lần tìm thấy những điều tuyệt mỹ tuyệt thiện trong các
tác phẩm văn chương, đã thấm thía cái ý nghĩ nhà văn nhiều khi chính là ông
trời con khi họ mang đến cho mình cái nhìn suốt thiên cổ, nhưng Hà Nội Băm Sáu Phố Phường vẫn giữ nguyên
vị trí ban đầu trong tôi không suy suyển. Sách vở của Việt Nam gần một thế kỷ
qua, đọc lại gặp nhiều sự thất vọng không giống như cảm giác hay ho của mình
khi đọc lần đầu, nhưng với Thạch Lam thì không. Mọi sự vẫn thế. Tôi cho đó là
một may mắn lớn cho tôi, không phải sửa đi sửa lại nhiều lần trong đời những gì
đã khai mở tâm hồn cho mình. Tự trong thâm tâm vẫn giữ được một sự trung thành
nào đấy của “thủa ban đầu” khiến tôi vui và an tâm với chính mình.
“Thủa
ban đầu” ấy là những năm tháng tươi đẹp của tôi, sau đình chiến 1954, về với
làng quê của mình, và với Thạch Lam. Tôi biết lứa tuổi của tôi nhiều người đã
khám phá ra những chân lý khác, trong đó một số đã đến với chủ nghĩa Mác-xít và
dâng trọn tuổi xanh của mình cho nó. Tùy môi trường, hoàn cảnh, căn cơ của mỗi
người thôi, khó nói chuyện đúng sai. Riêng tôi, có ông khai mở tâm hồn tôi, những điều nhỏ nhẹ,
nhưng vĩnh cữu: Hà Nội Băm Sáu Phố Phường
là một thứ kinh khai ngộ của tôi, sự vật quanh ta chứa biết bao là ý nghĩa và
vẻ đẹp, vào đúng một thời điểm nào đó trong đời cần có người nói cho ta biết.
Tôi đã nhận được lời nói ấy, vào một ngày hè đã xa, trong ngôi nhà cổ của ông
bà để lại, tại làng quê của tôi.
6-2004