Tuesday, April 11, 2017

ĐỌC "NHỚ TIẾNG À ƠI"


Trong mười mấy năm phụ trách trông coi bài vở cho tạp chí Thế Kỷ 21, tôi được dịp quen biết với nhiều nhà cầm bút. Nhiều người đã nổi tiếng trên văn đàn, cũng có những người mới bước vào công việc viết lách. Nhưng đối với ai, Tòa soạn cũng có nhiệm vụ đọc kỹ bài vở của họ để quyết định đăng hay không. Và kinh nghiệm thú vị nhất của người làm tòa soạn là khi khám phá một bài viết hay của một tác giả hoàn toàn xa lạ.

Một hôm vào năm 2004, tôi nhận được truyện ngắn của một người xa lạ: Hoàng Quân. Một cái tên có thể là đàn ông, cũng có thể là đàn bà. Và tôi bị “chinh phục” ngay bởi lối viết mới lạ, có duyên của truyện Giấc Mơ Thực Vật, và cho đăng ngay trên số báo gần nhất, số 184, tháng Tám, 2004. Theo thông lệ, trên bìa mỗi số Thế Kỷ 21 có đăng giới thiệu tựa đề và tên tác giả ba bài đáng chú ý nhất, và tôi nhớ tôi đã không ngần ngại đưa Giấc Mơ Thực Vật với tên tác giả Hoàng Quân trình diện cùng độc giả thân mến trên bìa số báo ấy. Trong quan niệm của người làm báo, đó là một cách “vinh danh” sớm sủa một cây bút mới toanh lần đầu tiên xuất hiện trên báo của mình, như một kiểu giới thiệu có ẩn ý khoe khoang: Thưa quý vị chúng tôi vừa khám phá ra một tài năng mới, mời quý vị đọc.

Hoàng Quân đã đến với báo Thế Kỷ 21 như thế, cách đây đã 12 năm. Và trong 12 năm qua, dù tờ Thế Kỷ 21 đã không còn hoạt động từ cuối năm 2007, chúng tôi vẫn còn duyên nợ văn tự với nhau, nhờ đó giờ này tôi có thể bày tỏ một số nhận xét của tôi về cuốn Nhớ Tiếng À Ơi mà quý vị đang cầm trên tay của nhà văn Hoàng Quân.
Đặc điểm lớn nhất mà ai đọc Hoàng Quân nhiều cũng đều nhận thấy, là hầu như tất cả đề tài sáng tác của chị đều liên quan đến bản thân tác giả. Điều này khiến khi đọc người ta hay liên tưởng đến một thể loại khác, là hồi ký. Quả vậy, có nhiều dáng vẻ hồi ký trong các sáng tác của Hoàng Quân, vì các chuyện kể đều liên quan đến cha mẹ, chị em trong gia đình mình, chồng con của mình, bạn bè thuở đi học hoặc công việc của sở làm trong hiện tại. Một tập truyện của Hoàng Quân có thể coi là tập hợp từng mảnh đời của chính tác giả. Như vậy có thể coi đây là một tập hồi ký không? Một câu hỏi có thể gây phân vân.
Nếu định nghĩa hồi ký là những trang viết về những chuyện của đời mình thì đúng, đây có thể coi là hồi ký. Nhưng đây lại không phải là những trang kể một cách chân phương chuyện xảy ra trong đời của một người như thông thường các cuốn hồi ký vẫn được viết như vậy. Hồi ký tự bản chất chỉ là những câu chuyện của một người nhớ và viết ra, như những nguyên liệu thô. Nếu đem những cuốn hồi ký như vừa nói so sánh với “những truyện về bản thân mình” của Hoàng Quân thì chúng ta sẽ thấy khác biệt một trời một vực. Thì vẫn là chuyện riêng của mình đấy, nhưng sao truyện Hoàng Quân đọc thú vị thế! Nó duyên dáng, hấp dẫn, mới lạ. Cái gì làm ra sự khác biệt? Tôi nghĩ đó chính là khả năng sáng tác văn học của tác giả.

Tôi có đọc đâu đó lời khuyên của một nhà văn lớn tuổi đang phụ trách một tạp chí văn học, gửi cho một tác giả trẻ mới tập viết: Bạn có thể bắt đầu viết về những chuyện của mình, đó là đề tài dễ nhất, khỏi phải vận dụng nhiều trí tưởng tượng. Chuyện của mình là cái đã có sẵn nơi mình, chỉ cần đem ra sắp xếp và kể lại. Khi viết đã quen thì hãy bắt đầu nghĩ đến việc “hư cấu”, là những nỗ lực khó hơn.
Đó là những lời khuyên khôn ngoan, để khuyến khích những người muốn vào nghề viết. Nhưng tôi không nghĩ ông ấy muốn nói đến lối viết hồi ký đơn giản. Đây là lời khuyên một người mới khởi sự viết văn, bằng những chất liệu gần gũi dễ kiếm. Và viết văn vẫn luôn luôn là một gánh nặng phi thường, dù với chất liệu nào. Dù việc của mình hay của người, người viết vẫn phải quan sát, chắt lọc những chi tiết thích hợp nhất giữa vô vàn chi tiết. Dù với chất liệu nào, người viết vẫn phải có một văn phong của riêng mình để chuyên chở câu chuyện; văn phong, hay lối viết, như chiếc xe chở người và hàng hóa, máy tốt chạy êm thì người khỏe và hàng hóa an toàn, còn chạy cà rịch cà tàng thì người ta chỉ muốn xuống xe để tìm xe khác. Và dù là chuyện của ai, các nhận xét về người, về việc được chọn lựa để khai thác trong truyện cũng phải chính xác, hay, thú vị thì truyện mới có sức sống, chẳng khác nào máu thịt của một cơ thể khỏe mạnh.

Đúng là Hoàng Quân chỉ viết về chuyện của mình, nhưng đó là những sáng tác văn học đích thực với tất cả các đặc tính phải có của thể loại này. Trước hết về cốt truyện, nó là riêng của tác giả, tác giả luôn luôn xưng “tôi” để dẫn chuyện, nhưng cái “tôi” ở đây đã vượt quá khỏi con người cụ thể của tác giả để đóng vai trò một nhân vật linh động của truyện. Một cái tôi đã được nhân vật hóa, tức là văn chương hóa, hay nói một cách khác, hư cấu hóa --người ta rất có thể hư cấu cái “tôi” của chính mình chứ! Xoay quanh cái tôi ấy có nào là ông chồng, thằng con, nào là bạn học, bạn cùng sở làm... ai cũng xuất hiện rất thật như hình ảnh của đời thường, nhưng phải hiểu rằng để có những tính chất “rất thật” ấy, tác giả phải vận dụng rất nhiều công sức để tạo ra họ, tức sáng tác văn học. Những gì chúng ta được đọc từ Hoàng Quân là truyện chứ không phải chuyện. Chuyện là có sao kể vậy; truyện là cái do sáng tác mà ra. Hoàng Quân dù có dùng bao nhiêu chuyện thật của mình, thì khi viết đã từ những chuyện đó mà tạo thành truyện, thổi luồng sinh khí sáng tác văn học vào những chuyện đời thường để thành những truyện văn học.

Tôi nghĩ, đối với người viết văn, mà ở đây cụ thể là nhà văn Hoàng Quân, dù viết chuyện của mình, thì chuyện đó trước sau vẫn là chuyện của mình, nhưng cùng lúc các nhân vật xuất hiện trên một sân khấu mới khác hẳn cái không gian mà lâu nay tác giả vẫn ôm ấp trong lòng như những kỷ niệm. Do khả năng sáng tạo, câu chuyện thân mật cũ kỹ ấy của mình bỗng trở nên mới lạ với những tình tiết tâm lý mới, những câu đối thoại có xếp đặt để mang màu sắc một cuộc trao đổi lý thú dí dỏm, cái không gian quen thuộc thiếu cá tính bỗng được trang điểm duyên dáng hẳn lên...
Tất cả các đặc tính ấy đều được thể hiện trong truyện Hoàng Quân. Nhưng nếu tìm một đặc tính nổi bật dễ thấy nhất trong truyện của chị thì chắc nhiều người sẽ đồng ý là văn phong. Hoàng Quân có lối viết rất dí dỏm và có duyên. Theo tôi để có tính cách này Hoàng Quân đã thừa hưởng và khai triển hai yếu tố.
Thứ nhất là tiếng Huế, là tiếng mẹ đẻ của tác giả -- tiếng Huế chứ không phải giọng Huế, khi viết văn thì khó đem giọng với những âm sắc đặc biệt của một địa phương vào trang giấy. Tôi để ý người Huế, ngoại trừ khi cần đối thoại nghiêm trang, thường có cách nói rất dí dỏm, nhất là trong vòng người thân và bạn bè. Đó là cách khôi hài nhẹ, mà theo nhận xét của tôi có tính chất “tưng tửng”, người nói điểm xuyết trong câu nói những cách diễn tả hoặc từ ngữ độc đáo có thể gây cười với một vẻ mặt tỉnh bơ như không định chọc cười ai cả. Đây là một cách nói duyên dáng đặc biệt Huế mà tôi thấy được qua những bạn bè Huế khá đông của tôi. Cảm nhận này chỉ là kinh nghiệm của riêng tôi, và tính chất “khôi hài một cách trang nghiêm” ấy cứ theo cây bút của Hoàng Quân mà truyền đến chúng ta, bàng bạc khắp đó đây trong từng truyện.

Thứ hai là phong cách trò chuyện của đám học trò, ở đây là nữ sinh, với ngôn ngữ riêng, với lối diễn đạt đặc biệt của riêng họ. Đọc những truyện xoay quanh các kỷ niệm của thời còn đi học của tác giả, tôi thấy mỗi trang giấy như trở nên tưng bừng hơn với ngôn ngữ đầy sáng tạo của đám nữ sinh với nhau, ngay khi những nữ sinh ấy đã luống tuổi, có thể đã thành bà nội bà ngoại rồi mà khi gặp nhau vẫn “đấu hót” tưng bừng duyên dáng với các đặc ngữ của họ.
Theo như so sánh rất chi là phi khoa học của tôi, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Việt giông giống nhau, kiểu lửng lơ con cá vàng khi dùng chủ từ. Chỉ chừng đó thôi. Ngoài ra, hai ngôn ngữ cách nhau một trời, một vực. Văn phạm tiếng Việt dung dị. Thì quá khứ thêm chữ “đã”. Thì tương lai thêm chữ “sẽ”. Đơn giản như đang giỡn. Đại khái, nói sơ sơ, cũng lờ mờ hiểu được nhau. (Madrid Du Học Ký)
Đoạn văn trên rõ ràng là đang luận về ngôn ngữ, so sánh tiếng Việt với tiếng Tây Ban Nha. Để diễn tả đặc tính dung dị của tiếng Việt, các bạn có thấy tác giả vận dụng cả... nói lái không? “Đơn giản như đang giỡn”, cứ nói tỉnh queo như thế, ai hiểu được thì hiểu, mà nghe ra cũng thâm thúy lắm!
Trong đám bạn của cô tự nhiên nảy sinh trục trặc kỹ thuật nho nhỏ. Thỉnh thoảng có những hiểu lầm do sự trùng tên của hai đứa. Bạn bè không thể kèm thêm tĩnh từ dựa theo trọng lượng như Ngọc ròm, Ngọc béo, vì hai đứa cùng có dáng dấp suy dinh dưỡng như nhau. Gọi Ngọc bắc, Ngọc trung có vẻ phân biệt địa phương. Gọi họ đi sau tên, cô nhiệt liệt ủng hộ. Nhờ họ Hoàng, cô sẽ ‘ngự’ trên đầu thế gian. Nhưng Ngọc dãy đành đạch:
- Ối! Ông bà ông vải ơi. Chúng mày muốn chôn sống tao đấy phỏng? Nghe tên như vậy, thiên hạ tưởng tao đổi hệ, mê ăn so đũa nàm thao. Thôi, cô lạy các bà.
Cả đám chợt nhớ ra cái họ Dương khó xử của Ngọc, cười lăn lộn, rồi cho qua sáng kiến này. Tự lúc nào cô chả rõ, đám bạn thân ông ổng gọi hai đứa cô là Mặt Dài và Trán Dồ, dựa theo nét nhân dạng đặc biệt, mà hai đứa dấu diếm, không khai trong thẻ căn cước. (Quẻ Bói Đầu Năm)
Hai người bạn đều tên Ngọc, một người họ Hoàng một người họ Dương, thì rất khó cho đám bạn bè con gái dùng họ của họ để phân biệt hai người. Khi vỡ lẽ ra thì không những đám bạn “cười lăn lộn” mà một độc giả “già nua khó tính” như tôi cũng bật cười ha hả.
Hai ông bà đang ngang qua hàng bán thức ăn lạnh, nào là bơ sữa phô-mai, các thức ăn ngọt. Hàng này chẳng hấp dẫn bà tí nào. Hàng hàng lớp lớp chưng trên tủ, chỉ mới nhìn vào đã muốn lên cân, chứ nói gì chuyện đưa vào thực đơn gia đình. (Chờ Ông Huyền)
Chỉ với bảy chữ “mới nhìn vào đã muốn lên cân” tôi cho là một cực tả cái bổ béo của sản phẩm từ sữa và đường, nhưng tác giả viết một cách dung dị, tự nhiên quá, như là lời nói thường vậy, nhưng tài tình biết bao!

Hoàng Quân là một người thích âm nhạc, thuộc nhiều bài hát Việt Nam, đó cũng là người yêu tiếng Việt, nên câu văn viết ra hay chứa nhiều “điển cố” liên quan đến ca dao tục ngữ Việt Nam, hoặc thấp thoáng ngôn từ của một bài hát. Người cùng “tần số” với tác giả dĩ nhiên thưởng thức trọn vẹn được cái ý nhị hàm chứa trong văn, còn kẻ ngoại đạo, nhất là thuộc thế hệ trẻ hơn, có thể khó mà thấm thía cái hay, khiến có thể hiểu văn của Hoàng Quân một cách hời hợt thì sẽ rất đáng tiếc. Giống như khi đọc văn chương cổ điển mà không hiểu điển tích vậy.
Ví dụ khi đọc câu này: “Coi như tôi buồn ngủ rục cả mắt, mà manh chiếu này sao khó dùng quá” thì nếu không thấm nhuần câu tục ngữ “Buồn ngủ mà gặp chiếu manh” thì làm sao hiểu được tác giả nói gì. Một trường hợp khác: “Có những trưa, cậu bé đi bắt cá đây kia, bỏ cá vào những hũ chao, cho cá đá. Cô bé dặn nhỏ cậu, chỉ đá cá, chớ đừng lăn dưa” người đọc sẽ không thể hiểu đây là lối đùa cợt tế nhị nếu không biết tác giả dùng câu tục ngữ “đá cá lăn dưa” vốn để chỉ kẻ trộm cắp ngoài đường phố.
Hoặc để giới thiệu địa phương gốc của mình, tác giả viết: “Thường thì, trời có tối như đêm ba mươi, nghe giọng tôi cũng biết tôi từ nơi quê hương em nghèo lắm ai ơi.” Nếu người đọc không biết gì về bản trường ca Hội Trùng Dương của Phạm Đình Chương, nhất là bài Tiếng Sông Hương, thì làm sao đoán ra “giọng tôi” thuộc địa phương nào?!

Cũng có thể tác giả mượn hẳn một vài câu hát thời thượng đã khá xa xưa để diễn đạt ý mình: “Dù nàng chưa là sinh viên, chàng sẽ rủ nàng đi dạo trên ...con đường Duy Tân cây dài bóng mát... chàng sẽ mời nàng... uống ly chanh đường...” một người trẻ tuổi của đất Hà Nội chẳng bao giờ biết đến loại “nhạc vàng” của miền Nam có thể ngẩn người tự hỏi văn chương sao khó hiểu quá!
Vì vận dụng một cách tài hoa những vốn liếng ngôn ngữ có thể xem là dân gian (ngay cả những bài hát quá phổ thông trong xã hội đến một mức nào đó cũng có thể coi là ngôn ngữ dân gian), văn của Hoàng Quân nhuốm một màu sắc đặc biệt. Vừa rất dí dỏm với lối nói thông thường, vừa rất “kinh điển” -- theo nghĩa người đọc không đạt đến một trình độ văn hóa nào đó, và đặc biệt thuộc vào một thời đại nào đó, thì sẽ không thưởng thức hết được những tinh anh của câu văn. Nhất là cảm được, cười được cái dí dỏm của nó ẩn nấp sau rất nhiều trích dẫn dân gian một cách tế nhị.

Tôi nghĩ văn của Hoàng Quân sẽ thành một thể loại riêng biệt nhờ cái tài riêng ấy của tác giả. Đọc truyện Nhớ Tiếng À Ơi thì thấy tác giả là người rất thương yêu tiếng mẹ đẻ của mình, mặc dù đang sống trên đất Đức và phải thường xuyên sử dụng Anh ngữ trong công việc. Chị thấm thía bản Tình Ca của Phạm Duy lắm, ngay hai chữ À Ơi có lẽ cũng được mượn từ lời của Phạm Duy: À à ơi tiếng ru muôn đời. Nhờ yêu tiếng, nhờ “nhớ tiếng à ơi” mà Hoàng Quân đã thành người sử dụng tiếng Việt rất tuyệt diệu trong văn chương. Có thể nói, ngôn ngữ là điểm đặc sắc nhất trong văn chương Hoàng Quân.
Về nội dung, mỗi truyện đều là một câu chuyện có ý nghĩa riêng mà tác giả gửi gắm. Như vừa nói, Nhớ Tiếng À Ơi là truyện mang chủ đề về ngôn ngữ. Bạn Lòng Thương Mến viết về tình bạn, một người bạn thân của tác giả thuở trung học, bây giờ một người ở Pháp một người ở Đức, vẫn thương mến nhau, ngày càng sâu đậm theo với tuổi tác. Madrid Du Học Ký vừa mang tính chất du lịch vừa học hỏi tiếng nước ngoài. Một lần nữa, chúng ta gặp một Hoàng Quân linh động trong những chuyến dạo chơi thành phố Madrid của Tây Ban Nha, lại rất nhạy bén về ngôn ngữ.
Tôi không thể kể hết nội dung các truyện của cuốn sách, nhưng tôi xin phép nói về truyện mà tôi thích nhất của cuốn này, truyện Quẻ Bói Đầu Xuân. Đây là một câu chuyện liên quốc gia (Việt Nam và Đức) và có lẽ cũng liên thế kỷ luôn, kéo dài từ thời nhân vật gọi là “cô” còn đi học ở Việt Nam, rồi qua Đức tiếp tục đi học, rồi đi làm, rồi lập gia đình, có con. Nhưng thời gian có thể đến vài ba mươi năm như thế chỉ để nói về tình bạn giữa hai người, là “cô” và một người trùng tên với mình, Ngọc. Biết bao nhiêu chuyện, vui có, ngộ nghĩnh có, trong tình bạn mấy mươi năm này, chuyện nào cũng được kể với một cái duyên mặn mà, chi tiết. Kể cả một chuyện tôi cho là có tính chất tâm lý xã hội ít được thấy trong truyện của Hoàng Quân, là chuyện mẹ chồng của “cô” không muốn cô học nhiều. Đây là vấn đề rất hay xảy ra trong cộng đồng di dân Việt Nam khắp nơi, nếu mổ xẻ thì sẽ ra nhiều vấn đề tâm lý rất độc đáo của các bà mẹ chồng khi sợ con dâu học cao sẽ hơn con trai mình.
Mẹ chồng cô kể bâng quơ, rằng có ai đó ham học hành, xao nhãng chuyện nhà, chồng hăm he bỏ. Bà cụ biểu đồng tình: “Bỏ là phải! Đàn bà mà học cho lắm, thì đối xử tệ với chồng chớ hay ho gì”. Rồi như chợt nhớ ra, bà cụ quay qua hỏi cô: “Ủa, dậy chớ con học bao lâu nữa mới xong?”
Nhưng đó cũng chỉ là một trong rất nhiều chi tiết thú vị trong truyện. Trừ một câu chuyện tác giả kể ra sau cùng để kết thúc truyện tình bạn chí cốt giữa hai người cùng tên thân thiết với nhau từ thuở đi học. Đó là chuyện chồng của “cô” qua một thời gian điện thoại chuyện trò với người bạn trùng tên với cô ở Việt Nam, một mối tình đã nảy nở. Người chồng về Việt Nam với một lý do gia đình, và tới ở hẳn trong nhà người bạn của vợ, mà nay là người yêu của mình. Đọc Hoàng Quân khá nhiều trải qua một thời gian dài, tôi chưa bao giờ gặp một tình huống như thế này. Một chuyện với nhân vật tên Ngọc được gọi bằng đại từ “cô” đã bàng hoàng, khó xử khi được bạn bè từ Việt Nam báo tin này, đã qua những giây phút hoảng hốt, nhưng đã kết câu chuyện với một thái độ rất lạ lùng, hoàn toàn bất ngờ:
“Tự nhiên, cô mất trắng đứa bạn thân. 
Cô se sẽ nói với Liên:
- Thôi cũng tiện. Nhỡ khi chàng gọi thầm tên em, đỡ khó xử cho chàng.
Liên la lên:
- Mày khùng thuộc loại siêu đẳng rồi. Chuyện như vậy, mà còn tửng tửng cái giọng dở hơi.
Không biết bà thầy bói ngày xưa còn sống chăng. Có lẽ cô phải đến tìm bà, nhờ bà xem cho một quẻ đầu xuân, cho cô biết thực hư thế nào. Không biết rồi bà sẽ đưa cho ai trái quít, để cô được lại con bạn xưa.”
Trong hoàn cảnh như thế mà “cô” vẫn tiếc và mong có lại người bạn xưa !

Tôi đoán nhiều độc giả đọc xong truyện này có thể rơi nước mắt, vì thái độ đầy thương cảm của nhân vật chính. Các loại tình cảm chân thật ở đời quý biết là dường nào, đến nỗi tác giả, khi đã dẫn truyện đến một tình huống éo le như thế, mà vẫn để nhân vật của mình thương bạn, muốn người đó vẫn là bạn của mình, mãi mãi như thuở nào.
Tôi nghĩ với câu chuyện này tôi có thể kết thúc bài viết ở đây.
Nam California 16 tháng Sáu 2016