Trần Mộng Tú bắt đầu bài viết Mẹ và
Con bằng câu: Buổi chiều đang
xuống từ vòm cây trứng cá... Một
cách điềm tĩnh, thản nhiên, như đang tả một cảnh chiều bình thường. Nhưng không
phải, buổi chiều đó không có trong hiện tại, mà chỉ hiện ra trong tâm trí đang
chờn vờn mê ngủ của tác giả. Tác giả kể lại hôm sau: Tôi đi ngủ lúc mười một
giờ rưỡi tối qua, được một giấc ngắn chợt thức dậy, nằm đếm cừu mãi vẫn không
ngủ lại được, trong lòng lại tự nhiên thấy nhớ mẹ quá, mẹ đã mất cách đây hai
mươi lăm năm... Bèn ra ngồi vào máy bắt đầu viết trong trạng thái tâm thần mông
lung...
Buổi chiều đang xuống từ vòm cây
trứng cá, chị đứng nhìn mẹ giũ mái tóc ướt trong ánh nắng vàng nhạt, tóc mẹ dài
lắm, dáng mẹ cao, mẹ mặc bộ quần áo lụa màu mỡ gà. À cái màu này lạ lắm, phải
lớn lên ở quê chị thì mới hiểu được tại sao lại gọi cái màu vàng vàng, bong
bóng ấy là màu mỡ của con gà.
Màu mỡ gà thường dễ lẫn vào màu da
phụ nữ. Mẹ quay lại nhìn chị, tóc mẹ làm ướt cả một khoảng trên vai áo, chị
nghe thấy mẹ nói, nhưng không rõ mẹ nói gì, chị nghe được cả tiếng gió lao xao
rung rung những chùm lá của cây trứng cá. Mẹ đứng chải tóc, rồi bỗng dưng lại
không thấy mẹ nữa, mẹ biến mất vào trong màu mỡ gà rồi. Chao ôi, chị khóc ôi là
khóc!
Trên đây là nguyên đoạn mở đầu của
bài viết. Đọc xong, chúng ta biết ngay cảnh bà mẹ đang hong tóc dưới cây trứng
cá trong buổi chiều đó là một cảnh ảo, dội lại từ một kho cất giấu đâu đó trong
tiềm thức, tuy nhiên đó là một cảnh rất đẹp, đẹp đến nỗi có thể coi là điển
hình của hình ảnh một bà mẹ đẹp muôn thuở... tóc mẹ dài, dáng mẹ cao, bộ quần
áo lụa màu mỡ gà, và cả tóc mẹ làm ướt cả một khoảng vai trên áo... tất cả rất
thực như chúng ta có thể đang chứng kiến một bà mẹ bằng xương bằng thịt đang
hong tóc trong một buổi chiều màu mỡ gà trên quần áo, trên nước da lẫn với cả
ánh nắng vàng buổi chiều chiếu chênh chếch trên cây trứng cá. Nhưng không, tất
cả cảnh sinh động ấy chỉ là ảo ảnh hiện lên trong tâm thức mộng du của tác giả,
khi chị nghe thấy mẹ nói,
nhưng không rõ mẹ nói gì... Mẹ đứng chải tóc, rồi bỗng dưng lại không thấy mẹ
nữa, mẹ biến mất vào trong màu mỡ gà rồi.
Đó là hình ảnh của bà mẹ lớn nhất,
đẹp nhất, xưa nhất hiện ra như một pho tượng chủ thể, để ngay sau đó tan thành
một dòng suối chảy xuống các thế hệ bên dưới, sẽ hóa thân thành các hình ảnh mẹ
khác không đẹp bằng, không điển hình bằng nhưng vẫn ăm ắp nỗi niềm mà mẹ đã cưu
mang năm xưa...
Đột ngột, không một tiếng báo trước,
một hình ảnh khác hiện ra như một chuyển cảnh của phim xi nê: con của mẹ đang
làm mẹ. Sao nhanh và đột ngột thế? Đừng hỏi một câu như vậy trong tâm và cảnh
này. Đừng mang thời gian để đo lường một dòng suối êm như mây trôi chuyển từ
thế hệ này sang thế hệ khác. Dòng suối của tình mẹ con không gián đoạn trong
thời gian và trong không gian, sự biến hóa của từng thế hệ chỉ là những biểu
hiện chốc lát trong cái hành trình sinh sôi miên viễn bất tận. Vì vậy, không
cần một dấu hiệu nào của chuyển đoạn, chúng ta đọc tiếp:
Hôm nay, ngày đầu tiên chị dắt thằng bé đến trường, hôm
qua chị mới cắt tóc cho nó, cái đầu tròn như cái bắp cải, trông nó xinh quá! Nó
vừa vào lớp vừa nắm chặt tay mẹ, cô giáo phải cho chị ngồi lại với nó thật lâu.
Lại một thế hệ mẹ khác bắt đầu, thằng bé đó là con của tác
giả. Buổi sáng người mẹ vừa đưa con đến với buổi học đầu tiên, khi hết buổi
học:
Chị đi đón con về, đứng nhón gót nhìn
qua cửa sổ lớp, thằng bé đang ngồi trong cái vòng tròn với bạn, ngước nhìn lên
thấy mẹ, nó òa khóc.
Nó vừa òa khóc vì tủi thân, nhớ mẹ
trong buổi xa nhà đầu tiên, một hình ảnh khác chợt đến, lại một chuyển cảnh
chuyển tình đột ngột không báo trước:
Cậu thanh niên vung ra khỏi tay mẹ,
chạy theo chùm bong bóng đang bay trên bầu trời, chùm bong bóng bay mất hút,
cậu chạy theo, vừa chạy vừa vấp ngã, đứng dậy, chạy tiếp.Chị nhìn theo con rưng
rưng lệ.
Giống như ta vẫn thấy trong chiêm
bao, thằng bé đã vụt lớn, và chùm bong bóng bay trong bầu trời chính là các ảo
ảnh của cuộc đời mà nó phải lao theo, phải chụp bắt, say sưa quên cả người mẹ
mà nó bỏ lại sau lưng. Nó mới òa khóc khi thấy mẹ vào cuối buổi học đầu tiên ở
trường mà, sao nó vội thế? Đúng rồi, nhưng đây chỉ là những nét phác thảo của
một bức tranh rộng lớn, người ta phải bỏ qua rất nhiều chi tiết, gồm cả một
quãng đời dài từ lớp đồng ấu tới khi tốt nghiệp đại học, chỉ cần ghi lại những
sự kiện cực kỳ quan trọng trong lòng một người mẹ. Thằng bé vừa mới òa khóc vì
nhớ mẹ, thoạt cái nó đã bỏ mẹ để chạy theo chùm bong bóng ảo ảnh, đó là những
nét chính. Chỉ cần ghi lại những nét chính thôi, vì đó là những khúc quanh của
cuộc đời mang đứa con tới những chân trời mới. Các con chim khi đã đủ lông cánh
thì như một định mệnh có sẵn đều đập cánh bay xa khỏi tổ. Con chim mẹ cũng mang
một bản năng định mệnh, không bay theo con, chỉ đứng lại bên bờ tổ nhìn con bay
đi với biết bao thương nhớ kết tụ cả một đời qua quá trình mang nặng đẻ đau,
thương yêu săn sóc cho con khôn, lớn.
Con em kế tiếp, mới bốn tuổi, cầm cái hộp cơm nhựa màu
hồng, im lặng vào lớp, quay nhìn mẹ, rồi ngồi xuống cái vòng tròn với bạn mới.
Chị ra về, nó không khóc.
Bỗng con bé vươn vai một cái, mười tám tuổi, đi học
xa, vẫn không khóc, chỉ có chị là đằm đìa nước mắt.
Mẹ thương yêu con như một bản năng.
Có thể gọi tình yêu là một bản năng hiểu như một sức mạnh mù tối? Chỉ biết rằng
tình ấy như một khối tinh thần bất biến tồn tại trong vũ trụ, như một cái Đạo,
mà không có nó tất cả mọi sinh vật không thể sinh tồn. Con người đã nhận ra nó,
và thờ phượng nó. Các tôn giáo lớn, mặc dù giáo lý rộng rãi bao trùm, vẫn có
phần riêng cho tình mẹ, Phật Bà Quan Âm trong đạo Phật, Đức Mẹ trong Thiên Chúa
Giáo; trong tín ngưỡng của từng vùng địa phương Việt Nam không thiếu sự sùng
bái tinh thần Mẹ: Thánh Mẫu Thượng Ngàn, Bà Chúa Liễu Hạnh... Hay:
Mẹ là tiểu Kính Tâm
Lên chùa giải oan
Ôi xót thương trẻ khóc trong vườn
Trẻ con hoang
Ôi ! Mẹ từ bi
Giọt máu rơi này, Mẹ nhận là con.
Mẹ Việt Nam !
(Phạm Duy, trường ca Mẹ Việt Nam)
Người Việt Nam, cũng như bao nơi khác
trên trái đất, thờ phượng cội nguồn của sự sinh sôi...
Thằng út đi học, chị dắt con tới trường, trước khi vào
lớp, chị bảo con: hôn mẹ đi, thằng bé chỉ ra sau cái xe, nó muốn hôn mẹ ở chỗ
khuất để không ai nhìn thấy.
Ơ kìa, tự nhiên sao thằng Út cao vọt lên, nó buông tay
chị, bước đi một mình, đi thật xa chị, chị trông vời theo con, nó quay lại vẫy
vẫy, rồi tiếp tục đi, tiếp tục đi, xa dần, xa dần.
Trần Mộng Tú trong một cơn “mộng mơ”
đã ý thức tình mẹ rộng hơn là tình với những đứa con của riêng mình. Nàng đã
phần nào đi vào biển cả mênh mông của vũ trụ tình mẹ bằng những hình ảnh cụ thể
mà nàng thấy trong mơ.
Nơi chị ở đông người lắm, ai cũng già
như chị, có người đứng, có người nằm, họ đi lại trên những chiếc xe lăn,
trong im lặng. Họ in những chiếc bóng mong manh, còng xuống trên tường,
nhưng ai cũng luôn luôn ngóng nhìn ra phía cửa chính. Chị thấy con trai út
của mình đi vào với một bó hoa và người bạn gái, khi hai người bước vào tất cả
mọi người trong nhà đều chạy ra, và gọi con chị rối rít. Họ gọi:
- Con trai của tôi, con trai của tôi!
Không chị nhớ rõ ràng, đó là con trai
của chị mà, thằng út giống chị nhất nhà. Mắt, môi này là của chị. Tại sao họ
nhận. Hay ở đây mọi người đều chung một con trai thôi. Hình như ai cũng thèm
khát được làm mẹ, được có một người có tên là “Con” chú ý đến mình.
Con trai chị cầm bó hoa, tháo ra
từng bông một, trao cho những người đàn bà mong manh bao chung quanh
cậu. Bó hoa như không bao giờ hết và những người đàn bà cứ liên tục
gọi “Con ơi!”
Nhưng rồi cậu con cũng bỏ ra về,
bỏ lại chị. Cả không gian rơi vào một cái hố đen, không tiếng động.
Những người già gục xuống như cây đổ
trong rừng.
Đoạn văn trên phảng phất như một giấc
mơ du hành địa phủ, và ngay ở đó tình mẹ vẫn là một nỗi khao khát mãnh liệt.
Hình ảnh vô số người đàn bà đổ dồn về người con út của tác giả để nhận chàng là
“con” diễn tả lòng nhớ thương con của những người đàn bà đó, có thể đã là những
bà mẹ hay chưa bao giờ làm mẹ, nhưng đều có nỗi khao khát nhớ thương như nhau.
Ở đây tình mẹ như đã được kết tinh thành một chất bàng bạc trong không gian và
hình ảnh những người đàn bà ấy -những người Mẹ ấy- chỉ là hóa thân cụ thể trong
chớp mắt khi một hình ảnh (hay chỉ là một ý tưởng, một thoáng tinh thần) CON
xuất hiện. Họ nháo nhào vây quanh lấy cái khái niệm Con ấy để thể hiện chính
họ, Mẹ. Rồi cái gọi là Con ấy bỏ đi -Con nào mà chẳng bỏ đi?- thì cả sự kết
tinh Mẹ ấy rệu rã gục xuống.
Những người già gục xuống như cây đổ
trong rừng.
Phải chăng Tình Mẹ là một nỗi khao
khát khôn nguôi thường trực trong trời đất và một khi có một kẻ sắp làm mẹ thì
nó “nhập” ngay vào, nó chi phối, điều khiển từ bản năng đến tình cảm để kẻ làm
mẹ ấy hoàn tất vai trò của mình, để nuôi dưỡng cái hoài thai mà mình mang hầu
dòng giống muôn loài được tiếp tục?
Một người nữ, trong tư cách một thiếu
nữ trong trắng, đến tư cách một người tình, rồi người vợ, rồi đến giai đoạn cưu
mang con trong lòng... bất cứ trong giai đoạn nào của đời mình đều đã luôn luôn
mang trong mình đầy đủ tư cách một người Mẹ, dù tiềm ẩn, chuẩn bị, dù mới chớm
nở hoặc đã qua giai đoạn làm mẹ đích thực.
Trần Mộng Tú trong cơn u hiển đã thấy
hết, thấy chính mình và thấy cả trời đất. Và biết rằng chính mình, hay chính
con gái của mình, và rộng ra mãi đến bao người nữ khác cũng đều là những sứ giả
muôn đời đem Tình Mẹ để thể hiện cùng thế giới này. Với những nỗi niềm riêng,
với những khao khát, cả những khổ đau không lúc nào nguôi về một mối tình rộng
lớn mà mình được tham dự vào. Làm mẹ...
Jun. 9, 15.