Wednesday, July 30, 2014

Đưa tiễn Quỳnh Giao

(Đã được tác giả Phạm Xuân Đài đọc trong buổi tưởng niệm ca sĩ Quỳnh Giao vào trưa ngày 30 tháng 7, 2014 tại nhà quàn Peek Family, Westminster (Nam California), trước giờ hỏa thiêu).



Kính thưa quý vị,

Hôm nay chúng ta tiễn đưa một người bạn nghệ sĩ của chúng ta về cõi vĩnh hằng với rất nhiều nuối tiếc. Đối với riêng tôi, nỗi tiếc nuối rất sâu đậm, vì từ lâu tôi đã nhận ra và cảm phục Quỳnh Giao là con người rất mực tài hoa. 

Quỳnh Giao đã được nuôi dưỡng trong giai đoạn trưởng thành của nền tân nhạc Việt Nam, đã được học hành đến nơi đến chốn trong trường Quốc Gia Âm Nhạc của Việt Nam Cộng Hòa, đã đậu thủ khoa khi ra trường, đã sống trọn vẹn trong môi trường âm nhạc từ trong gia đình ra ngoài xã hội, từ nhỏ đến lớn, từ trong nước ra hải ngoại. Tài năng về âm nhạc của Quỳnh Giao chắc chắn hôm nay sẽ được những người trong giới âm nhạc nói tới. Nhưng khả năng và kiến thức về âm nhạc, nghệ thuật còn thể hiện trong lãnh vực viết lách, có thể nói cho tới giờ phút này, ít ai có được những thuận lợi để viết về âm nhạc Việt Nam trong thời kỳ của mình hơn là Quỳnh Giao.

Với lợi thế lớn lên trong gia đình của đôi nghệ sĩ nổi tiếng Dương Thiệu Tước-Minh Trang, lại tham gia vào thế giới âm nhạc từ thủa bé, Quỳnh Giao đã tích lũy không biết bao nhiêu là kỷ niệm và sự quen biết với các nhạc sĩ, ca sĩ, bao nhiêu là kiến thức về các tác phẩm và các sinh hoạt âm nhạc đủ loại của suốt thời gian sống tại miền Nam. Đọc Quỳnh Giao, người ta mới thấy tác giả đúng là một cuốn tự điển sống về cái thế giới ấy, một cây bút đầy linh động không chỉ vì sự hiểu sâu biết kỹ, mà còn vì khả năng diễn đạt bằng văn chương những chỗ uẩn áo của âm nhạc phát tiết ra nơi từng người nghệ sĩ, dù là người sáng tác hay là người trình diễn. Nếu ai có ý định viết về nhạc sử của miền Nam trước 1975, tôi nghĩ người ấy cần tham khảo rất nhiều bài viết về âm nhạc của Quỳnh Giao.

Nhưng có lẽ ít người trong chúng ta được biết là Quỳnh Giao còn có con mắt nhìn nghệ thuật tạo hình một cách đặc sắc. Khoảng thời gian từ 1995 đến khoảng năm 2000, tại trụ sở của ba cơ quan văn hóa là đài phát thanh VNCR, hội VAALA và tòa soạn báo Thế Kỷ 21 tại đường Acacia, Garden Grove, một nhóm người đã cùng nhau hoạt động rất vui tươi và hiệu quả. Cùng với anh Lê Đình Điểu, anh em chúng tôi như Vũ Ánh, Lê Văn Khoa, Đinh Quang Anh Thái, Ngô Mạnh Thu, Becky Ngô, Quỳnh Giao, Trần Đại Lộc, Phạm Phú Minh, Hoàng Trọng Thụy vân vân... đã quây quần để làm công tác truyền thông và văn học nghệ thuật. Hồi đó Quỳnh Giao mỗi tuần phụ trách một chương trình về âm nhạc cùng với Lê Đình Điểu trên đài VNCR, có số thính giả mến mộ rất đông. Một lần tại trụ sở ấy chúng tôi tổ chức triển lãm một loạt tranh 10 bức mới sáng tác tại Mỹ của họa sĩ Trịnh Cung từ Việt Nam sang, có tên gọi là Âm vang của đất. Quỳnh Giao xem tranh và đã viết cho báo Thế Kỷ 21 bài nhận định hội họa có tựa đề: Xem tranh Trịnh Cung: Chuyển Động và Âm Thanh. Chúng tôi mời quý vị nghe lại vài đoạn ngắn của bài này.

“Nếu các lục địa xô đẩy nhau, như vào thuở tạo thiên lập địa, ta có thể thấy sự vỡ nát của đá và có khi sự tuôn trào của nham thạch đỏ ối như vàng, hay nâu xậm tựa bùn đất. Nếu hoàn cảnh xô đẩy khiến một nghệ sĩ hội họa từ Việt Nam được lãng du trên lục địa Hoa Kỳ, để ngắm nhìn người và đất, ta có thể có mười họa phẩm hoàn tất trong thời gian ngắn - vài giây động đất của thiên nhiên vĩnh cửu. Nhưng, người đó phải có sức sáng tác của một họa sĩ trẻ và nghệ thuật già dặn của người đã sống để vẽ từ thời thái cổ. Trịnh Cung là người đó, và nơi ông, âm vang của đất đã thành bản hợp xướng hoành tráng của màu sắc và ánh sáng.”
...
“Ánh sáng trong tranh Trịnh Cung - tỏa ra từ cả những mảng đậm tím hay nâu cam - là ngôn ngữ của âm nhạc trong giai điệu majeur, êm và sáng, dịu mà không buồn. Âm vang của đất, nơi Trịnh Cung, là một bài hợp xướng vui tươi, không ủ dột như nhiều ca khúc của ta (...) Tôi sở dĩ nghĩ tới âm thanh của màu sắc vì trước mỗi bức tranh lại rung động như nghe được một giai điệu âm nhạc. Âm nhạc đã dẫn tôi vào hội họa Trịnh Cung vì ông thường kết hợp màu sắc để đưa người xem vào nhạc.”

Đọc Quỳnh Giao viết về hội họa, tôi mới ngộ ra rằng tất cả các hình thái nghệ thuật của con người đều liên quan với nhau. Người xưa nói “thi trung hữu họa” - trong thơ có họa - nay tôi vừa được biết thêm “họa trung hữu nhạc” - trong họa có nhạc, hoặc nói ngược lại, trong nhạc có họa, thì chắc cũng không sai. Trong cái này có cái kia, vì mỗi hình thái nghệ thuật của con người đều chỉ là một cách biểu hiện cái Đẹp mà con người mang trong tâm hồn nó.

Quỳnh Giao là người hiểu tất cả những điều đó, chị đúng là một con người tài hoa. Cụ Nguyễn Du đã nói rằng “những đấng tài hoa (thì) thác là thể phách, còn là tinh anh”.

Thưa chị Quỳnh Giao, hôm nay chúng tôi tiễn đưa thể phách của chị trở thành tro bụi, nhưng phần tinh anh, tức là tài sản tinh thần mà chị để lại thì thật phong phú, sẽ còn lại mãi mãi với chúng tôi hôm nay và cho nhiều thế hệ về sau.

Xin giã từ chị Quỳnh Giao.

Cuối tháng Bảy 2014.