Đúng ra khởi hành từ Hoa Kỳ thì phải gọi là “đi Đông,” nhưng nói thế không ổn. Thứ nhất không ai nói “đi Đông” (trừ khi dùng trong nhóm từ “đi Đông đi Tây”) mà chỉ nói “đi về hướng Đông.” Và chữ Tây ở đây không còn là hướng Tây, mà trở thành tên thứ nhì của người Việt Nam đặt cho nước Pháp. Vậy từ bất cứ điểm nào trên trái đất, khi một người Việt nói “đi Tây” thì có nghĩa là đi đến nước Pháp vậy.
Không
hẹn, mà cuối cùng Đỗ Ngọc Yến, Trần Đại Lộc và tôi đi Pháp cùng một lúc. Cũng
là một cái duyên. Từ niên khóa đầu tiên chúng tôi học chung với nhau, 1957-1958
tại Đệ Tam C trường Petrus Ký, ba chúng tôi đã bắt đầu có những chuyến đi
chung: gần thì đạp xe lên Lái Thiêu vào những ngày cuối tuần để la cà thăm những
vườn cây ăn trái, xa thì có chuyến đi đầy kỷ niệm lên Đà Lạt đóng trại bên bờ hồ
Than Thở vào dịp lễ Phục Sinh năm 1958. Rồi vào giữa thập niên 60 khi hoạt động
thanh niên với nhau, chúng tôi đi cùng ra miền Trung, lên cao nguyên, xuống
vùng đồng bằng sông Cửu Long…Sau 1975, mỗi người một cảnh, tưởng duyên nợ thế
là chấm dứt, ai ngờ dần dà rồi cũng tề tựu về sống gần nhau, và rồi lại đi
chung, và lần này thì đi Tây.
Đối
với người Việt Nam trải qua nhiều thế hệ, đi Tây là chuyến đi oai hơn hết. Cả đối
với chúng tôi ngày nay, dù đang sống tại Mỹ, những ngày chuẩn bị lên đường mỗi
khi nói với ai câu: “Tôi sắp đi Pháp” thì tự bản thân câu nói dường như đã có một
niềm hãnh diện ngầm. Điều ấy có lẽ chính yếu bắt nguồn từ truyền thống của mấy
thế hệ người Việt Nam vẫn nhìn nước Pháp như là một nơi điển hình của văn minh
và sang cả, và đến được nước Pháp là đạt được một mơ ước cao xa nhất về học
hành cũng như biết được thế nào là sự rực rỡ và giàu mạnh của một quốc gia. Đến
thế hệ của tôi tuy nước Pháp đã suy yếu và ảnh hưởng của Pháp tại Việt Nam
không còn mạnh, chúng tôi lại có nhiều cơ hội để nhìn rộng ra nhiều nơi khác
trên thế giới, thế nhưng dấu vết của truyền thống xưa vẫn không phai mờ. Truyền
thống này hiện ra rõ nhất nơi những người lớn tuổi ở miền Bắc mà chúng ta gặp lại
sau năm 1975, tất cả hình ảnh về thế giới Tây phương của họ ngưng đọng vào nước
Pháp vào năm 1954, hoặc có thể xa hơn, vào 1945, và đông cứng nguyên hình như
thế không thay đổi gì nữa. Các chuẩn mực về hàng hóa tiêu dùng, về văn chương,
nghệ thuật của lớp có học cũ ở miền Bắc đều là chuẩn mực thời thuộc địa; các thứ
của thế giới xã hội chủ nghĩa thì rõ ràng chưa có một trọng lượng nào để thay
thế những giá trị cũ đã ngấm sâu trong lòng họ. Phải nhiều năm sau 1975, những
nếp hằn sâu đó mới phai nhạt đi chút ít sau khi họ được biết tình hình văn minh
thực sự của thế giới ngày nay. Truyền thống khâm phục nước Pháp đó tôi nghĩ
không phải do sự “nhồi sọ” của người Pháp trong thời kỳ thuộc địa đem lại, mà
là do giá trị nhân bản thực sự của nước Pháp về phương diện văn chương, mỹ thuật,
tư tưởng, khoa học kỹ thuật…đã một thời rực rỡ ở một đỉnh cao của thế giới. Nói
về tuyên truyền nhồi sọ thì ai hơn người Cộng Sản, nhưng vì dựa vào cái ảo, cái
giả, cái không có thực, nên không đem lại sự tâm phục nào, như là tầng lớp cựu
học của nước ta đã tâm phục nước Pháp.
Họp
mặt bạn hữu tại nhà chị Thụy Khuê. Từ trái: Thế Dung, Trần Quang Hải, một thân
hữu;
Thụy
Khuê đứng, đang nói; Xuân Đài (con gái tác giả); Nguyễn Gia Kiểng, Đỗ Ngọc Yến
Cả
ba chúng tôi đi Âu châu chuyến này vì những lý do riêng, đi chơi chứ không phải “đi công tác”
như ngày xưa. Đối với Lộc và tôi, đây là chuyến đi Pháp đầu tiên, và chúng tôi
đều có người thân ở đó – điều kiện gần như là tiên quyết để chúng tôi có thể du
lịch xa như vậy. Nhưng một khi đi mới biết rằng mình không chỉ có liên hệ gia
đình ở đó mà thôi, còn vô số những liên hệ chằng chịt khác do cuộc sống xã hội
đem lại mà mình không thể hình dung ra trước được. Tôi có rất ít bạn cũ tại
Pháp. Nhiều người Việt ở Pháp du học ngày xưa, làm thành một tầng lớp trí thức
khoa bảng tại đấy. Lớp bạn học cũ của tôi hầu như không ai du học Pháp, và lớp
“xuất ngoại” sau này bằng đường vượt biên, hoặc bảo lãnh, hoặc HO thì phần lớn
đổ vào Mỹ và các nước khác. Nhưng do công việc làm báo trong mấy năm qua, tôi
có được một số quen biết mới, phần nhiều chỉ biết qua thư từ bài vở chứ chưa gặp
lần nào. Đến Pháp, ngoài sự háo hức tự nhiên thấy được kinh đô ánh sáng, tôi
còn cái háo hức được gặp nhiều người, “tuy lạ nhưng dường như đã quen từ lâu lắm.”
Paris
Lần
đầu tiên đến đất Pháp, tôi gặp Paris với một nỗi sung sướng trẻ thơ và lãng mạn,
dường như ước mơ của một thời trẻ tuổi vẫn còn nguyên đấy, và với chuyến đi này,
tôi bắt đầu cuộc hành trình vào niềm mơ ước có từ thời ngồi trên ghế nhà trường
của tôi.
Lộc và Minh tại Paris
Cách
đây tám năm, lần đầu tiên tôi đến Hà Nội với nỗi lo sợ mình sẽ thất vọng vì gặp
một thực tế không đúng như mình mơ ước, nhưng may mắn là ở đất Thăng Long tôi vẫn
bắt gặp được cái linh hồn bất diệt của đất ngàn năm văn vật. Lần này tôi đến
Paris tự tín hơn, mặc dù lòng vẫn bị ám ảnh bởi một số lời chê bai của một ít
người từ Mỹ đi du lịch nước Pháp trở về. Đại khái họ nói: “Ồ Paris, chẳng có gì
đáng nói, cũ kỹ, chật hẹp, mắc mỏ…” Nhưng khi tôi đến nơi, Paris đã bày ra trước
mắt tôi hơn là những gì tôi tưởng tượng rất nhiều, uy nghi hơn, rực rỡ hơn và
cũng thâm trầm hơn. Tôi không chia xẻ chút nào ý kiến của một số người Việt đã
nhiễm lối sống tiện nghi ở Mỹ. Paris không phải là nơi để chỉ được đánh giá
theo các tiêu chuẩn đời sống tiện nghi vật chất.
Tượng
trên Khải Hoàn Môn
Tôi
đã sững sờ với kiến trúc của Paris. Đó là vẻ đẹp. Đó là hình ảnh của tư tưởng
và tinh thần lớn lao, hoành tráng. Nhìn kiến trúc ấy mình thấy như đứng trước
cái thăm thẳm của thời gian và lịch sử con người với các thành tựu to lớn cũng
như các nỗi niềm mơ mộng của nó. Trần Hồng Châu đã ví hình thể Paris như một
trái xoài, và phân vân không biết miếng nào trên trái xoài đó là ngon nhất. Xa
lộ vòng đai đúng đã khoanh chu vi của Paris thành hình một trái xoài, và tôi thấy
chỗ nào cũng ngon cả, cái ngon phân bố rất đều mỗi nơi mỗi vẻ, khác với Sài Gòn
chỉ tụ ở mấy đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Tự Do. Nhớ lại thời gian gãy chân nằm một
chỗ tại trại cải tạo Thanh Cẩm, Thanh Hóa, tôi đã nghiền ngẫm một cách thú vị
vô cùng chương Victor Hugo viết về kiến trúc của Paris, trong cuốn Notre Dame
De Paris. Theo tôi đó là chương hay nhất của cuốn sách, là một bảng nhạc trầm
hùng nói về từng tảng đá, từng đường cống, từng khối tường làm nên thành phố
này, qua nhiều thời đại. Đọc những trang sách ấy tôi đã như thấy Paris một khối
sừng sững, chắc nịch, nhuốm một linh hồn bất diệt. Khi đến đây tôi đã cảm thấy
ngay vẻ chắc nịch bất diệt ấy, nhưng đồng thời là cái tươi tắn linh động bao
trùm đây đó. Đấy là đặc điểm của kiến trúc Paris. Vẻ cao lớn uy nghi một cách lạ
lùng của nhà thờ gây sự khiếp phục và cảm giác nhỏ bé của người đứng xem, đã diễn
đạt đúng tinh thần muốn mọi người quy phục duy nhất vào một Thượng đế của giáo
hội Công giáo thời Trung cổ. Nhưng đền đài cung điện thì nhằm vào sự rực rỡ
vàng son của cuộc sống trần thế, trong đó tính đa cảm của những pho tượng nói
lên rất nhiều khía cạnh rung động nhân văn trước cuộc sống đa dạng trải nhiều
thời đại. Tượng là cái đặc sắc của nước Pháp. Cái ngôn ngữ bằng đá ấy được đặt
khắp nơi, nơi vòi phun nước, trên nóc điện Louvre, trên tường Arc de Triomphe,
trong sân Versailles…thậm chí cả trong rừng cây. Với nét mặt ấy, với cử chỉ
dáng điệu ấy, tượng nói được rất nhiều điều, người đối diện phải biết lắng nghe
ra thứ ngôn ngữ vô thanh mà khối đá điêu khắc ấy liên tục phát biểu trong cái
thăm thẳm của thời gian.
Cổng
La Défense
Hẳn
người Pháp hãnh diện với nền kiến trúc cổ của mình. Nhưng họ luôn chứng tỏ rằng
họ nhạy cảm với cái mới, và muốn đi tiên phong trong việc xây dựng nên những
cái mang tâm hồn và tầm vóc của từng thời đại. Tháp Eiffel là tượng trưng cho
thành tựu của thời đại cơ khí. Khi nó được dựng lên, không ít người đã xỉ vả
nó, cho rằng cái khung sắt nhọn ấy chỉ phá vỡ cái quần thể kiến trúc rất mượt
mà rất thơ mộng trải nhiều đời thành tựu đã tạo thành Paris. Một đống sắt giữa
một Paris đẹp đẽ huy hoàng, thật là vô duyên! Nhưng thời thế đã đổi thay, cái
biểu trưng của thời đại phải thở hơi thở của thời đại, và tháp Eiffel là kết tụ
hình ảnh và âm thanh sắt thép của biết bao cầu cống, xưởng thợ, công trường…trong
thời cực thịnh của nền công nghệ Pháp, và nó đứng đó, đáp ứng cái mà tâm hồn
con người mới cần biểu hiện. Cảm nghiệm của con người nghệ sĩ tiền phong đã thắng.
Họ đã đúng, cho thời đại của mình và sau mình. Sự sáng tạo của họ không dựa vào
cái đã qua rồi, dù cái đó có vàng son rực rỡ, mượt mà đáng yêu bao nhiêu đi nữa.
Cũng thế những công trình của hậu bán thế kỷ hai mươi đã đem lại cho Paris những
hình ảnh tiền phong mà không chắc người dân Paris nào cũng sẵn sàng chấp nhận
ngay. Những ống, những trụ, những gióng sắt chằng chịt giống như một giàn phóng
hỏa tiễn của Trung Tâm Pompidou có thể làm cau mày một người vừa đắm mình trong
vẻ đẹp vĩnh cửu trong khung cảnh của điện Louvre, nhưng lại làm thỏa mãn tâm
tình của đám người trẻ đơn giản quen với những hình dạng kỷ hà trong đời sống
khoa học hiện nay. Vâng, rồi thì người ta sẽ đi trong những cái ống giống như
cái ống bọc quanh hệ thống thang cuốn của trung tâm này, đó sẽ là những dự kiến
không xa lắm! Xe điện ngầm há chẳng là một loại ống thô sơ rồi đấy ư? Cổng La
Défense là một hình ảnh tân kỳ khác, tạo nên một vẻ đẹp khác không giống với vẻ
đẹp của các đền đài truyền thống, nhưng chắc chắn là không lạc hậu so với các
loại hình kiến trúc mới trên thế giới.
Xe điện ngầm
Tôi
cảm phục hệ thống đường xe điện ngầm của Paris, một công trình vận chuyển tuyệt
vời giải quyết hầu như toàn diện bài toán lưu thông rõ ràng là bế tắc của đường
xá Paris mà không phải phá vỡ bất cứ công trình nào mà lịch sử nước Pháp đã để
lại trên mặt đất.
Học
cách đi xe điện ngầm là một điều rất thú ở Paris. Tôi cư ngụ ở một cùng ngoại
vi thành phố, mỗi lần nhờ ai chở vào nội thành tốn quá nhiều thì giờ vì đường hẹp
xe nhiều. Thế mà xe điện ngầm giải quyết tức thì việc đi lại của khắp Paris và
vùng phụ cận một cách dễ dàng, đúng giờ, vừa túi tiền, và nhất là không căng thẳng
với trò “lái xe làm xiếc” khi dùng xe hơi trên mặt đất. Khi chiếc xe hơi bắt đầu đi vào một cái
bùng binh ngả năm hoặc ngả bẩy thì hình như cuộc làm xiếc bắt đầu. Bùng binh
thì rộng, có thể dung chứa một lúc nhiều dòng xe, và khi các ngả ào vào thì
không còn biết ai ưu tiên, ai phải nhường cho ai, người ta cứ đi theo một giao
ước ngầm nào đó, tôi nhích tới trước thì anh nhường cho tôi, anh đảo qua thì
tôi chậm lại, người ta cứ lấn lướt nhau một cách hòa nhã, có văn hóa, và rồi xe
cộ cứ thế lưu thông, sát cánh nhau mà lưu thông mà không hề cọ quẹt nhau mới là
lạ. Ngồi trên xe giữa Paris tim tôi nhiều khi thót lại vì thấy rõ ràng là xe
mình không thể tránh chạm vào xe bên cạnh trong một cái thế cùng lướt tới một
không gian nhỏ xíu trước mặt, nhưng rồi xe nào cũng an toàn ai đi đường nấy,
theo một khả năng nào đấy không hiểu được. Tôi thấy rõ rằng cứ lái xe riết trên
đường sá thênh thang của Mỹ con người ta dần dần sẽ không phát triển cái tài
xoay xở khéo léo của tay chân tại những nơi đất hẹp xe đông như Paris hay bất cứ
đô thị xưa nào. Mà lại xe số tay chứ không phải số tự động. Tay trái cầm vô
lăng, tay phải bỏ số lia lịa, hai chân cũng hoạt động đều chi, nhìn người Paris
lái xe trong phố đông đúc, tôi, mà trước kia ở Việt Nam cũng lái toàn xe số
tay, nay thấy mình đã bị thoái hóa, lười nhác, không còn năng động như người ở
đây. Thì ra trong thiên nhiên cũng vậy mà trong môi trường nhân tạo cũng vậy,
hoàn cảnh nào thì tạo ra con người đó, và con người vẫn là sinh vật có khả năng
thích ứng vô tận. Cả chiếc xe cũng có khả năng thích ứng với môi trường rất
tài. Ở nước Mỹ rộng rãi chiếc xe dềnh dàng, bề ngang đã bè bè mà đuôi thì dài
thậm thượt, một cách vô lý, như là vì không gian lớn thì nó phải lớn theo cho
thích hợp một tỉ lệ nào đấy. Quả nhiên ở Paris cũng có qui luật ấy. Ở đây chiếc
xe co lại, và rụng đuôi. Nhỏ con và không có đuôi, như những con cút cụt đuôi
trong ca dao Việt Nam. Cũng là theo thuyết thích ứng với môi trường sống thôi,
riết rồi chiếc xe dính với con người, như một sinh vật, như con ngựa của thời
xa xưa vậy. Nó dứt khoát phải cụt đuôi mới chen vào đậu được ở những khoảng trống
độ vài sải tay, và nó phải gọn ghẽ tối đa mới có thể làm trò chơi giỡn trên những
bùng binh ngả năm ngả bảy được.
Xe
điện ngầm
Xe
điện ngầm là một thế giới khác hẳn. Đây là cõi âm. Chạy ngang chạy dọc toàn dưới
lòng đất, thế mới gọi là “ngầm.” Nếu âm phủ có đến chín tầng thì xe điện ngầm
Paris đã chui xuống đến tầng thứ hai rồi, nghĩa là đã có hai hệ thống địa đạo nằm
chồng lên nhau ở trong lòng đất. Và người ta đang đào thêm một tầng dưới hai tầng
hiện có để thực hiện thêm một hệ thống thứ ba nữa. Xuống xe điện ngầm là không
còn trời xanh mây trắng, nhà cửa, người đi…, nói chung tạm biệt cảnh “trần thế”
để chỉ thấy trong lòng một toa xe lửa sáng đèn lô nhô người. Và toa xe ấy chạy
vùn vụt trong một cái ống tối đen, thỉnh thoảng đến một chỗ mở rộng sáng trưng,
ấy là ga. Cửa mở, kẻ xuống người lên, rồi lại chạy.
Là
cõi âm nhưng không phải âm khí nặng nề. Một cuộc sống tràn trề, năng động, thân
thiết đấy. Nội cái việc đấy là nơi hàng ngày một số rất đông người dân Paris gặp
gỡ nhau, trông thấy nhau, ngồi gần nhau, hoặc chen chúc nhau thì đã là một cái
gì to tát rồi. Môi trường xã hội ấy lặng thinh, đấy không phải là nơi người ta
thăm hỏi hay làm quen với nhau, ai cũng vội, có người ngồi vào xe là làm ngay một
công việc nào đấy, như xem tờ báo, đọc cuốn sách, học bài, hoặc…ngủ, nhưng dù
gì mặc lòng, xe điện ngầm vẫn là nơi con người hiện diện cho nhau. Có ở trong nỗi cô đơn của nơi thiếu vắng con
người, hoặc hàng ngày vài ba giờ thui thủi một mình lái xe đi làm rồi về nhà
như ở Mỹ mới thấy giá trị của việc mỗi ngày được tham dự vào cái đông đúc của đời
sống métro. Ở giữa những con người, vui lắm chứ, chỉ cần ở giữa họ thôi, cảm thấy
cái hơi của nhau là đủ để nuôi dưỡng sự tròn đầy của tình con người, là cảm thấy
yên tâm, để không gây ra các méo mó dị dạng cho đời sống nội tâm do cô đơn. Mỗi
buổi sáng lên đường đến sở trong chiếc xe hơi riêng tiện nghi của mình, phải
nói đó là mơ ước cao nhất của con người từ khi có xã hội kỹ nghệ, nhất là khi
quanh ta có một hệ thống đường sá rộng rãi tiện lợi. Thư thái, sang trọng, chạy
bon bon, sáng đến tận nơi làm, chiều về chui vào tận garage của nhà mình mới chịu
xuống xe, thật tuyệt vời. Nhưng cứ mãi như thế này ngày này qua ngày khác, đến
một lúc người ta cảm thấy cô đơn, nhất là khi đường đi phải kéo dài đến một vài
tiếng. Ngồi trong cái hộp ấy là chỉ còn một mình, cách biệt hẳn với thế giới
bên ngoài, phải nhờ đến radio, đến băng nhạc để bầu bạn, nhưng như vậy có khi
còn tăng cảm giác lẻ loi lên thêm nữa. Một người bạn của tôi sau khi qua thời kỳ
say mê chiếc xe mới của mình đã nói: “Đó là chiếc quan tài biết đi.” Chắc anh
ta hình dung cái chết là rất cô đơn, nên nói như vậy để diễn tả nỗi cô đơn của
mình. Dấn mãi vào cô đơn là tự hủy diệt, còn sống giữa đông đúc nhân quần là
nhân cái khả năng sống của mình lên gấp bội. Xe điện ngầm là để cứu vãn toàn thể
kiến trúc tuyệt đẹp của kinh thành Paris khi nhu cầu vận chuyển trong đô thành
lên quá cao, nhưng không ngờ cũng giải luôn bài toán con người trong thời đại kỹ nghệ.
Hầm
xe điện là một đời sống khác của Paris mà không có nó đời sống đích thực của
Paris như hiện tại sẽ không có được. Nó
mới là huyết mạch của lưu thông thành phố, giúp đưa hàng ngày không biết cơ man nào là người từ nhà đến sở và ngược lại, và bao nhiêu
nhu cầu đi lại khác. Nó làm biến đổi khuôn khổ tờ nhật báo, bề ngang bây giờ
rút lại chỉ còn độ 30 phân để khi giở ra đọc trên phương tiện chuyên chở công cộng
người ta không làm phiền đến người ngồi bên cạnh. Khi mới làm quen với cách đi
métro, tôi lại đã nhớ đến Nhất Linh với bài học đi métro mà ông đã tả trong Đi
Tây. Thời đó chưa có hệ thống RER, tức đường xe nhanh nối liền với các vùng phụ
cận của Paris ngày càng đông đúc và hiện chui nằm ở tầng dưới hệ thống métro nội
thành cũ, nên Nhất Linh chỉ mách cho rằng một khi đã mua vé độn thổ thì tha hồ
đi hết đường này đến đường khác, đi cả ngày cũng được, nhưng hễ chui lên thì mất
toi cái vé. Nhất Linh đã nhắc đến cái thú đứng dò tìm đường trên bản đồ dưới hầm
métro, có những tên ga ngộ nghĩnh, khi bắt chuyện với một người đẹp bên cạnh mà
cô ta khinh khỉnh không trả lời thì chỉ vào “Ga Câm” (hẳn là La Muette) đọc to
lên, có khi cô ta sẽ hiểu; hoặc thấy một bà đang mắng chồng như tát nước vào mặt,
chỉ vào Gare de Lyon đọc to lên ý nói bà là sư tử Hà Đông…Bây giờ các tên ga cũ
vẫn còn nguyên, cách dùng vé vẫn như xưa, nhưng hệ thống rắc rối hơn vì có thêm
tầng RER bên dưới, phải nghiên cứu kỹ cách đổi xe trước khi đi. Cách sắp xếp đường
đi rất hay, hình như không bao giờ phải thay xe quá ba lần mới đến được một địa
điểm, và bản đồ thì được phát không tại chỗ bán vé và được dựng tại tất cả các
miệng hầm.
Những đứa con cùng cha
Tôi khám phá ra rằng tại một số nơi Paris rất
giống Sài Gòn, khiến gây nơi tôi những hoài niệm rất bất ngờ. Một buổi chiều trời
mưa, tôi che dù đi ở một phố nào đó mà tôi không nhớ, bỗng nhiên tôi thấy y hệt
như tôi đang đứng chỗ ngã tư Lê Thánh Tôn với đường Tự Do, ngay trước quán La
Pagode. Còn giống hơn là ngày ra khỏi tù cải tạo về Sài Gòn tôi đứng ngay chỗ
góc phố đó, mà thấy như đang ở nơi xa lạ.
Đi vắng
khỏi Sài Gòn mười ba năm kể từ năm 1975, khi quay về tôi ngẩn ngơ vì cái cảm
giác “mất hết.” Sài Gòn không còn nữa, sau khi được liên tiếp “cải tạo,” mọi thứ
trở nên xấu xí, tầm thường, mất cái thần sắc mà đô thị mến yêu ấy ngày xưa vẫn
tỏa ra, như mùi hương bát ngát của một cây hoa, như vẻ duyên dáng của một người
đàn bà. Không riêng Sài Gòn, từ sau năm 1975 cả miền Nam mất cái thần sắc ấy, mất
nơi từng cá nhân con người, trong từng xóm làng, từng thành phố. Cái guồng máy
gọi là cách mạng kia nó có biệt tài xoá đi rất nhanh cái mà tôi gọi là lớp men
của sự sống vốn vẫn tồn tại nơi các xã hội lành mạnh, trong đó chứa đầy hơi hướng
của tình người và của sự phát triển tự nhiên các khả năng tinh thần, tình cảm,
mơ mộng và cần lao của con người. Nó xóa sạch không thương tiếc, khiến tất cả đều
trần trụi, cắt đứt với quá khứ, cắt đứt với tương lai. Tôi đã về lại Sài Gòn đối
diện với nỗi trần trụi ấy nơi đường Tự Do, nơi đường Lê Thánh Tôn, trước quán
La Pagode, thấy đây không phải là Sài Gòn của ngày xưa nữa. Tôi có một người
bác mà tôi rất yêu mến, năm 75 khi chào ông để đi cải tạo bác tôi vẫn còn khỏe
mạnh minh mẫn, nhưng khi về gặp lại thì ông đã hoàn toàn lẫn, bác chào thằng
cháu ngày xưa như một người xa lạ, không còn phân biệt được ai với ai. Đứng trước
bác tôi, tôi cảm thấy lòng quặn đau, biết vĩnh viễn không còn cách gì có lại
người bác ngày xưa. Sài Gòn cũng thế, đã già sụm và biến dạng đi không ngờ, và
cũng đã đi vào cơn mê lẫn, lờ đờ nhìn tôi không còn nhận biết tôi là ai, cũng
như tôi không còn tìm ra một ngôn ngữ chung nào để tôi và cái đô thị mến yêu ấy
còn có thể trao đổi nhận ra nhau trở lại. Từ ngày còn ở trong tù, khi biết có một
bài hát mới hát rằng “em ra đi nơi này vẫn thế” tôi đã cười và lắc đầu nghi ngờ
tính chất chân thật của lời nói ấy, đến khi về đến tận “nơi này” thì tôi thấy
không còn phải nghi ngờ gì nữa. Đứng giữa Sài Gòn mà tôi đã mất Sài Gòn. Tôi biết
cảm giác đó không phải chỉ riêng tôi có. Vô số bạn hữu đã đau khổ, hụt hẫng, và
phẫn nộ nữa, khi đối diện với một Sài Gòn xác xơ và trần trụi.
Nhớ
ngày cuối tuần đầu tiên sau khi về tới Sài Gòn tôi đề nghị với mấy người bạn đến
thăm: “Tụi mình xuống Sài Gòn bát phố chơi hè!” họ nhìn tôi ngạc nhiên như nhìn
Từ Thức mới về trần. Thì ra đã lâu đã không còn cái món bát phố xưa cũ ấy nữa rồi,
một người bạn tội nghiệp tôi vội giải thích: “Bây giờ còn phố xá gì đâu mà
bát!” Dĩ nhiên phố xá thì vẫn còn đó, ý bạn tôi nói cái không khí xưa, cái tinh
thần tình cảm và cảnh sinh hoạt làm ăn của đám thị dân cũ một thời đã làm nên
Sài Gòn bây giờ đã biến mất hết rồi, đến đó thì chỉ thấy một nỗi trống rỗng mà
thôi.
Chiều
mưa Paris
Nhưng
buổi chiều mưa hôm ấy tôi đã gặp lại Sài Gòn ở giữa Paris. Thì ra tôi cũng chưa
mất hẳn Sài Gòn trên đời này. Tôi đã sống ở Sài Gòn bao nhiêu mùa mưa nhỉ? Chẳng
còn nhớ là bao nhiêu, nhưng hình ảnh Sài Gòn dưới cơn mưa rạt rào thì ai đã sống
ở Sài Gòn khó lòng quên được. Thời còn trọ học, trên căn gác học trò nhìn mưa
rơi phơi phới trên những mái tôn, lòng dịu lại với không khí mát lạnh, nhớ xa xôi
đến một khuôn mặt, một mái tóc, kết với không gian và âm thanh mưa thành những
khoảnh khắc bất hủ của tình trai…Những đêm mặt đường Lê Lợi loáng nước, khoác
áo mưa đi cạnh người bạn thân nghe tiếng nước chảy ồ ồ đang thoát xuống các lỗ
cống, tìm một quán cà phê để cùng nhau bàn về các băn khoăn triết học vừa mới
thu nhận từ giảng đường Văn Khoa. Sài Gòn mưa chợ Bến Thành, mưa trên tắc xi,
xích lô, mưa lướt thướt các gánh hàng rong, mưa xì xào bí mật trong đám lá me,
mưa từ quán nhậu nhìn ra đường đầy bong bóng nước trôi…Hình như Sài Gòn mưa ở lại
trong lòng người nhiều và tha thiết hơn là Sài Gòn nắng. Những đêm mưa âm thầm
đi trên đường phố hát nho nhỏ
Mùa
thu đêm mưa
Phố
cũ hè xưa
thì thấy các câu hát ấy viết
về Paris đó vẫn hợp với tình và cảnh của Sài Gòn.
Buổi
chiều mưa đó ở Paris, tôi che dù đi hơi lầm lũi thì thoáng thấy bên kia đường một
cửa kính lớn trên có dòng chữ: Aux Ciseaux d’Art, cái này tôi đã thấy nhiều lần
vào những năm xưa chỗ gần Tòa Đô Chính Sài Gòn đi về phía đường Tự Do, tôi tiếp
tục đi mấy bước nữa thì quả nhiên gặp ngã tư, và tôi hoàn toàn có cảm giác đang
đứng tại phố cũ hè xưa Lê Thánh Tôn với Tự Do, tôi sắp bước vào quán La Pagode
để uống cà phê trong một buổi chiều mưa. Ảo ảnh, ảo giác hiện lên như trong một
giấc chiêm bao. Nhưng tôi vẫn tỉnh để nhận ra rằng đúng Paris và Sài Gòn là những
người anh em cùng cha khác mẹ, cái cảm giác quen quen tôi nhận thấy từ ngày đầu
khi mới đến bây giờ tôi đã tìm thấy nguyên do. Người Pháp đã xây cất Sài Gòn với
rất nhiều hình ảnh của Paris. Dĩ nhiên Paris đẹp đẽ rộng lớn hơn nhiều, nhưng
những tác phẩm của cùng một tác giả (hay là những đứa con cùng cha) thì có những
nét chung dễ nhận ra lắm. Cảm giác giống đến rất đột ngột, bỗng dưng đang đi tại
một chỗ nào đó giữa Paris, cảnh vật và sự cảm nhận của tôi chớp một cái, lập tức
tất cả biến thành Sài Gòn. Sự phù phép ấy diễn ra rất nhanh, có thể chỉ trong
sát na, nhưng rất triệt để, tôi đã “về” lại Sài Gòn chớp nhoáng như một linh hồn
từ cõi âm được xẹt về thăm cõi dương, nhìn thấy mọi cảnh trí mọi sinh hoạt quen
thuộc mà mình hằng tham dự xưa kia. Đi giữa Paris tôi rất thường bị xẹt qua xẹt
lại như vậy. Có lúc bỗng thấy xe mình đang chạy trên đường Lê Lợi chỗ bùng binh
Nguyễn Huệ, tưởng như chỉ cần nhìn lên là thấy tòa nhà Quốc Hội ngay phía trước;
có bữa thấy một góc phố nhọn y chang chỗ Võ Duy Nghi và Hàm Nghi, nơi Chợ Cũ
bán thịt heo quay và xá xíu; một bữa tối đi ăn ở khu Saint Germain Des Prés đến
khuya ngồi trên xe ra về, xe dừng lại chỗ đèn đỏ thì miệng không kềm được phải
thốt lên: “Đây chính là ngã tư Lê Lợi với Pasteur, chỗ rạp Casino Saigon.” Những
cơn lên đồng như vậy xảy ra luôn luôn, nhưng xúc động và sâu lắng nhất vẫn là
chỗ quán Cái Chùa, có lẽ vì trời mưa, có lẽ vì tôi đang đi bộ, và cái nỗi niềm
“phố cũ hè xưa” đang cơn thấm thía. Nơi đây không những tôi bắt gặp Sài Gòn mà
còn bắt gặp chính tôi, gã thiếu niên của cuối thập niên 50, chàng thanh niên của
thập niên 60, trong một buổi chiều mưa, đứng giữa Sài Gòn, đã nhìn thấy hàng
cây lá bên đường ướt nước, mặt nhựa tung bọt trắng, người qua lại trong lớp áo
mưa, và bên kia đường, chỗ gần tòa Đô Chánh, có tiệm may Aux Ciseaux d’Art. Tôi
của buổi chiều nay giữa Paris trong cơn xuất thần của tâm cảm đang về thăm lại
Sài Gòn và nhìn thấy tôi của ba thập niên trước đang đứng trước quán La Pagode,
cái nào là âm cảnh, cái nào là dương gian? Không, không có sự phân chia như thế,
tất cả chỉ là một thôi, qua một cái chớp mắt của thời gian. Sài Gòn – Paris, thập
niên sáu mươi – thập niên chín mươi, tất cả gói ghém trong một chỗ mong manh nhạy
bén nằm giữa sự sống của tôi, có khả năng phá tan tức thì sương mù của quá khứ
để nhìn xuyên suốt như cái nhìn của thần thức sáng trưng nơi một kẻ sắp lìa đời.
Không
biết một kẻ lớn lên tại thành phố Hồ Chí Minh từ sau 1975, hoặc một người ngoài
Bắc vào sống tại đó cũng từ thời điểm ấy, nếu có dịp đi Paris thì có nhận thấy
thành phố Hồ Chí Minh của họ có nhiều điểm giống Paris như tôi thấy không?
Không chắc. Sự giống nhau giữa hai đô thị phải vừa ở kiểu mẫu kiến trúc, vừa ở
khí hậu văn hóa, và cái sau bổ túc và quyết định cho cái trước. Đời sống văn
hóa có tương đương mới tạo ra nét tương tự được. Nếu tiệm may thanh lịch Aux
Ciseaux d’Art bên kia đường biến thành Cửa hàng May mặc quốc doanh, nếu người
ta phóng uế vào các gốc cây bên đường và thi nhau lột vỏ cây đem về làm củi
đun, nếu người ta mắc máy phóng thanh khắp các góc phố để cả ngày ra rả các khẩu
hiệu tiến nhanh và tiến mạnh…, ở trong một thành phố Hồ Chí Minh như thế, tôi
đoan chắc có đi Paris người ta cũng sẽ không nhận ra điểm tương đồng giữa hai
thành phố đâu. Trái lại, chỉ nhận ra toàn cái xa lạ, như dương gian và âm phủ.
Tôi đã hiểu vì sao ngày tôi ra tù tôi thấy Sài Gòn hoàn toàn xa lạ đối với tôi,
mà ngày nay tôi lại thấy Paris giống Sài Gòn. Có lẽ nhờ những cảm nhận như thế
người xa quê hương mới có thể sống trên
những vùng đất xa lạ của thế giới được. Xa lạ không sao, miễn là còn gần gũi với
con người.
Phố cũ hè xưa
Phố cũ hè xưa là
lời thơ của Cung Trầm Tưởng thường được hát trong bản nhạc Mùa Thu Paris, và có
lội trong khu phố cổ của Paris như khu Marais thì mới thấy bốn chữ đó là tài tình.
Nhà phố được xây cao quay mặt nhìn nhau hai bên những con đường hẹp, khiến con
đường giống như một cái hầm dài, mà đáy hầm phải chia ra làm ba phần, giữa là
lòng đường, hai bên là hè phố hầu hết lát bằng đá cắt ra thành từng phiến nhỏ.
Dù được xây cất từ nhiều thế kỷ trước mang nét cổ xưa, kiến trúc ở đây trông vẫn
bề thế, cao lớn và chắc chắn chứ không lúp xúp như những khu phố cổ Đông Phương
kiểu như Hội An hay băm sáu phố phường của Hà Nội. Trong những căn phố đó là cửa
hiệu, phần nhiều bán đồ mỹ nghệ, các món hàng cũng như cách trình bầy cố làm
sao cho nổi lên cái cung cách xưa xưa. Đi trên hè phố ấy, nhẩn nha vào hiệu nọ
hiệu kia, thì phải nhận rằng cái mà mình đang tiếp xúc với, mình đang đắm mình
vào, không có tiếng nào diễn tả đúng hơn là mấy chữ phố cũ hè xưa. Phố và hè ở đây luôn luôn phải cặp đôi với nhau, phải
làm chứng cho nhau rằng chúng đã cùng tồn tại qua biết bao sương nắng của thời
gian và biến cố của lịch sử, và ngày nay vẫn còn giữ vai trò tích cực cho đô thị
này. Ngày xưa là vương tôn công tử và thị dân, ngày nay là khách du lịch bốn
phương đi trên các vỉa hè này, không có hè phố để chuyên chở người đi lại thì
phố xá còn có nghĩa gì. Hè phố không phải là một lối để đi suông, (làm việc ấy
đã có lòng đường) mà chính là nơi đi để nhìn vào các cửa hiệu, là hành lang để
thực hiện việc la cà mua sắm, là nơi để ngắm nhìn nhau, quan sát cách phục sức
của nhau, để biểu lộ một phong cách của xã hội. Phố và hè là một một trường
sinh hoạt chung, cùng nương nhau mà sống còn để thực hiện nếp sống đô thị trải
qua nhiều thế kỷ. Ngày nay phố đã cũ và hè đã xưa nhưng vẫn còn đó như một đặc
trưng của Paris, nét xưa và cũ ấy đem lại biết bao vẻ lãng mạn cho đời sống đã
mất rất nhiều thơ mộng giữa thời đại cơ khí, hàng hóa phong phú thừa mứa, với
những siêu thị tân tiến rộng mênh mông. Vào với phố cũ hè xưa chúng ta vẫn tiếp
tục sống cuộc đời hiện nay chứ không phải tìm đường vào quá khứ, như khi đi
thăm những di tích là cái đã xong vai trò của nó rồi, bây giờ bày ra là chỉ để
xem. Đi trên hè xưa và ghé vào những căn phố cũ chúng ta không có cảm giác mình
đang đóng trò giả vờ làm người xưa để tìm một ít ảo giác hiếm hoi thoát ra
trong chốc lát cuộc sống hiện tại, mà là làm công việc trộn lẫn cái hiện tồn với
cái cổ xưa, để biết rằng chúng ta không bơ vơ trên bờ vực khi chiếc xe khoa học
kỹ thuật đưa chúng ta đi quá nhanh và quá xa đến những nơi lạ hoắc không biết
là chốn nào. Những phiến đá lát không phẳng phiu dưới chân, những bức tường nặng
nề rêu phong, những cái cầu thang cuốn ngộ nghĩnh đưa lên tầng trên không còn
thấy trong kiến trúc ngày nay…tất cả những cái đó như liều thuốc an thần nhắc
nhở ta rằng đời sống luôn luôn là một tổng hợp giữa quá khứ và hiện tại, đừng
có sợ hãi bơ vơ, các bạn vẫn trong vòng tay ôm của biết bao thế hệ và thế kỷ
trước đây mà…Gọi đó là phố cũ và hè xưa, tức là xác nhận hơi hướng của quá khứ
vẫn ra vào đâu đây, xin các bạn cứ tự nhiên thoải mái tự thể hiện cái con người
thật của các bạn vốn là một tổng hợp phức tạp, vốn là nơi tàng chứa biết bao
chuyện của tiền kiếp, xin cứ thong thả, ở đây không có tiến nhanh tiến mạnh đi
đâu cả, ở đây không hề phá bỏ cái gì mà lưu giữ hết và trân trọng hết. Các bóng
người tứ xứ qua đây hôm nay rồi cũng sẽ trở thành quá khứ, những cánh cửa dày,
những căn nhà tối sẽ là những ống kính
và buồng phim ghi lại tất cả những cái áo thụng trắng vùng Trung Đông, những quần
jeans áo thun và giày vải thể thao đến từ Mỹ, những đôi mắt đen thẳm dưới làn
mi cong vút của xứ Ấn Độ…, để ít trăm năm sau khách qua lại nơi này vẫn man mác
cảm thấy có một cái gì đó vẫn ra vào đâu
đây…Sài Gòn đối với tôi sau mười ba năm cải tạo đáng lẽ phải thành một loại
phố cũ hè xưa để tôi bắt gặp lại ít nhất hình ảnh của chính mình mươi lăm năm về
trước chứ chưa nói đến thời nào xa xưa hơn, nhưng hình bóng cũ đã bay đi sạch
trơn để chỉ còn lại các xác trần trụi. Phố và hè chỉ thành cũ và xưa khi nó tiếp
tục lưu giữ một tinh thần thái độ nào đấy, mà quan trọng nhất là sự liên tục,
chứ không phải chỉ là những vật vô tri được tính bằng năm tháng chất chồng. Khi
đình chùa miếu mạo chỉ còn một thứ hương khói giả vờ, chỉ cốt để bán vé cho du
khách vào xem, thì lập tức biến thành một các xác rỗng. Không gì thê thảm cho bằng
di tích của một đất nước bỗng tắt mất đi cái hơi thở vẫn liên tục từ ngàn xưa để
trở nên các ông phỗng vô hồn, không gì gây đau đớn hơn khi đọc trên vách chùa Cửa
Võng có suối Giải Oan của Hương Sơn những câu khẳng định rằng chẳng ai giải được
cái oan của con người ngoài sự đấu tranh của đảng cộng sản…Khi cái tinh túy của
quá khứ bị lăng mạ thì còn mong gì phố cũ với hè xưa!
Quán cà phê Paris
Quán
cà phê vỉa hè Paris
Đi dạo
phố mỏi chân cần nghỉ ngơi uống một chút gì và làm vài công việc cần cho cơ thể
thì vào quán cà phê, mà hầu như góc phố nào cũng có. Quán cà phê thường có một
diện tích không lớn, gồm một cái quầy dài, dăm cái bàn bên trong và một số bàn
đặt ngoài hè. Ngoài cà phê quán còn bán các thức uống khác, kể cả bia và rượu,
và một ít thức ăn nhẹ. Vào quán, ta có thể đứng uống ngay tại quầy, ngồi vào
bàn ở trong quán hoặc gọi thức uống ra ngồi ngoài đường mà nhâm nhi. Cà phê ở
đây dĩ nhiên đúng là “cà phê Pháp,” không còn nghi ngờ gì như khi đọc các quảng
cáo của những nhà buôn Mỹ và Việt ở vùng California để nhắc nhở khách rằng cà
phê Pháp mới là cà phê thứ thiệt, uống mới đã, chứ không phải đã được biến chế
lung tung để thành một thứ nước chua chua nhạt nhạt như cà phê Mỹ. Tách cà phê
nhỏ xíu, nước đen sánh, gặp tay uống phàm thì chỉ ực một ngụm là sạch nhẵn,
nhưng nếu biết thưởng thức cái thơm ngon của nó thì có thể nhấm nháp đốt thuốc
lá hàng nửa giờ. Rượu và bia thì nhiều thứ, nhưng theo tôi đây không phải chỗ
thích hợp để uống rượu và nếu uống bia thì nên uống bia “bốc” (sau 75 ở Sài Gòn
gọi là bia hơi) để thưởng thức vị tươi ngon của bia mới đem từ nơi sản xuất về,
không đóng chai đóng hộp gì cả.
Uống đứng thì rẻ tiền hơn ngồi, nếu một cốc
cà phê tại quầy trả tám quan thì ngồi tại bàn phải mười quan. Tôi có tật uống
cà phê rất chậm, vì phải luôn luôn kèm theo mục thuốc lá, nên phải ngồi mà uống,
nhưng uống bia tại quầy thì tôi cho cũng là một điều lý thú. Không phải vì đứng
mà người uống phải có thái độ vội vã đâu, anh ta vẫn ung dung, tay cầm một cái
“demi” (một ly bia hơi), lưng tựa vào quầy, mắt lơ đãng nhìn quanh, thỉnh thoảng
đưa ly lên làm một tợp rồi đặt xuống mặt quầy. Khi đứng uống như thế tuy bạn
không vội nhưng vẫn có vẻ không phải định nhậu nhẹt lâu dài, chỉ là ghé qua làm
một ly cho đỡ cơn khát, vẫn có thể quay qua trò truyện vài câu mưa nắng với người
đứng cạnh, rồi khi ly đã cạn, lặng lẽ bước ra. Ở Pháp cũng cấm hút thuốc ở nơi
hàng quán, nhưng riêng quán cà phê thì không, chắc vì người ta cũng thấy chỗ vô
lý cà phê mà không có thuốc lá. Ngồi uống ngoài đường tôi nghĩ có thể không
thích hợp với một số người cho ăn uống
là việc riêng tư kín đáo không muốn phơi ra với bàn dân thiên hạ, nhưng với một
số người khác là một cái thú có thể thành ghiền. Với đường phố anh có thể có
hai thái độ, một là nhập vào dòng người để di chuyển, hai là ngồi một chỗ đễ
nhìn mọi người di chuyển. Cách thứ nhất là bát phố, cách sau là uống cà phê vỉa
hè. Hai thái độ một động một tĩnh ấy thật ra chỉ là hai cách thế khác nhau để
tham dự vào cuộc sinh hoạt náo nhiệt của phố phường, một công việc mà cư dân của
các đô thị lớn hầu như ai cũng có thời kỳ rất ưa thích. Ngày xưa ở Sài Gòn loại
quán có ghế ngồi ngoài đường không nhiều, chỉ vài nơi như Thanh Thế, Thanh Bạch,
Kim Sơn, nhưng cũng lắm người rất mê ngồi nhâm nhi ngắm kẻ lại người qua. Paris
thì phố nào cũng có, lúc nào mình cũng có cơ hội dừng chân ngồi ngắm thiên hạ
sau khi đã đi chán cho thiên hạ ngắm mình. Thực ra người ngồi uống cà phê vỉa
hè không chắc đã ngắm ai, đó chỉ là thái độ tham dự, họ ngồi trước cốc cà phê,
tay cầm điếu thuốc, trước mặt là trời xanh mây trắng và cuộc đời đang trôi chảy,
họ yên tâm biết điều đó, mắt lơ đãng không đặt rõ rệt vào đâu mà vẫn biết là
hơi ấm của đô thị vẫn đầy đủ chung quanh. Cảnh tượng trước mắt là một cần thiết
đối với họ, dù là phố đông hay phố vắng, trời nắng hay trời mưa (mưa thì phải
ngồi dưới mấy cây dù). Họ nói là ngồi ngoài đường phố “vui” hơn, cái vui ấy
chính là được gia nhập vào dòng sống đang ào ạt quanh ta vậy.
Quán
cà phê là nơi giới văn nghệ thường lui tới, đó là truyền thống của Pháp từ xưa,
và cũng thành truyền thống ở những nước chịu ảnh hưởng văn hóa Pháp. Những người
viết lách, những người vẽ vời thường cần cảm hứng và một môi trường sinh hoạt
thích hợp cho họ, quán cà phê đáp ứng được yêu cầu ấy. Có lẽ vì đó là nơi kinh
doanh mà ít có vẻ kinh doanh nhất, quán cà phê là nơi luôn có không khí “văn
nghệ,” vì thưởng thức cà phê là một việc nhiều dáng vẻ tinh thần hơn là vật chất,
uống một cốc cà phê nóng thơm ngon chỉ để đầu óc thêm sảng khoái chứ không vì
no béo hay dinh dưỡng. Nhưng có lẽ cái không khí văn nghệ nơi các quán cà phê
là do người nghệ sĩ đến uống ở đó đem lại hoặc tạo ra hơn là do chính việc bán
cà phê. Nếu chủ quán có chút máu nghệ sĩ, biết kính trọng người tài, biết chiêu
hiền đãi sĩ (ở đây có nghĩa là biết cho những người nghệ sĩ nghèo mắc nợ) thì
quán sẽ dễ trở thành nơi hò hẹn của những người viết văn, làm thơ, vẽ tranh…Người
của nghệ thuật và tư tưởng thường có nhu cầu thoát ra khỏi cái không khí quen
thuộc của gia đình để tìm những nơi có tần số rung động thích hợp với họ hơn để
họ nạp lại năng lượng sau một hồi sáng tác, và quán cà phê là một trong những
nơi như thế. Ở đó không hẳn là họ đến với quần chúng, mặc dầu là nơi công cộng.
Họ đến để hưởng cái không khí do chính sự có mặt lâu ngày của họ và bạn bè họ
đã tạo ra, để nói về những gì họ sáng tác hay dự định sáng tác cho những người
nghe hiểu họ, và cũng để nghe những điều như thế từ phía bạn bè. Các cọ xát sẽ
làm họ phong phú hơn. Hương cà phê sẽ làm họ tỉnh táo và cảm hứng hơn. Môi trường
ấy sẽ giúp họ thêm tự tín. Quán cà phê là nơi khai mở sự sáng tạo cho họ nhiều
hơn là những bữa cơm êm ấm ở gia đình thường chỉ làm tròn đầy một cảm giác thỏa
mãn hơn là tạo ra sự thao thức, những tranh luận gay go làm đầu óc họ sắc bén
hơn là sự chìu ý dễ dàng để vui lòng nhau.
Quán
cà phê Les Deux Magots
Ở
công trường Saint-Germain-des Prés có quán Les Deux Magots được gọi hẳn là
“Quán cà phê văn học” (Café littéraire). Từ hậu bán thế kỷ mười chín quán này
đã đóng một vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa của Paris, với những
Verlaine, Rimbaud, Mallarmé lui tới gặp gỡ nhau. Thời nay – tức là trong thế kỷ
này – khách quen của quán là André Gide, Picasso, Prévert, Hemingway, Sartre,
Simone de Beauvoir…Quán cà phê văn nghệ thì trên thế giới này chẳng thiếu gì,
nhưng một cái quán có truyền thống như Les Deux Magots thì chính nó đã vượt khỏi
quá xa chức năng “quán” của nó để thành một nơi linh địa cho các thiên thần
chuyên lo về việc văn chương nghệ thuật. Có lẽ Paris sẽ giữ nó tồn tại lâu dài
trong tương lai với tư cách là một nơi
bán cà phê, nhưng đã từ lâu ai cũng hiểu nơi đó được xem như một cái đền
thờ phụng các sinh hoạt tự do của tinh thần và của sự sáng tạo, mà nước Pháp đã
và đang có cái hãnh diện đi tiên phong cho thế giới.
Ngồi
trong quán đó tôi bất giác có một cử chỉ y hệt như khi vào quán chả cá Lã Vọng ở Hà Nội
năm nào, là đưa mắt nhìn quanh. Tại quán Lã Vọng tôi nhìn và tự hỏi Thạch Lam
và các bạn văn của thời ông đã từng ngồi ở chỗ nào. Quán Lã Vọng đã chết đi sống
lại. Cái mà tôi tìm đã vĩnh viễn thuộc về lịch sử. Tôi tìm hình bóng của những
người làm văn nghệ của đất nước tôi một thời đã bị tru di và xóa sạch hết hơi
hướng tại chính cái nơi họ đã sống, đã viết, đã làm nên những trang văn học vào
hạng rực rỡ nhất của lịch sử nước tôi. Tại đây, Les Deux Magots, phản ứng tự
nhiên của tôi là cũng hình dung xem Sartre, Hemingway…đã ngồi chỗ nào, nhưng đồng
thời tôi cũng ý thức rất rõ rằng tuy họ đã tới và đã ra đi vĩnh viễn nhưng hình
bóng các vị vẫn sinh động nơi đây, vì cái tinh thần tự do của các vị vẫn được
thừa kế, phát triển từng giây phút bởi các lớp người đến sau. Từ quán cà phê
này, hào quang của các vị phát ra không những chỉ soi sáng cho thành phố Paris
hay cho nước Pháp, mà cho khắp loài người.
Quán
cà phê là hiện tượng phổ biến của Paris, nó gắn chặt với sinh hoạt của người
dân, và qua đó cho thấy tính chất và sở thích của họ. Họ có nhu cầu “ngồi
quán,” một thói quen vừa xã hội vừa cá nhân, vừa tinh thần vừa vật chất. Vào
quán là để uống hay ăn một chút gì, nhưng có thật là họ đang đói hay khát để
làm việc đó không? Chưa hẳn. Ăn uống lắm khi chỉ là một cái cớ để họ tham dự
vào một không khí mà họ thích. Người dân Sài Gòn trước kia, lui về mãi tận thời
Pháp thuộc cho đến thời sau này, cũng đã có thói quen ra ngồi “quán nước,” từ
sáng sớm tinh mơ đã có người đến quán kêu cà phê rót ra dĩa xì xụp uống, nói với
nhau những chuyện mưa nắng. Quán nước cũng là môi trường để trao đổi chuyện áp
phe, giá cả, hàng hóa. Gọi là “quán nước” theo lối người dân Sài Gòn là đúng,
vì thực chất đó chỉ là các quán hủ tiếu và cà phê nước ngọt của mấy chú ba Tàu
thường lập ở những chỗ góc phố. Có lẽ đến thời Việt Nam Cộng Hòa mới bắt đầu có
quán thực thụ chuyên bán cà phê, và mới bắt đầu thấp thoáng một chút “quán cà
phê văn nghệ” nơi đó giới văn nghệ sĩ thường lui tới. Hình như phải có một nền
văn nghệ, phải có một tầng lớp văn nghệ sĩ rồi thì sau đó mới xuất hiện cà phê
văn nghệ được. Đó là một giới ưa la cà, ở đâu cũng vậy. Và cũng từ khi họ la cà
tại một quán nào thì nơi đó mới mang dáng vẻ tinh thần, văn chương, nghệ thuật
vốn là sinh hoạt chính của họ. Không biết nhân loại bắt đầu biết uống cà phê
vào năm nào và xuất xứ món đó từ đâu, nhưng tôi có cảm tưởng chính nước Pháp,
hay đúng hơn, Paris, đã biến việc uống thức ấy thành một nếp sinh hoạt, một phong
cách văn hóa, và phổ biến nó ra khắp thế giới.
Một chút lịch sử về quán cà phê Sài Gòn
Tôi
vừa ở trong một cơn lẫn lộn hiện tại và quá khứ, đến với Paris mà nhớ tưởng
lung tung về Việt Nam. Tôi tự nhủ thôi hãy ngưng nghĩ về Việt Nam, hãy kể chuyện
bên Tây thôi, thì một người bạn đến chơi, ném cho tôi một tờ báo: “Thấy ông
đang viết về quán cà phê, tôi mang cho ông tờ báo này.” Một tờ báo Xuân năm nay
(Đinh Sửu, 1997) từ Việt Nam, trong đó có bài Các quán cà phê đầu tiên của Sài Gòn. Một tài liệu rất thú vị, liên
quan mật thiết đến đề tài tôi đang viết. Xin trích vài đoạn:
Có hai quán cà phê mà tên hiệu và địa chỉ
được nói đến trong các tờ Courrier de Saigon (Người đưa tin Sài-Gòn), Illustration (Báo ảnh), và trong Annuaire de la
Cochinchine (Niên giám Nam Kỳ), tất cả đều ra trong năm 1864. Đó là quán
cà phê Lyon (Café Lyonnais) và quán cà phê Paris (Café de Paris). Hai quán cà
phê này tất phải có lâu trước năm 1864 (…).
Quán Café Lyonnais, theo tờ Illustration
ra ngày 23.4.1864 thì nằm tại đường “Gouvernement” gần ụ chiếc chiến hạm
Primauguet. (…) Quán cà phê này không còn thấy ghi trong tập Thời
sự cẩm nang Vade mecum 1905. Có lẽ nó được
thay thế bởi quán cà phê Café de Marine (Cà
phê Hải Quân) dễ lui tới hơn và cũng ở gần đó tại số 3-5 Công trường Rigault de
Genouilly (Công viên Du lịch bến Bạch Đằng ngày nay).
Còn về quán
Café de Paris, theo “Niên giám Nam kỳ,
năm 1864, trong đó có Câu lạc bộ Thương mại (Cercle Commercial), ở tại bến
sông, góc đường số 16 (Catinat = Tự Do = Đồng Khởi) mà chủ nhân là Ô.
Bonnerieux. Theo tờ “Courrier de Saigon” ra tháng 3, năm 1864, thì sứ bộ Phan
Thanh Giản có ghé Sài Gòn trước khi về Huế để trình lên vua Tự Đức kết quả chuyến
đi Pháp năm 1863 trong sứ mạng thương thuyết xin chuộc lại ba tỉnh miền Đông đã
nhượng cho Pháp và khi đó vào ngày 19, “Phan Thanh Giản và hai vị đồng sự không
có lọng che và tiền hô hậu ủng như nghi lễ đã quá bộ đến thăm quán Café de
Paris, nơi đây họ có dịp gặp lại một số
sĩ quan Pháp, một cách thăm viếng tế nhị những người mà họ còn chưa gặp…”
(Anthologie franco-indochinoise, VI, 4:19)
Quán cà phê này còn lưu lại dấu vết mãi
đến năm 1905, ở tại đường Paul Blanchy (Hai Bà Trưng), số 83, chủ nhân tên là
Vital (Theo Thời sự cẩm nang 1905).
(Trích
báo Văn Hóa Xuân Đinh Sửu, Sài Gòn, trang 51).
Thì
ra Sài Gòn có quán cà phê sớm đến thế! Dĩ nhiên những quán cà phê sớm sủa này
là nơi lui tới của các “ông tây bà đầm” chứ chưa dính dáng gì đến quần chúng Việt
Nam thời ấy có lẽ chưa được phép đặt chân đến những chốn này, và chắc cũng chưa
biết uống cà phê cũng như quen với sinh hoạt theo lối tây phương. Nhưng hương
cà phê đã bay trong không khí Việt Nam, và các quán Café Lyonnais, Café de
Paris đã như là những cánh tay nối dài của Paris tới đây, đi tiên phong làm đại
diện cho nền văn nghệ nước Pháp đến đất Việt Nam, trước khi tiểu thuyết, ca nhạc,
hội họa, sân khấu…được chính thức đem đến giới thiệu tại đây. Vô tình những
quán ấy đã đóng vai trò sứ giả văn hóa, đến rất sớm để đặt nền móng trên đất nước
này về một sinh hoạt mà xem chừng nhiều thế hệ Việt Nam về sau, cho mãi đến tận
bây giờ, đã tỏ ra thích thú, thậm chí ghiền, là cái việc uống cà phê. Hậu duệ
các quán cà phê đầu tiên này tại Sài Gòn mang cung cách Paris còn thấy tới thời
điểm 1975 là La Pagode (được Việt hóa thành Cái Chùa), Givral, Impérial (Hoàng
Gia), Brodard, đều nằm trên đường Tự Do. Đó là các quán hạng sang, ly tách muỗng
nĩa đều sáng trưng theo kiểu Pháp, cung cách “xẹc via” phần nào theo tiêu chuẩn
quốc tế, và cái “gu” cà phê cũng khác với những quán cà phê theo lối Việt Nam.
Hình
minh họa
Sự
việc ba vị sứ thần của sứ bộ Phan Thanh Giản “đi uống cà phê” tại quán Café de Paris
của Sài Gòn năm 1864 thì thật là một tài liệu lý thú và cảm động. Rõ ràng đó là
một hoạt động ngoại giao, quán được chọn để một số nhân vật Pháp Nam được gặp
nhau, “một cách thăm viếng, tế nhị những người mà họ còn chưa gặp.” Đó là một
cuộc gặp gỡ thuần túy xã giao, hay có vấn đề gì cần được thảo luận thêm, một
cách không chính thức? Dù sao thì chắc chắn ba vị Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ
và Ngụy Khắc Đản là những ông quan cao cấp đầu tiên của triều đình Việt Nam đi
vào một quán cà phê trên đất Việt Nam, mở đầu cho một sinh hoạt mà bao nhiêu thần
dân đất nước của quí vị sẽ say mê tiếp tục trong suốt một trăm mấy chục năm
sau. Thời gian ở Pháp trong năm 1863, các vị có được người Pháp mời đi đến các
quán cà phê Paris hay không? Điều này không thấy nói tới trong Tây Hành Nhật Ký
của Phạm Phú Thứ, mặc dù trong tác phẩm ấy cụ Phạm ghi rất kỹ những chuyến thăm
viếng tại kinh thành Paris. Nhưng trong Tây Hành Nhật Ký chúng ta thấy tác giả
đã Việt hóa rất nhiều thuật ngữ của phương Tây về chính trị, quân sự, tôn giáo,
kinh tế... Riêng về món cà phê tác giả đã chế ra hai từ: một, phiên âm café
thành “ca-hòe”; hai, Việt hóa café thành “trà đậu”, tức là một loại hạt (như hạt
đậu) được biến chế thành thức uống (như trà). Hai tiếng này ngày nay không còn
ai dùng, nhưng chắc chắn đó là hai thuật ngữ đầu tiên của tiếng Việt để gọi món
cà phê.
Nước Pháp và nghệ thuật
Một
người Việt Nam lần đầu đi đến Pháp có thể mang hai tiên kiến: hoặc từ nước Việt
Nam nghèo nàn lạc hậu cựu thuộc địa, trông chờ hình ảnh một “mẫu quốc” rất cao
sang hoàn hảo; hoặc từ một nước phát triển khác, phần nhiều là Mỹ, với một số
tiêu chuẩn và hình ảnh về cuộc sống mình đang có, để so sánh. Cả hai thái độ đó
đều khiến cho cái nhìn nước Pháp bị khúc xạ, mất đi sự trung thực. Thực ra đây
chẳng phải là nơi tuyệt đối cao sang như chờ đợi, hoặc là nơi để đọ sức về mức
độ tân tiến và giàu có. Nước Pháp, Paris, tự bộc lộ mình như một bông hoa quí
phái hiếm có với tất cả giá trị riêng biệt của nó, đòi hỏi một thái độ và trình
độ thưởng thức thích hợp.
Ngay
về địa lý nước Pháp cũng đã có một “ngoại hình” đẹp, đó là một đất nước có hình thể cân đối đầy đặn.
Trong cái hình lục giác rất đều ấy, sông núi, đồng bằng, bờ biển phân bố hợp lý
và mỹ thuật, hình như trong thiên nhiên tạo hóa đã muốn tạo ra ở đây một tác phẩm
ưu tú và cũng đặt vào đấy một giống dân biết sống như thế nào cho phù hợp với cảnh
trí và tài nguyên mà mình có. Có đến một số nước Âu châu như Bỉ, Hòa Lan, Đức…mới
thấy rằng đồng quê của Pháp có một vẻ đẹp đặc biệt, rất nhiều nơi phong cảnh cứ
như một bức họa, không phải loại tranh vẽ tầm thường mà là danh họa, được vẽ bởi
tay họa sĩ bực thầy. Đó chẳng phải hoàn toàn là sự tình cờ của thiên nhiên, mà
còn do trong khi cày cấy trồng trọt và xây dựng nông trang, người Pháp đã mang
cả khiếu thẩm mỹ vào đất đai của mình. Họ rất xứng đáng là người thừa hưởng một
trong những mảnh đất vào hạng đẹp nhất của trái đất này.
Trường
Quốc gia Âm nhạc (Académie Nationale de Musique)
Hình
như đối với người Pháp nghệ thuật không phải là một môn riêng biệt cao vời chỉ
của một thiểu số, mà với họ, sống là nghệ thuật. Đền đài cung điện rực rỡ huy
hoàng, các tác phẩm nghệ thuật danh tiếng, phát huy đến tột đỉnh tài năng và
khiếu thẩm mỹ của người Pháp, cái đó thì đã dành. Trong cuộc sống thường, từng
con đường, từng góc phố cho đến làng mạc xa xôi đều có sự cố công để làm nên vẻ
đẹp. Không bao giờ người Pháp xây dựng một cái gì mà chỉ nghĩ đến khía cạnh thực
dụng của nó, họ không thể chỉ vì sự thuận tiện mà dựng nên những hình ảnh thô
thiển. Tinh thần Pháp là tổng hợp của cái tốt và cái đẹp, một công trình mà thiếu
một trong hai yếu tố đó thì xem như chưa hoàn chỉnh. Sự ăn, mặc của họ cũng thế.
Cái mà người ngoài cho là “kiểu cách” thì chính là nghệ thuật của họ đem vào
sinh hoạt hàng ngày vậy. Một bữa ăn mà phải tuần tự uống ba thứ rượu (khai vị,
rượu chính thích hợp với thức ăn, rượu thơm uống sau cùng để hoàn chỉnh dư vị của
bữa ăn) thì đối với ta rắc rối quá, nhưng với cái lưỡi tinh tế và với quan niệm
đưa việc ăn uống lên hàng nghệ thuật thì đấy chỉ là những quan tâm lựa chọn
bình thường và bắt buộc. Sự lựa chọn trong cách phục sức cũng vậy. Tại sao
Paris nổi tiếng về kiểu mẫu quần áo và đồ trang sức? Vì người Pháp cho rằng quần
áo chính là chỗ để thể hiện vẻ đẹp một cách thiết thân nhất của con người, thân
thể con người vốn đã là một tác phẩm đẹp rồi, việc phục sức cho nó dĩ nhiên phải
dựa vào một quan niệm thẩm mỹ linh động luôn luôn đổi mới để đáp ứng cái nhu cầu
thể hiện vẻ đẹp vốn mong manh và không có giới hạn. Họ đã đưa nghệ thuật trang
sức và may mặc lên một trình độ rất cao, đến độ làm mẫu mực cho cả thế giới. Nếu
dân tộc ấy không quan tâm đến cái đẹp và không biết làm nên cái đẹp thì làm sao
đạt được danh vị ấy, và làm sao Paris từ bao thế kỷ vẫn là thánh địa cho bao
nhiêu người làm nghệ thuật khắp nơi trên thế giới tìm về hoặc hướng về?
Trong
sân viện bảo tàng Louvre
Ngay
trong môn đá banh, mục đích của cuộc tranh tài của hai đội là đưa trái bóng nhiều
lần tối đa vào khung thành phe địch, nhưng người Pháp phải thực hiện nên cái đẹp
nữa trong quá trình dẫn dắt trái banh. Bóng đá Pháp thuộc trường phái hoa mỹ,
có khi kém hiệu năng, nhưng ở những thời kỳ họ kết hợp được hiệu năng và hoa mỹ
(cái tốt và cái đẹp) đến trình độ cao nhất thì thế giới được thưởng thức những
tác phẩm tuyệt vời về môn bóng tròn. Đọ tài quân sự, kinh tế cũng như thể thao
với người láng giềng giỏi dang và thực dụng là nước Đức, Pháp thường bị thua,
nhưng người Đức vẫn phải ngả mũ trước vẻ xinh đẹp về mọi phương diện của nước
Pháp.
Kẻ tạo
vẻ đẹp cho đời được gọi là nghệ sĩ. Nước Pháp là một nước nghệ sĩ, và Paris là
nơi kết tinh nghệ sĩ cao độ. Đến thành phố đó, ta cảm thấy có một cái gì thoáng
đãng vượt lên trên chuyện áo cơm, vượt lên trên cả cái nghèo, khi nắm bắt được
nó bỗng nhiên chúng ta thấy đời sống nhẹ nhõm đáng yêu bội phần. Ấy là cái thần
của thành phố này, nó lãng đãng khắp nơi mời mọc ta, khuyên giải ta rằng trên đời
này có một điều rất quan trọng không nên quên, đó là cái ĐẸP. Cả Paris như một
ngôi đền thiêng thờ phụng từ cái đẹp rất thượng giới của tư tưởng sau các bức
tường đại học đến cái đẹp trần thế của một cô gái đứng đường, từ các tác phẩm bất
hủ cổ kim trong điện Louvre đến các bức vẽ của những nghệ sĩ vô danh bên bờ
sông Seine… Mọi thứ đều được cư xử tôn trọng trong vương quốc ấy. Hãy cùng nhau
đến khu Montmartre…
Montmartre: ngôi chợ (trên) trời
Trước
hết lên thăm nhà thờ Sacré Coeur, phải leo lên những bực cấp rộng và dài dằng dặc
mới đến nhà thờ ở đỉnh đồi. Đó là những bực cấp đi lên vui nhất thế giới, ta gặp
trên đó vô số thanh niên nam nữ đang ngồi chơi bất kể vào thời khắc nào trong
ngày. Họ nhìn xa xăm ra thành phố trải dài dưới chân đồi, ban ngày nhìn nắng nhảy
múa, ban đêm nhìn đèn và sao nhấp nháy, họ chia nhau điếu thuốc, họ trò chuyện
to tiếng hay thủ thỉ, họ hôn nhau…Đám người ấy luôn luôn có đấy như một hình ảnh
bất biến, gắn liền với cảnh trí nhà thờ và báo hiệu cho cái không khí đặc biệt
của Montmartre mà sau khi thăm nhà thờ, ta sẽ ghé qua ngay trên khu đất bên cạnh.
Tại sao họ đến và ngồi đó? Đơn giản chỉ là “ngồi chơi,” nhưng nơi đó có một cái
gì đó thu hút họ, và sự hiện diện của họ ngược lại cũng đem lại một không khí
không bao giờ có trong đời thường, vừa trần tục vừa thượng giới, vừa là của tuổi
trẻ hôm nay vừa là cái thanh xuân bất biến của bao đời người trẻ tuổi đã lui tới
chốn này. Họ chỉ ngồi chơi, không vẽ tranh không ca hát, nói chung không làm một
hình thức nghệ thuật nào, nhưng đám người ấy toát ra một vẻ nghệ sĩ miên viễn rất
lạ, tuồng như chỉ sự ngồi chơi của họ trên các bực cấp nhà thờ ấy đã là một
hành vi nghệ thuật, đã là một chất men cần thiết cho bầu khí quyển riêng biệt của
hành tinh Montmartre.
Từ
bên hông nhà thờ ta băng ngang vài con đường và bỗng dưng đã thấy mình đang ở
giữa một thế giới khác. Một khu phố xá vây quanh một miếng đất vuông vức mỗi
chiều độ vài trăm thước trong đó che lều bán tranh và nghệ phẩm, kê bàn để nhậu
nhẹt ăn uống, và đặc biệt la liệt là các khung giá vẽ của các họa sĩ. Người đi
như trẩy hội. Đúng Montmartre là một loại hội hè thường trực bất kể ngày đêm,
vui không thể tả. Đến đó tinh thần của ta sẽ luôn luôn hớn hở như khi tuổi nhỏ được sống trong
ngày Tết. Tết vui vì đang trong không khí chớm sáng tạo của mùa xuân.
Montmartre vui vì bao trùm một không khí sáng tạo bất diệt, với một đám đông
người không dứt, lượn tới lui, ăn nhậu, mua sắm, xem tranh và vẽ tranh… Đó là một
chốn đào nguyên quanh năm không có buồn phiền, vì vào đây người ta bắt được và
đắm vào niềm phơi phới của vẻ đẹp đang trở thành. Người ta vẫn buôn bán, vẫn mặc
cả thêm bớt, vẫn ăn nhậu, nhưng đây không phải là đời thường. Tản Đà ngày xưa
muốn bưng thơ lên chợ trên trời bán cho tiên, thì đây chính là một cái chợ như
vậy, nhưng không có phân biệt người phàm và tiên, tất cả vào đấy đều biến thành
tiên trong một khoảnh khắc sống thật vui. Tất cả màu sắc tục lụy vẫn nguyên đó,
với rượu và bia, các món ăn nấu thơm lừng, với hàng hóa và phòng đổi tiền,
nhưng tất cả như là đồ mã, mọi sự diễn ra như trong ngôi chợ âm phủ, như là
không thật, vì như có một loại ma túy trong không khí làm người ta vào một cơn
vui sướng lâng lâng. Nếu trong đời sống thực tế khi nói đến chuyện văn chương
nghệ thuật người ta thường cho là chuyện phù phiếm thì lạ thay khi vào đây,
nghĩ tới cuộc sống thực của ta “ở dưới trần” với bao hệ lụy của nó thì ta lại
có cảm giác đó mới là những chuyện phù phiếm, và chỉ có cái không khí ngây ngất
quanh đây mới là thực. Ta đang thực tập cái kinh nghiệm Trang Tử là bướm hay bướm là
Trang Tử đây chăng?
Thì
ra trên đời vẫn có những nơi bầu không khí đã nhuốm đầy chất cảm hứng do đã cô
kết lâu đời phong cách của biết bao lớp người sáng tác. Họ tụ về nương nhờ vào
nơi đó để tự thể hiện mình. Tinh anh càng phát tiết càng làm dày đặc thêm cái
màu sắc thiêng liêng của nơi mình nương náu để sáng tạo. Montmartre giống như
các đền miễu được nhiều người đến cúng vái thờ phượng. Càng thiêng càng nhiều
người cúng vái, và càng nhiều người cúng vái thờ phượng thì càng thiêng. Chất
nghệ sĩ của nước Pháp đã chọn Paris, và Paris đã chọn nơi này làm nơi tập họp
và trao đổi sự sáng tạo hội họa với cung cách hồn nhiên, dân giã nhất. Người
nghệ sĩ vô danh mang giá bút đến đây để trắc nghiệm mình, nơi đây không có trường
ốc thi cử mà chỉ có sự sáng tạo đích thực và tự do, và cũng là nơi áp dụng một
qui luật đào thải nghiêm ngặt. Bao nhiêu bực đàn anh tài hoa danh tiếng đã qua
đây như anh ta ngày nay, đã cùng bao lớp người vô danh khác tạo nên một sức sống
bàng bạc của nghệ thuật. Khách đến đây cảm nhận sức sống ấy ít hay nhiều tùy
theo căn cơ của mình, nhưng đều biết rằng đây là một nơi khác thường, các tế
bào của ta mách bảo chỗ này là một bầu khí quyển lạ, không giống với cái thế giới
công việc và cơm áo hàng ngày của mọi người.
Khu
Montmartre với nhà thờ Sacré-Coeur bên cạnh
Đi
vòng vòng xem các họa sĩ vẽ tranh, Lộc bảo tôi:
“Bọn
mình đi chơi với nhau đã nhiều nơi, nhưng chưa bao giờ mình cảm thấy một nơi
nào vui như thế này. Mà thực ra thì nó có gì đâu, một mảnh đất, một khu phố
bình thường, tầm thường, đâu có gì là hào nhoáng lạ lùng, thế mà cái vui hình
như vô tận. Chung quanh toàn là người tứ xứ…”
Lúc ấy
tôi cũng thấy thế mà không hiểu tại sao. Dần dần tôi hiểu đó là lúc chất nghệ sĩ nơi Lộc rung
động với Montmartre, giống như con cá tìm về được dòng suối xưa cũ của mình. Có
một dòng suối vô hình đang chảy ồ ạt quanh đây, nó không thuộc vào một địa hình
địa lý của riêng một xứ sở mà là chung của cả trái đất, người xứ nào cũng mong
đến tắm trong ấy. Người tứ xứ đến đây giống như đi hành hương tôn giáo. Nhưng nếu
hành hương tôn giáo là đi tìm quá khứ để sống lại kỷ niệm về một phát kiến tâm
linh đã qua, thì Montmartre là một nơi để đắm vào một nguồn sáng tạo đang trở
thành. Nơi đây là một sự trở thành mãi mãi, cảm hứng mới mẻ từng phút từng
giây. Vui là vì vậy. Tâm hồn sẽ vào trong cơn phơi mở không ngừng, không phải
tìm về một cái gì đã chết.
Cả
trăm họa sĩ đang làm việc quanh đây, thuộc nhiều quốc tịch, Pháp, Ý, Tây Ban
Nha, Nhật Bản, Việt Nam… Một số có cửa hàng nho nhỏ bày tranh của mình, nhưng
phần đông đều ở ngoài trời, với dụng cụ gọn nhẹ, gồm một giá vẽ, vài cái ghế xếp,
một cây dù che mưa nắng và đồ lề cần thiết như giấy, cọ, màu… Họ “bày hàng” để
bán một món hàng vô hình là tài năng của họ, nó sẽ trở thành hữu hình một khi họ
và khách hàng đã thuận mua vừa bán. Đó là những người vẽ tranh chân dung. Trong
vòng trên dưới nửa giờ họ sẽ vẽ xong chân dung của khách hàng ngồi ngay trước mặt
làm mẫu, với giá thỏa thuận trước, trung bình khoảng hai trăm quan một bức cỡ
60 x 40 cm. Vì làm nhanh, lấy tại chỗ nên hầu hết các bức họa được vẽ bằng chì
và phấn. Chân dung cũng đủ kiểu, có người sở trường vẽ chân phương theo lối
truyền thần, có người lại vẽ theo cách ký họa, chỉ chấm phá ít nét linh động
tung hoành, lại có những bức theo lối hý họa, thể hiện một khuôn mặt theo những
đường nét dí dỏm nhất mà họa sĩ có thể nhìn ra nơi người khách… Họ cũng chào mời
khách như bất cứ một người bán hàng nào, và họ cũng nói thách, và khách cũng trả
giá, mọi cái y như cảnh mua bán “dưới trần gian,” chỉ có khác là sau khi giá cả
xong xuôi, khi họ bắt đầu “bán” tài nghệ của họ thì tất cả đi vào một thế giới
khác, thế giới của sáng tạo. Lúc bấy giờ tương quan giữa người họa tranh với
khách hàng không còn là người bán và người mua, mà là giữa nghệ sĩ và người mẫu.
Đứng xem họ làm việc mới thấy sự nhọc nhằn của sáng tạo. Không giống như những
thợ vẽ chân dung từ một bức ảnh, chỉ sao chép sao cho thật giống những gì đã in
trên giấy, trước mặt họ là một người sống với tất cả sự linh động của nó trong
từng giây phút trôi qua, họ phải nhìn và nắm bắt cho được cái gì là đặc trưng của
người ấy trong đường nét cũng như trong tinh thần thể hiện ra mặt giấy bằng chì
đen phấn trắng. Cho dù hành nghề đã nhiều năm, mỗi ngày vẽ cho bao nhiêu người,
nhưng mỗi khi cầm bút bắt đầu một bức chân dung thì đối với người họa sĩ, đó vẫn
là một việc làm hoàn toàn mới mẻ, chưa tiên đoán được kết quả. Họ luôn luôn đứng
trước cái vực thẳm của chuyện thể hiện được hoặc không thể hiện được hình ảnh của
đối tượng trước mặt. Họ đối diện thường trực với nỗi thách đố đó, và chỉ giải
quyết được bằng tài năng và cảm hứng của chính họ ngay trong lúc đó mà thôi. Khi vẽ, người họa sĩ biến thành một người
khác, không giống với con người trước đó mấy phút đã mặc cả với khách hàng từng
đồng, và cũng không giống con người sau đó khi đã vẽ xong đưa tay nhận tiền của
khách. Mặc cả và nhận tiền là việc của đời sống. Vẽ là nghệ thuật. Đứng trước
giá vẽ, họ quên hết chung quanh, ngưng thần quan sát đối tượng, chuyển cái cảm
nhận bằng thị giác ấy thành ảnh tượng của chính mình rồi đưa xuống bàn tay cầm bút và ghi lên giấy, quá
trình ấy không lúc nào giống lúc nào, nó luôn luôn mới như mỗi hơi thở vào ra
trong phổi làm nên sự sống của người nghệ sĩ. Quá trình ấy biến cái không thành
cái có, từ chỗ hư vô đem lại sự hữu hình, đó là giây phút thiêng liêng và reo
vui của bất cứ cái gì đang sinh nở trong tạo vật.
Dĩ
nhiên kết quả của mỗi bức vẽ rất khác nhau. Khách hàng có thể rất hài lòng một
cách ngạc nhiên, không ngờ mình được vẽ giống đến thế, có thể ngỡ ngàng nhìn
cái hình trong tranh không biết nó có liên quan gì đến mình hay không, hoặc
thán phục người nghệ sĩ đã nhìn thấy nơi mình những đường nét rất “hay” và bất
ngờ chính mình cũng không biết…Nhưng luôn luôn giây phút cầm lấy tác phẩm từ
tay người họa sĩ trao cho mà biết rằng từ nay mình là sở hữu chủ, người nhận thấy
sung sướng và vinh hạnh, vì mình đang có trong tay một tác phẩm làm bằng tài
năng và sáng tạo mà mình vừa được chứng kiến ngay tại chỗ, hơn thế nữa, mình có
góp phần vào. Bức tranh thành một giá trị sống động trong tay ta. Bây giờ sẽ
không có một ý niệm nào về số tiền mình đã bỏ ra để có bức vẽ này là đắt hay rẻ.
Sự sáng tạo ấy và tiền bạc là hai cái không đi đôi với nhau, sự trị giá chỉ là
một giao ước tạm.
Lộc
muốn có một bức vẽ chân dung kể kỷ niệm. Chúng tôi hỏi chuyện mấy họa sĩ Việt
Nam đang bày giá bút tại đây, các anh em đó đều vui vẻ gặp đồng hương, và hỏi
ngay: “Các anh từ Mỹ đến à?” Hàng ngày gặp gỡ bao nhiêu là người tứ xứ, họ rất
nhạy bén trong nhận xét. Khi nghe Lộc có ý tìm một họa sĩ vẽ chân dung thật giống,
anh bạn họa sĩ Việt Nam không ngần ngại chỉ ngay một người đàn bà Á Đông đang lui cui vẽ tranh gần đấy: “ Chị
Kurita kìa. Chị ấy là người Nhật, vẽ chân dung tài lắm đó.”
Kurita
trạc tuổi ngoài ba mươi, là một người đàn bà nhu mì và rất lễ độ theo lối Nhật
Bản, mặc dù cung cách cũng bụi đời giống như hầu hết nghệ sĩ hành nghề tại đây:
một cái quần jean bạc mầu, một cái áo thun màu đen, tiếp chuyện với khách khi
thì bằng tiếng Pháp, khi tiếng Anh, gặp đồng hương thì lại nói tiếng Nhật. Khi
vẽ tranh, Kurita biến thành một người khác. Sau khi gài mảnh croquis lên giá vẽ
và mời Lộc ngồi trên cái ghế xếp cách mình độ vài thước, cô ta đứng đối diện vừa
với khung giấy trắng vừa với người mẫu và lập tức đi vào một trạng thái như là
nhập định của các thiền sư. Thế giới đông đúc ồn ào chung quanh hình như không
còn ảnh hưởng gì đến cô ta nữa. Thần thái của cô ta giờ đây chia làm hai rõ rệt:
khi quay qua nhìn người mẫu đôi mắt cô mở to gần như hết cỡ, giống như ống kính
phải mở tối đa khi chụp ảnh ở một nơi thiếu ánh sáng, các tia mắt trở nên sáng
rực chiếu thẳng và úp chụp lên người mẫu lúc bấy giờ đang ngồi thụ động như một
con mồi đã mất khả năng tự vệ. Trong mấy giây ấy, khuôn mặt cô ta trở thành
khác lạ hẳn, cả sự sống ngưng đọng tập trung, đầy vẻ chủ động ngất ngây của một
con thú đã quyết định phóng tới vồ mồi. Nhưng khi quay qua với giá vẽ đưa cây
bút bắt đầu vờn trên mặt giấy thì vụt một cái nét mặt cô lại trở về vẻ bình thường,
hình như mấy giây dữ dội vừa qua là cái không hề có. Bây giờ đến sự bí mật của
bàn tay, cô vờn vẽ và hình của Lộc tượng thành dần dần, một cách như là huyền
bí phù phép. Hai trạng thái ấy luân phiên xen kẽ nhau khi cô đang làm việc. Suốt
bốn mươi phút ngồi làm mẫu, Lộc quan sát cô mà thì giờ trôi qua không hay, vì
cái vẻ linh động đến lạ kỳ trong mỗi giây phút mà cô sáng tác. Bức vẽ quả nhiên
rất đẹp, không những giống về đường nét, mà cái thần của con người cô thể hiện
cũng rất giỏi.
Họa
sĩ người Nhật Kurita đang vẽ chân dung tác giả
Đã
quá trưa, say sưa theo dõi mấy người họa sĩ vẽ vời, thì giờ trôi qua không hay.
Trong khu vẽ có rất nhiều chỗ ăn uống, hoặc cửa hiệu, hoặc ở chỗ trống có che bạt,
có bồi của các nhà hàng mang thức ăn ra tận nơi, giống như cảnh ăn uống nơi một
số nhà lồng chợ ở Việt Nam. Nhưng chúng tôi không ăn ở đó mà men theo một con
đường nhỏ để vào một nhà hàng ăn nằm trên sườn đồi quay lưng với khu vẽ, nhìn
bao quát xuống toàn cảnh Paris. Đi suốt mấy tiếng đồng hồ dưới nắng xem tranh
và xem vẽ tranh, bây giờ ngồi thoải mái dưới mái hiên nhà hàng, uống một hơi hết
ly bia, phóng tầm mắt ra xa, thấy tâm thần như dần dần xả ra khỏi một cơn lên đồng.
Cái vui vẫn còn đọng nhưng cơn xuất thần đã qua, nhận thức trở về với thực tại.
Bia là thật, thịt và bánh mì là thật, cảm giác thư giãn là thật, và Paris đang
trải dài dưới kia, chỗ này là tháp Eiffel, chỗ kia là cổng Khải Hoàn, và tiếp tục
lan xa mãi. Ngày hôm nay tôi trải qua một kinh nghiệm trước đây tôi chưa gặp.
Tôi đã đi lạc vào một vương quốc lạ, bầu không khí trong đó có khả năng đánh thức
một con người khác nơi tôi bấy lâu yên ngủ, hoặc đã phù phép để tôi lẫn lộn cả
âm dương. Ai cũng biết người ta không chỉ sống vì bánh mì, ngoài chuyện áo cơm
còn nhiều chuyện khác, nhưng những “chuyện khác” đó là gì thì câu trả lời thật
mông lung vô tận. Hãy đến đây mà học lấy một kinh nghiệm, mà cảm nghiệm bằng
chính bản thân mình thế nào là cái yêu ma của sáng tạo nghệ thuật. Người ta có
thể dựng nên vô số thế giới tưởng tượng để sống những giây phút xuất thần,
nhưng hạnh phúc nhất là nhiễm được không khí sáng tạo nghệ thuật. Nó vẫn nằm
trong đời thường mà vượt lên trên đời thường, nó vẫn dính tới áo cơm mà lại ở
bên kia chuyện áo cơm. Đó là một cõi nhân sinh đặc biệt. Và ở Paris đó là đồi
Montmartre.
(Theo dự định của tác giả lúc viết
-1997- thì bài chưa chấm dứt ở đây. Nhưng sau đó vì bận nhiều việc, đành để bài
viết dang dở).
Thư của thân hữu:
Bác Minh thân mến,
Thư của thân hữu:
Bác Minh thân mến,
Cháu xem trang web
Diễn đàn thế kỷ thì cháu phát hiện "Nét Xuân Sơn" của bác! Cháu đã
nhìn thấy được nhiều hình ảnh rất hào hoa phong nhã của bác Minh, vui lắm.
Và cháu nhớ ra trong
tiểu thuyết "Băn Khoăn" của Khái Hưng có trích dẫn câu Kiều "Làn
thu thủy, nét xuân sơn, Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh".
Aki Tanaka 田中 あき