Những câu hát ru là hình thái nghệ thuật sớm nhất đã len lỏi
vào đời sống của một con người khi hãy còn non nớt. Dù chưa có ý thức, đứa bé
đã biết đón nhận tiếng ru như một cảm giác mơn trớn êm đềm để đi dần vào giấc ngủ. Và từ
đó, tiếng ru thành một nhân tố xây dựng nên khía cạnh tình cảm lãng mạn trong đời sống
tinh thần của
đứa bé đó sau này lớn lên. Cùng với bú mớm, ẵm bồng, con người lúc còn non nớt
còn được nuôi nấng bằng âm thanh, ngoài tiếng ru còn bao nhiêu tiếng nựng nịu
âu yếm vỗ về khác.
Bắt đầu từ năm, sáu tuổi, những câu truyện cổ tích là một nguồn thích thú vô tận để bắt đầu đời sống văn hóa cho các cô cậu bé. Ngày xưa chưa có ti vi, điện ảnh hay sách tranh ảnh, tất cả kho tàng văn hóa cũ dưới dạng cổ tích đều được trao truyền cho lớp con cháu qua đường lỗ tai, trực tiếp từ ông bà cha mẹ. Truyện mở ra những thế giới thần tiên huyền ảo hoặc gay cấn ly kỳ với bao nhắn nhủ thầm kín mà nhiều khi mãi hàng chục năm sau các cô các cậu mới dần dần nhận ra. Nhưng dù nhận ra hay không nhận ra, một ý tưởng, một thắc mắc siêu hình, một quan niệm đạo đức cũng đã được gieo vào lòng còn như tờ giấy trắng của các cô các cậu rồi.
Đã gieo tất có mọc, cách này hay cách khác, dạng này hay
dạng khác.
Như vậy, chúng ta thấy khả năng của tiếng nói thật là to lớn. Khi bà tôi rủ rỉ bên tai tôi:
“Ngày xửa ngày xưa có một ông vua sống trong một cung điện to thật là to, đẹp thật là đẹp”
là lập tức
đầu óc tôi làm việc, xây ngay một cung điện to theo ý tôi, đẹp theo ý tôi, và tha hồ rực
rỡ lung linh kiểu nào, cỡ nào cũng được. Lời kể cổ tích có một tác dụng vô cùng tận, không
hề hạn chế
trí tưởng tượng của tôi như khi sau này tôi được xem truyện bằng tranh hay phim hoạt họa
trên màn ảnh. Khi xem, nội dung được xác định ngay, nhưng khi nghe ta tha hồ đi vào một
cõi mông
lung. Thậm chí khi lớn lên nhiều khi tôi lấy làm bất mãn với những cổ tích đã được hình ảnh hóa,
vì nó không giống chút nào với chính truyện đó của riêng tôi do tôi xây dựng nên thuở
bé. Kể ra xem
phim Cô Bé Lọ Lem của Walt Disney thì phải nhận là các tác giả đã quá tài tình
khi cụ thể hóa thế giới cổ tích như thế, lãng
mạn,
tươi đẹp, huyền ảo đến chỗ tuyệt diệu, nhưng tôi thưởng thứcphim đó như một tác
phẩm hoàn toàn khác chứ không phải là một với thế giới Cô Bé Lọ Lem mà tôi là
tác giả duy nhất sáng tác ngay trong
đầu óc tôi cách đây hơn năm mươi năm! Phim của tôi “đã” hơn nhiều, thần bí hơn
nhiều! Vâng, đã nói đến cái thần bí trong đầu óc một đứa trẻ thì tôi dám chắc
không một nhà làm phim nào dù tài giỏi tới đâu có thể thể hiện ra một cách cụ
thể được.
Và đó là ưu điểm của truyện kể. Một khi còn con người với
trí óc tưởng
tượng vô cùng vô tận của nó thì truyện kể vẫn còn người say sưa nghe. Càng lớn lên tính cách thần bí bớt
dần, nhưng khả năng tưởng tượng
vẫn còn. Đọc một cuốn tiểu thuyết cũng như nghe kể một câu chuyện mà không có
trí tưởng tượng đi kèm thì khó mà thưởng thức, thậm chí hiểu được. Cảm nhận một
tình tiết luôn luôn phải có một hình ảnh hay ảnh tượng do óc tưởng tượng tạo ra
đi theo, như một phản ứng tự nhiên của khả năng cảm thụ nghệ thuật của chúng
ta.
Thời học trung học đọc Bướm Trắng của Nhất Linh đoạn Trương
và Thu đi chơi Chùa Thầy, giữa đường leo núi hai người đã ngồi trên tảng đá hôn
nhau, tôi đã có hình ảnh đường leo núi Chùa Thầy của riêng tôi. Mấy chục năm
sau khi đi thăm Chùa Thầy thật thì tôi
thấy nó
chẳng liên quan gì đến cuốn Bướm Trắng cả, đơn giản chỉ vì tôi đã trót xây dựng một Chùa
Thầy khác cho cuốn Bướm Trắng mất rồi. Và cuốn Bướm Trắng sẽ vĩnh viễn ở trong tôi với
hình ảnh tôi xây
dựng ấy, và Chùa Thầy thực thì đối với tôi là một thực thể khác. Phim ảnh xóa cái khả năng sáng tác tự nhiên ấy, vì đã cung
cấp đầy đủ
mọi thứ rồi, (và “đủ” đến mức nào chính là thước đo tài năng của đạo diễn) người ta sẽ thấy
cảnh Chùa Thầy ngay trong phim
Bướm Trắng (nếu nó được làm phim), và người ta đón nhận, thưởng thức một cuốn phim sẽ theo
một cung cách khác hẳn là không có sự tham dự của óc sáng tạo nơi chúng ta nữa.
Cổ tích phải xem là một hình thức giáo dục gia đình. Nhà
trường không kể
truyện. Truyện cổ tích thường phải đi với những “phụ tùng” của nó là người ông, người bà
hoặc bố mẹ, với khung cảnh trong gia đình, thường là buổi tối. Nhưng khi đi vào xã hội
thì hình
thức kể chuyện có còn không? Vẫn còn, xưa cũng như nay. Ở nước ta ngày xưa thường có những
người đi nói vè. Vè là một bài văn vần mô tả người hay sự việc, có khi
là một câu chuyện thời sự. Ví dụ:
Lẳng lặng mà nghe
Nghe vè giữ trâu
Nghe vè giữ trâu
Ra đứng đầu cầu
Khóc mẹ van cha
Hai hàng nước mắt nhỏ sa
Cách sông cách hói* biết nhà chú đâu
...
Kể ra bài vè cũng gần như một bài ca dao thôi, nhưng sở dĩ
người ta gọi thể loại vè vì nó dùng để “nói,” tức là một hình thức trình diễn, gọi là “nói vè.” “Nói” vì giọng trình bày bài vè không có lên bổng xuống trầm như ngâm thơ,
nhưng thật ra cũng không suông
đuột như lời nói thường. Không phong phú về âm điệu nhưng có nhịp điệu hẳn hoi,
câu văn vần “nói” ra được đánh nhịp bằng một dụng cụ người nói vè cầm trong
lòng bàn tay khi bóp vào thì nó phát ra tiếng rè rè. Một câu vè nói ra gồm bốn
tiếng, giữa hai câu là
một nhịp nghỉ ngắt quãng. Vì thế hình thức các bài vè thường là thơ bốn chữ, và câu mở đầu
luôn luôn là Lẳng lặng mà
nghe như đã thấy ở ví dụ
trên, hoặc Nghe vẻ nghe ve. Gặp chỗ thơ lục bát thì người nói vè sẽ ngắt
câu sáu và câu tám ra để còn là câu bốn tiếng, ví dụ:
Hai hàng /(ngắt)/ nước
mắt nhỏ sa
Cách sông cách hói
*/(ngắt)/ biết nhà chú đâu
Trường hợp câu sáu hai tiếng đầu được ngắt ra sẽ thành như
một loại âm
phụ, để lấy hơi đệm cho bốn chữ sắp tới.
Ai là người nói vè? Đó chính là hình ảnh người đi hát rong
ngày hôm nay.
Thường là những ông già mù, ngồi ở bến đò, điếm canh, ngửa cái nón trước mặt và trình diễn
cho bà con nghe cái kho thi ca bình dân phong phú của mình. Ở cái thời đại mà thông tin
và giải trí
còn nghèo nàn, người ta có thể say sưa nghe một người “nói” một cách nhịp nhàng
những câu chuyện mô tả xã hội, như vè
Giữ
Trâu, vè Cờ Bạc, hoặc các biến cố làng trên xóm dưới, cũng có khi là những biến cố quốc sự. Đó là
một loại “báo nói” đơn sơ đầu tiên vậy. Cách đây nửa thế kỷ, người viết bài này được nghe
nói vè lần
cuối cùng ở một bến xe quê mình. Đó có lẽ là một trong những người nói vè sau cùng còn sót
lại của một thời xưa. Từ đó không hề gặp nói vè lần nào nữa.
Trong một cuốn tiểu thuyết về nước Tàu, Pearl Buck có đưa ra
hình ảnh một người kể chuyện chuyên nghiệp trong xã hội Trung Hoa xưa. Ông ta
ngồi trong một quán nước bình dân với một bình trà và sẵn sàng cung cấp dịch vụ
cho những ai cần nghe chuyện của ông. Một người bước vào quán, đến bàn của ông
đặt xuống một đồng tiền, nói nhan đề truyện muốn nghe (dĩ nhiên là truyện Tàu)
rồi ngồi xuống cạnh ông. Ông nhấp nước trà, đằng hắng giọng và bắt đầu nói.
Chuyện các bên đang chuẩn bị cho trận Xích Bích chẳng hạn. Giọng ông vô cùng
hấp dẫn, các tình tiết đan xen lẫn nhau khi hào hùng lúc hồi hộp, người nghe
say sưa theo dõi. Nhưng đến đoạn Tào Tháo chạy đến Huê Dung đạo thì bỗng nhiên
ông ngưng bặt, như một cuốn cassette vừa hết băng. Người nghe chưng hửng nhìn
ông thì ông bảo: “Hết tiền rồi, muốn nghe tiếp thì bỏ tiền thêm.” Thì ra ông đã
đo lường cái công kể chuyện của ông, không phải theo giờ, vì có lẽ ông không có
đồng hồ, nhưng theo từng đoạn của câu chuyện. Và chắc chắn ông chọn đúng những
chỗ gay cấn hấp dẫn để làm ranh giới cho hai lần bỏ tiền. Đó là nghệ thuật kể
chuyện ăn tiền.
Khi máy hát, rồi radio được sáng chế ra thì những nghề như
nói vè hay kể chuyện
Tàu phải cáo chung. Nhưng nội dung công việc ấy thì không mất, vì người ta tái
hiện chúng với phương tiện mới. Trên
đài phát
thanh thính giả lại được nghe đọc truyện, được nghe ngâm thơ, đọc thơ, bình thơ, nghe hát
xướng đàn địch, nghe tin tức làng trên xóm dưới, tin quốc sự, tin quốc tế. Tinh vi hơn,
đầy đủ hơn,
hiệu quả hơn. Hầu như cả cuộc sống được biến thành âm thanh và chuyển tải trên
làn sóng điện. Ảnh hưởng của phát thanh vì thế lớn lao và cùng khắp.
Một hình thái nghệ thuật khá xa xưa là kịch nghệ, vốn
là một nghệ thuật
“hữu hình” cũng tự biến hóa mình đi để thích ứng với tình trạng “vô hình” của phát thanh mà
chen chân vào. Kịch nguyên thủy là những câu chuyện được dàn dựng để diễn trên
sân khấu, và người đến để “xem” kịch, được gọi là khán giả. Các loại sân khấu
xưa của Việt Nam có chèo, hát bộ, cải lương, tất cả là ca kịch vì diễn đi đôi với hát. Người Pháp sang
đô hộ Việt Nam du nhập một lối kịch mới là thoại kịch, hay kịch nói, trên sân khấu chỉ
còn động tác
và đối thoại chứ không hát lê thê nữa, nên loại kịch này gần gũi với đời thường hơn là ca
kịch vốn chỉ hay diễn những tích xưa. Kịch thơ là loại kịch mà các đối thoại toàn là lời
thơ, diễn
viên có thể ngâm thơ hay đọc thơ; thể loại này có thể coi là gạch nối giữa ca kịch và
thoại kịch, cũng do người Pháp mang vào. Nhưng dù là ca kịch hay thoại kịch, muốn trình
diễn cần phải có
sân khấu, với phông màn, bài trí, ánh sáng, âm thanh... và diễn viên phải hóa trang cho
giống vai mà mình thủ diễn. Nói chung, đó là một nghệ thuật cần phải có không gian với sự
tạo hình,
tạo tiếng để diễn lại trước mắt người xem một tấn tuồng nào đấy.
Mang kịch vào phát thanh là làm biến hẳn bản chất cố hữu của kịch, từ cái để xem thành cái chỉ để
nghe. Ở đây khán giả bỗng nhiên bị
mù hết, và trở lại với thời thơ ấu với trí tưởng tượng thênh thang. Và kịch khi chuyển thể
như thế không khác nào một loài vật đang sống trên đất phải thích ứng với đời sống bay
trên trời,
hay đang ở một thế giới đầy ánh sáng bỗng vào một vùng tối mịt mù không còn nhận thấy gì nữa.
Kịch bản phải đổi, thế nào cho chỉ với âm thanh thôi, người ta thưởng thức một câu chuyện
diễn tiến.
Những ghi chú thuộc về không gian trong kịch bản nay phải bỏ hết, và nếu cần thì những cái lẽ
ra được dàn dựng trên sân khấu ấy
nay chỉ thể hiện trong lời dẫn. Cứ đọc lời dẫn, ví dụ: “chuyện xảy ra trong một căn phòng
thiếu ánh sáng...” cứ đọc như thế, còn căn phòng ấy hình thù như thế nào thì là phần của
thính giả,
muốn tưởng tượng ra như thế nào mặc ý. Lời đối thoại cũng phải tinh tế hơn là lời trên sân
khấu, vì không còn động tác và khung cảnh để minh họa và hỗ trợ. Có còn chăng là những âm
thanh phụ. Trên sân khấu khi người diễn viên dằn cái ly trên bàn thì tiếng cái ly chạm bàn không quan trọng bằng động tác của tay
và nét mặt,
nhưng trong kịch truyền thanh, tiếng chạm bàn mạnh hay nhẹ của cái ly có thể
cho người nghe cảm giác về thái độ của nhân vật đang diễn. Kịch truyền thanh là
tổng hợp những lời, những tiếng
gợi ý cho tưởng tượng. Trong Kỷ Yếu VNCR năm 2000-2001, tác giả Tâm Thảo
trong bài
“Truyền Thanh là một ngành truyền thông chuyên biệt” đã kể lại câu chuyện về kịch trong phát
thanh như sau:
“Năm 1938, vào thời cực thịnh của phát thanh, Orson Wells,
một thiên
tài phát thanh và điện ảnh, đã làm cả nước Mỹ náo loạn vì một chương trình phát thanh của ông.
Trong chương trình “chiến Tranh Giữa Các Thế Giới” (War of The Worlds), ông kể chuyện
người Hỏa tinh tấn công Địa cầu. Câu chuyện của ông thực hiện, với đủ loại âm
thanh cần thiết, hay đến nỗi làm dân chúng tưởng thật, náo loạn cả lên. Mới đầu
là dân tiểu bang New Jersey, là nơi phát thanh, sau đó náo loạn lan ra nhiều
nơi trên khắp nước Mỹ. Người ta tưởng người Hỏa tinh tấn công Địa cầu thực sự,
bỏ nhà bỏ cửa chạy trốn. Nhiều người đàn ông xách súng đi tìm người Hỏa tinh để
kháng cự. Có người đốt nhà, có người tự tử. Orson Wells đã biến một chuyện không có trở thành có thật,
qua sức
gợi tưởng tượng của phát thanh. Với đặc điểm này, phát thanh có thể dựng nên bất cứ chuyện gì,
những chuyện ngay chính điện
ảnh cũng không dựng được, hoặc nếu dựng thì cũng rất tốn
kém.”
Người Việt Nam tị nạn ở quận Cam đã tái tạo hầu như
mọi mặt đời sống văn
hóa của mình. Xuất bản sách, báo, làm đài phát thanh và đài truyền hình, và rất đáng phục là
đã dựng lại sân khấu. Trong vòng mươi năm qua, khán giả yêu kịch đã được xem Lôi
Vũ, Nửa Đời Hương Phấn, Đoạn Tuyệt, Lồng Đèn Đỏ v.v... và gần đây được xem
cả một tuồng cải lương nghiêm chỉnh, đúng nghĩa, diễn trong rạp đàng hoàng, vở
Cô gái Việt và người chiến binh Mỹ.
Nhưng trên tất cả các đài phát thanh tiếng Việt còn hoàn
toàn vắng tiếng
kịch truyền thanh, mặc dù khả năng của thể loại này lớn lao và lợi hại thế nào thì ai cũng đã
biết. Dĩ nhiên đài của chúng ta chỉ
là các đài nhỏ do tư nhân đi mướn làn sóng để phát thanh,
không thể nào
đủ phương tiện để làm những chương trình cần đầu tư nhiều tiền bạc và công sức
như một đài quốc gia, hay những đài tư nhân lớn của Mỹ. Khía cạnh văn nghệ của
các làn sóng phát thanh tiếng Việt vì thế rất hạn chế. Riêng các chương trình
đọc truyện hiện nay vẫn được nhiều người yêu thích, thì một phần nào cũng có
dáng dấp của kịch truyền thanh. Nếu truyện đọc được thay đổi giọng khi đối
thoại (nam, nữ, già, trẻ...) và thêm phần nhạc đệm và âm thanh phụ cho dồi dào
thì sẽ làm nổi rõ phần kịch tính của
truyện.
Và chính cách đọc truyện này đã dần dần đi vào thị trường nghe, đó là sản phẩm Audio Book.
Những cuốn băng đọc truyện ngày nay đã theo người lái xe đi làm xa, theo các cô
thợ vào shop may hay tiệm nail hoặc vào trong bếp với những người nội trợ,
trong phòng của những người cao niên... Khỏi phải đọc sách nữa, đã có người
khác đọc cho mình nghe rồi, mà lại đầy đủ yếu tố hấp dẫn, hồi hộp.
Từ ông già mù nói vè ở bến đò, người kể chuyện Tàu trong
quán nước,
đến các audio book ngày nay là một đoạn đường khá xa. Nổi bật trên đoạn đường ấy là Kịch
Truyền Thanh, một sáng tạo đầy cảm hứng và hiệu quả, dù ngày nay không còn được
sử dụng trên các đài phát thanh tiếng Việt nơi hải ngoại. Thích ứng với hoàn
cảnh mới, những chương trình đọc truyện nếu khéo tạo ra kịch tính, cũng một
phần nào có thể thay thế cho kịch truyền thanh. Thế nhưng một khi sân khấu của
chúng ta đã được dàn dựng lại một cách nghiêm chỉnh đầy sức sống cho thoại kịch
và ca kịch thì tại sao chúng ta lại không có quyền mơ ước, rồi bắt tay dần dần
thực hiện các chương trình kịch truyền thanh của chúng ta. Bên phía sân khấu đã
được thừa hưởng quá nhiều tiến bộ kỹ thuật của kịch nghệ Hoa Kỳ, thì chắc chắn
trong ngành Kịch truyền thanh sự thừa hưởng ấy lại càng phong phú và thuận lợi
hơn gấp bội.
2002
* Trên
các con sông miền Trung, những chỗ nước chảy khoét vào bờ thành một vũng tròn
thì dân địa phương gọi là cái “hói”. Đây là biến âm từ chữ Hối 匯 của Hán tự.
Theo Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh thì Hối 匯 có nghĩa là nước chảy xoay vòng.
_