Nhà thơ
Tạ Ký
Tạ Ký sinh năm 1928, đến năm 1945 có thể
coi anh vừa vào tuổi thanh niên. Một số thanh niên thuộc thế hệ 1945, trong
cuộc kháng chiến chống Pháp phải đối diện với hai chọn lựa. Nếu ở vùng “tự do”
tức vùng Việt Minh kiểm soát thì ở lại với kháng chiến hay là “nhảy đồn” để về
vùng quốc gia; hoặc đang ở vùng quốc gia cũng có một số nhấp nhỏm thoát ly về
vùng kháng chiến. Từ sau 1950, khi phía cộng sản bắt đầu chương trình cải cách
ruộng đất và đấu tố thì phong trào về thành phố ngày càng nhiều.
Tháng Sáu năm 1952, Tạ Ký cùng Lê Trọng
Nguyễn, Nguyễn Sum, Nguyễn Viết Tường “nhảy” vào đồn Xuân Đài, thuộc Gò Nổi,
phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, sau khi lội qua con sông Thu Bồn nhánh phía nam,
nước rất cạn vào mùa hè. Từ đó các anh được đưa dần về Đà Nẵng, và sau một thời
gian làm thủ tục an ninh với ty Công An và phòng nhì Pháp, tất cả được gia nhập
vào cuộc sống bình thường của vùng quốc gia. Nhưng trước khi hội nhập hẳn vào
đời sống mới, cả đám bị phòng nhì Pháp bắt trở lại, và chuyện này có thể là một
giai thoại vui vui, nên mở một dấu ngoặc để kể lại. Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn khi
về có mang theo mình một cây đàn ghi-ta Ý mà anh rất quý, và khi khai ở phòng
nhì Pháp bằng cách thế nào để qua sông Thu Bồn, anh đã dùng chữ Pháp nager (lội bơi). Đám phòng nhì xem lại
hồ sơ thì thấy có điều không ổn: lội bơi qua sông thì làm sao đem cây đàn theo?
Thế là cả bọn bị bắt lại cho đến khi làm sáng tỏ chuyến vượt sông chỉ là một
cuộc lội bộ qua một dòng nước rất cạn.
Thời bấy giờ, đối với một thanh niên, việc
bỏ vùng này vượt qua vùng khác là một chuyện rất trọng đại. Chế độ thay đổi,
chí hướng thay đổi, tương lai thay đổi. Chuyến ra đi ấy của Tạ Ký càng trọng
đại vì anh chỉ đi có một mình, tất cả người thân và gia đình ở lại bên kia hết.
Vừa chớm vào đời đã làm lại tất cả từ con số không, từ hai bàn tay trắng. Điều
này ảnh hưởng không nhỏ lên sáng tác của anh, có thể là khởi điểm mới cho toàn
bộ thi ca của anh. Mặc dù Tạ Ký làm thơ rất sớm, từ đầu thập niên 40 thời còn
học tiểu học, tất cả thơ của anh mà chúng ta được biết hôm nay đều là thơ làm
từ khởi điểm mới ấy. Anh là nối dài âm hưởng thi ca tiền chiến, mà Huy Cận và
Nguyễn Bính có lẽ là hai nhà thơ ảnh hưởng anh nhiều nhất. Tính chất lãng mạn
của những chuyến giang hồ thời trước nay chính anh đã thực hiện để xoay chuyển
đời mình. Và nỗi nhớ, nỗi đau của chia ly, xa cách với mẹ già, với làng mạc -
những nỗi niềm đã trở thành cổ điển trong thơ ca của chúng ta một thời - hằn
khá rõ nét trong thơ anh trong những năm đầu về thành.
Và dĩ nhiên tình yêu. Tình yêu không
chiếm một tỉ lệ đáng kể trong thơ Tạ Ký, không có nét say mê đắm đuối của tuổi
trẻ mà luôn luôn nhuốm vẻ ngần ngừ như chạm vào một mặc cảm. Đó không phải là
những lời giao tình của tuổi hai mươi, lúc “tình xanh không lo sợ,” mà của năm,
mười năm sau đó, khi “tôi chín chắn như
thủy thủ già vượt biển, đọc mây sao
tìm hướng của phong ba, mùa lỡ xuân mà ngày cũng sắp tà.” Vào tuổi hai mươi
Tạ Ký có làm thơ tình không? Chắc chắn là phải có dù không còn lại một dấu vết
nào, nhưng những bài thơ tình của anh mà chúng ta đang có là những ly rượu lâu
năm, rất thắm, rất đượm, nhưng không còn màu xanh lung linh ngan ngát của buổi
tâm hồn mới mở.
Thơ tâm sự với bạn bè thì nhiều. Tâm
tình chính yếu của anh có lẽ là ưu tư về đất nước, về cuộc đời, về vai trò của
lứa tuổi mình. Nói với người đồng hội đồng thuyền là tiện nhất. Chuyến về thành
vừa như một vụ tỵ nạn chính trị vừa là một chuyến đi tìm một lý tưởng mới.
Nhưng cái chính nghĩa quốc gia còn mờ nhạt bên cạnh sự hiện diện của quân đội
viễn chinh Pháp có lẽ chưa đáp ứng được, chưa cả biện minh nữa, cho quyết định
đổi đời của chàng thanh niên. Ở bên kia, bức màn bức bối của đấu tố và kiểm
soát tư tưởng bắt đầu buông xuống làm tối đi sự trong sáng của những năm đầu
kháng chiến, hàng loạt người đã quyết định thoát đi. Nhưng khát vọng của những
tâm hồn nặng lý tưởng thì chắc chắn sẽ ít nhiều bị hụt hẫng với bên này. Đó là
nỗi khổ của lớp người như Tạ Ký.
Và nỗi khổ ấy sẽ kéo dài theo đời sống,
theo thời cuộc, với đất nước chia đôi, với chế độ mới ở miền Nam, rồi với cuộc
chiến ngày càng nhấn chìm mọi hy vọng xây dựng một đời sống no đủ và tự do dân
chủ mong ước. Tạ Ký là một tổng hợp điển hình của một mẫu loại đời sống của
miền Nam. Ưu tư, bất mãn với rất nhiều cảm giác bất lực, nhưng vẫn làm việc,
vẫn sống, thậm chí vui chơi với cuộc sống, kết giao, nhậu nhẹt, sáng tác... cho
đến ngày miền Nam sụp đổ.
*
Trong buổi họp mặt của Hội Thơ Tài Tử
hồi tháng Chín năm ngoái (2000) tại quận Cam, một người không quen đến gặp tôi.
Người ấy là nhà thơ Đạm Thạch, kéo tôi ra một nơi, đưa cho tôi coi bức thư của
Đynh Trầm Ca viết từ Sài Gòn, trong đó có một đoạn nhắc đến tên tôi, nhưng về
chuyện một người khác: anh Tạ Ký. Đoạn ấy như sau:
Mới đây tôi có gặp Cung Tích Biền để nói
chuyện mộ anh Tạ Ký ở Chợ Mới An Giang có người cho biết gần như mất dấu, nếu
không có ai lo di dời. CT Biền bảo sẽ báo Tường Linh và anh em khác để lo nhưng
rồi... cũng chỉ nói chơi cho vui!... Không biết Đạm Thạch có biết Tạ Ký không
nhỉ? Đ.Thạch hỏi dùm T.Y.Hòa có biết ai là thân nhân ông Tạ Ký còn sống ở Mỹ
hay ở Sài Gòn để báo cho họ biết nhé! Cũng nên báo cho anh Phạm Phú Minh (tức
Phạm Xuân Đài) vì anh Minh người Quảng Nam có khi anh ấy sẽ có ý kiến gì đó
giúp cho nắm xương anh Tạ Ký có chỗ yên ổn (...).
Đây là một điều tôi trông đợi đã nhiều
năm, nó đã đến với tôi vào một lúc không ngờ nhất, vì tôi đã không còn hy vọng
gì việc tìm biết thêm tin tức về anh Tạ Ký. Khoảng những năm đầu thập niên 80
khi còn trong trại cải tạo ở Thanh Hóa, tôi đã nghe loáng thoáng tin những
người thăm nuôi nói anh Ký đã mất ở Long Xuyên, nhưng đến khi tôi được về Sài
Gòn thì chuyện đó đã thành chuyện đời xưa, hỏi đến chẳng ai biết nữa. Tôi buồn
vì anh Ký là một trong những người thân của tôi, mà đến một lúc cuộc đời xiêu
tán đến độ chỉ trong một không gian không rộng lớn lắm - Sài Gòn, Long Xuyên -
mà hỏi mãi cũng không biết được những ngày cuối cùng của anh đã xảy ra như thế
nào, mồ mả hiện ở đâu.
Qua đến Mỹ thì đôi khi tình cờ cũng được
nghe tin tức về anh, nhưng chỉ thêm hoang mang. Ít nhất anh đã chết tại ba nơi
khác nhau là Long Xuyên, Rạch Giá và Cà Mau, vì ba nguyên nhân cũng hoàn toàn
khác nhau là bệnh gan, bị công an đánh, và... trúng gió. Nhớ lại những ngày
thân thiết hồi xưa, tôi chỉ biết mặc niệm anh trong lòng.
Tạ Ký là một nhà thơ sáng tác rất sớm,
ngay từ những ngày còn ngồi ghế nhà trường, và vào giữa thập niên 50 thì được
nhiều người biết đến khi thơ anh bắt đầu xuất hiện trên báo chí Sài Gòn như các
tờ Đời Mới, Văn Nghệ Tiền Phong v.v... Sau khi bỏ vùng Việt Minh năm 1952 thì
anh về Huế để học nốt những năm cuối của bậc trung học ở trường Khải Định. Đậu
tú tài xong anh vào Sài Gòn năm 1956, theo học Văn Khoa và Luật. Anh dạy văn
chương tại trường Petrus Ký, Sài Gòn, từ những năm cuối thập niên 50, có cung
cách một giáo sư - nghệ sĩ. Anh vẫn
tiếp tục làm thơ, cuối thập niên 60 in tập Sầu
Ở Lại, và được trao giải Tổng thống VNCH vào đầu thập niên 70. Anh có in
một tập thơ thứ nhì, Cô Đơn Còn Mãi,
nhưng có lẽ gần ngày sụp đổ miền Nam nên ít người biết đến. Từ 1975 anh đi tù
cải tạo vì tội “giáo chức biệt phái,” ra khỏi tù hai năm sau. Năm 1978 anh đi
về miền Tây, và đã qua đời tại đó vì bệnh gan ngày 19 tháng Ba năm 1979. Việc
anh Tạ Ký qua đời tại một nơi xa xôi như thế đã khiến phần lớn bà con bạn bè
không biết rõ về cái chết của anh, do đó đã có nhiều đồn đoán lung tung. Cho
mãi đến gần đây nhờ anh Đynh Trầm Ca có lòng tìm kiếm, báo động, mọi việc mới
được rõ ràng, như sẽ được trình bày ở một phần sau.
*
Tạ Ký người làng Trung Phước, huyện Quế
Sơn, tỉnh Quảng Nam. Làng anh nằm trên hữu ngạn con sông Thu Bồn, là một vùng
bắt đầu có nhiều núi non, từ đây càng tiến về phía tây thì càng đi vào vùng
thượng du. Mỏ than Nông Sơn nằm bên kia sông, hơi chếch về phía thượng
Tạ Ký
thời trẻ
nguồn.
Phong cảnh vùng này hữu tình, đồi núi quê anh là nơi Bùi Giáng đã đi chăn dê,
hai chàng thi sĩ đất Quảng xuất thân cùng một làng, thậm chí nhà ở cùng một xóm
với nhau.
Khoảng đầu thập niên 40, gia đình anh
gởi anh vào Quảng Ngãi ở trọ học ngay tại nhà tôi, vì thầy tôi thời ấy đang làm
hiệu trưởng trường tiểu học phủ Bình Sơn. Dạo ấy tôi còn quá nhỏ, không có ký
ức gì về sự hiện diện của anh trong nhà, chỉ nhớ nhà tôi đông đúc vì anh chị em
tôi vốn đã đông, lại thêm một số học trò trọ học từ Quảng Nam vào. Mặc dù ở
Quảng Nam cũng có nhiều trường học, bà con hoặc bạn bè của gia đình thích gởi
con cái trọ học với thầy tôi, tuy phải đi xa. Chắc họ nghĩ được ăn học nơi một
nhà mô phạm thì chắc ăn hơn, dễ “thành người” hơn. Một người bà con, cùng quê
lại cùng trọ học một thời với Tạ Ký, nhà thơ Tú Lắc hiện ở San Jose đã nhớ lại
thời xa xưa đó như sau:
Theo
bà cô ruột tôi, thân mẫu của Tạ Ký, thì bà hiếm con nên cô dượng tôi đến chùa
Non Nước - tức Ngũ Hành Sơn - để cầu tự. Sau đó Tạ Ký được sinh ra nên trong
thân tộc tôi bảo Tạ Ký là con cầu. Tôi tuy ít tuổi hơn nhưng là vai anh, anh em
cô cậu ruột. Thuở bé, chúng tôi thường qua lại chơi với nhau, đến khi đi học
cũng lại học chung một trường, trường làng. Trong mấy mươi học trò nhà quê, Tạ
Ký học giỏi nhất.
Những năm cùng nhau học ở trường Bình
Sơn, Quảng Ngãi, Tạ Ký đã thích thơ. Một tập vở đóng bằng giấy manh, Tạ Ký vẽ
vời ngoài bìa trông cũng khá “hoa lá cành” và nắn nót hai chữ “Vườn Thơ” bằng
bút chì màu. Tập này, Tạ Ký dùng chép những bài thơ ưa thích. Tôi còn nhớ bài
“Chợ tết miền quê” của Đoàn Văn Cừ được chép ở trang nhất. Một tập vở khác là
những bài thơ của Tạ Ký sáng tác tên là Tạ Tập Tò. Rất tiếc tôi không còn nhớ
được bài nào.
Ngoài
sở thích thơ, Tạ Ký cũng rất ưa đá bóng. Đọc “Đội Ban Quê” (hình như là của
Thanh Tịnh) trong tập Truyền Bá Quốc Ngữ thời bấy giờ, Tạ Ký thích quá bèn đứng
ra lập một đội banh của lớp Nhì đệ nhị, thời ấy gọi là lớp Moyen première
année, lấy tên là đội Thanh Xuân. Đội thường hay tập dượt với những quả banh
tennis xin được của người lớn. Tạ Ký giữ “gôn” rất khá, cũng có những pha nhào
lộn để bắt bóng rất ư là “ngoạn mục.” Đầu gối vào cùi tay cũng do những pha này
mà trầy trụa tùm lum.
... Trong
khoảng thập niên 70, tôi phụ trách mục thơ “Ngông” cho nhật báo Dân Luận ở Sài
Gòn do anh Thinh Quang làm chủ nhiệm. Một hôm Tạ Ký đến tìm tôi, anh Thinh
Quang bảo rằng tôi cùng anh Mộng Đài và ký giả Hồng Thu đi Long An chơi rồi.
Nghe xong Tạ Ký bèn nói to lên rằng: “Thật chán cho cái 'thằng' anh của tôi. Ký
thiệt đây mà hổng đi chơi, đi làm chi với
mấy tay... ký giả ấy!”
*
Từ miền Trung, Tạ Ký vào Sài Gòn, và như
nhiều lớp người Quảng Nam có học trước đây đã đến miền Nam, “gia nhập” vào đời
sống Sài Gòn đối với họ gần như có nghĩa tuyệt đối là làm nghề dạy học và viết
báo. Phan Khôi, Vương Gia Cần, Phan Ngô, Vũ Ký... đã làm như thế, đến phiên
mình Tạ Ký lại gia nhập vào cái thế giới chữ nghĩa ấy. Anh dạy trường công và
vô số trường tư, rồi lại viết báo, làm thơ, như một cái nghiệp đã định sẵn cho
một lớp người. Nhưng Tạ Ký không thuộc giới mở trường tư, cũng không phải một
người hoạt động chính trị — mặc dù ưu tư chính trị vẫn là một nét đặc biệt của
những người từ xứ Quảng vào đây, và Tạ Ký cũng không ra ngoài thông lệ ấy — anh
mang cung cách một nghệ sĩ. Giao du, đàm luận, nhậu nhẹt với bạn bè là một sở
thích không thể thiếu với anh, và trước 1975, chợ Đủi được coi là “giang sơn”
của anh với các bạn, mỗi buổi chiều. Chính đám bạn bè ghiền nhau trong thế giới
riêng ấy của họ đã tô đậm thêm nét cá tính của thầy giáo và nhà thơ Tạ Ký. Nhà
thơ Hà Thượng Nhân nhớ lại mấy nét vừa ngông ngông vừa cảm khái về anh:
Tạ
Ký là một thi tài. Anh hình như có một tâm sự u uất nào đó, không thể nói ra
lời. Cho nên cố quên bằng rượu. Ngày nào cũng uống la-de, không phải một hai
chai mà cả “két.” Lại phải uống ở chợ Đủi mới “đã”. Uống ở đâu rồi rốt cục cũng
phải về chợ Đủi uống thêm.
Một buổi chiều về nhà, xe tôi chạy qua
chợ Đủi. Tạ Ký ra giữa đường chặn đầu xe lại. Rồi lôi tôi vào quán và đuổi tài
xế về. Tôi uống một chai rồi định rút lui. Tạ Ký ấn vai tôi ngồi xuống: “Không
được! Anh phải uống mười chai.”
Tôi đang ngồi với Chu Tử ở nhà Đằng Giao
(con rể Chu Tử) thì Tạ Ký đến. Gặp tôi anh hung hăng nói lớn: “Em phải đánh
Phạm Thiên Thư.” - “Sao đánh?” - “Vì nó hỗn.” - “Hỗn sao?” - “Nó dám viết Đoạn
Trường Vô Thanh.” - Rồi Tạ Ký đọc: “Thử thời vô thanh thắng hữu thanh.” (Tì Bà
Hành) (1). Nó dám cho nó là hơn Nguyễn Du. Thơ của nó đã đi đến đâu mà dám láo
vậy?”
Có
hôm tôi bảo Tạ Ký: “Cậu dạy kiểu gì mà năm, sáu mươi giờ một tuần? Uống rượu
kiểu gì mà hàng 'két' mỗi tối? Cậu định tự tử đấy à?” Tạ Ký hỏi lại: “Bộ cuộc
đời đáng sống lắm hở anh?”
*
Sau khi đi tù cải tạo về, trong khung
cảnh xác xơ của xã hội sau 75, Tạ Ký vẫn gặp gỡ bạn bè, trong những quán nhậu
nghèo nàn hơn, uống những thứ rượu độc hại hơn. Và đến một ngày năm 1978 anh
quyết định ra đi về miền Tây. Buổi tối
trước khi đi anh uống rượu với Võ Hồng Lạc, một người bạn giáo chức, thổ lộ ý định
ấy và đọc cho Lạc bài thơ như sau:
Đời lỡ nhúng sầu bên cốc rượu
Mượn vui bè bạn sống
qua ngày
Đoạn trường hơn cả
thân ca kỹ
Cơm áo làm quên chuyện
nước mây
Năm cùng tháng tận,
đời hoang vắng
Bên quán ngờ đâu
lại gặp mầy
Quàng vai tìm chút
dư hương cũ
Nhắc đến hàng trăm
chuyện đổi thay
Nhắc đến những thằng nay
đã chết
Những thằng nay sống
kiếp trâu cày
Bạn ơi, nước mắt
mình tuôn đấy
Ngồi nhậu bên tường,
ta khóc đây.
“Có thể chẳng bao giờ tao với mầy còn
gặp lại nhau nữa.” Đó là câu cuối cùng trước khi chia tay.
Mấy tháng sau, Lạc được Tôn Thất Trung
Nghĩa cho hay: “Tạ Ký bị người ta đập chết ở Long Xuyên rồi. Tôi lập bàn thờ Ký
tại nhà tôi, anh em đến đó tưởng niệm.”
Thì ra cái thời cuối thập niên 70 thông tin
ở Việt Nam bị sai lạc ghê thật. Những người bạn thân thiết nhất của Tạ Ký đang
ở Sài Gòn, thân đến độ lập bàn thờ thờ anh, cũng chẳng biết đích xác về cái
chết của anh. Xã hội Việt Nam lúc bấy giờ khó khăn và bị kềm hãm quá sức, hình
như không ai đủ sức đi tìm hiểu một sự thật nào. Sự thật về cái chết ấy, cho
đến gần đây, với sự giúp sức của Đynh Trầm Ca mới được sáng tỏ.
Sau khi đọc đoạn thư của Đynh Trầm Ca
gửi cho Đạm Thạch trích dẫn trên đây, tôi đã liên lạc với ĐT Ca, cố gắng tạo
điều kiện để anh có thể tìm hiểu tường tận về cái chết của anh Tạ Ký. Cuối
tháng Mười năm ngoái tôi nhận được bức thư đầu tiên của anh, đề ngày
16.10.2000, có những đoạn:
Từ sau 1975 tôi trở thành người không
nhà cửa (...) sống lang thang khắp mọi nơi... Những ngày tôi trôi giạt khắp
miền Tây Nam bộ và về sống ở Long Xuyên ba năm. Tôi gặp năm gia đình Quảng Nam
sống gần nhau, trong đó anh Nguyễn Quí Trượng, quê Quế Sơn là người cưu mang
anh Tạ Ký khi sống và chôn cất ảnh khi chết. Anh Trượng có kể cho tôi nghe một
vài điều về những ngày cuối đời của anh Tạ Ký, cũng như đã ghi cho tôi ngày giờ
anh Tạ Ký qua đời cùng nơi chôn cất ảnh như sau:
Thi sĩ TẠ KÝ
Mất lúc 13 giờ, thứ Hai, ngày 19-3-1979,
tức ngày 22 tháng 2 năm Kỷ Mùi, tại bệnh xá huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, do
bệnh gan tái phát (từ trại giam đem đi đến bệnh xá thì chết). An táng tại nhị
tì Chợ Mới (gần sân vận động).
Những
người chôn cất và lập mộ: Anh Nguyễn Quí Trượng và người cháu (con ông Cả
Triêm, anh cả của chị Trượng). Cùng giúp việc này có anh Nguyễn Tấn Hiến, người
Duy Xuyên.
Cuối tháng 11, tôi lại được bức thư thứ
hai của ĐT Ca, đề ngày 16-11-2000, thư này viết sau khi đi Long Xuyên tìm mộ Tạ
Ký trở về.
Tôi đã đi xuống Long Xuyên hôm 11.11. Từ
long Xuyên qua phà đi Chợ Mới hơn 30 km, tìm được cháu Nguyễn Hoàng Anh (con
trai anh Cả Triêm). Cháu Anh kể:
Năm
1975, anh Tạ Ký đi cải tạo diện sĩ quan biệt phái ngành giáo dục thời gian là
hai năm. Khi về vẫn được dạy lại theo diện giáo viên lưu dung. Năm 1978 vợ con
đi vượt biên nên anh bị cho thôi việc. Khoảng ngày rằm tháng Chín âm lịch thì
anh đi xuống Chợ Mới để tìm anh Cả Triêm (ba của cháu Anh) là bạn đồng hương
của anh. Trên đường đi anh đã bị tên xe ôm đập ngất xỉu để cướp tiền bạc. Tuy
vậy, nó không lục đến vớ giày nên anh cũng còn chút đỉnh. Anh được người giữ
chòi chăn vịt ở Lộ Tẻ (Rạch Giá – Long Xuyên) cứu sống và hướng dẫn đường về
Chợ Mới. Anh ở đó cho đến ngày 25-12-1978 thì bị Công an huyện và xã xét nhà
bắt anh về tội cư trú bất hợp pháp. Khi vào trại anh khai tên là Nguyễn Đình Tư
quê Bình Định (có lẽ cho hợp với một cái giấy nào đó mà anh có trong người). Vì
vậy mà anh bị nghi ngờ và giữ lâu ở trại. Đến ngày 19-3-79 thì bịnh xơ gan cổ chướng
của anh tái phát nặng. Vì cháu anh là người vào ra thăm nuôi suốt thời gian anh
ở trại, nên trại nhắn tin cho cháu lo tiền chích thuốc, rút nước trong gan...
cho đến trưa thì anh mất. Cháu Anh đã mua quan tài bằng gỗ gòn và xin trại khâm
liệm rồi chôn ở nhị tì gần sân vận động và sau thánh thất Cao Đài.
Tất cả các di vật của Tạ Ký đều được
người cháu giữ gìn đầy đủ, trong đó quý nhất có lẽ là tập nhật ký gồm 11 trang
anh Ký viết vào những tháng cuối cùng, mà anh Đynh Trầm Ca đã gửi cho tôi được
một bản sao photocopy. Tập nhật ký có tựa đề là “Một Cuộc Bể Dâu...” bắt đầu
viết vào ngày 14-9-1978, và kết thúc vào 24-12-78, một ngày trước khi tác giả
bị bắt. Tâm trạng một người vào con đường cùng, bệnh hoạn, buồn bã, trầm uất
nhưng vẫn hy vọng ”Thế nào rồi cũng yên.
Hết bĩ đến thái, cơ trời là vậy. Mình mong những người thân thuộc khuất mắt che
chở, giúp đỡ mình qua cơn nguy biến này.”
Những dòng chót của trang 11 ghi ngày
24-12-78:
”Hỡi Thượng đế! Suốt đời con đơn chiếc
Đi lang thang như
lạc nẻo Thiên đường!”
Noel ở quận lỵ hẻo lánh thật buồn. Nhà
thờ nhỏ, người đi lễ thưa thớt. Mình kỷ niệm ngày Chúa ra đời bằng một xị đế
với phá lấu. Về nằm ngủ, thấy chiêm bao lung tung. Đêm Noel lạnh quá.
Ngày hôm sau, 25-12 công an đến bắt đi.
Gần ba tháng sau, Tạ Ký qua đời. Bữa nhậu và những dòng chữ cuối cùng của một
đời tài hoa, vào đêm Giáng sinh 1978.
Thủ bút của Tạ Ký
*
Một mất mát lớn cho chúng ta là toàn bộ
thơ của Tạ Ký làm sau 1975, phần lớn trong trại cải tạo, nay đã thất lạc. Năm
1978, khi gia đình của anh đã đi vượt biên, anh gọi người cháu là Đỗ Ngọc Anh
đến nhà và dặn: “Tất cả thơ của bác giấu trong chiếc ghế xoay này.” Nhưng rồi
anh đi bất ngờ, khi Ngọc Anh hay tin đến nhà thì một số đồ đạc đã bị người ta
lấy đi, trong đó có chiếc ghế xoay... Âu cũng là số mạng.
Mộ Tạ
Ký sau khi được cải táng tại nghĩa trang Gò Dưa.
Đứng cạnh mộ là nhà thơ Đinh Trầm Ca, người đã tìm ra mộ Tạ Ký
tại An
Giang và đặt vấn đề cải táng.
Thời gian đi tù cải tạo, Tạ Ký có lúc ở
chung trại với Lê Đình Điểu, Mai Chửng, Anh Thành, Trịnh Cung. Tháng Ba 2001
vừa qua, Trịnh Cung phải mổ nằm ở bệnh viện Fountain Valley (Quận Cam), tôi đến
thăm và anh đã đọc cho tôi chép bài thơ duy nhất của Tạ Ký làm trong trại cải
tạo mà anh nhớ được. Theo Trịnh Cung, Tạ Ký làm bài này vào khoảng năm 1976 tại
trại Xuân Lộc.
RUỒI
VÀ EM
Ruồi từ hố
tiêu bay lên
Tiếng ruồi lao xao như
sóng gợn
Mắt ruồi nâu
làm nhớ tóc Tây phương.
Ruồi đậu trên
giây thép gai như chuỗi hạt huyền
Anh tặng em
ngày cưới.
Ruồi đậu trên
giây thép gai như những nốt nhạc
Giây thép gai
kẽ nhạc không đều
Làm sao em hát.
Có bầy én về
không phải để báo tin Xuân
Vì anh biết mùa
Xuân đã chết
Có bầy én về
tìm ruồi trên giây thép
Chuỗi hạt huyền
vỡ tan
Anh gọi tên em
mấy lần.
Người thứ nhì còn nhớ thơ Tạ Ký trong trại cải
tạo là Anh Thành, nhưng anh chỉ nhớ... có ba câu:
Anh đã nhận được gói quà ba ký
Quà tuy nhỏ
nhưng cột giây rất kỹ
Như sợi tơ tình
em đã cột đời anh.
Hơn hai mươi năm qua, vì nằm xuống ở một
chỗ xa xôi khuất nẻo trong một hoàn cảnh quá hiu hắt, anh hầu như bị lãng quên
bởi những người từng biết anh, những đồng nghiệp, giới nhà văn, nhà báo, học
trò và cả bạn bè của anh. Sau khi Đynh Trầm Ca “đặt vấn đề,” ai cũng thấy cần
phải phục hồi chỗ đứng - và chỗ nằm – của một người suốt đời đã đóng góp công
sức của mình trong việc giáo dục môn quốc văn và nhất là đóng góp thi tài của
mình vào khu vườn văn nghệ Việt Nam. Sau mấy tháng vận động của gia đình, bạn
bè, bà con trong nước và ngoài nước, cuối cùng hài cốt của anh đã được mang về
cải táng tại nghĩa trang Gò Dưa, Thủ Đức, cạnh mộ Bùi Giáng, vào đúng ngày
Thanh Minh năm Tân Tị (5 tháng Tư 2001). Linh hồn anh từ lâu chắc đã tìm thấy
sự yên ổn, sau khi thoát khỏi cuộc đời với nhiều bệnh hoạn, sầu muộn, sợ hãi.
Và chúng ta, sau khi đã tìm lại được anh, đặt anh lại vào một chỗ tương xứng
trong cuộc đời cũng như trong lòng người, chúng ta cũng thấy yên ổn. Bậc tài
hoa thường cho đời nhiều hơn là nhận lãnh về phần mình, vậy đời, về phía mình,
cũng phải biết trân trọng phần thể phách lẫn phần tinh anh của bậc tài hoa.
(Bài này
là Lời Tựa tập THƠ TẠ KÝ do gia đình nhà thơ xuất bản tại California, 2001).
Chú thích:
(1)
Thử thời vô thanh thắng hữu thanh
(Lúc ấy, cái không có tiếng hay hơn cái có tiếng). Tập thơ của Phạm Thiên Thư
có nhan đề là “Đoạn Trường Vô Thanh.” Truyện Kiều của Nguyễn Du nhan đề là
“Đoạn Trường Tân Thanh” (tiếng mới nghĩa là “có” tiếng). Câu thơ trên rút trong
bản Tì Bà Hành của Bạch Cư Dị.