Vào năm
2001 giới yêu nhạc yêu thơ hải ngoại xôn xao vì một bộ CD rất công phu diễn
ngâm Kiều, do nghệ sĩ Lệ Ba trình bày. Xôn xao vì đây là lần đầu tiên truyện
Kiều được diễn ngâm ở một quy mô lớn với rất nhiều trích đoạn, bởi giọng ngâm
rất hay, nhạc đệm tài tình, và nhất là người diễn đã trình bày Kiều qua nhiều
điệu ca ngâm khác nhau của cả ba miền Bắc Trung Nam Việt Nam.
Nghệ Sĩ Lệ Ba
Từ khi
bộ CD ra đời, nghệ sĩ Lệ Ba đã đi trình
diễn nhiều nơi để giới thiệu tác phẩm. Ngoài
Toronto là thành phố nhà được Lệ Ba tổ chức buổi ra mắt đầu tiên, sau đó
cô còn đi nhiều nơi như Dallas, Florida, Houston và một chuyến lưu diễn xa tận
bên Úc. Mãi đến cuối tháng 11, đầu tháng 12 năm 2002 này, người dân Quận Cam
của miền Nam California mới được hân hạnh đón tiếp người nghệ sĩ tài hoa này
trong các buổi trình diễn của cô tại Little Saigon. Cô sẽ chính thức trình bày
chương trình “Truyện Kiều qua các khúc ngâm Trung Nam Bắc” trong hai buổi: vào
lúc 2 giờ chiều ngày 30 tháng 11 tại Viện Việt Học, và buổi thứ nhì do Hội Văn
Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) tổ chức tại Phòng Sinh Hoạt Nhật báo Người Việt
vào lúc 2 giờ chiều ngày 01 tháng 12 năm 2002.
Lệ Ba đang diễn xuất ngâm Kiều tại Viện Việt Học
Nghệ sĩ
Lệ Ba, tức Tôn Nữ Lệ Ba, hiện nay là một nha sĩ hành nghề tại thành phố
Toronto, Canada. Lệ Ba người Huế nhưng sinh tại Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, học
tiểu học rồi trung học Đồng Khánh tại Huế, từ năm 1964 đến 1969 học trung học
Gia Long, Sài Gòn. Hết trung học cô vào trường Nha Y khoa Sài Gòn, và tốt
nghiệp Nha sĩ vào năm 1974. Thời gian theo học ở Sài Gòn cô đã tham gia các
sinh hoạt văn nghệ thanh niên sinh viên học sinh tại đây, từ năm 1967 đến 1972
cô là trưởng ban Kịch đoàn Văn Nghệ Tiên Rồng.
Lệ Ba
cùng gia đình cùng gia đình vượt biển tìm tự do năm 1979 và được định cư tại
Canada cùng năm. Tại đây cô vừa đi làm vừa học lại Nha khoa, cuối cùng tốt
nghiệp và làm lại nghề cũ tại đất nước mới. Tuy cuộc sống dần dần được ổn định
tại xứ người nhưng lúc nào cô cũng canh cánh bên lòng việc bảo tồn và xây dựng văn
hóa Việt Nam, mới qua được ba năm cô đã thành lập nhóm dân ca Hồng Lạc tại
Montreal. Năm 1990 thì đoàn Vũ Nhạc Hồng Lạc được thành lập tại Toronto do Lệ
Ba làm Đoàn trưởng, mà đoàn viên gồm sinh viên, học sinh người Việt tại địa
phương, đã xây dựng được nhiều tiết mục ca múa rất giá trị, ngày càng phong phú
về số lượng lẫn phẩm chất, vừa giữ được cốt lõi nghệ thuật cổ truyền dân tộc
vừa có những nét sáng tạo riêng, không chắp vá, không lai căng.
Trong
thập niên 1990, đoàn Hồng Lạc đã tổ chức nhiều buổi diễn tại Canada cho người
Việt tị nạn và người bản xứ, ngoài ra đoàn còn là niềm hãnh diện chung cho
người Việt Nam khi tham dự những cuộc trình diễn văn nghệ quốc tế như World
Music (1990), First Night Toronto (1992), Hong Kong Festival (1992), We Love Canada
(1993)... Đoàn Hồng Lạc đã đoạt Giải Nhất cuộc Diễn hành Quốc khánh Canada năm
1993, đã tham dự Montreal Cultural Show năm 1994, và đặc biệt, đã tham dự Đại
hội Quốc tế Dân ca Pyrénées tại Pháp năm 1996. Đây là một đại hội dân ca quốc
tế lớn hàng năm, và năm 1996 đã có 18 quốc gia tham dự với 50 đoàn văn nghệ,
1200 nghệ sĩ trình diễn. Đoàn Hồng Lạc do Lệ Ba và Võ Châu (nhạc sĩ, phu quân
Lệ Ba) hướng dẫn đã đạt được cảm tình rất lớn của khán giả và báo chí địa
phương.
Năm 1998
Lệ Ba đã nhận được giải New Pioneers Arts Award của Canada, và năm 2000 cô có
tên trong danh sách “150 Prominent Refugees” của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc
UNHCR.
Ngoài
các hoạt động trình diễn cùng với đoàn Hồng Lạc, Lệ Ba đã thực hiện:
-
Băng
thơ Chính Khí Việt (1985) để hỗ trợ cho con tàu Ánh Sáng cứu người vượt biển.
-
CD
Thơ (1999)
-
CD
Kiều (2001)
Riêng CD
Kiều là một công trình lớn của Lệ Ba, một công trình nằm trong mơ ước của cô từ
nhiều năm, và cũng mất nhiều năm mới thực hiện xong. Thực ra Lệ Ba đã có duyên
nợ với Kiều từ ngày nhỏ, mới khoảng năm, sáu tuổi đã thuộc hàng trăm câu Kiều,
và hay bắt chước các điệu hát, ngâm thơ, ca Huế, hát cải lương... Càng lớn
lên cô càng yêu mến dân ca dân nhạc.
Gần đây,
trả lời câu hỏi “Có được ai dạy hát, dạy ngâm thơ, dạy đàn hoặc dạy vũ một cách
chính thức, chính quy không” trong một cuộc phỏng vấn của phóng viên Phượng
Hoàng, đài phát thanh SBS bên Úc, Lệ Ba đã trả lời:
“Nói ra
thì thật ốt dột, vì tôi không biết nhạc gì hết. Chỉ tự nhiên thích ngâm thơ thì
ngâm thôi, cũng như dân ca thì nghe bằng tai rồi hát, chứ tôi không biết nhạc
... Tôi có cảm giác nếu biết nhạc thì tôi sẽ ngâm dở đi, vì sợ sai. Thầy Nguyễn
Hữu Ba rất giỏi về nhạc cổ Huế, (ngày xưa) một hôm tôi lên thăm, ông lấy đờn cò
và nói thầy dạy con hát bài Lý Ngựa Ô Huế. Tôi nói tôi thích bài đó lắm nhưng
bài đó khó vì hát nhịp đảo, nhịp ngoại nhiều lắm, sợ hát không được. Thầy nói
con cứ hát đi, đừng có lo, thầy theo con. Tôi cứ hát đại, thầy đàn, tự nhiên
đúng nhịp, không hiểu tại sao. Tôi chỉ hát tự nhiên, rồi tự nhiên có nhịp, còn
ráng theo nhịp thì sẽ lung tung hết.”
Xem thế
thì rõ ràng Lệ Ba có một năng khiếu trời cho về ca ngâm. Năng khiếu ấy đã phát
triển toàn diện khi cộng với một chất giọng cực tốt và khả năng thiên bẩm của
tâm hồn để rung động, cảm nhận và thể hiện những tình cảm của dân tộc qua các
làn điệu. Dân ca dân nhạc dường như đã có sẵn trong con người cô, là chính sự
sống của cô, và hình như là chính lẽ sống của cô nữa. Cứ sống hồn nhiên, với
các cơ duyên bình thường trong cuộc đời thì năng lực ca ngâm nơi cô cũng đủ
phát tiết hơn người. Nhưng Lệ Ba là một người đam mê các môn văn nghệ truyền
thống Việt Nam, từ nhỏ đã không ngừng lao vào, không ngừng học hỏi, vì cô biết
cái thiên bẩm là điều kiện cần nhưng chưa đủ để thể hiện một cách thâm sâu và
đa dạng tình cảm dân tộc qua các làn điệu. Năng khiếu và năng lực ấy như là kết
tinh của bao hồn tài tử từ bao đời đã hát xướng ca ngâm, đồng thời đã rút hết
tinh chất sự sống của mình để xây đắp nên một nền văn nghệ Việt Nam. Lệ Ba là
kẻ nối tiếp và phát huy trong một bối cảnh đặc biệt hai triệu con dân nước Việt
phải ra đi sống khắp nơi trên thế giới trong những môi trường văn hóa xa lạ,
khơi động sợi tơ tình cảm đã được chế tạo từ bao đời trong hệ thần kinh của họ
gồm những ca dao tục ngữ, những trống quân cò lả, những tuồng chèo, hát bội,
cải lương, những câu hò hụi hò khoan, những điệu hát Nam ai Nam bằng, và, cũng
tàng chứa trong đó những Kiều, Chinh phụ, Cung Oán, Lục Vân Tiên...
Ấp ủ từ
lâu ước mơ thực hiện bằng ca ngâm tác phẩm thơ lớn nhất của Việt Nam là truyện
Kiều, Lệ Ba phải nhờ sự trợ giúp của rất nhiều người và thực hiện kiên trì
trong nhiều năm mới hoàn thành bộ CD Kiều. Trước hết, bắt đầu từ đâu trước 3234
câu Kiều? Chọn đoạn nào, sắp xếp thứ tự ra sao? Lệ Ba đã nhờ giáo sư Nguyễn
Phan Cảnh ở Toronto giúp chọn ra những trích đoạn đầu tiên, rồi dựa vào đó
người nghệ sĩ đọc lại toàn bộ truyện Kiều, lại chọn lựa và sắp xếp không những
từng đoạn mà còn cân nhắc từng câu, không chỉ dựa trên bố cục của tác phẩm Kiều
mà còn dựa trên nhận thức, cảm quan và cảm hứng của chính mình. Có những đoạn Lệ Ba kết thúc lơ lửng, vì biết
rằng nếu “ráng” thêm mấy câu nữa thì sẽ ngâm không hay; không phải vì mấy câu
thêm đó không hay, nhưng chỉ vì nó không phù hợp với cảm hứng diễn ngâm của cô.
Xem thế, đây là một nghệ sĩ trình diễn có cá tính mạnh, biết trung thành với
những cảm quan nghệ thuật của mình.
Nếu về
mặt nội dung truyện Kiều Lệ Ba được sự góp ý của giáo sư Nguyễn Phan Cảnh thì
về mặt âm nhạc, giáo sư Trần Văn Khê là người cô đã tìm đến với cung cách “tầm
sư học đạo” của thời xưa. Cô đã tâm sự với thính giả của SBS:
“Về
phương diện âm nhạc tôi có qua Pháp hỏi bác (Trần Văn Khê) tất cả những đoạn mà
tôi hát trong truyện Kiều do tôi đã nghĩ ra, nhưng không nắm rõ điệu đó như thế
nào, có gì đặc biệt mình phải để ý hay phải tránh. Bác Khê là người ban đầu đã
dẫn dắt rất nhiều. Bác đã dạy bồng mạc hát làm sao, sa mạc hát làm sao, lẩy
Kiều hát ra sao... Ráng học, biết mình có nhiều chỗ khuyết điểm vì không phải
là người ở trong ngành nhạc.”
Phóng
viên Phượng Hoàng của đài SBS là một người rất chu đáo với thính giả của mình.
Từ Úc cô đã gọi qua Pháp phỏng vấn giáo sư Trần Văn Khê để biết cho rõ về vụ
“tầm sư học đạo” này, và được giáo sư Khê cho biết như sau:
“Hồi Tôn
Nữ Lệ Ba định sang bên này để tìm hiểu thêm về cách ngâm thơ thì bác có nói bác
không phải người chuyên môn ngâm thơ, thế nhưng trong nghiên cứu âm nhạc bác
biết đủ các cách ngâm thơ, ngâm đúng hay không đúng thì bác đều biết, do đó nếu
Lệ Ba muốn qua bên này thì bác sẽ xếp đặt tìm lại trong các dĩa hát xưa, chẳng
hạn cách ngâm ‘sổng,’ ngâm sa mạc, bồng mạc, kể chuyện Kiều như thế nào, lẩy
Kiều như thế nào để Lệ Ba nghe cho chính xác. Đồng thời bác có thể phân tích
trong mỗi một cách ngâm chữ nhạc nào là cơ bản, cấu trúc âm thanh nó như thế
nào. Lần đó Lệ Ba định sang đây với người chồng, người chồng biết âm nhạc nhiều
hơn, Lệ Ba đóng cửa phòng mạch ở Toronto định hai vợ chồng sang bên này nhưng
khi sắp đặt rồi thì người chồng bị mổ tim gấp, Lệ Ba phải đi một mình, đem qua máy ghi âm ghi hình đồng thời nghe
hết chuyện bác nói để về cho người chồng nghe lại thì bác cảm động vô cùng. Bởi
vì một người có giọng ngâm rất hay mà muốn tìm hiểu những bí quyết trong cách
ngâm thơ, bỏ thì giờ đi sang bên này, sớm mai 9 giờ đã có mặt tại nhà bác, ngồi
học hỏi, trưa nghỉ một chút, qua bên quán cơm cạnh nhà để ăn, trở về nghe tới
tối chín mười giờ mới trở về nhà. Năm ngày liên tiếp như vậy. Tới ngày cuối
cùng còn nhiều chuyện chưa có hỏi được, hôm đó Lệ Ba chịu khó thức tới 12 giờ,
1 giờ khuya để hỏi cho hết. Điều đó cho bác thấy Lệ Ba là người nghiêm túc, lại
được trời phú cho giọng rất tốt.
“Kiều là
cái khó nhứt, thường thường người ta chỉ lẩy Kiều, lấy một đoạn trong Kiều
người ta ngâm ra, có một cái hơi đặc biệt của lẩy Kiều ... Sau khi Lệ Ba nhận
thức được lẩy Kiều chỗ nào luyến lên chỗ nào ngân xuống, nhưng có nhiều đoạn
tôi thấy không thể nào ngâm theo các loại đó được. Chẳng hạn như câu Thúy Kiều
nói với Thúy Vân: Ngồi lên cho chị lạy
rồi sẽ thưa..., rồi tới khi nhớ tới Kim Lang ‘Ôi Kim Lang, Hỡi Kim Lang,
thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây’ không thể nào mà ngâm cái hơi nào mà
nghe cho được, lúc đó phải la lên, phải khóc lên, than lên, thì cái điệu đó đã
có trong tuồng hát bội, tức là chuyển qua hơi nam, hơi thán... rồi thêm tiếng
đàn nam ai dồn dập họa chăng mới nói được cái tinh thần của lúc đó, (là lúc)
Kiều la lên một tiếng mà kêu chàng Kim Lang. Lệ Ba nghe nói thú vị quá, đóng
cửa phòng mạch nữa, đi qua bên Califonie tìm người hát bội học sáu ngày... Sau
khi học ở bên Californie, cô làm cho tôi một bản nháp. Nghe bản nháp xong tôi
chỉ trích từ đầu chí cuối, Lệ Ba bỏ bản nháp đó. Tôi bảo phải đi về Việt Nam,
Lệ Ba về Việt Nam, học tại Sài Gòn, rồi gửi cho tôi nghe, tôi chỉ lại thật mau,
Lệ Ba ghi âm lại hết, và sửa lại hết...”
Đọc đoạn
trích lời giáo sư Trần Văn Khê như trên chúng ta thấy được tinh thần học hỏi
của Lệ Ba như thế nào. Đó là người biết rõ cái mình có và cái mình chưa có. Cô
đã có sẵn năng khiếu ca ngâm nhưng vì không được đào tạo chính quy, cô chưa
biết gì nhiều về các điệu thức, các kỹ thuật, và thật may mắn cho cô – và cũng
may mắn cho chúng ta – cô đã tìm được một ÔNG THẦY. Chỉ vì muốn hoàn chỉnh kỹ
thuật ngâm Kiều, từ Toronto, đóng cửa phòng mạch cô bay qua Pháp; rồi chỉ vì
cần học mấy câu hát bội để diễn tả “Ôi Kim Lang, hỡi Kim Lang...” cô bay đi
California; rồi không nề hà bay về tận Việt Nam để học với những nghệ nhân
gốc... Cái gì đã khiến cho cô chịu bỏ dở công việc, hao tốn tiền bạc và thì giờ
như thế? Chỉ vì muốn ngâm những câu Kiều cho nghiêm chỉnh! Nếu không cố gắng
vượt bực như thế thì làm sao đạt đến chỗ “đủ mùi ca ngâm” như hiện nay? Khi
chúng ta thảnh thơi ngồi thưởng thức CD Kiều của Lệ Ba, thả hồn theo giọng ngâm
tuyệt đẹp diễn đạt những tình huống thiên thu đã được thiên tài Nguyễn Du tạo
ra, chúng ta phải biết đó là kết quả của biết bao cố gắng, biết bao công lao
khó nhọc của một người đàn bà Việt Nam quyết một lòng làm cho được một cái gì
tốt đẹp nhất cho văn hóa Việt Nam. Lệ Ba là người không chịu dễ dãi với chính
mình.
Cư ngụ
tại Toronto, nhưng mỗi khi thu âm thì cô phải đi Montreal, vì ở đó có người bạn
tận tình giúp đỡ về mặt này. Mỗi lần thu xong ở Montreal, Lệ Ba mang băng về
nghe lại suốt mấy tháng để thẩm định, rồi lại đi Montreal thu lại với các sửa
chữa mới, rồi lại đem về để mỗi đêm khi đã xong công việc phòng mạch thì người
nha sĩ - nghệ sĩ ấy lại nghe lại. Cứ như thế, trong ba năm, mới xong được CD
Kiều.
Lệ Ba có
kể rằng trong năm cuối của việc làm CD Kiều, vì thấy thời gian đã kéo quá dài
mà công việc vẫn cứ dây dưa chưa đâu vào đâu, mỗi đêm cô đều thắp hương cầu
khấn cụ Nguyễn Du, xin cụ phù hộ để công việc làm CD Kiều được sớm hoàn tất. Lời
tâm sự này lại cho thấy một nét rất đẹp của tâm hồn Lệ Ba, đó là sự gắn bó
thương yêu tiền nhân, thương yêu quá khứ của Việt Nam. Khấn cụ Nguyễn Du là một
động tác, có thể là tượng trưng thôi, để “về” lại với vùng u linh của dân tộc,
cũng tức là quá khứ của bao đời đã hun đúc nên vốn liếng văn hóa Việt Nam. Khi
làm CD Kiều, có lẽ Lệ Ba sống nhiều trong một cảnh giới đặc biệt trong đó quá
khứ và hiện tại nhập làm một trong một mối cảm thông u hiển. Không có mối cảm
thông đó làm sao Lệ Ba có thể truyền cho chúng ta những nét tinh anh chất ngất
của truyện Kiều?
Trong
chuyến đi Úc tháng Chín vừa rồi, Lệ Ba trình diễn dân ca dân nhạc ở những sân
khấu quần chúng, nhưng Kiều thì chỉ trình diễn trong các đại học. Đó là chủ ý
của Lệ Ba, muốn cho sinh viên học sinh là giới trẻ Việt Nam tại hải ngoại hiểu
thêm một chút về truyện Kiều, hoặc chưa biết thì họ có dịp biết. Những buổi như
vậy không còn thuần túy là buổi diễn văn nghệ, mà là một dịp trình bày, trao truyền văn hóa.
Năm 1996
đoàn Hồng Lạc tham gia đại hội Dân ca Dân nhạc thế giới tại Pyrénées, Pháp
quốc, một hôm có một màn Lệ Ba hát chầu văn. Khi vừa hát xong, có một bà đầm
người Pháp người cao to đến ôm lấy Lệ Ba khóc nức nở, khóc như mưa. Lệ Ba đang
ngỡ ngàng lấy làm lạ quá thì bà đầm đã cất giọng nói một thứ tiếng Việt rất
sõi: “Cô ơi, nghe cô hát tôi nhớ Việt Nam quá. Tôi đã ở Việt Nam đến mười tuổi,
và thời gian đó đã theo mẹ tôi dự không biết bao nhiêu là buổi lên đồng...” Thì
ra bà đầm có cha Pháp nhưng quê ngoại là Việt Nam. Tiếng hát chầu văn đã thành
một yếu tố xây dựng nên tâm hồn bà từ tuổi ấu thơ. Bà kể rằng sau khi về đến
Pháp, bà và chị của bà sống ở hai thành phố khác nhau, mỗi tuần hai người đều
gọi điện thoại cho nhau chỉ cốt để nói toàn tiếng Việt với nhau.
Câu
chuyện ấy giúp cho Lệ Ba hiểu rằng bất cứ người Việt Nam trẻ tuổi nào ở nước
ngoài, dù sống và hấp thụ những nền văn hóa xa lạ, đều có sẵn vốn liếng văn hóa
Việt Nam trong người. Chỉ cần có cơ hội khơi lên thôi. Và cô đem Kiều đến với
họ với mục đích ấy. Khi hát Kiều cho họ nghe, cô thành một sứ giả. Sứ giả của
một gia tài văn học nghệ thuật cổ truyền của Việt Nam, mang đến và khơi dậy nơi
những người Việt Nam trẻ tuổi hải ngoại những vẻ đẹp ngàn năm của dân tộc mình,
cho họ những giây phút hạnh phúc thấy lại chính mình, giúp họ khám phá ra rằng
họ có một gia tài quý giá và to lớn mà chính họ không ngờ đến. Và chắc cũng
không riêng tuổi trẻ hải ngoại, mà cả giới trẻ Việt Nam ở trong nước nữa, cũng
đang cần, rất cần những làn gió an lành của những vẻ đẹp đích thực trong nền
văn hóa Việt Nam.
Cuối năm 2002
Cuối năm 2002
Lệ Ba (áo đen đứng giữa) với các bạn học Gia Long ngày xưa, tại sân khấu báo Người Việt.