Thursday, October 27, 2016

Trao đổi về cuốn "Kỷ Yếu Triển Lãm và Hội Thảo về báo Phong Hóa Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn"


Thư Nguyễn Bá Dũng từ Hà Nội 17.10.2014:

Chiều qua em đi lấy sách rồi. Thật tuyệt, em không biết nói gì hơn trước một cuốn sách làm trang trọng như vậy.

Cả một chương trình, cho đến sách kỷ yếu, đều hoàn mỹ. Em coi đây là 1 dấu ấn quan trọng. Cám ơn anh.

em Dũng

Sunday, October 23, 2016

Thursday, October 20, 2016

Chữ nghĩa

Trong tiếng Việt có tới khoảng 60 phần trăm tiếng có gốc chữ Hán, nhưng mức độ Việt hóa của những chữ đó nặng nhẹ khác nhau. Nhiều tiếng hầu như đã Việt hóa hẳn, truy ra thì mới thấy nó có cái gốc chữ Hán đã phai mờ nhiều rồi, thông thường được coi như là một chữ thuần Việt. Trong khi đó nhiều chữ khác vừa đọc lên là biết ngay là có gốc Hán.

Một lần đến Hàng Châu....

Xuân thủy bích ư thiên, Họa thuyền thính vũ miên
Nước xuân biếc hơn trời, trong thuyền nghe mưa ng

Vi Trang

Đúng là anh có nhiều kinh nghiệm du lịch Trung Quốc, và phải nhận là tài nguyên du lịch của xứ này là mênh mông vô tận. Xứ của họ rộng lớn quá, nền văn minh cổ của họ rực rỡ quá, nên những cảnh, những tình cảm mà du khách, nhất là người Việt Nam vốn chịu ảnh hưởng lớn của Trung Quốc từ nghìn xưa, nhìn thấy và cảm nhận thì vô cùng phong phú. Thành phố này chỉ là một nét nhỏ trong không biết bao nhiêu điều siêu phàm tại xứ này. 


Nhưng tả lại những điều đã thấy và cảm thì anh thấy em lại có nhiều khả năng hơn anh. Lý do: em biết nhiều thơ chữ Hán của các bậc danh sĩ, và có tài lựa chọn, trích dẫn những câu đắt nhất để mô tả cảnh và tình. Thật ra, nhiều khi chỉ cần dăm ba câu là đủ diễn đạt cái thần của cảnh trí, hơn hẳn một bài dài mà ngôn từ lung tung, không đạt được đến cái "tinh thể của ngôn ngữ" như Bùi Giáng thường nói.

Wednesday, October 19, 2016

Chữ "hè" của người Quảng Nam

Chữ , ngoài những ý em vừa liệt kê, có một ý chính, là đề nghị.  Ngồi giữa một đám bạn, một người nào đó nói một câu mà có chữ ở cuối thì dứt khoát có nghĩa là bày đặt một cái gì mới đấy, và rủ mọi người cùng theo. Đó là lối nói của anh suốt thời thơ ấu và thiếu niên trước khi rời quê vào Sài Gòn học.

Trong đời sống bình thường, người Quảng Nam không dùng chữ kép hè hè. Anh chỉ gặp lối dùng này trong một bài đồng dao mà con nít lứa tuổi của anh ngày xưa hay đọc:
Con nít con nít
Cái hình nhỏ xít

Ba năm sư phạm ở Đà Lạt

Dung ạ, khi rời Đà Lạt sau ba năm học sư phạm ở đó, anh đã nói với mọi người như thế này: ba năm qua là thời gian tươi đẹp nhất trong đời tôi. Anh khẳng định ngay như thế, mặc dù khi đó anh chỉ mới ra trường, còn cả một cuộc đời dài trước mắt. Nhưng tới giờ phút này, sau khi anh đọc thư của em, thì anh vẫn khẳng định lại câu anh đã nói năm 1964, khi tốt nghiệp. 

Anh vào trường năm 1961, ra trường 64, ba năm lúc nào cũng như sống trong cảnh mộng. Anh lại sớm được gia đình cho mua một chiếc Lambretta, tha hồ tận hưởng những cảnh trí thơ mộng rất rộng của cả vùng Đà Lạt, chứ không chỉ quanh quẩn trong phố xá với hồ Xuân Hương. Giai đoạn ở Đà Lạt sẽ nằm trong "Hồi ký đời tôi" mới viết tạm xong giai đoạn thơ ấu. Có một người bạn nhà văn khuyên anh không nên viết theo thứ tự thời gian, mà viết theo đề tài, chẳng hạn: Những năm ở Đà Lạt, nghe cũng có lý.
m
Date: June 10, 2015 at 12:41:12 AM PDT

Monday, October 17, 2016

Thiện Văn


Tin này nh, nhưng trong nhóm chúng ta, anh chỉ thông báo riêng với em thôi: chiều hôm qua, anh đã gặp hòa thượng Thích Như Điển từ Đức qua, và thầy đã làm lễ quy y cho anh.

Anh viết đùa: "Ngày em sáu mươi, anh mới vừa quy y". Đùa nhưng là lại thật. Anh cảm thấy như vừa bước vào một giai đoạn mới, mặc dù mọi chuyện đối với anh thì vẫn thế. 

Pháp danh của anh là Thiện Văn, đặt theo truyền thống một nhánh tu tại một ngôi chùa cổ ở Hội An, từ đó thầy Thích Như Điển xuất thân. Văn đây là nghe.  

Date: March 25, 2016 at 10:13:33 AM PDT

Sunday, October 16, 2016

Trịnh Cung và Phạm Xuân Đài

Sáng nay đến hẹn lại lên ở Factory.
Trịnh Y Thư chụp cho anh và Trịnh Cung tấm ảnh này.
m

Ca dao mẹ

Dù dặn em để mấy hôm nữa, vừa rồi vào thấy em đã post anh vẫn thấy vui. Một nỗi vui rất trẻ thơ, như con trẻ được mẹ cho quà khi đi chợ về. Thời 1966-67 anh gần gũi với Sơn nhiều, cùng cư ngụ trong những dãy nhà tiền chế trong khu khám lớn cũ Sài Gòn. Hồi đó bọn anh cai quản các dãy nhà đó để làm chương trình sinh hoạt thanh niên, dành một dãy cho Khánh Ly, Trịnh Công Sơn, Hoàng Xuân Sơn v.v... tá túc để tiện sinh hoạt. Có lần Sơn đã sắp xếp một buổi hát cho sinh viên, có một bạn nam sinh viên sẽ tới hát chung với Sơn, nhưng giờ chót người đó kẹt không tới được, Sơn phải cấp tốc dợt cho anh mấy bài để hát song ca với Sơn. Anh nhớ có bài Ca Dao Mẹ. Sơn nhiều lần tâm sự với anh Sơn đã sáng tác các ca khúc vào những trường hợp nào, anh cho đó là những thổ lộ quý báu của một người nghệ sĩ.

Anh cố tình kể cho em nghe những quan hệ giữa anh với những người mà anh viết bài như với Bùi Giáng, Sơn, hay sau này Phạm Duy v.v... cốt là để em hiểu anh hơn mà thôi. Phải có những quan hệ như thế nào đó mình mới có thể chấp bút viết về một nhân vật, ngoài việc khảo sát tác phẩm của họ. Chia sẻ với em cũng nhằm giúp em hiểu hơn về họ, và qua đó, đôi chút về anh.

Date: June 1, 2014 at 22:20:18 PDT

Thursday, October 13, 2016

Kho trời chung mà vô tận của mình riêng

.....
Sông Mã
hình ảnh quả núi đó đối với anh có ý nghĩa lớn lắm. Ý nghĩa anh đã viết ra trong bài Nét Xuân Sơn rồi. Ở tù đói, rét, khổ sở đủ điều, nhưng sức mạnh tinh thần của anh vượt qua tất cả chính là nhờ những hòn núi này đây. Bảy năm trời anh đối diện với chúng (trại tù bên này sông, dãy núi bên kia sông và chạy xa mãi tít chân trời), và chúng đã truyền đầy đủ cảm hứng sống cho anh.  

Và điều kỳ diệu là cách đây 5 năm, anh đã nhờ một người từ Hà Nội lên tận miền thượng du tỉnh Thanh Hóa, đến huyện Cẩm Thủy, đến làng Thanh Cẩm đứng bên này sông để chụp cho anh những tấm ảnh ấy. Vô giá. Em không thể tưởng tượng được người giúp anh chỉ là một người anh mới quen mà chưa gặp bao giờ, hiện đang sống tại Hà Nội. Dù chưa gặp mặt nhau, qua văn chương, qua trao đổi anh ấy mến anh như một người anh, và chỉ có anh ấy mới vào được địa điểm ấy để chụp ảnh.  Cho nên, mong em hiểu cho, dù giá trị thẩm mỹ của tấm hình núi ấy chỉ có vậy thôi, nhưng với anh nó là vô giá. Nó là tinh thần, tình cảm của đời anh. Nó là tấm ảnh có lẽ duy nhất được chụp từ một trại cải tạo nhốt quân nhân công chức miền Nam trên cả nước Việt Nam, sau khi tấn tuồng thắng thua hạ màn. Anh hãnh diện là người tìm thấy lẽ sống trong con đường chết khi khám phá ra nét xuân sơn ấy (kho trời chung mà vô tận của mình riêng), lại có đủ duyên để từ Mỹ lại sở hữu được hình ảnh "thân yêu" ấy mà anh đã từng nhìn trong bảy năm qua con sông Mã.
 m

Wednesday, October 12, 2016

Mảnh vườn xưa...

Khi anh còn ở trong tù, một người bạn của anh đã phổ nhạc bài Mảnh vườn xưa của Tế Hanh. Bài phổ khá hay, khi nào có dịp anh sẽ hát cho em nghe.

Và anh đang ở trong thời điểm thấy chính khu vườn của nhà mình trở thành "mảnh vườn xưa" rồi. Mấy đứa cháu ngoại mỗi khi đến thăm mà đúng mùa có trái cây, anh thường dẫn chúng ra vườn để chúng hái trái. Anh biết đó sẽ là một kỷ niệm mà sau này lớn lên chúng sẽ có lúc nhớ về "mảnh vườn xưa" của ông ngoại. Con Léa rất mê cây táo Tàu, mà nó gọi là small apple. Thằng anh là Benjamin lại thích cây apricot, hồi nó còn nhỏ thường khệ nệ bưng cái rổ theo ông ngoại hái trái. Hôm qua mẹ chúng gọi cho anh để nói về chương trình vô đại học của mấy đứa, tự nhiên anh mủi lòng: mảnh vườn của anh đang là mảnh vườn xưa của chúng nó rồi.

Bức ảnh và bài thơ của Dung sẽ là một chứng tích văn nghệ giữ lại một chút hiện tại đang trở thành quá khứ. Có những thứ đang hiện diện trước mắt chúng ta mà đã thành xưa. Vườn xưa, nhà xưa, người xưa, và... tình xưa.
m

Wednesday, October 5, 2016

Dấu xưa 1959

Miiko Taka qua nét vẽ của Phạm Xuân Đài 1959
"Vẽ cho em một tấm nhé", sáng nay đọc câu này của Dung thì anh cảm thấy rất dễ dàng, ừ anh sẽ vẽ cho em một tấm. Nhưng suốt ngày nay anh suy nghĩ, tự hỏi mình: có vẽ được không? Buổi tối anh dùng kính lúp nhìn kỹ đôi mắt, mái tóc trong hình, và thấy nét vẽ tinh vi quá khiến anh ngạc nhiên, không tin chính tay mình đã vẽ được như thế. Anh vẽ tấm ảnh ấy năm anh 20 tuổi, bây giờ anh gần tám mươi, vậy ngót sáu mươi năm đã trôi qua. Đúng là có một lúc tinh hoa phát tiết, trong một quãng thời gian ngắn mình có thể làm được một việc gì đấy, rồi thời gian ấy qua đi, không bao giờ mình có lại khả năng ấy nữa. Anh nhớ lúc đó anh đang học lớp Đệ nhất ở Chu Văn An, tự dưng nổi hứng vẽ thử một tấm này, Lộc thích quá xin anh, và anh cho. (Mặt sau là dòng chữ đề tặng Trần Đại Lộc. Đây là tài tử đóng với Marlon Brando phim Sayonara rất nổi tiếng thời đó.)

Rồi vẽ một số tấm khác, anh nhớ có một bức vẽ Thẩm Thúy Hằng rất đẹp, anh cho cô cháu của anh lúc đó đang học Gia Long. Bây giờ cô cháu đang là một dược sĩ tại OC này, bữa nào gặp sẽ hỏi cô ấy có mang bức vẽ đi Mỹ không. Chắc là không.

Có cái lạ là anh chỉ vẽ có mấy tháng trong năm 1959 ấy thôi, sau đó bận học thi Tú tài 2, rồi bận lên đại học, rồi vào Sư phạm, không bao giờ nhớ tới chuyện vẽ vời nữa. May nhờ Lộc mà còn chút dấu tích này. Ngót sáu mươi năm đã qua từ thời vẽ vời ấy. Nói như Bùi Giáng thì "tinh thể đã tan hoang", tinh hoa đã tan biến, giờ này cầm cây bút chì, ngồi trước tấm croquis thì còn biết làm những gì nữa? Mái tóc ấy, đôi mắt ấy một thời mình đã tạo ra được, bây giờ nhìn lại như chuyện thần thoại. Đúng là tinh thể đã tan hoang rồi...
* Miiko Taka tên Cao Mỹ Dĩ Tử, người Mỹ gốc Nhật, sinh năm 1925, tại Seattle, Washington State, đóng cùng với Marlon Brando trong phim Sayonara 1957. (nguồn: wikipedia)

Sunday, October 2, 2016