Thursday, October 27, 2016

Trao đổi về cuốn "Kỷ Yếu Triển Lãm và Hội Thảo về báo Phong Hóa Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn"


Thư Nguyễn Bá Dũng từ Hà Nội 17.10.2014:

Chiều qua em đi lấy sách rồi. Thật tuyệt, em không biết nói gì hơn trước một cuốn sách làm trang trọng như vậy.

Cả một chương trình, cho đến sách kỷ yếu, đều hoàn mỹ. Em coi đây là 1 dấu ấn quan trọng. Cám ơn anh.

em Dũng


Thư anh Nguyễn Minh Cần, Moskow Oct. 16, 2014:

Anh Minh ơi,

Tôi cảm thấy rõ tấm lòng của anh đối với DI SẢN VĂN HỌC nước nhà lắm. Phải nói là anh đã bỏ ra bao nhiêu công sức - ngay từ khi còn tờ Thế Kỷ 21 - để dần dần vừa sưu tầm vừa giới thiệu lại TỰ LỰC VĂN ĐOÀN để sau này tiến tới cuộc Triển lãm và Hội thảo Phong Hóa-Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn, rồi computer hóa Phong Hóa-Ngày Nay, rồi làm tập Kỷ Yếu này... Công phu biết bao nhiêu! Thật đáng phục! Không có tâm huyết lớn không làm được như vậy. Nên trong thư trước tôi bảo rằng các anh giỏi thật là để tỏ lòng khâm phục anh (con chim đầu đàn) và những anh chị em khác. Xin cám ơn anh và các anh chị em khác đã góp sức tạo nên  những sự kiện văn học này để bù đắp được phần nào với thái độ vô ơn, phản văn hóa, phản văn học của bọn cầm quyền cộng sản đối với Tự Lực Văn Đoàn trong suốt thời gian thống trị của chúng. Ngày nay, tuy chúng nó cho xuất bản lại một số tác phẩm của một số tác giả trong Tự Lực Văn Đoàn, nhưng đâu có phải là nguyên bản của họ, trong đó không thiếu những chỗ sửa chữa, xuyên tạc; điều đó thì chắc anh đã biết rồi.
Một lần nữa xin chúc mừng anh và các bạn đã giúp anh.
Xin chúc anh mạnh khỏe và tâm hồn an vui.
Thân mến,
nmc

Thư số 2 của anh Nguyễn Minh Cần từ Moscow Oct 16, 2014:

Anh Minh ạ,
Đúng là cái duyên đã đưa đẩy anh vào con đường đó thật... Mà đã có "duyên" thì ắt phải mang "nợ" - nợ đối với văn chương (ở đây, tôi không thích dùng chữ văn học). Đây cũng là trách nhiệm của người trí thức chân chính phải làm gì để khôi phục lại công bằng cho lịch sử, cho văn hóa, cho con người trong xã hội.
Những người cộng sản gần 70 năm đã đối xử quá bất công, nếu không muốn nói là tàn nhẫn, man rợ, chẳng những đối với Tự Lực Văn Đoàn, mà cả đối với biết bao nhân vật lịch sử, chẳng hạn, Phan Thanh Giản, Phan Châu Trinh, v.v. và v.v. với biết bao nhà văn, nhà thơ và biết bao trí thức khác nữa. Họ tự cho mình cái quyền quyết định tối thượng, chẳng những về chính trị, mà cả về văn chương, chữ nghĩa, chẳng những đối với người dân đang dưới sự thống trị của họ mà cả với ... người xưa sống trước họ hàng mấy thế kỷ nữa... Không biết anh còn nhớ không, trước đây tôi cũng có viết là có thời các ông trong  Bộ chính trị phụ trách khối văn hóa, giáo dục còn kiểm duyệt bỏ cả một câu trong Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi (và các sách in thời đó người ta răm rắp tuân lệnh, không in câu đó vào!). Cho nên, tôi nghĩ rằng chính cái TÂM của anh đã thôi thúc anh làm những việc như anh đã làm. Tôi nghĩ rằng với cái TÂM đó anh sẽ còn làm nhiều việc nữa để khôi phục lại công bằng, chẳng hạn như tờ Thế Kỷ 21 đã làm đối với Phạm Quỳnh...
Trong số các nhà văn tiền chiến có tác phẩm rất có giá trị là Vũ Trọng Phụng, đã bị cộng sản đối xử không công bằng, nói đúng hơn là vu khống, vùi dập (chỉ vì ông ta đã nói: "Adieu, Moscou!", khi Liên Xô ký hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau (bất tương xâm) và chia nhau với nước Đức phát-xít đất nước Ba Lan (còn gọi là Hiệp ước Molotov-Ribbentrov, 1939), các ông cộng sản vu cho Vũ Trọng Phụng có đầu óc trôtskist (như lối vu khống Trương Tửu, Trần Đức Thảo trong vụ án NVGP)... Bây giờ thì người ta đã cho xuất bản sách của Vũ Trọng Phụng, nhưng không chắc là thành kiến cũ đối với nhà văn đã hết và tác phẩm được in ra của ông đã đúng là nguyên bản của ông. 
Thân mến,
nmc

Thư anh Nguyễn Minh Cần, Moscow, Oct. 17, 2014:

Anh Minh ạ,
Hồi những năm 60-70 thế kỷ trước, Trường Chinh và Tố Hữu lúc đó phụ trách về tuyên huấn, văn hóa, giáo dục... Các ông ấy cho rằng trong nguyên bản tờ Bình Ngô Đại Cáo ở đoạn cuối, trước chữ "Than ôi !" có một câu mà các ông cho là "duy tâm", "mê tín" quá là câu "Thế là nhờ trời đất, tổ tông khôn thiêng che chở, giúp đỡ cho nước ta vậy" (bản dịch của Trần Trọng Kim), thế là các ông quyết định bỏ đi, mà mập mờ cho ba chấm vào trước câu sau. Thế là những sách có in Bình Ngô Đại Cáo trong thời đó đều bỏ câu đó đi, có khi họ quên để cả ba chấm nữa.
Hiện nay, tôi chỉ còn tìm thấy trong tủ sách của tôi cuốn LỊCH SỬ VIỆT NAM (hồi đó coi là cuốn sách lịch sử quan trọng nhất), ghi rõ "sách biên soạn dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam" (tức là do các ông Trường Chinh và Tố Hữu duyệt mới được cho in), xuất bản năm 1971, thì đúng là người ta bỏ câu đó thật. Tôi chép nguyên văn đoạn đó như sau:
                                     "Càn khôn đã bĩ rồi lại thái,
                                     Trời trăng đã mờ rồi lại trong.
                                      Để mở nền muôn thuở thái bình,
                                      Để rửa nỗi nghìn thu hổ thẹn.
... Ôi ! Một gươm đại định, dẹp phăng giặc giã, dựng nên công oanh liệt ngàn năm,
Bốn bề phẳng lặng, sạch hết đục nhơ, tuyên bố mệnh duy tân khắp nước.
                                       Gần xa bá cáo,
                                        Ai nấy đều hay". (trang 261, tập I)

So sánh với VIỆT NAM SỬ LƯỢC của cụ Trần Trọng Kim, thì cụ Kim ghi cả bản tiếng Hán và bản dịch ra tiếng Việt có ghi đầy đủ, kể cả câu: "Thế là nhờ trời đất, tổ tông khôn thiêng che chở, giúp đỡ cho nước ta vậy".
Cái bài tôi viết về chuyện đó đã lâu rồi nay không còn nữa trong máy tính, trong bài đó có ghi rõ tên các sách để dẫn chứng chỗ bị kiểm duyệt bỏ mà đáng tiếc là nhiều sách xuất bản hồi những năm đó tôi cho các bạn cả.
Bây giờ tôi chỉ tìm thấy cuốn LỊCH SỬ VIỆT NAM, xuất bản năm 1971 mà thôi. Tôi đề nghị anh Minh tìm thêm những sách viết về cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi, về Nguyễn Trãi, xuất bản trong thời đó thì chắc sẽ tìm thấy.
Cũng xin nói rõ thêm đến năm 1985 khi xuất bản ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ do Hoàng Văn Lâu dịch, GS Hà Văn Tấn hiệu đính, Hội đồng Chỉ đạo và Duyệt do GS Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn, chủ tịch, GS Phan Huy Lê và Phạm Hựu, ủy viên,  thì có để lại câu nói trên đây, dịch như sau:
"Âu cũng nhờ trời đất tổ (52a) tông linh thiêng ngầm giúp mới được như vậy" (trang 289, tập II). Cái ghi (52a) tôi chưa tìm hiểu nghĩa là gì.
Anh Minh chịu khó tìm thêm nhé.
nmc

Thư Thụy Khuê, Paris, Oct, 9, 2014:
Anh còn khoẻ và sẽ còn làm nhiều việc khác bổ ích nữa. 
Về kỷ yếu thật là một công trình tốt cho những người nghiên cứu về Tự Lực văn đoàn.
Cảm ơn anh nhiều.
Khi nào anh và Thiện Giao  đi, nhớ cho TK biết trước sớm sớm để có mặt ở Paris, gặp nhau nhé!
TK

Thư của Song Thao, Montreal, Oct. 15, 2014: 
Anh Minh thân,
Chị Nguyễn Tường Nhung vừa gửi người cầm cuốn sách Kỷ Yếu TLVĐ và cuốn video qua cho tôi. Nhờ anh Thành Tôn cho biết cuốn này do anh nhờ chị Nhung chuyển giùm.
Sách in quá đẹp. Anh chơi sang quá, dùng toàn giấy ảnh vừa dầy vừa trắng tươi nên hình ảnh hết sức rõ ràng. Đây là một tài liệu rất quý. Anh thật có công lớn khi chủ trì một công trình sưu tập và phân tích đầy đủ như vậy. Tôi rất trân quý tài liệu hiếm có này.
Cám ơn anh nhiều.
Chúc anh vui khỏe.
ST

 Thư của anh Huệ Chi, Hà Nội, Oct. 14, 2014:

Không, anh Minh ơi, tôi đã nhận được cuốn sách rồi, đẹp quá. Tôi đang lao vào đọc, ưu tiên cho những bài không được trình bày trong cuộc hội thảo. Gương mặt của các "bà nội trợ" của TLVĐ lần đầu tiên được phác họa do chính con gái họ, rất hay.
   Vậy xin báo để anh mừng cho tôi.
   Cám ơn anh nhiều lắm. Chờ các cuốn khác như Đèn cù tập II, vân vân. Cho tôi gửi lời thăm tất cả anh em bên Người Việt.
   Thân
   Huệ Chi
Thư của Đặng Tiến, Orleans, France, Oct.10, 2014:

A Xuân Đài
Je viens de recevoir le livre, il est tres beau, Merci beaucoup.
****
Gửi Minh:
Sách đẹp, hay và quý quá
Ông giỏi quá, rất cảm ơn.
Nên tìm cách chuyển về trong nước, cho giới nghiên cứu, mới xứng công trình của ông và các bạn bên đó.
Và thật sự hữu ích.
Sẽ trao đổi thêm sau,
Thân, ĐT

Thư của cô Tanaka Aki, từ Tokyo, ngày 30/9/2014
2014-09-30 2:06 GMT-07:00 田中 あき<akimbo_tnk@yahoo.co.jp>:

Bác Minh kính mến,

Cám ơn bác Minh, cháu mới nhận được hai cuốn Kỷ yếu và một hộp DVD. Rất đẹp, quá đẹp! Và cháu không ngờ rằng cháu (có hình ảnh nữa) ở trong cuốn Kỷ yếu! Trong cuộc đời của cháu, lần đầu tiên cháu ở trong một quyển sách! Đáng lẽ cháu phải gửi tiền "Sách và DVD" cho bác à... Cháu đang viết luận văn tốt nghiệp, vì thế cuốn này đúng lúc và rất bổ ích cho cháu. Xin cảm ơn bác Minh rất nhiều. Cháu sẽ gửi cho thầy Kawaguchi ạ. Cháu không có máy copy DVD để copy lại nội dung DVD này (hay máy vi tính của cháu có thể copy được?), nên khi cháu có dịp đi Mỹ, cháu sẽ mua (hay xin? :) ) DVD cũng được ạ.

Còn cháu được biết một tin buồn về ông Nguyễn Xuân Hoàng qua các thông tin trên mạng. Cháu chân thành chia buồn... Cháu có một cái nợ nặng với ông Hoàng. Trong khi trao đổi với ông Hoàng qua e-mail, cháu đã tỏ ý muốn của cháu : là muốn dịch "Người đi trên mây" sang tiếng Nhật, thì ông Hoàng muốn xem phần tiếng Nhật, dù là một chương thôi. Nhưng, cháu lại không thực hiện được, vì trong lúc đó cháu hơi vất vả vì nhiều report phải nộp trước kỳ hạn, và sau đó cháu đi VN và Thái cũng không dịch được... dù cháu có mang theo cuốn "Người đi trên mây" trong suốt chuyến đi VN và Thái và quê nhà mẹ. Cháu cảm thấy thật hối tiếc và cứ vang lên trong đầu óc của cháu một câu "MONG LẮM" của ông Hoàng viết trong e-mail. Cháu đúng là người không ra gì...

Cháu rất cám ơn bác Minh vì đã góp sức rất nhiều để làm ra cuốn Kỷ yếu này. Đó là sự kết tinh của mồ hôi và máu huyết của bác Minh. Đó sẽ giúp rất nhiều cho cháu cho việc nghiên cứu về TLVĐ, và đem lại cho cháu một cuộc sống đầy ý nghĩa.

cháu aky

Thư của anh Nguyễn Tấn Sĩ, từ Texas ngày 27/9/2014:

Tôi vừa nhận được sách và bộ DVD hôm nay, thành thật cám ơn anh và Người Việt.
Đẹp quá! Hay quá! Xứng đáng là một Kỷ yếu để trân trọng nằm trong collection Tủ sách văn hóa Việt ngữ của riêng tôi (và của tất cả mọi người, những ai mê sách như tôi).
Tôi đang xem trước DVD số 3 (trình diễn Y phục Tân thời Lemur Nguyễn Cát Tường) và đang thích thú về nó...!