Wednesday, May 28, 2014

Chuyện cái đầu gối

Vào ngày 27 Tháng Mười năm 1994, tôi đã qua một cuộc tiểu phẫu tại bệnh viện Fountain Valley, miền Nam California. Muốn biết tại sao có cuộc mổ xẻ này thì phải ngược dòng thời gian trở về mười ba năm trước.

Lúc gần năm giờ sáng ngày 3 Tháng Sáu năm 1981 tại nhà 7, trại cải tạo Thanh Cẩm, Thanh Hóa, tôi đã nhào một cú từ tầng giường trên xuống đất, cái xương bánh chè của đầu gối trái vỡ đôi. Như mọi buổi sáng, tôi dậy sớm vào phòng vệ sinh rồi ra ngoài ngồi ở tầng giường dưới hút thuốc lào, và như thường lệ tôi say một lúc. Thần trí đi vào cõi mê man, lơ mơ rồi dần hồi tỉnh trở lại. Một cơn say thuốc lào xảy ra dài lắm là vài mươi giây. Khi đã tỉnh táo tôi đặt ống điếu xuống và bắt đầu leo lên chỗ nằm ở tầng trên. Ðó là một cái sàn dài bằng gỗ cách mặt đất trên hai mét, mỗi người có một chỗ nằm rộng bằng chiều ngang của một cái chiếu cá nhân. Ðể khỏi làm mất giấc ngủ của người khác tôi phải gắng bò thật sát mép sàn, qua một cái mùng, hai cái mùng... đến cái mùng thứ tư là “nhà” của tôi rồi, có thể thoải mái chui vào nằm chờ sáng. Vừa qua khỏi cái mùng thứ ba thì đột nhiên tôi ngất đi, một cơn xây xẩm ào tới rất nhanh đến độ mình không kịp phản ứng gì cả, ngã nhào xuống đất trong tư thế đang ngồi xổm. Ðiểm chạm nền nhà xi măng là cái đầu gối trái, cả sức nặng của cơ thề dồn lên một điểm đó. Cả buồng thức dậy, vực tôi lên, tôi cảm thấy tê liệt chân trái. Rọi đèn vào thì thấy không bị thương tích chảy máu chỉ có một cái ngấn sâu chạy ngang đầu gối. Tôi cảm thấy một nỗi bất an xâm chiếm trong người tuy chưa biết rõ lắm cơ sự như thế nào. Các bạn đặt tôi ngồi tạm một chỗ nào đó, rồi đến cửa buồng lịch kịch mở, mọi người ra ngoài, tôi nghe thấy tiếng “báo cáo cán bộ có một anh té bị thương chân”. Hình như người cán bộ mở cửa buồng có vào xem qua, nói để báo cáo với y tế.

Thời gian buổi sáng rất bận rộn, mọi người lo chuẩn bị xuất trại đi làm, tiếng kẻng vang lên là tất cả xuống tập họp ở sân, dãy nhà bỗng chốc trống trơn, chỉ còn lại vài người trực buồng và mấy người nghỉ bệnh. Tôi nằm nhìn lại cái đầu gối của mình và bỗng giật mình: Có một cái cục gần bằng quả trứng gà nổi lên trên bắp vế phía trên đầu gối độ một tấc, còn chỗ đầu gối thì có một vết hõm xuống rõ rệt. Tôi cảm thấy lo sợ, chắc chắn là cơ thể của mình chẳng còn lành lặn như hồi cha mẹ sinh ra cho đến giờ này nữa rồi. Mấy người xúm lại coi và bàn tán, đoán rằng bánh chè đã trật khớp. Tôi không rõ lắm về vụ xương xẩu này nhưng cố tin vào lời bàn tán của bạn bè, nếu chỉ trật khớp thì chỉ cần sửa cho ăn khớp lại là ổn. Lúc đó thì Phi bước vào.

Phi là một tù nhân người Tàu độ gần 40 tuổi, đậm người, mặt tròn, bị bắt từ năm 1975 vì xâm nhập Việt Nam bất hợp pháp và bị kết tội gián điệp, ở Hòa Lò, Hà Nội một thời gian dài, mới được chuyển đến trại này mấy tháng nay. “Diện” của Phi là diện nguy hiểm phải luôn luôn bị nhốt ở khu kiên giam, nhưng nhờ anh ta là thấy thuốc giỏi nên được đặc cách xuống ở “làng” (tức những dãy nhà cho đám tù nhân bình thường đi lao động hàng ngày) một thời gian để chữa bệnh đau lưng cho một sĩ quan cao cấp nào đó của ban chỉ huy trại. Anh ta hàng ngày chỉ ở trong trại lo sao chế thuốc nên an nhàn rảnh rỗi lắm vì chỉ lo cho có một bệnh nhân, mà thuốc men lại chẳng có gì nhiều. Nghe nói anh ta rất giỏi võ, mà tất cả võ sĩ Tàu đều có học về môn chữa xương. Vừa là thầy thuốc giỏi, vừa chuyên về xương, sự hiện diện của anh ta giữa lúc này giống như là một sắp xếp của màn kịch định mệnh.

Phi cúi người xem xét đầu gối của tôi, rồi nói rất nhanh, cái tiếng mà tôi đang sợ nghe nhất: “Vỡ rồi”. Tôi nghe một thất vọng thấm sâu trong lòng nhưng không hốt hoảng, vẫn giữ vẻ bề ngoài điềm tĩnh. Tiếng Việt của Phi khá sõi, dĩ nhiên nói theo giọng Bắc, điều làm cho tôi hơi thấy là lạ, vì đã quen giọng nam của những người Tàu Chợ Lớn nên cứ nghĩ hễ là Tàu nói tiếng Việt thì phải giống mấy ông Tàu Chợ Lớn.

“Cái cục này là nửa mảnh xương vỡ do sự co rút của bắp thịt kéo hẳn lên trên. Phải kéo nó xuống.”

Sau đó là cơn đau ngất người khi năm ba người ra sức kéo cục xương vỡ ấy xuống. Tôi nằm trên sàn ngủ, vài người giữ người tôi, một người dùng mấy ngón tay bấu vào chỗ u lên đó mà kéo về phía đầu gối. Nó không chịu xuống. Tôi nhớ người kéo là anh Ðịnh, rất khỏe và lực lưỡng, lấy hết sức mạnh mà kéo, và tôi trải qua một cơn đau ghê gớm, từ lúc sinh ra đời đến bây giờ tôi chưa bao giờ đau như thế. Tôi cũng phải dùng hết cả sức mạnh của tôi để chịu đựng nó, tay phải của tôi níu chặt vào lưng anh Sĩ ngồi cạnh ôm lấy tôi, chặt mãi, chặt mãi khi cơn đau tăng lên theo sức kéo của anh Ðịnh.

“Tới rồi, tới rồi... cho vào đúng khớp đầu gối... xong rồi, thả ra đi.”

Anh Ðịnh vừa buông tay thì bật một cái, nhanh như chớp, cục xương vỡ đã vọt lên nằm vào chỗ cũ trên bắp vế. Tôi ngao ngán quá, kết quả của mọi cố gắng và chịu đựng chỉ trong chớp mắt là mất sạch. Cơn đau làm cho người ta như rã ra. Phi nói:
“Không được, người nào đi chặt hộ tôi một mảnh tre”.

Một người tù hình sự miền Bắc ở buồng bên cạnh đang đứng xem vội chạy đi tìm được một ống che, lui cui chẻ ra ở ngoài sân. Anh ta làm rất nhanh và khéo, trong chốc lát chúng tôi đã có một dụng cụ y tế hình khum khum có thể áp sát vào bắp vế, một đầu được gọt lõm vào theo hình bán nguyệt để có thể khít với hình tròn của đầu gối. Mọi người chỉ chú ý xúm nhìn vào cái đầu gối mà quên mất tôi. Phi nói với anh Ðịnh:
“Bây giờ kéo lại.”

Cơn đau khi nãy lại tái diễn, và tôi không hiểu tại sao để chịu được đau là phải dùng hết sức mình để gồng người lên. Tôi cũng lì, không kêu một tiếng, chỉ lại dùng cái lưng anh Sĩ làm chỗ bấu víu để qua cơn cực hình. Khi tôi cảm thấy cái áo sơ mi lụa cũ của anh Sĩ bắt đầu rách ra dưới mấy ngón tay tôi thì nghe tiếng Phi:
“Ðừng thả ra nhé, cứ giữ nguyên như thế”.

Phi nhanh nhẹn cầm thanh tre áp vào bắp vế tôi, chỗ đầu hình bán nguyệt dí sát vào cục xương vừa được kéo xuống. Có người nào đưa cho Phi một sợi dây vải. Phi vừa cột chặt thanh tre vào bắp vế tôi vừa bảo anh Ðịnh bỏ tay ra. Bị chặn lại, cục xương chịu nằm im. Thế là tạm xong màn sơ cứu. Lúc đó cán bộ trực trại bước vào nói với tôi:
“Trại đã có xe đưa anh đi bệnh viện Cẩm Thủy”.

Chợt để ý tới sự hiện diện của Phi, anh ta nói luôn: “Hay anh muốn để anh Phi chữa thì nằm tại trại, khỏi đi”.
Tôi chọn liền giải pháp thứ hai. Rã rời sau mấy cơn đau vừa rồi, nghĩ đến hai chục cây số đường núi dằn xóc, tôi ớn quá. Chỉ muốn nằm yên một chỗ. Vả lại lúc đó tôi cảm thấy tin cậy Phi một cách lạ lùng, thấy Phi như một người từ đâu đến đây chỉ để chờ chữa cho tôi trong tai nạn này. Cán bộ trực trại thấy chuyện được giải quyết nhanh, không thắc mắc gì thêm, dặn anh em thu xếp chỗ nằm cho tôi, rồi đi ra.

Tôi được khiêng qua một cái giường cá nhân bằng gỗ kê ở góc phòng gần cửa sổ. Từ ngày vô tù đây là lần đầu tiên tôi được nằm trên một cái giường riêng biệt đúng nghĩa là giường và nghĩ rằng bắt đầu từ ngày hôm nay mình được nằm yên một chỗ, khỏi đi lao động, khỏi tham gia vào bất cứ chuyện gì, tự nhiên tôi thấy thích thích. Cái đầu gối bỗng nhiên vỡ, và giữa cảnh tù bỗng nhiên tôi được tự do. Ý nghĩ đó làm tôi khoan khoái vô cùng. Tôi ở tù đã được sáu năm, lúc nào cũng phải nghe theo mệnh lệnh, lúc thì truyền bằng miệng, thường thì bằng tiếng kẻng. Bây giờ đột nhiên tôi ra khỏi tất cả những cái đó, nằm thảnh thơi trên một cái giường riêng biệt, mắt có thể thấy một khoảng trời xanh, được anh em thương mến hỏi han chăm sóc.

Phi tỏ ra rất dễ thương, tới ngồi bên cạnh tôi.

“Em sẽ chữa cái đầu gối cho anh. Anh đừng lo gì cả, rồi sẽ đi lại được thôi. Nhưng xương đầu gối là loại xương không liền lại sau khi vỡ nên chân của anh không thể phục hồi như cũ được, nó sẽ yếu đi rất nhiều, đành chịu thôi. Tất cả công việc em làm bây giờ là đánh tan tất cả máu bầm tụ lại ở chỗ bị chấn thương để sau này khi trái gió trở trời anh không bị đau nhức. Chỉ ba bảy hai mươi mốt ngày là em tập cho anh đi trở lại, không sao đâu, anh đừng lo”.

Tôi yên tâm. Gặp thầy gặp thuốc thì trước mắt cử lo chữa cái đã, còn chân cẳng về sau thế nào thì hạ hồi phân giải. Phi cho biết cần có ngay rượu và mấy con đỉa để làm thuốc. Tôi nói sẽ nhờ anh em kiếm.

Ðến trưa, khi các đội nhập trại, cả trại ồn và nhộn nhịp hẳn lên. Ðội tôi về đến nơi như một làn sóng, phút chốc người tràn đầy cả nhà, người nào cũng hừng hực cơn nắng buổi trưa. Nhượng và Châu, hai người bạn thân hiện đang ăn cơm chung với tôi đến thẳng bên giường hỏi thăm tình hình. Buổi sáng phải đi làm ngay sau tai nạn xảy ra chưa ai biết mức độ trầm trọng của vết thương tôi đến đâu. Khi nghe tôi thông báo đầu gối đã bị vỡ, Nhượng có vẻ thất sắc, chắc cả buổi làm Nhượng chỉ nghĩ về tôi và mong tôi không việc gì. Ðã trong hoàn cảnh này mà còn “bày đặt” tai nạn đến mức này thì thật bất hạnh quá.

Anh em trong buồng thay đồ đạc xong ai cũng ghé lại thăm tôi trước khi đi chia cơm trưa. Rồi đến Hùng, Phàn, Chung, Việt Anh... những người bạn trước kia làm cùng ngành vào thăm. Trong tù người cùng ngành, cùng đơn vị thường coi nhau như bà con, khi có việc bất thường thì chính những người này lo liệu. Tôi lại thông báo tình trạng cái đầu gối và đọc thấy vẻ mặt “hỡi ôi” nơi mỗi người. Tôi cho biết những thứ Phi cần để làm thuốc, Phàn đang là “tự giác” (tức tù được lựa chọn đi làm những công việc một mình ngoài trại, không có lính đi theo) nói chiều sẽ đi bắt đỉa ngay. Hùng nói về khoản rượu có hơi gay, đó là thứ bị cấm ngặt không được mang vào trại, mà cũng khó kiếm. Ðội trưởng Năm đang ngồi gần đó nghe nói chuyện, mở xắc lấy ra một chai alcool de menthe còn mới đưa cho tôi bảo chắc thứ này có thể thay thế rượu đế, hỏi Phi thử nếu dùng được thì cứ dùng.

Buổi chiều khi nắng xế xế các đội đi làm vắng cả thì Phàn đã về đến nơi đem theo một gói đỉa.

“Ðỉa xem vậy mà rất khó bắt, thấy nó lội đó mà tôi tìm cách vớt mãi không được. Sau cùng tôi nghĩ được một cách là lội xuống đứng trong nước, đỉa bu lại bám đầy chân, chỉ việc bước lên bờ gỡ ra là được cả nắm.

Nhưng mà ớn lắm, rùng mình lắm”.

Phi thấy có đỉa và chai rượu bạc hà là yên trí, đi quanh ngoài vườn hoa hái một nắm lá sống đời, đem về buồng mình băm nhỏ cùng với mấy thứ cây lá phơi khô khác bỏ đầy một cái tô bằng đất, mang đến bên giường tôi, gầy một cái bếp nhỏ, nấu thuốc ngay tại chỗ. Khi tô thuốc sôi, Phi trộn đều, rót một ít rượu bạc hà vào, để nguội một tí rồi đắp tất cả lên đầu gối của tôi. Một làn nóng ấm rất dễ chịu truyền lan từ đầu gối đến khắp cơ thể. Tôi cảm thấy một luồng hạnh phúc bắt nguồn từ sự huyền diệu của những môn thuốc bí truyền Trung Hoa, ẩn trong từng lá cây ngọn cỏ, trong việc tổng hợp lạ lùng chúng lại với nhau do con người mày mò nghĩ ra được. Cái đầu gối tôi như đang thừa hường sự khôn ngoan kinh nghiệm hàng ngàn năm, nắm thuốc ấm áp như một bàn tay xa xưa thần tình trải qua bao đời của nền y học Trung Hoa vừa đặt lên đầu gấu tôi, như một niềm an ủi vĩnh cửu đối với một bất hạnh nhất thời. Tôi nhắm mắt yên ổn để cho Phi săn sóc, anh ta đặt một miếng ván dài độ năm tấc, rộng một tấc rưỡi dưới chân tôi rồi bắt đầu dùng băng quấn cả ván cả thuốc chặt lại, ép chân tôi vào giữa.

Từ lúc đầu gối bị vỡ sáng nay con người tôi đi vào một trạng thái khác, chơi vơi không thể thích ứng với một thay đổi chấn động đột ngột. Những cơn đau đớn làm thần kinh căng thẳng tột cùng, tôi cảm thấy cả cái chân trái không phải là của tôi nữa, trong phút chốc nó biến thành xa lạ không phải như nó vẫn là của tôi mấy mươi năm qua từ lúc mới sinh ra. Nó khiến mọi người nhìn tôi với một con mắt khác, nó khiến tôi phải trả lời hàng loạt các câu thăm hỏi đột nhiên xô tới như một làn sóng, câu nào cũng giống câu nào. Trong cuộc sống tù đọng buồn tẻ, tôi đột nhiên thành một diễn viên mới lạ đem lại sự tò mò, sự bàn tán và có thể lòng thương cảm nơi một số đông người.

Tai nạn của tôi dù sao cũng là một biến cố đáng kể giữa đám tù cải tạo miền Nam, khác hẳn các vụ đánh nhau, đâm chém nhau thường xảy ra trong đám tù hình sự miền Bắc. Trong đám chúng sinh bi thương cả Nam lẫn Bắc này, sự bất hạnh của một cá nhân sẽ đánh động ý thức bi kịch của toàn thể, lôi mọi người ra khỏi nếp sống đều đều nhàm chán dài đăng đẵng. Hôm nay người ta truyền nhau tin anh B tinh thần suy sụp đang dần dần trở thành ngớ ngẩn, hôm khác lại có tin ông H. đang hấp hối ở bệnh xá, hôm khác nữa anh em ở trại mộc về than phiền phải đóng nhiều hòm quá để chôn đám tù dân tộc thiểu số vùng biên giới Trung Quốc, số chết cứ mỗi ngày mỗi tăng. Các biến cố tiêu cực ấy cứ như là những nốt trầm hơn trong một bản nhạc vốn đã toàn những nốt trầm. Giữa không khí ấy tin cái đầu gối của tôi bị bể tương đối là một tin sốt dẻo và chấn động. Ðó là một sự gãy đổ, tạo nên một tiếng “crắc” vang dội của một sinh linh đang trên đà sống mạnh, mấy tháng trước đây còn đàn hát trên sân khấu của đội văn nghệ, chứ không phải là tình trạng tàn lụi dần của những cây đèn hết dầu. Ðó là nét hấp dẫn mà cái đầu gối của tôi mang lại cho mọi người, và đó cũng là điều khiến tôi nhìn nó ngỡ ngàng xa lạ.

Sau khi Phi bó thuốc xong tôi có cảm tưởng cái chân trái dần dần về lại với tôi. Nó không còn như là một cái gì lỏng lẻo mơ hồ nữa, bây giờ nó lại ấm áp, chặt chẽ, nó lại thuộc về tôi, nó nằm đó bất động im kín dưới lớp băng như một con thú đi hoang vừa về với chủ cũ. Tôi nằm nhắm mắt mà đầu óc tỉnh táo, trong một phút chốc nhìn suốt được cuộc đời mình từ trước tới nay. Tôi từ nhỏ lớn lên, ăn học, đi làm, hoạt động, đã được yên hàn suốt cuộc chiến tranh đã làm bao nhiêu người chết và bị thương, và bây giờ đến phiên tôi, tôi đang trả một chút cái “nợ máu xương”. Trả vì cái gì, trả cho ai? Chẳng biết, nhưng mơ hồ từ đáy sâu trong lòng tôi vẫn cảm thấy có một món nợ cần phải trả, và đang phải trả. Thần thức tôi đang phục hồi sau cơn bấn loạn từ sáng, trong cái thân thể cũng đang tự điều chỉnh cho quen với tình trạng mới, chỗ vết thương bắt đầu nghe êm êm, chỉ râm ran một nỗi đau đều và nhỏ.

Tôi nhớ lại mấy câu Kiều bói trong thời gian gần đây.

Làm cho cho hại, cho tàn, cho cân
Ðã đày vào kiếp phong trần
Sao cho sỉ nhục một lần mới thôi.

Giữa những đợt anh em được thả về ồ ạt cuối năm 1980 đầu năm 1981 tôi đã cầm cuốn Kiều chép tay của một người bạn bói thử một quẻ xem số phận mình ra sao. Trong tù, môn bói toán dễ dàng nhất là bói Kiều, cuốn Kiều thì trại viên được cho phép giữ, còn “bói” thì nó tự nhiên và kín đáo quá không ai có thể báo cáo được. Từ lâu tôi đã nhận thấy các câu thơ trong Kiều bao gồm hết mọi tình huống trong đời, từ nội tâm cho đến ngoại cảnh, và những lúc “linh” thì cũng gặp những câu ứng vào hoàn cảnh của mình khá hay. Nhớ hồi năm học lớp Ðệ Ngũ, tôi quyết định học để thi nhảy trung học Ðệ Nhất cấp, trước khi đi thi bói được hai câu:

Chén đưa nhớ bữa hôm nay
Chén mừng xin đợi ngày này năm sau.

Quả nhiên là tôi rớt, và chỉ đậu vào năm sau khi tôi học đầy đủ chương trình của lớp Ðệ Tứ. Từ đó tôi rất thích Kiều, càng lớn lên càng khám phá dần cái sâu thẳm mênh mông của nó, thông cảm dần các tình tiết và tâm lý mỗi nhân vật, để đến một ngày không biết rõ là từ lúc nào, ý thức được rằng đó là một tác phẩm vĩ đại, có khả năng bao trùm hết cuộc đời trong đó có tôi.

Chắc cũng nhờ sự “vận vào” đó mà trong mấy tháng đầu mới bước vào cuộc đời tù tội ở làng Cô Nhi Long Thành năm 1975, tôi nhớ vào một tối rằm, Tháng Bảy hoặc Tháng Tám gì đó, tôi đã bói được mấy câu thế này:

Cũng là lỡ một lầm hai
Ðá vàng sao nỡ ép nài mưa mây
Lỡ chân đã bước vào đây
Khóa buồng xuân để đợi ngày đào non.

Trong thời gian còn mang nhiều ảo tưởng là cách mạng sẽ thả về sau mấy tháng học tập đầy đủ các bài học cần thiết, đọc mấy câu đó tôi đã thấy “hỡi ôi” rồi. Tôi nói với mấy người bạn hồi đó: “Thế này thì ‘tiêu’ rồi, chắc là mút mùa”. Từ đó ý nghĩa của “ngày đào non” luôn luôn ám ảnh tôi, cố gắng mãi nhưng tôi không sao giải thích cho thỏa đáng xem cái ngày đó là ngày gì, vì rõ ràng cụ Nguyễn Du đã bảo tôi chỉ ra khỏi tù khi tới ngày đó. Tôi bèn viết thư cho thầy tôi khéo léo kể mấy câu Kiều ấy hy vọng ông cụ có lý giải gì lạ không. Ít lâu sau được thư nhà, không phải thầy tôi viết mà do ông anh tôi tập kết ra Bắc, từ Hà Nội về thăm gia đình, viết cho tôi sau khi đọc thư của tôi. Luận về mấy câu Kiều, anh tôi viết đại ý rằng:

Em đừng lo, nối theo mấy câu đó là:
Người còn thì của cũng còn
Tìm nơi xứng đáng làm con cái nhà.

Mà nơi xứng đáng nhất của thế giới bây giờ là nước Việt Nam độc lập tự do chứ còn nơi nào khác nữa? Theo mấy câu đó thì em sẽ được về, mọi việc đâu còn có đó, sẽ làm con cái của nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa và lo xây dựng nó.”

Dù trong bụng không tin lời giải của ông anh nhưng tôi rất cám ơn ổng đã mách cho tôi hai câu kế tiếp, nó làm cho lòng tôi tràn đầy hy vọng, biết chắc rằng trong tương lai mình sẽ đi sống ở một nước khác.

Cái vụ bói Kiều đối với tôi nó là như thế, và nằm trên giường bệnh, nhớ lại mấy câu vừa mới bói được, tôi hiểu, với một ý thức trong veo, rằng mọi việc đang diễn ra để thể hiện cái điều “làm cho cho hại, cho tàn, cho cân”. Tôi hiểu mình là nàng Kiều mới ở vào giai đoạn bị Hoạn Thư bắt cóc về nhà hành hạ thôi, mặc dù anh em đang được ồ ạt thả ra về - mà đám tù hình sự miền Bắc gọi là “tháo cống” - quãng đường đoạn trường của riêng tôi hẳn là còn dài. Cụ Nguyễn đã bảo “sao cho sỉ nhục một lần mới thôi” thì còn hứa hẹn nhiều màn nữa, chưa toan trốn nợ đoạn trường vào lúc này được.

Phi vẫn hàng ngày đến buồng tôi để làm thuốc, bao giờ cũng với một tô thuốc đã sửa soạn sẵn trên tay, đến nơi thì gầy một bếp lửa nhỏ, nấu và đắp thuốc tại chỗ. Tôi để ý không bao giờ Phi chuẩn bị thuốc men ngay trước mặt tôi, nhìn cái tô đầy những lá tươi, lá khô, rễ cây xắt nhỏ không ai biết được là gồm những vị gì trong đó. Tôi hiểu là Phi giấu nghề, không muốn cho bất cứ người nào học lóm được những bí mật trong cách pha chế thuốc của mình. Ðó là một đặc tính mạnh mẽ của người Trung Hoa, và Phi cũng không giấu giếm điều đó. Sau những lần làm thuốc, Phi thường ngồi lại chơi với tôi, nói đủ các chuyện đời. Ðó là một người tính tình vui vẻ, mềm mỏng, có cá tính và nhân cách. Phi thường kể cho tôi nghe chuyện bên Tàu.

Là con của một ông đại tá quân đội Trung Hoa, thời Cách Mạng Văn Hóa anh ta từng làm lãnh tụ các nhóm Vệ Binh Ðỏ đi đập phá các nơi. Kể những chuyện đó anh ta có cái vẻ hào hứng hồn nhiên của một người hồi tưởng lại những giờ phút sôi động mãnh liệt trong tuổi trẻ của mình chứ không bao giờ có ý đánh giá đúng sai gì cả. Mà chính Phi có vẻ chưa bao giờ có cơ hội nhìn lại giai đoạn lịch sử ấy của Trung Hoa và vai trò của anh ta trong ấy, vì năm 1975 anh ta xâm nhập Việt Nam và bị bắt thì cuộc Cách Mạng Văn Hóa vẫn đang còn ngự trị ở Trung Hoa. Về việc xâm nhập Việt Nam khi tôi hỏi kỹ thì Phi chỉ cười cười, lặp lại lời anh ta đã khai với công an: “Em đi buôn... đi buôn vàng.” Phi nói, khi bị bắt hầu như anh ta chưa biết tiếng Việt Nam (điều này tôi không biết anh ta nói có thật hay không), nhưng bị giam ở Hòa Lò, cùm chân suốt ngày trong phòng tối, anh lắng nghe những tiếng nói vang lên từ bên ngoài và lõm bõm đoán được nghĩa.

“Em đoán được nghĩa tương đối không khó, vì trong câu tiếng Việt có rất nhiều tiếng Trung Quốc. Ví dụ khi em nghe: 'Các đồng chí khẩn trương lên' thì em hiểu ngay người ta nói với nhau những gì, vì trong tiếng Trung Quốc cũng dùng hai tiếng đồng chíkhẩn trương.”

Tôi nghĩ thầm trong bụng nếu Phi bị bắt giam ở Tổng Nha Cảnh Sát Sài Gòn trước 1975 thì chắc không đoán được dễ dàng như thế, vì chỉ ở miền Bắc mới có việc sửa đổi và sao chép từ ngữ Hán-Việt cho giống y chang với Trung Hoa lục địa. Ở miền Nam vẫn dùng các từ Hán-Việt đã thành nếp từ xưa, và thấy không việc gì phải đảo chữ bảo đảm thành đảm bảo, đơn giản thành giản đơn, thành hình ra hình thành... và thấy không việc gì phải đổi các thói quen ngôn ngữ của ông bà để lại, những tiếng đơn giản dễ hiểu như đồng ý thì thành nhất trí, nhanh lên, lẹ lên thì phải là khẩn trương, trục trặc thành ra sự cố, khoảng cách thành ra cự ly, v.v. Nhờ sự tự nguyện đồng hóa ngôn ngữ như thế của miền Bắc mà anh chàng Phi bên Tàu mới chân ướt chân ráo qua Việt Nam mà đã lõm bõm hiểu được tiếng Việt.

Tôi nhìn Phi như nhìn một thực tại sinh động của nước Trung Hoa. Phi đi buôn hay đi làm gián điệp? Khó mà biết được. Tôi chỉ nhìn khuôn mặt tròn luôn luôn tươi cười của Phi và thấy rất mến anh ta. Về chuyện nước Tàu tôi tin anh ta nói thật. Anh ta đã tả cảnh những vùng rộng lớn dân chúng bị chết đói, theo anh, như là cái giá phải trả cho sự nghiệp lớn mạnh của nước Trung Hoa. Anh nói về các cuộc thanh toán nhau của các lãnh tụ, trong đó cha anh cũng dính phần, đã bị bắt đi biệt tăm. Có những chuyện lạ anh ta nói tôi mới biết, như trong thời Cách Mạng Văn Hóa, cây đàn ghi ta bị cấm ở Trung Hoa. Ðiều đặc biệt là tôi không nhận thấy Phi tỏ ý tôn sùng chủ nghĩa cộng sản hay bất cứ lãnh tụ cộng sản nào, kể cả Mao Trạch Ðông, nhưng anh ta đặc biệt tôn sùng nước Trung Hoa của anh ta. Phi nói về nước Tàu, nước Tàu nói chung chứ không phải xã hội chủ nghĩa, một cách trìu mến và cung kính. Vốn liếng về y học cổ truyền Trung Hoa của Phi xem ra phong phú, anh ta kể cho tôi nghe những trường hợp chữa bịnh nan y ly kỳ, thần tình một cách rất Tàu. Trường hợp cái đầu gối vỡ của tôi, mặc dù trong hoàn cảnh ở tù thiếu thốn mọi thứ, thái độ của Phi rất ung dung tự tín, rõ ràng coi đây là “ba cái lẻ tẻ không nhằm nhò gì”. Mà tôi phải nhận là Phi chữa rất tài, suốt mười ba năm, từ ngày được Phi chữa lành cho đến lúc mổ vừa qua tôi không hề cảm thấy một chút đau nhức nào tại cái đầu gối bị nạn.

Phi là một người mềm mỏng, nhưng có một điều anh ta luôn luôn tỏ ra cương quyết, đó là chuyện giấu nghề. Cũng như bao người Tàu khác, anh ta coi chuyện bảo vệ những bí truyền của dân tộc Trung Hoa không cho người nước ngoài biết là một bổn phận thiêng liêng.

“Từ khi qua Việt Nam em đã chữa lành bịnh cho một số người, lúc chưa bị bắt cũng như khi ở trong tù. Nhiều người muốn em truyền cho các bài thuốc ấy, đã năn nỉ, mua chuộc, hăm dọa, nhưng em không thể tiết lộ được. Vì những bài thuốc đó có phải của em đâu, chúng là của dân tộc Trung Quốc, em không có quyền để lộ ra ngoài. Bây giờ có đem bắn thì em chịu chết chứ không bao giờ em nói cho ai biết.” Cái điều cứng rắn hơn đá ấy, Phi đã thủ thỉ với tôi bằng giọng nhỏ nhẹ, dễ thương, như đó là một chân lý tất nhiên, khỏi cần phải lên giọng cường điệu làm gì. Mà quả thật từ bao nhiêu đời người Hán đã phát minh ra bao cái thần kỳ mà vẫn khư khư biết lấy trong nội bộ với nhau, coi sự bảo vệ chúng là một nghĩa vụ cao cả nhất trong đời mình.
Trước kia ở trong nước tôi có biết một người đàn bà Việt Nam lấy chồng Tàu, nhà chồng có nghề làm bánh dầu chá quảy. Ðó là một công việc tập thể, hàng ngày cả nhà xúm lại cùng làm, từ nhồi bột đến nắn bánh, chiên bánh. Nhưng bữa nào cũng thế, nhồi bột được một lúc thì thế nào bà già chồng cũng sai nàng dâu Việt Nam đi ra khỏi phòng trong chốc lát vì một công việc gì đấy. Mãi sau chị ấy mới biết trong lúc mình vắng mặt, người ta bỏ thêm một thứ gì đấy vào bột nhồi, và điều ấy quyết định phẩm chất của bánh. Chị tuy là dâu nhưng không phải là người Hán nên không được biết cái bí quyết ấy. Tôi nghĩ những điều mà người Tàu cố tình giấu giếm ấy chẳng qua là những khám phá khoa học chứ chẳng có gì là thần bí, nhưng vì họ khám phá ra chúng sớm quá giữa lúc thế giới còn u mê nên mới nảy ra lòng tự hào Hán tộc, coi mình là trung tâm của thế giới và nhất quyết không cho ai biết các bí quyết tạo nên sự tiến bộ của mình. Nhưng đến thời kỳ khoa học bùng nổ thì dần dần những bí quyết của họ chẳng còn gì là thần kỳ, mà có khi còn có vẻ vụn vặt trẻ con, và chính họ đến một lúc cũng thấy phải “hiện đại hóa” đất nước của họ, nghĩa là hòa nhập vào sự hiểu biết và tiến bộ chung của thế giới. Nhưng dù họ có học của thế giới bao nhiêu điều hay ho đi nữa tôi cũng không nghĩ họ sẵn sàng chia sẻ với thiên hạ những cái bí truyền của họ. Thôi thì đó cũng là cách để người Tàu giữ sự độc đáo của mình, họ lại độc quyền bán mì, quay vịt, làm bánh dầu chá quảy, và chữa một số bịnh một cách thần tình... Những điều lặt vặt ấy ngày nay không còn đủ sức để gây lòng kiêu căng hơn người nơi họ nhưng vẫn giúp người Tàu gìn giữ bản sắc văn hóa và làm kế sinh nhai khi đi sinh sống nơi chân trời góc biển.

Nhờ sự săn sóc của Phi tôi không bị đau đớn nhiều. Anh em bạn tù lo lắng cho tôi chu đáo, thật cảm động. Anh Ðịnh hằng ngày ở nhà để gánh nước dùng cho cả buồng, đã kiếm được một cái thùng thiếc cũ và mấy mảnh ván, chế cho tôi một cái “siège ” để ngồi đi cầu, vì với cái chân bị bó thẳng đuột tôi không thể ngồi theo lối cổ điển được. Còn chuyện nước nôi và tắm rửa cho tôi thì anh lo đầy đủ, mỗi bữa gánh nước anh đều gánh thêm một đôi để dành cho tôi dùng. Mà thật ra tôi có tự “dùng” gì được đâu, đánh răng rửa mặt thì anh em đưa nước vào tận giường, trong một cái thau nhôm. Còn tắm thì vài ba hôm một lần, anh Ðịnh bế tôi ra ngoài hiên nhà giội nước kỳ cọ, dĩ nhiên phải tìm cách gác cái chân bị thương lên cao để khỏi bị ướt. Gặp lúc mùa hè nóng nực, một sự săn sóc như thế thật quý hóa. Mùa hè tại vùng thượng du của tỉnh Thanh Hóa nóng kinh khủng, ban đêm trong phòng đông người tuy cửa sổ mở mồ hôi vẫn đổ suốt giấc ngủ. Mùa hè cũng là mùa mưa, con sông Mã chảy qua trước trại nước vẫn thường dâng cao và đục ngầu. Mỗi năm có đến bốn năm tháng chúng tôi phải uống một thứ nước đục lờ lờ như có pha sữa loãng.

Ông thầy Tàu bảo tôi phải ăn chân heo hầm đề đầu gối được bồi bổ thêm nhiều chất gân, sẽ mau vững mạnh. Vào thời điểm này (giữa năm 1981) chúng tôi không còn bị đói nữa vì được gia đình tiếp tế khá đều, nhưng đột ngột bảo tìm chân giò để hầm ăn thì cũng gay go lắm. Thức ăn hàng ngày của trại vẫn chỉ là bắp hột với món ăn duy nhất là “canh” rau tức rau luộc với nước muối, nhưng nhóm ăn chung Nhượng, Châu, và tôi có gạo và thức ăn khô khá dồi dào, ngày nào cũng nấu một nồi cơm và biến chế một món ăn gì đấy, ví dụ “măng tươi xào mắm ruốc” hay “trái sung um tôm khô”, tùy theo những thứ kiếm được từ thiên nhiên quanh vùng trong lúc đi lao động. Nhưng chân giò heo thì hẳn nhiên là thứ không có sẵn trong thiên nhiên, chợ búa thì xa và thời gian ấy tương đối cũng còn siết chặt chưa liên hệ gởi đi mua đồ ở chợ dễ dàng được. Thế mà một hôm, chỉ độ dăm ba ngày sau tai nạn, Hùng, lúc bấy giờ đang làm nhà bếp, mang đến cho tôi một cái xoong nhỏ, mở nắp ra thì thấy một cái chân heo hầm đang bốc khói. Trả lời cái nhìn ngạc nhiên của tôi Hùng cười lớn:
“Ảo thuật! Ðừng hỏi gì cả, cứ ăn đi cho mau lành”.

Sau tôi mới biết cái chân heo ấy quả là do “ảo thuật” mà có. Bếp của ban chỉ huy trại làm thịt heo, gọi Hùng lên xẻ thịt, và Hùng đã “hát xiệc” thế nào mà thủ được một cái móng đem về.

Tất cả các thứ thuốc mà Phi có được đều là cây cỏ quanh vùng đem về sao chế. Có điều kẹt là Phi không được phép đi ra khỏi trại, các loại cây lá đều phải nhờ người khác hái trong khi đi lao động bên ngoài.
Thường người Việt Nam không làm được việc này, vì Phi không biết các loại cây cỏ làm thuốc ấy tiếng Việt gọi là gì, mà mô tả hình dạng thì người được nhờ không thể nào nhận ra giữa vô số cây cối của núi rừng nhiệt đới. Cũng may là thời ấy có những đội toàn là người Tàu, Phi nhờ họ kiếm được khá đầy đủ lá thuốc. Thật ra đám tù nhân ấy không hẳn là người Tàu, họ là các sắc dân thiểu số sống ở vùng gần biên giới Tàu, có thể nói tiếng Việt, tiếng Tàu và thổ ngữ của họ. Sau trận chiến với Trung Quốc năm 1979, các sắc dân ấy, mà Hà Nội nghi là thân Tàu, bị tập trung hàng loạt nhốt một chỗ cho chắc ăn, chứ thật ra họ không có tội tình gì cả. Họ là dân sống ở miền núi nên cây cỏ họ cũng rành lắm. Ðối với một vài sắc dân thảm cảnh đã xảy ra: bị bắt vào tù họ đã chết hàng loạt, đến độ trại mộc dù làm hết công suất cũng không thể cung cấp đủ hòm để chôn kịp, cuối cùng đành phải quấn chiếu mà chôn. Ðó là những giống dân ở vùng núi cao, họ trồng cây thuốc phiện và dùng thuốc phiện hàng ngày như ăn cơm, uống nước, khi vào tù cơ thể họ không chịu nổi tình trạng thiếu thuốc, cứ rũ liệt, héo tàn dần dần không có cách gì cứu chữa được (dĩ nhiên có một thứ thuốc có thể chữa được, là thuốc phiện, nhưng kiếm đâu ra). Cái chết của họ thực thương tâm, họ đã sống hồn nhiên như cây cỏ, đã say sưa với chất nhựa ma túy lấy từ thiên nhiên chung quanh họ là những đỉnh cao lạnh lẽo mù sương, chắc cả đời họ chẳng biết đến những chuyện chính trị như kẻ này cần dạy cho kẻ kia một bài học, thế mà một hôm họ bị gom vào tù, rời khỏi môi trường cố hữu của họ, và gục chết. Chết không kịp chôn.

Và cuối cùng chính cái đám thoát chết trong bọn họ đã đi kiếm lá thuốc chữa cái chân cho tôi. Tôi đã chịu ơn của họ nhưng nào biết đích xác là người nào, là dân tộc nào. Tất cả chỉ là một cái cơ duyên đưa đẩy, kẻ nam người bắc cùng vào chung một nhà tù, trong một thời gian, một bên bị nạn, một bên đi kiếm thuốc, rồi thì vĩnh viễn xa rời nhau... Tôi mang ơn họ như mang ơn cuộc đời, rộng lớn chung chung, không mong có lúc đền ơn. Chuyện họ làm cho tôi có lẽ họ cũng không coi là một cái ơn mà chỉ là một tác động qua lại trong đời sống vậy thôi, nhưng tôi thì không có quyền quên. Cái xã hội thu gọn lại là nhà tù đã dạy cho tôi rằng đừng có quá thiết tha với việc trả ơn cho chính người đã làm ơn cho mình, mà chỉ cần tâm niệm rằng có một kẻ nào đó đã làm một việc tốt và mình cũng có bổn phận làm việc tốt cho người khác, người khác nói chung, không cần đích danh một người nào. Nhận ơn tôi không coi là một cái nợ phải lo trả cho nhẹ người, “cho xong nợ”, tôi nhận một cách dễ dàng thoải mái và tôi cố gắng cũng làm điều tốt cho người khác cũng dễ dàng thoải mái như thế trong khả năng của tôi. Sự vay trả ở đời không nên xem là một tính toán qua lại theo chiều ngang, mà nên theo một ý thức giúp ích rộng rãi không điều kiện. Giống như đám tù đi kiếm lá thuốc ngoài núi cho tôi, họ chẳng cần biết tôi là ai, họ chỉ biết loáng thoáng là có một người đồng cảnh bị gãy xương, và những thứ lá họ hái mang về có thể giúp chữa lành cho người ấy.

Ðối với Phi, tôi chia sẻ cho anh ta những gì gia đình tôi gởi ra bằng đường bưu điện. Không nhiều nhặn gì, mỗi lần một ít gạo, ít đường và mắm ruốc, cá khô... nhưng với Phi đó là những thứ cực kỳ cần thiết và quý báu, vì từ bao nhiêu năm anh ta nào có được ai thăm nom, tiếp tế. Phi có vẻ cũng thông hiểu hoàn cảnh không được sung túc của tôi như những người khác, và vui vẻ nhận các quà biếu của tôi không phải như một người thầy thuốc nhận thù lao từ bệnh nhân, mà như sự chia sẻ giữa bạn bè.

Thời gian nằm bệnh tôi đã đọc được nhiều. Từ năm 1980 khi bắt đầu cho tù liên lạc với gia đình và cho thăm nuôi, thái độ của trại đối với chúng tôi thay đổi rõ ràng, dễ dãi hẳn đi một bực, đặc biệt đối với sách báo được gia đình tiếp tế. Họ không những chỉ nhìn chúng tôi như những sinh vật biết đọc biết viết, nhưng còn bắt đầu nhìn như là những con người có tư tưởng. Sách vở tù nhân được phép nhận phong phú dần dần. Tôi để ý các gia đình rất ít khi gởi những tác phẩm được sáng tác bởi đám nhà văn Hà Nội, mà thường là sách dịch các danh tác quốc tế của nhà xuất bản Văn Học, cùng các báo ngoại ngữ - tiếng Anh và tiếng Pháp - của Liên Xô như các tờ Spounik , Les Nouvelles de Moscou, New Times, v.v... Ðời sống của chúng tôi thay đổi hẳn, bỗng nhiên như bừng sáng lại sau những năm chỉ biết quay quắt với cái đói và quanh quẩn với hai tờ Nhân DânQuân Ðội Nhân Dân. Cái đói kinh niên và báo đảng là hai điều kiện vật chất và tinh thần không rời chúng tôi trong những năm ấy, những điều kiện khắt khe, ti tiểu và thấp kém nhằm điều kiện hóa một con người, nhằm đưa những kẻ tự do, tình cảm, hiểu biết thành những sinh vật chỉ biết phản ứng theo bản năng và theo điều kiện là các giáo điều không sức sống trên các tờ báo đảng. Tập họp để nghe đọc báo là nhiệm vụ mỗi ngày của tù nhân. Ăn khoai sắn với muối, lao động cực nhọc và nghe đọc báo đảng, suốt mấy năm dài đời sống của chúng tôi chỉ có thế, nhưng cũng trong mấy năm đó tôi mới thấy rõ được một điều qua chứng nghiệm của bản thân là điều kiện hóa được một con người, dù với những phương pháp khắt khe đến đâu cũng không phải là việc dễ dàng. Việc ngày này qua ngày khác nghe đọc những luận điệu ca ngợi sự ưu việt của chủ nghĩa xã hội và viễn ảnh sụp đổ tới nơi của chủ nghĩa tư bản, chúng tôi coi cũng chỉ là một trong các khổ nhọc của đời sống tù tội, giống như sự ăn đói và sự lao động nặng nề vậy thôi.

Nhưng các đợt sách báo của gia đình gởi vào thì khác hẳn, mặc dù cũng không thoát cái vòng chủ nghĩa xã hội, nhưng ở trình độ ít sơ đẳng hơn, thậm chí có lúc ở trình độ cao. Nhờ báo chí Liên Xô mà chúng tôi biết được một ít chuyện của thế giới Tây phương, ví dụ Mỹ chế tạo con tàu vũ trụ con thoi có thể dùng đi dùng lại nhiều lần, kinh tế Mỹ phục hồi mạnh mẽ thời chính quyền Reagan... Ðặc biệt tủ sách văn học thế giới của nhà xuất bản Văn Học đã đem lại nhiều điều đáng kể. Danh tác của văn học cổ điển các nước được dịch nhiều và dịch một cách kỹ lưỡng đáng khâm phục, kể qua những sách chúng tôi có được vào thời gian ấy: Anna Karenina, Chiến Tranh và Hòa Bình của Tolstoi ; Tội Ác và Trừng Phạt của Dostoievsky; Don Kihôtê của Cervantes; toàn bộ bi kịch và hài kịch của Shakespeare; Thần Khúc của Dante; các tập truyện ngắn của Tchekov và Maxime Gorki; Những Kẻ Khốn Khổ, Thằng Gù ở Nhà Thờ Ðức Bà của Victor Hugo; Giăng Crixtốp của Romain Roland; Hội Chợ Phù Hoa (Fair of Vanity) một tác giả Anh tôi quên mất tên, v.v. Việc chọn và dịch một cách có hệ thống và cẩn thận kỹ lưỡng các hòn đá tảng của văn học thế giới như thế tôi cho là một cái công lớn của nhà xuất bản Văn Học Hà Nội đối với đời sống tinh thần của người Việt Nam trong chế độ cộng sản. Mặc dù bị bưng bít và xuyên tạc triệt để về chính trị và đời sống trí tuệ hiện đại của thế giới bên ngoài, người đọc sách vẫn có một lối thoát khi bắt gặp nét đẹp vĩnh cửu về con người qua các tác phẩm cổ điển. Dưỡng chất đầy nhân bản của các tác phẩm ấy tuy không được thấm nhuần đều khắp trong xã hội, vì người dân phần nhiều nghèo cực quá không thưởng thức nổi các món ăn tinh thần cao sang đó, nhưng dù sao các sách ấy vẫn được in và phổ biến và dĩ nhiên cũng đến được một số người, dù rằng khá lạc lõng vì không phù hợp với trình độ và không khí chung của xã hội. Tôi nhớ hồi đó chúng tôi ai cũng ấm ức vì bộ trường thiên Giăng Crixtốp của Romain Roland ở ngoài gửi vào thiếu mất cuốn thứ ba, không ngờ trong một lần đi lấy bưu kiện ở huyện Cẩm Thủy, Nhượng đã tìm thấy nó tại cửa hàng sách trong chợ huyện, nó nằm một góc bụi bám đầy vì đã lâu không ai ngó ngàng tới. Ở cái huyện lỵ miền núi này ai mà biết ông Romain Roland là ai, chẳng qua “trên” phân phối xuống thì “dưới” cứ bày bán, cho nó đủ bộ lệ với người ta.

Tôi đã dùng phần lớn thì giờ nằm trên giường bịnh để đọc sách, đọc thong thả kỹ lưỡng vì giờ đây tôi không cần phải “tranh thủ” đọc vội trong những lúc ngoài giờ lao động như trước nữa. Thì giờ hoàn toàn là của tôi, mấy thùng sách đầy nhóc anh em dành cho tôi nằm sẵn ngay bên cạnh. Tôi vốn đọc chậm, viết chậm, chỉ khi ở trạng thái thật thong thả tôi mới thâu thái trọn vẹn những điều đọc và diễn đạt đầy đủ được những gì cần viết. Tôi biết đó là chỗ yếu của mình nhưng không sửa chữa được. Tôi đã thử học các phương pháp đọc nhanh nhưng không kết quả vì mỗi lần như thế đầu óc căng thẳng, tôi đọc mà chẳng hiểu gì cả. Cái phong thái nhàn tản Lão Trang nhiều đời chắc thuần thấm khá kỹ vào bản chất mình rồi, làm cho mình thành một kẻ thiếu linh động trong đời sống, đành chịu thôi. Nhưng dù tốn nhiều thì giờ hơn kẻ khác mà thưởng thức được sâu xa đích thực một chút hay ho của sách vở thì tôi cũng thấy là điều đáng mừng. Và dù rất chậm chạp, bày tỏ được một chút chân thật của lòng mình trong khi viết thì cũng tự cảm thấy mình không đến nỗi phung phí thì giờ vô ích.

Vào sáng ngày thứ hai mươi mốt sau tai nạn, Phi bước vào nói:
“Hôm nay tháo băng và anh bắt đầu tập đi.”

Phi ngồi xuống bên tôi, cẩn thận gỡ mớ băng và thuốc to sụ trên đầu gối của tôi. Tôi nhớ đến câu ba bảy hai mốt ngày Phi nói cách đây ba tuần và hơi lấy làm lạ. Tại sao phải đúng hai mươi mốt ngày? Bội số của số bảy có liên quan một cách huyền bí gì đến sự chuyển biến của cơ thể, hay do khảo sát thường nghiệm lâu đời, người ta biết đó là thời gian đủ để các lệch lạc trong cơ thể phục hồi lại?

Sau mấy tuần ủ kín trong băng, cái chân trái của tôi trông lạ hoắc. Nó gầy hẳn đi, trắng trẻo, khẳng kheo, chỗ xương bánh chè bị vỡ trông rất rõ với một đường da lõm xuống chạy ngang. Mấy hôm trước phòng y tế của trại đã đem đến cho tôi một cặp nạng bằng gỗ, có lẽ do Phi yêu cầu để dùng từ ngày hôm nay trở đi.
Thoạt đầu Phi chưa cho tôi dùng nạng, mà dìu tôi đi. Vừa chạm chân trái xuống đất tôi la lên một tiếng vì một luồng đau buốt đột ngột, tôi vội giở chân lên, níu lấy cổ Phi và lắc đầu quầy quậy như một đứa bé, từ chối không chịu tập tiếp. Trái với tính tình mềm mỏng thường lệ, giờ phút này Phi trở nên rất cương quyết. Phi buộc tôi phải bước đi, mặc dù chỉ là mới chạm nhẹ cái chân ấy xuống đất thôi, phần trọng lượng còn lại của cơ thể tựa hẳn vào người Phi. Cứ thế đi suốt hết chiều dài của dãy nhà, tôi thấy bớt đau, tự tin hơn, và còn cảm thấy thích thích vì mình đang đạt tới một khả năng mới.

Sau một vài buổi tập như thế, tôi có thể dùng nạng để đi lại trong nhà. Nhưng cái chân trái vẫn thẳng như một cây gỗ, chỗ đầu gối không gập lại được vì đã bị bó cứng mấy tuần qua. Tôi ngạc nhiên vì một khám phá lạ về chính cơ thể của mình: sau có vài mươi ngày bị bó không cho nhúc nhích, một cái khớp xương sẽ trở nên cứng đơ, mất hẳn khả năng co duỗi linh hoạt cố hữu của nó. Hôm đầu thấy cái đầu gối không co gập được tôi hoảng sợ nhìn Phi, Phi cười, nói ngoài chuyện tập đi tôi còn phải tập co đầu gối nữa. Và đây là một việc không vui chút nào, mỗi ngày tôi phải ngồi trên giường thõng chân xuống đất, đắp nước nóng lên đầu gối cho gân cốt nó “mềm” ra, rồi “dùng tay bẻ chân”. Rất đau. Cái đầu gối cứ thẳng đuột cứng ngắc một cách ngoan cố, như là nó bằng lòng với tình trạng mới này hơn là sự linh hoạt trước kia. Cái chân bây giờ là một đường thẳng, và nếu xem đầu gối là trục để ống chân quay 180 độ - tức có thể gập sát hẳn vào đùi, mục tiêu tôi phải đạt tới - thì sau mỗi buổi tập đau vã mồ hôi, ống chân chỉ nhích vào chừng một độ là nhiều. Khi gặp chuyện mới thấy cơ thể sinh vật, mà trong trường hợp này là cơ thể của chính tôi, thật đầy lạ lùng bí ẩn.

*

Rồi mọi chuyện cũng qua đi, và quen đi. Ðến mùa đông năm đó thì tôi có thể đi lại chầm chậm không cần dùng gậy và ống chân đã có thể co gập bình thường. Phi thì sau mấy tháng xuất hiện ở “làng”, vừa đủ thời gian để chữa cho tôi, lại tiếp tục vào kiên giam, từ đó về sau tôi không bao giờ còn gặp lại nữa. Tết năm đó tôi kín đáo gởi người gánh cơm cho kiên giam đem lên cho Phi một gói bánh mứt, Phi gởi lời cảm ơn và chúc Tết tôi, đó là lần liên hệ sau cùng giữa chúng tôi.

Ðúng như lời Phi đã nói, cái chân ấy bị yếu đi nhiều, mất đi nhiều khả năng của một cái chân bình thường, bắp thịt ở vế teo lại vì không còn hoạt động nữa. Xương bánh chè là cục đệm, là đầu mối nối kết hoạt động giữa đùi và ống chân, nay nó đã bị đứt làm đôi, làm đứt theo những chức năng liên quan đến nó. Tôi không còn có thể dùng cái chân ấy để đi lên hoặc xuống cầu thang hoặc đường dốc, không thể chạy, nhảy, khi nằm ngửa không thể đưa cái chân ấy lên như ngày trước thường làm trong lúc tập thể dục. Khi đi, cái chân bị nạn phải luôn thẳng, nếu vô ý để hơi cong, chỗ đầu gối sẽ không chịu đựng nổi trọng lượng của cơ thể và quị xuống ngay lập tức. Những yếu kém của tình trạng mới tôi dần dần khám phá ra trong sinh hoạt hàng ngày, và buồn rầu nhận thấy, trong một chừng mực nào đó mình đã thành một phế nhân.

Nhưng tôi sống với cảm giác ấy không lâu. Một hôm, độ gần một năm sau khi bị tai nạn, tôi đang chầm chậm đi qua sân trại để đến chơi với anh em ở dãy nhà bên kia thì cán bộ trực trại trông thấy, gọi tôi lại và hỏi:
“Anh bị thương cái chân đã được bao lâu rồi?”

“Thưa cán bộ chừng mười một tháng”. Tôi trả lời.

Anh ta cười cười:
“Ði lao động trở lại được chưa?”

Dĩ nhiên là tôi trả lời chưa, và mô tả cho anh ta nghe tình trạng mới của tôi lúc đó. Chừng vài tuần sau tôi được lệnh chuyển qua đội lao động nhẹ và bắt đầu đi làm. Lao động nhẹ là đội gồm những người già yếu hay bị bệnh kinh niên, làm việc trong trại mộc cách trại chỉ một quãng ngắn, công việc chính lúc đó là đan cót. Gọi là đội, thực sự chúng tôi chỉ là một nhóm chưa tới mươi người sức khỏe kém, trực thuộc đội mộc và rèn gồm toàn những người vạm vỡ khỏe mạnh chuyên việc cưa xẻ gỗ, đóng bàn ghế và quai búa rèn đồ sắt.

Ở nhà suốt gần một năm nhàn rỗi thảnh thơi, hàng ngày chỉ sách báo với đàn địch, nay phải “đi làm” lại thoạt tiên tôi thấy không thích tí nào, giống cái cảm giác hồi nhỏ phải đi học lại sau mấy tháng nghỉ hè. Nhưng không khí và công việc ở lao động nhẹ rất dễ chịu, khiến tôi thích ứng khá nhanh với nhịp độ sống của “xã hội” chung quanh. Vì mộc và rèn là một đội có trình độ chuyên môn cao và làm việc trong nhà, chúng tôi đỡ bị sự soi mói của cán bộ bảo vệ và cũng đỡ bị cực nhọc vì nắng nôi. Công việc hầu như hoàn toàn tự giác, không phải bị canh giữ thúc bách, do đó tinh thần anh em cũng vui vẻ.

Trước kia nhìn một tấm cót tôi rất phục tài khéo của người tạo ra nó, và nghĩ mình không đời nào, từ một cây tre hoặc nứa, có thể chẻ một loại nan mỏng đều như thế, đan thành một tấm đẹp đẽ tinh tế như thế, nhưng nay chỉ sau một ngày đầu học cách thức, tôi cũng có thể làm được. Ðiều làm tôi ngạc nhiên là tất cả những gì tôi tưởng rất khó lại giản dị và dễ thực hiện đến thế, không cần phải có một tài năng đặc biệt gì cả.

Ði lao động tôi lại được tắm sông, và mới khám phá ra rằng với cái đầu gối bị vỡ tôi vẫn bơi lội được một cách bình thường. Khám phá này làm cho tôi rất an lòng và thích thú, vì nếu trên đất liền tôi bị mất rất nhiều khả năng thì khi xuống nước, mọi chuyện vẫn như cũ. À, thì ít nhất cũng có một nơi để tôi còn vùng vẫy được như cũ chứ! Nhưng niềm thích thú ấy không kéo dài vì lên khỏi nước, tôi lại “hiện nguyên hình” là một kẻ tật nguyền! Cuộc sống chính của con người là ở trên bờ chứ đâu phải ở dưới nước!

Sáu năm sau đó khi ra khỏi trại cải tạo thì tôi đã quen với cái đầu gối bể lắm rồi, quen đến độ không nhớ đến nó nữa, và ở chỗ đất bằng phẳng thì tôi đi lại thoải mái không có vẻ bị thương tật gì cả. Nhưng khi về đến nhà thì “chuyện cái đầu gối” lại được hâm nóng, vì người thân, bạn bè ai cũng hỏi han về nó. Người lạ, trừ những người tinh ý lắm, nhìn tôi đi không ai biết là tôi bị tật. Ðiều làm tôi mừng nhất là tôi có thể đi xe đạp được, đó là trắc nghiệm đầu tiên tôi làm khi tôi về với xã hội, vì xã hội “xã hội chủ nghĩa” mà không đi xe đạp được thì kể như là bị què chân. Còn chuyện lái xe hơi thì tôi không có xe thử nhưng biết chắc là không có vấn đề, vì tôi biết cái nơi tôi đang tìm đến (Tìm nơi xứng đáng làm con cái nhà) là nước Mỹ, lái xe hơi chỉ cần dùng chân mặt là đủ rồi.

Gần hai năm sau khi đến Hoa Kỳ thì tôi lên bàn mổ để sửa sang lại cái đầu gối. Ðó là kết quả của biết bao khuyến cáo của những vị chuyên môn, của bạn bè quan tâm đến cuộc đời tôi, của anh em lo lắng giúp tôi mua được bảo hiểm để trang trải vụ mổ... Cái đầu gối của tôi, nó im ỉm vô tình là thế, nhưng đã giúp tôi thấy lại được điều quí giá ở đời là sự quan tâm đến nhau, chất men làm cho cuộc sống trở nên nồng ấm. Sau khi nhấp chén cay đắng, đã bị làm cho cho hại, cho tàn, cho cân, tôi đã tìm thấy lại chất men nồng ấy của cuộc đời, mà cái đầu gối đôi khi cũng chỉ là một cái cớ.

Ba cái đinh vít dài đã được Bác sĩ Daniel Stein của bệnh viện Fountain Valley vặn vào để nối hai mảnh vỡ của xương bánh chè ấy lại sau mười ba năm chúng tách biệt nhau. Tôi nhớ lại lời của Phi nói mười ba năm trước: “Trường hợp của anh nếu là ở bên Trung Quốc, người ta sẽ nối hai mảnh vỡ lại bằng sợi ruột mèo.” Ðể phục hồi chức năng đã mất của cái chân, cần thiết là phải nối lại các mảnh vỡ, dù bằng đinh vít hay ruột mèo. Giờ này, khi tôi viết kể lại câu chuyện này - hơn ba tháng sau khi mổ - thì tôi đã đi lại được khá bình thường, cái đầu gối đã trở nên tròn trịa chứ không nhô lên xấu xí mỗi khi co chân như trước nữa, và nhiều khả năng đã mất nay đang dần dần, mỗi ngày một ít, phục hồi trở lại. Một người bạn, sau khi biết tôi hiện mang ba cái đinh vít trong chân, đã cười nói: “Coi chừng, mỗi khi anh đi máy bay, qua cổng kiểm soát vũ khí chuông sẽ reo đấy.”

Tôi nghĩ nếu thật như thế thì cũng là điều hay, nó sẽ nhắc cho tôi nhớ lại câu chuyện này, nhớ cái đau đớn, khổ sở, nhớ đến tình bạn bè trong cơn hoạn nạn, nhớ Phi và những người anh em dân tộc thiểu số đã thoáng qua cuộc đời tôi như một ánh chớp, và nhớ đến hơi men nồng ấm của cuộc đời vẫn luôn luôn còn bên tôi... Ba cái đinh trong đầu gối tôi cũng sẽ như cái vòng kim cô trên đầu Tôn Hành Giả, khi qua cổng kiểm soát chuông sẽ reo lên chẳng khác nào hễ niệm chú thì bị đau đầu, cốt để nhắc nhở rằng ở đời có những điều không nên quên. Thỉnh thoảng cũng cần phải nhắc, vì tôi sợ trong cuộc sống hấp tấp này, mọi chuyện rồi sẽ dễ quên lắm!

Viết xong ngày 8 tháng Hai 1995

Trần Mộng Tú – Tri kỷ với đầu gối
Gửi Phạm Xuân Đài

Ngồi ôm hai ống chân
Cầm tỳ lên đầu gối
Buổi chiều nhẹ nhàng tới
Bóng tối mờ vây quanh

Không mơ mộng điều gì
Cũng không yêu không ghét
Chỉ thấy một nỗi không
Tròn như chiếc đầu gối

Cùng ngồi trong bóng tối
Thành một đôi tâm giao
Nỗi không và đầu gối
Im lặng ghé vào nhau

Không nói chuyện thăng trầm
Không nói chuyện ngựa xe
Chỉ lắng nghe những chuyện
Người đời không biết nghe

Chuyện có một loài chim
Ôm cành gai giữa ngực
Chuyện giọt nước sông Hằng
Không bao giờ vẩn đục

Chuyện tại sao mây trắng
Cứ bay hoài ngàn năm
Chuyện tại sao đầu gối
Mới chính là tri âm

Chuyện tại sao nỗi không
Mà lại là tất cả
Ôi! Khu vườn trong tâm
Giấu nhiều điều rất lạ

Đầu gối không tiếng nói
Nỗi không không có lời
Đôi ta thành tri kỷ
Giữa điểm tâm tuyệt vời

2/95