Tôi đã sống qua một năm Đinh Hợi trong đời tôi, và nay lại sắp sửa gặp
một Đinh Hợi nữa, chắc chắn là cái cuối cùng. Trong đời một người chỉ có
thể gặp tối đa là hai lần như thế, muốn gặp lần thứ ba thì phải sống ít
nhất là 120 năm (hai hoa giáp), một điều xưa nay “cực kỳ hiếm.” Tôi
đang ở thềm năm Đinh Hợi thứ nhì của đời mình, vậy năm Đinh Hợi trước
tôi làm gì, ở đâu, nay còn nhớ gì không?
Đinh Hợi trước là vào năm 1947, Tết năm
ấy tôi đã lên chín, đang học lớp ba ở trường làng. Tôi bắt đầu đi học vỡ
lòng ở trường làng từ năm 1944, với ông giáo Cần, và niên khóa 1946-47
lên lớp ba, vẫn ông giáo Cần. Sở dĩ tôi nhớ năm ấy là năm Đinh Hợi không
phải vì tôi coi lịch, mà vì trong một buổi học lúc gần đến Tết, tôi còn
nhớ rất rõ, thầy giáo đã nói: “Tết sắp tới là Tết Đinh Hợi.” Trước khi
nghe câu đó tôi chưa biết gì về cách gọi các năm âm lịch, thậm chí tôi
tuổi con gì tôi cũng chưa biết. Những gì tôi đã tiếp nhận từ các lớp học
thời ấy bây giờ tôi hầu như chẳng còn nhớ gì, nhưng riêng câu nói về
Tết Đinh Hợi của thầy giáo thì không hiểu vì sao tôi còn nhớ rất rõ. Nhớ
suốt sáu mươi năm, cho đến hôm nay, khi một cái Tết Đinh Hợi khác lại
sắp đến. Ngẫm lại cũng là một điều kỳ diệu, suốt sáu mươi năm qua mình
đã trải hai cuộc chiến tranh khốc liệt, rồi tù đày và biết bao sóng gió,
thế mà bây giờ vẫn còn sống để hồi tưởng lại một cái Tết rất xa.
Năm 1944, sau khi mẹ tôi mất ở Bình Sơn,
tỉnh Quảng Ngãi nơi cha tôi dang dạy học, thì cô Tư của tôi vào dẫn anh
Hiển tôi và tôi về Quảng Nam sống ở làng quê. Đó là làng Đông Bàn,
trong khu Gò Nổi thuộc phủ Điện Bàn. Ngôi nhà ngói cổ xưa của ông nội
tôi đối với chúng tôi không xa lạ vì chúng tôi vẫn về thăm trong các dịp
Tết và nghỉ hè, nhưng chưa bao giờ sống luôn ở đấy cả. Trong nhà có
những đồ vật khá lạ mà trong cuộc sống tại phố chợ Bình Sơn tôi chưa hề
thấy bao giờ: một cái cáng có mái che rất oai vệ với cái đòn dài hai đầu
có chạm trổ, bên dưới là một cái võng rất lớn, được gác cao gần mái tại
chái tây của ngôi nhà; hai cái quạt kết bằng một loại lông chim rất
lớn, xòe ra đường kính gần một thước tây, có một cái tay cầm dài sơn đỏ,
khi dựng đứng lên thì cái quạt cao hơn tôi lúc đó, được treo trên hai
cây cột gian chính giữa nhà. Phía trên cao ngay giữa gian thờ, có treo
một tấm hình màu vẽ một người mặc triều phục tay cầm hốt, đấy là hình
ông cố tôi. Vì ông tên là Thứ nên cô Tư tôi kiêng không bao giờ đọc đến
tên ấy mà nói trại ra thành “thớ,” ví dụ muốn biết là ngày thứ mấy, cô
hỏi tôi: “Bữa ni thớ mấy rồi con?”
Dưới nhà ngang còn mấy thứ đặc biệt nữa.
Một chiếc ghe bằng nan quét dầu rái gác trên trần nhà, chỉ được hạ thủy
trong những dịp đặc biệt như khi có lụt lớn ngâm lâu thì dùng làm
phương tiện đi lại trong làng, hoặc khi cần đi Vĩnh Điện hay Quảng Huế
(quê ngoại tôi, trên huyện Đại Lộc) thì kêu một trai bạn hàng xóm để nhờ
chèo đi. Một cái “máy quạt lúa” hoàn toàn đóng bằng gỗ, mỗi lần đem ra
sử dụng thì tôi rất mê đứng xem sự vận hành của nó, gồm một bộ phận tròn
dẹt để thổi gió bằng quạt quay tay, một cái phễu lớn đựng lúa từ đó lúa
chảy xuống một hành lang hẹp có sức gió chạy qua, những mảnh rơm rạ sẽ
bay thẳng ra ngoài, lúa chắc chảy xuống một đường rãnh, lúa lép xuống
đường khác kế cận. Cái máy công cụ này rất ích lợi, dùng để giê lúa rất
nhanh và sạch, không phải tùy thuộc vào gió trời khi yếu khi mạnh thất
thường, và tài tình là phân biệt ngay một cách chính xác lúa chắc và lúa
lép.
Gia đình riêng của cha mẹ tôi luôn luôn
sống tại các nhiệm sở dạy học của cha tôi, từ khi ông bắt đầu cuộc đời
đi dạy học từ những năm đầu của thập niên 1920. Thoạt tiên là Phan
Thiết, rồi Bình Định, rồi đến trường tiểu học phủ Bình Sơn, tỉnh Quảng
Ngãi, nơi hầu hết anh em chúng tôi ra đời. Từ Bình Sơn về đến quê tôi
không xa, chỉ mất độ bốn năm tiếng đồng hồ đi xe lửa, dĩ nhiên là loại
tàu chợ cà rịch cà tang ghé rất nhiều ga trên một đoạn đường chỉ trên
dưới một trăm cây số. Ký ức tuổi thơ của tôi đầy ắp hình ảnh của các
chuyến xe lửa trên đoạn đường ấy. Và “cảnh trí quê hương” sớm sủa nhất
của tôi chính là ruộng đồng làng mạc miền Quảng Nam Quảng Ngãi nằm hai
bên con đường sắt từ ga Phước Thuận của phủ Bình Sơn đến ga Xuân Đài của
vùng Gò Nổi.
Anh Hiển tôi lên bảy, và tôi lên sáu khi
bắt đầu về sống trong lũy tre của làng quê. Bình Sơn nơi cha tôi dạy
học là một phủ lỵ nằm trên đường quốc lộ 1, có dáng dấp của một thị trấn
phồn thịnh, có mấy tiệm buôn nhà xây lầu, chợ Châu Ổ đông đúc, hàng
ngày chứng kiến những chiếc xe hành khách chạy ngang qua, ngửi mùi khói
xăng, có ngôi trường lớn, có sách báo, có tổ chức Hướng Đạo… nói chung
cuộc sống không xa với các sinh hoạt văn minh mới mẻ. Về sống tại làng
chúng tôi rơi vào một nơi tịch mịch có lẽ giống y hệt những thế kỷ
trước. Đông Bàn là một làng có nền nếp lâu đời, đình làng to và trang
nghiêm, gần đình có chùa Phật và rải rác trong làng có nhiều nhà thờ của
các giòng họ họ lớn. Làng cũng có Văn Thánh là nơi thờ Khổng Tử, điều
này dễ hiểu vì suốt một vùng Gò Nổi trong thế kỷ 19 đã có nhiều nhà khoa
bảng, và ngay cái sự kiện “ngũ phụng tề phi” mà người Quảng Nam thường
tự hào, thì cả năm con phụng ấy đều từ vùng Gò Nổi này mà bay ra cả.
Đời sống trong làng êm ả vì cả làng sống
về nghề nông, và tôi nghĩ đó là nếp sống không khác gì từ bao đời trước
của tổ tiên. Cả ngày không hề nghe một tiếng động cơ khí, trừ những lúc
đêm khuya khi tàu lửa chạy qua cầu Kỳ Lam cách độ vài ba cây số thì có
vọng lại tiếng ầm ầm xa xôi, nhưng chỉ thoáng qua trong chốc lát. Tuy đã
có trường làng, nhưng trong xóm tôi vẫn còn một lớp học chữ nho của một
ông đồ, từ đó vang ra những tiếng ê a lạ tai, và sau này khi đi học ở
trường làng, tôi có những người bạn khi làm toán vẫn nhẩm bảng cửu
chương theo chữ nho, kiểu như “cửu cửu bát nhứt” thay vì “chín lần chín
tám mốt” như tôi. Những người bạn đó đã theo cửa Khổng sân Trình tại nhà
ông đồ trước khi ghi tên học chữ quốc ngữ ở trường làng.
Trường làng nằm trong chùa làng. Chùa
gồm một ngôi chính điện thờ Phật thường đóng cửa im ỉm, và một ngôi nhà
phụ bên cạnh, có lẽ là nơi để dân làng tụ họp những dịp lễ Phật quan
trọng, và ngôi nhà phụ này được dùng làm trường làng. Nó chỉ vừa đủ cho
một phòng học, trong đó gồm nhiều lớp (thật sự tôi cũng không biết là
mấy lớp, chỉ biết tôi thuộc lớp bét nhất, anh Hiển tôi vào hạng khá hơn
một chút, và đám ma cũ đã học lâu thì dĩ nhiên trình độ phải cao hơn).
Ông giáo Cần cai quản cả phòng học nhiều trình độ ấy một cách êm xuôi,
và bây giờ nhớ lại hình ảnh ông, tôi vẫn thấy ông là một nhà mô phạm mẫu
mực hiếm có. Đi dạy ông thường mặc áo dài bằng vải lương đen, loại vải
mỏng và thưa cho thấy cả áo bà ba ông mặc ở trong. Đôi khi trời nóng,
ông cởi áo dài mắc lên ghế và dạy học trò trong bộ bà ba trắng.
Nhà ông tôi ở xóm Tây Xuyên, chúng tôi
đi học phải qua một cánh đồng, bước đi trên những bờ ruộng ngoắt nghoéo
rất trơn trợt khi trời mưa, qua một cái cống đá khá cao và đồ sộ trong
con mắt tuổi thơ của tôi, rồi đến đình làng trước khi đến trường. Xóm
tôi có năm bảy đứa đi học trường làng, nên cô Tư tôi đã gởi gắm hai đứa
tôi cho họ, buổi sáng buổi chiều khi đi học ngang qua nhà tôi, một người
trong bọn họ hô to: “Anh Hiển, anh Minh đi học nghe!” thế là hai đứa
tôi lót tót ôm vở chạy ra nhập bọn. Tôi để ý dù tất cả đều lớn tuổi hơn
chúng tôi, bao giờ họ cũng gọi chúng tôi bằng anh, đó là vì họ nể nang
cái “danh gia vọng tộc” của dòng họ chúng tôi. Cái chuyện nể nang đó
hình như từ lâu đã thành một định kiến cho tất cả mọi người trong làng,
ngay cả sau tháng Tám 1945 có nhiều đảo lộn trong xã hội, nói chung sự
nể nang ấy vẫn còn. Vì anh Hiển tôi và tôi lúc ấy hãy còn nhỏ dại, chúng
tôi hầu như được bảo vệ săn sóc bởi cả nhóm học trò xóm Tây Xuyên. Về
mùa đông mưa dầm gió bấc, trên cánh đồng nhiều chỗ bị ngập nước, các anh
ấy không ngại cõng chúng tôi qua.
Trước đình có hai cây đa cổ thụ trồng
ngay hai bên cổng vào, che mát hẳn cả một miếng đất rộng trước đình,
khiến cho cả lũ học sinh không ai bảo ai, đều tự động dừng lại bày ít
trò chơi tại đó trước khi vào lớp. Đối với tôi, một đứa bé sáu tuổi,
những giây phút chạy chơi lòng vòng quanh hai gốc đa đó đã để lại một ấn
tượng rất lạ suốt đời, hình như tất cả ý thức về văn hiến, về tổ tiên,
về giống nòi, đất nước đều bắt nguồn và thành hình từ những giây phút
vui chơi trước cổng đình làng ấy. Những cái rễ to lớn sù sì bên cạnh
những cái hốc đầy bí mật, những ông bình vôi chất đống quanh gốc, thân
cây vĩ đại cao vút, ngửng lên chỉ thấy một thảm lá xanh không thấy trời,
cậu bé sáu tuổi cảm thấy hoàn toàn an tâm vui sướng trong những khoảnh
khắc ấy, tựa hồ cậu ấy biết rằng cũng chính chỗ này, cha mình, ông nội
mình, ông cố mình, ông sơ mình… khi còn nhỏ cũng đã từng vui chơi với
chúng bạn, cũng đã cảm thấy an tâm vì biết đang ở giữa cái thân yêu của
bao đời tổ tiên, và tâm hồn cũng đang dần dần được gầy dựng bằng những
hình ảnh và tâm tình ấy để thành một thế hệ tiếp nối. Từ cổng qua một
cái sân rộng là tới đình, nửa thân mật nửa thâm u. Ai cũng biết trong
đình thờ thần hoàng của làng, ai cũng kính cẩn nhưng không cảm thấy sợ
sệt, vì biết đây là người có công đức với làng, dân làng thờ là để tỏ
lòng biết ơn chứ không phải vì sợ sự dữ dằn tác yêu tác quái. Cả khu
đình làng tỏa ra một không khí kính cẩn mà thân mật, ngay bọn trẻ con
chúng tôi chơi đùa tại khu vực đình hầu như hàng ngày vẫn cảm thấy như
đây là khu nhà chung của chính mình và bao nhiêu người chung quanh, từ
nhiều đời rồi, trong lòng thấy một niềm thân yêu và tin cẩn.
Đầu năm 1945 tôi bắt đầu tập đọc và tập
viết. Tôi hầu như được thầy giáo ra bài và dạy riêng những khi rảnh, chứ
không có những bạn cùng trình độ, vì thế nhiều khi cũng thấy lẻ loi.
Một hôm tôi đi chơi quanh chùa tình cờ ghé mắt nhìn vào bên trong qua
một khe cửa thì hoảng hồn thấy một vật rất lạ lùng: một cái đầu con gì
rất to, màu đỏ, mắt lồi trợn trừng trừng và có một hàm râu dài trắng
xóa. Tôi vội kêu anh Hiển tôi lại chỉ cho xem, và hai đứa tôi vừa sợ hãi
vừa say sưa nhìn cái vật kỳ quái chưa bao giờ thấy ấy. Nhưng hôm sau
thì sự bí mật được giải ra một phần nào vì cửa hông bên chùa mở, chúng
tôi thấy ông từ của chùa đang lui cui dán những mảnh giấy bạc lóng lánh
để trang trí cho cái đầu ấy. Bọn học trò kéo vào đứng vây quanh để xem.
Một đứa hỏi: “Ông Tư Tào ơi, ông làm con chi vậy ông?” Ông Tư Tào, tức
là ông từ, quay lại, mặt hơi cúi xuống để nhìn chúng tôi qua phía trên
cái kính lão: “Đây là con thiên cẩu.” Lại hỏi: “Ông làm con thiên cẩu để
làm chi vậy ông?” “Để múa thiên cẩu, gần tới ngày múa thiên cẩu rồi.”
Đó là lần đầu tiên tôi biết cái đầu lân,
mà ông Tư Tào gọi là thiên cẩu (chó trời). Và tôi cũng không ngờ cả lớp
tôi, hay đúng hơn cả trường của tôi rồi sẽ được tham dự vào dịp múa
thiên cẩu ấy. Một ngày chớm mùa hạ năm ấy rất đông dân làng tập trung
tại đình để sắp hàng đi qua chỗ Văn miếu cách đình một quãng đồng nhỏ,
tất cả học sinh chúng tôi cũng ăn mặc chỉnh tề sắp hàng đi theo. Riêng
tôi được mặc một cái áo dài đen, quần trắng, đội nón lá, đi chân không.
Về làng ở với cô Tư tôi, cách ăn mặc của tôi hình như có thay đổi: đi
học thì mặc quần xà lỏn áo bà ba, và “lễ phục” của tôi là áo dài. Tôi
hoàn toàn chẳng biết việc tập họp này để làm gì, chỉ nhớ những câu hô to
có mấy tiếng “Đại Đông Á… Đại Đông Á…” và lần đầu tiên tôi được thấy
thế nào là múa thiên cẩu. Cái đầu thiên cẩu của do ông Tư Tào làm trong
chùa được một người nào đó đội vào, vừa đi vừa múa theo nhịp trống, dẫn
đầu đoàn người đi qua Văn miếu. Tôi chỉ nhớ trời rất nắng nóng. Tới Văn
miếu thì thấy một ông mặc áo gấm xanh có đeo thẻ bài đứng trên thềm chỉ
chỏ sắp xếp chỗ đứng cho đám người mới tới. Hình như sau đó tôi theo mấy
đứa bạn vào xóm đi tìm nước uống, và hoàn toàn không biết gì thêm về
biến cố “Đại Đông Á” tại Văn miếu. Nhưng chắc chắn đó là một biến cố
chính trị đầu tiên mà tôi chứng kiến trong đời tôi.
Cùng với biến cố ấy, mà đối với tôi quan
trọng nhất là lần đầu tiên được xem “múa thiên cẩu” và tham dự vào một
đám người tuần hành đông đảo, chúng tôi bắt đầu được xem những pha nhào
lộn của máy bay Mỹ bắn phá những toán quân Nhật canh gác cầu xe lửa Kỳ
Lam. Các chiếc máy bay bay thấp vụt qua lũy tre làng cộng với những
tràng súng liên thanh từ cầu Kỳ Lam vọng về phá vỡ sự tĩnh mịch dằng dặc
của làng tôi, và như báo hiệu một thời kỳ mới sắp sửa ra đời. Ruộng
lúa, nương dâu, đình, chùa, văn miếu, lũy tre, dòng sông Thu Bồn… như
vừa giật mình tỉnh giấc ngủ êm đềm nhiều thế kỷ để chuẩn bị bước vào
những thay đổi lớn đầy xáo trộn.
*
Từ những báo hiệu ấy đến cái Tết Đinh
Hợi 1947 chỉ là một thời gian gần hai năm, nhưng quả là có nhiều xáo
trộn lớn. Thôn quê êm đềm hầu như bị xốc tung lên với cuộc cách mạng
tháng Tám 1945. Những nông dân hiền lành chất phác bỗng như đổi thành
những người khác, hùng hổ kéo nhau đi biểu tình, hô khẩu hiệu, và lại
còn ca hát và giơ nắm đấm lên ngang tai để chào nhau nữa. Làng xóm đổi
khác hẳn, lúc nào như cũng sục sôi với những sinh hoạt nhiều loại nhi
đồng cứu quốc, thanh niên, phụ nữ, phụ lão cứu quốc… Từ mùa thu năm 45
cha tôi rời nhiệm sở Bình Sơn, gia đình tôi đã dọn hết về quê, ngôi nhà
vắng lặng của ông nội tôi bỗng trở nên đông đúc, ồn ào, vui vẻ hẳn lên
với một chị lớn và năm anh em trai chúng tôi bỗng nhiên đoàn tụ về một
chỗ. Cha tôi về ở làng một thời gian ngắn rồi thường đi Hội An, vì hình
như ông tiếp tục công việc với ty Giáo dục Quảng Nam ở đó. Tôi nhớ trong
không khí sục sôi sau cách mạng tháng Tám thái độ một số người trong
làng đối với nhà tôi có đổi khác, từ chỗ e dè kính nể trước kia thì quay
sang hơi… ngang tàng một chút, có lẽ vì cho rằng nhà tôi là hình ảnh
của phong kiến, quan quyền của một thời cũ. Buổi tối có những thanh niên
đi qua nhà tôi hô to: Yêu cầu đi canh gác! Có lẽ những thanh niên đó
nghĩ bây giờ nước nhà độc lập rồi, mọi người đều bình đẳng, họ có nhiệm
vụ hàng đêm canh gác trong làng thì những thành viên của gia đình tôi
cũng phải làm công việc ấy như họ. Tôi nhớ một buổi tối đi ngang điếm
canh của xóm, tôi thấy một cảnh tượng rất lạ: điếm canh thắp ba, bốn cái
đèn sáng trưng, cha tôi ngồi xếp bằng trên cái phản kê giữa nhà, nhiều
người dân làng tụ tập hai bên đang yên lặng nghe cha tôi nói. Tôi đứng
ngoài đường nhìn vào, hoàn toàn không nghe ông nói gì, nhưng thấy ông có
vẻ thanh thản, cử chỉ từ tốn khi nghiêng bên này, khi nhìn bên kia, và
người nghe tỏ ra rất kính cẩn. Bây giờ nhớ lại, tôi lấy làm ngạc nhiên
sao sau này lớn lên tôi không bao giờ hỏi cha tôi vì sao tối hôm đó ông
phải ra điếm canh, và ông đã nói với dân làng những gì. Đó là lần duy
nhất ông xuất hiện với bà con trong làng sau cách mạng tháng Tám, vì sau
đó ông đi biền biệt, có lẽ với những công tác mới của ty Giáo dục. Cũng
sau đêm hôm ấy, không nghe thấy những điều xách mé khó chịu của đám
thanh niên nữa. Tôi nghĩ truyền thống trọng kẻ có học trong làng tôi khi
ấy vẫn còn rất nặng, những ý niệm mới mẻ “độc lập, bình đẳng, bình
quyền” và ý tưởng muốn triệt để đả phá cái cũ có thể làm cho một số
người, nhất là lớp trẻ, muốn cào bằng mọi thứ một cách nhanh chóng,
nhưng phản ứng nói chung của tất cả dân làng là vẫn muốn duy trì những
giá trị cũ đã bao đời đứng vững với cái làng này, trong đó học vấn vẫn
được coi trọng nhất.
Từ làng, các anh chị tôi trong thời gian
ấy vẫn thỉnh thoảng được đi Hội An hay Vĩnh Điện, nhưng riêng tôi thì
chưa được đi đâu cả. Mùa đông năm 1945 một biến cố quan trọng đến với
tôi, ấy là tôi được đi coi một đêm trình diễn của đoàn kịch Anh Vũ. Đoàn
kịch này do nhà văn Thế Lữ đứng đầu, khởi đi lưu diễn từ Hà Nội, sau
khi đến diễn ở Hội An thì được mời về diễn tại làng Bảo An, Gò Nổi. Từ
Đông Bàn, chị Ba tôi dẫn mấy đứa em lên nhà cô Hường tôi ở Xuân Đài, để
tối đi xem kịch ở Bảo An, chỉ đi một quãng ngắn là tới. Trời mùa đông,
đường rất lầy lội. “Rạp hát” lợp tranh thô sơ, nhưng đặc biệt có treo
lủng lẳng mấy bóng đèn điện, chắc chắn đây là lần đầu tiên vùng đất Gò
Nổi chúng tôi được ánh sáng điện chiếu tới. Buổi diễn bắt đầu bằng màn
chào cờ, có một toán diễn viên cầm cờ đỏ sao vàng ra sân khấu hát quốc
ca, và ấn tượng lạ lùng nhất của tôi là lần đầu tiên nghe chữ “kíu
quốc”: Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng kíu quốc… Lúc đó tôi chưa phải ở
tuổi thưởng thức một vở kịch của đoàn Anh Vũ với các diễn viên Giáng
Hương, Thế Lữ, Song Kim, Bùi Công Kỳ… tôi chỉ cảm thấy đó là thế giới
nghệ thuật sang trọng, về giọng nói, về phông cảnh, về diễn xuất… tất cả
diễn ra dưới ánh đèn điện sáng trưng. Tôi nhớ đó là một vở kịch gián
điệp, kêu gọi lòng yêu nước, Thế Lữ đóng vai chính. Tôi cũng nhớ (và hy
vọng là tôi nhớ đúng) một màn đơn ca của Bùi Công Kỳ với giọng trầm
hùng:
“Hồn thiêng Việt Nam,
Anh dũng vô ngần…
Đứng lên giơ tay dưới cờ,
nghiêng mình cho nước…
… Dấu Trưng Vương còn ghi,
Kiếm Lam Sơn còn uy
Hòa xương máu dành quyền tự do…”
Anh dũng vô ngần…
Đứng lên giơ tay dưới cờ,
nghiêng mình cho nước…
… Dấu Trưng Vương còn ghi,
Kiếm Lam Sơn còn uy
Hòa xương máu dành quyền tự do…”
Dân tộc vừa ra khỏi ách đô hộ, những lời
hát như thế cất lên lúc đó thật là có sức nặng ngàn cân, nó làm giạt
giào, say sưa bao nhiêu lòng người, kể cả một cậu bé bảy tuổi là tôi. Và
tôi cũng biết sở dĩ bây giờ tôi mạnh dạn nói tôi nhớ điều này điều kia
về đêm diễn ấy chính là do những lời bàn tán của anh chị tôi và những
người lớn sau đó: “Thế Lữ sau khi bị lột mặt nạ là gián điệp quả nhiên
trông giống y như một Tây lai… Giáng Hương đẹp quá… Bùi Công Kỳ hát thật
hay…”
Ngày nay ngoài các anh chị trong gia
đình, không ai chia sẻ với tôi về đêm kịch Anh Vũ ấy, như là nó không hề
có, hoặc chỉ là một tưởng tượng huyễn hoặc của tuổi thơ (ngay cả chính
tôi có khi cũng ngờ như vậy!). Khi nghe tôi kể lại, nhiều người có thể
còn không tin cái sự kiện một thằng bé bảy tuổi ở riệt nơi làng quê mà
lại được coi một đêm kịch của ban Anh Vũ từ Hà Nội vào. Nhưng may quá,
gần đây tôi có một người làm chứng cho tôi, đó là chị Phan Thị Mỹ Khanh,
con gái của ông Phan Khôi, người làng Bảo An. Tôi đọc thấy trong tác
phẩm “Nhớ cha tôi – Phan Khôi” của chị đoạn sau đây, và tôi thấy phải
trích nguyên để được chia sẻ ký ức của một người coi như đã trưởng thành
vào thời ấy:
“Cuối năm 1944 hay đầu năm 1945, tôi
không nhớ chính xác (về điểm này chắc chắn tôi nhớ chính xác hơn, cuối
1945 – PXĐ), đoàn kịch nói Anh Vũ ở Hà Nội đi lưu diễn vào phía Nam.
Đoàn diễn tại Đà Nẵng, Hội An mỗi nơi một tuần. Đúng vào thời điểm đó,
thanh niên làng tôi tổ chức ‘Kermesse’ (hình thức như hội chợ) gây quỹ
cho hội Truyền bá quốc ngữ xã, liền phái người đi Hội An mời đoàn về
diễn ở làng. Cha tôi nghe nói có ông Thế Lữ làm đạo diễn của đoàn, bèn
cho anh tôi ra mời ông về nhà. Ông Thế Lữ không ngờ cha tôi ở làng nầy,
theo chân anh tôi đến ngay. Hai bên tay bắt mặt mừng vì đã lâu không gặp
nhau. Cha tôi nói: ‘Nếu anh em trong đoàn chưa có chỗ ở thì cứ tạm về
đây. Nhà tôi rộng rãi, chỉ có thiếu giường chõng tử tế, còn việc ăn uống
thì không lo, ông đừng ngại.’ Ông Thế Lữ báo tin cho đoàn, và họ đều
vui vẻ vào cả. Cha tôi bắt tay thăm hỏi từng người và đưa khách xem các
gian nhà. Tôi nhớ trong đoàn kịch lúc ấy có ông Thế Lữ và vợ là bà Song
Kim, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, vợ chồng nhạc sĩ Bùi Công Kỳ, cô diễn
viên trẻ đẹp Giáng Hương, và mấy người nữa, tôi không biết hết tên. Ban
ngày, lúc giờ nghỉ, ông Thế Lữ thường chuyện vãn với cha tôi ở nhà trên,
các nhạc sĩ thì đàn, hát ở nhà ngang, vui nhưng không ồn ào, cô diễn
viên trẻ thì quanh quẩn bên mẹ tôi trong nhà bếp, cùng tham gia lo cơm
nước với chúng tôi.
Chiều hôm sau, đoàn quay ra Đà Nẵng.
Chỉ trong non hai ngày mà nhà tôi đông vui hẳn, cha tôi lấy làm hể hả,
nom ông khác hẳn mọi hôm.” (Nhớ Cha Tôi – Phan Khôi, trang 80, 81; nhà xuất bản Đà Nẵng 2001).
Qua niên khóa 1945-1946 thì tôi không
còn học trường làng ở chùa nữa, mà học các lớp mới mở ngay tại xóm Tây
Xuyên, do những thanh niên có học quay về làng sau cách mạng tháng Tám
đảm trách. Các lớp học được tổ chức trong những ngôi miếu lâu nay có vẻ
như bỏ hoang, nay mở cửa quét dọn lại làm phòng học rất tốt. Vật trang
trí duy nhất cho các lớp học mới mẻ này là tấm hình ông Hồ Chí Minh, mà
bọn học trò thường thì thầm kháo nhau: Mỗi mắt cụ Hồ có đến hai con
ngươi. Sau này lớn lên, tôi nghe những bạn bè từ các vùng khác của đất
nước, từ Bắc vào Nam, cũng nói điều tương tự khi nhớ lại thời điểm 45,
46 tại quê của họ. Điều này cho thấy bộ máy tuyên truyền của đảng Cộng
sản rất chuyên nghiệp từ thời đó, họ phổ biến một kiểu ảnh của ông Hồ,
thêu dệt một luận điệu giống nhau về mỗi con mắt có hai đốm sáng do ánh
đèn rọi vào khi chụp, họ thần thoại hóa một nhân vật chưa ai biết bằng
những cách nói vớ vẩn nhưng rất ăn khách với một dân trí còn khá thấp
kém sau gần một thế kỷ bị đô hộ. Lớp của tôi hồi đó cũng được học thuộc
lòng bài thơ về ông Hồ: Hồ Chí Minh, người lính già đã quyết chí hy sinh, cho Việt Nam độc lập, cho thế giới hòa bình…
mà mãi về sau tôi mới biết tác giả của nó là ai, và lâu nữa về sau, khi
đã vào tù cải tạo sau 1975 tôi mới có dịp đọc cả bài trong tập thơ Từ
Đó của Tố Hữu.
Các lớp học ở xóm tôi hình như chỉ có
tính cách tạm bợ, được tổ chức ra sau cơn hào hứng mùa thu năm 1945. Sau
mùa hè năm 1946, chúng tôi lại quay về ngôi trường làng chính thức của
chúng tôi tọa lạc trong chùa làng. Trường bấy giờ được mở rộng, ngoài
nhà xá còn lấy thêm một phần chính điện để làm lớp. Tôi học lớp ba trong
ngôi nhà chính điện với ông giáo Cần, còn lớp học trước kia thì có thêm
một ông giáo khác dạy những lớp cao hơn. Niên khóa 1946-1947 đó là một
niên học không bao giờ hoàn tất, vì sau Tết Đinh Hợi đầu năm 1947 thì
trường giải tán, và số phận của thầy, trò, và cả dân làng nữa, bắt đầu
vào một cơn lênh đênh vô định.
Tôi nhớ trong khoảng đầu của niên học
giở chừng này tôi đã học được đôi ba điều mới mẻ: đó là danh sách nội
các của Chính phủ Liên hiệp mà sau này tôi còn nhớ được tên một ông bộ
trưởng là ông Cù Huy Cận, và một ông làm “bộ trưởng không giữ bộ nào.”
Dĩ nhiên sau này lớn lên thì tôi biết rõ hết thành phần nội các ấy,
nhưng chắc chắn là từ lớp Ba trường làng thì chỉ tên ông Cù Huy Cận và
“bộ trưởng không giữ bộ nào” là còn lưu lại trong ký ức của tôi. Tôi
nghĩ vì nó lạ. Họ Cù tôi chưa nghe bao giờ, và cái việc làm bộ trưởng mà
không giữ bộ nào đối với tôi rất ngộ nghĩnh, mặc dù thời ấy không chắc
tôi đã hiểu rõ “bộ” và nội các là gì.
Mùa đông năm đó đã xảy ra những hiện
tượng bất ổn. Một buổi chiều bỗng nghe nổ ầm một tiếng, tiếng nổ rất lớn
khiến cả làng rụng rời. Đó là một trái đại bác bắn từ Vĩnh Điện, một
trái duy nhất, rơi vào một miếng đất trống bên bờ sông. Quân Pháp đã
chiếm xong Đà Nẵng, Hội An, Vĩnh Điện, và từ thị trấn này bắn chơi một
quả đạn vu vơ, có thể để thử dàn súng vừa bố trí xong. Nhưng tiếng nổ
làm kinh động các lũy tre làng chiều hôm đó đã báo hiệu một bước ngoặc
lớn cho làng tôi: giã từ nếp sống bình an để bắt đầu đi vào chiến tranh.
Từ Vĩnh Điện đến làng tôi theo đường chim bay chỉ độ bốn, năm cây số,
sự an toàn rất mỏng manh. Tôi bắt đầu nghe đến hai tiếng “tản cư” lạ tai
(sau một lô những tiếng mới mà cuộc đổi đời đã đem lại từ năm 1945) và
chính nhà tôi cũng bắt đầu đón tiếp những gia đình quen từ Hội An chạy
loạn, ghé lại một thời gian ngắn rồi tiếp tục tiến về phía tây và phía
nam của tỉnh Quảng Nam, những vùng còn tương đối an toàn. Cũng bắt đầu
thấy xuất hiện những người gọi là “bộ đội” nhưng chỉ rải rác chứ không
thành đơn vị đông đảo. Họ đến như những cán bộ quân sự chính trị chứ
không phải quân nhân tác chiến, tôi đã được đi xem một buổi diễn kịch
lửa trại của họ ở sân đình, trong đó có xuất hiện những “thằng tây” và
những dân quân du kích chiến đấu chống lại. Họ cũng phát động chiến dịch
giết chó tại làng tôi. Cũng tại đình làng vào thời gian này tôi được
xem đội Tuyên truyền Xung phong đến trình diễn, tôi hoàn toàn không nhớ
những gì họ tuyên truyền, nhưng rất thích những bài hát của họ mà tôi
thấy rất hay, rất gần gũi với tôi, trong đó, tôi nhớ rất rõ, lạ thay, có
bài Hướng đạo Việt Nam. Sau này trên bước đường tản cư, tôi có gặp lại
một anh trong toán Tuyên truyền xung phong ấy, anh ấy xác nhận là đêm đó
tại đình làng Đông Bàn toán của anh có hát bài Hướng đạo Việt Nam, “vì
thời gian đó đâu đã có bài hát kháng chiến nào đâu,” vả lại hầu hết các
anh đều là dân Hướng đạo!
Thảm họa đã đến với lũ chó làng tôi, có
lệnh giết hết chó. Dân làng tôi không có thói quen ăn thịt chó, nhưng có
lệnh giết thì nhà nào cũng ăn. Đối với những người nông dân nghèo,
quanh năm không mấy khi được ăn thịt, nhưng họ ăn thịt chó cũng không
thú vị mấy mặc dù miếng thịt vẫn quý đối với họ. Riêng nhà tôi lũ chó
dần dần bị hạ sát hết, trừ một con chó vện già được nuôi từ thời bà nội
tôi còn sống, rất khôn ngoan, đám dân quân trong làng rình mãi không bao
giờ bắt được. Ban ngày con vện trốn trong các lùm tre dày đặc bên bờ
sông, đến khuya mới kín đáo lẻn về nhà, cả nhà tôi đều mừng rỡ vội đem
thức ăn cho nó ăn. Ăn xong nó ở trong nhà chơi với mọi người một lúc rồi
lẳng lặng đi ra, mất hút trong bóng đêm. Một đêm, tôi đang ngủ thì giật
mình tỉnh giấc vì có tiếng nói lớn và lạ tai: “Nhà bà còn một con chó
chưa bị giết. Bà bị phạt hai mươi đồng. Nếu mấy hôm nữa mà không giết nó
thì bà sẽ bị phạt đúp bốn mươi đồng, hiểu chưa?” Giọng nói nằng nặng
đầy đe dọa, nghe như người vùng Hà Tĩnh, Nghệ An. Cô Tư tôi sợ quá, dù
rất thương con vện, hôm sau quyết định phải giết nó thôi. Khuya hôm ấy
vện lại về, cô tôi bưng dĩa thức ăn đi vô trong buồng, để đĩa thức ăn
gần ngay ngưỡng cửa và kêu nó lại ăn. Nó cúi xuống ăn ngay, nửa thân
người trong buồng, nửa ở ngoài, đó là một cái bẫy mà nó không biết. Một
người đàn ông hàng xóm đứng nấp sau cánh cửa, khép mạnh cánh cửa buồng
lại, con vện bị kẹp cứng giữa cánh cửa và khung cửa. Nó phản ứng tức thì
rất mãnh liệt, vì trong thời gian này nó luôn luôn cảnh giác sự nguy
hiểm, nhưng hoàn toàn không ngờ nỗi nguy tới tại ngay nơi mà nó tin cậy
nhất, cho là an toàn nhất. Sau đó là nhiều tiếng bốp bốp đập đầu nó. Giờ
này, sáu mươi năm sau, nhớ lại hình ảnh vùng vẫy tuyệt vọng của con vện
trong đêm ấy, tôi cảm thấy muốn khóc. Tôi ngạc nhiên sao mình lại quá
mủi lòng với cái kỷ niệm ấy, sáu mươi năm qua tôi đã chứng kiến biết bao
cảnh hãi hùng, tàn bạo, đau thương nhưng không cảnh nào khi nhớ lại tôi
muốn khóc cả. Có lẽ vì tôi thương con vện với tất cả tâm hồn của một
đứa trẻ thơ lên tám, và nay tôi nhớ lại cảnh nó chết cũng với tâm trạng
trẻ thơ ấy chứ không phải với một con người chai đá vì quá nhiều lăn
lộn.
Tết Đinh Hợi năm đó tôi vẫn thấy vui như
thường, nhưng có thể người lớn trong nhà tôi thì không được vui mấy vì
những đe dọa thời cuộc. Tôi nhớ cô tôi và chị tôi vẫn làm nhiều bánh
trái, và trước tết, anh em chúng tôi, mặc áo dài đàng hoàng, mang một
thẩu bánh in xuống nhà ông giáo Cần để “đi Tết” thầy. Mồng một Tết mọi
người đi ra đình để dự một cái mít-tin gì đấy, trong đó có mục đốt pháo
đầu năm, chỉ có ba quả pháo thôi nhưng mỗi quả rất lớn, khi đốt pháo tôi
sợ hãi bịt kín tai lại nên không biết nó nổ lớn đến mức nào. Sau đó
chúng tôi đi thăm mộ ông bà tổ tiên, đi trên cánh đồng làng man mác đầu
xuân, đến thắp hương mộ ông cố chúng tôi, đến mộ bà thỉ (đọc trại tiếng
thủy tổ), và mộ bà nội mới mất bốn năm trước. Rồi chúng tôi ghé thắp
hương nhà thờ họ và thăm mấy nhà bà con. Đường làng sạch sẽ phong quang,
trong các khu vườn lác đác có những cây mai nở bông vàng và hầu như sân
nhà nào cũng có một đám cải trổ ngồng hoa vàng rực. Mồng một Tết năm ấy
chúng tôi đi quanh làng như một chuyến hành hương cuối cùng trên chính
quê hương mình, một quê hương còn giữ được nét thanh bình của ngày xưa
trước khi bị cơn hồng thủy chiến tranh và chủ nghĩa tràn qua.
Tôi không nhớ ngày mồng mấy Tết năm ấy
thì chúng tôi đi học lại, nhưng nhớ rõ đó là lần đến trường cuối cùng.
Tất cả học sinh đứng ngoài sân để nghe thầy giáo nói chuyện. Thầy nói
bắt đầu từ hôm nay trường ta phải đóng cửa vì chiến tranh sắp lan tới
làng, quân Pháp đã kiểm soát đường quốc lộ một và chắc chắn sắp tiến
chiếm vùng Gò Nổi. Chúng tôi ngơ ngác, hình như không trò nào cảm thấy
vui sướng được nghỉ học như thường lệ. Tất cả đều im lặng, trong lòng
bắt đầu thấm thía một nỗi buồn và lo sợ. Các cửa lớp đóng im ỉm. Sau khi
thầy giáo nói chuyện, học sinh giải tán ra về một cách lặng lẽ. Một
không khí buồn bã bao trùm khu vực trường học buổi sáng xuân năm ấy, tôi
ôm vở đi về nhà mà không biết rằng đây là lần cuối tôi nhìn chùa làng
và đình làng, vì sau đó gia đình tôi lên đường đi tản cư, và cả chùa và
đình đều bị phá sập trong cuộc tiêu thổ kháng chiến.30-12-2006