Sunday, May 18, 2014

Về thăm Tolstoi ở Điền Trang Yasnaya - Polyana




Đọc Tolstoi từ thời còn đi học, thấy cuộc đời của ông bá tước này gắn liền với điền trang Yasnaya-Polyana, thì tôi đã hình dung điền trang ấy giống cảnh trí nơi Natacha đã gặp André như đã tả trong Chiến Tranh và Hòa Bình. Nhìn lại cảnh sống ở Việt Nam từ thôn quê đến thành thị, chẳng thấy có một cái gì tương tự như điền trang của bá tước Tolstoi bên Nga. Giới địa chủ giàu có của miền Bắc và Trung Việt Nam giỏi lắm xây dựng một “dinh cơ” trong khu vườn rộng, và nếu khéo chạy một phẩm tước của triều đình thì cũng chỉ đến “bát phẩm, cửu phẩm,” vừa đủ để thỏa mãn thói háo danh nơi chốn làng xã. Các đại điền chủ Nam Kỳ thì thuộc vào đất nhượng cho Pháp, cung cách sống của họ khá xa vời với văn hóa cổ truyền Việt Nam, họ không hề mang những phẩm tước của triều đình, và dinh cơ của họ dù lớn lao cũng chẳng có vẻ gì là “điền trang” của một tầng lớp quý tộc, hiểu như là con đẻ của một định chế quốc gia, và mang nhiều tính cách đại diện cho những gì ưu tú thuộc văn hóa truyền thống của đất nước.

Hai chữ điền trang gợi cảm tưởng thơ mộng êm ả chốn thôn quê, đồng thời cũng làm liên tưởng đến tài sản đất đai rộng lớn và sự giàu sang của giai cấp quý tộc Tây phương trong quá khứ. Điền trang không chỉ là một cơ sở nhà cửa của nhà giàu ở thôn quê, mà còn là một cách sống, một quan niệm sống của một giai tầng được ưu đãi, mà lợi tức từ đất đai rất lớn lao, thường là chính yếu trong sự sản của họ.

Tolstoi là một tác giả nổi tiếng khá quen thuộc với người đọc sách Việt Nam. Ông là một văn hào Nga của nửa sau thế kỷ thứ 19 và sống thêm một thập niên đầu thếkỷ 20, tác phẩm của ông được dịch sang tiếng Pháp và theo người Pháp đi vào Việt Nam. Hồi tôi còn nhỏ, khoảng giữa thập niên 40, tôi thấy sách Tự Lực Văn Đoàn ở bìa sau thường giới thiệu các tác phẩm đã xuất bản, luôn luôn có một cuốn tên là A-na Kha-Lệ-Ninh, một quyển sách dịch của Vũ Ngọc Phan, nhưng chưa từng được nhìn thấy cuốn ấy bao giờ. Mãi sau lớn lên tôi mới biết đó là cuốn Anna Karénine (lối viết theo tiếng Pháp) của Léon Tolstoi. Có thể đó là tác phẩm lớn đầu tiên của Tolstoi được dịch sang tiếng Việt, tôi không biết thời thập niên 30, 40 của thế kỷ trước có gây tiếng vang nào trong độc giả người Việt không. Nhưng tiểu thuyết Nga nói chung, và riêng Tolstoi, tôi nghĩ là rất có duyên với người đọc Việt Nam, đặc biệt là sau khi đất nước bị chia cắt năm 1954 thì cả miền Nam lẫn miền Bắc đều có phong trào dịch và nghiên cứu tìm hiểu. Tôi nhớ hồi còn đi học, khoảng cuối thập niên 50 tôi đã đọc cuốn Viết Và Đọc Tiểu Thuyết của Nhất Linh và sau này mới nhận ra là cuốn đó có ảnh hưởng rất lớn đối với tôi. Nhất Linh đặc biệt ca tụng các tác giả tiểu thuyết Nga như Tolstoi, Dostoievsky, và các tác giả của nước Anh như các chị em Bronte. Ông cho rằng hai dân tộc này, đặc biệt là Nga, có biệt tài về tiểu thuyết, các tác giả của họ nhận xét và diễn tả cuộc đời rất trung thực và sâu sắc. Từ đó tôi để tâm tìm đọc các bản dịch Chiến Tranh và HòaBình, Anna Karenina của Tolstoi, Anh Em Nhà Karamazov, Tội Ác và Hình Phạt, Thằng Ngố...của Dostoievsky, Đỉnh Gió Hú của Emily Bronte... Quả nhiên tôi đã bị các tác giả Nga chinh phục, thời thanh niên tôi bị ám ảnh bởi Dostoievsky nhiều hơn là Tolstoi bởi lối đào sâu tâm lý như là phù thủy của ông, nhưng càng lớn lên thì càng cảm nhận được cái lớn lao thênh thang của tâm hồn cũng như tiểu thuyết của Tolstoi. Chiến Tranh và Hòa Bình là một cái gì giống như cả cuộc đời rộng khắp, đó là một cái bầu hồ lô thu tóm mọi sự, từ những cái có kích thước bé tí người thường phải dùng kính hiển vi mới nhìn thấy, đến những cảnh tượng hoành tráng của núi non, ruộng đồng, của biến cố lịch sử và ngay cả lòng người. Dostoievsky cho ta những khoái cảm rợn người của bệnh lý, của những chiều sâu thăm thẳm không thể tìm thấy trên bề mặt của cuộc đời bình thường, trong khi với Tolstoi, ta thưởng thức những bức bích họa tỏa ra đầy đủ hơi thở nồng ấm của mọi cảnh huống trong đời sống. Đọc ông xong người ta cảm thấy hai chân mình đứng trên mặt đất vững hơn, vì cuộc đời vẫn nồng đượm quanh ta...

Sau năm 1975, khi cuộc đời tù đày đã dần dần “ổn định,” nghĩa là không còn ảo tưởng được thả về trong một thời gian ngắn, hơn nữa, hoàn toàn mịt mù về ngày về và tương lai, đám đi tù bắt đầu tìm sách vở để đọc. Gia đình người đi cải tạo có một khuynh hướng chung rất dễ thương trong việc chọn sách gửi vào trại cho người thân, là chỉ gửi sách dịch của các tác giả cổ điển trên thế giới. Hầu như chẳng có một cuốn sách truyện nào của các tác giả miền Bắc, loại sách mang chủ đề “xây dựng chủ nghĩa xã hội” được sáng tác trong các “trại” viết văn, đọc thì thấy rõ mồn một sự gượng gạo giả dối nhiều khi khiến chính người đọc phải ngượng chín cả người. Một số sách dịch của miền Nam cũ cũng được chấp nhận, như các tác phẩm của Dostoievsky, của nhà văn“tiến bộ” Mỹ John Steinbeck (Chùm Nho Uất Hận...). Nhưng sách dịch của nhà xuất bản Văn Học Hà Nội mới đáng kể, đặc biệt các tác giả Nga và Liên Xô bây giờ được dịch thẳng từ nguyên bản tiếng Nga chứ không qua bản tiếng Pháp hay tiếng Anh như miền Nam trước kia.

Vì Tolstoi được Lenin cho là “viên đá tảng” của văn học Nga nên nhà xuất bản Văn Học ở Hà Nội đã giới thiệu ông rất kỹ. Tôi được đọc cuốn Hồi Ký của Tolstoi, trong đó có một chi tiết tôi nhớ mãi đến bây giờ: khi nhớ về thời thơ ấu, hồi ức của Tolstoi vươn tới một điểm xa không ngờ, ông nhớ được cái cảnh và cái cảm giác người ta tắm cho ông trong một thau nước, khi ông mới được sáu tháng tuổi. Tôi cũng thường hay cố hình dung những gì xa nhất trong đời mình mà mình còn nhớ được, thì tôi đoán ký ức của tôi có thể lộn về giỏi lắm là khoảng tôi lên bốn tuổi, trước đó thì hoàn toàn u mê mịt mờ... Có thể Tolstoi là một trường hợp đặc biệt, não bộ và thần kinh ông được cấu tạo khác thường nên đến khi lớn lên vẫn hiện ra những hình ảnh và cảm giác của con người lúc còn rất non nớt.

Dĩ nhiên là họ dịch Chiến Tranh và Hòa Bình, do một nhóm đến bảy tám người phụ trách, chia nhau mỗi nhóm dịch một phần. Chính vì làm việc riêng rẽ như vậy nên bản dịch không được thống nhất, văn phong mỗi cuốn mỗi khác nhau, chỗ hay chỗ dở không đều, thậm chí có khi cùng một nhân vật mà ở đoạn đầu gọi cha mẹ là “bố mẹ,” đến đoạn sau lại gọi bằng “ba má,” và giọng văn khi thì thiên về ngôn ngữ miền Bắc, khi thì miền Trung vùng Huế. Điều này cho thấy đối với các tác phẩm văn học lớn và dài hơi không nên chia ra mỗi người hay mỗi nhóm lãnh dịch một phần, vì khi ráp lại sự khác biệt ở mỗi phần sẽ lộ ra rất rõ, dù là có thể có người nhuận sắc lại toàn bộ nhưng chắc chắn không thể xóa đi bản sắc của từng người dịch. Về phương diện này, tôi thấy bản dịch Chiến Tranh và Hòa Bình của Nguyễn Hiến Lê ở miền Nam nghiêm túc hơn, và chắc đó cũng là lý do cách đây vài năm Sài Gòn in lại tác phẩm này thì chọn bản dịch của Nguyễn Hiến Lê chứ không dùng bản của nhà xuất bản Văn Học.

Vì ảnh hưởng của Tolstoi đối với tôi sâu đậm và dài lâu như vậy nên khi đến Nga vào mùa hè năm 2000, nghe nói có thể đi thăm điền trang của ông thì tôi vội sắp xếp thì giờ để thực hiện chuyến đi mà trong thâm tâm tôi coi như một cuộc “hành hương.”

Từ Mạc Tư Khoa đi về hướng nam độ 200 cây số thì đến thành phố Tula, từ Tula theo một con đường nhỏ rẽ về hướng tây độ vài mươi cây số nữa thì đến Yasnaya Polyana, điền trang của Tolstoi. Chúng tôi thuê một chiếc tắc xi từ ngày hôm trước, hẹn đúng bảy giờ sáng hôm sau đến đón. Tài xế tắc xi là một người đàn ông trung niên Nga cao lớn phương phi, chỉ biết nói vài tiếng Anh, mọi chuyện giao thiệp đều do anh Nguyễn Minh Cần là người “bảo trợ” cho tôi trong chuyến Nga du này. Xe chạy xuyên qua thành phố thủ đô giờ đi làm buổi sáng nhưng không hề bị kẹt đường, xe cộ ở đây chưa đến độ quá tải như nhiều đô thị khác trên thế giới. Ra khỏi thành phố, xa lộ chạy giữa một vùng đồng quê rộng rãi phong quang, đặc biệt ít thấy cảnh làng mạc, có lẽ vì đất ở đây rộng quá, xen vào những cánh đồng thường là rừng.

Bên mộ Tolstoi: Tác giả (trái) và người tài xế taxi từng đóng vai Nga Hoàng trong phim Chiến Tranh và Hòa Bình từ tiểu thuyết cùng tên của Tolstoi, do Liên Xô sản xuất.
Anh Cần ngồi phía trước cạnh bác tài, hai người trao đổi chuyện trò suốt chuyến đi, và chỗ nào lý thú thì anh Cần dịch cho chúng tôi nghe, và chúng tôi thỉnh thoảng cũng góp chuyện (“chúng tôi” đây gồm có tôi và một người bạn nữa cùng đi với tôi từ Mỹ sang). Bác tài cho biết ông ta chưa đi đến điền trang của Tolstoi lần nào, nhưng tỏ ra biết về tác giả này khá nhiều. Trong một tuần lễ ở Nga, tôi để ý những hiệu sách vào giờ tan sở buổi chiều thường đông nghẹt người, điều đó chứng tỏ người Nga rất chú ý đến sách vở. Anh Cần cũng cho biết “người Nga họ ham đọc sách lắm, trình độ đọc nói chung khá cao, và họ cũng ham thích các môn nghệ thuật khác.”
 Phòng ăn trong dinh thự của Tolstoi. Từ trái: Tác giả, anh Nguyễn Minh Cần, người tài xế taxi

Vậy việc ông tài xế tắc xi nói về tác phẩm Tolstoi thì cũng không có gì lạ, cũng giống như một người Việt Nam có học nói về truyện Kiều hay Nhất Linh, Khái Hưng. Nhưng vẫn có điều lạ ở người tài xế này, một chuyện rất thú vị có liên quan đến Tolstoi, và duyên đưa đẩy thế nào hôm nay lại là người lái xe đưa chúng tôi đi thăm nhà của văn hào. Ông ta nguyên là diễn viên điện ảnh, do có vóc dáng rất oai vệ nên thường đóng các vai vua chúa, quý tộc, chức sắc tôn giáo, và chính ông đã thủ vai Nga hoàng trong phim Chiến Tranh và Hòa Bình quay từ tiểu thuyết cùng tên của Tolstoi do Liên Xô sản xuất trước đây. Sau cuộc đổi đời của Liên Xô hồi đầu thập niên 90, ông rời điện ảnh, và bây giờ kiếm sống bằng nghề tắc xi. Tôi hỏi ông đã xem phim này do Mỹ sản xuất chưa, ông trả lời đã xem, và cho rằng phim Mỹ thực hiện khá đầy đủ các hình thức của đời sống Nga, nhưng phần tâm hồn Nga thì không thể hiện được bao nhiêu. Tôi tự nhủ về Mỹ thế nào cũng phải tìm cuốn phim Chiến Tranh và Hòa Bình do Liên Xô sản xuất, để xem có nhận ra ông Nga hoàng lái tắc xi này không, nhưng đã một năm rưỡi trôi qua, ý định của tôi vẫn chưa được thực hiện.

Đọc tiểu thuyết Nga tôi thường gặp địa danh Tula, hình như trong Chiến Tranh và Hòa Bình cũng có, nên khi xe đến thành phố này tự nhiên tôi có cảm tưởng quen thuộc lắm. Phố xá chẳng lấy gì làm diêm dúa và cũng không mang một phong cách đặc biệt nào, vì thế dễ cho người ta cảm tưởng đã bắt gặp một lần ở đâu đó. Vì tài xế không biết rõ đường về điền trang Yasnaya Polyana nên chúng tôi được dịp đi xuyên theo suốt chiều dài của thành phố, để rồi phải quay trở lại mới tìm ra đúng đường. Đó là một thành phố kỹ nghệ khá lớn, chuyên về sản xuất vũ khí, đường sá xưa cũ và bụi bặm, và chính điểm này đem lại một cảm giác gần gũi cho một du khách Việt Nam. Nhưng khi vào đường nhỏ về thôn quê thì khác hẳn, cảnh hai bên đường xanh tươi thơ mộng, càng đi càng vào sâu với thiên nhiên, bỏ lại ồn ào bụi bặm phía sau.

Tôi đã đọc đâu đó là cổng của điền trang Yasnaya Polyana hai bên có hai cái tháp, nên khi nhìn thấy là tôi biết ngay đã đến nơi, mặc dù hai cái trụ cổng vĩ đại ấy theo tôi không phải là hai cái tháp. Đó chỉ là cái trụ cổng làm giả hình tháp, hay đúng hơn, hình cái điếm canh, to lớn, vững chắc, hơi nặng nề theo phong cách Nga. Hai trụ cổng chỉ đóng vai trò đánh dấu ngõ vào, không có cửa đóng, nhưng khi du khách vừa qua khỏi cổng thì có bảng chỉ dẫn ghé vào một cái ki-ốt nhỏ bên tay trái để mua vé, vì điền trang này từ lâu đã được nhà nước quản lý như là một bảo tàng về Tolstoi. Có vé rồi thì mọi người có thể thong dong đi dưới hàng cây cao bóng mát để dần vào phía bên trong, càng đi càng thấy như mình đang lần hồi ngược đường vào quá khứ. Viện bảo tàng nào chẳng là nơi cất giữ quá khứ, nhưng điền trang Yasnaya Polyana là một quá khứ sống, cây cối vẫn rì rào, ao hồ vẫn gợn sóng, và những dấu vết thuộc đời sống của nhà văn hào vẫn còn lưu giữ khắp nơi đúng như lúc ông còn sinh thời.
Buồng tắm ao lộ thiên của Tolstoi 
Anh Cần kéo chúng tôi xuống bờ ao xem một cái nhà tắm lộ thiên cất nửa trên đất nửa dưới nước, vây quanh bằng những tấm phên có lẽ đan bằng một loại cây leo. Bên trong, từ trên sàn gỗ có một cái cầu thang bắc thẳng xuống nước để người đi tắm có thể xuống ngâm mình dưới ao mà vẫn được các tấm phên che gió. Đó là nơi tắm ao trong mùa đông của Tolstoi. Tôi lấy làm lạ cho cách tắm này, mùa đông Nga thì hẳn nhiên lạnh lắm, vậy sao người ta vẫn có nhu cầu ra tắm ngoài trời? Trong điền trang mênh mông này có khá nhiều ao hồ, những nơi mà Tolstoi đã tắm táp bơi lội suốt đời, từ khi còn niên thiếu cho đến khi râu tóc đã bạc phơ. Năm ông sáu mươi tuổi, một lần nhà văn trẻ Anton Tchekhov đến thăm ông, đã thấy ông nhảy ùm xuống nước bơi nhẹ nhàng, tóc và râu bạc nổi lềnh bềnh trên làn nước xanh. Nội cái việc tắm của Tolstoi thôi đã cho chúng ta biết thế nào là nếp sống nơi điền trang. Thật ra, điền trang cũng tức là thôn quê, dù là thứ thôn quê quý tộc, sinh hoạt nơi thôn dã về căn bản thì vẫn giống nhau. Nhất là cái việc bơi lội dưới sông dưới hồ — một hình thức sinh hoạt con người hòa lẫn vào với thiên nhiên nhiều nhất — thì dù anh nông nô hay ông bá tước thì vẫn mình trần như nhộng, cùng làm nhữngđộng tác lặn hụp giống nhau. Phải chăng sự kiện đã sinh ra, lớn lên và sống gần trọn đời tại nơi này đã góp phần vào tư tưởng nhân đạo, bình đẳng của Tolstoi?

Qua một cánh rừng thì bắt đầu thấy thấp thoáng tòa dinh thự đàng xa. Vừa thấy ngôi nhà to lớn ấy, tự nhiên những hình ảnh đã đọc trong Chiến Tranh và Hòa Bình ùn ùn kéo về đầy cả tâm trí tôi, tựa hồ cuốn sách ấy chính là cuộc đời vây quanh tác giả của nó vậy. Nhiều người trong gia đình và cả chính ông nữa, đã được Tolstoi mô phỏng để xây dựng nhân vật, thì cái điền trang này cũng vậy, đã xuất hiện nhiều lần trong tiểu thuyết của ông.

Năm Tolstoi mười chín tuổi thì anh em ông bắt đầu chia gia tài, và chính ông xin phần hoa lợi kém nhất, là điền trang này và một số ruộng khoảng một ngàn rưỡi hecta với hơn ba trăm nông nô, và chàng thanh niên trong một thời gian đã tự mình cai quản dinh cơ ruộng đất với quan niệm sống một đời lành mạnh đạo đức gần thiên nhiên. Ngôi nhà mà chàng đã sống là một tòa biệt thự rất lớn bâygiờ vẫn còn nguyên vẹn, kiểu cách tương đối giản dị, có lẽ để hợp với cảnh thôn quê. Quanh nhà chỉ có vài bãi cỏ chứ không có vườn tược trồng hoa hay cây ăn trái, và tiếp đó là rừng.

Ở cửa vào Bảo tàng — tức là vào nhà Tolstoi — người ta để một đống dép bằng da sống, kích thước rất to, khách cứ để nguyên giày mà đi thêm dép trước khi vào thăm bên trong, chắc là nhằm bảo vệ sàn nhà. Hình thù những đôi dép khá đặc biệt, to bè bè và rộng thênh thang, nhưng có giây rất dài để có thể quấn quanh mắt cá chân mấy vòng và buộc lại thì rất chắc, không dễ sút ra như người ta tưởng. Tôi có cảm tưởng những đôi dép này là nhái theo kiểu của nông dân Nga, để tạo cho cuộc viếng thăm của khách một cung cách thôn dã. Vào thăm trong nhà phải mua vé, và người ta còn cho biết nếu muốn chụp ảnh thì phải trả thêm năm chục rúp nữa.

Tòa nhà được giữ gìn nguyên vẹn như hồi còn Tolstoi, vào thăm trong nhà tức là thăm đúng cái không gian sống của ông. Cách bài trí sang nhưng không xa hoa kiểu cách. Nhìn những hình ảnh thân mật trong cuộc sống của nhà văn, như phòng ăn, tủ sách, bàn viết, giường ngủ... người ta cảm thấy như mọi cái vẫn còn giữ hơi ấm của sinh hoạt hàng ngày của ông, hình ảnh ông dường vẫn ra vào đâu đây. Chứng cớ của đời sống ấy thật quá và được lưu giữ đầy đủ. Trên bàn làm việc cái ống bút và tập giấy vẫn còn đấy, như chỉ chờ chủ nhân ngồi vào sáng tác. Phòng ăn đã được bày bàn, đĩa, dao muỗng khăn ăn đầy đủ đợi ông ra dùng bữa. Và cái giường ngủ gọng đồng nhỏ hẹp của Tolstoi với chiếc gối cao, khăn trải giường chạy những hoa văn hình kỷ hà khá cổ điển, trên chiếc bàn đêm có chiếcđồng hồ nhỏ và một cây nến cháy dở, mọi thứ có lẽ y nguyên như lúc bốn giờ sáng ngày 28 tháng Mười năm 1910, là lúc ông thức dậy và bỏ nhà ra đi, lần cuối. Năm ấy ông 82 tuổi, bị nhiều dằn vặt khổ sở do bà vợ mang lại, cuối cùng quyết định bỏ
nhà ra đi, và mất ở nhà ga Astapovo ngày 7 tháng 11.

Chúng tôi không thể đi thăm hết 32 phòng trong dinh thự này, mà chỉ đến một số phòng Tolstoi đã sống, ở đó trưng bày, hay đúng hơn là còn giữ nguyên các đồ dùng hằng ngày của ông. Những phòng còn lại thì trước kia dành cho khách khứa, trong đời của ông có nhiều khách đến thăm lắm. Với tư cách là nhà văn, tên tuổi của ông vang lừng bốn bể, văn nhân tài tử đến với ông đã đành rồi, ông lại có thêm rất nhiều “đệ tử” đi theo tư tưởng nhân đạo bất bạo động của ông lui tới nhà ông liên tục. Ông nổi tiếng đến nỗi thời bấy giờ người ta gọi ông là “đệ nhị Sa-hoàng,” và điền trang của ông đã biến thành một loại tiểu triều đình vô cùng tấp nập!
Một góc phòng gia đình
Cách dinh cơ chính không xa là một ngôi nhà khác trước kia là trường học Tolstoi lập ra để dạy dỗ con cái nông nô. Đây cũng là một bảo tàng nữa, trưng bày nhiều thứ liên quan đến tác giả Chiến Tranh và Hòa Bình và thời đại của ông, đặc biệt có cả một cái máy ghi âm thời đầu thế kỷ 20, mà nhờ một máy khuếch âm của ngày nay, người ta có thể cho khách nghe giọng nói của Tolstoi đã được thu từ thời ấy.

Thăm nhà của nhà đại văn hào với bao nhiêu dấu vết xưa còn tồn giữ dĩ nhiên là một việc rất cảm động và hữu ích, nhưng đi lang thang trong những khu rừng trong điền trang của ông mới thật là thích thú. Cây cao vút rì rào như nước Nga từ một thế kỷ qua chẳng có gì thay đổi, những chuyện cách mạng, nội chiến, độc tài,
thanh trừng, trại tập trung, đi đày Sibérie... như là những chuyện thuộc về một thế giới khác, còn đây là cõi của Tolstoi. Tại điền trang này Tolstoi đã sinh ra, lớn lên và cư ngụ phần lớn đời của mình, nơi nhà văn hào viết nên những tác phẩm bất hủ và suy nghĩ, tự đấu tranh để tu thân và lập thuyết cứu đời. Tại đây nhà văn đã đến với Phật giáo, đã viết ra tư tưởng bất bạo động, và chính những điều ông viết đã ảnh hưởng lớn đến Gandhi, người đem thuyết bất bạo động vào đấu tranh thực tiễn.

Sau khi ông mất ở Astapovo, người ta đưa thi thể ông về mai táng tại điền trang. Điều gây bất ngờ lớn lao nhất cho một người đến thăm điền trang của Tolstoi chính là ngôi mộ ông. Nó đơn giản quá sức, đến độ như một ngôi mộ hoang, hệt như Nguyễn Du đã tả sè sè nấm đất bên đàng, rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh.

Cỏ trên mộ ông thì xanh tốt chứ không có vàng (có lẽ vì chưa đến mùa thu), nhưng đúng là ngôi mộ bên đàng, và chỉ là một nấm đất đơn sơ thấp thấp, nằm ngay bên một lối đi hun hút trong rừng, dưới một tàng cổ thụ, không mộ bia, không một viên đá viên gạch. Ngoài một cái nấm nhỏ bé nhô lên khỏi mặt đất, không có một công trình nào do bàn tay con người can thiệp vào nơi an nghỉ cuối cùng của nhà văn. Ông hoàn toàn hòa nhập vào thiên nhiên quanh ông, thiên nhiên của ông nếu ta muốn đem một chút gì gọi là sở hữu vào đây. Vâng, đây là đất của ông, nên mộ ông tuy giống mộ hoang nhưng không phải là mộ hoang. Cả điền trang này là nơi ông sống và nơi ông chết, khi sống thì cả điền trang là nhà ông, khi chết thì cả điền trang là mộ ông, cần gì phải dựng bia xây mộ nữa? Những giòng chữ đại loại: Nơi đây an nghỉ nhà đại văn hào... mà đặt nơi đây có lẽ chỉ mang lại cảm giác buồn cười. Chẳng có văn hào, nhà tư tưởng nào ở đây. Chỉ có một Con Người nằm dưới gốc cây, nghe gió rì rào trong cây, và xa xa, tiếng sóng vỗ nơi vô số ao hồ. Sách vở, sự nghiệp xin để lại ngoài kia, ngoài thế giới mà loài người còn đang tiếp tục sống, để người ta đọc, người ta cười, khóc, và người ta tranh luận...

Còn ở đây, con người lớn lao ấy đang yên nghỉ.

Suốt trong mấy mươi năm nước Nga sống trong chế độ cộng sản, có thể điền trang này của Tolstoi là nơi duy nhất không có bàn tay phá phách của “cách mạng.” Sự nghiệp của Tolstoi chỉ là chữ nghĩa và ý tưởng, nhà cửa ruộng vườn và rừng cây này chỉ như là kỷ niệm ông trao lại cho đời sau, nó hiện diện nơi này như làm chứng cho cuộc đời một người luôn luôn muốn đem lại những gì tốt đẹp cho kẻ khác. Ông là một nhà văn rất lớn, nhưng hơn thế nữa, ông mang một nỗi khao khát sửa đổi thế giới quanh ông bằng những cải cách, vừa xã hội vừa trong tâm hồn con người.

Từ những dòng chữ trong Viết Và Đọc Tiểu Thuyết của Nhất Linh cho đến nước Nga và điền trang Yasnaya-Polyana của Tolstoi đối với tôi đều là những cơ duyên đầy sung sướng, có thể cách nhau rất xa trong không gian và thời gian, nhưng cũng có thể chỉ là một, tất cả chỉ dồn vào một cái chớp mắt trong lòng tôi. Nếu không có Nhất Linh liệu tôi có đến với Tolstoi như tôi đã đến không? tôi có bị thôi miên bởi ông phù thủy Dostoievsky, có cảm động say mê cơn mưa trong bình minh của Pautopsky, có trò chuyện với bác sĩ Zhivago? (1). Chuyến đi Nga của tôi ngẫm lại là một chuyện phải tới, dù là lần đầu tiên mà thực chất là một chuyến “về lại” một chốn xưa cũ của lòng tôi; riêng cuộc đi về điền trang Yasnaya-Polyana thì gọi là “hành hương”cũng được tuy là hơi có vẻ cường điệu theo kiểu tôn giáo không hợp với tạng người của tôi, hoặc gọi là về thăm một chỗ quen biết xưa thì đúng với thực chất hơn. Đứng bên mộ Tolstoi tôi cảm thấy lòng thanh thản như đối diện với một cái gì lớn lao mà giản dị, như kiểu gần một vị chân tu. Dưới tàng cây gió thổi bên cạnh nấm đất mộc mạc, tôi như tiếp xúc được toàn bộ tính chất sâu xa, khoan dung, hồn hậu của Tolstoi cũng như bao tác giả Nga khác, họ đã sinh ra, viết lách trên mảnh đất này mà tác phẩm của họ gần gũi với cả nhân loại. Đó là một khoảnh khắc lạ lùng nhất trong đời tôi. Một khoảnh khắc thiên thu.

(1) 'Trò chuyện với bác sĩ Zhivago' là tên một bài viết của tác giả.